XUÂN ĐINH DẬU - SỐ 73 - THÁNG 1 NĂM 2017

Tượng Buồn Thiên Thu

Lê Phạm Kim Phượng

“Nhóm con gái” gồm có Duyên và các bạn: Tâm, Thoa, Diệp và Hạnh, là những cô học trò thông minh, duyên dáng.  Các cô còn được các bạn cùng lớp ưu ái tặng cho một biệt hiệu rất dễ thương, “Ngũ Ô Mai!"  Cùng trường, cùng lớp suốt bảy năm trung học, thân tình giữa năm người trở nên thắm thiết.   Họ chia sẻ buồn vui, kể cả những chuyện thầm kín riêng tư, biết bao kỷ niệm.  Sau năm Đệ Nhất, bộ năm như những cánh chim tan đàn, Diệp tạm nghỉ học, về quê làm cô giáo tỉnh lẻ sau khi mãn khóa “Sư Phạm Cấp Tốc”.  Duyên và Tâm ghi danh vào Luật Khoa, Thoa vào Văn Khoa, và Hạnh thi vào Dược Khoa.  Tuy không có dịp gặp nhau mỗi ngày như trước, nhưng tình bạn thân ái vẫn đưa họ tìm đến với nhau.  Những buổi chiều thứ bảy tụ họp tại Dòng Chúa Cứu Thế để tập hát lễ hay nghe linh mục Ngọc Lan giảng về  tình yêu và tuổi trẻ.  Những khi buồn đời các cô thường rủ nhau dạo phố, hay kéo nhau vào căn gác lửng ở nhà Duyên, cũng là “phòng học” của Duyên để trút cạn nỗi lòng, hay chụm lại góp ý viết thư cho người yêu.  Sinh trưởng trong chiến tranh, họ hầu như có chung những băn khoăn,  suy tư về tương lai và cuộc sống .  Họ thông cảm nhau hơn khi cả năm người đều có người yêu là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

***

Buổi sáng thứ bảy, không phải đi dậy cũng không phải đi học.  Thảnh thơi chi lạ, Duyên cứ an tâm cuộn tròn trong chiếc chăn ấm áp, thật thoải mái.  “Mới 7:00 giờ sáng, còn sớm, ngủ nướng thêm chút nữa, bù cho những ngày trong tuần bận rộn chạy đua với chiếc kim đồng hồ, mệt ngất ngư.  Bộ Dân Luật, Cổ Luật cứ  để đấy; nghỉ ngơi một ngày, chúa nhật sẽ học bù.”  Duyên nhủ thầm, mắt vẫn nhắm nghiền.  Bé Mai nằm cạnh cục cựa, nó ré lên:

- Lạnh quá, chị Duyên cho em đắp chăn với.

Chẳng đợi sự đồng ý của Duyên, nó chui tọt vào giữa, bé Loan cũng bắt chước làm theo.  Hai con bé cứ loi ngoi trong chăn, đứa nào cũng đòi nằm giữa.

- Thế này thì làm sao ngủ được !  - Duyên càu nhàu rồi ra lệnh: -  Nằm yên, đứa nào nhúc nhích chiều chị không dẫn đi ăn chè.

Hai con bé nằm yên được một lúc, bé Loan thắc mắc muốn biết sau khi ăn chè có được đi xem chiếu bóng không.  Duyên bực dọc gắt:

- Đã bảo nằm yên, không được nhúc nhích cũng không được nói cơ mà!

Hai con bé ngoan ngoãn nằm im.  Duyên vừa chợp mắt thì nghe tiếng xe đậu lại trước cửa, tiếng cửa mở và nghe Tâm léo nhéo với chị của Duyên dưới lầu:

- Chúa ơi!   Giờ này mà còn ngủ, nó hẹn với em 8:00 giờ sáng chị ạ.
-  Chắc Duyên ngủ quên, để chị lên gọi.  Hôm qua Duyên có xin phép mẹ rồi nên hai đứa cứ yên tâm.  Chúng em đi Thủ Đức thăm cậu Huy hả? Cho chị gửi lời thăm.  Tội nghiệp!  Thời chiến, con trai đi lính hết!

Không đợi chị Hương gọi, Duyên nhẹ nhàng chui ra khỏi chiếc chăn ấm áp, chạy như bay xuống thang lầu, đụng Tâm ở dưới chân cầu thang Duyên vội nói:

- Xin lỗi, tao ngủ quên, cho tao 20 phút sẽ xong ngay.

Chạy vào phòng tắm Duyên còn ngoái cổ lại nói:

- Ê Tâm, áo dài màu hoàng yến của mi trông đẹp lắm, mi nhìn duyên dáng, kiều diễm hẳn ra,
“Xiêm biếc thon thon đường tuyệt kỷ.
Áo dài buông trắng gót rung thơ” (?).
- Còn mi?  Màu trắng muôn thuở hả Duyên!

Không trả lời bạn, Duyên đi thẳng vào phòng tắm, những giọt nước lạnh có tác dụng đánh thức tất cả các tế bào đang ngái ngủ của Duyên, Duyên tỉnh ngủ hẳn. Duyên trang điểm đơn sơ, áo dài trắng, quần satin đen, tóc cột cao đuôi gà bằng một giải lụa trắng.  Tâm nóng lòng thúc dục Duyên:

- Lẹ lên, mi không cần trang điểm cũng ''nghiêng thùng đổ nước rồi !''
- Mi làm gì mà nóng lòng thế, trước sau gì cũng gặp chàng mà.

