SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

Phó Hội DC

Ngày sáu tháng tư ta kéo đi,
Trùng dương đại hội phủ DC(1)
Trước vui bè bạn lưu vong gặp 
Sau ngắm mận đào hương sắc thi
Xứ lạ xa xôi bao cách trở
Quê người gần gũi mấy giai kỳ?(2)
Bạc đầu lẩn quẩn vòng tranh chấp
Danh lợi, ôi chao, chuyện thị phi!(3)

Đường Du Hào
Đầu năm 2016
----------------------
(1) Washington, D.C. 
(2) ngày, dịp tốt
(3) tốt xấu, đúng sai...lời bàn tán, khen chê

Trong gánh hành trang mang theo từ quê nhà, ngoài chai nước mắm, người Việt đến định cư trên đất Mỹ còn mang theo nếp sống hợp quần. Điều này làm cho trong cộng đồng người di dân Việt có rất nhiều hội đoàn. Và đã có hội, có đoàn thì việc gia nhập vào một hội hay một đoàn thể nào đó chỉ là một chuyện bình thường. Ngay một người trong diện khép kín, xơi cơm tại nhà ăn quà vợ mua, cũng có tên trong ít nhất một tổ chức. Chuyện đó không có gì lạ.

Nhiều người còn là thành viên đến ba hay bốn hội. Nhỏ có hội cho các em nhỏ, lớn có hội người lớn; thí dụ: các đoàn thể thiếu nhi, các hội người già… Tôn giáo đã có sẵn các Giáo Hội. Địa phương có hội ái hữu những người cùng tỉnh, quận, phường, xã… Trường học, thậm chí các lớp, cũng có các hội ái hữu cựu này, cựu nọ… Quân đội có bao nhiêu binh chủng là bấy nhiêu hội đoàn. Có hội đoàn là có họp mặt, có tiểu hội, đại hội...tổ chức mỗi tháng, mỗi năm, hai năm...Bỏ qua những lời bình luận tiêu cực, thiếu xây dựng, sự tiếp tục hình thành các hội đoàn phải mang lại cho bà con
kiemhội viên nhiều lợi ích về một phương diện nào đó. Mấy năm gần đây nhẹ gánh phần cơm áo gạo tiền, tôi cũng bắt đầu đến với tập thể lính mà ngày xưa tôi đầu quân để gặp lại bạn bè và luôn tiện tham dự những tuyến du lịch thăm viếng cảnh trí ở các tiểu bang xa gần. Năm nay, ngày 6 của Tháng Tư vừa qua, bạn bè tôi, các huynh đệ đồng môn cựu Sĩ Quan Hải Quân Học Viện OCS (Naval Officer Candidate School, Newport, Rhode Island) đã gặp nhau tại thủ đô nước Mỹ, Washington, D.C.

Lần anh em chúng tôi sum họp tại đây là lần gặp gỡ Thứ Mười Lăm sau ngày 30/4/1975. Thông lệ của tập thể OCS là mỗi hai năm làm một lần đại hội, mỗi lần ở một thành phố khác nhau trong nước Mỹ, duy nhất lần vừa rồi, Đại Hội 14 năm 2014, được các bạn cư ngụ tại Montreal, Canada đứng ra đăng cai vác ngà.  

Thường thì thời gian đại hội xảy ra vào mùa hè, sau Tháng Sáu để mọi người có thể cùng gia đình con cháu tham dự đông đủ. Năm nay phá lệ. Với lý do tạo sinh khí mới, đặc biệt, cũng nhân dịp tại thủ đô mùa hoa anh đào nở rộ vào Tháng Tư, anh em quyết định tổ chức lần họp mặt thứ 15 vào mùa xuân. 

