SỐ 72 - THÁNG 10 NĂM 2016

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 Chương 8

Buổi sáng, Mariam nhận được một chiếc áo tay dài màu lục đậm để mặc với quần vải trắng. Bà Afsoon đưa cho nàng chiếc khăn trùm đầu màu xanh lá cây và một đôi dép cùng màu.

Nàng được đưa đến căn phòng có cái bàn dài màu nâu, chỉ khác là bây giờ giữa bàn đặt một chén kẹo hạnh nhân ngào đường, một quyển kinh Koran, một chiếc khăn che mặt mỏng màu lục và một cái gương.Tại bàn đã ngồi sẵn hai người đàn ông Mariam chưa hề gặp – nàng định chừng là hai người nhân chứng – và một giáo sĩ Hồi nàng không quen.

Ông Jalil dẫn nàng đến một chiếc ghế. Ông mặc bộ đồ vét màu nâu nhạt và đeo cà vạt đỏ. Tóc ông mới gội. Khi kéo ghế cho nàng ngồi, ông cố nở nụ cười khích lệ. Bà Khadija và bà Afsoon lần này ngồi cả bên phía bàn của Mariam. Người giáo sĩ ra hiệu chỉ chiếc khăn che mặt và bà Nargis lấy khăn trùm lên đầu Mariam, trước khi bà ngồi xuống ghế. Mariam cúi đầu nhìn xuống bàn tay của mình.

“Gọi anh ta vô được rồi,” ông Jalil bảo một người.

Chưa thấy người, Mariam đã ngửi thấy mùi. Mùi thuốc lá và mùi dầu thơm nồng nặc, chứ không thoang thoảng như ông Jalil, ngập cả mũi nàng. Dưới tấm khăn voan che mặt, nàng liếc thấy một người đàn ông cao lớn, bụng phệ, vai rộng, khom lưng đứng nơi ngưỡng cửa. Vóc dáng to lớn của anh ta khiến nàng gần mất thở. Nàng không dám nhìn tiếp, tim đập thình thịch, nhưng vẫn cảm được anh ta đứng tần ngần ở cửa một lúc trước khi nặng nề bước chầm chậm vô phòng. Chén kẹo trên bàn rung theo nhịp bước của anh ta. Rồi anh ta buông người xuống chiếc ghế bên cạnh nàng, vừa làu bàu vừa thở thật to.

Người giáo sĩ mở lời chào mừng hai người và nói đây sẽ không là một lễ cưới theo đúng truyền thống.

“Tôi được biết anh Rasheed đã mua vé xe đò đi Kabul và xe sắp khởi hành. Vì vậy để cho kịp giờ, chúng ta sẽ bỏ qua một số nghi thức cổ truyền để buổi lễ được tiến hành nhanh chóng.”

Người giáo sĩ ban phước lành rồi nói đôi ba lời về sự quan trọng của hôn nhân. Ông hỏi ông Jalil có điều gì phản đối cuộc hôn nhân này hay không, và ông Jalil lắc đầu. Rồi người giáo sĩ hỏi Rasheed có thực sự muốn kết hôn với Mariam hay không.

Rasheed nói, “Có.” Giọng nói thô và khàn của anh ta làm nàng nhớ đến tiếng lá khô bị dẫm nát dưới chân.

“Còn Mariam, cô có nhận người đàn ông này là chồng hay không?”   

Mariam im lặng. Có nhiều tiếng tằng hắng.

“Cô ấy nhận,” một giọng đàn bà trả lời từ phía cuối bàn.

“Ðúng ra,” giáo sĩ nói, “chính cô ấy phải trả lời, và cô ấy phải chờ ta hỏi ba lần, bởi vì anh ta là người muốn lấy cô ấy, chứ không phải ngược lại.”

Người giáo sĩ hỏi lại hai lần nữa, và khi Mariam không trả lời, ông hỏi thêm lần nữa, lần này có vẻ quyết liệt hơn. Mariam có cảm giác rõ rệt là bên cạnh nàng ông Jalil ngồi không yên trên ghế, hai chân ông hết tréo lại duỗi ở dưới bàn. Thêm nhiều tiếng hắng giọng. Một bàn tay nhỏ trắng thò ra búng chút bụi trên bàn.

