XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

Người cũ về rồi

tạp ghi

Thi Vũ

Người thi sĩ đến với đời, nhưng không ở lại như thường nhân. Vì họ còn cả một thinh không thăm dò.

Đời càng loạn, những bài thơ làm ra càng dài. Ai cũng thích kể lể, tâm sự. Lắm lúc biện minh. Nhiều khi dụ dỗ. Lê thê. Một hơi thở đã là sự sống. Nhưng mấy ai cần sự sống ấy. Người ta ưa kéo ra nhiều hơi liên tiếp để trầm luân đời. Và một đời người chưa chắc đã toàn vui, toàn đẹp, toàn bích.

Bích không xanh trời. Đây đó, trạng của tâm rớt xuống thành tác phẩm, như dạng các hình hài sân khấu.

Mấy kiểu biến hình của Nguyễn Tuân làm bật dậy hiện thực người nơi không gian Hà nội đã từ lâu phong vào khuôn bánh in.

Ngưi cũ về ri hoa mới nở
Nỗi tăm lòng rượu một hương ai
.

Hai câu thơ Nguyễn làm năm 1984 đấy [1]. Một tuyên ngôn khác sau cái tuyên ngôn Lột xác [2] đòi giết con người cũ vào năm 1945.

Ai chẳng biết Nguyễn là kẻ lữ hành. Nhưng ít ai biết nội hàm xê dịch là bản chất sống. Một nội dung triết học. Triết học là đả phá. Sự thách thức trước định mệnh do người và chế độ trùm bao. Lữ hành là đi. Đi qua, vượt qua những vùng giới hạn. Đi là xa. Xa khỏi mốc cột của tên xà ích trói mình. Có những kẻ đi xa, thật xa ra ngoài võng trấn, để cắm lá cờ mây trắng trên ngọn núi gọi hồn. Nhưng cũng nhiều người chỉ đi xa, thật xa bên rìa tâm tưởng quanh nơi xó chợ chân nhà.

Tả khí thế của toàn dân một ngày mùa Thu cách mạng, cả Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên với Tố Hữu cộng lại, cũng không bằng bốn câu trong bài thơ của Vũ Hoàng Chương :

“Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những ngành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô”
.[3]

Thời điểm ấy, ngôi sao là những con tim nhấp nháy, những bàn tay thoi vào cơn mù đêm nô lệ. Sắc đỏ nối liền những huyết quản phực lửa, vót thành ngọn tầm vông ý chí. Sức xung kích vỡ bờ. Đến khi ngọn triều cách mạng quỉ quyệt quay đầu theo chính trị hạn cục, lá cờ kia liền phai sắc. Màu hết lồng lộng dòng huyết quản, trơ lại sắc đỏ, phún từ tuýt màu tô vẽ. Sao tắt lịm trên mắt người. Nhiều người như Vũ bỏ đi. Những kẻ kia ở lại. Trong có Nguyễn.

Nguyễn viết Hà nội ta đánh Mỹ giỏi [4], nhưng văn kiếm xưa kia và trí tuệ Nguyễn không địch nổi nền văn minh Mỹ trên địa cầu, mà chỉ ẩn nấp dưới chiến hào, khoán trắng cho bầy tên lửa địa-không Xô Viết. Nguyễn đã mất chữ của người tử tù [5]. Nguyễn bỏ rơi khoa ném bút chì[5] khi Lột xác2. Khiến Nguyễn Minh Châu than thương khi nhớ Nguyễn : “Rất tiếc là không hiểu vì sao Nguyễn Tuân không đưa vào trong văn chương của mình những đường kiếm tuyệt diệu của Tản Đà ?” [6]

Còn ai nhớ ? Một ngày khăn đóng áo dài, Nguyễn ngất ngưởng ngồi uống rượu với Tản Đà dưới Cầu Mới. Tản Đà chống thanh kiếm đứng lẫm liệt trên phản, giải cho Nguyễn Tuân cái lý ở đời : Người có văn mà thiếu võ, thường ươn hèn, kẻ có võ mà thiếu văn, hóa ra võ biền. Rồi Tản Đà xuống tấn, nâng kiếm ngang mày, bất ngờ vung kiếm múa vù vù cho Nguyễn xem.

