SỐ 67 - THÁNG 7 NĂM 2015

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Hà Bạch Trúc dịch

 Chương 4

Mariam rất thích có khách đến nhà. Ông trưởng làng với những món quà, bà lão Bibi lúc nào cũng đau bên hông và ngồi lê đôi mách, và dĩ nhiên ông giáo già Mullah Faizullah. Nhưng không có ai, không có người nào Mariam muốn gặp cho bằng ông Jalil.

Hàng tuần cứ đến tối thứ ba là Mariam đã bắt đầu lo. Cô bé không ngủ được, cứ lo ông Jalil vướng bận công việc làm ăn rồi không tới được ngày thứ năm, và như thế cô bé sẽ phải đợi cả tuần nữa mới được gặp ông. Thứ tư nào nó cũng đi tới đi lui quanh nhà, lơ đãng ném thức ăn vô chuồng gà. Nó cứ đi dạo lòng vòng, không biết làm gì, hết bẻ bông rứt cánh, đến đập muỗi đậu cắn cánh tay. Cuối cùng, đến ngày thứ năm thì nó không làm được việc gì khác ngoài việc ngồi tựa vách, dán mắt nhìn con suối và chờ. Hễ ông Jalil đến trễ thì một nỗi sợ hãi từ từ kéo đến khiến nó cảm thấy hai đầu gối yếu xìu và phải tìm chỗ nằm xuống.

Rồi tiếng bà Nana báo, “Cha mày tới kìa. Bảnh bao chưa”.

Thoạt nhìn thấy dáng cha vừa đi vừa bắn sỏi phóng trên mặt nước, miệng cười toe, tay vẫy vui vẻ, Mariam đứng bật dậy. Nó biết má nó đang theo dõi để dò phản ứng của nó. Phải cố gắng lắm nó mới đứng yên được ở cửa để chờ cha nó từ từ đến gần, thay vì chạy đến đón ông. Nó phải kềm chế mình và kiên nhẫn nhìn ông đi xuyên qua đám cỏ cao, áo vét vắt trên vai và chiếc cà vạt đỏ phắt phơ trong gió.

Tới nơi, ông Jalil ném áo vét lên cái lò đất và dang rộng hai tay. Mariam bước tới, cuối cùng chạy nhanh về phía ông, và ông sẽ nhấc bổng nó lên và thẩy nó lên cao khiến nó hét lên. Lơ lửng trên cao nhìn xuống, Mariam thấy khuôn mặt của cha nó ngước lên nhìn nó, miệng cười thật rộng, cằm chẻ - tựa như cái túi vừa đủ cho đầu ngón tay út của nó đặt vào – hàm răng trắng, trắng nhất ở cái thành phố toàn những người hư răng này. Nó thích bộ ria mép cắt tiả cẩn thận của ông, và nhất là ông luôn luôn mặt đồ vét mỗi khi đến thăm nó, bất kể thời tiết ra sao. Bộ vét màu nâu sậm, màu ông thích nhất, túi trên có vắt chiếc khăn tay trắng xếp hình tam giác, có cả măng xét cài tay áo và cà vạt, thường màu đỏ, nới lỏng. Mariam cũng nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đôi mắt nâu của ông, mái tóc nó bồng bềnh, gương mặt rực lên vì kích động trên nền trời ở phiá sau.

Bà Nana nói sẽ có ngày cha nó chụp hụt và như thế nó sẽ trượt khỏi tay ông, rơi xuống đất gãy xương. Nhưng Mariam không tin. Nó tin rằng nó sẽ luôn luôn rơi một cách an toàn vào đôi tay sạch sẽ và trau chuốt của cha nó.

Họ ngồi bên ngoài căn chòi, trong bóng mát, và bà Nana rót trà cho mọi người. Bà và ông Jalil mĩm cười và gật đầu chào nhau một cách lúng túng. Ông Jalil không bao giờ đá động tới vụ bà Nana chọi đá và chửi bới. Mặc dù bà Nana giận dữ chửi bới khi không có mặt ông, nhưng khi ông đến thăm thì bà lại tỏ vẻ thuần phục và lễ phép. Bà gội đầu sạch sẽ, đánh răng và đội chiếc khăn trùm đầu đẹp nhất. Bà ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đối diện, hai bàn tay đan nhau đặt trên đùi. Bà không nhìn thẳng ông và không bao giờ xử dụng ngôn từ thô bạo khi có mặt ông. Khi cười, bà đưa tay che miệng để dấu cái răng hư.

