SỐ 75 - THÁNG 7 NĂM 2017

 

Chiêm bao trên đỉnh hoa cương

Chàng ngất lịm… lọt vào một bầu trời khác lạ, mà trong không gian màu tím hồng có những ngôi sao dài sáng rực rỡ giữa những thiên hà xoáy ốc. Trên mặt đất trải đầy kim cương có những trái cầu lung linh những màu sắc huyền diệu của sóng nước mùa Thu, của hoa bướm mùa Xuân. Tất cả những gì có năng lực quyến rũ huyền bí  từ bao nhiêu nghìn năm đối với cặp mắt loài người. Tiếng không đủ nói, chữ không đủ tả, ý nghĩ không đủ bao quát những màu sắc uyển chuyển thần tiên ấy…Chàng đang mơ giấc mơ của đá.”  (Nguyễn Mạnh Côn)

http://263i3m2dw9nnf6zqv39ktpr1.wpengine.netdna-cdn.com/wp-content/uploads/2017/05/Train-960x640-1.jpg

Đường vào núi hoa cương Stone Mountain qua ngả làng cổ đẹp bất ngờ. Những ngày đến đây leo núi tập thể dục ông thường lái xe thẳng đến chân núi, nhưng sáng nay chỉ vì chút lơ đãng (ông vẫn cho là tại vì bà vợ ham nói chuyện nên quên “lái” ông) vào lộn lối rẽ thế mà “tái ông thất mã”, ông lại được may mắn … “lạc đường vào lịch sử”.

Trời tháng Sáu bình minh lên sớm, dọc hai bên đường nắng mai chúm chím hồng lên những trái đào lủng lẳng trên cành và làm hồng thêm những cây “bách nhật hồng” trổ đầy hoa. Loài crepe myrtle này nhiều cư dân Việt Nam gọi là hoa bằng lăng, chẳng biết có đúng không nhưng ông cũng thích gọi thế hơn là cái tên có vẻ “vương giả chi hoa” kia.

Phù điêu ba vị bại tướng của phe miền Nam tạc trên vách núi Stone Mountain loáng thoáng sau thông xanh khiến ông nghĩ tới cuốn phim tài liệu về cuộc Nội Chiến (Civil War 1861-1865) và chiến trận ở Georgia vẫn được chiếu vào mỗi đầu giờ trong tòa nhà bảo tàng tọa lạc sát chân núi. Ông thường ghé vào phòng chiếu mát lạnh sau những lần mồ hôi mồ kê “xuống núi”. Bốn năm đất nước Nam-Bắc phân tranh, hơn triệu tử sĩ thương binh can qua hàng ngàn trận chiến lớn nhỏ chết chóc tang thương để giành lấy thành quả vô cùng lớn lao cho tiến bộ nhân loại, đó là sự giải phóng nô lệ và quyền bình đẳng của con người. 

Thế mà một trăm năm sau, hơn năm mươi tám ngàn cháu con của chính những chiến binh “Blue and Gray” thượng võ đã phải hy sinh gần như vô ích ở một góc Đông Dương xa lạ bên kia bờ Thái Bình Dương vì những kế sách chính trị yểu mệnh, nửa vời. Cuộc chiến tranh Việt Nam giữa hai miền Nam Bắc, mà thật ra là điểm chốt “nóng” của trận chiến tranh lạnh giữa hai thế giới Tự do và Cọng sản, kéo dài hai mươi năm trên quê hương Việt Nam điêu tàn đã giết chết hơn ba triệu con người, bách hại cả triệu thương binh, dân lành. Sự chiến thắng của tà thuyết Cọng sản đã làm băng hoại có hệ thống cả một nền văn hóa Việt nhân bản lâu đời. Đất nước thống nhất được đảng cầm quyền Cọng sản rêu rao như một vòng hoa chiến thắng, nhưng độc lập chẳng hề có, biển đảo quê hương mất dần. Tư tưởng lệ thuộc ăn sâu, đục khoét vào não bộ của người dân vốn quen chịu đựng, vất vả tìm ăn. Những thế hệ lớn sau bảy lăm thì bị giáo dục qua lịch sử ngụy tạo, ngôn ngữ thơ nhạc chỏi chướng khó nghe. Và lớp người bỏ nước ra đi, lênh đênh thuyền nhân, lận đận phương trời viễn xứ quê người gắng gầy dựng lại gia đình, hội nhập điều hay trên đất khách.