Nguyễn Minh Châu đâu biết Nguyễn từng đôi lần vung kiếm. Từ dạo Nhân văn Giai phẩm. Từ dạo Phở sửa sai. Từ dạo Giò. Từ dạo Rau muống ...

Sỹ Ngọc đã phải than : “Người ta vẫn sợ anh, và bài báo nào anh viết, quyển sách nào của anh cũng bị coi từng chữ, từng câu, họ rất sợ cái nói toạc sự thật, lối nói riêng của anh không khuôn theo một lối nói có sẵn của xã hội. Vì vậy quãng sau này anh ít được in sách, tuy có túng bấn, anh vẫn không chịu sửa theo Ý người khác” [7].

Người khác là ai ?

Thật đáng vứt hai cuốn Tuyển tập Nguyễn Tuân [8] vào thùng rác ! Vì trọng Nguyễn. Sao gọi là thương, khi cắt đôi tai, dọc mũi, hay vài ngón trên tay nhau ? Những bài đẹp nhất của Nguyễn ta trân trọng đưa vào tủ sách. Thế còn thời Nguyễn cúc cung tận tụy với Đảng, sao ngành xuất bản Đảng lại thiến đi vài sự thực tinh tế ? Thảo nào Kim Lân chẳng than lên năm nay giữa Hà nội tháng 8 : “Anh là người sung sướng nhất” [9]. Không vì anh được “tôn vinh”. Mà vì anh đã chết. Cõi ấy, cõi lật ngửa. Người chết sung sướng. Người sống thảm sầu. Nguyễn Minh Châu hãy đọc Kim Lân đi : “Anh viết Phở, phở bị đánh. Anh viết Giò, giò lại bị đánh. (...) Viết đến Rau muống là món ăn dân dã thường ngày của mọi người. Rau muống lại bị đánh nữa, thật không còn làm sao hiểu được. (...) Cái thứ văn mà những người có tý quyền chức vốn không ưa”[9]. Chỉ có bà bán giò trên phố chợ đìu hiu mới hiểu Nguyễn Tuân (theo lời dẫn của Kim Lân) :

- Ông thì chán bỏ cha ! Chúng nó ăn ngập mày ngập mặt chẳng sao. Ông ăn được bao nhiêu mà đi viết giò với chả để cho chúng nó nói cho. Nhục ![9]

Qua những ngày truy điệu, riêng gì Kim Lân, Sĩ Ngọc... với hằng chục văn thi sĩ than ngay trên mặt báo ở Hà nội về chính sách văn nghệ của Đảng ức hiếp Nguyễn. Nguyễn cũng đã nói toạc không sợ hãi, hồi Tết năm nay (1987) khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo Văn Nghệ :

“... Cái bệnh của văn thơ ta vừa qua là chỉ mô tả những người sẽ có những việc sẽ có còn những cái đang diễn ra trước mắt thì văn thơ lại né tránh.

“... Ở ta, việc nói thật, nói đúng nhiều khi còn đụng đến những húy kỵ kỳ quặc lắm. Cái này đã có từ lâu đời. Ngày xưa đi thi mà nhỡ phạm húy thì tức là phạm trường quy, thí sinh không những bị đánh trượt mà có khi còn phải vào tù. Bây giờ theo tôi, cái đó cũng phải đổi mới đi. Tôi lấy thí dụ : nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nói về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ Đại hội các loài chim, một cán bộ biên tập đã yêu cầu tôi bỏ mấy chữ đại hội đi vì sợ người ta liên hệ tới đại hội Đảng. Sự kiêng kị ấy thật kỳ quặc và buồn cười...”.