Từ Tiểu Bang Washington, bờ tây của nước Mỹ, (nhiều người vẫn lẫn lộn với Washington bờ đông), tôi đã vui mừng như được một dịp vàng trước gặp bạn bè tri kỷ, sau đến thăm viếng thủ đô vài ngày và để xem cho biết hội hoa anh đào, được chính mắt nhìn thấy cái cảnh hùng vĩ của hơn ba ngàn cây hoa đến từ Xứ Mặt Trời Mọc khoe sắc thắm. Thế là vợ chồng hành trang lên vai Đông du. Xin đừng nhầm lẫn với hai chữ “Đông Du” thế kỷ trước, thời hai tiền bối, Cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã từ quê nhà Đông Du tìm đường cứu nước, chuyến đi đông của chúng tôi thuần tuý chỉ du hí, chính nghĩa lắm cũng chỉ là một cơ hội trùng phùng với những anh em mạt thời, trôi theo vận nước. Thôi thì, thời nào toan tính đó! 

Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, đi máy bay cũng hơi có chút phiền toái: đến sớm ít nhất hai giờ trước chuyến bay cất cánh, hành lý mang theo phải đúng theo yêu cầu, chất lỏng không quá số lượng ấn định, không mang súng, dao, kéo...và sẽ được khám xét kỹ càng; bản thân cũng bị khám từ đầu (mũ nón), đến chân (giày dép), để bảo đảm không dấu diếm chất cấm kỵ. 

Vì đi chuyến bay “mắt đỏ” (red eye flight), cất cánh ba mươi phút sáng thuận tiện cho cậu con đưa ra phi trường, nên chúng tôi đến sớm. Cũng may là vợ chồng quyết định đến sớm: phải mất hơn nửa giờ thủ tục lấy vé lên tàu mới hoàn tất chỉ vì máy tính cũng như nhân viên không nhận ra chuyến bay của chúng tôi là vào ngày hôm sau! Chút trục trặc thót tim. 

Gởi xong chiếc valise cồng kềnh, Mai và tôi tiến đến kiên nhẫn nhập vào trong một hàng dài uốn lượn vòng vo; dài nhưng thứ tự, không lộn xộn, giành giật như hàng người trước “Cửa hàng thịt tươi sống phụ nữ” thời miền Nam lần đầu tiên bị áp dụng quốc sách tem phiếu. Từ đây có hai trạm để qua: trạm soát vé lên tàu và trạm xét người và hành lý mang lên tàu.  Khi chúng tôi xong phần hành soát vé, trong lúc những người phía trước cởi giày tuột áo, Mai và tôi nhận mỗi người một tấm giấy màu đỏ. Khẩn trương! Còn đang hoang mang vì đặc biệt bị chiếu cố, chúng tôi được người kiểm soát giải thích rằng đây là giấy “cho qua lẹ”, một “Quick Pass”, anh ta yêu cầu đọc kỹ và căn dặn khi qua trạm hãy giao cho một nhân viên đứng ở máy dò. Trên tấm giấy đỏ hàng chữ đen lớn cỡ 24 ghi rõ ràng: không cần lấy xuống mũ nón; không cần cởi áo khoác; không cần cởi giày... Thế là chúng tôi lẹ làng đặt hai cái xách tay lên trên sợi dây chuyền cho nó cuốn qua bên kia, rồi thong dong bước qua khung cửa cái máy dò tò mò. Trót lọt êm ái. Một cái thở phào nhẹ nhỏm! Chỉ có vậy mà hai vợ chồng cũng cảm thấy vui chi lạ. Thế mới biết hạnh phúc thật sự lắm lúc đến từ những chuyện nhỏ nhoi. 

Trước khi lên đường, Anh Thịnh, một anh bạn tử tế đã tìm tòi trên mạng, gởi tin nhắn chỉ dẫn chi tiết cách thức lấy xe buýt, chuyển qua metro, và cuốc bộ về khách sạn. Tôi cẩn thận in lời chỉ dẫn ra giấy, xếp bỏ vào túi một cách trịnh trọng như Dực Đức trong chuyện Tam Quốc cất giữ tờ cẩm nang của Khổng Minh. 

