SỐ 75 - THÁNG 7 NĂM 2017

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 Chương 13

Trên chuyến xe buýt trở về nhà từ phòng mạch bác sĩ, điều kỳ lạ nhất đã xảy đến với Mariam. Nhìn nơi nào, nàng cũng thấy màu sắc tươi sáng: từ những chung cư bê tông xám xịt, những cửa hàng mái thiếc, đến dòng nước sình lầy dưới cống. Như thể một chiếc cầu vòng đã hòa tan trong mắt nàng.

Những ngón tay đeo găng của Rasheed gõ nhịp trong khi anh ngâm nga một bài hát. Mỗi lần xe qua ổ gà, đổ giật về phía trước, tức thì bàn tay anh chụp lên bụng nàng để bảo vệ.

“Thế còn Zalmai?” anh hỏi. “Tên đó hay chứ.”
“Nếu là con gái thì sao?” Mariam bảo.
“Tôi nghĩ con trai. Nhất định con trai.”

Có tiếng xì xào vang lên trên xe, vài người hành khách đang chỉ chỏ gì đó và mấy người kia chồm tới để nhìn.

“Nhìn kìa,” Rasheed nói, ngón tay gõ lên kính xe. Anh đang mỉm cười. “Kia kìa, thấy không?”

Trên đường, Mariam nhìn thấy người ta đang dừng lại. Tới chỗ đèn giao thông, những gương mặt thò ra khỏi cửa xe để ngẩng lên nhìn cái chất mềm mại đang rơi xuống. Mariam tự hỏi tại sao trận tuyết đầu mùa lại mê hoặc người ta như thế nhỉ? Phải chăng vì đó là cơ hội nhìn thấy một cái gì trong sạch, chưa bị dẫm nát? Hay vì được chứng kiến sự khởi đầu duyên dáng và chóng tàn của một mùa mới, một khởi đầu đáng yêu, trước khi nó bị chà đạp và băng hoại?

“Nếu là con gái,” Rasheed bảo, “mà chắc chắn là không rồi, nhưng, nếu là con gái, thì em có thể chọn bất cứ cái tên nào em muốn.”

Sáng hôm sau, Mariam thức dậy trong tiếng cưa và tiếng búa. Nàng choàng chiếc khăn lên người và bước ra khoảng sân ngập tuyết. Trận tuyết nặng nề đêm qua đã dứt. Giờ chỉ còn chút ánh sáng le lói và vài bông tuyết đùa nhột má nàng. Trời lặng gió và có mùi than đốt. Thành phố Kabul im lặng lạ kỳ, phủ một màu trắng xóa, đây đó những làn khói mỏng ngoằn ngoèo bay lên.

Rasheed đang ở ngoài kho và đang đóng đinh một tấm ván gỗ. Thoạt nhìn thấy nàng, anh đưa tay lấy cái đinh ngậm ở miệng ra.

“Ðịnh dành cho em sự ngạc nhiên. Thằng bé sẽ cần một cái cũi. Chính ra em không được nhìn thấy trước khi tôi làm xong.”

Mariam thật không muốn anh đặt quá nhiều hy vọng đó sẽ là một đứa bé trai. Càng sung sướng vì có thai, nàng càng cảm thấy sự kỳ vọng của anh đè nặng lên nàng. Ngày hôm qua, Rasheed đi ra ngoài rồi trở về nhà với một chiếc áo choàng mùa đông bằng da lộn cho bé trai, bên trong áo lót bằng da cừu mềm mại, tay áo thêu chỉ lụa mịn màu đỏ, vàng.

Rasheed nhấc một miếng ván dài và hẹp lên và bắt đầu cưa làm hai. Anh nói cái cầu thang làm anh lo. “Mai mốt, khi nó bắt đầu biết leo trèo, phải sửa cái cầu thang.” Cái bếp lò cũng làm anh lo lắng, anh bảo. Tất cả dao nĩa cũng phải cất chỗ khác để nó không với tới được.  “Cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ. Con trai nó phá lắm.” Mariam kéo khăn choàng quấn quanh người cho đỡ lạnh.

