SỐ 75 - THÁNG 7 NĂM 2017

 

VÔ QUỐC TỊCH

Ngọc Cân

Bên phải là hòn lớn, hòn bên trái nhỏ hơn, ghe nhắm giữa hai hòn. Mọi người râm ran không biết bên nào là Bi đông. Gió nhẹ, mặt trời đổ ngay sau gáy, ấm. Hưng được giao vô-lăng giữ ga nhỏ. Niên dặn:

- Không tăng ga, không bẻ lái.

Làm như Hưng không nghe được, biết tiếng mình khản nên Niên ra dấu.
Niên và Sơn đứng trước mũi nhìn xéo xuống phía trước. Sơn nói:

- Nước xanh, không nhảy, chắc không đá.
- Ừ thì … phòng hờ… không lý thua ở đây…

Có nhiều tiếng la:

- Bi đông! Bi đông! Kia kìa kia kìa!
- Chắc chắn là Bi đông. Có cái xe buýt vàng dài dài đậu kìa…
- Có phải Sài gòn đâu mà xe buýt vàng ông nội. Chắc chắn là Bi đông Bi đông.

Tất cả nhìn về phía trong của hòn lớn, tiếp sau mỏm đá doi cao là bải thấp, có hình cái gì đó chữ nhật mà không phải cây hay đá, màu trắng vàng. Trong nữa là cây, nhiều, cao vút. Ghe xoay mũi thẳng tới, tiếng máy rộ mừng. Niên nói:

- Sơn lên… lái… chắc nó rồi… cặp …. khoan tấp. Nhìn rõ… hẵng tính… Thằng Hưng … quá đã!
- Đừng nói thằng Hưng, cho em em cũng kéo hết ga. Ông bà ơi! Ba má ơi!

Niên cười:

- Dám thì cứ làm … muốn Bi đông … hay bi đát…

Đã thấy như có mái nhà khuất sau rừng cây của mỏm. Đã thấy dãi cát dài, mé nước của một khoảng thung lũng, toàn dừa. Đã thấy cái xe buýt là một ngôi nhà dài nằm sát bải, hàng quán gì đó. Đã thấy cầu tàu. Hai cầu tàu. Nhìn phía trái có những mái nhà fibro màu xanh lục, to nhỏ khác nhau, cao thấp khác nhau. Cảnh vật vừa thiên nhiên vừa nhân tạo. Thanh bình. Người ta chỉ chõ, tranh nhau chọn nhà nào mình sẽ ở. Có vẻ như ai cũng nghĩ mình sẽ được cưng vì đã chết đi sống lại.
Tiếng Sơn:

- Dzô à nhe! Ngon ăn quá anh Hai!

Tiếng hô đồng loạt:

- Dzô đi dzô đi… người đang ùa ra kìa, đông dữ a!

Sơn quay ghe ngang, chạy vô để cặp dọc cầu tàu dài, có nhà chòi mé ngoài.

Người trên bờ đông như kiến. Tiếng ồn của họ lan tới ghe. Lao xao tiếng Việt. Nghe rõ vì trên ghe không ai cười nói gì. Máy sáu mà nghe nổ rời từng xy-lanh như mõ gõ dồn. Trên sàn cầu tàu, bên cạnh nhà chòi, một người to cao, mang đồ lính, ra hiệu không cho cặp. Mấy quân nhân khác chạy ra cầu tàu thứ hai, vẫy tay kêu vô. Cầu tàu này cũ kỹ. Sơn đưa ghe qua, rướn vừa tầm để Niên quăng dây đỏi lên cho người lính. Đằng lái, người đàn ông có chai rượu thuốc, cầm một đầu đỏi khác nhảy lên cầu tàu, té nhủi, dập đầu xuống sàn. Anh ta lồm cồm đứng dậy, thu dây cột vô cầu, rồi lại quỳ úp mặt, vai rung, hình như trán anh ta loáng máu. Người lính cột dây đằng mũi xong, nhìn xuống buồng máy ra hiệu. Máy tắt phựt. Trong một phút không ai nhúc nhích nói năng gì; rồi tiếng kêu nhau, tiếng bước chân lần leo lên cầu. Có vài quân nhân tới phụ đỡ họ, có mấy người da trắng xuống cầu tàu đứng nhìn.

