SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

Chia Tay

Sau đợt xạ trị, BS cho biết, sức lực của chị sẽ giảm sút nhiều, kéo theo những thứ khác, thứ nào chứ thứ “keo sơn giữa nam nữ” mà giảm đi thì coi như chị “hết thời” đối với anh, đàn ông tuổi nào “chuyện đó” cũng cần thiết.

Anh chị đã qua thời thanh xuân, hồi xuân sờ sờ trước mặt, độ sung sức của anh như cỗ xe bảy ngựa, chị bị tia phóng xạ hạ đo ván chỉ còn tàn lực, chị cà tàng như xe đạp sút dây sên, chạy theo anh nín thở mà có ra cơm cháo gì đâu.

Xạ trị qua rồi, cuộc chiến với bệnh tật tiếp tục với bụm thuốc viên con nhọng xanh đỏ mỗi ngày hầu đẩy lùi di chứng ung thư, chị chưa hoàn hồn, luôn bất an, người xanh xao gầy đét.

Người ta bày cho chị thuốc gia truyền “cãi lão hoàn sinh” rao bán kiểu sơn đông mãi võ trên mạng, bảo đảm bà uống ông khen, chị sợ hết hồn, thuốc đặc trị vóng cả ruột, đưa thêm “cao đơn hoàn tán” vào chắc chị chết sớm.

Tuy bị thuốc hành, mỗi lúc “xông trận” chị cố tỏ ra đồng cảm với anh, khi anh lắc lư ưng ý, thân xác chị rã rời, cơn đau tăng theo nhịp vui hả hê từ thớ thịt của anh, chị ứa nước mắt chịu đựng không dám làm hỏng cuộc vui của anh đang lên mức tột đỉnh, chị tuyệt vọng ê chề nghe thân xác mình chết ngắt lạnh lẻo.

Chị thầm nghĩ, hình như anh chưa khám phá cái xác vô hồn của chị lúc này, bỗng chị đâm hoảng tự hỏi, nếu vì chuyện này mà chị phải xa anh, chị nhắm mắt lại như thể trong nháy mắt chị sẽ đầu thai trở về kiếp con gái.

Rồi anh cũng cảm nhận điều gì đó không bình thường, chị như “vắng mặt lúc nhập cuộc” không còn háo hức lúc cả hai trở nên một, cuộc vui lặng im, thiếu giọng đùa vui bỡn cợt của hai kẻ đang yêu như lúc trước.

Chị không còn sinh khí, không làm sao giả vờ vui thú như thuở nào, không cười khúc khích, không đẩy anh ra, bảo anh dai như đỉa, tham lam…

Chị đã hết yêu anh rồi sao, trăm lần không, chị đang yêu đấy, yêu nhiều hơn lúc trẻ, yêu với hơn ba mươi năm ngọt bùi, vì thế chị chưa dám nói với anh thân xác của chị đã lão hóa, đỏng đảnh quay lưng với chị, mặc cho chị vật vã khổ sở.

Bác sĩ của chị bó tay, bệnh nan y chưa dứt, chuyện kia đâu phải là một căn bệnh mà chữa, thể lực của chị chắc chắn sẽ bị thoái hóa trong thời gian điều trị, tinh thần cũng không khá hơn, chị phải chấp nhận “sức mình có hạn”.

Nỗi lo thầm kín của chị vô tình được lôi ra mỗ xẻ trong một bữa tiệc khi các ông ngà ngà lên men kể chuyện “phòng the”, bà nhà tôi lúc này thế nào ấy, như người dở hơi, làm không ra làm chơi không ra chơi.

Có ông tài lanh vấn ý, mang bà ấy đến BS nhờ bốc cho một “thang viagra” dành cho quý bà là xong ngay.

Giời ạ, cơ thể con người không ai giống ai mà ông kia làm như xe hơi, đưa vô gara châm nước, thay bình ắc qui là “nổ máy” ngay.

Ông kẹ khác cười mỉm, thả một câu nhẹ tênh, thiền ơi là thiền, ở tuổi này trời kêu ai nấy dạ, nếu đã thử “đủ thứ thuốc” mà “bệnh” không khỏi thì coi như “tu tại gia”, và ông kết một câu xanh rờn, ai muốn cãi lại số mệnh “bỏ cơm ăn phở” là xong.

