SỐ 72 - THÁNG 10 NĂM 2016

 

Thăm xứ Phù Tang

Hà Bạch Trúc
đầu xuân 2016

 

(tiếp theo)

Ngày 8. Ngày cuối ở Kyoto

Dự định sẽ đi thăm một vài nơi còn lại trong danh sách, và nhất là dành thì giờ để mua sắm quà lưu niệm. Hôm nay trời hơi lạnh hơn những hôm trước, chỉ khoảng 12 độ C. Thoạt tiên, chúng tôi đi thăm Lầu Bạc Ginkakuji (Silver Pavilion) và khu vườn zen bao bọc bởi dẫy tuờng bằng đá và cây rất đặc biệt. Ðây là ngôi lầu do Yoshimasa Ashikaga, tướng quân/shogun đời thứ 8 của thời đại Ashikaga, khởi xây năm 1482 theo mẫu Lầu Vàng (1397) của ông nội Yoshimitsu, tướng quân đời thứ 3. Theo dự tính ban đầu thì vách ngoài sẽ được bọc bạc nên gọi là Lầu Bạc, nhưng cho đến khi tướng quân qua đời và cho đến nay vẫn chưa thực hiện. Cũng tốt, vì màu sắc tự nhiên và khiêm tốn khiến căn lầu như hòa vào cảnh vật thanh tịnh chung quanh. Chẳng thế khi xưa tướng quân Yoshimasa thường đến đây mỗi khi cần nghĩ ngơi hay tìm sự yên tỉnh bằng cách ngồi hàng giờ nhìn ra khu vườn thiền.

pt23
Lầu Bạc/Silver Pavilion

45
Vườn thiền và núi Phú Sĩ giả trước Lầu Bạc

Khu vực này khá đẹp nên chung quanh có nhiều xe kéo phục vụ khách đi thăm cảnh.  Các phu xe đều là những thanh niên Nhật tráng kiện và nhanh nhẹn, ăn mặc quần áo đen bó chẽn như những ninja trong phim Nhật.

Ra khỏi Ginkakuji, chúng tôi tản bộ theo “Lối bộ hành của cách Triết gia”/Philosophers’ Walk dọc con kinh đào nhỏ rợp bóng những cây anh đào đã bắt đầu nở hoa. Tại đây, may mắn gặp một cô nàng maiko trẻ măng đi cùng người thầy, đồng ý cho chúng tôi chụp hình.

Ði hết con đường ‘hiền triết’ này phải mất ba mươi phút, tuy nhiên chúng tôi chỉ đi một đoạn ngắn thì ghé vô một tiệm bán áo kimono và mua được mấy chiếc kimono và yukata (loại kimono mỏng mặc trong nhà hay mùa hè) khá vừa ý. Coi như con đường triết gia của chúng tôi chấm dứt nơi đây.

6   7
Xe kéo trên đường (Kyoto)                                                                     

89
Nàng maiko trẻ                                                                                     chữ M sau ót

1011
Lối Philosopher’s Walk                                                           Thử áo kimono

Sau đó, đáp xe bus dến Chùa Sanjusangendo gọi tắt Chùa Kannon, còn gọi là Chùa Ngàn Phật (1164) với chánh điện rất dài và 1001 pho tượng Bồ tát bằng gỗ đứng xếp hàng trên bậc gỗ cao. Những pho tượng này kích thước bằng người thật, chạm trỗ rất công phu và nghệ thuật, được xem là báu vật quốc gia.

Buổi chiều chúng tôi thoải mái đi mua sắm, rồi trở lại khu Gion, không để rình xem các nàng kỷ nữ, mà để trở lại tiệm mì soba bữa nọ, thưởng thức lần nữa trước khi rời Kyoto. Một ngày quá ngắn để thực hiện hết những điều mình muốn. Không quên lên Kyoto Tower trước nhà ga chánh để ngắm quang cảnh thành phố từ trên độ cao 130 thước.

1213
Chùa Ngàn Phật      

1415
Từ giã Kyoto                                                           Bờ sông khu phố cỗ Kyoto

Ngày 9. MATSUMOTO

Từ giã Kyoto cổ xưa, duyên dáng và tuyệt đẹp, cùng với người hướng dẫn viên Nhật mới, bà Yuka-san, và người tài xế mới, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi MATSUMOTO.

Xe qua bao nhiêu thung lũng, đèo, suối và thác, xa xa những đỉnh núi tuyết phủ, những ngôi nhà Nhật mái đen hay mái xanh một màu rất lạ, vách trắng thanh nhã, đây đó những cây anh đào trổ bông màu trắng hay màu hồng phấn dịu dàng. Quang cảnh nhẹ nhàng, thơ mộng và trong sạch, nhìn không mỏi mắt, lòng cảm thấy nhẹ tênh.

