SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

A Thousand Splendid Suns 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 

 

 

 

Chương 7

Ông Jalil và mấy bà vợ ngồi đối diện với nàng. Họ ngồi bên kia chiếc bàn dài màu nâu xẫm, ở giữa bàn có bình hoa bằng pha lê chưng bông cúc vàng và một bình nước lạnh. Người đàn bà tóc đỏ lúc trước đã tự giới thiệu là Afsoon, mẹ của Niloufar, ngồi bên tay phải của ông Jalil. Hai người kia, bà Khadija và bà Nargis, ngồi bên trái. Mấy bà vợ, như thể vào phút chót họ mới chợt nhớ, đều cột lỏng lẻo nơi cổ một cái khăn đen mỏng, thay vì đội lên đầu. Mariam hình dung có lẽ một người trong bọn họ, cũng có thể là ông Jalil, đã đề nghị họ làm việc này ngay trước khi nàng được gọi đến, bởi lẽ nàng không thể tưởng tượng họ mặc toàn đồ đen là vì bà Nana.

Bà Afsoon rót nước trong bình ra và đặt ly nước trước mặt Mariam, trên miếng lót ly bằng vải ca rô. “Mới mùa xuân mà đã nóng quá,” bà nói, tay làm động tác quạt.

“Cháu ở đây có thoải mái không?” bà Nargis, người có cái cằm nhỏ và mái tóc đen quăn, hỏi. “Chúng tôi hy vọng cháu cảm thấy thoải mái.  Cái …thử thách này… hẳn là rất nặng cho cháu. Quá khó.” Hai bà kia gật đầu. Mariam để ý thấy họ đều nhổ chân mày và họ cuời nói rất nhẹ nhàng và khoan dung với nàng. Trong đầu mình, Mariam nghe có tiếng kêu vo vo rất khó chịu. Cổ họng nàng khô rát. Nàng uống chút nước.

Qua khung cửa sổ rộng sau lưng ông Jalil, Mariam có thể nhìn thấy một hàng cây táo đang  trổ bông. Trên bức tường bên cạnh cửa sổ có một cái tủ bằng gỗ đậm màu. Trong tủ có một cái đồng hồ và một cái khung ảnh có hình ông Jalil và ba đứa bé trai đang cầm một con cá. Vẩy cá lấp lánh ánh nắng. Ông Jalil và mấy thằng bé cười toe toét.

“Vâng,” bà Afsoon mở đầu. “Tôi - chúng tôi gọi cháu ra đây vì có tin rất tốt muốn báo cho cháu biết.” Mariam ngửng đầu lên. Nàng bắt gặp những ánh mắt trao đổi rất nhanh giữa mấy người đàn bà, trong khi đó ông Jalil ngồi rũ rượi trên ghế, mắt lơ đãng nhìn cái bình nước.  Nhưng bà Khadija, người có vẻ lớn tuổi nhất trong ba người, là người đưa mắt nhìn thẳng vào Mariam, và Mariam có cảm tưởng cái trách nhiệm này cũng đã được họ thảo luận và thỏa thuận với nhau trước khi họ gọi nàng đến.

“Có người cầu hôn cháu”, bà Khadija nói.

Mariam thót ruột. “Người gì?” nàng nói mà cảm thấy sao môi miệng bỗng nhiên tê cứng.

“Một người cầu hôn. Ông ta tên là Rasheed,” bà Khadija nói tiếp. “Ông ta là bạn của một người quen qua kinh doanh của ba cháu. Ông ta là người gốc Pashtun, quê ở Kandahar nhưng hiện đang sống ở Kabul, trong một căn nhà lầu hai tầng mà ông sở hữu tại khu Deh- Mazang.”

Bà Afsoon gục gật đầu.”Và ông ta nói tiếng Ba Tư (Farsi), cũng như chúng tôi, cũng như cháu vậy. Cho nên cháu không cần phải học tiếng Pashto.”

Ngực Mariam thắt lại. Căn phòng bỗng nhiên quay cuồng và mặt đất như chuyển động dưới chân nàng.

