SỐ 69 - THÁNG 1 NĂM 2016

Nhớ Người Hạo Khí Hoàng Xuân Hãn


Kẻ sơ gọi ông Hoàng Xuân Hãn là giáo sư, học giả. Người thân xưng Bác với ông. Hai cách gọi đều lộ sự kính trọng và mến thương. Có khi thương nhưng chưa thân, vài khi thân lại chưa thương. Do vị trí đứng xa, đứng cao, đứng ngoài mọi phe phái, nên dễ được khắp mặt tụng ca ngày ông qua đời. Tụng ca chân thành có, tụng ca bắt quàng làm họ cũng không hiếm.

Như đa số dân Việt, tôi biết Giáo sư Hoàng Xuân Hãn do đọc sách ông trước tác và qua dư luận rất anh tài thời ông làm Bộ trưởng bộ Giáo dục trong chính phủ độc lập đầu tiên của nước Việt, chính phủ Trần Trọng Kim. Sau này, quen thêm nhờ Phật giáo.

Nguyên sau chính biến 11.1963, có Thượng toạ du học ở Hoa Kỳ về nước, ghé Paris thăm tôi trên đường bay, tôi tổ chức hai buổi diễn thuyết đầu tiên về Phật giáo tại Paris ở Centre Saint Yves, xóm La tinh Paris vào hai ngày 18 và 19.1.1964. Thính phòng hôm ấy đông đảo giới trí thức, nhân sĩ và giới sinh viên du học. Tôi đặc biệt chú ý hai nhân sĩ có dính dáng gần với lịch sử Việt Nam, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và hai vị linh mục, cha Nguyễn Ngọc Lan và cha Tịnh.

Sau phần thuyết trình, giáo sư Hãn là một trong những người đưa tay đầu tiên góp ý. Dù chỉ nghe một lần ấy, tôi vẫn còn thuộc nằm lòng bài thơ ông đọc. Giọng ông xúc động, đôi lúc nghẹn ngào, mắt ông đẫm ướt. Giây phút ấy, và nhiều lần sau này, tôi còn gặp nỗi xúc động tương tự mỗi khi ông nhắc tới chuyện đất nước và sự phân tranh. Đó là con người thật của ông. Ông yêu tha thiết quê hương, yêu tất cả những ai muốn vun bồi nền văn hiến Việt, bất luận chính kiến họ.

Ngày được tin ông mất, tôi vụt nhớ tới buổi đầu gặp gỡ cách nay đã ba mươi hai năm. Bài thơ tâm sự ông đọc hiện về mồn một trong tâm trí tôi, với trọn lời ông phát biểu đại ý ca tụng Phật giáo Việt Nam. Tránh tình trạng nhớ lầm hay suy diễn làm sai lạc lời nói, tôi đi tìm băng ghi âm. Xin ghi ra làm tài liệu cho những ai sau này viết về hành trạng ông.

Hôm ấy ông tự giới thiệu : “Tôi là Hoàng Xuân Hãn”, rồi phát biểu :

“Thượng tọa đã đề cập đến vấn đề trong sách Lý Thường Kiệt về nguồn gốc Phật giáo ở nước ta. Về Phật học tôi không có dịp nghiên cứu nhiều, nay qua hai buổi diễn thuyết của Thượng tọa tôi được hiểu thêm.
Riêng về nguồn gốc Phật giáo thì trong lúc khảo cứu sử học tôi đã có dịp khảo sát khá tường tận. Việt Nam đối với

Phật giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử truyền giáo, nhờ vị trí nước mình ở một góc bể, một bên là Ấn độ một bên là Trung hoa. Khi Phật giáo truyền từ Ấn độ, tức là từ gốc sang đến một ngành lớn là Trung hoa thì có đi qua nước ta. Những nhà truyền Phật giáo ở Ấn độ cần phải qua một chỗ nào để học tiếng Trung hoa trước đã, và họ đã học tiếng Trung hoa ở nước ta, nhờ lúc ấy những người lãnh đạo Trung hoa ở Việt Nam đều có học vấn uyên bác. Tình thế Việt Nam lúc ấy lại được yên ổn, không như nước Trung hoa đang có nhiều loạn. Những vị sư giỏi của Ấn độ sang Việt Nam gặp được những nhà trí thức Trung hoa nên hai bên có sự “xúc cảm” nhiều. Những vị sư Ấn học tiếng Trung hoa và dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung hoa. Như vậy đủ biết Việt Nam ta tuy nhỏ nhưng đã có công rất lớn trong sự truyền bá đạo Phật.

