SỐ 68 - THÁNG 10 NĂM 2015

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

Chương cuối (tiếp theo)

Dì Nơi áo khăn chỉnh tề bước lên hiên quán, vừa lúc nghe được mẩu đối  thoại giữa Hường Vi với Jeanette. Bà nhìn hai thằng cháu đang bước vội xuống Bãi Hương về phía cầu tàu lố nhố du khách đang rời tàu cao tốc từ Hội An ra. Bà khoát tay ra dấu cho Jeanette đi theo bạn trai.

- Cháu mau đi theo Đăng ra đón bà con. Cô Hường Vi nếu cảm thấy không thoải mái thì cứ đứng đây với tui, mình chờ họ lên rồi chào hỏi cũng được.

Hường Vi tươi tỉnh lại, cảm ơn bà Nơi đã giúp cô tránh được giây phút ngại ngần lúng túng với người lạ của gia đình Huy.  Nàng hoạt bát hẳn lên.

- Để cháu đoán bà nhé !? Cụ bà tóc trắng mặc kimono chắc chắn là bà nội của bé Eidan, cô gái đứng cạnh bà trông trắng hồng xinh thế kia hẳn là em của anh Huy. Còn các cô bác kia, cả anh chàng dáng trông hiền hiền đứng bên Hà thì cháu chả dám đâu, chỉ sợ đoán gà lại hóa quốc… Bà Nơi uống nước cam tươi nhé, để cháu gọi.

Dì Nơi lắc đầu từ chối, gọi người hầu bàn mang trà nóng.

- Ông Chấn là em của bà ngoại Đăng. Cậu thanh niên thì tôi chưa gặp bao giờ, có lẽ là bạn quen với cháu Hà.
- Thế người đứng cạnh cô Nữ trông rất sang trọng là ai thế hở bà?
- Bà ta là người rất có thế lực ở Hội An. Rồi cháu sẽ biết bà ấy là ai.  Dì Nơi phân vân thở dài… Đời người khúc mắc, chồng chéo vào nhau bởi số phần thì biết bắt đầu từ đâu mà vắn tắc vài câu giới thiệu hả cháu ?

Hường Vi đỡ bà Nơi ngồi vào ghế. Cô ngại ngần nhìn nhóm người đang vui vẻ nói cười bước về phía nhà hàng.

Phòng ăn đầy ắp tiếng chuyện trò, có lẽ mọi người đã qua giây phút hồi hộp xúc động lúc giới thiệu, hỏi chào nhau ở bến tàu. Huy dắt tay em đến gần Hường Vi, sau lưng cô là người bạn trai dáng vóc nho nhã hiền lành. Hai cô gái bặt thiệp tự giới thiệu mình. Hà thân mật nắm tay Hường Vi.

- Em có nghe O Nữ nói chị nấu bún riêu ngon lắm. Em thích ăn cay, nếu anh Huy ‘chạy làng’ thì em sẽ ăn thế cho. Hà tươi cười quay sang bạn trai… Còn đây là anh Viễn Bình. Anh từ Hồng Kông sang Tokyo du học. Tụi em quen nhau sau lớp Thống kê đại cương của ‘giáo sư’ Viễn Bình.

Người thanh niên khiêm nhường lắc đầu.

- Cô này thật! Tôi chắc các anh chị ở đây ai cũng đã làm việc này lúc còn ở trường. Tôi chỉ phụ giảng lúc sửa soạn làm luận án để kiếm tí tiền còm phụ trả học phí. Viễn Bình liếc nhìn Hà…Ở Nhật đắt đỏ lắm, may mà thời gian sau này lúc nào ‘đọi’ quá lại được Hà cho ăn cơm ké.
- Cơm hay là mì gói bảy món!?

Đăng tinh nghịch nhìn cô em họ sau câu đùa của nàng.

- À, thì ra có người nấu cơm ‘mua’ điểm để tốt nghiệp đại học. Phải méc dì Nữ mới được! Hèn chi bà Mitzuki Nguyệt cứ phải mua gạo lia lịa.

Jeanette kéo tay áo Đăng, làm bộ đay nghiến.

- What about you, Đăng? Nghi lắm nghe! Vậy thì ông giáo sư Đăng ‘bán” điểm cho cô nào để nuôi ‘thây’ đây? Spaghetti hay burrito? Hồi đó tui đâu đã biết nấu cơm.
- Don’t sell yourself  short, my dear! Em nấu nước sôi và luộc trứng thì chẳng ai sánh bằng.