1617
Cảnh dọc đường                                                   Xóm nhà bên đường

1819
Hoa đào trắng bên đường                                                Cảnh dọc đường

Mỗi lần xe ghé vô khu nghỉ chân trên xa lộ, hướng dẫn viên đều cho biết ở đây có món gì ngon hay đặc biệt. Thế là được dịp thưởng thức món ăn đặc sản của từng vùng. Có nơi đó là những xâu thịt viên, tôm viên hay mực viên nướng, có nơi là bánh kẹp nhân mặn, có nơi bánh dẽo. Ðặc biệt, đâu đâu nhà vệ sinh công cộng cũng  vô cùng sạch sẽ và được trang trí một cách rất mỹ thuật, trang nhã bằng hoa tươi hay tranh ảnh.


Trong khu nghỉ chân trên xa lộ

2223
Trong WC trên xa lộ

Xe qua thành phố kỷ nghệ Nagoya, nổi tiếng nhờ kỹ nghệ máy bay và kỹ nghệ nặng của hãng Mitsubishi. Buổi trưa ghé vô ngôi làng TSUMAGO trên núi, đẹp như tranh và yên tĩnh tuyệt vời, nhờ du khách Trung quốc chưa biết tới. Làng nằm trên trục lộ Kyoto-Tokyo, là nơi ngày xưa các lãnh chúa (daimyo) thường ghé trên đường hồi kinh về chầu đại tướng quân (shogun). Làng được bảo tồn thật tốt. Những con đường làng và những ngôi nhà cỗ xưa được chính dân chúng sống tại đó giữ gìn một cách hoàn hảo. Cả làng là một viện bảo tàng, mặc dù mọi người vẫn sống bình thường trong đó. Tại một ngôi nhà nhỏ, thô sơ cổ xưa, có người thợ làm bánh bao đang đứng bán. Mọi người sau khi ăn một cái đều phải trở lại mua thêm vài cái nữa. Ngon như thế. Người thợ cũng là người bán bánh cứ từ tốn hấp bánh, chẳng chút hấp tấp, cũng chẳng tỏ ý tiếc rẽ khi phải nói hết bánh. Tiệm bán quà lưu niệm đã ít, chủ tiệm cứ thư thả, tươi cười nhìn khách mà chẳng cần mời mọc. Cuộc sống cứ từ tốn, lặng lẽ trôi qua, khiến khách cũng thấy lòng thanh thản và cảm thấy mình bớt vội vã, nóng nảy.


Làng Tsumago

2627
Ngôi nhà xưa trong làng, nay là bảo tàng                                       Tiệm quà lưu niệm

2829
Tiệm bánh bao

303132
Anh đào và Hoàng mai khắp nơi trong làng Tsumago

3334
Loanh quanh trong xóm buổi trưa                          Bụi hoa dại giữa khe đá trên đường làng

3536
Bình hoa tươi trên cửa, ở làng Tsumago               Ghé vô làng trên đường đưa chàng dzề kinh

Xe tiếp tục đi, qua thị trấn NAGANO, thấy hai bên đường toàn những vườn nho thì biết nơi đây nổi tiếng về rượu, và là thành phố tổ chức Thế vận hội mùa đông 1995 và 2005. Nghe nói dân Tokyo khá giả thường ao ước có được căn nhà nghỉ mát ở Nagano này. Cũng nghe nói John Lennon, ca sĩ quá cố của ban nhạc Beatles, hàng năm thường cùng người vợ Nhật Yoko Ono đến đây nghỉ mát. Ngày nay có con đường tên “John Lennon” là con đường người ca sĩ tài hoa bạc mệnh thường mỗi sáng đạp xe đi mua bánh mì.

Sau ba giờ ngồi xe, xế chiều, đến MATSUMOTO, thành phố núi du khách đến để trượt tuyết. Chúng tôi ghé thăm nông trại lớn nhất trồng và chế biến wasabi, là cây cải cay nồng của Nhật. Ðược nếm thử wasabi tươi vừa sản xuất ‘tại lò’, thấy vị rất dịu và thơm thoang thoảng chứ không cay nồng như mọi khi. Nơi đây có bán cả cà rem wasabi nữa.