Duyên nháy mắt diễu cợt bạn, nàng tiếp:

“ ... Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé.
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ,
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã trọn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở ! (1)

Tâm ngúng nguẩy:

- Khỉ ơi, đừng ghẹo tao, mai mốt ông Việt về đến tao sẽ kể tội mi.
- Á, kể tội tao cho anh Việt hả?  Tội thứ nhất: Yêu chàng!  Tội thứ hai: ... tương tư chàng !  Còn gì nữa không Tâm?

Tâm chồm tới ngắt nhéo Duyên tưng bừng.  Cả hai cùng cười vui như tiếng suối reo

Xe ra khỏi thành phố, không khí thật trong lành, bầu trời quang đãng, xanh thẳm những sợi tơ trời, gió mát lộng bay  đôi tà áo.  Chiếc xe PC của Tâm lướt nhanh trên xa lộ rộng thênh thang,  trực chỉ hướng Thủ Đức.  Duyên hỏi Tâm đang nghĩ gì mà có vẻ trầm tư, Tâm thủ thỉ:

- Lát nữa gặp anh Huy chắc anh ấy xúc động lắm, tao sẽ cố gắng không khóc.  Tao không muốn làm nhụt chí anh ấy.  Tao phải can đảm.  Mi biết không tao thức suốt đêm đan cho Huy chiếc khăn quàng đó Duyên.
- Ông Huy chắc chắn sẽ rất  cảm động, tao có thể tưởng tượng được.  Khăn mầu gì Tâm?
- Mầu cờ Việt Nam!  Mầu vàng ba sọc đỏ.  Hy vọng nó sẽ giữ anh ấy khỏi lạnh trong những đêm di hành.

Màu cờ Việt Nam!  Ngay từ khi còn bé Duyên đã biết qúi mến và kính trọng lá cờ màu vàng có ba sọc đỏ.  Duyên nhớ rất rõ khi Duyên còn học ở trường tiểu học Tân Sơn Hòa, thầy Quế đã dậy cho cả lớp hát bài Quốc Ca, giọng thầy trầm ấm và hùng hồn, thầy hát: 

“Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng,
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên
làm sao cho núi sông từ nay thêm vững bền ...”(2)

Cả lớp hát theo.  Duyên hát lớn nhất vì bố đã dậy Duyên bài này từ lâu.  Thầy Quế bắt Duyên đứng trên bục gỗ và hát cho cả lớp nghe.  Mỗi sáng thứ hai các lớp đếu xếp hàng ngay ngắn trước sân trường để chào cờ.  Đứng trong hàng, Duyên nhìn lá cờ phất phới trong gió, lòng rộn lên một niền hãnh diện.  Có lần Duyên được chọn kéo cờ, Duyên nghiêm trang đứng dưới chân cột cờ, thận trọng kéo giây cho lá cờ lên cao trong khi các thầy, cô và các học sinh cất cao giọng hát:

... Dù cho thây phơi trên gươm giáo, Thù nước lấy máu đào đem báo.
Nòi giống nước biến phải cần gỉải nguy người công dân luôn vững bền tâm trí hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.  Công dân ơi mau đứng lên dưới cờ ... Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng.” (3)

Lúc ấy Duyên cảm thấy hãnh diện làm sao!  Cũng hồi thơ ấu, mỗi lần bố dẫn chị em Duyên đi coi ciné ở rạp Đại Lợi, trước khi chiếu phim, đều có chào Quốc Kỳ.  Bố bảo:  “Phải đứng nghiêm trang khi chào cờ để tỏ lòng kính yêu tổ quốc.  Làm con dân một nước phải biết yêu qúi và bảo vệ lá cờ của dân tộc mình.” 

Mỗi lần đi ngang qua những cơ quan hay trường học có treo cờ, bố đều ngả mũ cúi đầu và chị em Duyên cũng bắt chước làm theo.  Bố ở trong ban quân nhạc nên thổi kèn rất hay.  Duyên thích nghe bố thổi kèn bài Quốc Ca và thổi sáo bài Lòng Mẹ.  Có lần Duyên nói với bố:  “Mai mốt lớn Duyên sẽ viết bài Lòng Bố, rồi hát cho bố nghe.”   Bố cười sung sướng.  Ôi kỷ niệm thời thơ ấu sao tuyệt đẹp!

- Lại đang nghĩ gì đó Duyên?  Mình sắp đến nơi rồi đó.

Câu hỏi của Tâm đưa Duyên trở lại với thực tại, nàng vội đáp:

- Ừ... Ơ mà tại sao đang khi không anh Huy bỏ học đi lính?  Đang học bên Quốc Gia Hành Chánh ngon lành.  Cũng mấy năm rồi chứ ít ỏi gì.
- Tao có hỏi nhưng anh ấy chỉ nói một ngày nào đó tao sẽ hiểu.  Mi biết tánh Huy!  Làm gì, suy nghĩ gì không ai có thể hiểu nổi!

Tâm nói tiếp:

- Tới rồi kià Duyên, mình gửi xe ở đây rồi đi bộ vào, sao tao hồi hộp qúa.  Trong thư tao có dặn Huy đợi sẵn ở cổng trại.  Hy vọng mình không phải chờ đợi lâu.

Trình xong giấy tờ trước khi vào cổng, hai nàng đang lơ ngơ bỗng thấy Huy chạy đến từ cánh phải, Huy reo mừng:

- Tâm, Duyên, anh đây nè!  Đợi hai cô từ hừng sáng, đợi dài cả người ra, tưởng hai cô cho anh leo cây rời chứ.

Ngắm Tâm một chút, Huy đưa hai tay lên chờ đón Tâm:

-Tâm của anh hôm nay đẹp tuyệt vời, xinh như nàng tiên trong mộng.