Mọi người cười vang sau những câu nói bông đùa.  Quế đứng nhìn bầy trẻ trò chuyện tươi vui, dằn lòng nén cơn xúc động đang chực dâng trào. Nếu Huân còn sống có lẽ giờ phút này cũng đang nói cười bên hai em của mình. Nàng cúi mặt, cố trấn tỉnh cho nước mắt đừng rơi. Lúc ngẩng đầu nhìn lên tia mắt bà cũng vừa chạm ánh mắt xanh thẳm dịu vời dưới mái tóc vàng óng của cô bạn gái Đăng.

- Cô đẹp quá! Ngay lúc mới thấy cô bước xuống tàu, cháu đã tự hỏi không biết thời trẻ cô đẹp tới mức nào.
- Khéo nói lắm, nhưng ý cháu có phải là bây giờ cô già rồi phải không? Quế khẽ cười, khoát tay bỏ qua lời xin lỗi của cô gái… Mà tôi già thật rồi! Con trai tôi nếu còn sống cũng cùng trang lứa với các cháu.

Jeanette xúc động thoáng hiểu vì sao. Có lẽ dì Nữ đã nhìn thấy đôi mắt dấu lệ của Quế vì mắt dì cũng thế, còn lóng lánh lệ. Dì Nữ nắm tay cô Quế đến trước mặt anh em Huy, Hà.

Quế ơi, chị vẫn trẻ mãi không già…Dì Nữ khẽ nói thầm rồi mộc mạc hát bài thơ Quang Dũng. Em mãi là hai mươi tuổi. Ta mãi là mùa xanh xưa…Em tuổi hai mươi. Yêu anh hào hiệp. Bỏ em, anh đi. Đường hai mươi năm. Dài bao chia ly. Có những vợ chồng. Không là trăm năm. Mà tình yêu thương. Sông ơi! Dài sao. Rộng ơi! Biển cả. Thôi em nước mắt. Đừng rơi lã chã!... Hai người đàn bà ôm chầm nhau, nước mắt lã chã rơi. Căn phòng nín đọng, mắt ai cũng lệ nhòa.

Jeanette ngước mắt nhìn dì Nữ môi hé cười với chú Hiroshi bồng bé Eidan đứng sau lưng mẹ vỗ về.  Jeanette níu chặt tay Đăng, nàng nhìn sâu vào nét mặt vừa hân hoan vừa mệt mỏi xót đau một cách lạ lùng của dì Nữ. Nàng ngỡ như đang nhìn một lực sĩ chạy việt dã vừa về tới đích, nằm mệt ngất trên mặt đường mà môi nở nụ cười.

Dì Nữ cất giọng run run khản nghẹn vì xúc động.

- Từ sáng tới giờ, các cháu có lẽ ai cũng tò mò nhưng chưa biết rõ cô Quế là ai. An bài của định mệnh đã khiến xui những phận đời gặp nhau, hiện thực cơn mơ dài suốt cuộc đời… Hai cháu Huy và Hà còn một người anh tên Huân đã qua đời từ lâu. Mẹ của Huân chính là cô Quế, người bạn tình đầu của bố Niên nhưng duyên nợ không thành.  Từ sau năm bảy lăm đã có quá nhiều cảnh đời như thế. Phận người phân ly, cách trở vì mệnh nước nên gây ra nhiều cảnh éo le. 

Nước mắt cô Quế lăn dài trên má.

- Hôm nay gặp được hai cháu Hà, Huy là một diễm phúc lớn cô vẫn hằng mơ. Nhìn thấy hai con của anh Niên trưởng thành khôn lớn cô vui lắm. Giọng cô chùng xuống, nghẹn ngào… Phải chi Huân còn sống thì trọn vẹn biết bao. Âu cũng là an bài của số phận.  Ngày mai vào đất liền cô đưa hai cháu đi thăm mộ anh.

Cô Quế ôm Hà vào lòng, cô gái khóc rưng rức. Hà vẫn nhớ đêm cùng dì Nữ đưa mẹ đến viếng linh cửu anh Huân vì ‘dù sao cũng là chỗ quen biết’ lúc mẹ chép miệng tiếc thương giữa cơn ho sù sụ điếng lòng.