Tôi nhập vùng sớm. Tánh vừa lười vừa lẩm cẩm, nhút nhát chuyện xe cộ metro subway phiền toái nên khi đến Sân Bay Ronald  Reagan (1911-2004, Tổng Thống thứ 40), mải mê chiêm nghiệm tượng đồng của vị tổng thống đã châm ngòi cho sự sụp đổ bức tường thành (9/9/1989) chia hai nước Đức, tôi quên bén lá Bùa Lỗ Ban (Thời Xuân Thu, 506 trước Công Nguyên). Theo quán tánh, chúng tôi lấy hành lý xong, kéo ra chỗ tìm taxi. Không khó như những gì chúng tôi tưởng, tất cả taxi chờ khách được xếp một hàng dài, theo thứ tự phía trước cổng ra. Nước Mỹ thật sự là một xứ hiệp chủng. Người lái xe cho chúng tôi, ông Saeed A Khan, gốc Pakistan, xứ Nam Á của hơn hai trăm triệu dân, mười bốn thổ ngữ, con cháu mấy đời của Hoàng Đế Mông Cổ Genghis Khan (1162 – 1227) đã bỏ xứ huyền thoại, lưu vong đất khách đến DC hành nghề tài xế. Quên đi cái gốc hoàng gia xưa như trái đất, anh lái đã vui vẻ, chạy chậm rãi, chỉ chỉ, chỏ chỏ; anh ta tự tin gọi rõ tên từng đài kỷ niệm, không quên hãnh diện kể lại một vài mốc thời gian trong tập sử liệu mà tôi tin chắc anh ta đã thuộc lòng trong lần thi nhập tịch để trở thành công dân Mỹ. 

dc_raisingflagTrời tốt, có nắng chói chan hoa mắt, có cả một bầu trời xanh trong với mây xám từng cụm lửng lơ chào đón. Dọc đường, xa xa tầm mắt, những dinh thự, kiến trúc gắn liền với những mốc lịch sử cổ và cận đại của quốc gia nguy nga ẩn hiện. Hôm ấy nắng đẹp. Taxi chạy qua tượng đài Lính Thủy Quân Lục Chiến cắm cờ trên Đảo Iwo Jima (23/2/1945), hùng vỹ, uy nghi. 

Tượng đài được điêu khắc qua bức hình nổi tiếng của nhà báo AP Joe Rosenthal mà gần đây có người đã đặt câu hỏi liệu những người lính trong hình có thực sự là những quân nhân tham gia tái chiếm Iwo Jima, hay những ai đó chỉ có mặt trong buổi chụp hình sự kiện cắm cờ chiến thắng. Trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị (1972) quân đội nước Việt Nam Cọng Hoà cũng có một sự kiện tương tự không kém hào hùng nhưng giờ đây đã bị lãng quên. 

Xa xa, lấp ló giữa rừng cây trong nắng, những đài kỷ niệm nổi tiếng khác trắng một màu mềm mại, lặng lẽ, nổi bật trên nền trời xanh như đợi chờ chúng tôi thăm viếng. Xe chạy một vòng không đầy ba mươi phút là đến khách sạn. Khỏe như ru! Trả tiền xong còn lời được một bài học để đời: người Pakistan ăn xoài khác người mình, họ vò, bóp dập trái xoài, sau đó cắn một lỗ nhỏ và dùng miệng nút. Nút xong vất bỏ cả vỏ lẫn hột, liệng nguyên trái. Đành đoạn dứt khoát! Qua cầu rút ván! Thành ngữ “ăn xoài” của người Pakistan đồng nghĩa, “same same”, với “vắt chanh bỏ vỏ”. Cả xoài hay chanh đều chua...chát!