Sáng hôm sau, Rasheed nói muốn mời bạn bè đến dùng bữa tối để ăn mừng. Suốt buổi sáng, Mariam rửa đậu lăng và ngâm gạo. Nàng thái từng miếng cà tím mỏng để chiên, nàng xào bo-rô với thịt bò băm để làm nhưng bánh hấp. Nàng quét nhà, đập màn, mở cửa cho thoáng, dù bên ngoài tuyết lại bắt đầu rơi. Nàng xếp đặt nệm và gối dọc theo tường trong phòng khách, đặt mấy chén kẹo và hạnh nhân rang lên bàn.

Chiều tối, Mariam về phòng mình trước khi người khách đàn ông đầu tiên tới. Nằm trên giường, nàng nghe những tiếng cười đùa nổi lên dưới nhà. Nàng không ngăn được hai bàn tay đưa lên bụng. Nàng nghĩ đến cái thai đang lớn dần trong đó, và niềm hạnh phúc ùa vào như cơn gió lốc thổi tung cánh cửa. Mắt nàng chợt ướt.

Mariam nhớ đến cuộc hành trình bằng xe đò dài sáu trăm năm mươi cây số cùng với Rasheed từ Herat ở phiá Tây gần biên giới Iran, đến Kabul ở tít phía đông. Họ đã đi qua bao nhiêu thị trấn, nhỏ có lớn có, và biết bao những làng mạc cứ xuất hiện hết cái này đến cái khác. Họ đã vượt qua bao núi non và sa mạc cháy bỏng, đi từ tỉnh này tiếp sang tỉnh khác. Ðể bây giờ nàng ở đây, bên kia những núi đá và những ngọn đồi khô cằn đó, trong ngôi nhà của riêng nàng và với người chồng của riêng nàng, hướng về điểm đến cuối cùng mà nàng hằng ấp ủ: được làm mẹ. Ȏi nàng sung sướng biết bao mỗi khi nghĩ đến đứa con này, đứa con của nàng, của hai người. Tình thương nàng dành cho nó ngay từ giờ đã biến tất cả những tình cảm nàng có từ trước tới nay trở thành nhỏ bé tầm thường. Nàng biết từ nay mình không cần chơi trò những viên sỏi nữa.

Dưới nhà, có ai đó điều chỉnh cây kèn ạc-mô-ni-ca. Rồi tiếng búa đập để lên dây cặp trống tabla. Có người hắng giọng, rồi có tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay, tiếng hò và tiếng hát.
Mariam vuốt ve cái bụng mềm mại của mình. Chỉ lớn bằng cái móng tay, ông bác sĩ đã nói. Mình sẽ là mẹ, nàng nghĩ. “Tôi sẽ là mẹ,” nàng thốt lên. Rồi cười một mình, và lập đi lập lại để tận hưởng từng chữ một.

Mỗi khi nghĩ đến bào thai trong bụng, tự nhiên trái tim Mariam nở ra. Tim nàng căng dần,  căng dần, cuốn trôi đi tất cả những mất mát, buồn đau, cô đơn và tự kỷ của nàng. Ðây là lý do tại sao Thượng đế đưa nàng đến đây, xuyên khắp các nẻo đường để đến đây. Bây giờ nàng đã hiểu. Nàng nhớ đến một câu trong kinh Koran ông giáo già Mullah Faizullah đã dạy: Và Allah là phương Ðông và là phương Tây, do đó nơi nào con đến cũng do tiền định bởi Allah. Nàng trải tấm thảm cầu nguyện của mình ra và quỳ xuống đọc kinh. Xong, nàng đặt úp hai bàn tay lên mặt và cầu xin Thượng đế cho nàng đừng đánh mất tất cả những điều may mắn này.

Ði tắm ở ngoài nhà tắm tập thể, là ý của Rasheed. Mariam chưa từng đến nơi đây bao giờ, tuy nhiên theo lời anh nói thì không có gì thú vị cho bằng bước ra và hít thở hơi lạnh đầu tiên để nghe hơi nóng bốc lên từ da thịt.

Bên nhà tắm đàn bà, những bóng phụ nữ tới lui trong hơi nước bốc lên quanh Mariam, chỗ này lờ mờ một cái hông, chỗ kia một bờ vai. Tiếng the thé của mấy đứa con gái, tiếng làu bàu của mấy bà lớn tuổi, và tiếng nước chảy nhẹ trong bồn tắm vang dội giữa bốn bức tường trong khi mọi người chà lưng hay gội đầu. Mariam ngồi một mình trong một góc xa tít, chà gót chân với cục đá nhám, hơi nước bốc lên thành bức tường che cách nàng với những bóng người đi qua.