“Xét về ảnh hưởng Phật giáo đối với chính trị thì quả thật Phật giáo đối với chính trị ở nước mình đã có ảnh hưởng lớn, làm cho người cầm quyền có từ tâm, bớt tranh đua chém giết. Lấy một ví dụ trong lịch sử : Lúc Phật giáo mạnh, tức là dưới thời Lý, thì không có chém giết nhiều. Đến lúc Phật giáo suy đồi, nhà sư không còn ảnh hưởng trong nền trị nước nữa, thì xảy ra những chuyện nhà Trần chém con cháu nhà Lý, chôn sống dòng dõi Lý. Đến khi Trần Thủ Độ lên thì đã giết họ Lý rất nhiều. Đến đời Trần, sau khi nhà Nguyên qua, Phật giáo lại thịnh. Nhưng khi Nho học thịnh, Phật giáo bớt đi, thì lại có những truyện tranh luận giữa các Nho gia, và đến đời Lê, các tướng tá Nho sĩ đã quên Phật giáo nhiều, sinh ra những chuyện ganh tị giữa những người cầm quyền trong triều Lê, bao nhiêu người có công với Lê Lợi đều bị hại.

“Giai đoạn gần đây, lúc Ngô Đình Diệm sắp lên cầm quyền, tôi đã thực tâm nói với ông Ngô rằng : Việt Nam đã khổ nhiều vì chiến tranh lâu rồi, nếu ông trở về mà có thể chấm dứt được chiến họa, đem lại ấm no cho quần chúng khổ đau thì thật là nói lên được cái đạo tâm của một người Gia Tô giáo và cũng cống hiến được nhiều cho lịch sử. Tôi xin đọc tặng mấy vần thơ lục bát tôi làm tặng ông Ngô Đình Diệm năm 1954 :

“Từ Lạng-sơn đến Cà-mâu
Tổ tiên gây dựng biết bao công trình
Người núi cho đến người kinh
Cùng nghĩa ruột thịt cùng tình anh em
Ai ơi ngẫm lại mà xem
Lẽ nào thân mẹ con đem chia phần
Mác-xít cho đến Giáo dân
Bớt phần lý tưởng thêm phần yêu đương
Bớt nghi kỵ, bỏ lọc lường
Cùng nhau siết cánh lên đường vinh quang”.

Cử tọa vỗ tay ran. Nhiều người gạt nước mắt.

Thời ấy tôi chủ biên tờ “Tin Tưởng”, giáo sư Hãn thường góp nhiều ý kiến quý báu xây dựng tờ báo, và cho phép chúng tôi in lại “Đạo Phật thời Lý” rút trong cuốn “Lý Thường Kiệt” đã tuyệt bản. Tôi có thói cầu toàn, làm gì cũng muốn tuyệt hảo. Hảo được hay không là chuyện khác. Tôi hỏi ông Hãn bí quyết làm tờ báo hay. Ông nhắc chuyện làm báo thời ở Hà Nội rồi từ tốn  trả lời : Theo kinh nghiệm tôi, thì một tờ báo chỉ cần một phần ba một phần tư bài giá trị là được rồi, khó đạt được toàn vẹn trăm phần trăm. Tôi nhớ mãi câu nói ấy. Phật Đản năm 2507 (1964), ông gửi cho tạp chí Tin Tưởng thủ bút bài ông dịch thơ đại sư Thái Hư.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt tại Việt Nam. Anh chị em Phật tử chúng tôi tự thấy không thể đứng trên cương vị thuần túy văn hóa và tôn giáo, chuyển sang hoạt động cho một giải pháp dân tộc. Mà nghĩ cho cùng lý, có chăng một thế đứng “thuần túy văn hóa hay tôn giáo” ly cách sự khổ đau của quần chúng ? Giải pháp chúng tôi đeo đuổi lúc ấy xuất phát từ lòng Đại Bi và Đại Trí. Lòng thương lớn của Đại Bi (Karuna) khiến chúng tôi không chấp nhận cuộc giết nhau giữa những người cùng nòi giống. Bằng trí tuệ của Đại Trí (Prajñā) chúng tôi khước từ con đường nô lệ ý thức hệ ngoại bang thuộc hai siêu cường, trở về với truyền thống Việt.

