SỐ 70 - THÁNG 4 NĂM 2016

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 

Chương 6

Họ chôn bà Nana trong một góc nghĩa trang làng Daman. Mariam đứng cạnh bà lão Bibi trong nhóm đàn bà, trong khi ông giáo già Mullah Faizullah đọc kinh lúc người ta hạ huyệt thân xác quấn vải liệm của bà Nana.

Sau đó, ông Jalil dẫn Mariam đi bộ về căn chòi và ở đó, trước mặt những người dân làng đi theo, ông làm tuồng như lo lắng cho nàng. Ông thu vài món đồ của nàng bỏ vô túi. Khi nàng nằm xuống, ông đến ngồi bên và quạt cho nàng. Ông vuốt trán nàng và với vẻ buồn rầu hỏi nàng có cần gì không? - bất cứ điều gì, ông hỏi như thế hai lần.

“Con muốn Mullah Faizullah,” Mariam nói.
“Dĩ nhiên. Ông giáo ở ngoài kia. Ðể ta ra gọi ông cho con.“

Khi nhìn thấy dáng gầy và lom khom của ông giáo già xuất hiện nơi ngưỡng cửa, lần đầu tiên ngày hôm đó Mariam mới bật khóc.

“Mariam, con ơi.”

Ông giáo già ngồi xuống bên Mariam và đưa hai tay đỡ mặt nàng. “Cứ khóc đi con. Khóc đi. Không có gì phải mắc cỡ. Nhưng con nhớ, kinh Koran đã nói: ”Ðáng kính thay Người là cha của muôn loài, Người là kẻ quyền uy trên mọi vật, là kẻ tạo ra cái chết và sự sống nên Người muốn thử con. Kinh Koran nói lên sự thật đó con à. Mỗi thử thách, mỗi buồn phiền mà Thượng đế bắt ta chịu, Người đều có một lý do.” 

Nhưng Mariam không tìm được sự an ủi trong lời nói của Thượng đế ngày hôm đó, trong giờ phút đó. Nàng chỉ nghe lời bà Nana nói: ”Má sẽ chết nếu con đi, Má sẽ chết thôi.” Nàng chỉ biết khóc và khóc, mặc cho những giọt nước mắt tuôn rơi trên bàn tay cằn cõi của ông giáo già.

Trên đường về nhà mình, ông Jalil ngồi nơi băng ghế sau trên chiếc xe hơi của ông bên cạnh Mariam, tay ông choàng qua vai nàng. “Con có thể đến ở với cha, cha đã bảo dọn một căn phòng trên lầu cho con. Cha chắc con sẽ thích phòng đó, vì nó nhìn xuống khu vườn.”

Lần đầu tiên Mariam lắng nghe lời ông nói bằng đôi tai của bà Nana. Bây giờ nàng mới thấu rõ tất cả sự dối trá trong những lời hứa rỗng tuếch và giả rối của ông. Mặc dù cố gắng, nàng cũng không thể nào nhìn thẳng mặt ông.

Xe dừng lại trước nhà ông Jalil, anh tài xế mở cửa cho họ xuống và mang va-li của Mariam vô nhà. Choàng vai Mariam, ông Jalil dẫn nàng vào nhà, cũng đi qua cánh cổng mà hai hôm trước nàng đã nằm ngủ trên vỉa hè để chờ ông. Hai ngày trước thôi – lúc điều ước ao duy nhất của Mariam là được cùng ông Jalil đi dạo trong khu vườn này – mà dường như một cuộc đời khác. Mariam tự hỏi tại sao cuộc đời của nàng lại có thể đảo lộn nhanh như thế. Nàng cúi gầm mặt nhìn xuống đôi chân bước trên con đường lát đá màu xám. Nàng nhận biết có sự hiện diện của nhiều người trong vườn, họ thì thầm và  tránh ra khi nàng và ông Jalil đi qua. Nàng cảm nhận có những cặp mắt đang theo dõi nàng, từ sau các cửa sổ trên lầu.