Bà hỏi thăm về công việc làm ăn của ông và về các bà vợ của ông nữa. Khi bà Nana nói với ông rằng bà nghe bà lão Bibi kể là Nargis, người vợ trẻ nhất của ông, đang mang thai đứa con thứ ba, thì ông Jalil nhã nhặn mỉm cười và gật đầu.

“Thế hẳn ông sung sướng lắm,” bà Nana nói. “Ðứa thứ mấy rồi nhỉ? Mười phải không?”

“Ðúng, mười,” ông Jalil bảo.

“Mười một, nếu tính cả con bé Mariam.”

Ông Jalil về rồi, Mariam và bà Nana hơi cãi nhau về vụ này. Mariam cho rằng bà đã lừa ông.

Sau khi uống trà với bà Nana, Mariam và ông Jalil bao giờ cũng đi câu cá ở ngoài suối. Ông chỉ nó cách quăng dây, cách kéo cá. Ông dạy nó cách móc ruột cá cho gọn, làm cá cho sạch, làm sao lóc thịt cá chỉ bằng một động tác. Trong khi chờ cá cắn câu, ông vẽ hình cho nó coi, ông chỉ nó cách vẽ cả con voi mà không cần nhấc cây viết lên khỏi mặt giấy. Ông dạy nó mấy câu vần rồi hai người cùng hát…

Ông mang đến những bài viết cắt từ tờ báo Ittifaq-i Islam của thành phố Herat, và đọc cho Mariam nghe. Ông là sợi dây nối kết, là bằng chứng rằng ở bên ngoài căn chòi còn có một thế giới rộng lớn hơn, xa hơn cả làng Gul Daman và thành phố Herat nữa, một thế giới trong đó có những vị tổng thống với những cái tên thật khó đọc, có xe lửa, viện bảo tàng và bóng đá, có hỏa tiễn bay quanh trái đất và đáp xuống mặt trăng. Và cứ thế, mỗi ngày thứ năm ông Jalil lại đến, mang theo một mảnh của cái thế giới đó.

Mùa hè năm 1973, lúc Mariam mười bốn tuổi, chính ông là người đã nói cho nó biết rằng vua Zahir Shab, người cai trị từ thủ đô Kabul suốt bốn mươi năm, đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chánh không đổ máu.

“Người anh em họ của nhà vua, tên là Daoud Khan, đã làm chuyện đó trong khi nhà vua đang điều trị bịnh ở bên Ý. Con nhớ Daoud Khan chứ? Cha có kể cho con nghe về ông ta. Lúc con sinh ra, ông ấy đang làm thủ tướng ở Kabul. Nói tóm lại A Phú Hản không còn chế độ quân chủ nữa Mariam à. Bây giờ đó là một nước cộng hòa, và Daoud Khan là tổng thống. Có tin đồn rằng những người theo chủ nghĩa xã hội ở Kabul đã giúp ông cướp chính quyền. Chẳng phải đồn ông theo chủ nghĩa xã hội, mà là những người theo chủ nghĩa đó đã giúp ông. Thế đó con.”

Mariam hỏi người theo chủ nghĩa xã hội là như thế nào, và ông Jalil bắt đầu giải thích, nhưng Mariam có nghe gì đâu.

“Con có nghe không?”

“Dạ có.”

Ông thấy nó đang nhìn vào túi áo khoác cồm cộm của ông.

“À. Phải rồi. Ðược. Ðây này. Không phải nói dài dòng …”

Ông lấy trong túi áo ra một cái hộp nhỏ đưa cho nó. Thỉnh thoảng ông lại mang đến những món quà nhỏ như thế. Khi thì một chiếc vòng đeo tay bằng đá đỏ, khi khác một vòng đeo cổ kết hạt đá màu xanh dương. Hôm đó Mariam mở hộp ra thì thấy một mặt dây chuyền hình chiếc lá lủng lẳng mấy đồng xu khắc hình trăng sao.

“Ðeo thử đi, Mariam.”

Cô bé làm theo và hỏi: “Cha thấy thế nào?”

Ông Jalil cười rạng rỡ. “Cha thấy con giống như một nữ hoàng.”

Khi ông về rồi, bà Nana nhìn thấy mặt dây chuyền trên cổ Mariam.

“Thứ đồ trang sức của bọn du mục,” bà bảo. “Má đã từng thấy bọn họ làm mà. Họ nấu chảy những đồng tiền người ta ném cho, rồi làm thành đồ trang sức. Ðể xem lần tới cha mày có đem vàng tới cho mày không. Chờ xem nhé.”