Nghe đến đây chị điếng hồn, anh chị chưa bao giờ đụng đến vấn đề gai gốc này, nếu một mai phải đối mặt với thực tế, anh khó mà “tu tại gia”, ra ngoài dùng phở thay cơm, hay khoác áo ra đi, chị lại nhắm mắt, viễn cảnh sống thiếu anh, chị chưa hình dung nổi.

Sau bữa tiệc hôm đó anh trở nên ít nói, căn nhà vắng đi những câu đùa dí dỏm, các con về chơi nhận thấy bố mẹ “xa vắng” thế nào, cứ như hai người đang hờn nhau điều gì đó.

Chị trấn an các con, bố lo việc sở, nói cho có nói, nói như để lấp đầy sự vắng lặng đáng sợ chứ chị dư biết các con đã nhận thấy thái độ không bình thường của anh chị.

Bây giờ sau bữa cơm chiều anh ôm máy, làm việc hoặc lang thang trên mạng cho đến khuya, đến lúc mệt lả quay ra ngủ để khỏa lấp sự đòi hỏi của “cỗ xe bảy ngựa” đang hành hạ anh.

Lúc này chị cảm thấy mình mang tội tày đình với anh, chỉ có chừng đó việc mà cũng không xong, nên mỗi khi xông trận chị cố “chìu anh”, mang hết sức lực phục vụ mà sao chị diễn vẫn không đạt yêu cầu.

Anh biết chị cố gắng, chịu đau, chịu đựng, anh không nỡ tiếp tục, nhưng đang “cỡi lưng cọp” trèo xuống cũng không xong, cuộc vui kết thúc nửa vời, anh hơi áy náy vì niềm vui của anh là khổ hình của chị.

Từ mặc cảm bất lực, chị rơi vào cơn trầm cảm, chị không biết than thở với ai, có nói cũng bằng thừa, BS còn bó tay, mà có phải là bệnh đâu mà chữa.

Anh khư khư cho đó là “căn bệnh” của người già, khoa học tiến bộ có thuốc cãi lão hoàn sinh như viagra sờ sờ ra đó, anh còn khoẻ, chứ đến lúc “hữu sự” anh sẽ không ngại nhờ thuốc  giúp sức.

Anh thuộc trường phái “duy vật”, thích ăn ngon mặc đẹp, vui chơi hết mình, chị sống nội tâm, lúc nào chị cũng “cốt cái tâm hồn”, nay đụng đến chuyện thật là vật chất, chị cầm chắc phần thua.

Ngày các con ra riêng chị đã thấy buồn, nhưng còn anh cầm chuyện, giờ hai đứa nhìn nhau chẳng biết nói gì, anh như căm hận căn bệnh quái ác đã cướp đi sự đáng yêu ở chị, anh đâm ra cáu gắt vô cớ, chị lẳng lặng cam chịu, dù gì cũng lỗi tại chị mọi đàng.

Chị chợt nhớ hồi còn bên nhà, vợ chồng chị ra riêng dọn đến một xóm lạ hoắc, láng giềng phía sau nhà chị càng lạ hơn, ông cụ trên sáu mươi sống với con gái út, con trai con dâu và đám cháu nội.

Bà lên núi tu, thỉnh thoảng về thăm nhà, lúc đó chị tức cười bà cụ, nghĩ đến tuổi này mà bà còn ghen kiểu “Lan và Điệp”, ông ở nhà với con cháu rất ngoan, có thấy ai xớ rớ bên ông đâu.

Thật ra chả có Lan và Điệp nào cả, chẳng qua bà hom hem như con mắm, lực bất tòng tâm, xớ rớ chỉ tổ phiền lòng ông cụ còn sung sức, thà lên núi trốn nghiệp chướng cho ông được thư thả.

Chị rùng mình tự hỏi, có khi nào chị phải lên chùa như cụ bà hàng xóm năm xưa, khó quá, chị chưa tới tuổi hưu, mấy con trăng sắp tới chưa biết tính sao, nói gì cầm cự đến lúc về hưu.

Chị mò lên mạng tìm thử xem người ta mách nước thế nào để “cãi lão”, thiên hình vạn trạng, nhiều chiêu vô số kể, ít có phương thức nào đáng tin cậy, có người lợi dụng cơ hội để bàn ngang tán dọc, trổ tài nhí nhố, vài câu trả lời chung chung, đương sự tự liệu cơm gắp mắm.

