SỐ 71 - THÁNG 7 NĂM 2016

 

TIẾNG SÓNG Ở TRONG LÒNG

“Phòng 203 ra lấy cơm”

Tiếng gọi kèm theo âm thanh gõ lẻng xẻng vào chiếc thau nhôm báo hiệu đến giờ ăn trưa. Lần lượt theo hai người nằm cùng phòng tôi ra nhận phần cơm của mình. Bác Chương nằm giường đối diện mang khay cơm của mình vào phòng nhắc :

 -  Thắm ơi, dậy lấy cơm.

Con bé vẫn nằm quay mặt vào tường không nhúc nhích dường như đang ngủ say. Cô Xuân thấy thế bảo tôi :

 - Kim Thu em nhận luôn phần con bé giùm, ngử này nó lại bỏ bữa nữa rồi.

Tôi nói với mọi người :

- Bữa nay là đúng hai ngày con bé bỏ cơm.

Bà Chương tay dầm dầm cái muỗng vào khay cơm góp lời :

- Không ăn thì làm sao sống nổi chứ đừng nói đến hết bệnh.
- Cơm bệnh viện như vầy người khỏe mạnh cũng nuốt hổng nổi, huống chi bệnh nhân.

Cô Xuân quay ra phân bua trong khi tôi buồn thiu đưa mắt vào khay cơm. Một nhúm đậu đũa xào, miếng thịt bằng hai ngón tay kho chung với củ cải trắng. Bát canh lỏng chỏng vài cọng rau muống phập phều. Tôi an ủi :

 - Phần ăn theo tiêu chuẩn của chế độ nằm viện chỉ có vậy thôi cô ơi ! Muốn ăn ngon hơn thì phải xuống nhà ăn mua thêm.

Hồi đầu mới đi làm chưa nghe quen như bây giờ, buổi học nghị quyết nào cũng được “đả thông tư tưởng” đến thuộc nằm lòng; ‘đất nước mình mới thoát khỏi thời kỳ “ăn đói mặc rét” nhờ cách mạng thành công bây giờ chúng ta bắt đầu chuyển sang thời kỳ “ăn no mặc ấm” ! Bởi vậy ba ký khoai lang, khoai mì thay cho một ký gạo tiêu chuẩn, chỉ cần số lượng không cần chất lượng, miễn có ăn đủ no là được “Quý hồ đa bất quý hồ tinh”’. Cũng vì chạy theo số lượng để vượt chỉ tiêu thi đua đạt thành tích tôi đâm ra lo lắng cho công việc mình đang phụ trách khi phải ký tên dưới hàng chữ “người lập biểu” ở mỗi bảng thống kê báo cáo của KCS.(Kiễm tra chất lượng sản phẫm ).

 Nhiều lần chỉ biết than thở với nhỏ y tá cơ quan thuộc phe ta mỗi khi đến phòng y tế xin thuốc, tôi nói với nó :

 - Ta đau đầu quá mi ơi, hôm nào xuống xưởng ký tên vào bảng nghiệm thu chất lượng của ngày hôm đó là đêm về mất ngủ.

 Thời điểm cuối năm hầu hết các đơn vị sản xuất đều chạy nước rút ghi khống số lượng nhập kho nhằm báo cáo vượt chỉ tiêu kế hoạch năm trên giấy tờ, số lượng thực sự qua đầu năm sau làm thêm ra sẽ bù vào; để “né“ những báo cáo láo tôi hỏi nó làm sao giả bệnh đi nằm viện vài tuần. Nhỏ nói :

 - Dễ ợt, lâu nay bà than với tôi bị mất ngủ hoài, giờ tôi viết giấy giới thiệu bà vô khám ở bệnh viện y học dân tộc, còn được cho nhập viện và nằm lại bao lâu là do tài của bà.
- Phải là cái bệnh viện chuyên chữa bệnh bằng cách cho uống hoa lá cỏ cây với châm kim vô thân thể người ta phải không ? Cũng đành thôi, tui sợ vô mấy cái bệnh viện máu me, băng bó thấy mà ghê !
- Bệnh viện này đa số là mấy người “bệnh già“ vô nằm dưỡng bệnh, còn chữa hết hay không là tùy theo “phước chủ may thầy“, uống thuốc nấu từ mấy cái lá cây rừng, cỏ dại theo kinh nghiệm dân gian đôi khi cũng có hiệu quả đỡ hơn không có gì để chữa.