“Mariam,” ông Jalil thì thầm.

“Có,” nàng run rẩy trả lời.

Một cái gương được đưa vô dưới khăn voan che mặt. Nhìn vô gương, đầu tiên Mariam thấy khuôn mặt của chính mình, với cặp chân mày chẳng cong mà cũng chẳng được tiả, tóc xẹp lép, đôi mắt buồn màu xanh lục gần nhau quá khiến người ta dễ lầm là mắt lé. Da thì thô, tối và không mịn. Nàng cho là trán mình quá rộng, cằm quá hẹp, môi lại quá mỏng. Cảm giác chung là một khuôn mặt dài, hình tam giác, hơi bướng bỉnh. Nhưng lạ lùng thay, tất cả những điểm không có gì đặc sắc đó lại tạo nên một khuôn mặt tuy không đẹp nhưng cũng khá dễ nhìn.

Trong gương, lần đầu tiên Mariam thấy được hình ảnh của Rasheed: một khuôn mặt bự, vuông và đỏ; mũi quặp; má đỏ ửng ra chiều vui ranh mãnh; hai mắt ướt, đỏ ngầu; hàm quá nhiều răng với hai cái răng cửa đẩy nhau như cái mái nhà; chân tóc thấp ngoài sức tưởng tượng chỉ cách đôi chân mày rậm không tới hai ngón tay chập lại; mái tóc muối tiêu, thô và dầy.

Ánh mắt hai người thoáng chạm nhau trong gương và tản đi ngay tức khắc. Khuôn mặt của chồng mình đó, Mariam nghĩ.

Rasheed lôi trong túi áo ra hai chiếc nhẫn vàng mỏng và hai người đeo nhẫn cho nhau. Móng tay của anh ta vàng khè như ruột trái táo hư, có vài móng gần muốn sút. Tay nàng run lên khi nàng cố đẩy chiếc nhẫn vô ngón tay của anh ta, khiến anh ta phải phụ nàng. Nhẫn của nàng thì hơi chật, nhưng Rasheed đã không ngần ngại đẩy mạnh nó qua mấy đốt ngón tay của nàng.

“Xong,” anh ta bảo.

“Nhẫn xinh quá,” một bà vợ nói. “Ðẹp lắm, Mariam.”

“Chỉ còn phải ký tên vô hợp đồng nữa thôi,” người giáo sĩ bảo.

Mariam ký tên mình - chữ m, chữ r, chữ y và một chữ m nữa – mà biết mọi cặp mắt đang đổ  dồn nhìn bàn tay của nàng. Lần kế tiếp Mariam phải đặt chữ ký lên một văn bản, hai mươi bảy năm sau, mới lại có mặt một giáo sĩ Hồi.
“Các con đã thành vợ chồng,” người giáo sĩ nói. “Tabreek. Chúc mừng.”

Rasheed ngồi chờ trên chiếc xe đò sơn đủ màu. Từ chỗ nàng đứng với ông Jalil, phía sau xe, Mariam không thể nhìn thấy anh ta, chỉ thấy khói thuốc lá cuộn bay lên từ cửa sổ. Chung quanh họ, người ta bắt tay nhau nói lời từ biệt. Những quyển kinh Koran được chìa ra để người ta hôn. Những đứa bé trai chân đi đất tất bật tới lui giữa đám hành khách. Chẳng ai nhìn thấy được mặt mũi chúng vì chúng bị che sau những mâm kẹo cao-su và thuốc lá.

Ông Jalil lu bu kể lể rằng thành phố Kabul rất đẹp, cho nên hoàng đế Babur muốn được chôn ở đó. Mariam biết, tiếp theo đó ông sẽ kể về những khu vườn ở Kabul, những cửa tiệm, cây cối và không khí ở đó, và chẳng mấy chốc khi nàng đã lên xe rồi, ông sẽ còn đi theo bên ngoài, sẽ vẫy tay tiễn nàng một cách vui vẻ như thể ông không hề bị ảnh hưởng hay bị tổn thương gì hết cả. Mariam không thể nào chấp nhận được điều đó.

“Trước kia con tôn sùng cha lắm,” nàng nói.