Trong những ngày hoạt động quốc tế ở nước ngoài, tôi thường đến vấn kế và thỉnh ý giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Không hiểu vì cớ gì, thời ấy tôi hình dung ông như La Sơn Phu tử. Ở ông chỉ có một tấm lòng yêu nòi thương nước không lay chuyển. Ông chưa hề thúc đẩy tôi theo phe này hay phái nọ, cũng chưa một lần ca tụng đảng nào hay bêu xấu ai. Tấm lòng ông quằn quại vì thời cuộc, nhưng trí óc ông lánh xa chuyện thời thế. Muốn gặp ông chỉ cần điện thoại. Chưa lần nào ông từ khước tôi. Lần nào cũng bộ âu phục chỉnh tề, cái bắt tay vừa đủ chạm, không bóp siết như các nhà tây học, không lửng lơ như các ông tài phú. Nụ cười thoáng nhẹ đủ sưởi ấm cuộc chuyện trò. Ông ngồi xuống và nói giọng nói bằng hơi, vài khi như hụt hẫng vì cảm xúc hoặc vì sợ va chạm người đối diện. Từ tốn, chăm chú, không để cho khách nghi ngại. Cần đi thì đứng dậy, ông không nhắc khéo chuyện giờ giấc. Thời gian đứng lại khi ông nói chuyện văn học, khảo cứu hay nước non.

Tôi xưng ông bằng giáo sư trong câu chuyện. Ông gọi tôi bằng ông. Mãi đến năm 1974, trong thư từ qua lại, ông thân tình kêu tôi bằng chú và xưng tôi đầm ấm.

Tết năm nay bỗng dưng tôi tự hẹn phải viết thư thăm ông nói một vài chuyện văn học. Nhưng bận bịu các công tác nước ngoài chưa thực hiện, thì được tin ông qua đời.

Cuối năm 1964 sang đầu 1965, Viện Đại học Phật giáo Vạn Hanh bắt đầu phát triển mạnh ở Saigon. Tháng 7 năm 1965, Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng đi tham quan các đại học Hoa Kỳ, ghé Pháp thăm tôi và mời tôi về làm Tổng thư ký trông coi Viện. Hồi đó, gặp các vị thức giả đến Paris tôi thường khuyên đi thăm giáo sư Hãn. Mong đất nước lưu tâm khẩn thiết tới một người tài khuất lấp quá lâu nơi hải ngoại. Tôi đề nghị hai điều với Thượng tọa Viện trưởng. Một là mở thêm phân khoa Đông y, khai thác và phát huy vốn y học dân tộc, chúng tôi cùng qua Đức thăm dò sự tài trợ cho việc này. Hai là đến thăm và mời giáo sư Hoàng Xuân Hãn về dạy môn sử Việt, và giáo sư Trần Văn Khê về dạy nhạc dân tộc. Thượng tọa Minh Châu ừ cho qua, vì chương trình làm việc của ngài quá bận rộn. Tôi đã hơi vô phép để tự ý lấy hẹn và tự quyết định “bắt” ngài phải đi thăm hai vị. Giáo sư Hãn tiếp chúng tôi vui vẻ như thường khi. Nhưng giáo sư không chịu về Saigon dạy khi chúng tôi ngỏ lời mời. Tuy giáo sư góp rất nhiều ý kiến quý báu xây dựng Vạn Hanh. Cuối cùng tôi đưa ra đề nghị tạo điều kiện thuận tiện mời ông làm giáo sư biệt thỉnh (Visiting professor), lâu lâu về Saigon dạy một khóa. Trong khi chờ đợi, mỗi hai tháng xin thu băng một bài giảng của giáo sư gửi về cho sinh viên bên nhà nghe. Giáo sư chấp thuận việc thu băng. Cũng nhân dịp, tôi xin giáo sư cho phép Viện Đại học Vạn Hạnh tái bản hai tập “Lý Thường Kiệt”. Giáo sư dồng ý.