373839
Nông trại wasabi, nước rất trong                   Lá wasabi lên cao                                    Củ wasabi

Ðêm nay nghĩ ở khách sạn Bueno Vista Hotel ở Matsumoto, một khách sạn với nhiều tiện nghi. Từ phòng ăn trên tầng thượng và từ phòng ngủ trên lầu 8, thấy núi chập chùng vây quanh thành phố và vuờn zen trên sân thượng khách sạn. Thấy tâm hồn mở ra, bay bổng. Ðêm lang thang ra phố, ăn tô mì soba ấm lòng.

4041
Núi vây thành phố, nhìn từ hotel                                Vườn zen trên sân thượng khách sạn

Mì soba đặc sản

Ngày 10. Đi TOKYO

Sau giấc ngủ ngon nơi phố núi Matsumoto và sau bữa điểm tâm trên tầng chót của khách sạn, vừa ngắm thành phố nhấp nhô phía dưới, chúng tôi trả phòng, lên đường đi Tokyo. Trước khi rời thành phố, ghé thăm Lâu đài Matsumoto, còn gọi là Lâu đài Quạ đen (1504), một trong những lâu đài kiểu Nhật đẹp nhất. Người cư ngụ ở lâu đài này chính là những lãnh chúa (daimyo) cai quản vùng. Lâu đài bằng gỗ đen, mái cũng đen, nằm giữa hồ nước, sừng sững uy nghi trên nền đá ong cao và vững chắc. Bên trong gồm 7 tầng lầu với những nấc thang thẳng đứng, được thiết kế với mục đích chiến thuật phòng khi bị tấn công. Lâu đài này được xem là báu vật quốc gia. Chúng tôi leo lên tận tầng chót, nhìn xuống quang cảnh chung quanh để cảm thấy lâu đài thật kiên cố và hùng vĩ. Trong sân, vài người ăn mặc như samurai và ninja sẵn sàng chụp hình cùng du khách.

4445
Lâu đài Matsumoto 

4647
Quanh lâu đài                                                       Bên trong lâu đài

4849
Daimyo hay Samurai?                                                     Ninja

Tiếp tục lên đường, sau gần 2 giờ xe thì đến hồ KAWAGUCHIKO, là nơi để ngắm núi Phú Sĩ. Từ sáng, anh hướng dẫn viên đã không ngừng theo dõi thời tiết tại vùng này, để biết có nhiều hay ít hy vọng nhìn thấy ngọn núi nổi tiếng nhất thế giới. Anh nói mây chính là vấn đề; có đôi khi trên đường đi, trời quang mây tạnh nắng chan hòa, nhưng tới nơi thì trời vẫn trong xanh mà mây trắng che hết chẳng thấy núi. Nói chung, 10 lần thì 6 lần không thấy núi. Vì thế anh không dám đoán, sợ mọi người sẽ thất vọng.

Trên thế giới, Phú Sĩ là ngọn núi được nhắc đến nhiều nhất vì vẽ đẹp. Ðối với dân Phù Tang, Phú Sĩ Sơn là thần, là kami nên họ nhân cách hóa và tôn kính gọi Fuji-san. Họ cho rằng phải có ‘duyên’ mới nhìn thấy được núi Phú Sĩ. Nghe giải thích như thề, mọi người càng nóng lòng muốn thấy. Riêng tôi, trong bụng nghĩ, cũng chỉ là một ngọn núi.. như bao ngọn núi khác.

Gần đến nơi, cũng chẳng thấy núi đâu, chỉ toàn mây trắng. Bỗng tiếng anh hướng dẫn viên cất cao: “Kìa, kìa.” Mọi người đồng thanh la “Ðâu, đâu?”; một lúc mới có tiếng reo “Thấy rồi”. Nhưng không dễ nhìn thấy, vì vẫn còn những tiếng “đâu, đâu?” Và rồi mọi người nhìn thấy… Mờ mờ sau đám mây ở xa tít phiá trước, một chóp núi trắng. Nhỏ xíu thôi, một chóp đỉnh, trắng như mây, mờ nhạt, ẩn hiện. Khó nhìn thấy, vừa thấy đã biến mất.