“Ông ta là thợ đóng giầy,” bà Khadija tiếp tục. “Nhưng không phải loại thợ giầy tầm thường bên lề đường, không không. Ông có cửa hàng riêng và là một trong những người thợ đóng giầy được ưa chuộng nhất Kabul. Ông làm giầy cho các nhà ngoại giao, cho gia đình tổng thống - những người thuộc giai cấp đó đó. Cho nên, cháu thấy không, ông ta sẽ dư sức chu cấp cho cháu.”

Mariam chăm chú nhìn ông Jalil mà tim nàng đập liên hồi.

“Có đúng thế không cha? Dì ấy nói đúng không cha?”

Nhưng ông Jalil không hề nhìn nàng. Ông chỉ ngồi đó, bập bập môi dưới và nhìn trừng trừng cái bình nước.

“Ông ta có hơi lớn tuổi hơn cháu một chút,” bà Afsoon chen vào. “Nhưng không quá … bốn mươi đâu. Nhiều lắm là bốn mươi lăm. Nargis nhỉ?”

“Vâng. Tôi đã từng thấy nhiều cô bé chín tuổi gả cho những người đàn ông hơn người cầu hôn cháu đến hai mươi tuổi đó Mariam. Chúng tôi đều đã có thấy. Cháu bao nhiêu rồi nhỉ, mười lăm hả? Tuổi đó lấy chồng là tốt lắm.” Mọi người sốt sắng gật đầu. Mariam không thấy họ nói đến Saideh và Naheed, hai người chị cùng cha khác mẹ với nàng. Cả hai đều bằng tuổi nàng và đều đang học trường Mehri ở ngoài tỉnh Herat, có dự tính sẽ ghi danh học tiếp tại đại học Kabul. Dĩ nhiên, mười lăm tuổi lấy chồng là không tốt cho họ rồi.

“Hơn nữa,” bà Nargis nói tiếp, “ông ta cũng đã trải qua một mất mát lớn trong đời. Nghe nói vợ ông ta chết trong lúc lâm sàng cách đây mười năm. Rồi cách đây ba năm, con trai của ông ta lại bị chết đuối ngoài hồ.” 
“Thật đáng thưong. Ông ta tìm một người vợ cả năm nay mà chưa gặp được ai xứng.”

“Con không muốn lấy chồng.” Mariam vừa nói vừa nhìn ông Jalil. “Con không muốn, đừng ép con.” Nàng ghét giọng nói nức nở và cầu khẩn của mình nhưng không sao ngăn được.

“Khôn ngoan đi nào Mariam,” một bà nói.

Mariam không còn để ý xem ai nói câu đó. Nàng cứ chăm chăm nhìn ông Jalil, chờ đợi ông lên tiếng, rằng đây không phải là sự thật.

“Cháu không thể ở đây suốt đời được.”

“Cháu không muốn có một mái gia đình riêng sao?”

“Ðúng, một mái ấm gia đình riêng, rồi những đứa con?”

“Cháu phải tiếp tục sống chứ.”

“Ðành rằng lấy một người địa phương, một người Tajik, thì tốt hơn, nhưng Rasheed là một người đàn ông khỏe mạnh và ông ta thích cháu. Ông ta có nhà cửa và có việc làm. Ðó là điều quan trọng, đúng không? Và Kabul là một thành phố đẹp đầy hấp dẫn. Cháu sẽ không gặp cơ hội nào tốt hơn đâu.”

Mariam chuyển mắt nhìn mấy bà vợ.

“Cháu sẽ sống với thầy giáo Mullah Faizullah,” nàng bảo. “Thầy sẽ cho cháu đến ở với thầy. Cháu biết sẽ được mà.”

“Không được đâu,” bà Khadija nói. “Ông ấy già với lại …” Bà tìm chữ cho đúng, và Mariam biết ngay rằng bà muốn nói … với lại ở gần quá. Nàng hiểu ý đồ của họ. Nàng sẽ không có được cơ hội nào tốt hơn, mà họ cũng vậy. Họ đã bị mất thể diện vì sự ra đời của nàng, giờ đây là dịp may duy nhất để họ xóa sạch dấu vết cuối cùng của lỗi lầm đầy tai tiếng mà chồng họ đã gây ra. Họ muốn tống Mariam đi khuất mắt vì nàng chính là hiện thân sống động của sự xấu hổ của họ.

