SỐ 74 - THÁNG 4 NĂM 2017

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 Chương 12

Năm đó, 1974, tháng Ramadan rơi vào mùa thu. Lần đầu tiên trong đời, Mariam được chứng kiến hình ảnh trăng khuyết đã biến đổi như thế nào cả một thành phố, cũng như thay đổi nhịp sống và tâm trạng con người nơi đó. Nàng thấy Kabul bị bao trùm bởi một sự yên lặng chán chường. Giao thông trở nên uể oải, thưa thớt, thậm chí lặng im như tờ. Các cửa hàng trống rỗng chẳng còn khách. Tiệm ăn tắt đèn, đóng cửa. Ngoài đường không còn thấy người hút thuốc, cũng chẳng thấy những tách trà bốc khói bên khung cửa sổ. Rồi đến khi mặt trời lặn về tây và pháo bắn lên từ núi Shir Darwaza, thì đó là lúc cả thành phố được phép ăn, cả Mariam nữa, chỉ bánh mì với một trái chà là. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô gái mười lăm tuổi vui mừng được tham dự vào một kinh nghiệm tập thể.

Rasheed không nhịn ăn, trừ một vài ngày ít ỏi. Những hôm đó, anh ta về nhà với bộ mặt khó chịu. Cái đói khiến anh ta cọc, cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn. Một buổi tối, Mariam dọn ăn trễ mấy phút, thế là anh ta bắt đầu ăn bánh mì với củ cải đỏ. Ðến khi Mariam dọn cơm với món thịt cừu nấu với đậu bắp, anh ta không thèm đụng tới. Anh chẳng nói gì, chỉ tiếp tục nhai bánh mì, hai bên thái dương phập phồng, mạch máu trên trán căng đầy, giận dữ. Anh vẫn tiếp tục nhai, mắt nhìn trừng về phía trước, và khi Mariam trò chuyện thì anh nhìn mà chẳng thấy nàng và tiếp tục bỏ miếng bánh mì vô miệng.

Khi tháng Ramadan kết thúc, Mariam cảm thấy nhẹ nhõm.

Hồi ở nhà, vào ngày đầu của ba ngày lễ Eid-ul-Fitr ăn mừng kết thúc tháng Ramadan, lúc nào ông Jalil cũng đến thăm hai má con nàng. Ȏng mặc đồ vét, đeo cà vạt và mang theo quà. Có một năm, ông tặng nàng chiếc khăn choàng bằng len. Ba người sẽ ngồi uống trà cho đến khi ông xin phép ra về.

“Về để dự lễ ăn mừng với gia đình thực sự của ông ta đó,” má nàng sẽ nói, lúc ông băng qua suối và quay lại vẫy.

Ông giáo già Mullah Faizullah cũng có đến, mang cho Mariam kẹo sô-cô-la gói trong giấy bạc, một giỏ đầy trứng luộc nhuộm màu và cả bánh nữa. Sau khi ông ra về, Mariam sẽ trèo lên cây liễu cùng với tất cả quà của nàng. Ngồi vắt vẻo trên cành cây cao, nàng sẽ ăn sô-cô-la và thả giấy xuống đất cho tới khi quanh thân cây đầy những miếng giấy bạc nằm rải rác như những bông hoa bạc. Hết sô-cô-la, nàng sẽ ăn tới bánh, rồi sau đó lấy viết chì vẽ mặt mấy cái trứng. Tuy nhiên việc này không làm nàng thích thú lắm.

Mariam sợ ba ngày lễ ăn mừng Eid này lắm, cái khoảng thời gian người ta ăn diện đẹp nhất để thăm viếng và đón tiếp nhau. Nàng tưởng tượng cả thành phố Herat tràn ngập không khí vui tươi, hạnh phúc và mọi người đối xử với nhau đầy tình thân và thiện chí. Tựa như một tấm vải liệm, một nỗi cô đơn buồn bã sẽ phủ xuống người nàng để chỉ được mở ra khi lễ Eid đã qua đi.

Năm nay, lần đầu tiên Mariam được chứng kiến tận mắt lễ Eid như trong trí tưởng tượng của nàng hồi còn bé.