Ông Jalil khựng lại ở giữa chừng câu nói. Ông khoanh tay lên, rồi lại bỏ thòng xuống. Có hai vợ chồng người Ấn đi ngang qua, người vợ bế đứa bé trai, còn người chồng kéo cái va li. Hình như ông Jalil mừng vì bị gián đoạn. Cặp vợ chồng xin lỗi, và ông mỉm cười lịch sự đáp lại.

“Ngày thứ năm nào con cũng ngồi hàng giờ để chờ cha, cứ thấp thỏm sợ cha không đến.”

“Ðường xa lắm. Con nên ăn chút gì.” Ông nói ông có thể mua cho nàng ít bánh mì và phô mai dê.

“Lúc nào con cũng nghĩ đến cha. Con thường cầu nguyện cho cha sống lâu đến trăm tuổi. Con nào có biết đâu. Con nào có biết cha xấu hổ vì con.”

Ông Jalil cúi gằm mặt xuống và dí ngón chân xuống đất như một đứa con nít già trước tuổi.

“Cha xấu hổ vì con.”

“Cha sẽ đến thăm con,” ông lẩm bẩm. “Cha sẽ đến Kabul thăm con. Mình sẽ - “

“Không. Không,” nàng nói. “Ðừng đến. Con sẽ không gặp cha đâu. Ðừng vác mặt đến. Con không muốn nghe nói đến cha nữa. Không bao giờ. Không bao giờ nữa.”

Ông đưa mắt nhìn nàng với vẻ tổn thương.

“Mọi chuyện chấm dứt ở đây giữa cha con mình. Cha nói lời vĩnh biệt lần cuối đi.”

“Con đừng ra đi như thế,” ông nói thật nhỏ.

“Thậm chí, cha cũng không đủ tử tế để cho con thời gian từ biệt thầy Mullah Faizullah của con nữa.”   

Nàng quay lại và đi vòng qua bên hông xe. Nàng nghe ông bước theo. Bước đến cửa xe, nàng nghe tiếng ông gọi sau lưng.

“Mariam, con.”

Nàng bước lên xe và dù liếc thấy ông đi song song theo bên ngoài, nàng vẫn không hề nhìn ông. Nàng đi xuống phía cuối xe, nơi Raseed ngồi với chiếc va-li của nàng kẹp giữa hai chân. Nàng không hề quay đầu nhìn khi ông đưa bàn tay ép vô kiếng xe và gõ nhiều lần. Khi chiếc xe đò chuyển bánh, nàng không quay lại để nhìn thấy ông chạy chậm chậm theo. Và khi xe chạy đã xa, nàng không quay lại để nhìn thấy ông thụt lùi dần, rồi biến mất trong đám bụi mù.

Raseed đã ngồi chiếm cái ghế gần cửa sổ và ghế giữa, anh ta đặt bàn tay dầy cui lên tay nàng.

“Thôi nào, cô bé. Thôi.” anh ta nói, mắt nheo nheo nhìn ra cửa sổ, như thể có điều gì đó thú vị hơn vừa lọt vào mắt anh.

 

Chương 9

Chạng vạng tối ngày hôm sau, họ về đến nhà Rasheed.

“Mình đang ở Deh-Mazang,” anh ta nói lúc họ đứng bên ngoài, trên vỉa hè. Một tay xách chiếc va-li của nàng, tay kia Rasheed mở khóa cánh cổng gỗ nhỏ trước nhà.

“Ở phía Tây Nam của thành phố. Sở thú ở gần đây, trường đại học cũng gần đây.”

Mariam gật đầu. Nàng đã nhanh chóng nhận ra rằng mỗi khi anh ta mở miệng nói, nàng phải chăm chú lắm mới hiểu được anh ta nói gì. Nàng không quen với tiếng Farsi của vùng Kabul, cũng như giọng Pashto của những người quê quán ở Kandahar như anh. Anh ta thì ngược lại, hình như không khó khăn gì để hiểu tiếng Farsi vùng Herat của nàng.