Đặt giỏ xách xuống đất, Tâm ngã gọn trong vòng tay trìu mến của Huy, bồi hồi, xúc động, mắt long lanh ngấn lệ.  Trong khoảnh khắc, họ đã quên cả trời lẫn đất, họ quên cả sự hiện hữu của Duyên.  Duyên mỉm cười, lòng hân hoan với niền vui chừng như bao la vô bờ bến của bạn.  Khi Huy buông Tâm ra thì mắt Tâm cũng ướt đẵm những giọt nước mắt.  “Con bé đã quên lời hứa!’ “  Duyên nghĩ và giữ nguyên nụ cười trên môi.  Như người vừa tỉnh giấc mộng, sực nhớ đến Duyên, Huy  vui vẻ nói luôn một hồi:

- Chào Duyên, hôm nay anh rất may mắn nên có cả “Áo trắng muôn thuở” đến thăm, khỏe không Duyên?  Việt thế nào?  Vẫn viết thư đều chứ?

Duyên vòng tay trước ngực, đáp:

- Hai “ông bà” cứ tự nhiên, cứ coi như Duyên không có ở đây.  Việt của Duyên hả? Ở xa tít mù khơi, miền trùng dương xa thẳm, bọn Duyên nào được diễm phúc như ai kia.

Tưởng Duyên giận, Huy vội xin lỗi.  Nhìn bộ mặt nhăn nhó như khỉ ăn gừng của Huy, hai nàng phá lên cười. Tâm bảo Huy, Duyên chỉ chọc Huy thôi.  “Bộ Huy đã quên tật đùa dai của Duyên rồi sao?” Huy giơ hai tay lên trời than thở:

“Thượng đế hỡi!  Ngài tạo dựng chi con gái dễ hờn dễ giận.  Họ ngọt như mật, dịu dàng như tơ trời, tươi như hoa, xinh như con nai vàng ngơ ngác, nhưng họ lại rất ... rất thích làm khổ đàn ông, và nhất là nước mắt của họ!  Những giọt nước mắt có sức mạnh làm lung lay cả vũ trụ.” 

Ba người lại cười, những tiếng cười dòn như pháo tết.  Huy đỡ giỏ thức ăn trên tay Tâm, đưa tay chỉ về phía cánh phải, Huy bảo, tàng cây diệp xa tít đằng kia là chỗ chàng đã “cắm dùi” cho hai người đẹp nghỉ chân, chàng đã trải sẵn poncho.  Họ hướng về chiếc poncho, vừa đi vưà nói chuyện rất hồn nhiên.  Như một hiền thê đã quen việc săn sóc chồng, Tâm lấy trong giỏ ra một chiếc khăn bàn trắng, trải ngay ngắn, nhanh nhẹn bày biện những món ăn trên khăn bàn,  Tâm kể cho Huy nghe những mẫu chuyên buồn vui, chuyện gia đình, bạn bè.  Huy  nhìn Tâm ánh mắt tha thiết, không biết nghĩ gì, Huy  nhoẻn miệng cười rồi nói:

- Nhiều món ăn qúa! Toàn là món anh thích.  Tâm ơi !  Em thật tuyệt vời. Anh là kẻ có phước nhất trần gian.

Quay sang Duyên, Huy đùa:

- Cả Việt nữa đó. Trần gian sẽ kém vui nếu vắng bóng hai cô.
- Ăn đi Huy, chắc anh đói lắm rồi, Duyên và em cũng chưa ăn gì cả.

Tâm âu yếm nhắc nhở và tiếp thức ăn cho Huy, Tâm nói tiếp:

- Những món này em làm tối hôm qua, biết anh thích ăn chả giò nên em làm thật nhiều.

Huy cảm động, chàng ngừng ăn, cầm tay Tâm xoa nhẹ.  Bây giờ Tâm mới có dịp nhìn kỹ Huy nàng cười khúc khích và nói:

- Anh Huy nhìn thật nhà binh, tóc húi cua ngắn củn, da đen sạm nắng, giầy “bottes de saut” trông tếu thật Huy ạ.
- Định chọc quê anh hả?  Anh chọc lại thì đừng khóc nhè đó cô bé.

Như chợt nhớ ra điều gì, quay sang Duyên, Huy bảo: Tâm viết thư cho chàng biết Duyên và Việt mới đính hôn, và hỏi Duyên có định “ngày lành tháng tốt” chưa. Huy ái ngại hỏi Duyên:

Nếu lập gia đình rồi việc học có bị gián đọan không?

Duyên tuyên bố phải sang năm Việt và Duyên mới gửi “thiệp hồng”.  Vì Việt vẫn còn lênh đênh trên biển cả, sợ Duyên không chịu nổi cô đơn.  Việt hy vọng sang năm sẽ được về bờ.  Việt cũng muốn Duyên tiếp tục việc học. Tâm xen vào:

- Anh coi, nhỏ Duyên trông nhỏ thó nhưng “lì “ghê, nó nói sau khi thành hôn rồi nó vẫn tiếp tục đi dạy buổi sáng và đi học buổi chiều.  Phu nhân quan hai tầu biển hách ghê anh nhỉ?
- Anh rất mong cả Tâm và Duyên đừng ai bỏ học ngang.  Phải cố gắng lấy cho xong bằng cử nhân thì tương lai sẽ vững hơn.  Không ai lo cho mình đắc lực bằng chính mình lo cho mình, một ngày nào đó hai cô sẽ hiểu lời khuyên của anh.