Rồi bỗng nhiên thấy máu và nàng hét lên.

Có tiếng chân lạch bạch trên nền đá ướt. Những gương mặt chăm chú nhìn nàng qua làn hơi nước. Tiếng chặc lưỡi.

Khuya hôm đó, nằm trên giường, Fariba kể với chồng rằng khi bà nghe tiếng khóc và vội vàng chạy lại thì thấy vợ của Rasheed co rút vào một góc, hai tay ôm đầu gối, dưới chân là một vũng máu.

“Cô bé đáng thương run như chiếc lá, răng đánh bò cạp ai cũng nghe.”

Bà kể, lúc Mariam nhìn thấy bà, nàng hỏi to giọng khẩn thiết, Bình thường mà, phải không? Phải không? Có phải bình thường không?

Lại một chuyến đi xe đò với Rasheed. Tuyết lại rơi. Rơi rất nhiều lần này. Thành từng đống trên vỉa hè, trên nóc nhà, thành từng mảng trên những thân cây dại. Mariam nhìn thấy những người bán hàng đẩy dẹp tuyết trước cửa tiệm của họ. Một đám con trai đang đuổi theo con chó đen. Chúng vui vẻ đưa tay vẫy theo xe đò. Mariam nhìn qua Rasheed. Mắt anh nhắm. Anh không còn hát ngâm nga nữa. Mariam ngả đầu và cũng nhắm mắt lại. Nàng muốn cởi bỏ đôi vớ lạnh, cởi cái áo len ẩm ướt đang châm chích da thịt nàng. Nàng muốn ra khỏi chiếc xe đò này.

Về đến nhà, Rasheed lấy mềm đắp cho nàng khi nàng nằm trên chiếc ghế dài, nhưng cử chỉ có vẻ gượng ép và chiếu lệ.

“Trả lời như thế là thế nào?” anh lập lại lần nữa. “Ðó là một câu nói có thể chờ đợi từ một giáo sĩ. Ðằng này mình trả tiền cho bác sĩ thì chính ra phải nhận được câu trả lời khá hơn là  ‘ý Trời’ chứ.”

Mariam co hai chân lên bên dưới chiếc mền, và bảo anh nên nghỉ ngơi một chút.

“Ý Trời,” giọng anh sôi lên.

Anh ngồi trong phòng mình và hút thuốc suốt ngày.

Mariam nằm trên ghế dài, bàn tay kẹp giữa hai đầu gối, theo dõi từng cơn lốc tuyết bên ngoài cửa sổ. Nàng nhớ có lần mẹ nàng bảo mỗi bông tuyết là một tiếng thở dài của người đàn bà buồn khổ ở đâu đó trên cõi đời này. Rằng tất cả những tiếng thở dài đó bay lên trời và kết thành mây, để rồi vỡ tan thành hạt li ti âm thầm rơi xuống trên những người dưới thế.

Như để nhắc nhở rằng thân phận đàn bà chúng ta khổ như thế đó, bà nói. Rằng chúng ta chỉ biết âm thầm chịu đựng mọi bất hạnh đổ xuống đầu chúng ta.  

Chương 14

Mariam ngạc nhiên vì nỗi đau vẫn tiếp tục đến. Chỉ cần nàng nghĩ đến cái nôi làm dở dang để ngoài kho, hay cái áo choàng bằng da lộn cất trong tủ quần áo của Rasheed, là đứa bé tức thì sống lại và nàng nghe cả tiếng nó khóc nhè đòi bú. Nàng còn cảm thấy nó hít ngửi ngực nàng. Nỗi đau dâng tràn, hất tung nàng lên rồi ném nàng xuống. Nàng sửng sốt bởi không ngờ một người chưa hề gặp gỡ lại có thể làm nàng quay quắt nhớ đến thế.

Rồi có những ngày nỗi buồn không đến độ tàn nhẫn. Những ngày nàng không quá mệt mỏi, khi nghĩ đến việc phải tiếp tục nếp sống cũ, những ngày không phải cố gắng kinh khủng mới ra được khỏi giường, mới đọc kinh, giặt quần áo hay nấu được bữa cơm cho Rasheed.

