SỐ 74 - THÁNG 4 NĂM 2017

 

KHÔNG CHỈ LÀ TÌNH CỜ

Mùa hè năm ấy trường tôi được hân hạnh đón tiếp hai vị khách đặc biệt đến dự lễ phát thưởng cuối niên học cho những học sinh đứng nhất lớp. Chuẩn bị cho ngày này dĩ nhiên trường bận rộn hết “ cỡ “ luôn với những hướng dẫn của các giáo sư mỗi bộ môn !. Nào là chuẩn bị phông màn treo trên sân khấu, ban văn nghệ tập dợt các tiết mục sẽ giúp vui, ban học tập chuẩn bị danh sách và phần thưởng, riêng ban khánh tiết phụ trách trang trí chung quanh với các giáo sư hội họa đã dạy chúng tôi ở các lớp từ đệ thất đến đệ tứ. Hai ba đứa của nhóm tôi phụ trách vẽ biểu ngữ mang treo chung quanh sân và giăng ngang con đường nhựa chính dẫn từ cổng đến sân khấu, nội dung chào mừng tổng thống và phu nhân cùng các vị quan khách tham dự buổi lễ.

Đầu tuần hôm sau nhỏ trưởng ban gặp tôi thông báo ; “ Trường có tổ chức một chuyến đi tắm biển Vũng Tàu, tưởng thưởng cho các học sinh đã góp công tham gia chuẩn bị lễ lạc vừa qua “. Nhỏ biết tôi thích biển nên đã ghi tên tôi vào danh sách, riêng nó vì đã có hẹn với anh chàng tài xế tàu bay về phép đúng cuối tuần này nên ở nhà. Tôi ngần ngại không muốn đi một mình bởi đâu có thân thiết với ai, đi như vậy thấy hơi “ lẻ loi “ bởi hầu hết chúng tôi tuy học cùng trường nhưng lại khác lớp. Cuối cùng vì “ đam mê “ biển cả đã thắng nỗi e ngại trong tôi nên khi trời mới mờ sáng, những giọt sương còn đọng trên ngọn cây lá cỏ bên đường tôi đã xách túi lò dò đến trường tập họp.

Chẳng phải đây là lần đầu tiên tôi đi du ngoạn Vũng Tàu. Hai lần trước lớp tôi đã tự xin phép trường và góp tiền tổ chức mướn xe, mời các giáo sư đang dạy mình tham gia chuyến đi cùng các lớp khác với tổng số hơn trăm rưởi học sinh. Đặc biệt lần này do trường đài thọ chi phí nên chỉ có hai xe hiệu đoàn chuyên chở chưa đến năm mươi người vừa thầy vừa trò đến với biển. Những lần đi trước mải mê đùa với sóng nước cùng các bạn nên tôi chưa có dịp tìm hiểu về đời sống của những sinh vật sống tiệm cận với biển cả. Bỗng nhiên tôi quyết định không tắm và dành hết thì giờ lang thang dọc theo mép nước đến gần cuối bãi. Nơi này hơi vắng người nên tôi thoải mái ngồi xổm quỳ một chân yên lặng chăm chú theo dõi những con nghêu nhỏ xíu bị sóng đánh dạt trên bãi, lắng nghe mùi biển phảng phất trong không gian vô tận, hít mạnh để cảm nhận vị mặn mòi thấm thấu nồng đượm của biển. Lần đầu tôi khám phá rằng để tồn tại con nghêu bé xíu đã tự bảo vệ mình khi có động; bằng cách khép chặt hai vỏ úp lại và lật nghiêng mình khiến thân có cạnh mỏng hóa thành lưỡi dao bén ngót xẻ cát chui xuống mặt đất mất hút thật nhanh. Mặc tình đào bới tôi vẫn không tìm bắt lại được, chúng biến mất giống như có thần thông, một trong bảy mươi hai phép con khỉ Tôn ngộ Không đã học là “ độn thổ “. Lần theo các kẻ đá tôi lại thấy một con cua biển với thân mình màu hung đỏ đang nằm giơ càng ẩn nấp trong đó, khó có thể bằng tay bắt được. Mỗi loài tự chúng có một bản năng riêng thích nghi với hoàn cảnh để sinh tồn trong thiên nhiên, đó vẫn là điều bí mật loài người chưa khám phá hết.