Hai nàng nhìn nhau cười.  Duyên nói khẽ vào tai Tâm: “Sao ông Huy tự nhiên biến thành ông cụ non, ghê quá !  Triết lý đầy mình ! “.  Duyên sốt sắng nhắc  Tâm đừng quên chiếc khăn quàng, món qùa rất đặc biệt cho Huy và bảo Huy, Tâm đã thức trắng đêm để hoàn tất cũng chỉ vì “yêu qúa đi mất rồi.”

-Thật hả Tâm?  Cái gì vậy? Anh hồi hộp qúa.

Tâm lấy chiếc khăn từ trong giỏ ra, quàng lên cổ Huy nàng thỏ thẻ:

- Em gửi theo chiếc khăn này tất cả tình yêu của em, em mong nó sẽ mang lại sự ấm áp cho tâm hồn anh trong những lúc mình xa nhau.

Quả như điều Duyên nói. Mặt Huy đỏ bừng, mắt rưng rưng, chàng không nói, chỉ hôn nhẹ lên chiếc khăn.  Duyên muốn để hai người được tự nhiên, nàng viện cớ xuống câu lạc bộ một lát để tìm nước uống cho moị người.  Huy nói đùa:

-Ở đây có nhiều “Con bà phước”  lắm đó Duyên à, họ là “ông mìn” chính hiệu, rất thích bắt cóc các nữ sinh, nhất là mấy cô sinh viên đó.

Nắng đã bớt gay gắt.  Duyên bước những bước rất chậm.  Nàng vòng ra cổng trại rồi mới đi xuống câu lạc bộ.  Chung quanh Duyên có nhiều Sinh Viên Sĩ Quan trẻ, họ đi đứng rất oai phong.  Trong câu lạc bộ, và dưới bóng mát của những tàng cây có nhiều gia đình đang đoàn tụ, chuyện trò.  Duyên cảm thấy buồn và nhớ Việt da diết.  Nơi này của nhiều năm về trước Việt cũng đã thụ huấn tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức  trước khi được gữi đi du học hải nghiệp.  Duyên nhớ rất rõ, lúc đó mới quen Việt, nàng còn rất nhỏ, Duyên đã chẳng bao giờ dám xin phép mẹ cho đi Thủ Đức thăm Việt. Nàng chỉ nhờ những trang giấy trắng học trò để trao gữi những  lời nhớ thương thắm thiết, những tình cảm trong sáng, ngây ngô đến dễ yêu.  Rồi những lần Việt về phép đến thăm, Duyên mừng vui đón Việt với nụ cười tươi thắm trên môi.  Thấm  thoát  đã năm năm trôi qua,  họ càng gắn bó, yêu nhau hơn, và  cảm nhận rằng họ không thể thiếu nhau trong đời.  Nghĩ tới Việt, ngày tháng mãi hoài lênh đênh trên biển cả!  Duyên nghe như có giọt buồn rơi nhẹ vào hồn.

Ngọn gió lạnh như thổi ập vào người Duyên, nàng rùng mình và bỗng nhớ Việt quay quắt!  Ở miền trùng dương xa thẳm, biết Việt có hướng tâm tư về thành phố nơi có người yêu ngóng đợi ?

Tàu trôi ra biển ngập ngừng,
Nữa miền phố thị nhớ miền trùng khơi,
Nữa vầng trăng lạnh bên trời
Hai tay buông thõng cho đời đong đưa. (?)

                                                            ***

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ tan trường.  Những đứa học trò lớp tư ùa ra giữa lớp, dưới sự điều khiển của Tuấn, cậu bé trưởng lớp, chúng xếp hàng rất thứ tự, con gái bên phải, bên trái con trai.   Nhìn đám học trò tí hon, thật ngoan và dễ thương, Duyên mỉm cười, rồi nhắc nhở:  “Ngày mai có giờ Vệ Sinh Thường thức, các em nhớ sẽ phải làm gì trước khi đến lớp không?”  Đám học trò đồng thanh đáp:  “ Thưa cô, phải cắt móng tay móng chân sạch sẽ và không để cáu bẩn ạ!”  Ôi những lời nói thánh thót như chim hót chào bình minh, dễ thương làm sao!  Năm mươi sáu đứa học trò lớp tư đã phong phú hóa cuộc sống của Duyên, nàng thương từng đứa một, kể cả thằng Tú, rất nghịch ngợm, quần áo lúc nào cũng dính đầy mực tím, hay làm bộ không thấy để rồi đạp lên chân con gái mỗi khi xếp hàng, nhưng thằng bé thông minh gớm, bản cửu chương thuộc làu làu, làm luận văn cũng giỏi.  Còn con bé Mỹ Chi nữa!   Con bé hiền, ít nói và hay mắc cở, mắt to đen lay láy.  Mỹ Chi học rất chậm, Duyên thường kèm thêm cho Mỹ Chi vào những giờ chơi.  Duyên vẫy tay ra dấu cho Tuấn, cậu bé hạ cây thước kẻ xuống, học trò thứ tự ra khỏi lớp.  Tuấn ra sau cùng, ra đến cửa nó quay lại nói:  “Thưa cô, mai em mang hoa trang đến cắm vào bình trên bàn cô, em xin ba em rồi.”  Duyên cảm thấy thật hạnh phúc vì những chân tình của đám học trò dễ yêu.  Nàng cảm ơn Tuấn rồi trở lại bàn thu gọn chồng vở luận văn của học trò, mỗi cuốn đều bọc giấy bóng màu xanh dương đậm, rất cẩn thận.  Duyên vẫn thích chấm luận văn.   Những câu văn ngây ngô, ngộ nghĩnh, đôi lúc bình dị, đôi lúc đượm mùi ca dao tục ngữ của đám học trò thường mang đến cho Duyên những niềm vui nho nhỏ.