5051
Phú Sĩ Sơn                                                             Fuji-san

Chỉ vài phút ngắn ngủi thoáng thấy đỉnh núi Phú Sĩ mà lòng tôi tràn ngập niềm vui lẫn kính phục trước vẻ đẹp, sự toàn hảo và uy nghi của Phú Sĩ. Mọi người càng nôn nóng. Mười lăm phút sau, chúng tôi đến nơi, bên bờ hồ, nhưng chẳng nhìn thấy núi nữa.  Hồ Kawaguchiko rộng đẹp, nước trong vắt và phẳng lặng như tờ. Mọi người tìm một vị trí để chờ, không dám đi đâu… Như có duyên lành, vài phút sau, đám mây trắng kéo đi, để lộ ở chân trời nơi phía cuối hồ ngọn Phú Sĩ sơn phủ tuyết. Núi Phú Sĩ quả đẹp thật, tuyệt hảo và uy nghi, hùng dũng. Khách ngắm nhìn không khỏi thấy lòng tràn đầy hạnh phúc và kính trọng trước vẻ toàn bích của núi. Mọi người hả hê, bấm máy hình lia liạ. Chỉ vài phút thôi, rồi Phú Sĩ sơn lại chui vô ẩn mình trong mây. Nhưng cũng đáng cho cả chuyến đi.

Trước khi rời nơi đây, chúng tôi vào Trung tâm Du khách/Fuji Visitor Center để xem phim về sự hình thành của núi Phú Sĩ, thấy ghi hàng chữ: “Mt Fuji, Home of hearts”. Quả thế.

Hai giờ sau, xe đến TOKYO, thủ đô nước Nhật, với hơn 30 triệu dân là thành phố có mật độ cao nhất thế giới.  Trước khi đến khách sạn, chúng tôi ghé vô tòa nhà cao 48 tầng Metropolitan Government Building, đại bản doanh hành chánh của chính quyền Tokyo. Vào cửa miễn phí,  lên tầng thứ 45 để mọi người được tự do ngắm toàn cảnh thành phố Tokyo đông đúc phía dưới. Vào đến thành phố này, mọi người không khỏi choáng ngợp vì đường xá, nhà cửa, xe cộ và dân chúng quá đông. Tuy nhiên chỉ mắt nhìn thôi, chứ tai không hề bị phiền vì tiếng động, vì lẽ mọi sự đều diễn ra trong trật tự và không hề có tiếng còi xe, tiếng máy xe hay những tiếng động lớn quá độ khác.

5253
Tokyo, từ Metropolitan Government Building

5455
Từ phòng khách sạn                                       Sunshine City Prince Hotel Tokyo

Khách sạn Sunshine City Prince Hotel nằm trong Sunshine City là một trung tâm thương mại lớn vô cùng, có thể nói là một thành phố nhỏ trong lòng thành phố lớn Tokyo. Nơi đây, ngoài khách sạn Prince Hotel, còn có nhiều cao ốc khác trong có bưu điện, ngân hàng, hồ cá, đài thiên văn, bảo tàng viện, và không biết bao nhiêu cửa tiệm, nhà hàng, siêu thị… và nhà ga xe bus, xe điện. Từ một lối ra của khách sạn, khách bước thẳng vô khu thương mại, không phải bước ra ngoài đường. Phòng chúng tôi ở tầng 29 (trong 36 tầng), đêm đêm được nhìn thành phố lộng lẫy lên đèn, nhấp nhô phía dưới. Chúng tôi tha hồ mua sắm trong khu thương mại này, rồi lang thang đi tìm chỗ ăn. Ðã ăn nhiều đồ Nhật ngon và lành mạnh rồi, nên cũng thèm một món gì kém lành mạnh nhưng nhiều hương vị. Chúng tôi chọn một tiệm hamburger Hawaii có treo cái bảng tếu dưới gốc cây dừa “Coi chừng dừa rụng”. Tuy giá mắc hơn tô mì soba đặc sản Nhật nhưng thịt (bò Nhật?) rất tươi và thơm. Cho tới nay, chúng tôi chưa lần nào thất vọng vì món ăn hay giá cả ở Nhật.

565758
Tiệm hamburger trong food court

Ðặc biệt ở xứ này, đi đâu cũng thấy rất nhiều những máy tự động bán nước: nước ngọt, bia, cà phê… Trước cửa các tiệm ăn nhỏ thường có máy bán phiếu, khách cứ chọn hình của món ăn nào mình muốn rồi trả tiền, lấy phiếu/hóa đơn cầm vô tiệm, người hầu bàn sẽ đem món ăn ra. Cũng như trước phần lớn các nhà hàng Nhật, ở nơi cửa kính, hay chưng những món ăn làm bằng nhựa rất giống thật và có ghi giá tiền rõ rệt. Rất tiện cho khách. Món ăn đem ra giống y hình nhựa, không thiếu miếng thịt hay miếng rau nào. Ðáng tin cậy.