Đăng xúc động nhìn người anh họ đang ôm mặt. Chàng thanh niên cứng cỏi, bất cần đời đang khóc nấc như một đứa trẻ. Đăng thầm nghĩ cuộc gặp gỡ đong đầy định mệnh hôm nay sẽ mãi mãi thay đổi Huy, thay đổi chính anh. Tình thâm huynh đệ, gia đình sẽ giúp chúng ta quân bình cuộc sống với- đuổi- lăn- quay không kịp để lại vết tích, kỷ niệm. 

Bà Mitzuki Nguyệt chậm rãi đến trước mặt Huy. Bà vuốt tóc anh, miệng nở nụ cười đôn hậu.

- Tôi biết anh đang khóc vì vui.  Biết mình được bảo bọc bởi người thân, gia đình, huynh đệ  là một cảm giác hạnh phúc hiếm hoi. Trời Phật ngó lại đã cho các cháu, cho chúng ta một chuyến đi, một nơi đến hạnh ngộ trùng phùng thật chẳng có chi bằng. 

Bà quay sang con dâu, ngọt ngào giọng Huế.

- Nỗ lực suốt đời con đã giúp gặt hái được quả ngọt hôm nay. Con đang đến đích, đang làm hết những gì mình có thể làm. Chỉ còn lại chút số phần thì chẳng sá chi, hãy an bài với nó mà vui.  Bà chỉ tay về đám con cháu đang đứng sụt sùi… Bầy con cháu ni, coi rứa mà đứa mô đứa nấy đều ra hồn cả đó, đừng lo!

Chú Hiroshi trao bé Eidan cho Hà. Ông chú ít nói ghé vào tai Viễn Bình mấy câu tiếng Nhật. Nghe Hà phiên dịch, mọi người cười vang. Dì Nữ lắc đầu nhìn anh chàng người Hoa, mắt cười nửa thật nửa đùa.

- Cậu Viễn Bình không cần phải hối lộ chú Hiroshi. Tôi chỉ muốn biết anh là ‘mèo trắng’ hay ‘mèo đen’? Có vậy thôi, coi mà trả lời cho khéo.

Cậu Chấn ‘ăn to, nói lớn’ đi về dãy bàn dài đã dọn đầy thức ăn.

- Xin mời! Trắng, đen chi cũng phải ăn. Đói rồi. Có thực mới vực được đạo.

Bữa ăn kéo dài quá trưa mà hầu như ai cũng ít màng tới ăn uống vì mãi hàn huyên tâm sự. Ông Chấn trao cho Viễn Bình mảnh giấy có câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình ông vừa viết xuống.

- Chuyện ‘mèo mỡ’ của cậu Bình ra sao, nói cho mọi người biết với? O Nữ của cháu Hà đang nóng ruột chờ đó.

Những tràng cười phá lên sau câu nói ví von của cậu Chấn. Viễn Bình đọc hàng chữ, đắn đo trả lời.

- Mèo Viễn Bình này ăn chay không biết bắt chuột, chắc con cáo già Tiểu Bình không thích đâu. Còn nếu phải nói về màu của mèo thì hiện nay ở Trung Hoa, cả trắng lẫn đen hay vàng, mèo nào cũng ăn nên làm ra béo lú nhờ bắt toàn chuột đồng. 

Chàng thanh niên Viễn Bình nhìn Nữ, cung kính cúi chào.

- Cháu hiểu O muốn tìm hiểu gia thế của cháu. Một anh chàng tuốt từ bên Tàu đã theo Hà về thăm gia đình. Cháu xin lỗi về sự đường đột của mình.

Bà Mitzuki đặt tách trà xuống bàn.

- Hai cháu có hỏi ý kiến mẹ. Mẹ muốn chúng tạo bất ngờ cho vui, mà vui nhất đây phải nói là cô Hà, cứ cuống lên vì Viễn Bình sắp được gặp ‘superwoman’. Rứa rồi hai đứa lại quay qua thăn thỉ bà già Mitzuki ni đi theo cho được. Thiệt ra thì mẹ cũng có chuyện bất ngờ riêng cho vợ chồng con.

Viễn Bình cảm ơn bà Mitzuki. Anh thở phào nhẹ nhõm, trút hết lo ngại suốt từ hôm qua.

- Cháu có nghe Hà kể rất nhiều về gia đình, về O. Cháu vô cùng khâm phục. Gia đình cháu đã ba bốn thế hệ sinh sống ở Hồng Kông, cũng có lắm chuyện thăng trầm như mọi gia đình khác.