Để chồng vở vào giỏ trước của chiếc xe đạp, Duyên lửng thửng dắt xe đi dưới hàng cây bã đậu cành lá xum xuê, rợp bóng mát.  Ngang qua lớp năm, thấy Thoa,  cô giáo lớp năm vẫn còn đang cắm cúi chấm bài, Duyên hỏi:

- Chưa về sao Thoa ?

Nhìn lên thấy Duyên, Thoa mỉm cười vãy Duyên lại gần, Thoa vui vẻ nói: 

- Thoa cố gắng chấm cho xong bài toán đố cho tụi nhỏ rồi đi học luôn, không ghé nhà ăm cơm trưa, như vậy khỏi mất công ôm chồng vở về, tối nay có anh Khải tới chơi, mình nấu chè thưng, bồ nhớ ghé nghe.”  

Duyên cảm ơn bạn, mặc dù rất thích nghe Khải, HQ Trung úy Dược sĩ, người yêu của Thoa  kể chuyện diễu, nhưng Duyên không thể đến được, nàng phải đi học, tối về còn học bài và chấm bài cho học trò nữa.  Duyên và Thoa là hai cô giáo trẻ nhất trong trường, ngoài ra các thầy, cô đều đã đứng tuổi.  Những người trong ban giáo chức  đều qúi mến Duyên và Thoa, và họ cũng thích lối dậy của hai người, vì hai cô chủ trương “học mà vui, vui mà học” nên học trò tiến bộ khá nhanh.

Vừa về đến đầu ngõ đã thấy bé Mai hớn hở khoe:

- Chị Duyên, có anh Việt về!

Duyên ngạc nhiên:

- Mai nói cái gì? Anh Việt về hả? Hồi nào?

Mai nhanh nhẩu đáp:

- Mới thôi, anh ấy nói có đi ngang trường, nhưng sợ phiền chị nên ảnh không ghé.

Mai khoe một con chó nhồi bông, lông màu nâu nhạt có đốm trắng, nó bi bô nói:

- Anh Việt cho em đó, chỉ cần vặn giây thiều này thì con chó của em vừa đi vừa sủa cho chị xem.  Em phải đặt cho nó một cái tên hay thật là hay.

Dựng vội chiếc xe trước cửa, ngước lên Duyên đã thấy Việt cũng vừa bước đến bên cạnh. Duyên xúc động kêu:

- Anh!

Việt mừng rỡ xiết nhẹ tay Duyên:

- Duyên! Anh nhớ em qúa, năn nỉ mãi Hạm Trưởng mới cho đi phép 4 ngày

Nhìn Duyên như muốn thu gọn hình dáng Duyên vào tâm não, Việt xót xa:

- Sao em gầy qúa?”  

Việt đề nghị Duyên nên thôi đi dạy.  Biết Việt hay nghĩ ngợi, Duyên trấn an Việt, nàng bảo đã gần đến ngày thi nên phải thức khuya học bài.   Thi xong, ăn ngủ điều độ vài tuần là “mập ú” ra liền.  Đám cưới cùng gần kề, Duyên không muốn để Việt phải lo lắng tất cả.  Duyên biết, cuộc sống mới của một cặp vợ chồng trẻ, dù đơn giản đến mức tối đa cũng khá tốn kém mà lương giáo viên của nàng thì qúa khiêm nhượng, có tháng chỉ đủ để Duyên mua sách học và sắm sửa đôi chút.  Xin tiền mẹ là điều tối kỵ đối với Duyên.  Việt chăm chú nghe Duyên tính toán, hãnh diện vì người vợ tương lai của mình biết lo xa, nhưng chàng không khỏi ngạc nhiên vì thấy Duyên có vẻ trưởng thành hẳn ra, cô bé Duyên hay giận hay hờn ngày nào, bây giờ là cô giáo của lũ trẻ và đang tập làm người lớn.  Một nỗi buồn vương vấn trong mắt Việt và chàng ước gì mình có thể lo được tất cả để Duyên mãi hoài là cô bé của tuổi thơ.  Chợt nhớ ra số tiền còn nằm gọn trong túi, Việt bảo muốn đưa Duyên đi sắm áo cưới, chàng đã xin phép mẹ Duyên.  Việt khoe với Duyên số tiền ba tháng lương còn gần nguyên vẹn chàng đã dành dụm để sắm áo cưới cho Duyên. Duyên sung sướng nhìn Việt, nàng cảm động thốt: “Việt ơi, anh tuyệt vời qúa!  Em thực có phúc!”  Âu yếm nhìn vi hôn thê, Việt kín đáo đặt nhẹ lên trán nàng một nụ hôn, chàng thì thầm:  “ Anh còn diễm phúc hơn em đó cô bé.”

Còn lại hai ngày phép là hai ngày cuối tuần, Việt muốn ở lại Sài Gòn để được gần Duyên, nhưng chàng cũng muốn về quê thăm gia đình.  Ngần ngại mãi, Việt đánh bạo mời bà Tấn, mẹ Duyên và Duyên cùng đi, dù biết bà Tấn rất nghiêm túc.  Bà Tấn vui vẻ nhận lời, Duyên vui sướng chạy nhanh lên thang lầu để chuẩn bị.  Nàng rất thích về thăm quê Việt, người miền quê luôn qúi khách, chân thật và dễ mến; nhất là đám cháu Việt và những trẻ con trong xóm, chúng rất thương Duyên, lần đầu về thăm quê Việt, đám trẻ con đã tiễn Duyên ở bến đò, chúng dặn:  “Cô Duyên nhớ trở lại nghe”.  Nhớ đến những người bạn tí hon, Duyên thấy lòng lâng lâng một niềm vui.