596061
Tiệm mì trong food court Sunshine City       Máy bán vé trước tiệm mì          ‘Cơm Phở’ trong food court

626364
Trưng bày món ăn bằng nhựa          Máy bán nước tự động                    Rất nhiều tiệm bánh mứt

Ngày 11. TOKYO

Hôm nay không phải dậy sớm, vì là một ngày tự do. Sau buổi điểm tâm, mọi người theo anh hướng dẫn viên ra nhà ga nằm ngay trong khu thương mại Sunshine City để mua vé xe đi khắp thành phố trong một ngày, vì đây là phương cách rẽ nhất. Thật vậy, giá vé chỉ 750 Yen, khoảng 6 euro (2016).  Tokyo có hệ thống xe lửa và xe điện JR (Japan Railways) lớn nhất thế giới, có đường Yamanote chạy vòng quanh trung tâm Tokyo rất tiện.

Anh nói đây là ga Ikebukuro, thuộc loại ga vắng, vậy mà mọi người đều le lưỡi, vì đâu đâu cũng người và người, đông qua chừng, không tưởng tượng được, mặc dù chúng tôi đã quen với sự đông đúc ở Amsterdam, London và Paris. Lên xe điện, còn đông hơn nữa, người ta đứng sát nhau như cá mòi hộp; tuy nhiên mọi việc xảy ra trong sự tôn trọng và trật tự hoàn toàn, từ lúc xếp hàng để lên xe cho đến lúc tuần tự xuống. Không hề thấy một người nào lộ vẽ khó chịu, và mặc dù đông nhưng không cảm thấy thiếu an toàn, không sợ bị móc túi như ở những nước khác.

Người Nhật họ đi rất nhanh - anh hướng dẫn viên người Hòa Lan nói má vợ anh, người Nhật, đi nhanh hơn anh nhiều – nhưng họ không xấc xược và không tranh giành chỗ.

6566
Nhà ga, phố xá, chỗ nào cũng đông đúc, nhộn nhịp         Metro Tokyo, hành khách xếp hàng chờ sau 2 cánh cửa kính

6768
Khu Harajuku

6970
Khu Shibuya                                                 Tokyo skyline

Chúng tôi có một số điểm muốn đến, đầu tiên là khu Harajuku (thuộc khu Shibuya) và đại lộ Omotesando (tương tự Champs Elysées, Paris) một khu văn hóa và thời trang của Tokyo với nhiều cửa hiệu thời trang lớn thế giới. Gần đến giờ mở cửa nên đông đảo trai gái người Nhật xếp hàng trước các cửa tiệm chờ vô. Tôi thấy lạ vì khách toàn là người trẻ tuổi, không hề thấy một người lớn tuổi nào rong chơi ngoài đường.

Trong khu Shibuya này cũng có công viên lớn nhất thành phố, ở giữa có ngôi đền Shinto MEIJI JINGU nơi dân Tokyo thường đến để làm đám cưới, đám giỗ, đầy năm cho con v.v.. Chúng tôi đến thăm đền vào ngày chủ nhật nên được chứng kiến nhiều đám cưới tấp nập vô đền để được các thầy tu làm lễ theo Thần đạo/Shinto.
Trong sân đền chất đầy các thùng rượu được hiến tặng, để dành đãi khách thập phương trong các dịp lễ.

717273
Cổng đền Meiji Jingu                  Đám cưới theo nghi lễ shinto tại đền Meiji Jingu    Những thùng rượu sake trong sân đền

Ngày 12. TOKYO một vòng xe đạp

Hôm nay là một ngày phải dùng nhiều sức, một ngày thăm thú Tokyo bằng xe đạp do công ty Miracle Bike Tour tổ chức. Thời tiết tiên đoán có mưa, nên mọi người nhận được áo mưa để mặc và nón an toàn đội đầu. Họ tổ chức rất chu đáo, một hướng dẫn viên Nhật đi đầu, một đi cuối, anh hướng dẫn viên Hòa Lan đi giữa. Trước tiên chọn xe đạp, chỉnh xe đạp cho vừa từng người, đạp một vòng nhỏ rồi ngừng lại chỉnh lần nữa nếu cần. Họ nói tiếng Anh trôi chảy, đi đến đâu giải thích cặn kẽ đến đó, đi một lúc vửa thấy mệt là dừng lại nghĩ. Anh hướng dẫn viên Nhật đi sau chót luôn tươi cười và theo sát trấn an những người yếu sức rớt lại phiá sau.