Vào đến bên trong nhà, Mariam vẫn tiếp tục cúi đầu. Chân nàng bước đi trên thảm màu nâu xẫm dệt những hình bát giác xanh vàng. Liếc nhìn từ đuôi mắt, nàng chỉ thấy phần chân của các bức tượng bằng đá cẩm thạch, nửa dưới của những lọ bình, và phần mép đã sờn của những tấm thảm nhiều màu sắc treo trên tường.

Nàng bước cùng ông Jalil lên những bậc thang rộng cũng được trải thảm tương tự và được đóng đinh chặt ở mỗi bậc thang. Lên đến trên, ông dẫn nàng đi sang bên trái, theo một hành lang khác dài cũng trải thảm. Ông dừng lại trước một cánh cửa, mở ra và đưa nàng vào.

“Chị Niloufar và chị Atieh của con thỉnh thoảng chơi ở đây,” ông nói, “nhưng thường thì phòng này dành cho khách. Ta nghĩ con sẽ cảm thấy thoải mái ở đây. Phòng đẹp đấy chứ?”

Trong phòng có đặt một cái giường phủ chăn màu xanh lục có hoa. Màn cửa sổ - được kéo ra để lộ khu vườn phía dưới - hợp với chăn. Bên cạnh giường có một cái tủ ba ngăn kéo với bình hoa trên đó. Dọc trên tường là những kệ, trên đó trưng khung ảnh của những người Mariam không nhận ra. Trên một cái kệ, nàng nhìn thấy một bộ gồm những con búp bê bằng gỗ giống nhau sắp xếp theo thứ tự từ lớn tới nhỏ.

Ông Jalil thấy nàng nhìn. “Búp bê matryoshka đó (chú thích: búp bê bằng gỗ bọng của Liên Xô). Cha mua bên Mạc-Tư-Khoa. Con có thể lấy chơi nếu con muốn, không ai phản đối đâu.”

Mariam ngồi xuống giường.

“Con có cần gì không?” ông Jalil hỏi.

Mariam nằm xuống. Nhắm mắt lại. Một lúc sau, nàng nghe tiếng ông nhẹ nhàng đóng cửa.

Ngoại trừ khi phải xử dụng phòng tắm dưới nhà, Mariam không ra khỏi phòng. Cô gái có vết xâm, người đã mở cổng cho nàng bữa trước, mang thức ăn mỗi bữa đến trên một cái khay: thịt trừu nướng, rau và súp. Hầu hết còn nguyên khi dọn đi. Ông Jalil ghé thăm mấy lần, ngồi trên gường bên cạnh nàng và hỏi nàng có khoẻ không.

“Con có thể xuống nhà ăn với mọi nguời,” ông nói một cách không mấy sốt sắng. Khi Mariam trả lời rằng nàng thích ăn một mình thì ông không ngần ngại tỏ vẻ thông cảm.

Từ cửa sổ nhìn ra, Mariam lạnh lùng quan sát những gì trước đây nàng vẫn thường tò mò muốn biết  cũng như mong mỏi được nhìn thấy: những điều xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày của ông Jalil. Những người làm tấp nập ra vào nơi cổng nhà. Một người phu làm vườn lúc nào cũng bận rộn cắt tỉa những bụi cây và tưới cây trong nhà kiếng. Những chiếc xe hơi dài bóng loáng dừng lại ngoài đường. Từ trên xe những người đàn ông mặc đồ vét đầu đội mũ lông cừu, những bà đội khăn che mặt và những đứa trẻ tóc chải gọn gàng bước xuống.

Nhìn ông Jalil bắt tay những người xa lạ này, nhìn ông đặt chéo bàn tay lên ngực rồi cúi đầu chào các bà vợ của họ, Mariam hiểu bà Nana đã nói lên sự thật. Chỗ này không phải là nhà của nàng.

Nhưng đâu là nhà của ta? Ta phải làm gì bây giờ?

Má là tất cả những gì con có trên đời này, một mai má chết đi, con không còn gì hết. Con không còn gì hết cả. Con không là gì hết!