 Vào gặp bác sĩ chẩn bệnh, tôi giả bộ thiểu não ngơ ngác trả lời những câu hỏi, diễn tả một hồi cuối cùng tôi được cho nhập viện với bệnh án “Rối loạn thần kinh thực vật“ kèm theo lời khuyên không được để đầu óc lo lắng hay suy nghĩ về công việc nếu không rất dễ bị mắc phải tâm thần phân liệt. Gì chứ trước kia tôi hay tìm tòi mấy bài viết về y học nên biết bệnh này giống như giả đò, do mình muốn bệnh là bệnh, muốn hết là hết.

 Nơi đây ngày xưa là dưỡng đường tư thành lập do một giáo sư bác sĩ nổi tiếng trong chính phủ, đang giảng dạy tại Đại học Y khoa Saigon, bây giờ trở thành bệnh viện quốc doanh. Nhờ vậy phòng ốc, giường bệnh vẫn còn tương đối khá tốt, mỗi phòng đều có đủ tiện nghi vệ sinh riêng biệt. Do rộng rãi bây giờ mới đặt bốn giường trong khi lúc trước chỉ có một mà thôi. Sở dĩ tôi biết vì hồi đó có lần theo mẹ vào thăm người dì nằm ở đây dưỡng bệnh.

 Ngạn ngữ hay nói “Chỉ cần có hai người phụ nữ nơi đó dễ dàng trở thành một cái chợ” đàng này ở đây có đến bốn người ! Bà Chương khoe là người trước làm y tá phòng mạch tư có ba đứa con, con trai đầu công tác tại nhà văn hóa quận rất thương mẹ vì chiều nào cũng vào thăm bà. Cô Xuân là cán bộ ngành văn hóa thông tin có chồng là Phó giám đốc xí nghiệp dệt, vào đây do mất ngủ được chẩn đoán nguyên nhân suy tim. Tôi được xếp vào phòng nhưng thực ra không phải do tim hay não như bác sĩ bệnh viện đã kết luận, vì nguyên nhân gì chỉ có mình tôi hiểu.

 Còn lại con bé nhỏ tuổi nhất tên Thắm bị suy tim nặng do phong thấp, bác sĩ phán rằng bệnh nó “thầy chạy” rồi, phong thấp biến chứng tới tim đành bó tay. Mấy ngày trước nó im lặng nằm không nhúc nhích cứ mở to mắt nhìn lên trần nhà, hai hôm nay thì bỏ cơm luôn, mọi người nhắc nhở nó bèn bảo : “ăn làm chi trước sau cũng chết không ăn chết cho nhanh một chút khỏi phiền.” Nhà con nhỏ nghe đâu trên một cồn đất trù phú miệt Bến tre “quê hương đồng khởi”. Nhờ có anh làm công an ở thành phố này nên xin cho nó nhập viện chữa bệnh. Tháng trước nó nằm trên lầu ba, giờ do bệnh đã chạy vào tim nên mới chuyển xuống khoa tim mạch cùng phòng với chúng tôi.

 “Đồng bệnh tương lân” Nằm chung phòng nhưng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, bệnh tật là sợi dây kết nối khiến mọi người dễ dàng thông cảm bộc lộ nỗi niềm. Đứng đầu là bác Chương là người cao tuổi nhất, gần sáu mươi, người cao dong dỏng thân thể héo queo, héo quắt, trên khuôn mặt gầy ốm chỉ có hai con mắt tròn hơi trố là nổi bật. Ban ngày trong sinh hoạt thấy bà vẫn khỏe, ăn được, ngủ được hơn hẵn mọi người ! Nhưng kể từ tầm ba bốn giờ chiều là bà nằm mẹp, thở một cách nặng nhọc, giọng nói thều thào, khe khẽ như sắp hết hơi thế là người ta biết sắp đến giờ đứa con trai vào thăm. Tội nghiệp thằng con cứ lo xoắn xuýt bên mẹ, hết bóp tay chân, hỏi han mẹ đau ở đâu để xoa nắn cho mẹ mình. Anh này ngồi với bà mẹ hết cả buổi chiều, thấy mẹ có vẻ khỏe hơn mới chịu về. Bà thỏa mãn hí hửng khoe với mọi người về đứa con cả năm nay hai lăm, hai sáu tuổi mà vẫn chưa chịu lấy vợ vì sợ không có ai chăm sóc mẹ, trong khi hai em đều đã lập gia đình và có con năm sáu tuổi. Không nghe bà nhắc đến chồng nên mọi người cũng tế nhị không hỏi. Tuy nhiên qua câu chuyện hai mẹ con nói với nhau mọi người loáng thoáng đoán được hình như chồng bà có hai dòng con của hai vợ, mà bà là vợ cả. Cô Xuân nháy một mắt với tôi mỗi khi thấy bà Chương đang “diễn” với đứa con. Có lần cô nói :