Theo chân vài người bước theo những mỏm đá nhỏ từ bãi cát sắp xếp nối liền nhau giống như chiếc cầu thiên nhiên, tôi lần trèo lên một tảng đá to nhất, cao nhất nhô lên từ mép nước. Phía trên bằng phẳng tương tự như mặt bàn đủ cho một nhóm người đứng ngồi cùng nhau. Men theo hông dựa lưng vào vách hướng mặt về phía đại dương xanh thẩm lô nhô những con sóng hiền hòa, tôi nhớ lại lời cô giáo dạy Sử Địa có lần kể, những ngày hè cô hay đi theo một phái đoàn có dăm người cùng máy móc dụng cụ đo đạc nghiên cứu mực nước thủy triều lên xuống, bao lần cô ngồi nhìn đăm đăm mực nước cả ngày vẫn không chán, tay cầm đồng hồ canh giờ, tay kia ghi chép, phải là người có đam mê mãnh liệt với biển cả mới làm được công việc này. Bắt chước cô giáo tôi cũng ngồi vắt vẻo nhìn xuống mép nước đang dâng lên liếm dần mỏm đá thật thích thú. Ngoài kia là cảnh trời nước mênh mông xa thật xa có bóng vài chiếc thương thuyền đang buông neo, khung cảnh chắc sẽ khuấy động rung cảm những ai có tâm hồn lãng mạn.  “ Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ….“ Thi hào Nguyễn Du ắt đã tức cảnh sinh tình nên thể hiện trong tuyệt tác Đoạn trường tân thanh như thế. Lớp hậu sinh nhãi nhép như bọn tôi làm sao có khả năng cảm thụ như các bậc tiền bối chỉ biết ngồi ngẩn ngơ ngúc ngoắc mà không biết hỏi ai !

“ Sóng không chân sao sóng biết đuổi nhau ?
Nước từ đâu sao biển chẳng hề vơi?”

Có phải đây là những câu hỏi của nàng nhân ngư từng ngồi trên kè đá chờ đợi chàng thủy thủ si tình trong mộng tưởng? Mãi mê thơ thẩn và suy nghĩ vẩn vơ, mọi người chung quanh đã dần lẳng lặng rời mỏm đá khi thấy nắng dịu bóng mà tôi không hay; quay lại tôi định leo xuống đi vào bãi cát mới hãi hùng nhận ra nước biển đã dâng đầy lấp mất những tảng đá làm cầu lúc nảy, dáng chúng chỉ còn thấy lờ mờ. Nhìn quanh quất nhận ra chỉ còn mình tôi chơ vơ trên mỏm đá, tiếc thay đôi chân tôi không phải là chiếc đuôi cá như nàng ngư nhân để có thể bơi vào bờ, tảng đá cũng không phải to như hòn đảo hoang của Robinson để tôi có thể trú tạm, quýnh quáng tôi giơ tay hét to ;

- Làm ơn cứu tôi, có ai không cứu tôi, bớ người ta.

