SỐ 68 - THÁNG 10 NĂM 2015

 

Chuyện thật ngắn

Ớt New York

Kim Chi

Ba tôi với ba nó là anh em cô cậu ruột. Nên tuy là chị em con chú bác nhưng tôi họ Lê, nó họ Dương. Hồi còn nhỏ, nó làm gì biết trồng trọt? Nó chỉ biết lội sông là giỏi. Mỗi lần tôi về Vĩnh Long, nó đều dặn tôi "đừng ngủ sớm, thức khuya chút. Nửa đêm lò heo bên kia sông mới bắt đầu mổ heo". Giữa đêm, khi ông Trăng còn treo mình lửng lơ trên ngọn dừa, nó bận độc cái quần xà lỏn nhảy đùng xuống sông.

Nhánh sông quê sau nhà Bà Cô tôi (là Bà Nội nó) chảy dài từ chợ Vĩnh Long vô tới cầu Ông Me, Long Hồ, chảy ngang sau nhà ông Cựu Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương, chảy về tới nhà ông Phạm Hùng, Cố Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng CHXHCNVN.

Con sông đủ sâu để mỗi mùa hè tuổi thơ tôi tắm mát, và hồn nhiên nhìn tàu chiến của các Hải đội Hải Quân VNCH ra vô tuần tra, tác chiến.

Con sông đủ rộng để ghe buôn chở khách thương hồ xuôi ngược, cả Thuyền hoa đưa các cô gái theo chồng.
Và, con sông sau 1975 cũng đủ buồn đau để làm những cuộc chia ly mà người đi không biết nơi đến, và cũng không hẹn được ngày về.

Nhưng với thằng em tôi ngày ấy, con sông chẳng khó khăn gì để nó vừa sải tay bơi vừa lôi về túi lòng heo với đầy đủ tim, gan, phèo, cật. Tụi tôi nấu cháo lòng, thức suốt đêm dưới ánh trăng, bên bờ sông sau nhà.

Thằng em qua Mỹ hơn 20 năm. Câu chuyện bơi qua sông trở thành cổ tích. Nó giờ là người Mỹ với tên gọi Sony Duong. May quá, nó còn giữ lại cái họ Dương VN cho nó. Nó gửi vào email cho tôi mấy tấm hình nó tranh thủ trồng ớt vào mùa Hè trong sân nhà nó ở New York. Tôi cứ thắc mắc hoài cây gì không trồng sao trồng toàn ớt? Phải chăng cuộc sống dù ở đâu, thằng em vẫn không thiếu nỗi đắng cay?  Và chắc hẳn ớt New York cũng CAY không thua gì ớt ở quê nhà Vĩnh Long.

Hơn 20 năm thằng em chưa về thăm lại nhánh sông xưa. Nhìn những tấm ảnh nó ngồi cặm cụi bên các bụi ớt xum xuê trái, tôi nghe cay cả mắt.

Tôi gọi thầm tên nó là Ớt New York.
"Ớt New York, sao em đi lâu thế? Tao nhớ mầy rất nhiều, biết không?"

(Sài Gòn-VN, tháng 8/2015)

 

Chuyện bạn tôi

Bạn là cựu SQ Sư đoàn 7 Bộ binh VNCH. Gót giầy sô của bạn đã lội qua nhiều vùng chiến thuật, trong đó có quê bạn, Mỹ Tho. Bạn có nhiều năm "trải nghiệm" đời mình trong trại tù cải tạo và 30 năm phiêu bạt xứ người. Bạn có Mẹ già hơn 90 tuổi sống ở Gò Công Đông (Tiền Giang) mong ngóng bạn mỏi mòn. Bạn cũng rất nhớ Mẹ nhưng bạn đã không về.

Và, một buổi chiều tháng tư, "vầng mây trắng huyền thoại" của đời bạn đã bay về trời. Quan tài Mẹ không đóng nắp để chờ bạn mất 2 ngày. Phải về thôi. Bạn phải về để nhận vành khăn tang cho bạn.

Tôi cùng gia đình về thắp cho Mẹ bạn nén nhang. Có những nơi vui chơi ở Mỹ Tho tôi định tới nhưng nhìn bạn buồn, tôi chợt thấy lòng mình chùng xuống. Buổi chiều ngồi ở vườn hoa Lạc Hồng, nghe bạn kể về những ngày còn đi học, yêu cô nữ sinh trường Lê Ngọc Hân, vô trường Bộ binh Thủ Đức, về Sư đoàn 7 BB và ngày 30/4/1975 cởi bỏ quân trang để vô trại tù cải tạo. Bạn nói bằng chất giọng nhẹ nhàng như những giông bão mang tên là chiến tranh, là tù tội...chưa từng đi qua đời bạn.

Chỉ khi nhắc về Mẹ, tôi thấy mắt bạn rưng rưng. Vẫn là tháng tư. Ngày bạn bỏ xứ ra đi và ngày bạn quay trở về, nổi đau vẫn xé lòng như nhau.

Bạn khóc như đứa trẻ. Nước mắt để dành từ 30 năm qua,  bạn đổ xuống lần này cho đời mình, lần cuối.

KIM CHI

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015