Mỗi lần đến giờ ông Jalil ra về, bao giờ Mariam cũng đứng ở ngưỡng cửa nhìn theo đến khi ông ra khỏi bià rừng, lòng chùng xuống khi nghĩ đến cả một tuần lễ trước mắt, như một vật thể khổng lồ bất di dịch, ngăn cách nó với lần thăm viếng tới của cha nó. Bao giờ nó cũng nín thở nhìn ông xa dần. Nó nín thở và bấm ngón tay đếm từng giây. Nó giả đò làm như mỗi giây mà nó không thở, thượng đế sẽ ban cho nó thêm một ngày với cha nó.

Ban đêm Mariam thường nằm trên cái giường nhỏ xíu của mình mà tự hỏi không biết ngôi nhà của cha nó ở Herat như thế nào. Nó tự hỏi không biết sẽ ra sao nếu nó được sống với ông, được gặp ông hàng ngày. Nó hình dung cảnh nó đưa cho ông cái khăn khi ông cạo râu, báo ông biết mỗi khi ông cạo đứt. Nó sẽ pha trà cho ông uống, đơm lại nút áo ông mất. Hai người sẽ đi dạo với nhau quanh thành phố Herat, trong cái chợ có vòm mái cong, nơi ông Jalil nói muốn mua gì cũng có. Hai cha con sẽ đi trên chiếc xe hơi của ông và mọi người sẽ chỉ trỏ và bàn tán, “Kìa, Jalil Khan đang đi với con gái của ông ta.” Ông sẽ chỉ cho nó xem cái cây cổ thụ nổi tiếng kia, nơi có một nhà thơ chôn dưới gốc.

Một ngày gần đây, Mariam quyết định, nó sẽ nói cho ông Jalil biết những điều này. Và khi ông nghe nó nói, khi ông biết rằng nó nhớ ông biết chừng nào khi ông vắng mặt, chắc chắn ông sẽ cho nó theo ông. Ông sẽ mang nó về Herat, cho nó sống trong nhà của ông giống như những người con khác của ông vậy.

Chương 5

“Con biết con muốn gì,” Mariam nói với ông Jalil.

Mùa xuân năm 1974 đó, Mariam vừa tròn mười lăm tuổi. Ba người đang ngồi bên ngoài căn chòi, trong bóng mát của hàng dương liễu, trên những chiếc ghế xếp được đặt theo hình tam giác.

“Cho ngày sinh nhật của con, … con biết con muốn gì rồi.”

“Vậy à,” ông Jalil nói, vừa cười khích lệ.

Hai tuần trước đó, do Mariam thúc giục, ông Jalil đã tiết lộ rằng rạp hát của ông đang chiếu một cuốn phim Mỹ. Ðó là một loại phim đặc biệt mà ông gọi là phim hoạt họa. Toàn bộ cuốn phim là một loạt những hình vẽ, hàng ngàn hình nói tiếp nhau tạo thành cả một cuốn phim, khi chiếu lên màn ảnh sẽ gây ảo tưởng là những hình vẽ đang chuyển động. Ông Jalil bảo phim này kể chuyện một người thợ làm đồ chơi già, không con, sống cô đơn và mong muốn có một đứa con trai. Vì vậy người thợ làm một con rối bé trai, và kỳ diệu thay, con rối đó biến thành người thật. Mariam đòi ông kể thêm nữa, và ông Jalil kể rằng ông thợ già kia cùng với con rối của ông đã trải qua đủ thứ cuộc phiêu lưu mạo hiểm, rằng có một nơi gọi là Ðảo Lạc thú, nơi những đứa bé trai hư hỏng bị biến thành lừa. Hai người còn bị cá voi nuốt vô bụng nữa. Mariam có kể cho ông giáo già Mullah Faizullah nghe chuyện phim này.

“Con muốn cha đưa con đi xem phim ở rạp hát của cha. Con muốn xem phim hoạt họa. Con muốn xem thằng bé con rối.”

Nói xong, Mariam cảm nhận ngay có sự thay đổi trong bầu không khí. Cha mẹ nó bồn chồn ngồi không yên trên ghế. Nó biết họ đang nhìn nhau.

“Ý này không hay,” bà Nana bảo. Giọng bà bình tĩnh, có vẻ tự chủ và lịch sự như mỗi khi có mặt ông Jalil, mặc dù Mariam biết bà đang nhìn nó với cái nhìn bất bình và kết tội. Ông Jalil nhấp nhỏm trên ghế, hết ho rồi lại tằng hắng.