Chúng tôi khởi hành từ khu Shimbashi, đạp xe qua khu Ginza sang trọng, đến khu Tsukiji thì ghé vô đi dạo một vòng chợ cá Tsukiji lớn nhất thế giới. Sau đó đạp xe tiếp tới khu bình dân Tsukudajima, ghé thăm đền Sumiyoshi và đền Tsukuda jizo là đền thờ nhỏ nhất nằm trong một ngõ hẻm chật hẹp.  Ðạp xe qua cầu Rainbow Bridge rất dài, cao và đẹp. Buổi trưa đến khu Odaiba, vào tiệm ăn cổ truyền Nhật “Gonpachi” ở bờ sông dùng bửa cơm Nhật thật ngon. Sau đó lên phà, ngang qua cảng Tokyo, trở về khu bên kia, cập cầu tàu Hinode. Lên xe đạp tiếp đến khu Shiba thì dừng lại thăm ngôi đền Zojoji (1598) là đền thờ của dòng họ Tokugawa, do vị shogun đầu tiên Ieyasu Tokugawa dựng lên khi ông dời đô về đây. Trong sân đền có hai cây bách hương (cedar) do tổng thống Mỹ Grant và phó tổng thống G.H.W. Bush trồng năm 1879 và 1982. Phía sau đền là Tokyo Tower và tòa đại sứ Hòa Lan.

Ngồi trên xe hơi ngắm phố phường cho mình cảm giác là một khán giả, còn một vòng Tokyo bằng xe đạp cho mình cảm giác hòa nhập vào cuộc sống nơi đây.

7475
Một vòng Tokyo bằng xe đạp                      Hí viên Kabuki (xưa 400 năm) trong khu Ginza

7677
Khu bình dân Tsukudajima

7879
chợ cá Tsukiji

8081
Rainbow Bridge, nối liền Tokyo với Odaiba                  “Nữ thần tự do” trên đảo Odaiba

8283
Ðền Zojoji                                                      Cổng đền Zojoji

8485

Chánh điện

8687
Trong sân đền

Ngày 13. NIKKO

Bỏ lại sau lưng thủ đô Tokyo cực kỳ náo nhiệt, chúng tôi lên đường sớm vì đường đến Nikko phải mất 140 cây số và hơn hai giờ xe. Thành phố Nikko nằm trên núi nên xe cua dốc liên hồi, hai bên đường cảnh rất ngoạn mục. Ðến nơi, thấy vẫn còn vài đống tuyết bên bờ hồ Chuzenjithác Kegon, mặc dù trời không lạnh lắm. Hồ Chuzenji tuyệt đẹp, khung cảnh quanh hồ êm ả khiến lòng khách như hòa với thiên nhiên. Phong cảnh ở xứ Phù Tang chỗ nào cũng đẹp tuyệt vời và an bình hết sức.
Ghé vô một lữ quán trong làng, chúng tôi dùng bữa trưa cổ truyền Nhật, tức là vừa lành mạnh vừa thẩm mỹ.

8889
Hồ Chuzenji ở Nikko

9091
Ðường đến Công Viên Nikko                                                 Thác Kegon

9293
Quán café bên đường                                              Bửa cơm trưa tại Nikko

9495
Trong sân đền Nikko Toshogu

9697
Ðèn lồng do Hòa Lan tặng                                    đền này chạm trỗ màu mè hơn các đền khác

Sau đó, đến thăm Công viên Quốc gia Nikko/Nikko National Park. Cả khu này được UNESCO công nhận Di sản thế giới, bao gồm đền Nikko Toshogu (1543) là đền thờ Tokugawa Ieyasu, vị shogun đầu tiên thuộc dòng họ Tokugawa trị vì 250 năm trên xứ Nhật, và ngôi chùa Rinnoji do một nhà sư Phật giáo dựng lên khi tìm đến Nikko vào thế kỷ thứ 8, cùng nhiều đền đài sơn son thép vàng khác rất đẹp. Khác với kiến trúc đền đài Nhật ở những nơi khác, đơn giản và thường chỉ hai màu đen trắng , ở đây mọi thứ đều được chạm trỗ cầu kỳ và tinh sảo, màu sắc rực rỡ hơi giống Trung hoa. Shogun Tokugawa Ieyasu cũng chính là người đã ban cho Hòa Lan giấy phép buôn bán ở Nhật. Trong khu vườn đền thờ, cũng là lăng của Tokugawa Ieyasu, vẫn còn thấy cây đèn lồng bằng đồng xanh, chạm trỗ phù hiệu của Tokugawa, do Hòa Lan dâng tặng nhưng làm sai, lộn ngược phù hiệu. Trên cửa đền thờ thấy chạm trỗ hình con mèo nằm và hình con chim sẻ, biểu tượng cho sự thanh bình và thịnh vượng của thời đại shogun đó. Do Phật giáo thịnh hành vào thời của vị shogun này, nên duy nhất ở ngôi đền này có những vật tiêu biểu của Thần đạo được đặt trên chân đế chạm hình hoa sen, tiêu biểu của Phật giáo.