Lên cầu không ai đi vững. Có người say đất hay yếu quá phải ngồi lại một lúc, chờ dìu đi. Niên bước lên, tay cầm hải bàn và hải đồ, đứng một chặp rồi chập choạng đi. Một người da trắng to lớn hỏi gì đó Niên không nghe rõ. Niên hỏi lại nhưng không nghe mình nói gì. Người đó cười cười, gật gật. Ông chỉ vào mình nói chậm “tôi là người Canada. Đây là Malaysia. Mừng các anh đến nơi an toàn” và đưa tay bắt. Niên phản xạ đáp “Cám ơn ông… Tôi là … người … Việt Nam …”. Tiếng phát ra vừa đục vừa nghẹn. Ông ấy vỗ mà như muốn quàng vai ôm Niên. Ông ấy nghĩ là mình cần an ủi?

Một người đàn bà tới gần Niên, nói:

- Họ dẩn mình đi đâu đây thầy Hai?
- Tôi đâu … có biết …
- Tội nghiệp hôn, thầy tắt tiếng rồi hả… Ước gì ở đây có giá, tui nấu nước cho thầy Hai uống.
- Không sao… vài bữa … hết…
- Thầy Hai … cám ơn thầy lái đi tới nơi về tới chốn…
- Ơn nghĩa gì….
- Lại còn rủa xả thầy … tui thiệt… già không nên nết… thầy Hai đừng chấp nhe thầy…
- Thím đừng … suy nghĩ… chi…tổn thọ tui.

Lính Mã làm hàng rào không cho đám người Việt qua trước tới gần đám mới lên. Họ chen nhau nhìn từng khuôn mặt đang được dẩn đi ngang. Người ta cười, giỡn, nói, ghẹo, hỏi lung tung:

- Từ đâu qua dzậy?
- Coi giống Việt Cộng quá hà!
- ĐM mới tháng trước mày cũng quá cha Việt Cộng, bây giờ mày giống Chà.
- Em gái, em gái, nhìn qua này…coi được trai hôn…
- Em có mang xoài theo không em, bên nay sẵn nước mắm đường cát trắng.
- Ghe hải quân dỏm của Tư Hớn Cái Răng hả?
- Rạch giá qua hả?

Bên đám ghe mới, vừa chú ý đi vừa nghe. Trong đám thủy thủ có người còn ngóng cổ hỏi lại:

- Ai hỏi Tư Hớn đó? Tui em dợ anh Tư đây!

Thế là lính Mã dang tay không cho hai ông thần này phá rào nhận nhau. Anh kia len trong đám người đứng, theo cho được với Tài:

- Sao nghe đánh lâu rồi mà không thấy tới! Tưởng mấy ông tiêu rồi!
- Hai lần ra gặp giông lớn, hụt. Ở đây có lai rai gì không?
- Tụi nó cấm. Chui được mà nhậu là tụi nó bắt nhốt mâng-ki-hao.
- Bộ Diệc cộng sao!

Người lính Mã, nghe mâng-ki-hao thì cười, làm mặt nghiêm đe thêm:

- Yes, yes, monkey house… no good!

Lính Mã đưa cả đám vào ngồi trên sàn xi-măng của một ngôi nhà dài. Nửa nhà nơi họ ngồi tràn ra sân không vách, nửa kia có vách kín chỉ có một cửa ra vô, ở khoảng đó có kê nhiều băng bàn ghế. Một số nhân viên người Việt phát mẫu giấy cho người ta lên ngồi điền hô sơ nhập trại. Đồng thời một số người khác đi vòng quanh phát cho mỗi người một chén mì sợi nóng. Đàn ông được thêm hai điếu thuốc.