***

Sau buổi cơm trưa,  Hạnh đến nhà Duyên rủ nàng đi thăm mộ Bình, vì hôm nay  là ngày kỷ niệm lần đầu Hạnh và Bình gặp gỡ.  Nghĩa trang Quân Đội chiều Thứ Năm thật vắng lặng.  Những giọt nắng hanh vàng còn vương vấn trên thảm cỏ đang úa dần theo mùa thu; ngọn gió heo may vi vu thổi qua những chiếc lá úa mầu.  Nhìn những phần mộ mới lấp bên đường, đất còn chưa khô, những vòng hoa mà mới hôm qua chắc vẫn còn tươi thắm, ngào ngạt hương thơm, mà nay đã héo tàn, rơi rụng quanh nấm mộ, như thân phận những người chiến sĩ đang nằm sâu trong huyệt lạnh.   Không còn gì để  bận lòng.  Các anh đã an phần trong giấc ngủ ngàn thu!  Duyên miên man nghĩ, bất giác nàng buông tiếng thở dài.

- Làm gì mà trầm tư vậy Duyên?  Nhớ anh Việt hả?

Tiếng Hạnh nói, kéo Duyên trở về với thực tại, Duyên ngoái đầu trở lại đàng sau, chỉ nấm mộ mới đắp, bên phải, khẽ nói:

- Thêm một chiến sĩ vừa nằm xuống.  Hạnh thấy không, nghĩa trang đã đầy hết cả rồi.  Đến bao giờ chiến tranh mới chấm dứt? Đến bao giờ hòa bình mới thực sự đến trên mảnh đất Việt Nam triền miên thống khổ?  Sự sống của con người thật mong manh. Chiến tranh thật tàn khốc và chúng ta chỉ là nạn nhân!

Duyên nói luôn một hồi, như muốn bày tỏ những ưu phiền đang đè nặng trong tâm tư.  Hạnh im lặng rảo bước bên Duyên, đầu cúi thấp hơn, nàng buồn hơn bao giờ!  Đợi Duyên trút hết phẫn uất trong lòng, Hạnh ngẩng mặt lên, mắt nàng long lanh ngấn lệ.

Từ ngày Bình tử trận, thứ Bảy nào Hạnh cũng lái chiếc xe solex cũ kỹ từ Sài Gòn xuống Biên Hòa để thăm mộ Bình, hầu như lần nào Hạnh cũng thấy có nhiều nấm mộ mới.  Những lần đầu, Hạnh cũng như Duyên bây giờ, tâm hồn xao động, xót xa khi thấy những nấm mộ mới được đắp.  Chỉ vừa bước chân tới cổng nghĩa trang, nhìn thấy pho tượng Tiếc Thương, người lính ngồi như trầm tư, như ngóng đợi, là Hạnh nghẹn ngào, đau xót nhớ đến Bình, nước mắt tuôn trào.  Hạnh chìm đắm trong tận cùng của đau khổ, cô đơn và tuyệt vọng.

Khi vào đến phần mộ của Bình, Hạnh như mất hết thần trí.   Nàng gục xuống mộ Bình, bờ vai gầy rung động, đôi tay nhỏ bé vươn dài ôm chặt nấm mộ như muốn chuyền vào lòng đất hơi ấm từ cơ thể nàng. 

Trong một cuộc hành quân,  chiến đỉnh của Bình bị lọt vào ổ phục kích của Cộng Sản.  Viên đạn thù xuyên qua lồng ngực Bình đã kết liễu đời chàng trong khoảnh khắc.  Chiến tranh đã cướp đi Bình của Hạnh.  Chàng đã vĩnh viễn ra đi không một lời từ giã!  Để lại người yêu ân tình chưa vẹn, cha già, mẹ yếu . Thế là hết!  Còn đâu tiếng cười reo vui của những lần tao ngộ,  còn đâu những khi anh đứng đợi người yêu áo trắng trước cổng trường, những giận hờn vu vơ.  Còn chăng là những đau thương khắc khoải, nhung nhớ không nguôi!

Thấm thoát mà Bình đã qua đời được hơn một năm!

Hạnh cho biết có nhiều đêm Bình hiện về trong giấc mộng.  Có lẽ dù đã vùi sâu thân xác trong lòng huyệt lạnh,  nhưng anh cũng đau xót cho người yêu, nên linh hồn vẫn vương vấn bên Hạnh.  Hạnh bảo có lần Bình về ngồi ở đầu giường vuốt tóc nàng, khuyên người yêu đừng qúa sầu thảm, Bình muốn Hạnh cười thật tươi như những lần Bình được về phép đến thăm.  Khi tỉnh giấc, Hạnh tiếc nuối, ước chi giấc mộng cứ kéo dài mãi.  Duyên nghe Hạnh tâm sự mà lòng dạt dào thương bạn, nàng thẫn thờ nói: 

- Chiến tranh thật thảm khốc !   Những người trẻ tuổi như Bình, như Hạnh có tội gì mà phải chia xa, ân tình dang dở?