“Con biết không,” ông nói, “phim này chất luợng hình ảnh không được tốt. Âm thanh cũng vậy. Còn cái máy chiếu phim thì vừa mới bị trục trặc. Má con nói phải đó. Con nên chọn một món quà khác đi, Mariam.”

“Thấy không,” bà Nana tiếp lời. “Cha con cũng nghĩ như má.”

Tuy nhiên, sau đó ở ngoài suối, Mariam nói với cha, “Dẫn con đi nhé.”

“Cha nói con nghe,” ông Jalil bảo, “cha sẽ cho người đến đón con và đưa con đi xem phim. Cha sẽ bảo người ta chọn cho con một chỗ ngồi thật tốt và con muốn bao nhiêu kẹo cũng được.”

“Không, con muốn cha dẫn con đi.”

“Mariam”.

“Và con cũng muốn cha mời tất cả các anh chị em của con đi nữa. Con muốn gặp họ. Con muốn tất cả mọi người cùng đi. Con muốn như vậy đó.”

Ông Jalil thở dài. Ông quay mặt đi, nhìn về phiá núi. Mariam nhớ có lần ông bảo, trên màn ảnh gương mặt của người ta trông to như cái nhà, còn khi đụng xe thì mình cảm thấy như có kim khí xoáy vô xương của  mình  vậy. Nó hình dung mình ngồi ghế ban công riêng, nhâm nhi kem, cùng với đông đủ anh chị em và cả ông Jalil nữa.

“Ðó là điều con muốn.”

Ông Jalil nhìn nó với vẻ tuyệt vọng.

“Ngày mai. Mười hai giờ trưa. Con sẽ đến gặp cha ở ngay chỗ này. Nghe cha? Mai nghe cha?”

“Lại đây”, ông bảo. Rồi ông cúi xuống, kéo nó vào lòng và ôm nó thật lâu.

***

Thoạt tiên bà Nana đi tới đi lui quanh căn chòi, hai bàn tay nắm mở liên hồi.

“Sao Thượng đế lại có thể ban cho ta một đứa con gái bất hiếu như mày, hả? Tất cả những gì ta đã phải chiụ đựng vì mày. Tại sao mày dám cả gan như thế? Sao mày lại dám bỏ mẹ mày như vậy hả, đứa con hoang phản bội kia!”

Rồi bà mỉa mai. “Mày thật là một con nhỏ ngu ngốc. Mày tưởng mày quan trọng lắm hả, mày tưởng người ta cần mày lắm hả? Mày tưởng người ta coi mày như con hả? Tưởng người ta cho mày ở chung nhà với người ta hả? Ðể ta nói cho nghe nè. Trái tim của đàn ông là cái thứ tồi tệ nhất. Nó không như cái tử cung của người đàn bà. Nó không chảy máu, nó không nở ra để có chỗ chứa mày đâu. Má là người duy nhất thực sự thương mày. Má là tất cả những gì mày có trên đời này đó, Mariam. Một khi má không còn nữa thì mày sẽ không còn gì nữa hết. Mày sẽ không còn gì nữa đâu. Mày chẳng là gì cả!”

Rồi bà muốn làm cho nó cảm thấy tội lỗi.

“Má sẽ chết nếu mày bỏ đi. Âm hồn sẽ nhập vô và má sẽ lên cơn. Má sẽ nuốt lưỡi và chết. Ðừng bỏ má nhe Mariam. Hãy ở lại đây. Nếu mày đi, má sẽ chết.”

Mariam không nói gì hết.

“Mariam, mày biết má thương mày mà.”

Mariam nói nó đi dạo một chút.

Nó sợ nếu nó ở đó, nó sẽ nói những điều làm tổn thương má nó: rằng nó biết cái vụ âm hồn nhập chỉ là bịa đặt, rằng ông Jalil đã cho nó biết đó chỉ là một căn bịnh có tên hẳn hòi và có thuốc chữa trị. Nó sợ nó sẽ hỏi bà Nana tại sao bà từ chối gặp bác sĩ của cha nó mặc dù ông đã nhiều lần thuyết phục, và tại sao bà không chịu uống thuốc ông mua cho bà. Nếu nó có can đảm, nó sẽ nói cho bà Nana biết rằng nó đã quá mệt mỏi bị xử dụng như một công cụ cho một mục đích, bị lừa dối, bị lợi dụng. Rằng nó quá chán chường vì bà Nana luôn luôn bóp méo sự thật về cuộc sống của hai người, và vì bà dùng nó để làm lý do than trách đời.

Má sợ, nó sợ nó sẽ nói như thế, má sợ con sẽ tìm được cái hạnh phúc mà má không hề có. Và má không muốn con được hạnh phúc. Má không muốn con có cuộc sống sung sướng. Má chính là người có trái tim độc ác.