Buổi chiều trở về Tokyo, cả đoàn đi ăn bửa tối cuối cùng, với món shabu shabu tức lẫu Nhật, trong khu Shinjuku đông đúc nhất và cũng là khu ăn chơi về đêm của Tokyo. Quả thật Tokyo về đêm nhộn nhịp không tưởng. Ðâu đâu cũng đèn, cũng bảng quảng cáo cao ngất, sáng choang, xe cộ tấp nập mọi nẻo đường và dòng người như nước tuôn tràn khắp nơi. Mọi người trong nhóm như bị mê hoặc bởi sự sôi động của Tokyo by night, nhưng không ai dám xé lẻ mà phải cố gắng đi gần nhau vì sợ lạc.

9899
Shabu shabu

100101
Tokyo by night

Ngày 14. HANAMI/THƯỞNG HOA
Ngày cuối ở Tokyo, cũng là ở Nhật. Sau buổi điểm tâm, cả nhóm kéo đến công viên Shinjuku Gyoen National Garden để lần cuối ngắm hoa anh đào (sakura) nở, và chia tay nhau, cũng như chia tay với hai hướng dẫn viên Hòa Lan và Nhật. Trời ấm, nắng cao, công viên đông đúc những gia đình Nhật, những nhóm bạn bè vô đây picnic, ngắm hoa (hanami), thưởng xuân. Trải khăn trên thảm cỏ, dưới cội anh đào, chúng tôi chia nhau bánh nước mang theo, rồi nhởn nha ngồi ngắm quang cảnh chung quanh. Cảm thấy như mình đang ở một chỗ trong mơ. Hồi tưởng lại những con đường đã đi qua, những công viên rợp bóng anh đào khoe sắc đỏ hồng trắng, những con rạch với hàng anh đào nên thơ đã mang lại cho thành phố vẻ đẹp muôn thuở. Hoa anh đào, biểu tượng của xứ Phù Tang, mang vẻ đẹp kiêu sa, quyến rũ. Mùa hoa anh đào nở, người dân Nhật tạm gác mọi công việc để mở tiệc dưới gốc anh đào, uống rượu sake, ca hát, thưởng hoa. Chợt nghĩ mình cũng đã có những khoảnh khắc bên hoa anh đào trên đất Nhật.

Hoa anh đào đã nở nhiều, cả công viên ửng hồng đôi má thẹn thùng trong nắng xuân và trước sự chiêm ngưỡng của khách. Ngoài sự yêu thích hoa đào, người Nhật còn có sự kính trọng đặc biệt đối với loài hoa này, vì hoa tuyệt sắc nhưng đời hoa ngắn ngũi. Họ cho rằng một cánh hoa đào rơi xuống như cuộc đời một võ sĩ đạo samurai đi vào huyền thoại, và mỗi cánh hoa rơi chính là một kami, một linh hồn. Cho nên họ không bao giờ nhặt những cánh hoa đào rơi rụng.

102103

104105

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. 2g30 trưa, Yuko-san, bà hướng dẫn viên Nhật đưa chúng tôi ra phi trường quốc tế Narita ở ngoại ô Tokyo để lên phi cơ trở về nước.

106

Hai tuần lễ trên xứ Nhật, một cuộc du ngoạn tuyệt vời, hơn cả mọi sự chờ mong. Mỗi nơi đi qua đều để lại ấn tượng êm đềm, đẹp đẽ. Từ Nagasaki, Hiroshima, hai di tích lịch sử có một không hai trên thế giới, đến Kyoto tuyệt vời cố đô văn hoá, kinh đô của các nàng kỹ nữ, hay Tsumago ngôi làng tí hon đẹp như truyện cổ tích, rồi Matsumoto uy nghi với lâu đài Quạ đen, Nara kinh đô xưa nhất, Nikko cổ kính, và thủ đô Tokyo sôi động với sức hút mạnh mẽ, không quên Phú Sĩ sơn huyền ảo, mê hồn. Và còn biết bao cái đẹp khác, ở bao nhiêu nơi khác trên xứ Phù Tang mà chúng tôi chưa đi tới.

Tuy nhiên, có lẽ ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên, những di tích lịch sữ và văn hóa mà nước nào cũng có, chính những đặc tính của con người Nhật và không khí sống ở nơi đó mới có sức hút mạnh mẽ hơn cả. Một vài điều ghi nhận về con người và đời sống ở Nhật trong thời gian viếng thăm ngắn ngủi.