Nàng và Rasheed đi ra đường. Mariam chưa bao giờ đi trong một khung cảnh sống động như vậy. Không màng thời tiết lạnh, các gia đình kéo nhau đi thăm thân nhân, làm nhộn nhịp cả thành phố. Trên con đường nhà nàng, Mariam trông thấy bà Fariba đi với cậu con trai tên Noor diện bộ đồ vét. Bà Fariba choàng chiếc khăn màu trắng đi bên cạnh một người đàn ông nhỏ thó, đeo kính, có vẻ rụt rè. Cậu con trai lớn cũng có mặt - chẳng hiểu sao Mariam lại nhớ được là lần đầu ngoài lò nướng tập thể, bà Fariba nói cậu ta tên là Ahmad. Cậu này có cặp mắt sâu và rộng, và gương mặt suy tư trang trọng hơn người em trai, một gương mặt khiến người ta nghĩ đó là một người trưởng thành sớm, khác với người em có vẻ trẻ con hơn. Nơi cổ, Ahmad đeo một mặt dây chuyền hình Allah lấp lánh.

Có lẽ bà Fariba nhận ra nàng, dù nàng đội khăn trùm đầu kín mít và đi bên cạnh Rasheed. Bà đưa tay vẫy và lớn tiếng chào, “Eid mubarak!” (Chúc mừng!)
Từ trong khăn trùm đầu, Mariam gật đầu thật khẽ.

“Uả em biết bà đó sao, vợ ông thầy giáo?” Rasheed nói. Mariam nói nàng không biết.

“Tốt nhất em tránh xa đi. Cái bà đó tò mò và nhiều chuyện lắm. Còn người chồng thì cứ tưởng  ta đây có học và trí thức lắm. Nhưng anh ta chỉ là con chuột nhắt ngoan ngoãn. Coi kìa, trông anh ta giống chuột không chứ?”

Hai người đi đến khu Shar-e-Nau, ở đó trẻ con mặc áo mới và áo khoác đính cườm màu rực rỡ  đùa giởn và so quà với nhau. Phụ nữ bưng những mâm kẹo mứt. Mariam nhìn thấy những chiếc lồng đèn hội treo trước cửa tiệm, nàng nghe tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ loa phóng thanh. Nhiều người lạ chúc mừng nàng khi họ đi ngang qua.

Ðêm đó hai người đi đến khu Chaman. Ðứng sau lưng Rasheed, Mariam theo dõi pháo bông thắp sáng bầu trời bằng những tia màu lục, hồng, vàng. Nàng nhớ những lần ngồi với thầy giáo Mullah Faizullah ở căn chòi để xem pháo bông nổ trên bầu trời Herat ở phiá xa xa, tủa ra muôn màu phản chiếu trong đôi mắt đục và hiền từ của thầy giáo nàng. Nhưng nàng nhớ nhất là bà Nana. Nàng ước gì má nàng còn sống để chứng kiến cảnh này, để nhìn thấy nàng và cuộc sống của nàng bây giờ. Ðể má nàng cuối cùng sẽ thấy là hạnh phúc và cái đẹp không phải là những điều không thể đạt được. Ngay cả đối với những người như họ.

Trong những ngày lễ Eid, họ có khách đến chơi. Toàn khách đàn ông, bạn của Rasheed. Mỗi lần nghe tiếng gõ cửa, Mariam biết nàng phải đi lên lầu, vô phòng, đóng cửa lại. Nàng ở đó trong khi dưới nhà đám đàn ông nhấm nháp trà, hút thuốc và tán dóc. Rasheed dặn nàng không được xuống nhà cho tới khi khách ra về.

Mariam cũng chẳng cần. Sự thật, nàng còn thấy hãnh diện. Như thế có nghĩa là đối với Rasheed những gì riêng tư của hai người là thánh thiện. Danh dự và sự kiêu hãnh của nàng đáng được gìn giữ. Nàng cảm thấy mình có giá và được quý trọng vì được anh bảo vệ.

Vào ngày thứ ba cũng là ngày cuối của lễ Eid, Rasheed đi thăm vài người bạn. Ở nhà Mariam nấu nước pha cho mình một tách trà xanh, bỏ thêm trái thảo quả đập dập, vì đêm qua nàng bị sôi bụng cả đêm. Tại phòng khách, mắt nàng ghi nhận quang cảnh những người khách đêm trước đã để lại: ly tách ngã nghiêng, hột bí cắn nửa nhét giữa nệm ghế, mấy cái dĩa đóng cứng dấu đồ ăn tối qua. Mariam hăng hái bắt tay dọn dẹp cái mớ hỗn độn đó, vừa ngạc nhiên tự hỏi sao mấy người đàn ông bình thường lười biếng vậy mà lại có lúc năng động như thế.