Ở chỗ đất trống nơi bìa rừng, có một nơi Mariam hay tới ngồi để theo dõi và quan sát cảnh vật. Bây giờ nó đang ngồi đó, trên cỏ khô ấm áp. Phía dưới, thành phố Herat hiện rõ như một bàn cờ: Khu Vườn Phụ Nữ về phía bắc thành phố, chợ Char-suq và tàn tích cổ thành của đại đế Alexander về phiá nam. Ở xa xa, nó  nhận ra các tháp giáo đường Hồi, như những ngón tay bụi bặm của ông khổng lồ, và đường phố mà nó tưởng tượng tấp nập đầy người, xe ngựa và lừa. Nó nhìn thấy những con chim én bay lượn trên không và cảm thấy ghen tị với chúng bởi vì chúng đã đến được Herat. Chúng đã bay qua giáo đường Hồi và khu chợ ở đó. Có thể chúng đã đậu lên tường nhà của ông Jalil và cả lên các bậc thềm rạp hát của ông nữa.

Nó nhặt mười viên sỏi và xếp thành ba hàng thẳng đứng. Ðây là trò chơi bí mật của nó, thỉnh thoảng khi bà Nana không để ý. Ở hàng đầu, nó đặt bốn viên sỏi, tượng trưng cho bốn người con của bà Khadija, hàng thừ nhì ba viên cho ba người con của bà Afsoon, và ba viên ở hàng thứ ba cho các con của bà Nargis. Rồi nó thêm hàng thứ tư. Một viên sỏi lẻ loi thứ mười một.

***

Sáng hôm sau, Mariam mặc chiếc áo màu kem dài đến gối, quần vải bông, và khăn trùm đầu màu xanh lá cây. Nó hơi buồn vì chiếc khăn màu xanh không hợp với áo, nhưng phải chịu thôi vì chiếc khăn màu trắng đã bị mọt ăn thủng mấy lỗ. Nó nhìn đồng hồ, chiếc đồng hồ lên giây thiều bằng tay, với những con số màu đen trên nền xanh bạc hà, quà tặng của ông giáo già.  Ðồng hồ chỉ chín giờ. Nó tự hỏi không biết bà Nana đi đâu, định đi tìm bà nhưng rồi nó ngại phải chạm trán với cái nhìn đau khổ của bà. Thế nào nó cũng bị bà Nana buộc tội phản bội. Thế nào bà cũng nhạo báng nó đã có những tham vọng sai lầm.

Mariam ngồi xuống. Nó cố quên thời gian bằng cách vẽ đi vẽ lại hình con voi bằng một đường viết một  như ông Jalil đã dạy. Nó ngồi đến tê cứng cả người nhưng không dám nằm xuống vì sợ nhăn quần áo.

Cuối cùng khi kim đồng hồ chỉ mười một giờ rưỡi, Mariam bỏ mười một viên sỏi vô túi và rời khỏi nhà. Trên đường đến suối, nó nhìn thấy bà Nana ngồi trên chiếc ghế, trong bóng mát dưới gốc cây liễu. Nó không chắc bà Nana có nhìn thấy nó hay không.

Ðến bờ suối, Mariam đứng chờ ở chỗ hai người đã ước hẹn ngày hôm qua. Trên trời, những đám mây xám hình súp lơ lững lờ trôi. Ông Jalil từng dạy nó rằng sở dĩ mây màu xám là vì mây dày quá nên phiá trên hút hết ánh sáng mặt trời, phiá dưới chỉ còn cái bóng. Cái mà con nhìn thấy được, ông nói, đó là bóng tối dưới bụng của mây.

Thời gian trôi qua.

Mariam quay trở lại nhà. Lần này nó đi vòng qua phiá tây bià rừng để khỏi ngang qua bà Nana. Nó lại nhìn đồng hồ. Ðã gần một giờ.

Cha là một thương gia, Mariam nghĩ. Chắc có chuyện gì đã xảy ra.

Nó lại ra suối chờ một lúc nữa. Trên không, sáo bay lượn vòng rồi xà xuống đâu đó trên cỏ. Nó theo dõi một con sâu chậm rãi bò dưới gốc cây nhỏ. Nó chờ cho đến khi hai chân tê cứng. Lần này nó không trở về nhà, nó xắn hai ống quần lên tới đầu gối, lội qua suối và lần đầu tiên trong đời, nó xuống đồi tiến về Herat.

(còn tiếp Chương 5)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015