Mariam đưa mắt quan sát thật nhanh con đường hẹp không trải nhựa trước nhà Rasheed. Những căn nhà trên con đường này đều liền vách nhau, phía trước cách đường bởi những khoảng sân hẹp có tường bao quanh. Hầu hết mọi nhà đều có mái phẳng và được làm bằng gạch nung, một số nhà làm bằng đất bùn màu bụi xám xịt như màu của những ngọn núi bao quanh thành phố. Những đường rãnh cống ngập nước bùn chảy dọc hai bên đường chia cách vỉa hè với mặt đường. Ðây đó Mariam nhìn thấy những đống rác nhỏ đầy ruồi nhặng.

Nhà của Rasheed có hai tầng và ngày trước hình như màu xanh lơ.

Rasheed mở cánh cổng trước và Mariam bước vô một khoảng sân nhỏ không được chăm sóc, cỏ cháy vàng từng mảng lưa thưa. Bên phải có cái sân nhỏ, ở đó nàng trông thấy một cái nhà ngang, và bên trái là một cái giếng với máy bơm tay và một hàng cây non đã chết khô. Kế bên giếng nước là chỗ cất dụng cụ chỉ có mái che phiá trên, và một chiếc xe đạp dựng bên tường.

“Cha em nói em thích câu cá,” Rasheed nói khi hai người băng qua sân để vào nhà.

Mariam thấy nhà không có sân sau. “Ở trên phía Bắc có nhiều thung lũng, và sông nhiều cá lắm. Ðể bữa nào tôi dẫn em ra đó.” Anh ta mở khóa cánh cửa trước để nàng bước vô nhà.

Nhà của Rasheed nhỏ hơn nhà của ông Jalil nhiều, tuy nhiên so với căn chòi của Mariam và bà Nana thì nó là một biệt thự.

Tầng dưới gồm có hành lang, phòng khách và nhà bếp nơi Rasheed chỉ cho nàng chỗ để nồi, chảo và một cái nồi áp suất cùng với một cái bếp dầu hôi.  Trong phòng khách có đặt một cái ghế dài màu xanh lục nhạt, bên hông rách một đường dài được khâu lại một cách cẩu thả. Vách tường trần trụi. Có một cái bàn, hai cái ghế mây, hai cái ghế xếp và trong góc phòng có một cái máy sưởi bằng gang màu đen.

Mariam đứng giữa phòng khách đưa mắt nhìn quanh quẩn. Sống trong căn chòi vách đất, nàng chỉ cần đưa ngón tay là chạm được trần nhà. Nàng có thể nằm trên giường mà vẫn biết được lúc đó mấy giờ, qua góc độ của ánh sáng mặt trời xuyên qua cửa sổ, biết cánh cửa mở tới đâu thì bản lề sẽ kêu cót két. Ba mươi miếng gỗ sàn nhà, nàng biết hết chỗ nào bị tét chỗ nào bị nứt. Giờ đây tất cả những thứ quen thuộc đó đã biến mất. Bà Nana đã chết, và bây giờ nàng ở đây, nơi một thành phố xa lạ, tách xa cuộc đời trước của nàng cả bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu dẫy núi tuyết phủ và cả bao nhiêu sa mạc. Nàng ở trong căn nhà của một người xa lạ, với những phòng ám mùi khói thuốc, với toàn những cái tủ lạ lẵm đựng đầy những vật dụng không quen, với màn cửa dày nặng màu xanh lá cây đậm, và với trần nhà nàng biết mình sẽ không bao giờ với tới. Toàn bộ căn nhà làm Mariam nghẹt thở. Nàng khao khát nhớ đến bà Nana, ông giáo già Mullah Faizullah và cuộc sống cũ của nàng.

Rồi nàng bật khóc.

“Tại sao khóc?” Rasheed nói một cách cáu kỉnh. Anh ta thò tay vô túi quần, rồi kéo mấy ngón tay của nàng ra và đặt vô đó một cái khăn tay. Anh ta đốt điếu thuốc và đứng dựa lưng vào tường, theo dõi Mariam đưa khăn chặm mắt.

“Xong chưa?”

Mariam gật đầu.

“Chắc không?”

“Có.”

Anh ta cầm khuỷu tay của nàng và dẫn nàng đến bên cửa sổ phòng khách.