Giữa năm 1966, Vạn Hạnh tái bản cuốn sách, in chung thành một tập. Còn chuyện khóa học thu băng không nghe bên nhà đề cập hay thúc hối gì. Sách phát hành không gửi sang cho tôi cũng không gửi tặng giáo sư Hãn. Lâu sau giáo sư điện thoại than phiền với tôi sách in nhiều lỗi quá, mà cũng không gửi tặng. Nhờ người nhà mua gửi qua ông mới biết. Hình như các Sư ít quan tâm giao tế hay thương tưởng chúng sinh ? Một cách hiểu sai hai chữ Vô ngã nơi vị thế Ta bà ? Tôi buồn cách cư xử thiếu tình nghĩa này, dù chư Tăng giàu có biết bao kho “Đại Bi Tâm”. Tôi còn thoáng chút “phẫn nộ” khi đọc lời tựa nói rằng lúc Thượng tọa Viện trưởng sang Pháp, giáo sư Hãn “tìm” đến thăm. Điều này trái với sự thật. Tấm lòng ưu ái cầu hiền, trọng kính nhân tài ở thời Lý đã vùi dập, chết theo cuộc chiến thừa sai tại Việt Nam.

Chuyện gặp giáo sư Trần Văn Khê cũng hy hữu. Mùa hè ở Pháp vào tháng bảy tháng tám, mọi người đều ra biển hay lên núi nghỉ ngơi. May mắn giáo sư Hoàng Xuân Hãn có mặt ở Paris. Nhưng ông Khê về nghỉ ở bờ biển Biarritz, miền Tây nam nước Pháp, cách xa Paris 780 cây số. Thượng tọa Viện trưởng muốn bỏ cuộc gặp vì chỉ còn một ngày cuối ở Paris. Tôi góp ý rằng phàm với kẻ hiền sĩ, mình phải tự thân đến cầu họ, chứ thư tín không lộ được tấm lòng thành. Thượng tọa nhận lời. Chúng tôi lấy xe lửa đi Biarritz. Chỉ gặp nhau ở sân ga một giờ đồng hồ. Vì phải lấy chuyến tàu tiếp đấy ngược Paris. Trật chuyến này là trật luôn chuyến bay về Việt Nam sáng sớm hôm sau.

Ông Khê đã khóc trên sân ga vì cảm xúc mối tình thượng tọa viện trưởng lặn lội đi thăm ông vì mục đích mời dạy. Chúng tôi kéo nhau vào quán cà phê cạnh đấy trò chuyện. Nghệ sĩ Phùng Há sang Pháp nghỉ hè cùng ông Khê cũng có mặt.

Giáo sư Khê hoan nghênh sự ra đời của Đại học Vạn Hanh, sẵn sàng giúp mọi sự, nhưng không nhận lời về Saigon vì hai lý do gia đình và chính trị. Số là trong thời gian ông Khê du học Pháp, bà Khê ôm cầm sang thuyền khác. Người chồng mới hoạt động ở Viện Âm nhạc Saigon, nên ông Khê không muốn khơi lại vết thương lòng nơi vùng đất cũ. Lý do thứ hai thuộc chính trị. Ông nói ông ủng hộ Phật giáo nhưng chống chính quyền miền Nam thời ấy. Ông hứa sẽ gửi giáo trình về Vạn Hạnh cho sinh viên học, thu băng những bài giảng và hứa giúp bất cứ việc gì Viện cần. Ông còn thảo cho Viện một sơ đồ tổ chức ngành Nhạc học dân tộc.