 - Vô phúc cô nào lấy phải anh này thế nào cũng không tránh khỏi ganh tỵ của mẹ chồng vì bị chia sẻ tình thương, cảm thấy mất mát khi thấy con trai chăm sóc vợ.
- Theo logic tâm lý chung của phụ nữ thường yêu con trai đầu nhiều hơn vì nó mang hình ảnh ông chồng, bà ấy muốn được quan tâm, chiều chuộng săn sóc nhiều hơn nên mới phải giả vờ bệnh nặng mỗi khi gặp con. Bà sợ bị bỏ quên, có lẽ cú sốc về tâm lý bị chồng phản bội, chịu đựng dai dẳng bao nhiêu năm đã hóa nội kết trong tim khiến thành tâm bệnh, bà chỉ còn biết bấu víu vào tình thương của đứa con.

Trong phòng ngoài con bé Thắm có lẽ chưa biết yêu vì còn ít tuổi. Về phần tôi hai người kia bảo là người kín miệng bởi không hề thổ lộ với ai về tâm tư, tình cảm của mình vì tôi hiểu những người chung quanh đâu phải cùng tần số để mình có thể tâm sự. Riêng cô Xuân tôi cảm nhận cô là người thẳng thắng, ruột để ngoài da, không ai đánh mà khai tuốt tuồn tuột về gia đình mình. Cô bảo :

 - Đời này không tin được đàn ông mày ạ ! Người xưa nói câu “Giàu đổi bạn sang đổi vợ” cấm có sai. Như lão chồng tao đây, hồi còn ngoài ấy tao là gái “ba đãm đang”  xinh xắn, cả cơ quan bao nhiêu là anh tít mắt muốn lấy tao mà không được. Có được tao hồi ấy lão yêu thương chiều chuộng tao như báu vật. Nhưng hạnh phúc đã chẳng tày gang. Vào đây lúc đầu cũng chưa đến nỗi nào nhưng từ khi lên nắm chức Phó giám đốc là thay đổi hẵn,hồi ấy tao cũng nghe nói là lão hay cho con nhỏ trợ lý đi nhờ xe bởi ngày nào nó cũng chăm sóc trà nước, mang phần cơm từ nhà ăn lên phòng làm việc giúp lão, dần dần chẳng biết nó cắp được lão lúc nào. Dạo sau này lão cứ hay công tác thất thường về nhà lại chê bai cơm nước, rằng tao già xấu, bèo nhèo. Khi biết được nguyên nhân thì lão đe nếu tao làm to chuyện lão sẽ bỏ hẵn sang ở với con kia. Tao tức đắng lòng mất ăn mất ngủ, vào đây nằm cho khuất mắt. Ba đứa con tao ngày xưa cái gì cũng để bố lo, bây giờ lão bảo với tao chỉ có đứa con của con kia mới là con của lão.

Ngậm ngùi tôi chỉ biết khuyên :

- Em chưa có gia đình nên chẳng có chút kinh nghiệm nào. Nhưng cô nên gắng tịnh dưỡng bởi bây giờ ba đứa con chỉ còn trông chờ vào cô.
- Nhắc đến chúng, tao chẳng biết làm sao hơn, nằm đây bố chúng không vào thăm thì chớ, chúng cũng chẳng ghé xem tao thế nào. Cũng may là hôm kia con em gái tao vào có nói ở nhà có nó và mẹ tao lo cho chúng. Mà thôi cũng chẳng phải có mình tao, chị bạn tao quê ở Cà Mau người miền Nam cũng lấy chồng vào thời hai người còn chiến đấu chung cơ quan dưới ấy, giờ hòa bình lên trên này có chút địa vị lại tấp tễnh chê vợ quê mùa, tao nghe đâu hai người cũng vừa mới ly dị.