Mạnh hơn, khi điểm cuốn phim Chị Dậu (tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố) trình chiếu năm 1983, Nguyễn tố cáo cái thực cảnh xưa sao nay vậy : “Trong cái thế giới hành chính của chị Dậu, trong cái bộ máy tiểu lại ác bá ấy, tôi nhận đóng vai một tên chánh tổng ; đóng chưa giỏi vì chưa biểu hiện ra cái xấu cái ác của thứ cường hào này. Vậy mà nay trong cái không khí độc hại được mệnh danh là tiêu cực, lại thấy xuất hiện bọn làm ăn kiểu chánh tổng và đám cường hào mới” (Phim “Chị Dậu” Ngô Tất Tố)

Thảo nào Nguyễn không tâm sự với Kim Lân :

- Thì ra cái nét chung của chúng ta lúc này là cái nét sợ các ông ạ. Sợ đến cả những cái chẳng đáng sợ nữa... Sĩ khí nhà văn chúng mình Buồn quá...9

Thảo nào Nguyễn không viết trên cuốn lưu niệm nhân đi xem một phòng tranh ở Hà nội ngày 25.7.1987 :

“Nếu tôi còn nhỏ tuổi thì tôi xin chọn nghề vẽ vì vẽ chả cần ai phiên dịch cả” [10].

Thảo nào mùa xuân năm 1983 vào chơi Saigon Nguyễn chỉ để lại hai câu thấm thía :

Oi oi, xuân Bến Nghé
Nghe mà buồn nhức xương !
[1]

Hẳn là Nguyễn bị thấp khớp. Nhưng con người ấy đời nào vo mình vào một khúc xương lúc năm cùng tháng tận ? Cá tính ấy lộ rõ khi Nguyễn đứng cạnh những người khác. Trọn đời Nguyễn khư khư một làn hơi của sự sống bên chuỗi người quấn quýt những tràng hơi nhộn gấp. Một ngày cuối tháng 3.1984 Nguyễn tới thăm Đặng Thái Mai. Ta chứng kiến vở kịch độc đối một hồi, giữa hai nhận vật (sau phông là tháp rùa ngủ đỏ) ; nếu không là ông nói gà bà nói vịt :

- Mình đang viết Hồi ký. (Đặng Thai Mai nói) Mình có viết một câu về trà đạo, tưởng là chữ ấy của Tuân. Thằng Nhật dịch là Livre du thé. Đúng hơn chữ của ông Liên Xô : Voie du thé. Nhưng có lẽ phải là Doctrine du thé mới thật đúng, phải không ông ?

Nguyễn Tuân : (đứng lùi ra, ngắm bức tranh họa sĩ Văn Cao vẽ nhà văn Đặng Thái Mai năm ông thọ 75 tuổi, 1977) Ông Mai ạ, Văn Cao nó vẽ ông được lắm. Đúng là cốt cách của ông. Tôi thích cái gậy và cách chống gậy của ông lắm rồi (cười), cố nhiên là cách chống gậy trong bức tranh này.

Đặng Thái Mai : Tuân này, Trần Hữu Tước chết rồi. Đáng tiếc. Anh ấy thật là một người tốt, và là một con người văn hóa.

Nguyễn Tuân : C’est un honnête homme dans le sens du dix-septième siècle ! [11] Tôi không sợ chết ông à. Nhưng tôi sợ là sợ những người cùng với mình có chung những kỷ niệm vui buồn dần dần đi hết. Mieux on remplit sa vie, moins on craint la perdre[11]. Khi người ta sống được một cuộc đời phong phú thì người ta càng ít bận tâm vì sợ mất nó. Nếu ông muốn biết về cái chết, ông nên tìm đọc cuốn La mort của một tay nhà văn Pháp. Một tiểu luận cực hay…
Ông không bận tâm về hoa nở à ? (nhìn quanh phòng không thấy có một bông hoa, một cành lá nào) Ông nên bảo các cháu nó để cho ông một vài chậu hoa nhỏ ở đây (chỉ vào góc phòng).

Đặng Thái Mai : Có, có đấy. Thường tôi vẫn có lọ hoa trong góc đi văng (chỉ tay vào góc đi văng giáp tường), nhưng giờ hoa đắt quá. Dix piastres, vingt piastres...[11](Mười đồng, Hai mươi đồng…).

