SỐ 70 - THÁNG 4 NĂM 2016

 

Giáp Tết đọc Thơ Nguyễn Bắc Sơn

THI VŨ

Một triệu con người, gọi là binh lính, trấn giữ lằn ranh do Hội nghị Genève chia cắt nơi Bến Hải. Còn bao nhiêu triệu bộ đội từ miền Bắc tấn công qua lằn ranh trong cuộc chiến kêu trời đằng đẳng mười lăm năm ?

Thơ văn từ chiến trường Nam Bắc đổ ra hàng tấn.

Lưu lại nơi góc lòng bi thống tôi, hai người nói lên tâm thức người lính chiến. Văn có Phan Nhật Nam, thơ là Nguyễn Bắc Sơn.

Đêm ngủ, ngày đi, hay ngày ngủ, đêm thức, họ làm gì ? Đâu cũng là đấy của

Buổi sáng xuất quân về phương Bắc
Âm thầm sương sớm toán quân ma
Qua  cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

Nhớ nhà thôi sao ?

Nhà dựng sửng hai mái chống mưa. Nhà bám thân vào đất vườn. Nhà quần tụ những đầm ấm mặt mày hơi hướm mấy người thương. Nhà và vạn nhà làm thành cõi nhân sinh. Bảo sao không nhớ trên giòng nước cuốn đỏ au thời máu, dưới chân cầu sắt lạnh đen bạc ? Còn đâu chất tình tự giòng sông Seine trôi ngang cầu Mirabeau theo cuộc tình mòn ?

Cỏ thôi, và chỉ cỏ thôi. Nhìn quanh tứ phía

Cỏ gió che cao đầu tráng sĩ
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng

Tráng sĩ đến từ đâu ? Thuở thịnh Đường Đỗ Phủ ? Thời Trịnh Nguyễn phân tranh nơi Sông Gianh ? Không đâu. Đến từ Nguyễn Bắc Sơn xương thịt, bỏ học vì thời cuộc năm 1963

Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập cầm gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng

Sơn nhìn mình qua tâm sự. Thời đại ám ảnh anh, như Sisyphe lăn đá trên dốc núi. Sơn không có đối thủ, dù lâm chiến cốt giành thắng lợi. Sơn không mang thù hận. Chẳng bao giờ nghe anh chỉ mặt gán tên kẻ bên kia. Có gì khác hơn những “du kích mù” bị chích thuốc mê. Một thế hệ bị thế giới cuốn lôi vào tranh chấp lợi quyền, ảnh hưởng. Chẳng thấy ai ra tay ngăn cản

Vì sao người đến đây làm giặc
Đóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Đưa đẩy người trong cát bụi mù

Làm chi nơi trạng huống vô vọng. Lựa chọn sót, là theo lao đâm lao, có còn là chọn lựa chăng ? Từ nơi bí tử ấy, bi kịch diễn trò

Buổi chiều uống nước dòng Ma Hí
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình

Cảnh ấy, tình ấy bỗng lạ lùng thấy ra, đâu phải riêng người, riêng tim, óc hay thất tình. Đến vật thể vô tri kia cũng động mình từ năng lực thúc đẩy vạn trăng sao

Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà ?

Nhà của mái, nhà của đất, nhà của mặt mày hơi hướm, nhà của rừng xanh cầu cạnh, của biển cả vượt sóng về xin sợi khói lên khi chiều xuống.

Hãy đọc lại từ từ bài Thảo Khấu vừa nhắc tới trên đây

Thảo khấu 

Buổi sáng xuất quân về phương Bắc 
Âm thầm sương sớm toán quân ma 
Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất 
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà 

Nước reo bèo dạt mặt trời lên 
Khói núi lời ca chú dế mèn 
Cỏ gió cao che đầu tráng sĩ 
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng 

Vì sao ta tới đây hò hét 
Học trò bẻ bút tập cầm gươm 
Tập uống máu người thay nước uống 
Múa may theo lịch sử điên cuồng 

Vì sao người đến đây làm giặc 
Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu 
Giận đời ghê những bàn tay bẩn 
Ðưa đẩy người trong cát bụi mù 

Buổi chiều uống nước dòng Ma Hí 
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh 
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng 
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình 

Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm 
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga 
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt 
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà?