“Ông giáo già quá mà lại yếu nữa,” bà Khadija cuối cùng lên tiếng. “Cháu sẽ ra sao khi ông ấy qua đời? Cháu sẽ là một gánh nặng cho gia đình ông ấy.” Như cháu là gánh nặng cho chúng tôi bây giờ vậy. Mariam gần như nhìn thấy những lời không nói thoát ra từ miệng của bà Khadija, như hơi thở hóa sương vào một ngày trời lạnh.

Mariam hình dung mình sống ở Kabul, một thành phố lớn, lạ lẫm và đông đúc mà có lần ông Jalil kể là ở cách Herat những sáu trăm năm mươi cây số về hướng đông. Sáu trăm năm mươi cây số. Ðoạn đường xa nhất mà nàng đã từng đi bộ là đoạn đường hai cây số từ căn chòi đến nhà ông Jalil. Nàng hình dung mình sống ở đó, ở Kabul, ở đầu bên kia của cái khoảng cách không thể tưởng đó, sống trong căn nhà của một người xa lạ, nơi này nàng sẽ phải chấp nhận tính khí và những đòi hỏi khó khăn của người ấy. Nàng sẽ phải hầu hạ người đàn ông đó, Rasheed, nấu ăn, giặt quần áo cho ông ta. Và sẽ còn nhiều việc khác nữa - bà Nana đã từng kể cho nàng nghe những gì người chồng làm với vợ. Chính cái ý nghĩ về những việc riêng tư này, mà nàng tưởng tượng là những hành vi xấu xa và đau đớn lắm, đã làm nàng khiếp sợ đến toát mồ hôi.

Một lần nữa nàng cầu cứu ông Jalil. “Cha nói đi. Nói cho họ biết cha không cho phép họ ép con đâu.”

“Thật ra cha cháu đã hứa với Rasheed rồi,” bà Afsoon nói. “Rasheed đang có mặt tại đây, tại Herat; ông từ mãi tận Kabul đến đây. Lễ cưới sẽ được cử hành sáng ngày mai, và sau đó sẽ có một chuyến xe đò đi Kabul vào đúng 12 giờ trưa.”

“Cha nói với họ đi!” Mariam khóc.

Bây giờ các bà đã im tiếng nhưng Mariam có cảm tưởng họ cũng đang chăm chú theo dõi ông Jalil. Chờ đợi. Im lặng bao trùm căn phòng. Ông Jalil không ngừng xoay xoay chiếc nhẫn cưới của ông với bộ mặt thảm hại và bất lực.

Trong tủ, tiếng đồng hồ tiếp tục gõ đều.

“Anh Jalil?” một bà cuối cùng lên tiếng.

Ðôi mắt ông Jalil từ từ ngước lên, dừng lại nhìn Mariam một lúc, rồi lại nhìn xuống. Rồi ông mở miệng, nhưng chỉ để thốt lên một tiếng rên đau khổ.

“Cha nói gì đi,” Mariam kêu lên.

Thế là ông Jalil nói bằng một giọng mỏng như sợi chỉ. “Trời ơi, Mariam, đừng làm khổ ta như thế,” ông nói như thể ông là người bị hại.

Lời ông vừa thốt ra khiến sự căng thẳng trong căn phòng tan biến ngay.

Lúc các bà vợ của ông Jalil nhao nhao lên để tiếp tục trấn an nàng thì Mariam chỉ biết cúi đầu nhìn xuống bàn. Ðôi mắt của nàng nhìn theo dáng thon thon của các chân bàn, đường vòng của những cạnh bàn và cái mặt bàn màu nâu thẫm sáng bóng như gương. Nàng để ý cứ mỗi lần nàng thở ra thì mặt bàn lại mờ đi, và hình ảnh của nàng biến mất trên mặt bàn của cha nàng.          

Bà Afsoon hộ tống nàng trở về căn phòng trên lầu. Lúc bà ta đóng cửa lại, Mariam nghe tiếng khóa cửa lách cách.               
(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016