Tôi không dám nói ra điều thầm nghĩ. “Ngày xưa các ông ấy nằm rừng, lội ruộng thiếu thốn đủ thứ nên cố gắng, hy sinh, chịu đựng. Cố gắng để tranh đoạt những thứ mình không có. Bây giờ được sở hữu mọi thứ, ung dung về ở thành phố đèn điện sáng choang, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, hoàn cảnh thay đổi, dĩ nhiên con người cũng phải đổi thay theo.” Trước gái đẹp và tiền bạc, lý tưởng cùng với đạo đức cách mạng ngày đầu ngây ngất men chiến thắng ra rả “lên lớp” trước chúng tôi, giờ các ông nối đuôi nhau mang vứt vào sọt rác. Vật chất quyết định hết thảy, câu nói tôi nhớ nhất trong các bài giảng chính trị đầu tiên hồi ấy bây giờ được họ thực hành một cách chăm chỉ, trọn vẹn và mù quáng như tín đồ.

 Chiều nào tôi cũng xuống sân tập dưỡng sinh ngồi trên chiếc ghế đá bởi không muốn xem bà Chương diễn tuồng. Hôm nay ngồi chưa nóng chổ đã phải đi lên vì nhìn thấy góc trời đang vần vũ kéo mây đen. Vừa bước vào cửa tôi bổng thấy sự kiện lạ xảy ra. Cậu Dương con trai bà không ngồi bên giường mẹ như mọi khi mà lại kéo ghế ngồi cạnh giường con bé Thắm. Giường tôi nằm kề cạnh với giường con nhỏ. Đối diện là giường bà Chương và giường cô Xuân nằm cạnh cửa ra vào. Để hai người khỏi mất tự nhiên tôi ôm cuốn sách xoay mặt vào tường để đọc. Đọc được dăm tờ úp mặt giữa hai trang sách tôi giả vờ ngủ. Không muốn nghe nhưng tiếng hai người tuy thầm thì nho nhỏ giữa không gian im ắng cũng đủ lọt vào tai tôi. Tiếng cậu trai căn dặn :

- Ngày mai em phải ăn cơm nghe, anh vào mà nghe nói em không ăn là anh giận đó.
- Nhưng ăn để làm gì, em có ăn em cũng sẽ chết, em không muốn ăn.
- Ai nói em sẽ chết ?
- Bác sĩ nói, bệnh em hết phương cứu chữa.
- Em chưa kịp chết vì bệnh đã chết vì đói trước rồi. Ban nãy anh có đem cháo cho mẹ, mẹ ăn không hết còn lại một chén anh mang qua cho em ăn.

Tôi nghe tiếng con bé từ chối, tiếng cậu ta nài ép có vẻ dỗ dành năn nỉ, rốt cuộc con bé Thắm chịu ăn. Chén cháo đầu tiên sau hơn hai ngày nhịn ăn. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra nhưng con bé chịu ăn là tốt rồi.Những ngày sau cứ mỗi chiều trông ngóng cậu ta vào không phải chỉ có mình bà Chương mà có cả con bé Thắm. Đã vậy có hôm anh chàng lại mang thêm bó hoa vào cắm trên đầu giường của mẹ cũng là cạnh giường của con bé.

 Mỗi ngày trông con bé Thắm mỗi tươi tỉnh hơn lên, nó ăn được cơm không những hết phần của bệnh viện, ăn thêm những thứ anh nó mang vào. Mừng rối rít anh nó cám ơn con trai bà Chương đã giúp cho Thắm có động lực thúc đẩy nó ham sống và sợ chết. Ai cũng cho rằng có phép lạ hoán cải bệnh tật của con nhỏ cho đến một hôm nó cầm một bông hồng từ bên ngoài vào khoe với tôi. Buổi chiều hôm ấy cả phòng hết sức vui vì là ngày sinh nhật con Thắm, anh nó mang một cái bánh to đãi hết mọi người. Đặc biệt nhất là lần đầu tiên con trai bà hát một bài tặng cho Thắm chúc mừng ngày vui của em tròn mười tám tuổi.Lời bài hát làm tôi nhớ đến một người cũng là nỗi đau trong tim mình khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Bài thơ của Xuân Quỳnh được phổ nhạc, sau này khi được thả về anh hay hát cho tôi nghe.

