SỐ 74 - THÁNG 4 NĂM 2017

 

Nhân Ngày Lễ Mẹ

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, rạt rào…”

Nhạc sĩ Y Vân khi đi đàn từ vũ trường về khuya thấy mẹ còn ngồi giặt áo quần cho mình thì cảm động mà viết lên bản “Lòng Mẹ” bất hủ như trên. Lời hát đó chưa đủ để diễn tả và vinh danh tất cả những “lòng mẹ” trên quả địa cầu này vì mỗi người là một câu chuyện khác nhau, mỗi tấm lòng của mẹ được bày tỏ một góc độ khác nhau, nó thiên hình vạn trạng nói lên tấm lòng của người mẹ. Câu chuyện về mẹ của tôi dưới đây cũng chỉ là một hạt nước trong Thái Bình Dương.

Ba tôi mất sớm, rất sớm khi đứa em út của tôi còn ở trong bụng của mẹ tôi. Ngày ba tôi mất tôi hoàn toàn không biết gì chỉ còn lại một chút hình ảnh: mẹ tôi mặc áo tang trắng, ngồi trên giường lấy vạt áo tang lau nước mắt, tôi đứng bên cạnh nắm áo mẹ, nhìn mẹ tôi mà không nói gì.

Mẹ tôi “ở vậy nuôi con” với bao cái khó khăn bao vây một góa phụ không nghề nghiệp với bốn đứa con thơ.

Ba tôi mất để lại mẹ con chúng tôi một căn nhà không gọi là lớn; kế sinh nhai đầu tiên của mẹ tôi là chia đôi căn nhà 5 mẹ con ở một bên và cho thuê một bên. Người mướn nhà là vợ chồng ông thiếu tá Không quân Kiên với đứa con nhỏ. Bà Kiên là một người với đầu óc kinh doanh tuyệt vời và thành công. Tết đến bà rủ mẹ tôi làm mứt đem ra phiên chợTết ở đường Phan Bội Châu bán. Tôi đã không nhớ rõ lý do gì mà chợ Tết đó chỉ tổ chức được một hay hai lần gì thôi sau đó không được có nữa. Ông bà Kiên mướn nhà mẹ tôi được vài năm thì xây được nhà ở đường số 5, Phước Hải nối dài đi sâu về hướng phi trường. Mẹ tôi học nghề thợ may sau đó để lấp đi khoảng thiếu hụt của nhu cầu gia đình nếu chỉ cho thuê nhà như thế.

Anh em chúng tôi lên lớn theo thời gian và nhu cầu “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” cũng tăng theo đó. Đến “mùa ruốc” mẹ tôi làm ruốc thêm để bán. Mùa ruốc là tháng 11, 12, những ngày tháng lạnh nhất của một năm. Ngày nào có “ruốc” mẹ tôi mua vào những thùng lớn như những thùng “tô nô”; ướp trộn với muối rồi cho vào lu hay “thạp” để qua đêm, sáng hôm sau vắt ruốc cho khô để đem phơi, đến chiều giã cho nhuyễn rồi hòa lại với nước muối đã vắt ra từ con ruốc ướp hồi sáng. Công việc thật nặng nhọc và “đau đớn, nhức nhối” vô cùng từ việc ướp muối tới việc giã ruốc! “Ruốc”, “tép”, hay “khuyết” giống con tôm nhưng nhỏ chừng một centimeter, đầu tép là những mũi kim nhọn đâm rất đau, rất nhức. Ướp tép với muối giống như lấy kim đâm vào tay xong lấy muối rịt vào những vết thương ấy. Sáng sớm mùa đông hôm sau trong cái giá lạnh mẹ tôi phải dậy sớm vắt ruốc để đem phơi. Tay đau hôm trước chưa yên nay phải ngâm trong nước muối lấy ruốc ra bóp chặt những nắm ruốc thật là đau nhức vô cùng. Trông thấy những ngón tay, bàn tay đau, cương sưng ửng đỏ lên mà tôi phải xót xa. Thế mà thỉnh thoảng mẹ tôi đưa bàn tay năm ngón của mình lên xem rồi ngó tôi mà cười. Chưa xong! Cái đau cái nhức ấy còn tiếp tục cho tới chiều! Ruốc vắt đã khô sau khi phơi, là công việc giã ruốc. Bàn tay đau, sưng đỏ hồi sáng nay phải nắm chặc lấy cái chày để mà giã! Cái đau, cái nhức ấy động lên theo từng nhịp giã của cái chày! Tiến trình làm ruốc được như vậy là may, là suôn sẻ, là nhằm ngày nắng tốt. Nếu ngày mưa không nắng thì phơi ruốc không được, và nếu kéo dài hai ba ngày liên tiếp như thế thì những lu ruốc xem như là phải bỏ; những ngày như thế mẹ tôi lo lắng lắm, cứ ra ngước lên trời mà coi thời tiết. Nhìn mẹ tôi lo, thì lòng tôi nó cũng không yên và u ám theo như bầu trời mùa đông hôm đó.

Khi anh tôi bắt đầu học Tú Tài, vào đại học ở Sài Gòn thì việc cho mướn nhà, may áo quần, làm ruốc nuôi con của mẹ tôi cũng không đủ, bà phải làm thêm mắm, nước mắm, giã ớt bột, làm đồ chay bán ngoài chợ Xóm Mới vào những ngày rằm và mùng một.

Một hôm, lâu ngày mẹ tôi có chuyện đi thăm nhà ông bà Kiên. Bà Kiên lúc đó đã buôn bán hột xoàn và trở nên giàu có. Tiếp mẹ tôi, bà đem hột xoàn ra khoe. Theo lời kể của bà khi tiễn đưa mẹ tôi ra đến cổng nhà xong rồi trở vào thì những hột xoàn của bà “không cánh mà bay”! Với kinh nghiệm sống và buôn bán chợ Tết với mẹ tôi, bà quả quyết với ông Kiên chắc chắn không phải là mẹ tôi. Ông Kiên kêu chị ở ra tra hỏi thì bị chối, bị chối, và bị chối. Ông Kiên bảo rằng nếu chị ở không trả lại thì tối đến ông sẽ đưa chị lên máy bay và “tống” xuống biển. Dọa đến đây thì hột xoàn được trả lại. Mẹ tôi kể lại câu chuyện bà Kiên kể cho anh em tôi nghe xong thì mừng, khuôn mặt rất rạng rỡ mà nói “nếu tìm không ra thì mạ không biết ăn nói ra sao với ông bà và danh dự của nhà mình thật là ốt dột”.

Cũng như nhạc sĩ Y Vân, tôi có câu chuyện “mẹ”của tôi, và mỗi người ai cũng có những “câu chuyện” về mẹ riêng của mình. Những câu chuyện này nó khác nhau, chắc chắn nó khác nhau; nhưng tất cả đều có chung một chuyện: “lòng mẹ”. Nói về lòng mẹ đã có biết bao nhạc phẩm, tác phẩm văn học, thi phú được sáng tác; nhưng tất cả những câu chuyện về mẹ dầu hay dầu dở của bất kỳ của ai đều không dư không thừa. Dầu ở cái tuổi làm ông làm bà của bọn mình ngày nay đi chăng nữa, dù thất bại hay thành công trên đường đời mẹ vẫn “thương con đến ngày lớn khôn”

Lê Văn Hòa
VT-73
Mother’s Day 2012

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017