“Cửa sổ này nhìn về phía Bắc,” anh vừa nói vừa gõ ngón tay trỏ móng cong queo lên kính. “Ngay trước mặt là núi Asmai – có thấy không? – còn bên trái là núi Ali Abab. Trường đại học ở ngay dưới chân núi. Phía sau lưng, hưóng đông, từ đây nhìn không thấy đâu, là núi Shir Darwaza. Mỗi ngày đúng 12 giờ trưa, người ta bắn một phát súng cà nông từ đó. Nín khóc đi, nín ngay tức khắc. Tôi không nói giỡn đâu.”

Mariam chặm mắt.

“Có một thứ tôi không chịu được,” anh ta nói một cách cau có, “đó là tiếng khóc của đàn bà. Xin lỗi, nhưng mà tôi không có kiên nhẫn mấy cái vụ này.”

“Tôi muốn về nhà,” Mariam nói.

Rasheed thở dài bực bội. Hơi thở đầy mùi thuốc lá hất vào mặt nàng. “ Cứ cho là không phải tại tôi mà cô khóc đi, nhưng một lần này thôi nhé.”

Một lần nữa, anh nắm khuỷu tay Mariam để dẫn nàng lên lầu.

Trên đó có một hành lang hẹp, sáng lờ mờ và hai phòng ngủ. Cánh cửa phòng ngủ lớn mở hé. Nhìn vô, Mariam thấy không có bao nhiêu đồ đạc trong đó, cũng như những nơi khác trong nhà: trong góc, một cái giường trải ra màu nâu và một cái gối, một cái tủ đứng và một cái tủ có ngăn kéo. Trên tường không treo gì ngoài một cái gương nhỏ. Rasheed đưa tay đóng cửa phòng lại.

“Phòng này của tôi.”

Anh ta nói Mariam có thể ở trong phòng dành cho khách. “Hy vọng em không phản đối. Tôi quen ngủ một mình rồi.”

Mariam không để lộ cho cho anh biết nàng nhẹ nhõm bao nhiêu khi nghe anh ta nói như vậy.

Căn phòng anh ta bảo sẽ là phòng của nàng nhỏ hơn nhiều so với căn phòng nàng ở tạm tại nhà ông Jalil. Trong phòng có một cái giường, một cái tủ có ngăn kéo cũ màu nâu xám và một cái tủ đứng nhỏ. Cửa sổ nhìn xuống sân và xa hơn một chút nhìn thấy cả con đường phía dưới. Raseed đặt va-li của nàng ở góc phòng. Mariam ngồi lên gường.

“Em không để ý thấy gì à.” Anh ta bảo lúc đứng nơi ngưỡng cửa, người phải hơi khom một chút mới vừa khung cửa.

“Nhìn nơi bệ cửa sổ kìa. Biết hoa gì không? Tôi để ở đó trước khi đi lên Herat đó.”

Bấy giờ Mariam mới nhìn thấy cái giỏ đựng đầy hoa huệ trắng đặt trên bệ cửa sổ.

“Em thích không? Có vui không?”

“Có.”

“Vậy cám ơn tôi đi.”

“Cám ơn. Xin lỗi. Tashakor (cám ơn).” 

“Em đang run. Hay tôi làm em sợ. Tôi có làm em sợ không? Em có sợ tôi không?”

Tuy không nhìn mặt anh ta nhưng Mariam nghe được chút gì đùa cợt xảo trá trong những câu hỏi như kim châm của anh ta. Nàng vội vã lắc đầu và nhận ra ngay đây là sự dối trá đầu tiên của nàng trong cuộc hôn nhân này.

“Không hả? Vậy thì tốt. Tốt cho em. Bây giờ, đây là nhà của em. Rồi em coi, em sẽ quen và sẽ thích. Tôi đã nói em biết chưa, nhà này có điện ban đêm và gần như cả ngày.”

Anh ta dợm bước ra khỏi phòng, nhưng đến cửa bỗng nhiên dừng lại, hít một hơi dài và nheo mắt vì khói thuốc. Mariam tưởng anh sẽ nói điều gì, nhưng không, anh chỉ đóng cửa phòng lại, bỏ nàng ở đó với chiếc va-li và mấy cái bông.        

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016