Nửa sau thập niên 1930, mẹ của bà ngoại Viễn Bình làm việc cho một nhóm thiện nguyện người Anh từ tô giới Hồng Kông sang Nam Kinh truyền giáo và giúp trẻ mồ côi.  Cuộc chiến tranh Trung Nhật lần hai mở ra khốc liệt với chiến thắng của quân đội Thiên Hoàng. Thủ đô Nam Kinh thất thủ, người dân Trung Hoa phải quằn quại chịu đựng sự tàn bạo khủng khiếp của phát xít Nhật và những nhóm quân phiệt ô hợp địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn vào cuối năm 1937, hàng ngàn phụ nữ đã bị hảm hiếp, bức hại. Giữa cảnh hung tàn có đóa hoa nhân bản nở ra. Một sĩ quan trẻ Nhật Bản phải lòng thương cô giáo trẻ tại một cô nhi viện. Anh đã tìm mọi cách bảo vệ cô gái khỏi cảnh ô nhục, cơ hàn. Hai tâm hồn đồng điệu cảm thương nhau. Cô gái lén lút gia đình chòm xóm sống với người yêu. Trước khi theo đơn vị chuyển về Trùng Khánh, viên sĩ quan Nhật đã giúp người yêu trốn qua Hồng Kông theo nhóm truyền giáo. Anh tử trận sau đó, không hay biết đã để lại trần thế một bé gái sống mang họ mẹ. Cô bé  lớn lên, quyết chí học hành, lập gia đình sống đời yên ấm bình thường.  Họ may mắn sống trên phần đất Trung Hoa không phải chịu sự đói khó bất công của cải cách ruộng đất, sự ngu đần của cách mạng văn hóa, và cảnh đời thấp thỏm lo âu vì hồng thư, vệ binh đỏ của đảng cọng sản cầm quyền. 

Cha của Viễn Bình đã sống qua thời thơ ấu bình yên ở Hồng Kông vào lúc toàn cõi Trung Hoa là một trại cải tạo khổng lồ, một địa ngục đỏ. Đời con cũng thế, ngày xích sắt xe tăng nghiền nát hàng loạt sinh viên, thanh niên tranh đấu đòi tự do, nhân quyền ở quãng trường Thiên An Môn, Viễn Bình còn chưa qua tiểu học. Cậu bé “ăn chưa no, lo chưa tới’ thấy cảnh đàn áp trên truyền hình vẫn vui đùa vô tư, chỉ biết lo học bài cho xong để kịp chơi game điện tử “bốn nút” với mấy đứa bạn cùng chung cư.

Mùa hè năm cậu thanh niên Viễn Bình lóng ngóng chờ kết quả thi vào đại học thì sự kiện lịch sử trọng đại chuyển giao chủ quyền của Hồng Kông từ Liên Hiệp Anh về tay Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa diễn ra. Tương lai quê hương Cảng Thơm và nền tự do dân chủ đang được mọi người hít thở trở thành nỗi băng khoăn cho mỗi người dân. Giữa lúc
đó thì bà cố ngoại của Viễn Bình qua đời. Cụ bà đã trối trăn lại cho con cháu biết bí mật cụ đã giữ kín suốt đời.

Anh nhớ đó là một ngày bình thường. Anh chẳng buồn hay vui lúc nghe câu chuyện kể.

Tuy thế, vài năm sau, ý nghĩ về chút huyết thống Phù Tang đang luân lưu trong thân thể khiến anh học hỏi, tìm hiểu nhiều về đảo quốc này. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông, Viễn Bình đã không ngần ngại từ chối học bổng đi London để sang theo học chương trình tiến sĩ ở đại học Waseda từ mấy năm nay.

Viễn Bình kể xong chuyện đời mình mà mọi người như còn chìm đắm trong bối cảnh lịch sữ hỗn loạn, suy vi, thăng trầm của Trung hoa suốt gần thế kỷ qua.

Hà rót thêm nước vào ly bạn trai.

- Chuyện đời anh nghe như tiểu thuyết Quỳnh Dao rứa mà chưa bao giờ kể cho em nghe với.
- Hà có bao giờ khảo đâu mà khai… Còn nếu là tiểu thuyết thì có lẽ nghe như Iris Chang nhiều hơn là Quỳnh Dao.
- Anh nhắc tới Iris Chang, vậy thì anh nghĩ sao về ‘The rape of Nanking’?

Viễn Bình nhìn cô gái tóc vàng có đôi mắt sáng tinh anh.

