SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

Không Hiểu Vì Sao

Lưu luyến rời Đà Lạt, chúng tôi xuôi đèo Omega xuống thành phố Nha Trang. Con đường mới nối liền hoa và biển hoàn tất được khoảng sáu năm, đi thẳng đến gần ngã ba Thành, đã rút ngắn thời gian lái xe xuống còn gần ba tiếng. Khoảng đường dài 145 km với một cung đèo dài 29 cây số mang nhiều tên gọi - đèo Omega hay Hòn Giao, Khánh Vĩnh, Khánh Lê, Bi Doup, Lung Linh/Long Lanh... cũng chỉ là nó. Đường đèo đẹp, băng ngang công viên quốc gia Bi Doup, nhưng tương đối ít người đi do rất khúc khuỷu và có độ dốc cao vì phải "khắc phục" cao độ 1500m với một khoảng cách tương đối ngắn,  đường núi lại hay bị sạt lở và sương mù, nhất là về mùa mưa.  Hơi khó để có thể thưởng thức được cái đẹp đi đường khi cứ bị lắc lư như người đang lên đồng theo những cú rà thắng, chặt cua liên tu bất tận của quãng đường đầy những khúc quanh cùi chỏ.

Xuống hết con đường đèo xe tạm dừng để hỏi thăm đường đến bãi Dài nơi nổi tiếng với những quán ăn biển rất ngon. Hơi nóng ập vào làm mọi người ngất ngư, đành phải gác lại những tâm hồn ăn uống để khỏi phải đi ngược về phía Cam Ranh thêm mười mấy cây số. Bữa ăn trưa bên bờ biển Nha Trang cũng khá thú vị. Để được những món hải sản tươi ngon thì phải chịu đựng cái nóng rin rít của gió biển mặn. Một con cá hồng khoảng hai kí lô đang lội tung tăng trong hồ (thiện tai, thiện tai) làm được thành ba món (tại thiên, tại thiên): cái đầu nấu canh chua măng, cái mình làm món cá sống sashimi và phần đuôi hấp, cuốn bánh tráng. Tăng cường thêm món mực nướng và nghêu hấp sả, tất cả còn rất tươi. Ngon!

Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Nha Trang. Lần trước đến đây, Nha Trang Hotel còn là một kiện tướng hàng đầu của các khách sạn bờ biển, giờ đây đứng khép mình khiêm nhường bên cạnh những khách sạn đồ sộ và lộng lẫy, “hoành tráng” hơn, đang chen vai đua sắc dọc con đường Trần Phú trước biển. Những quán hàng trên bãi với ghế bố và dù che thơ mộng không còn nữa. Phố biển đã lột xác để trở thành một nơi đón du khách theo tiêu chuẩn nước ngoài. Thành phố sáng sủa, khang trang và gọn đẹp. Nhiều công trình xây dựng khách sạn mới đang đua nhau mọc lên dọc theo khu vực chạy dài trước bãi.

Chờ nắng nhạt dần để tản bộ ra phố, bước dọc theo  đường Trần Phú, Biệt Thự, qua Nguyễn thiện Thuật, Hùng Vương, Trần quang Khải, tôi bỡ ngỡ như đang du lịch tại một phố nhỏ nào đó ở nước Nga. Hầu hết những bảng hiệu, quảng cáo, thực đơn... đều dày đặc tiếng Nga. Khách người Nga đi đầy phố, trong siêu thị và ngồi chật các tiệm ăn, quán ba, họ có lẽ chiếm đến 70 - 80 phần trăm tổng số khách ngoại. Một ít quán ăn, dịch vụ du lịch, cửa hàng đủ loại cũng do người Nga làm chủ hay quản lý. Cô gái tóc vàng mắt xanh đứng trước tiệm mời chào, phân phát những tờ quảng cáo dĩ nhiên là bằng chữ Nga. Số 20 - 30 phần trăm còn lại có lẽ là Trung quốc. Những chiếc xe buýt du lịch đậu dọc con đường tôi lang thang đang ồn ào đưa đón những đám du khách phương bắc đến đây tìm một nơi nghỉ mát đẹp và rẻ. Thảo nào những bảng quảng cáo đầy ấn tượng đã thấy cả tiếng Hoa. Ngỡ ngàng, tôi quay bước ra biển.

Biển vẫn đẹp như xưa. Sạch sẽ và ngăn nắp hơn. Có đường dành riêng cho người đi bộ, có chỗ tập thể dục cộng thêm những mảng cây xanh. Nước vẫn trong một màu xanh ngọc bích. Xa xa nhấp nhô những chiếc ghe chài thân quen, những hòn đảo nhỏ nối tiếp trải dài, nổi bật hơn cả là hòn Tre, giờ đã  trở thành khu du lịch Vin Pearl với đường cáp treo nối thẳng vào bờ. Bãi biển thật đông và rất nhiều người ngoại quốc. Những cô gái da trắng tóc vàng nhưng nét mặt trầm mặc, thoáng chút khắc khổ với thân hình tương đối khô khan, thiếu những đường cong, căng tròn cân đối và nước da trắng hồng đầy sinh động của thiếu nữ Âu Mỹ thường thấy trên những bãi biển California. Trên bãi cát, những người Nga trung niên trở lên trông thật phản mỹ thuật. Các ông bụng to như tượng ông địa nhưng lại thích mặc kiểu quần tắm speedo bé tí teo - kinh quá! Ngôn từ thời thượng ở đây gọi là "siêu phản cảm". Các bà thì vòng số ba rất ư là "khí thế', mâm nào ra mâm nấy, đường kính gần cả thước - hãi quá! Tôi ngán ngẩm quay về.

Mặt trời đang ngả xuống sau rặng núi phía tây. Ở đây tôi không ngắm được những gam màu linh động trác tuyệt của những tia nắng cuối cùng quyện vào mây và sóng nước khi mặt trời lặn dần trên biển như đứng ở Corona del Mar – chiếc Vương Miện của Biển Cả, bên kia bờ Thái bình Dương. Nhưng ở đây, hoàng hôn lại mang về ngập hồn âm hưởng của những ngày đi biển xa xưa, hồi sinh những tâm tư ngỡ đã ngủ yên trong quên lãng của chàng sĩ quan trẻ, đứng lặng lẽ trên đài chỉ huy khi chiến hạm ra khơi, bồng bềnh chuyến hải hành phía bên kia những hòn đảo nhỏ, mông lung tìm về ánh đèn phố biển để mơ mộng, để nhớ nhung, để buồn những nỗi buồn tuyệt diệu mà người ta chỉ có được khi còn rất trẻ, thật trẻ...

Nha Trang, quê hương thứ hai của tôi là ở đó, nó nằm giữa cái thật và cái mộng mơ, cái hiện thực pha ít kỷ niệm và một chút gì hoài cổ. Nha Trang bây giờ là của kinh tế thị trường, của phát triển trong cạnh tranh thương mại!  Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến bài thơ Chiều của thi sĩ Xuân Diệu:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...

thế thôi, rồi cũng,

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiểu
Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn.

meocali
Tháng 5/2016

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016