Xe qua trung tâm làng cổ. Giao thông nhộn nhịp hơn làm ông phải chú ý, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man trong đầu. Ngôi nhà xưa nhất làng được xây cất cả chục năm trước Nội Chiến vẫn còn đứng vững cùng nhà ga xe lửa xây toàn bằng đá hoa cương và hàng chục kiến trúc khác đều mang đầy vết tích lịch sử của từ hơn một trăm năm mươi năm trước.

Hình ảnh sướt xát trong phim tài liệu của cổ máy xe lửa “W. & A. Railroad” (Western and Atlantic Railroad) chạy bằng than củi và hơi nước nằm bất động trên sân ga vì đường rây đã bị lính “Bụng Xanh” phá hủy. Chiến dịch Atlanta bắt đầu từ ba tháng trước ở Chattanooga, nay đoàn kiêu binh Bắc quân đang vào lúc “thu dọn chiến trường” ở  Atlanta và những vùng phụ cận. Họ reo hò, ầm ào nung hồng những đoạn đường sắt rồi quấn quanh chúng vào những cội cây lớn hay trụ điện báo, rồi gọi đó là những “chiếc nơ cổ áo của Sherman”. Bạo tướng Sherman đã chọn Stone Mountain làm tuyết xuất phát cho Cuộc Trường chinh ra Biển (March to the Sea) trong lúc lửa khói chưa nguôi cháy trên Atlanta vừa bị thiêu rụi. Ba tháng sau, ngày 22 tháng 12, 1864 tướng Sherman viết thư cho tổng thống Lincoln “I beg to present to you as a Christmas Gift, the City of Savannah ...".

Sau cuộc săn đuổi xe lửa gay cấn, ly kỳ “The Great Locomotive Chase” vào tháng Tư năm 1862 mà kết quả là sự thất bại của một nhóm biệt kích và điệp viên miền Bắc âm mưu cướp một đầu máy xe lửa chạy từ Kennesaw gần Atlanta về Chattanooga để phá hủy tuyến đường xe lửa tiếp tế của quân Nam. Phải mất hơn hai năm với nhiều trận chiến đẫm máu, kể cả Trận chiến trên Ngàn Mây (The Battle Above the Clouds) ở Lookout Mountain, Bắc quân mới chiếm được vùng trọng yếu Chattanooga, thế mà chỉ trong vòng 6 tháng tướng Sherman thống lĩnh 62,000 chiến binh Union đã san bằng 300 dặm dài từ Chattanooga đến Savannah với hơn 30,000 tử sĩ hai phía Bắc-Nam ngã xuống lót đường. Lịch sử ăn năn. Phải chi lần cướp xe lửa đó thành công, có lẽ thời gian cuộc Nội Chiến dài hơn 4 năm đã được cắt ngắn đi phân nửa, hàng trăm ngàn chiến binh hai phía khỏi phải hy sinh oan uổng và Atlanta khỏi phải nằm trong biển lửa.

Ý nghĩ theo ông suốt khoảng thời gian leo hơn một dặm đường núi lên tới đỉnh. Ngụm nước mát giúp ông thoải mái ngồi tựa vào một gốc thông già, tàng lá tỏa mát lên mặt đá hoa cương gợn sóng nhấp nhô. Toa xe chở khách trồi lên từ từ theo đường dây cáp treo, màu thẩm xanh hằn lên nền trời nhạt hơn, mây trắng chấm phá lửng lơ. Phía chân trời, dãy cao ốc từ trung tâm Atlanta trải dài tận Marietta làm thành một chuỗi kỷ hà sắc cạnh lóng lánh dưới ánh mặt trời. Bên dưới thảm lục diệp trùng trùng, hồ ôm chân núi mặt nước lặng lờ xanh. Bóng núi theo mây chìm trong nước, tĩnh lặng phá chấp thời gian. Hồn người như lạc vào ngàn vạn dặm xa mơ hồ tiền kiếp, bâng khuâng nhớ ánh hoa đào của bao mùa xuân cũ không biết trôi về đâu.

