SỐ 70 - THÁNG 4 NĂM 2016

 

Hoài mái ấm,
nhân đọc Căn Nhà Sau Cửa Biển – Phan Thái Yên

Biển cuồng nộ, dữ dằn kéo nhào vực thẳm. Như cuộc đời. Có khi biển êm xuôi tí tách mạn thuyền đưa người thong dong. Vẫn như cuộc đời. Nổi trôi lốc xoáy quanh một mái lá có tên gọi Nhà. Nhà nhìn ra cửa biển có thủy triều lên xuống. Giữa giòng đời trôi.

Căn nhà đó, trầm vơi gió biển. Sóng, cát vỗ về nhau. Và tình dâng trăng biển cho giọt máu tinh khôi tượng hình. Căn Nhà Sau Cửa Biển giao hòa ba bốn thế hệ của một đất nước điêu linh từ thế kỷ trước cho đến hôm nay. Lãng mạn từ phong trào Đông Du một thời để lại O Mitzuki, Nhật bổn chính hiệu, đài các, trang trọng trong chiếc áo dài Huế, nói tiếng Huế thanh tao giọng trăng Nguyệt Biều từ khi em là nguyệt. Người con gái Việt Nam thành mẹ, Mẹ Việt Nam muôn đời đứng đó ôm xác chồng, ôm xác con. Mẹ Việt Nam nhọc nhằn thân cò nuôi chồng con tù đày cải tạo. Và biển đen, cơn chạy trốn vượt biên của hàng hàng lớp lớp người xô thuyền ra biển đông, của Người buông xuôi về nơi đáy nước / Người có mộng một nấm mộ xanh… (Lời Kinh Đêm – Việt Dzũng). Cũng từ căn nhà đó, gặp gỡ Jeanette và Đăng, thế hệ thứ hai của người Việt lưu vong hòa nhập dòng chính… Phan Thái Yên vẽ lại một bức tranh của đại gia đình Việt Nam xoay quanh dòng lịch sử khốn cùng một thời. Thật nhiều nổi trôi, định mệnh, nhân duyên đẩy đưa phía sau ngôi nhà ấy. Tác giả tài tình dẫn lối, qua u ẩn nghẹn ngào hay thăng hoa phấn chấn, thuật chuyện NHÀ, nơi khởi đầu và cũng là chốn kết tụ.

‘Nữ đã bước qua rất nhiều buổi sớm đứng trên độn cát lắng nghe tiếng khóc mình tan theo mù sương pha gió biển mặn môi. Nàng thở dài cúi nhìn biển sóng dưới chân mình.
Nữ đã u hoài chọn lấy lối đi rất xa để trở về nhà. Một lần cuối.’
(Căn Nhà Sau Cửa Biển – Phan Thái Yên)

O Nữ của bãi trăng hoang, hát lời dã tràng theo sóng nước nghe muối mặn pha dần thành một phần của thịt da. Người con gái Phố Cổ mãi hoài khắc khoải trong nhịp đổi thay không bắt kịp của cuộc đời, hụt hẫng trong tâm trạng đứng lại và bị bỏ quên.

trầm O muối
mặn chát đời
lửa hoang đêm
giục giã khơi tủi ngày
ruồng cửa dại
mộng xanh ngây
một mái biển
lũng trùng vây sóng đầu

(VHT)

Căn nhà sau cửa biển làm chốn ngơi hồi tưởng. Nhân vật của Yên trầm trầm nội tâm, dịu dàng Huế. Có đủ, chiến tranh. Kháng chiến. Đấu tranh chống thực dân và phong kiến. Dân tộc bị bội phản sau cuộc chiến tương tàn huynh đệ. Dĩ vãng kéo chùng vây phủ nhân sinh và len lỏi suy tư hiện tại. Người dằn vặt khôn nguôi trong bánh xe nghiến nhừ lịch sử. Rất nhiều bóng dáng đàn bà xuất hiện trong truyện của Yên. Có khi họ điểm trang rõ nét nhưng lắm khi âm thầm chịu đựng cưu mang. Như cô gái lái đò bến Cà Tang có chồng đi tập kết và cả một lớp thiếu phụ không chồng mà chửa. Những đứa con được sinh ra, “lớn lên âm thầm như bóng”.  Không thể không liên tưởng đến Mẹ Việt Nam muôn đời dang tay cứu khổ đàn con ngỗ nghịch gây khốn khó cho quê hương. Yên lột tả xã hội miền Nam đói khổ trì đọng sau ngày “giải phóng” đến tận cùng ngõ ngách gia đình. Như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc tài tình lồng xã hội miền Nam vào tiểu thuyết, hay Nam Cao, Ngô Tất Tố dựng lại những nghịch cảnh đau lòng ở làng xã miền Bắc, ở một cấp độ nào đó Phan Thái Yên đã thành công trong việc ghi lại bối cảnh miền Trung sau khi đất nước thống nhất. Có thể nói Căn Nhà Sau Cửa Biển là một trường thiên trung thực nhất về giai đoạn đen tối đó, nói không ngoa, truyện của Yên là bản cáo trạng về những bất nhân của một thời đại tại miền Nam sau 1975. Qua đó, muôn đời vẫn là những người đàn bà như dì Chức, dì Nơi, O Đà, O Thục Nữ, O Thục Nhi… dang vòng tay rộng lượng dựng lại mùa xuân, trường tồn mái ấm giữa bao hưng phế nghịch lữ. Lớp người ngợm muôn đời bai bải bài ca đại đồng, giải phóng, họ đã làm được gì cho tổ quốc, quê hương? 

Đọc văn Yên như yên tĩnh hải hành bỗng động trùng lốc xoáy. Những trôn ốc kéo bụ thịt da, những quắn rực chói vàng Van Gogh từ cánh đồng không dưng. Như thế người trở về Phố Cổ, ngan ngát Nội Thành xanh rêu hay biển hồ lục bình đầu thu trôi giạt. Và từ cao, vỡ òa điệu chảy, rớt ngọt xanh um nguyên thảo. Quê nhà. Lên đường và trở về. Cho dù đó là Sông Tiền, Sông Hậu, Sông Thu, Sông Hương hay Mississippi. Về lại Nhà, Căn Nhà Sau Cửa Biển

Vũ Hoàng Thư
Tháng 3, 2016

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016