Tình trạng này kéo dài chắc chị điên mất, chị luôn túc trực ban đêm khi anh có nhu cầu, dù rất nhọc nhằn chị vẫn cố gắng, chị chưa biết mở lời thế nào để cả hai tìm ra một giải pháp ổn thỏa.

Bỗng anh trở nên trầm lắng, không đòi hỏi, không nao núng như lúc trước, anh thức suốt đêm trên mạng, hình như anh đang liên lạc với ai bên Sàigòn, sau khi tắt máy anh có vẻ sảng khoái lên giường ngủ một lèo tới sáng.

Cái gì đến phải đến, anh không dấu anh vừa quen một cô bên nhà, chỉ là bạn thôi, anh rủ chị cùng về VN tiện thể ra mắt bạn tâm giao, bạn anh cũng là bạn của em.

Nói vậy chứ anh biết đời nào chị theo anh về bên nớ, ngay như việc anh có “bạn mới” một cách công khai anh đòi chia tay với chị trong ôn hòa, họ quen bàn luận với nhau hơn là đấu khẩu, chị là người cầu hòa, tất cả đều có thể thương lượng với chị không cần ồn ào.

Vài tháng sau anh dọn ra riêng, đơn ly dị đang chờ ký, chị buồn lắm, hơn ba mươi năm mặn nồng, giờ chỉ chờ nhau trước cửa tòa để thật sự chia tay, thật ra họ đã xa nhau từ dạo chiếc xe đạp tuột sên của chị bỏ cuộc không đuổi kịp cỗ xe bảy ngựa của anh, tình cảm trong anh cạn dần theo thân xác khô cằn đang tuột dốc của chị.

Chả trách anh được, ở tuổi ngoài năm mươi phơi phới bảo anh ăn kiêng khổ hạnh, tự nhiên chị đổ bệnh bắt anh gánh chịu hậu quả, thật bất công với anh, cuộc chia tay này tuy anh chủ động, nhưng chị không thể giận anh.

Những ngày đầu chị hoang mang đau khổ muốn hóa rồ, nghĩ cho cùng nếu còn yêu anh, chị phải trả anh về với cuộc sống của anh, các con không đứa nào lên tiếng, xót mẹ nhưng chúng nó cũng thương cha.

Từ nay chị một mình đối diện với cuộc sống, may mà các con thường xuyên lui tới để chị bớt quạnh hiu, trời cũng xót thương thân phận của chị nên cơn bệnh thuyên giảm dần, chị tìm vui trong công việc và bằng hữu.

Bạn bè thăm hỏi, chị gắng gượng trả lời, đã ổn định, sẽ cố quên anh, chị không thích bị ép uổng nên cứ để nỗi nhớ anh bàng bạc khắp nơi, ảnh của anh vẫn còn nguyên trên tường, trên tủ, chị cho rằng anh bỏ chị với lý do chính đáng.

Anh dọn đi nơi khác để tránh cho chị khó xử, rồi về Sàigòn cưới vợ mới, thỉnh thoảng bạn bè đưa tin qua lại để hai người giữ liên lạc với nhau, chị rất vui mỗi lần được tin về anh, tuy còn buồn nhưng chị chấp nhận số phận hẩm hiu cuối đời, có chèo kéo cũng không giữ được người đi.

Nỗi nhớ anh càng da diết hơn khi có bạn cho biết, anh vẫn nhắc đến chị, hình như anh còn yêu chị, xa nhau rồi anh mới thấy, khó tìm một phiên bản thứ hai của chị, tuy đang vui bên người mới, nhưng hạnh phúc hãy còn xa tít cuối đường hầm.

Có lẽ khoảng cách về tuổi tác, môi trường sống chênh lệch giữa hai người khiến anh trở nên mệt mỏi, ngoài thú vui xác thịt, anh thấy thiếu cuộc sống êm đềm quen thuộc với chị hồi trước.

Anh phải giải thích đến ba bốn lần cách nấu ăn của chị, không nêm bọt ngọt, nước mắm không ngọt như đường, những chi tiết li ti làm cô vợ mới phật ý, cô khóc đã rồi cô hờn ghen với chị, đã bỏ nhau rồi sao anh cứ lôi chị vào giữa hai người.