Chi chi ngũ bách niên tiền, lục thụ thanh sơn hà xứ tại
Tại tại tam thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy cách hà chi
(Tại đây năm trăm năm trước, cây xanh núi biếc vẫn còn đó
Nơi xa ba ngàn dặm trường, đào hoa lưu thủy đã về đâu ) Xuân Phương

Ông rịu mắt chìm dần vào giấc ngủ, cảm giác mụ mẩm mơ hồ chới với bay theo đám mây bồng bềnh xa. Dòng kinh nước đục chảy sâu vào vùng châu thổ mênh mang. Đoàn giang đĩnh trở xoay giữa vùng giao tranh súng đạn tơi bời.

Tấm khăn bay khỏi chiếc trực thăng tản thương thoắt nở bung xa hút, bàng hoàng mây trắng. Cảnh giới  trắng mịn mơ hồ vùng biên ngưỡng tử sinh.

Hình như mây vẫn bềnh bồng trôi, thế mà có lúc ông cảm giác như  vừa rơi khỏi phi thuyền không gian lúc đạt tới tốc độ ánh sáng. Không phải ở bên trong khoang kín của phi thuyền với sự chở che an toàn của tốc độ biểu kiến mà là cảm giác nhỏ nhoi bụi bám sát na, hằng hà sa số tinh cầu cuồng quay trong vô tận ngân hà, vòng thời gian xoáy sụp vào không gian sâu chìm miên viễn hư vô. Chẳng lẽ nào ông đã chết? Lẽ nào ông vừa đầu thai vào tiền kiếp? Lẽ nào ông lại nhớ tới kiếp trước của mình rõ ràng gần cận đến thế?

Mặt đá đẫm sương mát lạnh làm ông choàng tỉnh khỏi trạng thái ngủ thức mơ hồ. Ông vuốt mặt nhìn quanh. Trời chưa tới bình minh, cảnh vật xám chìm trong ánh sáng lờ mờ lúc cuối khuya về sáng. Ông thấy mình ngồi trên một tảng hoa cương, vân đá nhú khỏi mặt đất lượn như sóng quanh gốc thông già ông đang tựa lưng vào. Ông ngờ ngợ thầm hỏi phải chăng đây là một phim trường đang giàn dựng cảnh phim thời Nội Chiến như trong Cuốn Theo Chiều Gió, Gone With The Wind? Ông đảo mắt nhìn quanh. Những làn rây đường sắt còn hút chìm trong bóng tối nhá nhem. Bên kia bãi đường sắt rối chéo vào nhau, nóc nhà ga xe lửa với hàng chữ “Big Shanty” lờ mờ sau màn sương sớm. Ông kinh ngạc lẩm bẩm lại hàng chữ vừa đọc, lòng dậy mối nghi hoặc ma quái rợn người, luống cuống rờ soát lại y phục đang mặc trên người. Vẫn là bộ áo quần mỏng mùa hè dành lúc leo núi Stone Mountain, vẫn cặp băng bảo vệ đầu gối còn cộm dày dưới vải. Ông lấy chiếc “nón đi biển” đang đội xuống, phân vân nhìn hàng chữ thêu vàng “USS Abraham Lincoln – CVN 72”. Chiếc nón là món quà lưu niệm dịp đi thăm Hàng không mẫu hạm ở căn cứ Everett WA với bạn đồng môn nhiều năm trước. Ông lấy chiếc  điện thoại khỏi túi áo, thất vọng nhìn những con số chỉ ngày giờ xoay tít không ngừng sau mặt kiếng sáng xanh.

Có tiếng chân người, ông vội nép mình vào thân cây rồi thở phào nhìn một phụ nữ da trắng đang bước đến gần. Cô gái tóc vàng xinh đẹp, trang phục diêm dúa thường thấy ở các cô gái điếm trong quán rượu của phim Viễn Tây.

- Chào cô! Xin cho hỏi hôm nay là ngày mấy, thưa cô?
- Thứ Bảy, 12 tháng Tư
- Năm nào vậy?

Ngạc nhiên vì câu hỏi lạ lùng hiếm khi nghe, cô gái dừng lại chăm chú nhìn lão già “China man” râu tóc trắng, đầu đội chiếc mũ thật lạ lùng, quần áo lại càng “không giống ai”. Cô ta lắc đầu, thầm nghĩ có lẽ lại là một lão già đãng trí, vô hại nào đó.