Mariam rất ngại đi ra khỏi nhà. Bỗng nhiên nàng cảm thấy ganh tị với những phụ nữ có nhiều con trong xóm. Có người đến bảy, tám đứa con mà không hề biết họ may mắn như thế nào có những đứa con lớn dần trong bụng họ, trong vòng tay họ, bằng dòng sữa của họ. Những đứa con họ không xuất huyết mất đi và bị nước xà bông cùng những dơ bẩn từ thân thể những người xa lạ cuốn trôi xuống cống ở một nhà tắm công cộng nào đó. Mariam phẩn uất khi nghe họ phàn nàn về những đứa con trai hư hỏng và con gái lười biếng của họ.

Có một tiếng nói trong đầu nàng cố gắng xoa dịu nàng bằng những lời an ủi tuy có ý tốt nhưng thật sai lầm. Con sẽ có những đứa con khác, nếu trời cho. Con còn trẻ. Chắc chắn rồi con sẽ có nhiều cơ hội khác.

Duy có điều sự đau khổ của Mariam không phải vô cớ hay mơ hồ. Nàng khóc thương cho đứa bé này, cho riêng đứa con này, vì nó đã một lúc khiến nàng hạnh phúc biết bao.

Có những hôm nàng lại tin rằng hài nhi kia là một ân phước nàng không xứng đáng để nhận, rằng nàng đang bị trừng phạt bởi những điều nàng đã làm đối với mẹ. Có phải nàng đã chẳng khác nào thắt sợi dây thòng lòng vô cổ mẹ nàng đó hay sao? Những đứa con phản  trắc không xứng đáng được làm mẹ, và đây là hình phạt xứng đáng. Trong những cơn mộng mị thất thường, nàng thấy hồn bà Nana lẻn vô phòng nàng ban đêm, thọc bàn tay móng vuốt sâu vô mình nàng và cướp con nàng đi. Trong những giấc mơ này, bà Nana cười to đầy sảng khoái và hả hê.

Rồi có những hôm khác, lòng nàng đầy giận dữ. Lỗi của Rasheed vì đã ăn mừng quá sớm, vì đã điên rồ tin nàng sẽ sinh con trai, vì dám cả gan đặt tên trước như thế, vì đã không biết ơn Thượng đế. Là lỗi của anh, đã bắt nàng đi đến nhà tắm công cộng. Có cái gì ở đó, hơi nước, nước bẩn, xà bông, một cái gì đó đã gây ra chuyện này. Không. Không phải Rasheed, chính nàng mới là người đáng trách. Nàng giận mình đã nằm ngủ sai thế, đã ăn quá nhiều gia vị, đã ăn ít trái cây, đã uống nhiều nước trà quá.

Là lỗi của Thượng đế, đã trêu chọc nàng như thế, đã không ban cho nàng cái điều ngài đã ban bố cho biết bao người phụ nữ khác, đã treo nhử nó trước mắt nàng, rồi lấy nó đi mặc dù biết đó là điều sẽ mang đến cho nàng hạnh phúc to lớn nhất.

Nhưng có ích gì đâu, tất cả những sự quy tội này, tất cả những lời buộc tội dai dẳng cứ vang dội trong đầu nàng. Nghĩ như thế tức là xúc phạm thần thánh. Allah không thù hận. Ngài không nhỏ mọn. Bên tai nàng văng vẳng lời nói của thầy giáo già Mullah Faizullah: Phúc thay Ngài là Ðức Toàn Năng, Ngài tạo cái chết và sự sống để thử thách con. Ðầy cảm giác tội lỗi, Mariam quỳ xuống cầu xin tha thứ.

Trong khi đó, có sự thay đổi nơi Rasheed kể từ ngày xảy ra chuyện ở nhà tắm chung. Gần như tối nào về đến nhà, anh hầu như không nói chuyện nữa. Anh ăn cơm, hút thuốc rồi đi ngủ, thỉnh thoảng trở lại phòng nàng vào lúc nửa đêm cho một cuộc giao hợp nhanh và gần đây thật thô bạo. Giờ đây anh dễ hờn dỗi, dễ trách móc đủ chuyện từ bữa cơm đến sự bề bộn ngoài sân hay thậm chí những chỗ dơ nhỏ nhặt trong nhà. Họa hoặn lắm anh mới dẫn nàng đi một vòng phố vào ngày thứ sáu, như anh vẫn làm trước đó, tuy nhiên trên vỉa hè anh đi nhanh và luôn luôn trước nàng mấy bước, chẳng nói năng gì, cũng chẳng màng đến Mariam phải gần như chạy mới theo kịp. Những dịp đi chơi đó, anh cũng chẳng còn cười đùa nữa. Anh không còn mua kẹo hay quà cho nàng, không còn dừng lại để nói tên từng chỗ cho nàng biết như anh vẫn làm trước kia. Nếu nàng có hỏi thì chỉ làm anh bực mình.