Quên đi xấu hổ tôi cứ nhún nhẩy la hét. Vài người đi ngang phía trong dừng lại nhìn ra chỉ trỏ về phía tôi. Sao họ vẫn cứ nhìn chưa thấy ai chạy đến? Nơi tôi đứng hơi xa bãi tắm chỗ có chòi của những người canh biển, tuyệt vọng khiến tôi muốn khóc. Cuối cùng trong nhóm người đang tắm chưa lên bờ một thanh niên bơi đến, có lẽ nhìn thấy tôi khua hai tay loạn xạ nên chú ý. Anh chàng lần vào mép nước gần tảng đá tôi đang đứng và nghe tiếng tôi giải thích rằng mình bị nước vây chung quanh không vào bờ được, tôi lại không biết bơi. Chắc trông thấy nỗi sợ hãi trong tôi anh ta bèn trèo lên mỏm đá nắm tay dìu tôi xuống. Một tay xách giày một tay bám chặc vào vị cứu tinh tôi dò dẫm đặt từng bước chân lên các tảng đá ban nãy đã leo ra. Thật tình nước chỉ ngang gối nhưng do tôi sợ quá khi thấy nước phủ tứ bề nên không dám một mình leo xuống. Cũng may tôi mặc chiếc jupe ngắn nên chỉ ướt chân. Lên bờ qua đi sợ hãi mới cảm thấy thẹn thùa, buông tay anh ta tôi lí nhí cảm ơn người đã giúp mình mà không dám nhìn mặt anh này.

Quay về chỗ tập họp điểm danh, tôi hú hồn không dám nói với ai về chuyện tôi đã may mắn gặp một “ anh hùng cứu mỹ nhân “.

oOo

Qua khỏi trường Thiếu sinh quân, chiếc xe chở chúng tôi rời thị xã bon bon trực chỉ hướng Saigon. Chợ Bà Rịa lấp ló bên tay phải kia rồi, mùi gió biển chỉ còn loáng thoáng đôi chút phôi pha theo bánh xe lăn dần về thành phố. “ … Một hai ba dô ta ….. Anh là lính “ Hai quần “. Đang ngồi dựa mình vào vách hông gần cửa xe lim dim “ dưỡng thần “ sau gần một ngày dang nắng lăn lê bò nhoài trên bãi cát rình rập đuổi theo những con còng gió được mọi người gọi một cách văn vẻ là dã tràng, câu “ hò “ bất chợt kèm theo nhịp vỗ tay hô lên một lượt làm tôi giật mình mở choàng hai mắt. Còn đang lơ mơ chưa biết chuyện gì vừa xảy ra, con nhỏ lí lắc nhất trong xe ngồi ghế giữa quay mặt ra phía sau lại vỗ tay bộp một cái, cả đám nữ sinh năm sáu đứa ngồi dọc hai bên ghế đồng thanh lập lại câu nói ban nãy. Tiền thân của bài hát “ Anh là lính đa tình …. Tình non sông rất nặng …tình hải hồ ôm mộng … tình vũ trụ ngát xanh. Và mối tình rất êm đềm là tình riêng trong lòng …anh yêu em ….” giờ mấy nhỏ lại hát …” Anh là lính hai quần … “. Vẫn chưa kịp hiểu thì mấy nhỏ trong xe đã ôm bụng cười rũ rượi, nhìn theo ánh mắt bọn chúng trông thấy phía sau xe là một chiếc lambretta chở đôi đang chạy phía sau, người ngồi đàng trước mặc bộ đồ lính màu xám, nghe mấy nhỏ hò dô ta tôi chắc anh chàng cầm tay lái là lính Hải quân nên câu hát nhái đọc trại thành “ Hai quần “.  

Bất kỳ chuyến đi nào, tôi nhận thấy ai cũng nôn nao vui vẻ trong lượt đi và trầm tư khi trở về. Nhưng lần này lại khác, khoảng không phía sau xe chỗ tôi ngồi lúc nào cũng sôi nổi bởi một con nhỏ đầu têu bày trò khiến cả đám chú ý, nó đang trêu hai anh chàng ngồi trên chiếc xe lam chạy theo sau. Vô tình lúc ấy giáo sư hướng dẫn đi theo là thầy dạy Sử Địa ngồi phía trước lại chuyền xuống gói kẹo chia cho tất cả. Nó bốc một chiếc dứ dứ mời hai anh chàng, chưa kịp lắc đầu từ chối con nhỏ không khách sáo đã bỏ ngay vào miệng, tay kia lêu lêu mắc cỡ hai người.