- 1862. Grandpa chờ tàu đi Chattanooga hả? Xe lửa sắp tới rồi đó. Nhớ đừng ngủ quên, đi lạng quạng bị tụi “Homemade Yankees” (1) bắt thì phiền.                    

Ông kích động nhìn theo cô gái nhún nhảy bước qua bên kia đường xe lửa, tiếp tục đi về phía khách sạn cạnh nhà ga, vừa lúc một đoàn tàu từ hướng Atlanta sầm sập tiến vào sân ga. Đầu tàu thở phì phò, khói đen hắt mùi than củi lờn vờn che bảng chữ “Hotel Lacey” treo trên tầng hai của khách sạn. Tàu dừng hẳn, khói tan để lộ chiếc bảng đồng sắc sảo khắc tên tàu trên nền sơn đỏ. “GENERAL”, ông lẩm bẩm đọc chứng cứ cuối cùng của sự kiện lịch sử sắp sửa diễn ra cũng vào ngày giờ này 155 năm trước. Thôi rồi! Chẳng phải Từ Thức lạc Thiên thai vui vầy cùng tiên nữ mà ông đang lạc bước vào khúc quanh lịch sử Nội chiến đẫm máu của Mỹ. Giữa phút vội vã, đầu óc ông căng thẳng với suy nghĩ không gì khác hơn là quyết định phải chọn lựa trong vòng 60 giây tới. Làm một chứng nhân bất lực thầm lặng nhìn trang lịch sử hung tàn, vấy máu viết ra hay chọn thái độ dấn thân để may ra lịch sử có được phần nào trong muôn một đổi thay. Hình ảnh Atlanta bị thiêu rụi và cả chục ngàn chiến sĩ hai phía ngã xuống trong Mặt Trận Atlanta tháng Bảy năm 1864 có thể đã không xảy ra nếu “Cuộc Săn Đuổi Xe Lửa Ly Kỳ” của nhóm biệt kích phe Union Miền Bắc thành công.

Ông bật đứng dậy, sửa ngay ngắn chiếc “nón đi biển” trên đầu, bước khỏi tảng hoa cương đi nhanh về phía chiếc General. Người trưởng xa và hai nhân viên phụ tá vừa rời tàu đi về phía khách sạn Lacey sau khi thông báo 20 phút nghĩ ăn sáng cho hành khách. Ông leo lên toa đầu máy không người, vừa ngồi xuống bên đống dụng cụ bề bộn ở góc phòng thì có ba người đàn ông nhảy vội lên. Hai gã trẻ tuổi đặt bao đồ nghề xuống sàn tàu bồn chồn đứng nhìn người đàn ông cao lớn, râu quai nón rậm rạp lăm le họng súng lục đuổi lão “China man” ăn mặc dị dạng xuống tàu.

Ông bình tỉnh đứng lên, từ tốn.

- Ông cất súng đi. Hảy nghe tôi vài câu nếu có gì không đúng thì tôi sẽ ra khỏi đây ngay.

Người đàn ông cau mặt nhìn chăm chú chiếc nón có thêu tên Tổng thống Lincoln “USS Abraham Lincoln”. Hắn ậm ừ gật đầu, nhét súng giấu vào áo khoác.

- Ngày 7 tháng Tư, nhóm 22 người biệt kích Union các ông được lệnh của tướng Ormsby Mitchel đột nhập qua phòng tuyến quân Confederate từ phía Tây Bắc Georgia để lẻn về Marietta. Trên đường đi, Samuel và James đào ngũ. Sáng nay từ khách sạn ở Marietta, Martin Hawkins và John Porter ngủ quên không theo nhóm lên xe lửa về Big Shanty được. Hiện giờ, ngoài 3 ông, cả nhóm đang chờ ở trên hai toa hành khách.  Nhiệm vụ của nhóm là “bắt cóc” chiếc General này chạy về Chattanooga. Trên đường đi sẽ phá đường sắt, cắt dây điện báo, đốt sập cầu. Mục tiêu là cắt đường tiếp tế để cánh quân của tướng Mitchel tiến đánh Chattanooga.

Gã trưởng toán kinh ngạc bước tới giật phăng chiếc nón “Lincoln”, rút súng dí vào đầu ông già.