Từ trong khung cửa lúc nào cũng khép, nhân viên ra vô hướng dẫn khai hồ sơ ban đầu. Cũng là một loại khai lý lịch. Họ gom những tờ điền xong đem vô trong đó. Chỗ nào sai hay khai không rõ thì họ ra kêu sửa, hay thêm câu hỏi bổ túc bằng chữ viết tay. Có ai trong đó đọc và bôi màu vàng chỗ phải làm lại. Bên mình chưa thấy thẩm vấn kiểu cầu vồng này. Khi có những câu hỏi thêm họ đưa giấy trắng để viết hay vẽ bản đồ minh họa. Vậy mà đến chiều Niên còn được hẹn ngày mai tái ngộ. Người ta cũng đồng thời bôi lên đầu mọi người thuốc trừ chấy rận gì đó.

Bên ngoài hàng rào của khu vực này, đồng bào lui tới dòm ngó. Tuy cách xa và không cho tiếp xúc, người ta vẫn tìm cách hỏi thăm qua lại.

Đến chạng vạng thì coi như xong. Nhân viên đến dẩn về văn phòng điều hợp trại để phân phối về các khu, các nhà. Lúc này người cũ mới tha hồ lạo xạo. Có anh làm như xe ôm gạ khách “Chị Tư về đâu chị? Chợ Cá hả? Chợ Thiếc hả?  Đừng đón xe lam, lâu lắm! Nhà chị mấy người, tui tôi chở Honda chị về”. Những dãy nhà tơi tả hiện ra phía trước. Đâu đâu cũng toàn là người, từng dề từng dề. Họ cười nói rân vang. Họ tản bộ từng cặp. Rồi đoàn người kiệt sức chia nhau theo từng nhóm nhỏ đi theo người thiện nguyện viên về nhà ở của mình. Khung nhà thì còn nguyên nhưng vách đố thì rách nát vá víu, không khác gì mấy xóm nhà sàn ở Sàigòn. Giữa đường đi là một rảnh nước đúc xi-măng, cơm trắng dồn từng mảng. Nhìn thắt ruột.

Niên và một ông có đem theo thằng con, được chia về một căn gác khu B, nhà dưới đã có hai người đàn ông. Hai người nói tên mà Niên không nhớ liền. Bụng chỉ nghĩ tới những dề cơm đọng ngoài mương. Nằm lăn ra sàn không biết trời đất.

oOo

Cơm chiều xong cha con người cùng ghe xuống biển chơi. Niên ngồi hút thuốc phía trước với hai người chung nhà, thầy Thuộc và ông Tâm. Từ trên giốc khu F, Sơn và anh Bảy Tạo thả bộ xuống, tấp tới. Anh Bảy hỏi:

- Nghe nói ông thầy đi làm trên trường?
- Ở không làm gì … anh Bảy có biết Anh văn lên nhận vài lớp cho vui.
- Có mấy chữ mà dạy gì, chờ vài bữa họ kêu xếp lớp đi học thì đi.

Sơn nói:

- Em cũng vậy. Anh Hai làm gì mà ở trên đó suốt ngày?
- Xin làm cai làm thư ký ban ngày vì trên đó có bàn ghế và quạt máy, tính học Anh văn vậy mà cố vấn kêu dạy một lớp tối, cũng nhận đại rồi. Ở đây ai biết một thì dạy người chưa biết. Miễn là cố vấn ok.
- Tối nay anh Hai bắt đầu chưa?
- Tuần sau. Thầy lớp đó chưa rời đảo.

Anh Bảy Tạo ghé tai Niên:

-       Tốt rồi, mình lai rai liền đi… ém cái chai mấy ngày sợ bể quá!
-       Trời đất! anh Bảy! Thiệt giỡn?

Anh Bảy Tạo không nói, bá vai hai ông kia kéo vô trong nhà. Niên không nghe họ nói gì. Bảy Tạo theo chân ông giáo Thuộc lên gác. Ông Tâm bước ra, bưng thêm bình nhôm và cái ly nhựa, nói:

- Hai người lên gác đi. Tui bịnh cữ, ra đây canh. Nghe hất bình nước là biến.

Niên để gói thuốc lại cho ông Tâm, dẩn Sơn lên gác.