Nàng không có ý vô phòng Rasheed, tuy nhiên mải mê dọn dẹp, nàng đi dần từ phòng khách lên cầu thang, đến hành lang trên lầu, rồi tới cửa phòng của Rasheed lúc nào không biết. Lúc đó  nàng mới biết lần đầu tiên mình đang ở trong phòng của anh ta, đang ngồi trên gường, và cảm thấy như mình là một kẻ vi phạm.

Mắt nàng ghi nhận những tấm màn nặng nề màu xanh lá cây, những đôi giầy bóng loáng được xếp gọn gàng dọc tường, cánh cửa tủ tróc sơn xám giơ gỗ ra. Nàng phát hiện một gói thuốc lá trên cái tủ nhỏ cạnh giường. Nàng lấy một điếu gắn lên môi và nhìn vô tấm gương nhỏ hình bầu dục trên tường. Nàng phì phèo vô gương và làm động tác vỗ vỗ để gạt tàn thuốc. Nàng đặt điếu thuốc lại chỗ cũ, tự thấy mình sẽ không thể nào có được sự duyên dáng tự nhiên của những người phụ nữ Kabul khi họ hút thuốc, chỉ trông thô cục và dị họm thôi.

Nàng cảm thấy tội lỗi khi đưa tay kéo mở ngăn tủ trên cùng. Thoạt tiên nàng nhìn thấy khẩu súng. Nó màu đen, cán bằng gỗ, nòng ngắn. Trước khi cầm nó lên, Mariam cố nhớ nó quay đầu về phía nào. Nàng xoay nó trong tay. Nó nặng hơn nàng nghĩ. Cán súng trơn tru trong tay nàng, còn nòng súng thì lạnh ngắt. Việc Rasheed sở hữu một vật chỉ có mục đích giết người khiến nàng lo ngại. Nhưng chắc chắn anh làm thế vì sự an toàn của hai người. Sự an toàn của nàng.

Dưới khẩu súng có mấy cuốn tạp chí góc cong hết. Mariam mở một cuốn ra. Nàng giật thót người, miệng há hốc.

Trên mỗi trang là những người phụ nữ, phụ nữ đẹp, chẳng mặc gì trên người, không mặc áo, quần, vớ hay quần lót gì hết cả. Họ chẳng mặc gì cả. Họ nằm trên giường giữa chăn gối lệch lạc  và nhìn Mariam qua cặp mắt mơ màng hé mở. Trong hầu hết các bức hình, chân họ dạng ra, khiến Mariam nhìn thấy được toàn bộ cái chỗ tối ở giữa. Trong một số hình, những người phụ nữ quỳ lạy như thể - Chúa tha tội cho nàng - họ đang cầu nguyện. Họ nhìn qua vai ra phiá sau, bằng cặp mắt chán chường khinh bỉ.

Mariam vội vàng đặt cuốn tạp chí trở lại chỗ cũ. Nàng cảm thấy choáng váng như bị say thuốc. Những người đàn bà này là ai? Sao họ lại có thể để cho người ta chụp hình họ như thế nhỉ? Bụng nàng sôi lên vì ghê tởm. Có phải đây là những điều Rasheed đã làm những đêm anh ta không đến phòng nàng? Nàng có làm cho anh thất vọng trong vấn đề này không? Còn tất cả những gì anh ta nói về danh dự, đứng đắn, về những người khách hàng nữ mà anh chê bai chỉ vì họ đưa chân cho anh đo để làm giầy, là như thế nào? Khuôn mặt của người phụ nữ, anh từng bảo, là chuyện riêng của người chồng. Chắc chắn tất cả, hay ít ra một vài những phụ nữ trên trang sách đó đều có chồng. Hay ít nhất họ cũng có anh em trai. Nếu vậy tại sao Rasheed lại bắt nàng phải che kín hết, trong lúc anh ta chẳng suy nghĩ gì khi nhìn ngắm những chỗ kín riêng tư của vợ hay chị em những người đàn ông khác?

Mariam ngồi trên giường của anh, cảm thấy bối rối và xấu hổ. Nàng đưa hai tay ôm mặt và nhắm mắt lại. Nàng thở và thở cho đến khi nàng cảm thấy bình tĩnh lại.

Dần dần, một lời giải thích hiện lên trong trí nàng. Anh ta dù sau cũng là một người đàn ông, sống nhiều năm một mình trước khi nàng dọn đến. Anh có nhu cầu khác nàng. Ðối với nàng, cả những tháng sau đó, sự gần gũi thể xác giữa hai người vẫn còn là sự tâp chịu đựng cái đau. Trong khi đó thì sự thèm khát của anh, ngược lại, thật dũng mãnh, đôi lúc gần kề bạo lực. Cái cách anh ta đè nàng xuống, vò nát ngực nàng, trong khi phần dưới của anh làm việc dữ dội. Anh là một người đàn ông. Bao nhiêu năm không có đàn bà. Nàng có được phép trách anh vì Thượng đế đã tạo ra anh như thế hay không?