- Lão Tàu trời đánh này! Lão là ai hả, từ chổ quái quỷ nào tới đây?
- James Andrews! Mr. Andrews! Chúng ta chỉ có không đầy 20 phút để hành động. Đừng hỏi, lắng nghe rồi tùy ông quyết định. Chính tôi cũng không hiểu vì sao tôi có mặt vào lúc này. Sự thật là tôi bị quăng ngược về đây từ nhiều năm trong tương lai. 155 năm! Chuyện tôi biết về cuộc đột kích của các ông là căn cứ vào lịch sử. Các ông sẽ bị thất bại vì người trưởng xa phát giác tàu bị đánh cắp ngay khi vừa ra khỏi ga. Ông ta chạy đuổi theo, trưng dụng cả đầu máy “Texas” để rượt chiếc General này. Nhóm ông vì tốn phí thời gian phá đường rây, cột điện báo, đốt cầu nhưng không có hiệu quả vì thiếu dụng cụ đã phải bỏ tàu trốn chạy lúc tàu hết nước và than củi. Mr. Andrews, ông biết phải làm gì để viết lại lịch sử rồi đó... Ông già hắng giọng... Ah, còn nữa! Nhớ là đừng bao giờ gọi tôi là người Tàu nữa. Tôi là người Việt Nam!

James, tay buôn lậu thuốc ký-ninh trở thành điệp viên quân báo cho tướng Mitchel không cần suy nghĩ nhiều. Hắn im lặng bước tới đội lại chiếc “nón đi biển” lên đầu ông, rồi quay qua ra lệnh cho tay cộng sự gọi thêm người mau chóng tìm cách lén lấy thêm nước, củi và chờ hiệu lệnh để báo cho toán biệt động còn trốn trong hai toa hành khách. Gã còn lại dáng người nhỏ thó, hắn cúi lấy chiếc súng lục trong xách đồ nghề nhét vào lưng trong lúc lắng nghe người trưởng toán xuống giọng thì thầm.

- Đừng quên cái đồn lính với 300 “Johnny Reb” (2) cách đây không xa nha các ông. Súng nổ là “bể” hết.                                                                                                                 

Nghe lão già cười khẩy rồi nói khơi khơi, James quay lại nhìn dò hỏi. Ông kéo hắn đến nép bên cửa sổ, chỉ tay về nơi ăn uống quanh hiên ngoài khách sạn.

- Người hói đầu mặc đồng phục “W. & A. Railroad” (Western and Atlantic Railroad)  vừa ngồi xuống bàn ăn là trưởng xa William Fuller. Ông ta là một Đại úy Confederate. Tôi tin là người ngày có mang súng trong người. Xa nơi góc hiên, cô gái tóc vàng ngồi một mình... James gật đầu nhìn theo hướng tay chỉ... ông nhìn là biết ai rồi. Tôi nghĩ, nếu trả công hậu hỉ, cô ta có thể cấp kỳ làm một món ăn sáng khác hấp dẫn ngài đại úy quên cả ngày giờ.

James đồng ý. Hắn đưa cho người cộng sự một số tiền lớn với lời dặn.

- Đưa trước tiền cho cô ta, nhưng phải dọa cho ả ớn xương sống nếu không dắt được ông đại úy vào phòng thì sẽ bị bắn.

Còn lại hai người trong phòng máy, sự chờ đợi làm không khí nặng nề hơn. James đứng ngồi không yên, mắt dán về phía khách sạn. Ông già ngồi nặn óc nhớ lại những chi tiết của cuộc săn đuổi xe lửa suốt gần 90 dặm, hết cả 8 tiếng đồng hồ, 155 năm trước.

- Có vài điều ông nên ghi nhớ. Lịch sử đã đánh giá nguyên nhân gây ra việc không đủ nước và than củi cho chiếc General có thể chạy qua khỏi Chattanooga là do ông đã quyết định dùng nhiều củi cố gắng đốt cháy cây cầu có mái bắt qua sông Oostanaula phía nam của Resaca. Mưa nhiều từ vài ngày trước khiến ông tốn củi mà chẳng đốt được gì. Ngoài ra việc cắt không kịp dây điện báo ở Dalton nên Confederate đã nhận được điện tín của Fuller và sắp súng dàn chào “Andrews’ Raiders” ở Chattanooga. General bị chết máy ở cột cây số 116.3 gần Ringgold cách Chattanooga 18 miles, nhưng cho dù tới được nhóm ông cũng chẳng thể nào trốn khỏi thiên la địa võng.