Chín năm sau, vào mùa hè 1974, ông Trần Văn Khê từ Paris bay về Saigon nhận lãnh một huân chương bội tinh gì đó, do chính quyền Việt Nam Cộng hoà gắn.

Duyên nợ làm mai của tôi cho Viện Đại học Vạn Hạnh chỉ có bấy nhiêu. Nghĩa là chẳng được gì.

Thời gian đầu giao thiệp vói giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi luôn gặp nhau trên căn lầu tư thất của ông ở số 58 đường Théophile Gautier, Paris quận 16 sang trọng. Vài lần giáo sư đến thăm tôi ở các nơi cư ngụ cũ, số 55 đường Doudeauville, Paris quận 18, hay số 11 đường Vénus, ngoại ô Maisons Alfort. Một lần đến thăm, giáo sư đứng trầm ngâm rất lâu trước bức truớng do ông Võ Thành Minh viết 5 bài thơ chữ Hán tặng tôi ngày chia tay. Giáo sư lẩm nhẩm đọc câu “Bán quốc quy Hồ bán quốc Ngô...” Thỉnh thoảng chúng tôi dùng điện thoại, nhưng chỉ nói ngắn. Riêng hai lần giáo sư gọi và nói chuyện cả giờ đông hồ. Lần đầu vào năm 1970, khi có việc kỳ thị thảm sát hàng nghìn người Việt ở Cam Bốt. Giáo sư khuyên tôi nhân danh Phật giáo lên tiếng về vụ này. Lần thứ hai vào đầu năm 1976, khi chúng tôi vừa phát hành tạp chí Quê Mẹ. Chưa bao giờ ông Hãn nói nhiều với tôi về hiện tình chính trị Việt Nam như hai lần đó.

Năm 1979, trước tình hình đen tối của đất nước, lần đầu tiên giáo sư Hoàng Xuân Hãn ký chung một kiến nghị đề ngày 12.6.79 với 30 người khác, đa số thuộc giới Việt Kiều thân Hà Nội ở Paris. Kiến nghị gửi ông Phạm Văn Đồng chất vấn 5 vấn đề nguy kịch. Một là “vấn đề thông tin, ngoại giao” co kín. Hai là “vấn đề đồng bào di tản vì chính sách quá khắt khe”, “thiếu dân chủ trong đời sống tập thể”. Ba là “thái độ tham nhũng, quan liêu của một số cán bộ”. Bốn là “đời sống quá’ thấp của đồng bào trong nước”. Năm là “Việt kiều có khả năng chuyên môn vẫn chưa được về nước đóng góp những hiểu biết của mình”.

Được rèn luyện bằng tinh thần khoa học, ông giữ vững tinh thần khách quan. Mọi việc trở thành yếu tố nghiên cứu. Một nhà giáo ở Đại học Úc sang Pháp thăm ông năm 1989 xin tài liệu cổ. Nhân hỏi chuyện làm sao nắm vững tình hình Việt Nam ngày nay. ông Hãn khuyên phải đọc hai tờ tạp chí, Đoàn Kết để hiểu quan điểm của chính quyền, và Quê Mẹ để hiểu mặt trái của Việt Nam.

Thái độ hiền sĩ và nhiệt thành trong vô tư đối với dân tộc của ông Hoàng Xuân Hãn dễ làm cho bất cứ ai, theo bất cứ chính kiến nào - ngoại trừ phản quốc - hiểu như là ông Hãn ủng hộ mình. Không phải thế. Ông đã đạt tính hiền nhân để thoát ly mọi ràng buộc phe đảng, xung động. Ông chỉ một lòng bảo vệ văn hiến Việt, chủ quyền quốc gia và thống nhất dân tộc. Bất luận ý hướng chế độ, ông xem chính quyền là cơ sở đối thoại. Tấm lòng và cư xử ông đối với vua Bảo Đại, các ông Trần Trọng Kim, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm... cho ta thấy rõ điều này.