 “Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh dường nào
Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau lòng thuyền đau rạn vỡ.
Nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố.

Sáng hôm sau con bé đem khoe với tôi tấm thiệp chúc mừng do anh ta làm. Nhìn gương mặt vui vẻ, hớn hở yêu đời, nâng niu đóa hoa anh chàng mang tặng, tôi thấy trong lòng bất an.

“… Có biết chăng niềm vui đã nằm trong thiên tai !!?”

Tôi biết mình đang trong tâm trạng của người luôn nghi ngờ thiện chí kẻ khác, đem suy nghĩ mình áp đặt vào hành động của người khác dù rằng hành vi ấy rất trong sáng chỉ để nhằm mục đích giúp người vì lòng thương hại kẻ tuyệt vọng. Nhưng liệu có mang lại kết quả tốt đẹp hoàn toàn ? Căn bệnh nào khi chữa khỏi cũng đều có nhiều ít di chứng và hệ lụy có khi còn nặng nề và lâu dài hơn. Rất nhiều người đọc qua quyển Đắc nhân tâm của Dale Carnegie và thực hành nên hết sức khôn khéo trong ứng xử, nhưng không phải tất cả đều thành tâm theo cách tác giả đã dạy. Một con bé ở miền quê xa xôi ít tiếp xúc với người phố thị, chân chất trong suy nghĩ làm sao hiểu được cái khác biệt giữa tình yêu và lòng thương hại ! Buồn thay tôi chỉ biết trơ mắt đứng nhìn không khuyên giải được gì. Tôi tưởng vào đây mình có thể yên tâm không nghĩ ngợi, dè đâu tôi lại khó chợp mắt vì tính hay mang vác thêm việc của người.

Ngày xưa khi còn bên nhau anh nhận xét tôi là người nhạy cảm, dễ dàng xúc động và hay thương vay khóc mướn. Khi ấy tôi giận dỗi vì anh đã nghĩ về tôi như thế nhưng dần dần tôi mới hiểu về tôi đúng như lời anh nói. Nằm đây nhưng tôi vẫn còn những cơn mơ theo đuổi mỗi khi uống bát thuốc sắc trị bệnh. Giấc mơ rơi xuống mỗi khi tôi vừa bắt đầu lịm dần vào giấc ngủ và lần nào cũng vậy.

Tôi kêu lên thống thiết với nỗi hải hùng “Anh ơi ! chạy đi anh, chạy đi công an tới kìa.” Hết hơi kêu gào tôi thấy mình đang hụt hẫng rơi từ trên cao, rơi xuống mặt đất,chờ đợi cảm nhận thân thể mình sẽ bị đau đớn từ những khớp xương vỡ vụn, nhói đau trong tim làm tôi choàng dậy !

Ngồi bó gối trên giường thức suốt, tôi giết thì giờ cho những đêm mất ngủ bằng cách đọc sách. Vào bệnh viện không bao lâu tôi lục lọi hết những quyển sách trong cái thư viện bỏ túi ở đây; từ những quyển truyện dịch ra tiếng Việt kể về nước Nga xa xôi, những nhân vật có tên toàn âm “ a” như …Natasa, Vania,Ulanova của người nữ. Đàn ông nếu không “ép” thì “gây” như Lep, Sergey, Aleksey ….. Những quyển Lenin toàn tập dày cui tôi không hứng thú chạm đến, còn lại là cuốn Thép đã tôi …với nhân vật Pavel, kim chỉ nam của đám thanh niên xung phong. Con đường đau khổ của Aleksey Tolstoy một bộ hai ba cuốn mục đích kể lại sự giác ngộ cách mạng của hai chị em xuất thân trong một gia đình trưởng giả cộng với chồng cô em là anh lính Sa hoàng.