James vẫn nhìn qua cửa sổ canh nhìn cô gái đã bỏ chổ lân la ngồi cùng bàn với người trưởng xa.

- Biết sao bây giờ? Cướp tàu để phá đường tiếp tế của tụi Confederate chứ đâu phải để chạy hóng mát. Hắn cười... Ông vẫn chưa nói về số phần của chúng tôi mà?
- Không phải tôi muốn phê phán ông. Điều nói ra chỉ thuần là lịch sử. Hi vọng nó sẽ giúp ông chuyển hóa được phần lịch sử ông đóng góp, kể cả cái chết của tám người trong nhóm. Trên tất cả là hàng vạn lính hai miền phải chết cho ba chiến trường ở Chattanooga từ tháng Bảy 1862 tới tháng Mười Một 1863. Và nhất là những quyết định chiến trường đẫm máu ở Atlanta và Savannah, dẫm lên tro tàn và xác người mà đi của tướng Sherman vào năm 1864 với cả thành phố Atlanta bị thiêu rụi. Nếu thành công, cuộc đột kích lần này sẽ giảm thiểu những con số khủng khiếp đó, kể cả khả năng rút ngắn 1,2 năm của toàn cuộc Nội chiến tàn bạo.

Hai người bổng ngưng bặt cuộc đối thoại. Họ vừa trông thấy Bill Fuller rời bàn ăn theo cô gái đi khuất vào bên trong khách sạn. Người cộng sự có nhiệm vụ theo dõi cô gái cũng vừa tách khỏi đám đông thực khách, hắn loắt choắt bước vội về toa máy chiếc General. Nhận được hiệu lệnh của James, hắn vụt biến về phía toa hành khách.

Chỉ vài phút sau, hai người cộng sự hấp tấp nhảy lên phòng máy. Gã nhận lệnh lấy thêm củi, nước hào hển báo cáo.

- Đã lấy thêm nước, củi thì không bao nhiêu vì phải đi xa sợ bị lộ. Hai toa hành khách đã được tách rời. Anh em thì chia nhau lên ba toa chở súc vật êm thắm cả.

James gật đầu.

- Hunkey Dorey! Mọi việc vậy là ngon lành rồi! Hai anh bắt đầu “nổi lửa” lên là vừa.

Ông nhìn James, xúc động bất ngờ.

- Chúc các anh may mắn! Điều cần nói tôi đã nói ra hết rồi. Hi vọng sẽ giúp các anh thành công. Tôi có ở lại cũng chẳng giúp được gì hơn, chỉ thêm vướng chân tay các anh.

James bảo anh cộng sự nhỏ người lấy ra một bộ thường phục tươm tất, giúp ông mặc che ngoài trang phục “dị hợm” của mình. James lấy chiếc “nón đi biển” bảo ông giấu vào áo khoát, rồi lột chiếc nón của mình đội lên cho ông, sau đó lại nhét vào túi ông một xấp tiền Confederate. Anh ta bước lùi ngắm ngía rồi cười lớn.

- Ông nhìn như là một “Big Bug” (3) miền Nam rồi đó!  

Chiếc General rùng lên, thổi hắt hơi nước lên cao, rú xình xịch. Ông nhảy xuống đất, tai còn nghe James nói với người cộng sự chạy máy, giọng nói trầm vang át cả tiếng máy “All right! Let her go!” Chiếc General ầm ào lăn ra tuyến đường rây trống chạy về hướng Chattanooga.

Ông bần thần đứng nhìn theo chiếc General tỏa khói đen tăng dần tốc độ. Hành khách trên hai toa xe bị tách rời nằm lại trên sân ga kẻ đứng người ngồi nhốn nháo. Một số vào khách sạn ăn sáng thì tất tả chạy ra, chỉ trỏ nhìn ngó ngược xuôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái đầu máy của đoàn tàu. Ông giữ vẽ bình tỉnh chậm rãi đi về khách sạn, lòng mừng thầm không thấy cảnh người trưởng xa Will Fuller nhảy qua bàn, xô đám đông thực khách chạy bộ đuổi theo tàu như trong lịch sử đã viết. Hai nhân viên hỏa xa phụ tá vẫn đang chạy tới chạy lui như gà mắc đẻ, quýnh quáng tìm kiếm. Bước qua đám thực khách đang đứng ngồi bàn tán, ông ngồi vào chiếc bàn trống ở góc hàng hiên có thể nhìn sâu vào hành lang khách sạn. Tay sờ xấp tiền Confederate dày cộm, mắt liếc nhìn bảng thực đơn lớn treo trên tường, ông gọi cho mình một bữa ăn sáng thịnh soạn. Ông đói như cào ruột.

