SỐ 74 - THÁNG 4 NĂM 2017

 

Program linh hồn?

(Góp ý với bài viết của Nguyễn Hữu Liêm)

Bài triết luận của GS Nguyễn Hữu Liêm “Giữa cái thực và cái không thực: một triết luận về không gian internet” đã đề cao vai trò điện toán vào ngay cả kiếp nhân sinh, sự sống, linh hồn…

Để chứng minh, ông đã viện dẫn cuốn sách The Physics of Immortality (Vật lý học về tính Bất tử, 1994), đã định nghĩa sự sống (life) bằng khái niệm “sinh thể” (living being) rằng: Một sinh thể là bất cứ đơn thể nào vốn ấn ký tín hiệu, để từ đó ấn ký tín hiệu nầy được tồn giữ bởi sự đãi lọc tự nhiên. Do đó, ‘đời sống’ là một thể thức vận hành tín hiệu, và đầu óc nhân loại – và linh hồn con người – là một chương liệu điện toán rất phức tạp. (A “living being” is any entity which codes information with the information coded being preserved by natural selection. Thus “life” is a form of information processing, and the human mind – and the human soul – is a very complex computer program).

và xem khái niệm về bit 1 và 0 (hữu thể và hư không) như là căn bản của tín hiệu trong việc cấu tạo đầu óc nhân lọai và linh hồn con người.

Bài góp ý này được viết bằng kinh nghiệm của người thảo chương viên (programmer) chứ không phải qua bất kỳ sách vở hay nương cậy vào ai.

1. Nói rằng đầu óc nhân lọai và linh hồn con người là một chương liệu điện toán có nghĩa là đầu óc và linh hồn phải tuân theo những yêu cầu cơ bản của chương liệu (program).

Yêu cầu đầu tiên là: dữ kiện (input).

Trong lãnh vực điện tóan, dù máy chạy bằng hệ thống Microsoft XP hay UNIX, hay mainframe, dù hệ thống máy là 8-bit, 32-bit hay 64-bit đi nữa, hay IBM, NCR, HP v.v. với cùng chung input, với cùng một application thì sẽ cho cùng một kết quả output.

Còn con người thì sao?

Ví dụ, cùng một thầy, cùng một bài giảng, cùng giờ học, cùng sự chăm chỉ, nhưng chắc gì hai người học trò có cùng điểm tốt nghiệp.

2. Việc đãi lọc tự nhiên là một điều tối kỵ trong lãnh vực thảo chương (programming).

Việc đãi lọc này được thực hiện bởi người programmer. Máy không thể biết cái loop quay mòng mòng đến vô tận, hay là cái khủng khiếp khi ta quên không dặn máy đừng chia 0! Ta phải đề phòng bằng những utility hay những code.

Việc đãi lọc này ở giai đọan hai, sau khi máy thu nhập dữ kiện. Đó là giai đọan PROCESSING qua những điều kiện mà người thảo chương đặt ra để gạn lọc và tôn giữ (hình như danh từ tôn giữ có vẻ không thích hợp. Tôi đề nghị sửa lại bằng lưu trử [save]) qua lệnh (command), ví dụ IF… THEN ELSE. Thí dụ trong một program thảo về một credit card bỏ vào máy ATM chẳng hạn. Nếu account của nhà băng bắt đầu bằng số 9, thì trước hết ta phải dùng cách đãi lọc như thế này:

IF first digit is 9 THEN do something
ELSE
invalid…
(NẾU số đầu là 9 thì làm cái gì đó
CÒN KHÁC
thì không giá trị…)
(Tha lỗi cho tôi. Thật bứt rứt khi phải dùng những từ ngữ tiếng người. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong lãnh vực programming, ai cũng biết được những từ ngữ này).

Như vậy, không có chuyện tôn giữ, đãi lọc tự nhiên.

Nói tóm lại, nếu xem tư tưởng, linh hồn là kết quả của chương liệu điện toán (phức tạp), thì e rằng không thích hợp chăng?

3, Cái ý niệm về bít 1 và 0 như là hữu thể và hư không, có lẽ không thích ứng với khái niệm 1 và 0 trong lãnh vực điện toán. Tại sao người ta lại dùng Nền-2 (Base-2, Binary Digits) mà không dùng Nền-8 (Octal-Base) hay 10 (Decimal Base), bởi vì nền 2 (1,0) đơn giản, dễ dàng cho việc chế tạo chip, thế thôi. Chứ không nhất thiết là một định luật rằng điện toán phải cần 1, 0.

Riêng kẻ này, tay làm thơ lãng mạn, thì vẫn thích bit 1, 0, nhưng theo cách khác:

rồi những bít 1 và 0
những trang điện thư gởi đi, chờ đợi
tôi đang mơ gì nơi xa vời vợi
lạ vô cùng nhưng như thể đã quen
khi tôi click vào một chữ send
ngàn bit chở hồn tôi yêu dấu
ngàn bit chích vào tôi rớm máu
như nỗi buồn của một kẻ vô duyên
hay biết mình, quá sức trẻ con
ước gì tờ thư trở thành màu tím
để ngập hồn em như thời mới lớn
thấy cuộc đời này quá đỗi dễ thương

Trần Hoài Thư
(Talawas 11-11-2004)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017