Sách Việt thì không nhiều lắm, cũng chỉ là chị Sáu với mùa hoa lê ki ma, bà Út “tịt” đánh Mỹ tuốt tuồn tuột chỉ còn cái lai quần cũng đánh, rồi leo lên cây …tồ tồ rót xuống. Lẫn trong đám sách cách mạng tôi tìm thấy quyển Chùm nho uất hận, bản dịch từ tác phẩm The Grapes of Warth của John Steinbeck. Nếu tôi nhớ không lầm ông là một nhà văn Hoa kỳ đoạt giải Nobel vào một trong những năm tôi mới học trung học.

Tất cả sách của trước năm 1975 hầu như đều đã bị thiêu hủy hoàn toàn bởi những tay “vệ binh đỏ Việt nam”, tôi tự hỏi : “Tại sao quyển này bị bỏ sót,” ôm cuốn sách về phòng tôi đọc cả đêm và không thấy ngạc nhiên khi nó còn được để lại.Nếu theo đúng nội dung quyển truyện miêu tả, người dân nước Mỹ nhất là tầng lớp người da màu đang sống lầm than, nghèo nàn, đói khổ vì bị những người chủ mỏ hay chủ trại bóc lột. Họ phải lang thang đi tìm việc, sống trong những căn nhà lưu động ọp ẹp kéo đi từ nơi này đến nơi khác. Sở dĩ quyển sách được tồn tại vì dùng làm vật chứng cho thấy đời sống nước Mỹ, do chính một người Mỹ viết ra nó khốn khổ thế đó, khác với thiên đường của con người Cộng sản xã hội chủ nghĩa.

Tôi chưa từng tới Mỹ nhưng tôi biết nó đôi chút qua lời anh kể bởi vì anh là một sĩ quan Hải quân được huấn luyện tại nơi đây. Anh kể về trường anh học ở tiểu bang Rhode Island nằm bên bờ đông Bắc Mỹ, có tượng Nữ thần Tự do biểu tượng của nước Mỹ và nhất là người ta có thể tự do sinh hoạt nơi nào họ muốn không cần phải xin giấy phép đi đường hay trình giấy tạm trú, tạm vắng.

Những ngày tháng bên nhau của chúng tôi chỉ còn tính bằng những cuộc đợi chờ một chuyến đi xa. Tôi cứ thắc mắc trong lòng, tại sao ai cũng ùn ùn đi về phía biển bỏ lại sau lưng thiên đường.

Thế rồi ngày ấy cũng tới, ngồi với nhau đêm cuối cùng, vòng tay ôm không muốn rời, nụ hôn vội vã đẫm nước mắt thay cho lời giã biệt.

Đưa người ta không đưa qua sông (*)
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng
Ly khách, ly khách con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Em thà coi như hơi rượu say

Ừ người đã đi thật rồi, thôi không còn những ngày trốn lánh nơi này dăm bữa, nơi khác vài hôm. Thế nhưng những cơn ác mộng dai dẵng vẫn theo bám riết nỗi đợi chờ.

oOo

“Chiều dần xuống …. Chiều dần buông. Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời. Nhắn giúp cho ta chim ơi, nhắn giúp cho ta mây ơi, thảo nguyên bát ngát đâu biết em ta nơi nào.Tìm đâu cho thấy em thân yêu, tình yêu đốt cháy trong tim ta biết bao giờ nguôi …” Bài nhạc Liên xô với tiếng đàn Balalaica vang vang từ loa phóng thanh trong góc sân dưỡng sinh át tiếng gọi của em gái tôi :

 - Chị ngồi đây làm em tìm khắp nơi, lên phòng tìm không thấy chị, mấy người nằm chung chỉ em xuống đây đó. Chị có thư nè, thư gửi từ nước Mỹ.

Tôi run run đón lấy phong thư, tuồng chữ lạ hoắc chưa thấy bao giờ. Tờ giấy bên trong chi chít nét chữ của anh.

Tim tôi đánh thót một cái làm tôi choáng váng, anh vẫn còn đang ở Bidong, đang làm thủ tục định cư ở Mỹ. Phần tái bút anh ghi : “Hồ sơ xin vào Hoa Kỳ anh điền tên em là vợ.”

Đọc đi đọc lại lá thư muốn nát nhầu, tôi biết đêm nay mình sẽ có một giấc ngủ bình yên.

 

Cỏ Biển
Tháng 7/2016

______________________________

(*) Tống biệt hành, Thâm Tâm     

 

 

     

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016