Lúc Bill Fuller vừa mặc chiếc áo khoác đồng phục vừa vội vàng từ hành lang khách sạn chạy ra, ông đã dọn gần sạch đĩa ăn sáng của mình. Chiếc General có lẽ đã chạy được hơn mười phút, ông thầm nghĩ. Trưởng xa Bill Fuller vừa chưởi thề vừa hô hoán lệnh lạc cho thuộc cấp. Một người đi tìm phương tiện chạy gấp về Marietta gửi điện tín cho Dalton và Chattanooga báo cáo chiếc General đã bị đánh cắp, có thể bởi biệt kích Union. Người kia đi tìm gấp một chiếc xe đẩy cần chạy trên đường rây, chờ sẳn ở cổng trại lính McDonald nằm cạnh khách sạn. Bill Fuller sau khi gặp người chỉ huy trưởng xin kỵ binh truy đuổi, sẽ cùng với người phụ tá dùng xe này bắt đầu rượt theo. Ông phỏng đoán lúc này chiếc General có lẽ đã chạy được cả chục dặm rồi. Ông hy vọng lần này kết quả sẽ thay đổi có lợi cho nhóm của James Andrews, nhưng vẫn thán phục nghĩ tới những phản ứng kịp thời và quyền biến của người trưởng xa lúc truy đuổi chiếc General trong lịch sử. Anh ta đã chạy bộ đuổi theo, dùng xe đẩy trên đường rây, nhất là trưng dụng cả chiếc Texas dõng mãnh, lúc đó đầu máy đang hướng về Atlanta. Không có thời gian trở đầu, Bill Fuller đã lái chiếc Texas chạy lui mà rượt cho tới khi chiếc General hết củi, cạn hơi nước mà chết máy.

Khu nhà hàng lúc này đã vãng khách. Một số hành khách của hai toa tàu bị kẹt lại im lặng ăn uống, không còn nhốn nháo như  nửa giờ trước. Ngồi nhìn những giọt cà phê thô đắng vợi nửa trong tách, ông cảm thấy nhớ nhà. Không lo sợ cho số phận, chỉ thuần một nỗi nhớ vô cùng của người đi xa quá lâu chờ trở về nhà. Không khác chi nhiều so với những người khách đăm chiêu ngồi kia, ông cũng đang chờ một con thuyền. Qua thời gian, qua chân không vô cùng.

Từ cuối hành lang khách sạn cô gái rón rén đi về phía nhà hàng. Cô vừa trải qua một phen hú vía. Món tiền quá lớn cọng lời hăm dọa “lạnh xương sống” khiến cô đã tìm đủ mọi cách kéo được ông trưởng xe lửa vào phòng. Cô vận dụng cả “hai vành”, “bảy chữ” lẫn “tám nghề”, kéo dài cuộc “ăn sáng” cho tới mấy giây cuối cùng ông xếp đang hấp hối chết thì có tiếng đập cửa rầm rầm. Bill, chiếc General bị tụi Union bắt cóc rồi! Tiếng báo cáo cấp bách khiến người trưởng xa vùng sống lại vội vã mặc áo quần chạy ra cửa, còn cô thì rùng mình lo sợ hiểu ra cớ sự. Cô cuộn mình nằm nín khe trong chăn, sau một hồi lâu không nghe động tĩnh mới rón rén dậy tắm gội, điểm phấn tô son.

Món tiền hời đang nằm im trong áo ngực đủ để cô thực hiện ước mơ trở về quê nhà ở North Carolina. Cô định đi thẳng ra cửa nhưng ngờ ngợ thấy một ông già người Châu Á trang phục chỉnh tề ngồi một mình ở góc phòng ăn. Cô đã nhìn ra  “grandpa”. Ả cười tươi tắn, quả quyết bước về phía ông.