Chúng ta là kẻ thảo khấu vô ơn bội nghĩa. Chúng ta ăn cắp lửa của trời, nắng của bình minh, không khí của hư vô… để sống. Nhưng ta không sống như nước nhảy, hoa thơm, mà sống bằng chiến chinh tàn phá

Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Tâm hồn trẻ thơ

Đất của kẻ lạ, chưa là đất của mình. Ở nơi đó

Gã du kích mù
Bắn viên đạn mù
Vào thân thể người sĩ quan lim dim ngoài trận mạc
Trong trận chiến mịt mù này
Chúng ta làm sao tỉnh thức
Con trai ta chào đời, Người bạn ta nằm xuống
Một trẻ con mới sinh
Chắc gì là điều đáng vui
Một người chết
Chắc gì là điều đáng tiếc
Con trai ta chào đời, Người bạn ta nằm xuống
Đời mình như chiếc ly rượu cạn
Hắc toẹt đời đi chẳng nhíu mày

Hơi cay, đạn khói, dùi ma trắc
Bước cũng không lui trước bạo quyền

Bây giờ ta đã thành ti tiểu
Uốn vào khuôn khổ cuộc đời kia
Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật
Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què
Tha lỗi cho tôi
Chinh chiến kéo từ rừng rú tới thị thành
Thị xã ta giống như chuồng khỉ chật
Nơi đó lũ thị dân đóng đủ trò
Làm khổ nhau vì những điều thuần tưởng tượng

Người hàng xóm ta
Đang cởi trần chửi thề khí hậu
Đến giờ đi làm
Hắn trở thành người cảnh sát nghiêm trang
Sau khi đội mũ và thay đồng phục
Chúng ta không phải sinh ra để sống như thế này

Đời ngày với mộng đêm, thuần hoài một tiếng súng nhịp đôi. Không âm thanh người, âm thanh chim, âm thanh lá đang hóa màu qua mùi nắng

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắt cù
Mật khu Lê Hồng Phong
Khu phố quận những đời người đã mỏi
Cỏ xanh đùn cao gió khói hư vô
Khói hư vô

Nguyễn Bắc Sơn oằn oại nỗi thao thức, tìm kiếm mặt mày xưa không còn nơi phố thị, lưng chừng rừng hay đầu ngọn súng

Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lạc nẻo bao la

Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Tâm hồn trẻ thơ
Soi mặt mình trong dòng nước trong xanh
Để nhìn thấy hình bản lai diện mục
Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giả từ  đời vũ khí huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết
Tiệc tẩy trần của người sống sót

Được chăng ? Giả từ ? Vứt hết ? Người không còn người nơi thế giới tương sát, dù người là người sinh từ thuở tương sinh

Lao người vào chốn phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành đươc ư
Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân
Ta dự tính giả từ vai khán giả
Nối vòng tay, vòng tay lớn Việt Nam
Chân dung tự họa

Được không ? Không làm khán giả ? Nối những vòng tay ?

Các giáo sư dạy lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
Những điều cần nói khi thôi học
Ta còn ta trong cánh rừng hoài vọng
Vuốt tóc bồng theo dấu vết em qua
Những năm tâm hồn còn trữ tình mê điên thi ca và triết học

Thời gian Nguyễn Bắc Sơn “điên mê vì thi ca và triết học”, là “những cánh rừng hoài vọng”, bởi mọi hệ thống triết học đều do vọng tưởng phân biệt, đều là hý luận, là phân biệt danh ngôn, là cấu trúc của tư tưởng. Chưa là sự phủ nhận toàn triệt mọi hoat động của tư tưởng để phát lộ Thực Hữu, vượt ngoài mọi kiến giải, khái niệm và ngôn ngữ. Những hệ thống triết học còn mang tính tư biện, trò chơi thuần túy của trí tưởng tượng, chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa mà thôi

Chúng ta giống những hài nhi vô nhiễm
Chơi đùa trên sóng nước hư vô
Người bạn già và Cô gái Huế

Và quyết tâm Sơn thành kẻ làm thơ

Thi sĩ, người ngây ngô ngó thấy
Cuối trời chiều, một bến đậu vô biên
Người bạn già và Cô gái Huế

Bến nào ? Bến Phu Văn lâu ? Bến Hàn giang ? Bến Sông Tương ? Những bến được thở phà thành vóc dáng tiên cô. Bến đổ những tâm hồn non trẻ nhưng già tình

Thấy ngôi nhà em soi mình trong bóng nước
Và thấy tình yêu đầy những nỗi bi hoan

Khi qua nghĩa trang thấy một bầy mả đá
Nghĩ đời mình đâu đến một trăm năm
Trên đường tới nhà Xuân Hồng
Em không nói tiếng người
em nói bằng tiếng chim, bằng tiếng suối
Tiếng nói em thơm ngát hồn anh