Như làn gió thổi qua hàng liễu quanh chòi, từng cơn gió lốc tối tăm dậy lên trong lòng Mariam.

Vào cuối ngày thứ hai  ở nhà ông Jalil, một cô bé bước vô phòng Mariam. “Tôi phải lấy đồ,” cô bé nói.

Mariam ngồi dậy trên giường và tréo chân lại rồi kéo mền đắp lên đùi. Cô bé chạy vội đến mở cửa tủ và lấy ra một cái hộp vuông màu xám.

“Biết đây là gì không?” cô bé hỏi và mở hộp ra.
“Cái này gọi là máy hát dĩa. Máy hát. Diã. Chơi dĩa nhạc. Biết nhạc không. Mày hát diã.”
“Em là Niloufar, em tám tuổi.”

Cô bé gái nở nụ cười. Cô bé có nụ cười và cái cằm chẻ của ông Jalil. “Sao chị biết?”

Mariam nhún vai. Nàng chẳng cho cô bé biết là nàng đã từng đặt tên cô bé cho một viên sỏi.

“Chị muốn nghe một bản nhạc không?” Mariam lại nhún vai. Niloufar cắm máy hát. Từ trong cái túi dưới nắp hộp, cô bé lôi ra một cái dĩa. Cô đặt dĩa lên máy và hạ kim xuống. Nhạc bắt đầu chơi. “Em sẽ dùng một cành hoa làm giấy, để viết cho anh lá thư tình. Anh là vua của lòng em, là vua của trái tim em.”
“Chị biết bài này không?”
“Không.”
“Của một phim Ba Tư. Tôi coi rồi ở rạp hát của cha tôi. À, chị muốn coi cái này không?”

Mariam chưa kịp trả lời thì Niloufar đã đặt hai bàn tay và trán xuống nền nhà. Cô bé đẩy chân một cái, thế là người lộn ngược và đứng thẳng bằng đầu, trong cái thế ba chân.

“Chị làm được không?” cô bé hỏi bằng giọng chắc nịch.
“Không.”

Niloufar thả hai chân xuống và kéo áo xuống.

“Tôi dạy cho,” cô bé vừa nói vừa vén tóc lòa xòa trên trán đỏ ửng. “Chị ở đây bao lâu vậy?”
“Không biết.”
“Má nói chị không phải là chị của tôi như chị nói.”
“Tôi đâu có nói bao giờ,” Mariam dối.
“Má nói chị có nói. Nhưng không sao. Chị có nói, hay chị có phải là chị của tôi, cũng được.”

Mariam nằm xuống. “Tôi mệt rồi.”

“Má nói “âm hồn” khiến má chị treo cổ.”
“Ngừng được rồi,” Mariam nói, vừa xoay người nằm nghiêng “Ngừng nhạc đi.”

Cũng ngày hôm đó, bà lão Bibi đến thăm nàng. Lúc bà đến, trời đang mưa. Mặt nhăn nhó, bà hạ người to béo của mình xuống chiếc ghế bên cạnh giường.

“Trời mưa như thế này là hại cái hông của bác đó, là giết bác đó nghe Mariam. Hy vọng … Ơ kià, đến đây con. Ðến đây với bác. Ðừng khóc. Tội con quá. Thật tội cho con.”

Ðêm hôm đó, Mariam nằm trằn trọc rất lâu. Nằm trên giường, nàng nhìn bầu trời và lắng nghe tiếng chân dưới nhà, tiếng nói bị vách tường hãm lại và tiếng mưa rơi đập vào cửa sổ. Ðến khi nàng chìm vào giấc ngủ thì có tiếng la hét làm nàng giật mình tỉnh dậy. Có tiếng nói từ dưới nhà, lớn tiếng và giận dữ. Mariam không nghe được họ nói gì. Có người nào đó đóng xầm cửa.

Sáng hôm sau, thầy giáo Mullah Faizullah đến thăm nàng.