Phía trước của gác chỉ đóng gỗ lên non thước, trên để trống. Bảy Tạo ngồi dựa vào thành gỗ xoay vô. Ba người ngồi một hàng xoay ra trời, cùng nhìn anh Bảy Tạo rót hết chai rượu ra 4 ly nhựa, tất cả khoảng hơn 2 xị. Thầy Thuộc đem chai đi dấu đâu đó rồi quay lại. Niên hỏi:

- Sao anh Bảy giữ được chai rượu?
- Hôm lên bờ họ chỉ thu dụng cụ hải hành, tiền bác Hồ...
- Nhưng họ kêu lôi hết ra cho họ xét, cái nào cho giữ thì mới giữ.

Sơn nóng ruột:

- Nhấp cái rồi nói chuyện.

Ông giáo Thuộc nhắc:

- Uống từng người như uống nước, đừng cụng.

Ai cũng khà một cái. Trời tối. Chuột chạy chí chóe, dưới ngõ cũng như trên sàn. Anh Bảy Tạo nói:

- Tôi đã nghe xứ này cấm rượu. Hôm đó tôi nói với anh thanh niên làm thiện nguyện soát xét, thằng lính Mã đứng chỉ huy gần đó có nghe cũng đếch biết “Trong lưng quần qua còn dấu chai rượu thuốc. Từ ngày cải tạo về tối nào không uống một chung là qua không ngủ được. Tùy lượng chú em”.

Thầy Thuộc vỗ tay:

- Thằng nhỏ trúng chiêu này chới với là cái chắc.
-  Dân vượt biên đâu có thằng nào chậm tiêu. Y ta nhìn trán tôi dính máu, một thoáng tái mặt và một cái ực chạy dọc cần cổ, rồi nói rất bình thường “Chú đứng lên để xét người”, đưa hai tay vuốt thật sát trên nách, mà lại thoáng xuống dưới, ra dấu thông qua. Đúng ra phải kiếm chú nhỏ…

Niên nói:

- Anh nghĩ nó khủng hoảng hay nó thương hại?
- Ông thầy à, nước mắt quê hương, thắc mắc chi cho mệt. Dzô đi!

Họ râm ran trò chuyện, đa phần là người cũ bày người mới mấy cái mánh để khỏi bị xù, bị ngâm.
Sơn hỏi thầy Thuộc:

- Nhà này có chai ớt dầm không?
- Chú đừng nhắc thêm thèm, giá gấp đôi bao thuốc cán đó. Uống khan vầy cũng quá đã rồi. A nầy, mấy chú làm thẻ tị nạn chưa?

Niên nói:

- Tị nạn mà thẻ gì?
- Ậy! Quan trọng còn hơn chứng minh nhân dân.

Vừa nói thầy Thuộc vừa lôi ra cái thẻ bọc nhựa nhỏ. Họ chuyền tay dùng bật lửa nhá lên coi. Ai cũng nói “chỉ vầy thôi sao!”. Hình, tên, mấy số, mấy chữ. Sơn dí ngón tay vô một chữ, hỏi:

- Cái chữ này là gì?

Thầy Thuộc nói:

- Ông thầy Anh văn nói thử coi?

Niên nhìn chỗ ngón tay của Sơn, ngập ngừng:

- Cái này … hồi đó… hồi đó người mình không ra ngoại quốc nên không cần biết … thực ra nó nói là người này không thuộc quốc gia nào hết…là ‘vô quốc tịch’.

Thầy Thuộc nói:

- Hồi đó mình hay nói ‘vô tổ quốc’ chớ còn là gì nữa!

Anh Bảy Tạo nói như la:

- Sao nặng nề quá vậy, thầy Thuộc!

Sơn phụ họa:

- Cái này hơi quá đáng a nhe.

Thầy Thuộc nói chậm:

- Hành chánh sự vụ nó bắt phải vậy. Cao ủy với Mã Lai họ xếp loại như vậy là hên cho mình. Đã vô tổ quốc thì không trả mình về cho Việt cộng. Mấy nước giàu, thế giới tự do mới cho mình tới. Sơn, chú mày muốn đi Mỹ đi Úc hay về Việt Nam!
- Đang vui mà buồn ngang. Chỉ là chạy trốn tụi nó thôi mà! Trăm phần trăm đi mấy ông anh.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017