Sau khi đưa chúng tôi đi một vòng ngắn đủ để khách rửa mắt, xe ngừng trước văn phòng khách sạn. Trên sân cỏ gần lối đi, không xa nơi hai lá đại kỳ bay phất phới, một tấm biển với hàng chữ “Chào Mừng VN NavyOCS” thật trang trọng, ánh sáng làm nổi bật hàng chữ đen trên nền phông màu nhạt. Cả một quá khứ bay về đậu trên thảm cỏ xanh thẳng băng mới cắt, đây đó còn sót lại một lớp sương trắng mỏng manh dấu tích của trận tuyết rơi đêm qua. Lạnh! 

Mai cẩn thận cột lại chiếc khăn quàng làm duyên che kín cổ. Chúng tôi khệ nệ đẩy hành lý vào trong văn phòng khách sạn. Đồng hồ trên tường chỉ 12:20 trưa. Sau quầy tiếp tân, cô gái có nước da sậm và cặp lông mi dài trĩu nặng làm xong thủ tục mướn phòng, thỏ thẻ “ông bà vui lòng chờ”. Quá sớm! Giờ checkin là 2 giờ. Tôi tiến đến bàn cà phê tìm một chút nước trợ tim cho ấm lòng. Cũng không lâu, chừng hai hớp cà phê free, quý nhân chợt xuất hiện. Adam, người quản lý khách sạn cao lớn với giọng tiếng Mỹ đặc sệt âm Đông Âu, đã nhiệt tình thông cảm đưa phòng trong sự ngạc nhiên của hai đứa. Anh bạn tốt bụng còn chúc một giấc ngủ trưa bình an, “Welcome to Washington D. C.”, rồi vui vẻ chìa tấm danh thiếp mời chúng tôi một buổi ăn trưa. Sự chào đón nồng nhiệt đến từ cảm thông đã mang lại chút ấm áp đúng vào lúc cần thiết. 

Khách Sạn Governor Hotel Inn trên Đường Arlington, VA. đã cũ, phòng ốc tạm được. Tấm nệm king size dày, mềm mại và mấy chiếc gối trắng êm ái còn thơm mùi xà phồng Tide vừa đủ sức quật ngã hai vợ chồng, quên bữa ăn free và đánh mất luôn dự tính nao nức đi Cà Phê Hoàng Oanh, ghé Restaurant Hương Việt...trong Thương Xá Eden khoảng một dặm về hướng Bắc. 

Cùng đến sớm, một ngày trước đại hội, với chúng tôi có hai cặp thâm giao bay qua từ Los: Tuấn Phượng và Ngọ Hương. Ba cặp chúng tôi kéo nhau gọi chiếc xe mini VAN đi thăm dân cho biết sự tình. Có lẽ vì đã có Mai, có Phượng thêm Đào sẽ gây phiền phức nên ngày đến Thủ Phủ Washington D.C., mùa hoa anh đào, được giới yêu hoa ca tụng rầm rộ mỗi năm, đã tàn rụi theo cơn mưa xuân về sớm. Dọc con đường từ trước Toà Bạch Ốc kéo dài đến Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Jefferson, chỉ còn lại lưa thưa một vài cây hồng đào, lẻ loi mấy cụm hoa trắng, trong số hơn ba ngàn gốc anh đào nhận được từ Xứ Thái Dương mấy năm về trước. Dù vậy tôi vẫn thấy và cảm nhận sâu sắc cái đẹp mà cảnh trí nơi đây đã ban cho. Phía bên kia bờ hồ, mặt trời soi bóng trên dòng Potomac lấp lánh cây “kim” tháp để rớt một chút ánh vàng kim loại ngập ngừng trên mặt nước gió gợn chập chờn. Bãi cỏ xanh, hàng cây đại thụ thân đen làm nổi bật mái vòm trắng được chống đỡ bằng những trụ cột to, cao vút, vững chắc như muốn phô bày một sự cam kết, sắc bén của lòng dân một quốc gia hùng mạnh. 
dc_three
Chiếc taxi theo lời thỉnh cầu, chạy lòng vòng không vì bến đổ mà để rượt theo mong cầu tìm được một nơi có những cánh hoa dù đã tàn hay đang bay theo gió về xuôi. Những bước chân liếng thoáng trên bãi cỏ xanh rì xuân mới, tiếng lách cách, tiếng cười nắc nẻ của tuổi thơ đầy hy vọng, vớt vát, kéo lui. Gió. Lạnh. Mặc! Vợ chồng Tuấn Phượng và cặp tình nhân Ngọ Hương hả hê như gặp lại thời hò hẹn. Lúc ba người đẹp Phượng, Mai và Hương lấp ló ngộ nghĩnh dưới cành sakura trắng, tôi lén đưa cái iphone chận lại thời gian, không cho trôi, bấm vài hình, thâu vài clip. Đã đành không ai có thể tắm hai lần trong một dòng suối, tôi vẫn mong thời gian lúc này dừng lại, “stay still”. Phải chăng vì thế người Mỹ gọi là “still picture”? 