Điều đặc biệt nhất là trường tôi có một đội xe chuyên chở học sinh bên hông có vẻ và sơn huy hiệu tên trường, không cần xưng danh nhìn vào ai cũng biết “ ngôi thứ ba đứng sau nhất quỷ nhì ma “ đang ngồi trên xe là nữ sinh của trường nào. Trên xe ngoài những dãy ghế đặt ngang phía trước, phía sau có ba băng ghế nằm xuôi theo thân có cửa kính đóng lại. Bên trong và bên ngoài chẳng thể nghe được tiếng nói chỉ biết trỏ tay ra dấu, vì vậy con nhỏ mới dám “ quậy “ hết biết.

Sau khi được mời kẹo chưa kịp nhận đã bị con nhỏ “ xí hụt “. Anh chàng ngồi trước giơ tay chỉ chỉ vào xe. Không hiểu anh ta muốn nói gì, cả đám vận dụng hết cả mấy bộ não đang hiện diện vẫn không xong.

Có đứa hỏi: “ Trong này ai biết cách nói chuyện của người câm điếc không “

- Tự nhiên sao có chuyện người khiếm khuyết gì ở đây bà ?
- Ta nói cho mà nghe, có lớp dạy người câm điếc biết nói chuyện với nhau bằng cách ra dấu đó.

Đứa khác có ý kiến: - Chuyện này chỉ áp dụng cho hai người cùng bị tật giống nhau. Đàng này có ai bị đâu mà biết nhỏ ơi.
Một đứa reo lên: - Anh chàng lại chỉ chỉ vào ngực mình kìa, chỗ trái tim nha ! Hay là anh chàng nói trái tim muốn lên tiếng.

- Nữa, lại gặp những em bé giàu trí tưởng tượng rồi !
- Vậy thì thử nha, không thử làm sao biết.

Nhỏ lí lắc vừa nói xong cả đám châu đầu thắc mắc, nói thử bằng cách ra dấu chỉ chõ loạn xạ, người bên ngoài vẫn lắc đầu. Đúng là tình trạng “ Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm! “. Lau nhau mãi cũng thấm mệt vẫn chưa ai hiểu hai anh chàng muốn gì. Con nhỏ đầu trò là đứa gan dạ nhất bỗng chỉ tay vào ngực mình gật đầu có ý hỏi có phải là mình?, tức khắc anh chàng cầm tay lái lắc đầu khiến cả đám reo lên giống như vừa “ ngộ “ ra một chân lý. Hai anh chàng muốn làm quen người trong xe, mấy đứa giành nhau loạn xạ.

- Anh ta chỉ tao đó !
- Không phải mi mà là ta đó.
- Phải là tao mới đúng nha, tao xinh nhất bọn nè.

Con nhỏ đầu đàn lại lên tiếng :

- Ai cũng chỉ trỏ làm sao biết anh ta muốn quen ai! Để một mình ta hỏi cho.

Trong đám nữ sinh ngồi phía sau tôi không quen thân đứa nào hết nên chỉ biết ngồi im nhìn, mấy nhỏ đang ra sức đoán già, đoán non. Con nhỏ đầu têu lại trỏ vào đứa ngồi sát cửa bên kia, anh chàng vẫn lắc đầu, cả đám lại cười ồ.
Nó lại chỉ tiếp đứa khác, đến đứa thứ ba vẫn chưa đúng, may mắn thay đến lần thứ tư, anh chàng lại gật đầu. Cả đám lần này không cười ngặt nghẽo như hai lần trước mà đồng thanh reo lên “ A, đây rồi, đúng con nhỏ này rồi, “. Trông anh chàng cười tít mắt khi thấy mấy nhỏ khoanh hai ngón cái và trỏ của hai bàn tay thành hình trái tim giơ lên. Tất cả đều hễ hả cười vui vẻ vì đã hiểu nhau. Con nhỏ được chọn cũng cười tươi và hãnh diện, con bé mới học lớp đệ tam nhưng đã đánh bại mấy bà chị lớp trên về dung nhan. Tôi nghĩ “ cũng phải thôi” hai lớp lớn hơn đang vùi đầu vào đống sách vở giống như mấy con đà điểu vùi đầu trong cát, cổ dài ngoằng xanh xao vì thức đêm học bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.