Nguyễn Tuân : Khi nào có cái gì bực bực trong lòng, ông cứ nhìn một bông hoa, thích ông ạ.[1]

Hoa có đấy, dù mười đồng tới hai chục... Nhưng họ nghèo xơ. Mà theo Nguyễn thì mỗi bài viết đúng tiêu chuẩn được đăng trên Nhân Dân “nhuận bút được 400 đồng với hai chai rượu. Loại rượu chanh ngọt ngọt mình không thích, đưa cho bà xã bán được mỗi chai 50 đ., vị chi được 500 đ. Một tuần sau họ lại đưa đến một cái phiếu 100 đ. thưởng cho những bài có chất lượng. Tổng cộng nhuận bút bài ấy được 600 đ. Bà xã phấn khởi lắm, bảo mình : Sao ông không viết nữa đi (cười). Khốn nạn, có phải cái gì cũng viết được đâu !”[1]

Những đồng và đồng của năm 1984. Chứ ngày mồng 9 tháng 7 năm 1987, buổi trưa nắng oi ả, trong bộ đồ “âm lịch”, Nguyễn chống gậy lên cơ quan văn nghệ “vắng như chùa Bà Đanh” để lấy tác quyền cuốn Vang bóng một thời sắp in, chỉ được 1000 đồng. Năm trăm đã lấy trước và năm trăm ứng sau. Nguyễn nói :

- Cái khoản năm trăm này là năm đơn vị phở mình tự mừng cho mình ngày mai lên lão bảy mươi bảy tuổi... Này, nghĩ mà giật mình : năm trăm này bằng đúng một đồng bạc ngân hàng cái thời mình viết tùy bút Phở... Ờ, ờ sau cái đận ấy, thôi thì đủ thứ phở cua, phở hến, phở đậu phụ, phở không người lái, bao nhiêu thứ phở quái dị ra đời... chỉ cái anh phở bò chín chính hiệu là thành hiếm hoi... hiếm hoi y như mọi thứ văn chương đích thực trên đời...” [12].

Ấy, nền văn học Hà nội ngày nay chỉ là sự độc đối giữa những nhong nhóc người. Hằng hà sa số chung một bóng, trải dài theo hư ảnh một kẻ chiếu đèn. Vĩnh viễn độc đối, cho kẻ lữ hành nào nghi ngại bước chân đi, chẳng dám bước qua khỏi vùng giới hạn (Grenzsituation). Một vài khi, Nguyễn vượt quá sợi chỉ tóc tơ biên tế ấy. Khi Nguyễn gặp một mái tóc nắng, một phiến mặt đẹp, một nụ cười trăng vỡ. Một cuộc tình không luận lý. Độc đối kia mới hóa thành niềm hội thoại giao thoa. Như một lần ở khách sạn Bắc Kinh tại Mạc Tư Khoa mà Nguyễn thích. Thích hơn cái khách sạn thênh thang, lạnh lẽo Russia, hay bệ vệ kênh kiệu Sovietskaia. Thích vì ở đó, Nguyễn nói, nó cũ, nó bình dân, nó bé, nó thân mật, ấm cúng. Nơi thấp thoáng nghèo nàn ấy đã nhánh lên khuôn mặt tình Tania, người nữ thông dịch.
Một buổi chiều, Nguyễn bảo :

- “Tôi muốn nhờ cô giúp tôi một việc này nhé : cô đi mua hộ cho tôi ba cái hoa hồng.
- Cái gì ? Tania ngạc nhiên.
- Cô mua hộ cho tôi ba cái hoa hồng.
Cô gái mở to mắt :
- Trời ơi, ông có biết bây giờ là mùa gì không ?... Thưa ông, bây giờ đang là mùa đông ạ. Hoa hồng ư, giữa mùa tuyết này... đắt như vàng. Ông mua hoa hồng làm gì lúc này ?
Ông định tặng ai vậy ?
Nguyễn vẫn bình thản như không :
- Đó là việc của tôi. Tôi nhờ cô mua hoa hồng, ba cái. Cô có giúp được tôi không ?
- Trời ơi... ông điên thật rồi sao ?
Giằng co một hồi, cô gái ra đi. Rồi mang về ba đóa hồng rực rỡ, bọc trong giấy bóng óng ánh.
- Đây, thưa ông, hoa hồng của ông đây ! Ba rúp một bông, vị chi là chín rúp đấy, thật tôi không thể nào hiểu nổi... ông định tặng ai thế ?
Nguyễn nâng lấy ba đóa hoa từ tay cô gái, ông nâng niu ngắm nghía hồi lâu, rồi ông ngẩng lên :
- Tania, cô đến gần đây... Ba đóa hoa này, già Tuân tặng cô đây, Tania, mon ange gardien11 thiên thần hộ mệnh của tôi...
Tania sững sờ. Cô ôm ba đóa hoa trên ngực, mặt đỏ bừng. Và cô khóc... [13]

Rồi từ đó, hay từ bao... mỗi lần bị ức chế, mỗi bận bánh xe lịch sử nghiến xuống hồn Nguyễn, Nguyễn lại nhìn một đóa hoa tươi trên chót tầng ba một thang gác ọp ẹp phố Trần Hưng Đạo nheo mắt cười với chính mình.

