SỐ 68 - THÁNG 10 NĂM 2015

 

Nguyễn Du (34)          

Hoàng Thiếu Khanh

Loạt bài này viết đã lâu và đã bị quên lãng một thời gian vì tác giả quá bân bịu.
Hôm nay xin được tiếp tục phần thơ chữ Hán của Tiên Điền và hy vọng sẽ kết thúc toàn bộ loạt bài Nguyễn Du trong vài kỳ sắp tới.

Dương phi cố lý

Sơn vân tước lược ngạn hoa minh
Kiến thuyết Dương phi thử địa sinh
Tự thị thử triều không lập trượng
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành
Tiêu tiêu Nam nội bồng cao biến
Mịch mịch Tây giao khâu lũng bình
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ
Đông phong thành hạ bất thăng tình

(Quê cũ của Dương Quí Phi

Mây núi thưa, hoa trên bờ sông rạng rỡ
Nghe thấy rằng Dương Phi sinh ở chỗ này
Chỉ vì cả triều đình vẫn như phỗng đá đứng trơ
Nhìn năm uổng kết tội là bậc đẹp nghiêng thành
Sân cung phía Nam hoang vắng, cỏ mọc cao đầy
Đồng Tây giao tĩnh lặng, gò đống san bằng
Dưới hiên hoa hồng đã tàn tạ còn tìm đâu thấy
Dưới thành gió đông thổi làm lòng nản làm sao! )

Quê cũ Dương Phi

Mây núi thưa hoa trên bờ xinh
Nghe đâu là chốn Quí Phi sinh
Cả triều một lũ toàn phỗng đá
Uổng tội vương phi đẹp nghiêng thành
Hoang dại sân Nam đầy cỏ mọc
Tây Giao gò đống đếu vắng tanh
Dưới hiên hồng úa tìm đâu thấy
Gió buốt dưới thánh lòng buồn tanh

Bài thơ này được trích trong tập thơ Bắc Hành Tạp Lục gồm những bài thơ cụ Tiên Điền đã sáng tác khi ông đi sứ ở Trung Hoa. Dương Quí Phi tức Dương Ngọc Hoàn, người Hoằng Nông, Hoa Âm ( Thiểm Tây), mồ côi sớm, được chú là Dương Huyền Yêu nuôi nấng. Sau được vua Đường Huyền Tông yêu chuộng, đưa vào cung phong làm quí phi. Khi An Lộc Sơn làm loạn, vua bỏ chạy vào đất Thục đến Mã Ngôi thì quân lính không chịu đi tiếp, đòi vua phải trừng phạt Dương Quí Phi và anh họ là Duơng Quốc Trung. Nàng bị thắt cổ chết.
Nguyễn Du tuy có đi sứ bên Tàu nhưng chưa hề đến Thiểm Tây. Có lẽ tác giả chỉ ngẫu hứng viết bài này mà thôi.

Chú thích:

-Chữ lang có nghĩa là mái hiên
-
Chữ tạ ( không phải hạ) có nghĩa là chiếu nằm hoặc tấm thảm như trong chữ thảm cỏ, thảm hoa v.v…
-
Hai chữ “lang tạ” có nghĩa vùng đất, luống đất phẳng dưới hiên. Ở đây xin gượng dịch là dưới hiên khi chuyển sang thơ Việt.

 

Vọng Tương Sơn Tự

Cổ phật Vô lường Đường thế nhân
Tương sơn cựu lý hữu chân thân
Chân thân nhất dạ tẫn viêm hỏa
Cổ tự thiên niên không mộ vân
Ngũ lĩnh phong loan đa khí sắc
Toàn châu thành quách tại phong trần
Cô chu giang thượng bằng lan xứ
Nhất đái tùng sam đái tịch huân

(Ngắm cảnh chùa Tương Sơn

Phật cổ Vô lường người nhà Đường
Tương Sơn chốn cũ có chân nhân - người đã giác ngộ
Một đêm chân nhân đó thiêu hóa - đốt xác
Chùa cổ nghìn năm còn mộ mây
Núi Ngũ lĩnh gió quyện nhiều khí sắc
Thành quách Toàn Châu nằm trong gió bụi
Tựa lan can trong chiếc thuyền xuôi giòng trên sông, ngắm cảnh
Một dãy núi Tùng Sam che bóng chiều! )

Phật cổ Vô lường có chân nhân
Tương Sơn chốn cũ hiện phật thân
Chân thân một đêm lửa thiêu đốt
Chùa cũ nghìn năm mây mộ phần
Ngũ Lĩnh gió xoay nhiều khí sắc
Toàn Châu thành quách lắm phong trần
Trên sông thuyền chiếc nhìn phong cảnh
Một giãy Tùng Sam chiều khuất dần

HKK
Vô lường có nghĩa không đếm được và cũng là danh hiệu Phật
Đường thế nhân chỉ Đường Huyền Trang, tức Tam Tạng đới Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh và trở về Trung quốc truyền bá đạo Phật qua kinh điển đại thừa. Lịch sử này được ghi lại trong bộ Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân sang tác và Kim Thánh Thán dịch đã được xuất bản ở Sài Gòn ngày xưa.
Chân thân là thân thể của người đã đắc đạo, đã đạt được chân lý, đã kiến tánh.
Toàn Châu là Toàn huyện, tỉnh Quảng Tây.
Nguyễn Du đã từ Toàn Châu đến Trường Sa, tỉnh Hồ Nam ngày mùng 10 tháng bảy năm Quí Dậu, 1813.

 

Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cổ trạch

Hành Lĩnh phù vân Tiêu thủy ba
Liễu Châu cố trạch thử phi gia?
Nhất thân xích trục lục thiên lý
Thiên cổ văn chương bát đại gia
Huyết chỉ hãn nhan thành khổ hỹ
Thanh khê gia mộc ngại ngu hà
Tráng niên ngã diệc nghi tài giả
Bạch phát thu phong không tự ta

(Nhà cũ của Liễu Tử Hậu ở Vĩnh Châu

Mây nổi núi Hành Sơn, song nước sông Tiêu
Có phải đây là nhà cũ của Liễu Châu?
Một thân bị đày đọa sáu nghìn dặm
Nghìn năm văn vật tám đại thi hào
Ngón tay đẫm máu, mặt đầy mồ hôi khổ quá nhỉ?
Khe trong, cây đẹp, mang tiếng ngu biết làm sao?
Lúc trẻ ta cũng là một kẻ tài năng
Gió thu thổi, đầu bạc còn than mộ mình )

Mây nổi núi Hành sóng sông Tiêu
Ở đây có phài nhà Liễu Châu?
Một thân xiềng xích sáu nghìn dặm
Tám bậc văn chương tiếng đã nhiều
Tay máu mặt mồ hôi khổ nhỉ
Khe trong  cây đẹp ngu tiếng nào
Lúc xưa còn trẻ, tài ba lắm
Giờ tóc bạc rồi than gió thu

HKK
Liễu Tử Hậu là danh hiệu của Liễu Tông Nguyên( 773-819), một nhân vật nổi tiếng đời Đường, ở thỉnh Sơn Tây, đỗ tiến sỹ, làm quan, sau vì ở trong đám nhân sỹ tiến bộ, chống đối triều đình nên bị biếm đôi lần, sau chết ở Liễu Châu khi làm thứ sử.
Bát đại gia thời đó là: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng và Vương An Thạch.
Chữ “ngu” đây là chữ trong bài thơ Ngu Khê của Liễu Tông Nguyên. Sau ông đã ân hận vì dùng chữ “ngu” để tả cảnh đẹp của giòng sông Tiêu.

(Còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015