Tưởng đâu đã xong chuyện, con nhỏ đầu têu lại ôm đàn gãy một khúc nhạc của Trịnh công Sơn,

- “ Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới. Thời gian nơi đây,
Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi ….… Tình yêu xứ này
Một lần yêu thương, một đời bão nổi ….
Giã từ …giã từ. Chiều mưa giông tới ……

Bỗng nhiên cả đám lại lau nhau vì anh chàng mặc đồ civil ngồi phía sau lại chỉ trỏ vào xe. Sắp về Saigon rồi, xe đang trên cầu xa lộ giọng con nhỏ hối hả.

- Còn một ông ngồi phía sau kìa, ông mặc áo màu vàng đó, anh ta muốn chọn ai đây? Lần này trừ con nhỏ ban nãy ra nha. Mình bắt đầu từ đầu nhé.

Mặc cho con nhỏ múa may chỉ trỏ tôi lơ mơ nhớ lại chuyện ban nãy mình mắc kẹt trên mỏm đá, chợt tôi nhận ra hình như trong tôi có chút xíu ấm áp le lói một đốm lửa nhỏ.

“ Tình thoáng qua dù cũng chỉ tình cờ,
Khiến trái tim chỉ một lần lại nhớ!! “

Bỗng nhiên cả đám cười ré lên khiến tôi nhìn lên, bàn tay con nhỏ “ đầu têu “ đang trỏ vào tôi, anh chàng ngồi phía sau gật đầu lia lịa với nụ cười thỏa mãn.

“ Trời ạ “, vậy là tôi đã lọt vào “ tầm ngắm “ của anh chàng này, trò chơi chỉ mang lại cho tôi chút thẹn thò và khiến tôi giấu mặt không dám nhìn ra ngoài. Vì không quen thân nên tôi không bị trêu chọc nhiều như cô bé trước,

Con nhỏ lại hát tiếp: “ Em ơi! Em ơi. Làm sao em nhớ
    Mưa ngoài song bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây.
    Sầu thôi xuống đầy, sầu thôi xuống đầy ……

“ Cuối cùng cho một tình yêu “ cũng chỉ là sầu rơi xuống đầy không vơi, tôi chép miệng nghĩ thầm “ vậy đừng yêu thì không có cái kết để sầu “.

Xe quẹo vào đậu tít trong sân trường, tất cả xuống xe, túa ra cổng. Tôi chầm chậm xách túi đi ra, thong thả băng qua chùa Xá lợi bước đều trên vỉa hè về nhà của người dì ở cách trường ba dãy phố gần đó. Đi bộ tôi hay có thói quen thích thú nghe gót giày mình gõ nhịp vang trên đường, tiếng bước chân nghe ròn rã vui vui sống động. Bấm chuông chờ bà giúp việc ra mở cửa, tôi giơ tay kéo hai cánh cổng sắt đóng ập lại cũng là lúc tôi vừa kịp nhìn thấy một chiếc xe lambretta đậu bên kia đường trên có hai người, là hai thanh niên ban nãy đã theo xe hiệu đoàn suốt từ Vũng Tàu về Saigon.

“ Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu.”
(*)

Có phải tôi đã vô tình bước đi trong lơ đãng nên không để ý tiếng xe ban nãy theo sau lưng? Tôi sẽ gặp một tâm hồn tôi đã đợi từ lâu? Hay cũng chỉ là một trò chơi lướt qua trên đường đời đang tấp nập.

oOo

Còn nửa tháng là nghỉ hè, bỗng nhiên nhỏ bạn thân cũ học ban A giờ ra chơi chạy đến gặp tôi, sau khi chia ban nhỏ này đi ban A còn tôi đi C nên chỉ gặp nhau khi có việc cần. Nhỏ hỏi tôi :

- Ê, có phải tuần trước bồ đi Vũng tàu với trường không? Hôm ấy nhà ngươi mặc chiếc jupe sọc nhiều màu và áo pull trắng ?
-  Ủa sao Liên biết,
- Trên đường về bồ gặp hai anh chàng chạy theo xe hiệu đoàn phải không ?
- Đúng rồi, mấy nhỏ trong xe phá quá trời, chọc người ta tới “ bến “ luôn.
-  Con nhỏ trưởng ban văn nghệ lớp mình nó nói, bạn mặc áo pull trắng học mười một C là người được một trong hai anh chàng để ý.
-  Chỉ là chuyện đùa thôi mà. Liên gặp mình có việc gì quan trọng không ?
-  Có người nhờ mình trao giùm một lá thư tay hẹn trưa mai sau giờ học sẽ gặp bên hông chùa Xá Lợi.  

Tôi tò mò :

- Ai vậy? Sao mình không biết người ta.
- Đừng lo, ngày mai có mình mà,

Tôi mang thắc mắc theo cùng vào giấc ngủ. Buổi sáng vào lớp cứ băn khoăn hay thôi đừng ra chỗ hẹn. Bổng tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng

- “ Đôi khi lỡ hẹn một giờ,
 Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.”

Tôi là người kiên nhẫn có giới hạn, chờ trăm năm thì lâu quá. Thôi thì cứ đến nơi hẹn để khỏi phải chờ về sau. Tan học tôi và nhỏ bạn thân tên Hồng ngồi cùng bàn đi về gần đến chiếc cổng nhỏ bên hông đường Bà Huyện Thanh Quan, bị bà chị nó chận lại bảo ra nói với một người đang đứng chờ ngoài cửa trường rằng “ Chị em đã về rồi “. Còn đang trố mắt ngạc nhiên nó vừa đi vừa giải thích: “ Ổng là bạn cùng đơn vị với anh họ ta, ảnh thích chị Ngọc nhưng chị không đáp lại, vậy mà ảnh cứ đem xe đón chị ấy về khi tan học hoài, chị thấy phiền lắm “. Nghe vậy tôi nói với nó: - Ổng đang thi hành một trong ba mươi sáu chước “ cua “ gái là “ đẹp trai không bằng chai mặt “ để tiến đến kết quả hạ sách là “ ghét của nào trời trao của đó “.

Vừa ló mặt ra khỏi cổng, còn đang đứng thập thò trên lề chưa kịp sang bên kia đường tôi đã nghe tiếng Liên gọi, con nhỏ từ trên xe hiệu đoàn đưa rước học sinh nhẩy xuống:

-  Ê Kim Âu, tao đây nè, sao lâu quá mới ra vậy.

Nói xong nó lôi tuột tôi sang cái quán bên hông trường bỏ mặc cho nhỏ Hồng đi thi hành sứ mạng bà chị nó giao phó. Nắm tay Liên lôi tôi vào góc quán nơi một anh lính Hải Quân đang ngồi và liến thoắng nói :

- Rồi em giao người đẹp mà anh muốn tìm, nhìn xem có phải đúng nàng không? Chào hai người mình phải lên xe kẻo xe chạy bỏ lại bị bắt cóc thì nguy.

Không đợi câu trả lời nó vù chạy ra ngoài. Tôi còn đang bỡ ngỡ chưa biết gì, anh đã kéo ghế mời tôi ngồi xuống và giới thiệu :

- Xin lỗi em về sự đường đột, anh là người ngồi sau lưng anh bạn chạy theo xe của trường em từ Vũng Tàu về Saigon. 