- Chuyện tàn sát, hảm hiếp chắc hẳn là đã xảy ra. Tai kiếp khủng khiếp đó đã giáng xuống đầu lê dân ở Nanking thời bấy giờ.  Tuy nhiên theo tôi, con số có lẽ không quá lớn như chính quyền Trung Hoa đã đưa ra, và hẳn là không quá ít như viên chức, dư luận Nhật bản đã phân bua.  Phát xít Nhật và quân đội Thiên Hoàng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự kiện thảm sát Nanking¸ nhưng cũng đừng quên chính sách tiêu thổ kháng chiến của chính phủ Dân Quốc lẫn Cọng sản lúc bấy giờ và bầy lính thú ô hợp của quân phiệt địa phương cũng đã vấy lắm máu dân lành vô tội trên nhiều vùng đất nước Trung Hoa.

Ông Chấn đặt ly trà vừa uống cạn xuống bàn.

- Lịch sử lắm khi hồ đồ, phiến diện. Thời Đệ nhị thế chiến, Stalin ở Nga giết tập thể hằng triệu người trong các trại tập trung Gulag nhưng chẳng bị thế giới hài tội bao nhiêu so với Phát xít Đức mang tội diệt chủng hơn sáu triệu người người Do Thái.  Sau đó Mao Trạch Đông ở Tàu thời cách mạng văn hóa cũng bách hại hằng triệu triệu người dân vô tội nhưng sử sách chẳng mấy ai nói tới. Ở Việt Nam bộ máy tuyên truyền của cọng sản cũng ‘chìm xuồng’ tội ác giết người thời cải cách ruộng đất hay vụ tàn sát tập thể người dân xứ Huế vào dịp tết Mậu Thân, trong lúc truyền hình, báo chí Mỹ thì quá mau mắn về tội ác của quân đội Mỹ ở Lệ Mỹ, Mỹ Lai, Trảng Bom…

Jeanette nhìn mọi người quanh bàn ăn, nét mặt ai nấy đều chăm chú nghiêm trang. Nàng ngỏ lời xin lỗi Viễn Bình đã vô tình khêu dậy một đề tài khiến mọi người quên vui.

Nàng khéo léo hỏi anh về trò chơi điện tử cô cậu nào cũng ham mê thời mới lớn.

- Lúc nãy anh nhắc tới game điện tử ‘bốn nút’ những năm tám mươi, chín mươi làm tôi nhớ bàn game săn vịt trời bố mẹ mua cho vào dịp sinh nhật lên mười quá.
- Game đầu tiên của tui là Super Mario Bros. Ghiền nó cả năm cho tới lúc vì làm anh lớn phải hi sinh nhường lại cho em út.

Huy nhìn Đăng cười lớn.

- Có người nhớ lộn rồi! Bán lại với giá cắt cổ hay nhường lại, Big Brother phải nói cho rõ.

Đăng già miệng chống chế.

- Thì dì Nương cho ‘anh Đăng’ tiền đi mua game đô vật Kinkeshi chớ chú mầy đâu phải trả cắc nào mà vẫn có Super Mario Bros.

Jeanette gật đầu châm chọc.

- Yep! That’s my Đăng. He’s so predictable.

Quế ngồi nghe những người trẻ đùa vui, nhắc nhớ những trò chơi thời mới lớn khiến nàng đau lòng nhớ con. Cuộc sống u buồn, nhàm chán, không được làm ‘con nít’ của Huân. Ông bí thư huyện tiếp tục bưng bít lai lịch con cháu ngụy quyền của thằng cháu ngoại. Ông ‘lên kế hoạch’ khuôn khổ bé Huân vào một nếp tương lai đảng đoàn sáng lạng. Ngoài thời gian ở trường, bé Huân phải phấn đấu họp hành đoàn toán, đạt chỉ tiêu học sinh tiên tiến, khăn quàng đỏ, cháu ngoan bác Hồ… dưới sự răn đe của ông ngoại và ánh mắt lãnh đạm của người cha hờ.

Đứa bé lầm lì ít nói qua mắt được ông bí thư huyện. Ông ngoại tin tưởng nơi thằng cháu vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’cho gởi đi học xa nhà.  ‘Thành phố Hồ Chí Minh’ đã là nơi Huân lột xác, sống vội sống bù, đua đòi hút xách, hư đốn rồi tận cùng là cái chết non lúc mới vừa qua tuổi hai mươi.