Nỗi bi thảm của đời Nguyễn, kẻ suốt đời ưa xê dịch, là mộng lữ hành mà đành chịu du dú ven đô. Nguyễn không vượt được những vùng giới hạn của chiếc rọ tre. Hình như trước khi chết, Nguyễn đã chối bỏ ba phần tư tổng số những bài viết của đời mình, những bài dành ca ngợi xã hội cách mạng, để hứa viết một bài cho Tác phẩm văn học, luận về hiện thực trong Liêu Trai [14]. Ai biết Nguyễn mang đi những gì Nguyễn chưa nói hết cùng ta về nhiều điều mà Bồ Tùng Linh đã nói trọn hồi thế kỷ XVIII dưới một xã hội nhiễu nhương bạo tàn ? Xã hội Liêu Trai của Bồ Tùng Linh là xã hội sĩ đồ đen tối, công lý chẳng phân minh, không có tiền vàng bạc nén, khó lòng bắt được thánh minh. Còn ước vọng cuối cùng chống gậy leo đỉnh Ba Vì vào tháng 8.1987. Đâu đây tiếng Nguyễn vang vọng với Phạm Lê Văn :

- Phải đi tận nơi thôi ông ạ. Chuyện này là chuyện ma không còn là chuyện người nữa. Đó, đó Liêu trai đó[14].

Và Nguyễn tiếp :

- Lên đỉnh Ba Vì ta sẽ vấn kế Sơn Tinh làm thế nào đây để trừ gian diệt ác. Đánh lui Thủy Tinh. Giặc nước đó[14].

Biết đâu Nguyễn không thầm kín muốn đi gặp Tản Đà để hỏi cái đường kiếm ngang mày thuở nọ. Khi Nguyễn trực tâm biết mình có tài văn vào năm lên bảy mươi bảy. Lòng ta bỗng chùng sập, ngậm ngùi theo một dòng thơ hiếm hoi của Nguyễn :

Người cũ về rồi hoa mới nở
Nỗi tăm lòng rượu một hương ai.

Thi Vũ
11.10.1987
(trích Gọi Thầm Giữa Paris, Quê Mẹ, Paris, tái bản lần thứ hai 2015)


[1] Lần gặp cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Đặng Thai Mai, Thiếu Mai. Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[2] đăng trên Văn Mới 1945 với tựa đề Vô đề.
[3] Nhớ về Hà Nội vàng son, thơ Vũ Hoàng Chương, báo Cứu quốc 1947.
[4] Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Văn Nghệ, Hà nội 1967.
[5] Vang bóng một thời.
[6] Người cầm bút ấy..., Nguyễn Minh Châu, Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[7] Nhớ nhà văn Nguyễn Tuân, Sỹ Ngọc, Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[8] Tuyển tập Nguyễn Tuân, Nhà XB Văn Học, Hà nội 1981.
[9] Anh là người sung sướng nhất, Kim Lân, Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[10] Tôi nhớ mãi nụ cười bằng mắt ấy, Bửu Chỉ, Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[11] chữ Pháp trong bài viết, câu trước có nghĩa là : Đấy là một người hiền lương theo nghĩa của thế kỷ XVII. Câu sau : Tốt hơn cả, hãy sống vạm vỡ, thì chẳng lo gì mất nó.
[12] Lần cuối cùng gặp gỡ bác Tuân, Phan Hồng Giang, Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[13] Sổng đẹp từng ngày, Nguyên Ngọc, Văn Nghệ, Hà nội 1987.
[14] Giờ cuối, ngày cuối của Nguyễn Tuân, Phạm Lê Văn, Văn Nghệ. Hà nội 1987

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017