Lòng yêu nước của ông son sắt nhưng đơn giản theo truyền thống sĩ phu thời trước. Thờị mà yếu tố phân cực thế giới chưa xâm phạm vào đời sống chính trị quốc gia. Thời mà nạn ngoại xâm chỉ thấy dưới hình thức xâm lăng quân sự ; chưa bước qua lĩnh vực ý thức hệ và kinh tế. Ông giao thiệp và giúp đỡ tất cả mọi người, mọi đoàn thể. Nhưng ông chẳng theo ai.

Dù chưa phải thi hào, nhưng ông sính làm thơ. Thơ ông chân thành, tiếng nói của tim óc ông. Thơ ông chính là lập trường của ông về dân về nước về người. Lập trường ông hòa đồng, không tư vị. Ông giải thích khi ông chuyện vãn, phát biểu hay trả lời phỏng vấn. Chỉ trong thơ ông mới bộc lộ quan điểm mình. Thơ là nơi thật nhất của tâm hồn và thần trí ông.

Hình như có một lần ông bày tỏ sắc nét quan điểm chính trị, khi ông hồi ký cuộc gặp gỡ ông Hồ Chí Minh tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1945. Ông viết :

“Nguyên là ; từ khi quân-đội Trung-quổc vào đóng ở Bắc-phần Đông-dương,những phần-tử lánh uy-quyền Pháp trên đất Trung-quốc lục-tục trở về. Trước sự cách-mạng đã nắm chính-quyên trong nước, mà phần-tử này không được dự, nếu kẻ cầm-quyền không khôn-khéo, thì không sao tránh được sự bất hòa biến thành đảng-tranh. Mà chính-phủ và quân-đội Trung-hoa bấy giờ tự-nhiên nuông tìm-ý ủng-hộ những người ý-tưởng gần mình và thế-lực cũng phải nhờ mình. Một việc đảo-chánh gây ra bởi quân-đội Trung-quốc rất có thể xảy ra. Đó là lẽ cốt-yếu của sự kình-thị và công-kích giữa đảng-phái. Mà nếu kình-thị khuyếch-trương thành đại-loạn thì nước Việt-nam không còn hy-vọng gì sống lại nữa. Thế mà trong khoảng đầu tháng 10, nó đang khuếch-trương. Tôi tới tìm vị cựu-hoàng, bấy giờ đã thành cố-vấn Vĩnh Thụy, tỏ sự hoang-mang, rồi nói rằng : “Ngài có lúc mang tiếng chỉ giữ hư-vị. Nay giữ chân cố-vấn chính-phủ, chính là lúc có thể bày tỏ vị ấy không hư”.

“Cố-vấn hỏi : “Vậy nên nói gì !”. Tôi bàn nên khuyên chính-phủ dàn xếp một cách ổn-thỏa và chính-đáng với những người yêu nước thuộc những đảng khác để cùng đối-phó với thời-cơ cực-kì gian-nan. Thế rồi ngày 13 tháng 10, Cố-vấn cho hay rằng : “Cụ Hồ sẽ tiếp Hãn vào ba giờ chiều”.

“Tuy không biết hẳn đó là ý muốn của chủ-tịch, hay cố-vấn đã bịa ra sự tôi xin gặp, đến giờ tôi cứ đến dinh Chủ-tịch. Lúc đến nơi, gặp một đại tá Mĩ cũng tới ; nghe nói là để gỡ một đại-diện bí-mật Pháp, Sainteny, bị giữ vì cắm cờ Pháp trên xe đi diễu ngoài phố. Chủ-tịch tiếp tôi hơn một giờ. Hai lần xin cáo biệt, nhưng cụ giữ lại. Ban đầu bình phẩm về chính quyền. Tôi có nói :