- Ông nhìn trẻ trung hơn lúc sáng nhiều. Tôi không dám gọi “grandpa” nữa rồi.

Ông mời cô gái ăn sáng.

- Giờ này lẽ ra tôi đang cùng một đám bạn về hưu ngồi lếu láo chuyện trên trời dưới đất tại một quán cà phê ở Duluth. Tôi lại ở đây nên mời cô cho có bạn, nếu không vội.
- Duluth ở đâu vậy?

Nhìn nét mặt ngơ ngác của cô gái, ông cười.

- Xin lỗi. Tôi quen miệng, đúng ra là Howell's Crossing (4), chừng 20 dặm về phía Bắc của Atlanta.

Ngồi nhìn cô gái ăn uống ngon lành, ông gọi thêm cho mình ly cà phê cầm khách.

Ông nâng cao ly cà phê, thấp giọng.

- Chúc mừng cô có được mối lớn sáng nay.

Cô gái hốt hoảng sợ xanh mặt, nhìn quanh. Ông biết mình lỡ lời, vội vàng trấn an.

- Tôi biết chuyện đó, nhưng không hề gì đâu. Tôi chỉ là chứng nhân của lịch sử mà thôi… Ông chép miệng… Và thời gian.

Cô gái vội vàng nghe lời khi ông mời ra ngoài tiếp tục chuyện trò. Bước chân họ tình cờ đi về phía bãi đá hoa cương có cội thông chen mọc xanh tươi. Ông chăm chú nghe cô kể chuyện gia đình, đứa con nhỏ lên ba sống với bà ngoại ở North Carolina đã hơn một năm từ ngày người cha đi lính miền Nam chết trận sớm. Cô bỏ nhà đi lang bạt kiếm sống từ nửa năm qua.

- Lần này tôi có thể về quê sống an lành với gia đình và con trai James. Tôi mừng quá và cũng lo sợ nhiều.
- James hả! Tôi cũng có một người bạn thân tên James Andrews, ở Ohio…

Ông dừng lại chỉ tay về phía cội thông.

- Cô đừng lo. Mọi việc rồi sẽ an bài. Cô nhìn đó, cây thông len qua khe đá hoa cương vẫn  mọc cao xanh tốt cả mấy chục năm.

Bổng dưng ông im bặt, nhìn sửng bãi đá hoa cương với tàng cây trên đó. Vóc dáng cây và mặt đá cuộn sóng nhìn y hệt như khoảnh đá phủ bóng thông ông nằm ngủ trên đỉnh Stone Mountain sáng nay. Một nguồn vui cuộn trào trong toàn thân làm ông choáng váng. Cô gái dìu ông lên ngồi tựa lưng vào cội thông.

- Khi nào thì cô về nhà ở North Carolina?
- Ngay hôm nay. Gặp ông đây xong, tôi sẽ chờ chuyến tàu đi Atlanta trưa nay.

Ông rút xấp tiền dày cộm trong túi áo ra trao hết cho cô gái.

- Nói với James, một người bạn của mẹ tặng cho cháu.

Cô gái cầm tiền, nước mắt rưng rưng, ấp úng lời cảm ơn.

- Còn ông? Lúc nào thì ông về nhà.
- Sau khi ngủ một giấc ngon lành dưới cội thông này, tôi sẽ về lại nhà.

Ông vẫy tay chào lần nữa lúc cô gái quay lại bịn rịn nhìn ông. Buổi sáng lên cao. Mặt trời nở hoa tưới ánh hồng lên hàng cây bằng lăng trước nhà ga. Khoảng trời trong xanh bao la ríu lại, đôi cánh bướm chập chờn giấc mộng trang sinh.

oOo

Hình như có tiếng bà vợ lay ông thức dậy.

- Thiền sư bửa ni lên non ngủ say quá! Ngủ cả giờ, trưa trật rồi. Nè,  uống miếng nước đi rồi sửa soạn xuống núi cho kịp giờ Starbucks. 

Thì ra chỉ là một giấc chiêm bao.

Phan Thái Yên


  1. Lính Union miền Bắc
  2. Johnny Reb: Lính Confederate                                                                         
  3. Big Bug: người quan trọng, tiếng lóng thời Civil War
  4. Howell’s Crossing là tên cũ trước 1870 của Duluth

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017