Anh thương những hàng cây suốt ngày bực tức
Vì giận sao mình chưa biết đi

Trăm năm dài rồi sẽ đụng nghìn năm
Tất cả sẽ qua đi điều gì còn ở lại
Một đóa hoa quỳnh trong cõi trăm năm
Thơ tình tháng Chạp

Em, rồi những em và em… bóp trái tim người trai mỗi ngày một trăm nghìn lần. Vết thương trút lên cây cỏ, mượn cây cỏ đứng chờ em thành lá ngó

Cây bạch đàn trước nhà em còn hay mất
Sao anh hình dung như có vết thương

Tiếc câu thơ anh không thể làm cho đời em ấm cúng
Tiếc loài người bày ra xiềng xích huyễn vọng
Đến nỗi quên mình là hạt giống vô biên
Người Hoa khôi áo rách
Ai xui ngôi nhà em cất giữa ngã tư đường
Khiến lòng anh cứ ngập ngừng ba ngã
Mùa thu đi ngang qua cây Phong du

Em là xa, là rời, dù một lần đã đến. Sông cứ trôi, bến cứ đợi ven trời. Mảnh lưới nhớ tunghoài trên vạt sóng, bóng của hình trôi dạt mãi không thôi

Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên chợt nhớ mắt một người thiếu nữ
Đã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Thiếu nữ

Sát na xưa nghìn muôn thu chẳng dứt. Đâu đó bên trời em còn nhớ gã thơ xưa

Cái nhớ, cái thương, cái tình, cái tiếc
Không cái nào như cái đôi ta
Sông Cửu Long chín khúc
Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên
Mai sau dù có bao giờ
Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột
Ta quàng xiêng nên đã sa chân
Trên đường tới nhà Xuân Hồng

Sa chân nhưng đâu được vào bẫy ? Chấp nhận bẫy làm quán trọ, mà có ai cho ? Em không cho như lẽ luật vô thường

Biết ngày xưa em là gió Tây
Thổi quanh quẩn con đường nhà em mỗi tối
Trong lòng anh cũng nở một bông hoa
Nhị Hồng

Chiến tranh và Tôi hay Chiến tranh và Tình ? Cả hai dẫn dắc Nguyễn Bắc Sơn đi vào tuyệt lộ. Đứa “trẻ thơ nghìn năm trước vẫn trẻ” trong chiếc thân đời lâm bệnh

Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ
Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô
Mai kia trong những ngày ngưng chiến
Ta chắc rằng không thể yêu ai
Nhà thương điên nếu còn chỗ trống
Xin chiếc giường cho xác tàn phai
Căn bệnh thời chiến
Dù đôi khi ta lên núi Tà Dơn uống rượu
Trời đất bao la ta chỉ có một mình
Nhưng làm sao quên cuộc đời dưới đó
Quên những thằng người bôi bẩn nhân sinh

Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái
Để được làm người theo ý riêng ta
Ngày hôm nay ta muốn chọc mù con mắt phải
Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa

Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng
Cười lên đi những tiếng bi hùng
Đời đã bắt kẻ làm thơ đi lính
Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng
Cười lên đi tiếng khóc bi hùng

Còn lại chăng một tiếng chuông khuya, với hình đổi bóng thay, mất hướng quy hồi

Tiếng chuông em gõ bên chùa cũ
Mà sao lạnh điếng cõi sương mù
Tháp Chạp sầu đời trên núi cao

Không bến đậu nơi vô biên, Nguyễn Bắc Sơn về nương tựa Phật

Mất bảy năm trời ta hiểu Thích Ca
Ôi nụ cười đang từng đêm mất ngủ
Chân dung tự họa

Tiếc cho Sơn đến với Thích Ca bằng kinh, bằng sách. Không bằng lối ngõ của Nụ Cười “khiến từng đêm mất ngủ”. Sống Thích Ca vẫn hơn hiểu Thích Ca. Hiểu gì ? Đố ai hiểu khuôn mặt em ? Hiểu ánh mắt ? Hiểu chiếc lá ? Chòm hoa ? Hãy nói đi nếu hiểu. Nói được chăng, rồi cũng chỉ tuông một một tràng ảo tưởng, những ngàn lời nhì nhằng. Hiểu Thích Ca, nên có lần anh Cãi Phật

Phật bảo đời người như bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu
Cãi Phật

Nếu không còn sống, hết vui, không còn múa thì thân phận ra sao ? Nếu đã sống Thích Ca thay vì hiểu, Sơn sẽ hạ bút

Ta cười sướng khổ cũng như nhau
Khổ đau đã cạn dưới chân cầu

Dù sao cái hiểu ấy đang dần dà tỉnh thức Nguyễn Bắc Sơn

Một sáng phiêu bồng qua bến sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bến sông này
Qua sông

Phật hay Niết Bàn là qua sông. Gate gate pāragate pārasamgate bodhi svāra ! Quay lại bến sông là một thệ nguyện khác, thệ nguyện cứu chúng sinh. Sơn giải thích bằng thơ giây phút phân vân khi Phật Thích Ca thành đạo sau 49 ngày nhập định với sáu năm khổ hạnh Tuyết Sơn : Nhập Niết Bàn hay Nhập Thế ?