Thời tiết cho biết ngày mai nhiệt độ xuống thấp, có tuyết về trên bầu trời thủ đô. 

Nơi tôi ở trời mưa nhiều, mưa sáu tháng trong một năm, mưa dai dẳng, thúi đất; nắng thì hiếm hoi và yếu ớt, không giết nỗi đám rong rêu trên mái nhà, đâm không xuyên thủng hàng lá lưa thưa của rừng cây phi lao ốm tong gầy gò. Nhưng nắng thì nắng mưa thì mưa, không bất chợt thay đổi như bàn tay sấp ngửa của những chính trị gia chuyên nghiệp đang chễm chệ trong các bộ, ngành mà văn phòng của họ chỉ cách chúng tôi không xa quá một con phố. 

dc_vnmemorialNgày thăm viếng thủ đô trước khi nhập buổi đại yến, bốn chiếc xe bus đưa cả đoàn chúng tôi đi thăm thủ phủ. Mưa như vuốt mặt. Qua lớp sương mù của kính xe, Toà Bạch Ốc, biệt dinh quyền lực thế giới mờ mờ xa xa như lẻ loi trong tranh chấp đảng bộ. Nước chảy trên Đại Lộ Pennsylvania không kịp trôi dấu chân trong ngày đăng quang của mấy nhiệm kỳ tổng thống. Quá khứ như hãy còn đâu đây thấp thoáng. Rồi bất chợt, bầu trời âm u, cau có như gương mặt của một cô gái lỡ thời bổng trút đi lớp son phấn vụng về, nhạt nhoè để lộ cái rạng rỡ, tươi sáng của tuổi mười tám một ngày đầu xuân: Nắng. Mới đây thôi trước cửa Viện Bảo Tàng Không Gian, the Air Museum, hàng rồng rắn với áo đi mưa và dù xếp xanh đỏ còn co ro ướt át. Nắng đã lột bỏ được những cái áo khoát nặng nề trước tường thành lưu danh những người lính Mỹ nằm xuống nơi quê hương tôi một lần bỏ lại. Có một bó hoa cúc vàng ai đó đặt dưới chân bức tượng đồng đang súng cầm tay, gương mặt buồn nhìn về phía bức tường đá đen, lạnh lẽo, khắc tên hơn 50 ngàn đồng đội. Lòng tôi tĩnh lặng mặc niệm 40 năm tang thương của đất nước, chia ly của dân tộc. Sự mất mát đã giúp  được nhiều người, trong đó có tôi, định lượng lại giá trị của cuộc đời. Xin được một lần cám ơn những sinh mạng đã đứt đoạn vĩnh viễn vì hai chữ Tự Do oan nghiệt. Từ đây, chúng tôi đi về hướng Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Abraham Lincoln (1809-1865), vị Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, người được toàn dân hai miền Nam Bắc Mỹ quốc và cả thế giới ngợi ca vì có công chấm dứt cuộc nội chiến và hàn gắn được lòng dân hai miền, ngăn chận được tù đày, máu đổ và hận thù giữa hai bên, nói theo ngôn ngữ đương đại, “Thua cuộc” và “Thắng cuộc”. Cách đây đúng 41 năm, có một cuộc chiến tương tự đã chấm dứt nhưng người Việt không có một vĩ nhân tương xứng để được tạc tượng. 