Một buổi tối, hai ngươi đang ngồi nơi phòng khách nghe ra-dô. Mùa đông đang dần kết thúc. Ðã dịu rồi những cơn gió lạnh cóng thổi tuyết dán vào mặt làm chảy nước mắt. Từng nhúm tuyết bạc đang tan dần trên những cành cây du cao, và chỉ vài tuần nữa thôi, thay vào đó sẽ là những nụ xanh mơn mởn. Rasheed đang lơ đãng nhịp chân theo tiếng trống của một bản nhạc, mắt nhiú lại vì khói thuốc.

“Anh giận em hả?” Mariam hỏi.

Rasheed chẳng nói gì. Bản nhạc chấm dứt và đến phần tin tức. Một giọng phụ nữa tường thuật rằng tổng thống Daoud Khan lại vừa gởi trả một nhóm cố vấn Liên Xô cho Mạc Tư Khoa, trước sự bất bình của điện Cẩm Linh.

“Em sợ anh giận em.”

Rasheed thở dài.

“Anh có giận không?”

Anh đưa ánh mắt nhìn nàng.

“Tại sao tôi lại giận?”
“Em không biết, có điều từ khi em bé…”
“Em nghĩ tôi là loại đàn ông như thế à, sau tất cả những gì tôi đã làm cho em?”
“Không đâu. Không phải thế.”
“Vậy thì đừng chọc tôi nữa!”
“Em xin lỗi anh, Rasheed. Em xin lỗi.”

Rasheed nghiền nát điếu thuốc và đốt điếu khác. Anh mở ra-dô lớn lên.

“Em nghĩ như vầy nhé,” Mariam nói lớn để át tiếng nhạc.

Rasheed lại thở dài, lần này có vẻ khó chịu hơn, và một lần nữa vặn âm thanh nhỏ xuống. Anh đưa tay xoa trán một cách mệt mỏi.

“Gì nữa đây?”
“Em nghĩ có lẽ mình nên chôn cất em bé đàng hoàng. Chỉ hai người mình thôi, và vài lời cầu nguyện, thế thôi.”

Mariam đã suy nghĩ khá lâu về việc này. Nàng không muốn quên đứa bé này. Nếu bỏ qua mà không đánh dấu sự mất mát này bằng một cách nào đó có ý nghiã lâu dài, thì thật là không phải.

“Ðể làm gì? Thật là ngu ngốc.”
“Em nghĩ sẽ làm cho em cảm thấy dễ chịu hơn.”
“Thì em làm đi,” anh gắt lên. “Tôi đã chôn một đứa con trai rồi. Tôi không chôn đứa nữa đâu. Bây giờ, xin để tôi yên, cho tôi nghe ra-dô.

Anh lại mở âm thanh lớn lên, ngả đầu ra sau và nhắm mắt lại.

Một buổi sáng có nắng trong tuần đó, Mariam chọn một chỗ ngoài sân và đào cái lỗ.

“Nhân danh Allah và Thiên xứ của ngài, người được Ngài ban phước lành và bình an,” Mariam thì thầm cầu nguyện trong khi vừa cuốc đất. Nàng đặt chiếc áo bằng da lộn Rasheed mua cho em bé xuống lỗ và lấp đất lại.

“Ngài biến đêm thành ngày và Ngài biến ngày thành đêm. Ngài đem lại sự sống từ cái chết và Ngài đem lại cái chết từ sự sống. Ngài ban sự sống cho những ai Ngài muốn, không tính toán.”

Dùng lưng cán cuốc, nàng đập nhè nhẹ, rồi nàng ngồi xổm bên nấm mồ và nhắm mắt lại.

Xin Allah ban sự sống.
Xin ban cho con sự sống.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017