Quế ngậm ngùi cùng Nữ kể lại những kỷ niệm thời gian bé Huân chưa qua tuổi lên mười.  Quế vẫn thường tìm cớ dừng con trước hợp tác xã đèn lồng để O Nữ có dịp nhìn cháu rồi  sa nước mắt. Nàng lén gởi con tới học ở trường Anh văn Thục Nữ để o cháu gặp nhau nhưng chỉ được vài tháng thì tới tai ông ngoại nên bị cấm tiệt.

- Hồi đó chỉ ngày nào Huân đi học anh văn về là mặt mày tươi rói. Tội nghiệp, nghe lời mẹ dặn tới dặn lui không được nói với ai chuyện đi học Anh văn, thế là hai chiều mỗi tuần chưa tới giờ mà anh chàng cứ đi tới đi lui như gà mắc đẻ.

Nữ nhớ rõ như in hình ảnh bé Huân áo quần tươm tất, khuôn mặt giống anh Niên thời trạc tuổi nhưng da dẻ trắng hồng chứ không đen bóng như bố vì dang nắng, lặn hụp bắt cá bắt cua dọc bờ sông Thu suốt những tháng hè. Giọng Nữ rưng rưng.

- Đó là những buổi chiều ngập tràn yêu thương hạnh phúc. Hai o cháu ăn hàng nhiều hơn học Anh văn. Nhìn cháu hau háu chờ, rồi ăn ngon ăn lành những cái bánh xèo cô giáo Nữ vừa đổ bằng lò om, em chỉ muốn òa lên ôm cháu vào lòng mà nói “O Nữ của cháu đây!” nhưng rồi phải đành im lặng, nén cơn xúc động cho lòng thẩm thấu từng phút giây hạnh phúc ngắn ngủi đang có. Nữ trầm ngâm… Cuối cùng rồi o cháu cũng đã nhận ra nhau, nhưng chỉ vào phút giây cuối cùng nhất của đời cháu vắn số. Khuôn mặt gầy rạc, tím xanh chìm trong thinh lặng của căn phòng bệnh viện, ánh mắt lạc thần chợt rướn lên ngời ngợi tinh anh trong một sát na rồi khép lại thiên thu.

Hai chị em mê man kể chuyện ngày xưa, chuyện về quãng đời mình cùng có một người thân đã chết lúc còn xanh. Phòng ăn im lặng tự bao giờ, cuộc trò chuyện sôi nổi vang tiếng reo hò của bầy trẻ nhỏ thuở nào của anh em xa giờ mới gặp nhau đã im tiếng. Họ cúi đầu lắng nghe chuyện đời vắn số của người anh không hề gặp. Người anh đã không có quãng đời thơ ấu ghiền trò chơi game điện tử ‘bốn nút’.

Quế nhìn ra mặt biển đang trở chiều.  Nàng mỉm cười nhìn dì Nơi.

- Chuyến tàu cao tốc buổi chiều chắc sắp ra tới. Cảm ơn ‘bà chúa đảo’, nhờ ra thăm dì mà có cơ duyên gặp được các cháu, các con của anh Niên.

Hiroshi cõng bé Eidan lên vai, đứng dậy.

- Chúng tôi cũng phải làm việc sớm sáng mai. Hay là chị chờ một tí nữa rồi chúng ta cùng về Phố bằng tàu nhà.
- Bố Eidan nói phải đó. Nhóm người già mình về trước. Các cháu ở chơi, sáng mai đi tàu chợ ‘thấp tốc’ về Phố cho biết mùi.

Quế gật đầu đồng ý, quay sang Huy.

- Các cháu nhớ nhờ o Nữ liên lạc để cùng đi thăm mộ Huân ngày mai.

Hương Vi im lặng suốt buổi, chợt lên tiếng.

- Em về khách sạn trước nhé anh Huy!?  Đi tàu chợ đông người em ngại quá. Xin cô Nữ cho cháu về cùng.

Nữ đón con từ vai chồng.

- Được thôi! Nhưng mà cô Vi phải ẵm bé Eidan suốt chuyến tàu đó nghe.

Hường Vi dang tay định bồng Eidan nhưng anh chàng dẫy nẫy quay lưng bíu vai mẹ.

- Cháu không cho ẵm. Điệu này có người phải ngồi tàu chợ rồi!

Hường Vi nhăn mặt, vùng vằng rảy tay khỏi Huy lúc nghe anh nói đùa làm mọi người cười vang.
 

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015