Cắm bó hoa hồng vào chiếc bình dưới chân ngôi mộ, Hạnh nói chuyện với Bình như thể Bình đang ngồi trước mặt:

- Bình à, thức dậy đi anh, ngủ mãi sao bồ, có Duyên đến thăm anh nữa nè, anh nhớ hôm nay là ngày gì không?  Kỷ niêm ngày đầu tiên mình quen nhau đó!  Anh nhớ không?  Hôm đó em với Duyên bị hư xe ở đường Lê Lợi, anh mới được đi phép, cớ chi lại lang thang trên con đường bọn em đang đi.  Nghĩ lại buồn cười thật anh nhỉ?  Người của biển trở về với đất liền, trở về với thành phố, ngơ ngáo làm Hạnh động lòng thương;  lại thêm mái tóc nhà binh ngắn cũn cỡn trông thật tếu.  Anh loay hoay hoài chiếc xe solex cũ kỹ của em mới nổ máy, cứ bò được một đoạn thì lại trở chứng nằm ì.  Chắc nó chiều lòng anh, có phải lúc đó anh cũng đang thầm bảo nó “ Cứ hư nữa đi để ta được sửa “?  Em biết anh có dụng ý mà!  Nhưng tiếng sét ái tình đã đánh  trúng trái tim nhỏ bé của em mất rồi!  Từ đó chúng mình quen và yêu nhau.  Bốn năm rồi đó anh!  Hôm nay em mặc áo dài trắng cho anh đó, cũng là cái áo này em đã mặc bốn năm về trước, nhớ không anh?  ....

Hạnh cứ miên man tâm tình với người nằm sâu trong huyệt lạnh, thỉnh thoảng Hạnh lại cười rất dòn dã, tiếng cười cao vút phá tan sự tĩnh mịch của nghĩa trang.  Nụ cười thật tươi, khuôn mặt ủ rũ đã biến mất, nhường lại cho một khuôn mặt rạng rỡ, yêu kiều ngày nào!

Duyên đốt nén nhang cắm lên phần mộ để tưởng niệm Bình. Duyên vẫn giữ im lặng để Hạnh chìm đắm trong thế giới riêng tư, Duyên đốt hết nắm nhang còn lại cắm lên những ngôi mộ chung quanh.  Nàng thầm thì những lời kinh, cầu nguyện cho linh hồn chiến sĩ đã vị quốc vong thân.  Trong làn khói hương nghi ngút, Duyên chợt giật mình bàng hoàng vì vừa nhận thức được rằng những chiến sĩ nằm sâu trong lòng đất kia đa số đều rất trẻ, trẻ như Bình, như  Việt!  Những vệt nắng vàng thoi thóp, ánh tà dương le lói cuối chân mây.  Cơn gió lạnh thổi rì rào qua hàng cây, mấy chiếc lá lià cành, lả chả bay trong gió, vấn vương trên vai pho tượng Tiếc Thương.

Đừng bỏ em một mình!  Đừng bỏ em một mình! Trời lạnh quá. Trời lạnh quá. Sao đành bỏ em một mình ... Chiều lộng gió. Chiều lộng gió. Sao anh đành bỏ em? .., tiếng hát Thái Thanh réo rắt, như ai oán nức nở từ chiếc cassette Hạnh mang theo. Duyên đã được nghe nhiều lần bài thơ “Đừng bỏ em một mình” do Phạm Duy phổ nhạc, nhưng trong hoàn cảnh này, Duyên mới thầm thía và cảm thông cho nỗi đau xót của Hạnh.  Hạnh vẫn ngồi bên mộ Bình, hai hàng mi khép kín.  Hàng sáp từ  những cây  bạch lạp trên mộ Bình chảy xuống như những giọt lệ tiếc thương người đã vĩnh viễn ra đi.  Duyên chợt nhớ đến huyền thọai một nàng công chúa vì lời nguyền của bà phù thủy đã ngủ nhiều năm nơi  ngôi nhà cổ trong khu rừng hoang, nhưng khi hoàng tử đến trao một nụ hôn,  công chúa thức giấc và họ đời đờì sống hạnh phúc bên nhau.  Duyên ước gì những giọt nước mắt của Hạnh rơi rụng trên mộ Bình sẽ đem lại sự sống cho Bình, để Bình sống dậy, và họ cũng được mãi hoài sống hạnh phúc bên nhau.  Nhìn Hạnh đang vuốt ve những cọng cỏ dại mọc bên mộ Bình, Duyên liên tưởng đến những chuyện tình dang dở.  Roméo và Juliette của Shakespear.  Oliver Barrett và Jennifer Cavilleri trong Love Story của Erich Segal, huyền sử Trọng Thủy và Mỵ Nương ...  Phải chăng những cuộc tình đẹp là những cuộc tình không trọn vẹn?  Giọng hát Khánh Ly tiếp nối, vẫn trầm buồn với giòng nhạc Trịnh Công Sơn:

- Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây, đã rong chơi trong cuộc đời này...Cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.

Hình ảnh khôi ngô, oai hùng của Bình yêu dấu sẽ mãi hoài đậm nét trong tâm tư Hạnh.

 