Người Nhật có nếp sống văn minh kỹ thuật rất cao nhưng họ có tinh thần tồn cổ và một nền văn hóa mang đầy bản sắc dân tộc. Họ trọng những giá trị căn bản và sự giản đơn trong cuộc sống; ít thấy màu sắc sặc sỡ trong nhà cửa và y phục của họ. Cuộc sống của họ đóng khung trong nhiều nghi thức và phép xã giao. Khác với Tây phương đặt sự suy nghĩ và quyền lợi cá nhân lên trên, người Nhật luôn cố gắng giữ sự hòa thuận với người khác và sự hài hòa với môi trường chung quanh. Vì muốn giữ sự hòa thuận cũng như tránh làm phiền người khác nên đôi khi họ không sống thật với chính họ, đưa đến sự dồn nén trong lòng, và tệ nhất là tự tử. Trên thế giới, Nhật là một trong số nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất.

Họ có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm cao; những điều họ bắt chước, họ đều làm tốt hơn chứ không làm xấu hơn. Họ làm việc rất chăm chỉ và tuân theo kỷ luật cũng như ngôi vị xã hội với mức độ rất cao.

Họ đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân họ nên họ cũng đòi hỏi nhiều ở người khác. Họ rất sợ bị mất mặt hay xấu hổ, thà họ chọn cái chết; có lẽ vì thế mà xưa kia họ mổ bụng, tuẩn tiết dễ dàng, và thẳng tay với kẻ thù.

Ý thức vệ sinh của họ rất cao. Họ sạch sẽ vô cùng, đâu đâu cũng có nhiều nhà vệ sinh công cộng thật sạch và trang nhã. Họ lịch sự và tôn trọng người khác, không xấc xược, không tranh giành hay chen lấn ở nơi công cộng. Họ luôn giữ trật tự, dù ở nơi đông hay vào những lúc bận rộn nhất. Họ có ý thức công cộng rất cao. Họ tôn trọng và giữ gìn môi trường chung quanh, từ đường phố cho đến sân nhà, chỗ nào cũng sạch sẽ. Họ chăm sóc và trang trí mọi nơi tư và công để tạo sự trang nhã cho họ và cho khách.

Họ là những người ngay thẳng, không có chủ tâm lừa gạc người khác. Họ vui vẻ và sẳn sàng giúp đỡ khi được hỏi điều gì. Trong mua bán, họ có tinh thần phục vụ rất tốt, và họ niềm nỡ nhưng không vồ vập và ép khách, không mua họ vẫn niềm nỡ tiếp đón. Nhờ đó, du khách luôn cảm thấy thoải mái, yên tâm và an toàn ở bất cứ nơi đâu.

Có hai điều người Nhật cảm thấy khó khăn khi phải nói đến. Thứ nhất là Ðệ Nhị Thế Chiến. Trước khi đến Nhật, chúng tôi đã có ít nhiều thành kiến với xứ này vì những điều từ nhỏ đã được học và nghe cha mẹ nói về người Nhật. Rằng họ rất ác và thẳng tay trừng trị kẻ thù hay kẻ phạm tội, thí dụ ăn cắp thì họ chặt tay. Rằng Nhật là kẻ đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở miền Bắc Việt Nam, vì để phục vụ nhu cầu chiến tranh, họ bắt nông dân Việt Nam trồng đay thay vì trồng lúa. Bây giờ hiểu, người Nhật mang mặc cảm tội lỗi khi nhắc đến cuộc chiến này, vì họ biết mình đã gây tội ác trong chiến tranh. Tuy nhiên họ chấp nhận mình là người thua cuộc và kính trọng kẻ đã thắng họ.

Thứ hai là phong tục săn cá voi hàng năm, họ cho đó là phong tục của dân tộc Nhật, người ngoài nếu không hiểu được thì cũng đừng chỉ trích, như bà đương kim đại sứ Mỹ tại Nhật, Caroline Kennedy, đã làm.

Tuy cũng là một nước Á châu nhưng Nhật khác hẳn những nước Á châu khác như Trung Hoa, Thái Lan, Nam Dương hay Việt Nam. Với một nền văn hóa rất đặc biệt, cá tính đặc thù của dân tộc, thiên nhiên tuyệt đẹp, cộng thêm lối sống văn minh cao, con người lịch sự và một xã hội ổn định với nhiều tiện nghi vật chất, đất nước Phù tang quả nhiều quyến rũ. Du khách một lần ghé thăm, vô vàn lưu luyến, chỉ mong ngày trở lại.

107      108

109110

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2016