Không dễ như chuyện lên núi xuống núi của người theo đạo Lão, hay “Hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt / Vỗ tay cười thương lớp sóng lô nhô” (Bỏ xứ).

Ai không biết Phật hay Bồ Tát đến đi, vào ra khác ta. Do trí tuệ bát nhã mà nhập Niết Bàn, do từ bi nên vào cõi thế gian cứu độ.

Sau “Chiến tranh và Tôi” ngôn ngữ Nguyễn Bắc Sơn mang âm hưởng hải triều. Hải triều của Saddharma Puņdarīka : “Âm thanh siêu việt, âm thanh quán thế, âm thanh triều lộng, thắng vượt âm thanh thế gian” — một thứ “Thắng bỉ thế gian âm” của người thi sĩ

Mắt người như cánh hoa sen
Mắt của rừng nai mắt của tình
Một sáng ta về ngây ngất ngó
Âm thầm thu phát những âm thanh
Diệu âm

Âm thanh ta ? Âm thanh người ? Âm thanh em ? – Không. Âm thanh của người thi sĩ, thứ thi ngữ cao xanh, linh diệu, khác chi nhạc trên tầng thần trí cao siêu.

Tiếc thay Nguyễn Bắc Sơn đã ra đi khi triều thơ bắt đầu mùa gặt mới. Dù dấu ấn thơ Sơn đã thoát ly hàng tấn thơ văn thời chiến, đứng riêng biệt xa hẳn cõi người.

Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, tác giả của hai tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” do Đồng Dao xuất bản tại Saigon năm 1972, và “Đời như một nhà thơ” do nhà Đông phương ấn hành năm 1995*.
Bạn đọc có thể theo dõi những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Bắc Sơn trên Trang nhà Gió O : www.gio-o.com.

Sau đây là một bài thơ của mà Nhà văn Trần Hoài Thư vừa mới sưu tầm được, nói lên nỗi lòng người xứ Việt :

Nguyễn Bắc Sơn
Trời Cố Xứ
Gởi Thức, Hoàng và Tân

Trời mưa ở Nha Trang làm tôi nhớ bạn đến rơi nước mắt
Khi thấy rượu tràn sôi vành ly
Hoa sứ đỏ rụng nhiều xui tôi nhớ ngày đi trọ học
Nhà em láng giềng cửa sổ mở đêm khuya
Tưởng tượng có người thanh niên ngồi im trong quán gió
Khi chuyến xe đò tách bến trong mưa
Chuyến xe chở người đàn bà mang áo khoác
Tóc dài như tóc của em xưa
Tôi sợ tình yêu như sợ nhìn về viễn kiếp
Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương
Biết đâu mẹ tôi không đang sơn xanh ngôi nhà, mở toang từng cánh cửa
Mong bóng tôi bỗng hiện cuối con đường
Nơi cổ thành kia tôi đã lớn khôn đã cười đã khóc
Đã đem lòng thương mến Cúc Hoa em
Đã sống âm thầm những năm bất khuất
Soi chiếu đời với những que diêm
Tưởng tượng giữa trưa có người thanh niên nghe tiếng con gà trống gáy
Nghĩ đời mình trôi dạt biết bao nhiêu
Máu tôi lẫn máu người du mục
Nhưng lòng tôi e gió thổi đìu hiu
Các con ơi, tưởng tượng ba mỗi ngày ôm theo nón sắt
Đứng chờ xe trước ngã ba đường
Phải lộn sòng theo gái giang hồ và những tay mổ mật
Các con sẽ thấy lòng người đen bạc ở quê hương
Cổ thành kia ơi, cổ thành bạc bẽo
Đuổi xua người trai trẻ mến thương người
Vì sao người thành ra bãi rác
Thành ra nơi đĩ điếm chuột heo ruồi
Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ
Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây
Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục
Đâu có người thương tiếc đám mây bay
(Nguyễn Bắc Sơn)

Thi Vũ
Xóm Linh Mai, giáp Tết Bính Thân – 30-1-2016

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016