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến thật thê thảm, tang thương.  Trong khung cảnh hỗn loạn, bom rơi đạn nổ, người thất lạc người, bạn bè không ai còn tâm trí để nghĩ đến nhau.  “Nhóm con gái” cũng bặt tin nhau từ đó.  Trải qua bao vật đổi sao dời, cuối cùng rồi họ cũng tìm được nhau.  Diệp và Hạnh ở lại với quê hương, thử thách cuộc sống mới không mấy hứa hẹn cho tương lai.  Diệp đã lập gia đình và vẫn tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ”, đã có lần nói chuyện với Duyên qua điện thoại, Diệp bảo: “Ngành giáo chức trong chế độ mới rất bạc bẽo ...nhưng đám trẻ nhỏ cần được dậy dỗ, và Diệp cũng đã lỡ yêu nghề mất rồi ...”  Hình ảnh Bình vẫn không phai mờ trong tim Hạnh, nàng vẫn nhất quyết không lập gia đình, dù có nhiều người thương yêu nhưng Hạnh vẫn lạnh lùng từ chối.  Thu, Thoa và Duyên theo làn sóng người di tản, họ đã lập gia đình và hiện đang sống ở Hoa Kỳ.  Tuy ở khác tiểu bang  nhưng họ vẫn liên lạc qua điện thoại hoặc e-mail.  Cả ba cô bé vô tư ngày xưa nay đã đứng tuổi và họ vẫn gắn bó như xưa.  Ba tâm hồn vẫn luôn vọng cố hương.  Trực tiếp hoặc gián tiếp, họ đã cùng chồng tranh đấu cho nhân quyền của đồng bào nơi quê nhà.  Trong trận bão lụt xảy ra tại miền Trung vào tháng Sáu, 1999 vừa qua,  Thu và Thoa đã tích cực đáp ứng, họ đã đến những công xưởng, cơ sở dịch vụ để xin trợ giúp, họ cũng  tích cực tham gia sinh họat xã hội trong những buổi lạc quyên tại nhà thờ, chùa, trường học ...   Phải chăng tình dân tộc , nghĩa đồng bào đã thôi thúc những tâm hồn vẫn còn tha thiết với quê cha đất mẹ?  Trong những ngày gần đây, họ cũng tham gia gây qũy xây “Tượng Đài” chiến sĩ Việt Mỹ; họ cộng tác vì đã nhìn thấy bao hy sinh, xương máu đã đổ ra để tranh đấu cho sự sống còn của nước Việt Nam Tự Do.  Sự hy sinh cao quý của những chiến sĩ đã một thời chung vai sát cánh chiến đấu cho mục đích chung ấy rất xứng đáng được vinh danh.  Ngày xưa năm người bạn gái đã từng đứng trước bức tượng Tiếc Thương để bùi ngùi nhớ thương Bình và thương xót cho những chiến sĩ can trường, bất khuất đã hy sinh mạng sống cho dân tộc.  Ngày nay, năm người bạn gái hẹn hò sẽ tái ngộ tại Tượng Đài Việt Mỹ.

Ngày 30 tháng tư 1975.  Ngày mà những người Cộng Sản chiếm được Miền Nam, họ huyênh hoang rêu rao trên đài phát thanh:  “Đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến xã hội chủ nghĩa.”  Nhưng hai mươi lăm năm qua, họ đã thành đạt được gì ?  Có chăng chỉ là một nước Việt Nam lạc hậu, chậm tiến, nghèo đói nhất nhì trên thế giới !  Đến bao giờ những nhà lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam mới nhận thức được rằng chủ nghĩa Cộng Sản ngày nay đã lỗi thời,  chủ nghĩa đó cần được thay đổi để toàn dân Việt Nam có cơ hội đóng góp công sức, tài năng, mang lại tiến bộ, tự do, hạnh phúc và thịnh vượng cho dân tộc.  Phải chăng vì lo sợ Đảng  sẽ bị lật đổ,  quyền lợi cá nhân của cấp cán bộ lãnh đạo sẽ bị hủy diệt, nên họ hồ hởi kêu gọi đổi mới?  Nhưng rồi những gian trá, lật lừa cũng không lường gạt được ai!  Hai mươi lăm năm sau ngày Cộng Sản chiếm miền Nam, nhiều người đã cảm nhận được rằng công trình chiến đấu của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh rất xứng đáng được vinh danh.  Nền hòa bình thế giới, sự tan rã nghiêm trọng của đảng Cộng Sản thế giới,  sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Đại Hàn, Tân Gia Ba ..., của cả cộng đồng nhân loại, phải chăng là đã nhờ vào xương máu của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và các chiến sĩ đồng minh đã đóng góp?  Sau ngày thất trận Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật đã bị tàn phá tan tành, nhưng nhờ vào sự đòan kết và tinh thần dân tộc, người dân Nhật Bản đã nỗ lực  tái thiết, xây dựng và phát triển một nước Nhật thịnh vượng, tiến bộ, xứng đáng được cộng đồng thế giới nghiêng mình kính phục.  Nhìn lại nước Việt Nam:   Chậm tiến, lầm than, khốn khó!  Đến bao giờ người  Việt Nam mới có được nền văn minh tiến bộ khả dĩ để đua tài  cùng các quốc gia tân tiến ?  Ngày ấy sẽ là một tương lai gần hay chỉ là mộng tưởng?  Nhìn lại trong lịch sử Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến Nam-Bắc năm 1861, người Mỹ đã sớm nhận thức được tầm mức quan trọng của sự đoàn kết, họ đã có thái độ cởi mở, đoàn kết để cùng nhau xây dựng một quốc gia Hợp Chủng Quốc hùng mạnh.  Phải chăng đã đến lúc những người Việt Nam yêu nước, những người chuộng tự do phải đặt lại vấn đề: Bắt tay xây dựng một Việt Nam tự do, thanh bình, tiến bộ, và thịnh vượng.  Năm người bạn gái đã chia xẻ cùng nhau những khắc khoải, ưu tư.  Họ mong ước một ngày tái ngộ trên quê hương vinh quang.

Ngày nay, nghĩa trang Quân Đội đã bị san bằng, pho tượng Tiếc Thương không còn nữa!  Nhưng những người Chinh Phụ Việt Nam vẫn còn nhớ mãi  “Tượng Buồn Thiên Thu.”

Lê Phạm KP
6/10/2000

GHi CHÚ:
( ? ) Không nhớ tên.
(1)Thơ Ngập Ngừng của Hồ Dzếnh
(2) & (3)  Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa  Của Lưu Hữu Phước.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017