Mariam biết nàng sẽ không bao giờ có thể trò chuyện với anh về vấn đề này. Ðó là một việc bất khả bàn, tuy nhiên đó có phải là một việc không thể tha thứ hay không? Nàng chỉ việc nghĩ đến cái người đàn ông kia trong đời nàng. Ông Jalil, người có ba vợ và chín đứa con mà còn tằng tụi với má nàng. Cái nào tệ hơn, cuốn tạp chí của Rasheed hay hành động của ông Jalil? Vả lại nàng là ai, một kẻ nhà quê, một đứa con hoang, mà dám đưa lời phán xét?

Mariam mở thử ngăn dưới cùng của tủ quần áo.

Chính ở đó, nàng tìm thấy tấm hình của thằng bé Yunus. Hình đen trắng. Thằng bé chừng bốn, năm tuổi, mặc áo sọc thắt cà vạt nơ. Thằng bé điển trai lắm, mũi thanh tú, tóc nâu và đôi mắt đen hơi sâu. Mắt nó nhìn lơ đãng, như thể có điều gì đó làm nó chú ý đúng lúc máy hình chớp.

Dưới tấm hình này Mariam trông thấy một tấm hình nữa, cũng đen trắng, nhưng cũ hơn hình kia. Ðó là hình của một người phụ nữ đang ngồi, đứng phía sau là Rasheed, ốm và trẻ hơn với mái tóc đen. Người phụ nữ đó khá đẹp, có thể không đẹp bằng những ngưòi trong cuốn tạp chí nhưng cũng đẹp. Chắc chắn đẹp hơn nàng. Cô ta có cái cằm thanh và mái tóc dài, đen, chẻ giữa. Gò má cao và vầng trán thanh tao. Mariam hình dung gương mặt của chính nàng, với đôi môi mỏng và cái cằm dài, và cảm thấy một thoáng ganh tị.

Mariam nhìn tấm hình thật lâu. Mơ hồ có điều gì đó không ổn trong cái cách Rasheed chăm chăm nhìn người đàn bà. Hai bàn tay của anh đặt trên vai cô. Nụ cười hả hê dù không hở môi của anh ta và gương mặt nghiêm trọng và ủ rũ của cô ta. Cái cách cô ta hơi nghiêng người về phía trước một cách nhẹ nhàng tinh tế, như thể muốn thoát ra khỏi bàn tay của anh.

Mariam đặt tất cả mọi thứ trở lại chỗ cũ.

Một lúc lâu sau, trong khi giặt quần áo, nàng tiếc đã lục lọi trong phòng của Rasheed. Ðể làm gì? Nàng tự hỏi. Nàng đã hiểu được điều gì quan trọng về anh? Rằng anh có một khẩu súng, rằng anh là một người đàn ông với tất cả những nhu cầu của một người đàn ông? Và chính ra nàng không được phép nhìn ngắm bức ảnh của anh và vợ anh lâu như thế. Mắt nàng đã gán ghép ý nghĩa cho một tư thế vô tình được máy ảnh ghi lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Trước mắt Mariam, những sợi dây phơi quần áo nặng trữi phần phật trong gió. Bây giờ nàng cảm thấy thương hại cho Rasheed. Cũng như nàng, cuộc đời của anh đã trải qua nhiều khó khăn, mất mát và đau khổ. Trong đầu nàng lại hiện lên hình ảnh của con anh, thằng bé Yunus, đã từng chơi đắp người tuyết ngay trong khoảng sân này, bàn chân nó đã từng thình thịch lên xuống những bậc thang này. Cái hồ nước kia đã cướp mất nó, đã nuốt chửng nó, khác chi con cá voi đã nuốt chửng nhà tiên tri cùng tên với nó trong kinh Koran. Mariam đau xót vô cùng khi hình dung cảnh Rasheed hớt hãi và bất lực chạy tới chạy lui bên bờ hồ, cầu khẩn hồ hãy trả con anh lại cho anh.

Và lần đầu tiên, nàng cảm thấy thật gần gũi với chồng. Nàng tự nhủ rồi sau rốt họ sẽ là hai người bạn đồng hành thân thiết.

(còn tiếp)        

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017