Nhờ anh nhắc tôi mới nhớ ra, nắm chặt hai bàn tay hít nhẹ một hơi bậm môi tự trấn tĩnh mình tôi nói :

- Chắc vì hôm ấy anh không mặc quân phục nên trông khác. Với lại anh ngồi phía sau nên em nhìn không rõ !
- Anh thì nhớ em rất rõ, trông thấy em từ trong trường đi ra anh biết em đúng là cô bé bị mắc kẹt trên mỏm đá nhờ anh dìu xuống ngoài bãi.

Tôi mở to mắt ngạc nhiên. Hôm ấy thẹn quá nên tôi không dám nhìn mặt ai kể cả anh bởi vì anh là người khác phái đầu tiên nắm chặt tay dìu tôi lần từng bước đi, nỗi khiếp sợ khiến tôi hầu như muốn lả người phải dựa vào anh. Sợ hãi át hết khiến tôi nhất thời quên đi rung động đầu đời, để khi hoàn hồn cảm giác lại ùa đến, vô tình chạm tay vào nỗi nhớ của trái tim mà vẫn cố phủ nhận.

Đặt câu hỏi với anh cho vơi bớt bồi hồi trong tôi :

- Bây giờ em mới biết anh là lính Hải Quân, chắc đơn vị anh đóng ở Vũng Tàu ?
- Không, anh chỉ đi chơi thăm người bạn đóng ở căn cứ Cát Lở và cùng anh ta đi tắm biển thôi. Nhờ vậy mới có cơ hội làm “ anh hùng cứu mỹ nhân “.
- Anh chỉ nói quá, em mà là mỹ nhân gì, hôm ấy em đang ngồi mơ làm người cá chưa kịp đã bị Thủy tinh dâng nước suýt làm Robinson trên hoang đảo. Bây giờ chỉ biết nói lời cảm ơn anh rất nhiều.

Hôm sau giờ ra chơi Liên chạy đến nói với tôi: -  Nhỏ này coi vậy mà hay nha, mi “ zớt “ được chàng Hải quân OCS rồi, ảnh nói thích mi nên nhất quyết tìm cho bằng được.

- Mà OCS là gì ta không hiểu ?
- Hải quân ngoài quân trường học ở Nha Trang như anh bồ của ta, còn có những khóa đặc biệt được đào tạo bên Mỹ, những người này được gọi là OCS.

Thư từ qua lại nhiều lần, anh kể tôi nghe nhiều chuyện về đời quân ngũ của mình, về Vùng 2 duyên hải nơi anh đóng quân. Những địa danh dọc theo bờ biển tôi nghe nói chứ chưa hề một lần bước đến. Không biết từ bao giờ tôi đã có thói quen chờ thư anh? Và anh cũng nói với tôi như thế. Những đêm ngồi bên bàn học nghĩ đến có lẽ giờ này anh đang lênh đênh trên sóng đi tuần trên biển, ngoài ấy chắc chẳng có gì vui, biển đêm tăm tối chỉ có ánh đèn của những chiếc ghe câu mực, có khi nào anh nghĩ về tôi? Có lần tôi đọc đâu đó trong truyện ngôn tình, tác giả kể về nỗi nhớ …” khi người con gái biết nhớ về một người là đã yêu người ấy “. Tôi không biết mình đã yêu chưa, chỉ thấy lòng rung động khi anh viết cho tôi lời bài hát :

- “ Anh muốn được cùng em về miền biển vắng, dưới bóng dừa lả lơi anh sẽ nói yêu em mãi …… những lời yêu em anh đã ôm ấp trong lòng hoài. “ Ngôn ngữ nào chuyên chở hết được lời yêu nỗi nhớ của cả hai bên.

Có lẽ tâm hồn tôi đang bước sang một ngã rẻ mới, tôi sẽ không để bước đi của mình chìm trong lơ đãng, để đánh mất một tâm hồn mình đã đợi từ lâu.

Cỏ Biển
Tháng 4, 2017


(*) Thơ Bùi Minh Quốc

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017