— “Nay ta chưa độc lập, đang cần dư-luận ngoại-bang bênh-vực. Nếu tỏ ra bất-lực, hoặc có thái-độ độc-tài, thì khó lòng họ giúp mình”.
Cụ bảo rằng ủy-ban địa-phương làm bậy, chứ chính-phủ không có ý chuyên quyền. Cụ hỏi đi hỏi lại :
— “Thế ra họ nói chính-phủ cộng-sản, thực chăng !”.
Tôi đáp :
“Cụ đã nghe vậy, thì có thật”.
Cụ nói :
— “Còn nói chính-phủ độc-tài, thì có đâu. Trong nội-các có nhiều người không phải ở trong mặt trận Việt-minh...”.
“Cụ lại phân-trần lâu việc bài-xích hạng trí thức. Cụ nói chính-phủ không làm điều ấy ; nhưng có người làm thì chính-phủ phải nhận lỗi.
Rồi tôi nói sang chuyện đảng-tranh làm dân-chúng hoang-mang. Chủ-tịch rất chăm-chú nghe, cặp mắt sáng trương to như rót vào mặt tôi. Cụ hỏi :
“Trí-thức theo cụ Nguyễn Hải-Thần nhiều phải không ! Ông giao thiệp rộng chắc biết”.
Trong trả lời, tôi có nói :
— “Hình như khi ở nước ngoài các cụ đã trù-tính việc chung. Nay đều về, lại thấy các cụ chia rẽ, cho nên họ hoang-mang. Nếu cụ Nguyễn Hải-Thần chỉ kéo bè đảng mà thôi, thì chắc họ không theo. Cụ Nguyễn cố tìm gặp tôi, tôi đã thưa rằng người trí-thức chân-chính không tìm địa-vị. Các cụ già cứ hòa-hợp với nhau, rồi thì hạng trẻ như chúng tôi theo. Các cụ có cần gọi ra quét đường, họ cũng nhận”.
“Nét mặt không di-chuyển, Chủ-tịch đặt câu hỏi thẳng :
— “Đối với ông, thì cụ Nguyễn là thế nào !”.
Tôi đáp :
— “Tôỉ không được biết rõ. Nhưng cảnh huống bây giờ thì tuy là bậc cách-mệnh lão-thành nhưng trở về chậm nước, cụ phải ép vào thê’non... xem ra thế nào !”.
Cụ hỏi gặn :
— “Thế nào !”. Tôi nói :
— “Thế nào... tôi không tiện nói, chỉ có thể nói thế cụ Nguyễn không được thuận. Tuy nhiên, làm cách-mạng trong bốn muơi năm nay, cụ ấy có thanh-thế. Vả hạng trí-thức ai cũng sẵn-sàng làm việc nước, mà bị chính-phủ đem lòng ngờ-vực, thì họ có đi theo cụ Nguyễn, cũng là người áỉ-quốc, đó cũng không nên lấy làm lạ !”.
“Trong lúc nói chuyện, có người mang bát thuốc sắc cho Chủ-tịch uống, lại có người mang giấy lại lấy chữ kí, một thanh-niên ngồi đàng xa túc-trực luôn-luôn. Tôi đứng dậy xin về mấy lần, Chủ-tịch vẫn giữ lại. Cuối cùng, cụ lại hỏi thẳng một cách cụ thể rằng :
— “Tôi có hai chuyện muốn hỏi ông. Ông cứ trả lời thật... Câu đầu là đối với cụ Nguyễn Hải-Thần nên làm thế nào !”.
Tôi đáp :
— “Nếu cụ Nguyễn có thể làm dễ cho sự ngoại-giao, thì nên dùng cụ. Tuy không nên cải-tổ hấp-tấp ra dáng sợ áp-lực, nhưng nên cải-tổ chính-phủ để hợp-tác. Sự hợp-tác phải thành-thật, đừng để có cảm-tưởng lấy danh mà thôi”.
Không động nét mày một mảy-may, Chủ-tịch hỏi tiếp :
— “Vấn đề thứ hai là ông cho biết một câu sát-kết về Chính-phủ”.
Tôi phải lựa lời để đáp cho khách-quan. Đại-ý ở trong những câu này :
— “Trước khi thẩm-kết về Chính-phủ, xin nói về mặt trận Việt-minh. Chủ trương mặt trận là chống Pháp và chống Nhật. Chống Pháp là chí-nguyện tất-nhiên chung cho cả nước. Chông Nhật cũng là tất-nhiên cho cách-mạng và thuận với Đồng-minh đang thuận với độc-ỉập Việt-nam. Vậy cái khẩu-hiệu ấy là hợp. Nhưng trong hành-động, sau ngày Nhật diệt chính-quyền thực-dân Pháp và tuyên-bố để Việt-nam tự-chủ vận-mệnh của mình. Tự-nhiên rằng người cách-mạng chống Nhật không thể ra công-khai nhận lấy chủ-quyền cho nước. Con thuyền đã buộc đã bị cắt dây. Nước tự-hào có lịch-sử vẻ-vang, gồm hăm lăm triệu người ; há lại để thuyền trôi không lái. Cả Nhật Pháp và Đồng-minh sẽ đánh giá lòng yêu chuộng độc-lập của dân ta ra sao. Vì vậy đã có chính-phủ Trần Trọng-Kim. Chỉ tiếc rằng Mặt-trận không làm dễ cho Chính-phủ công-khai quản-lí việc dân và dự-bị sự giao-tiếp khi quân Nhật tất phải đầu hàng (người viết nhấn mạnh). Dẫu sao, sau khi Nhật đầu hàng, Mặt-trận ra nắm chính-quyền là hợp lẽ và có thể lợi cho độc-lập được nhìn-nhận. Nghĩ như vậy, Chính-phủ Trần Trọng-Kim đã có tác động cuối cùng là khuyên cựu-hoàng mời các nhà cách-mệnh ra chính-thức lập chính-phủ, nhưng thiếu chuẩn-bị, sự ấy không thể thành. Kết quả là những sự tổn thất về vật-chất và tinh-thần trong khi cướp chính-quyền và không thể lợi-dụng sự hoang-mang của quân-nhân Nhật khi được lệnh phải đầu-hàng. Nói về Chính-phủ thì chủ-truơng đại-thế chính-trị hợp lẽ, nhưng hành-động hình như tưởng đã thành công cho nên sợ chia trách-nhiệm và chính-quyền. Chắc riêng Chủ-tịch hiểu rằng đường đi đến độc-lập và thống-nhất còn dài và khó, nhưng đại đa-số còn lầm tưởng gần xong” (người viết nhân manh)[1] .