Bản chất duy vật của anh sờ sờ ra đó, an vui thân xác rồi anh lại nhớ đến tâm tính của chị, thói quen có chị bên cạnh trở nên bức bách, khổ cho cô vợ trẻ bỗng thấy mình như vợ hờ, anh cần thân xác của cô, tâm hồn của chị.

Giá anh nói ra từ đầu chắc cô không ưng anh, vì nghe anh than không hợp với vợ nên cô mới nhào vô, tình nguyện nâng khăn sửa túi cho anh, chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ.

Những lời ta thán cải lương như ri anh chưa bao giờ nghe từ cửa miệng của chị, thời sinh viên, anh đàn chị hát, thế là họ yêu nhau không cần lời tỏ tình mùi như mít rụng.

Với chị, anh nói nửa câu chị đã hiểu đoạn kết, chả cần dùng nước mắt làm yếu lòng nam nhi, chị im lặng khi hờn dỗi, chị làm lơ là chị trách móc, cung cách thanh tao của chị, cô em Sàigòn không tài nào sánh kịp.

Sau vài tháng xa xứ theo chồng, cô vợ ngập ngừng gọi chị làm quen, cô nói qua tiếng nấc, ảnh vẫn còn yêu chị, ảnh biểu em phải bắt chước chị, không được khóc, phải khéo léo đảm đang, chị ơi em phải làm sao đây.

Bên kia đầu dây chị chết lặng, anh vẫn còn yêu chị, tội nghiệp cô em “nhập vai” của chị không đạt, bao nhiêu hờn giận tan biến, đúng lúc lòng chị đang lắng dịu, cái tình của anh lại réo gọi, kỷ niệm vui buồn kéo về giăng đầy căn nhà xưa.

Từ đó hai người liên lạc với nhau qua điện thoại, ban đầu chị không muốn làm thân với cô, càng không muốn biết về cuộc sống của hai người, nhưng cô cứ nài nỉ làm chị xiêu lòng, và chị nghĩ nếu thương anh, chị nên giúp cô đóng tròn vai vợ hiền mà chị vừa buông bỏ dù điều đó không do chị quyết định.

Biết tính chị nhân hậu, chính anh đã bảo vợ gọi cho chị nhờ giúp đỡ, chị rất cảm động khi nghe cô em nói như thế, rồi cô xem chị như một người chị, thấy cô thật lòng chị không nỡ từ chối giúp cô nên hai người gần gũi hơn.

Có người xấu miệng bảo chị bị “bùa yêu” của cô vợ mới chiêu dụ, chị không phân trần giải thích, chỉ biết số chị sống với anh chừng đó ngày tháng, phần còn lại đời anh thuộc về người khác, không tin bói toán nhưng chị tin định mệnh, có cưỡng lại cũng không được.

Một ngày đẹp trời, anh mang cô vợ sau ra mắt chị, trong lúc hai người đàn bà loay hoay trong bếp, anh nhảy vào chiếc ghế nệm anh thường ngồi ngày trước, tấm hình kỷ niệm ba mươi năm cưới của anh chị vẫn yên vị trên kệ sách, căn nhà y như trước, chỉ anh là người đã ra đi.

Tiễn anh và vợ ra về, chị chúc hai người hạnh phúc, lời chúc từ đáy lòng chị, chị bỗng thèm một bờ vai để nương tựa lúc trái trời trở gió, nhưng ngoài anh ra chị không còn hứng thú với ai cả.

Nhìn ánh mắt vời vợi của chị, anh chạnh lòng nắm tay chị, anh xin lỗi chưa ra khỏi đời em, và em vẫn còn trong lòng anh.

Chị quay vào nhà, mở bài “Thương một người” của Trịnh Công Sơn.
Anh nổ máy xe, bật CD giọng Khánh Ly xa vắng

Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
Lạnh lùng ánh sao rơi

Thương ai về ngõ tối
Bao nhiêu lá rơi rơi
Thương ai cười không nói
Ngập ngừng lá hôn vai

Thương nụ cười
Và mái tóc buông lơi

Bài hát thuở mới quen nhau, anh đàn chị hát, từ đó họ yêu nhau, bây giờ thì …

Juillet 2016 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016