Thoạt nhìn thấy bạn mình đứng nơi cửa, hàm râu bạc với nụ cười móm mém thân thiện của ông, Mariam lại cảm thấy cay xè nơi khoé mắt. Nàng vội vã bỏ chân xuống giường và chạy đến bên ông. Nàng hôn tay ông như mọi khi, còn ông hôn lên trán nàng. Nàng kéo ông ngồi xuống ghế. Ông đưa nàng xem quyển kinh Koran mà ông đem theo và mở ra. “Ta nghĩ mình không có lý do gì để bỏ qua thông lệ của mình, con nhỉ.”

“Thầy ơi, thầy biết con đâu cần học nữa. Thầy đã dạy con hết những bài, những đoạn trong kinh Koran từ lâu rồi.”
Ông giáo mỉm cười và giơ hai tay lên trong một cử chỉ đầu hàng. “Vậy thì thầy đành thú thật, vì con đã biết hết ý ta rồi. Tuy nhiên thầy còn có thể viện nhiều lý do tệ hơn nữa để đến thăm con.”

“Thầy không cần phải có lý do nào hết cả. Ai chứ thầy thì không.”
“Con nói dễ thương quá, Mariam.” Ông giáo đưa quyển kinh Koran cho Mariam. Ðúng theo ông dạy, nàng hôn lên quyển kinh ba lần - đưa kinh chạm trán sau mỗi cái hôn - rồi đưa lại cho ông.
“Con cảm thấy thế nào hả con?”
“Con cứ ..,” Mariam mở miệng nói, nhưng phải dừng lại vì cảm thấy như có cục đá chặn ngang cổ họng. ”Con cứ nhớ tới những lời má con nói trước khi con bỏ nhà đi. Má …”
“Không, không, không.” Ông giáo Mullah Faizulluh đặt tay lên đầu gối của nàng.
“Má con, xin Allah tha tội cho bà, là một người đàn bà nhiều đau khổ và bất hạnh. Bà đã làm một việc khủng khiếp đối với bản thân bà. Ðối với bản thân bà ấy, đối với con và cả đối với Allah. Ngài sẽ tha tội cho bà ấy bởi vì Ngài rất rộng lượng, tuy nhiên Ngài rất buồn về việc bà ấy đã làm. Ngài không tán thành việc cướp đi mạng sống, cho dù là của ai khác hay của chính mình, vì Ngài đã phán rằng mạng sống là thiêng liêng. Con có hiểu không?”

Ông kéo ghế lại gần và cầm lấy bàn tay của Mariam trong hai tay ông.

“Con à, ta biết má con từ lúc con còn chưa sinh ra, từ lúc bà ấy còn là một cô bé, và ta nói để cho con hiểu, là khi đó bà ấy đã là một người bất hạnh rồi. Ta nghĩ, hạt giống đưa đến việc bà ấy làm đã được gieo từ lâu lắm rồi. Ðiều ta muốn nói với con là con không có lỗi gì cả. Ðó chẳng phải là lỗi của con, con gái ơi.”
“Ðúng ra con không được bỏ má con, đúng ra con phải ..”
“Ðừng nói thế. Những ý nghĩ này chẳng đi đến đâu cả, Mariam à. Nghe ta nói không? chẳng hay ho gì hết. Chúng sẽ hủy hoại con. Lỗi không phải tại con. Không phải tại con. Không.”

Mariam gật đầu, tuy trong lòng không thể nào tin được lời ông giáo già nói, cho dù nàng rất muốn.

Vào một buổi trưa, một tuần sau đó, có tiếng gõ cửa phòng rồi một người đàn bà cao, da trắng, tóc hung đỏ, với những ngón tay dài, bước vào.

“Tôi là Afsoon, mẹ của Niloufar.” bà nói. “Rửa mặt đi Mariam, rồi xuống nhà.” Mariam bảo nàng chỉ muốn ở trong phòng.
“Không, cô không hiểu. Cô phải xuống nhà. Chúng tôi cần phải nói chuyện với cô. Có chuyện quan trọng.”   

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016