Trên đây là cuộc đối thoại giữa một người yêu nòi với một người yêu đảng. Ý nghĩa càng lớn vào hoàn cảnh cuối năm 1945.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn mất tại Paris ngày 10 tháng 3 năm 1996, hưởng thọ 89 tuổi. Sự mất mát không thể lấp đầy cho nền học thuật nước nhà. Ở vào giai đoạn người hiền người tài ngày càng mất ; thế hệ trẻ thay thế không được đào luyện kịp, vì chính sách giáo dục đảng tranh.

Nhớ bác Hãn, tôi thấy hiện lên một đỉnh hạo khí ngút ngàn.

Ở đời, có những nguời chọn số đông, cần thiết số đông, đi theo số đông mà sống và tìm danh vọng. Đến khi chết, số đông ấy lại trốn biệt. Kẻ Hạo khí, như ông Hãn, thanh thản và tự tại đi một thân một mình suốt đời, đặc biệt năm mươi mốt năm qua. Ông không đi theo số đông, không chọn số đông. Thế mà số đông lại chạy tìm ông, ngày ông mất.

THI VŨ
Paris, tháng 7 năm 1996
(trích “Gọi Thầm Giữa Paris”, sắp tái bản)


[1] Một vài Kí-vãng vê Hội-nghị Đà-Lạt, tr. 9, Tập san sử Địa số 23 & 24, Ấn bản đặc biệt, Saigon 1971

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016