Tượng Tổng Thống Abraham Lincoln là một kiệt tác phẩm của Daniel Chester French; điêu khắc bởi Piccirilli Brothers; ra mắt công chúng năm 1922. Gần cả trăm năm qua biết bao triệu người đến chiêm ngưỡng hâm mộ, Người vẫn ngồi đó, vĩ đại trên cao, trầm ngâm nhìn cây kim tháp soi mình trên hồ nước. 

Gió. Lạnh của cuối xuân se se hay thời gian của hoàng hôn đã bắt kịp chúng tôi? Từ sau buổi dạ tiệc lần thứ 14, tin nhắn chia buồn, phân ưu trong nhóm có vẻ nhiều hơn tin vui. Chỉ trong năm vừa qua đã có đến năm đồng đội nằm trong diện vắng mặt hợp pháp lý do “đi xa”; mùa nắng ấm năm nay trong bầy hải âu tìm về bờ biển cũ đã thiếu vắng đi năm cánh. 

Tôi đứng chăm chú nhìn Tuấn, anh bạn nhà thơ giờ muốn đổi nghề qua đạo diễn, mệt mỏi cùng chiếc Nikon trong lúc Phượng xoay trở tạo dáng ngồi, cười mỉm bên bờ hồ giữa dòng người ồn ào thác đổ. 

Cặp tình nhân Ngọ Hương mất hút, rơi rớt trong cơn mê ở một góc nào đó trong cái dân số tăng bất thường của hơn một trăm anh em OCS giữa một không gian ngút ngàn trên quảng trường rộng mấy ngàn mẫu đất. 

Nhìn bóng mình nhạt nhoà trên mặt nước,  tôi chợt nhớ lại mới hôm qua cùng Mai thong dong trên bờ Sông Potomac. Hình dung lại những ngày còn ắc ê trong quân trường dợt thao diễn, nhả hứng tôi ngứa cổ thầm thì bài hát quân hành của ông nhạc sĩ CS Văn Cao: “Toán chiến sĩ hải quân ra khơi hôm nay…” 

Thế nhưng hôm nay chúng tôi không ra khơi. Thời ấy đã qua rồi. Hôm nay chúng tôi về đại hội, Đại Hội Thứ Mười Lăm. Đúng vậy, đã mười lăm lần nhưng trong tôi tầm quan trọng của buổi gặp gỡ này vẫn không thay đổi, vẫn còn sức quyến rũ, và những cơn nôn nao thấp thỏm cùng đợi chờ vẫn không cưỡng được. Tôi mong sao vẫn có thể tiếp tục tham dự mãi cho đến một ngày nào đó nhìn tận mắt người bạn, có thể đang ngồi trên chiếc xe lăn lẻ loi,  đến tắc ngọn đèn chấm dứt buổi tiệc của lần gặp gỡ sau cùng. 

dc_haomaiTôi choàng tay qua vai Mai. Hai đứa dung dăng đi về phía bờ hồ nơi cây tháp bút chì soi bóng. Ở cuối tầm mắt nhìn, trên mái vòm Điện Capitol, những cụm mây xám lửng lơ từ từ phủ chụp lấy ánh sáng mặt trời vàng vọt của một buổi chiều Tháng Tư đầy gió... 

Nhật Ký Hải Hành cuối Tháng Tư của 2016; 
Báo cáo đầu giờ: 
7:00 sáng; 
Victor Tango: 40.7143528 cao độ, -74.0059731 vỹ độ, 10m trên mặt biển;
Thời Tiết: 52°F, có mây, Gió mùa Đông Bắc thổi 11mph, Biển động nhẹ;
Đây là Thuyền Trưởng Sugar, out.

 

Đường Du Hào.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016