SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

Aurore NhẬp NgŨ

Chiếc xe luồn lách, chạy lòng vòng không gặp một bảng dừng, một ngọn đèn đỏ nơi các ngã đường. Sau nhiều lần quẹo trái, bẻ phải trong con phố hãy còn mê ngủ, chiếc xe chầm chậm tấp vô lề đường, ngừng ở dưới gốc một cây sao già đã rụng lá bên dãy tường cao và dài màu vàng cỏ úa. Trên tường chằng chịt dây kẽm gai sắt bén nối liền các vọng gác. Mặt trời chưa lên. Bóng những con chim đen nhỏ hồn nhiên an giấc trên hàng dây kẽm, nổi bật trên nền trời xám, vẽ một bức tranh đen trắng tĩnh mịch.

Aurore là người cuối cùng trong số bốn người từ trên xe bước ra. Họ lặng lẽ đi thật nhanh để tránh cái lạnh của sương mai, hướng về một quán cà phê độc nhất ở bùng binh một ngã tư đường, nơi có một vòi nước phun cao làm cảnh, thứ trang trí thừa thãi thường gặp ở những quốc gia giàu có. Lúc đi ngang qua cánh cổng sắt màu xám khép kín, trong lúc chân vẫn đều nhịp bước, bốn cái đầu không hẹn đều cùng lúc quay về phía tấm bảng lạnh lùng với hàng chữ to tướng như đập vào mắt “Lycée Militaire D’Aix-En-Provence”. Ngày chưa bắt đầu. Vắng lặng. Trong khí lạnh đặc quánh đầu ngày, một chiếc xe vụt qua để lại sau lưng làn khói xám mỏng và đám lá khô trên đường quyến luyến đuổi theo.

Khi đã vào bên trong quán, bốn người chọn một chiếc bàn rộng ngay giữa căn phòng ấm áp.  Còn sớm. Nhiều bàn trống. Ngoại trừ mấy ông già có vẻ khách quen chiếm mấy cái ghế cao trước quầy đang xù xì bàn chuyện chính trị với người pha rượu, xung quanh chỉ có vài chiếc bàn là có khách. Nicolas gọi cà phê, trà và mấy chiếc bánh sừng trâu cho mọi người. Khi người hầu bàn mang ra những thức đã gọi, anh hướng về Aurore, nói, pha một chút hóm hỉnh: “Nào, Aurore, hớp một chút đắng cay như một quân nhân coi nào”. Tức thì, con bé ngỗ nghịch khua chiếc muỗng vào thành tách phát ra những âm thanh leng keng, đồng thời bằng một thái độ thách thức, nó cố làm ra vẻ một người sành điệu, rất “đầm”, đưa tách cà phê lên môi ngụm một ngụm nhỏ. Xong, Aurore lim dim đôi mắt, rồi ngã người ra thành ghế gật gù: “Parfait!”. Hương trà pha lẫn mùi cà phê nồng nàn mùi vị của một buổi sáng vùng thôn dã. Chị Lucie ngồi đối diện con bé tỏ vẻ ái ngại cho cái thái độ người lớn bất chợt. Chị nhấm nháp tách trà, nghiêm nét mặt, thỏ thẻ: “Không nhất thiết phải như vậy”. Rồi chị quay qua với mọi người, nói khẽ: “Thôi, đừng ép nó. Với tôi cô ta vẫn còn bé bỏng như hôm qua. Còn đến cả tiếng đồng hồ nữa nó mới bước qua cánh cổng.” Lúc này thì Sylvie cười ồ: “Nhưng, má có biết rằng là một người lính mà ngay cả cà phê cũng chưa hề nếm thì không lấy gì làm phiêu lưu cho lắm”. Dứt câu, Sylvie hất hàm cho mọi người cùng nhìn về phía bên kia phòng, nơi vệt nắng sớm hong khô màn sương mờ trên mặt kính, nói: “Sẽ không còn cơ hội để chăm sóc nữa như người mẹ tội nghiệp kia.”  Mọi người cùng nhìn về hướng cửa sổ, nơi đó hai mẹ con ngồi trầm ngâm, tư lự, trong cố gắng cuối cùng tranh giành với thời khắc để trao gởi chút nồng ấm bên hai tách cà phê bốc khói. Người mẹ, tuổi chừng năm mươi, mân mê đôi bàn tay cậu con trai ngồi đối diện. Mắt bà nhìn con lặng lẽ một cách trìu mến khôn cùng. Thỉnh thoảng, bà vỗ nhẹ lên bàn tay con mình, miệng thều thào: “Mọi việc rồi cũng sẽ êm đẹp con ạ.” Đôi mắt anh ta bất chợt trở nên long lanh: “Vâng, con hiểu”, cậu nói khẽ như tuồng lớn tiếng sẽ làm lời trở thành nghẹn ngào vỡ tan cái không gian ngà ngọc: “Khi hết tuần huấn nhục con sẽ thư về mẹ.” Rồi hai mẹ con cùng đứng lên, rời chiếc bàn trên đó hai tách cà phê chưa cạn vẫn còn nằm nguyên vẹn trong vị thế ban đầu lúc người hầu bàn mang đến.

Theo cánh cửa mở toang, hơi lạnh lùa vào làm mọi người tỉnh táo để biết rằng phút chia tay đã đến. Nicolas cất vào túi chiếc điện-thoại-cầm-tay, nhắc nhở: “Nào, chúng ta cũng đi thôi!”. Mọi người đồng loạt đứng ngay dậy như họ chỉ ngồi đây để đợi chờ cái giây phút cuối cùng này. Tiếng bàn ghế xê dịch nghe lao xao.

Hôm nay Aurore mặc chiếc áo ngắn tay màu đen, quần bó, đi giày thể thao; cõng trên lưng là một túi đeo cồng kềnh loại ba lô của những tay du lịch “bụi”. Cô túm gọn mái tóc mây nâu chải ngược về sau, cột thành lọn như đuôi gà để chui ra ngoài chiếc mũ đánh banh; lọn tóc đong đưa theo từng nhịp bước. Nét mặt con bé hồn nhiên. Những bước chân sáo khẳng khiu nhảy nhót trên con đường tương lai vô định trải ra trước mặt.

Aurore vừa tròn 18 tuổi. Con bé mới vừa rời ghế nhà trường tuần rồi. Đậu tối ưu trong cả hai lần thì tú tài, cô được thành phố vinh danh tưởng thưởng trong một dịp lễ tuyên dương ngắn gọn dưới một độ nóng khủng khiếp, có thể nung chảy mỡ đám du khách nằm vật vờ phơi thân trên bãi biển. Trong bữa tiệc khoản đãi Aurore về thành tựu học đường mà nhà hàng đã cho ghép sáu cái bàn vào nhau mới đủ chỗ cho tất cả thành viên của gia đình và đám bạn, khi được hỏi về hướng đi trong tương lai, Aurore đã làm mọi người ngạc nhiên: “Tôi muốn gia nhập quân đội, làm một bác sĩ trong Hải Quân”.  Mọi người đều toát mồ hôi, nổi cơn nóng lạnh khi nghe cô tú cao giọng lập lại câu phát biểu xanh rờn kia. Người ngạc nhiên đến độ sửng sốt về lời tuyên bố “nguyên tử” này không ai khác hơn là bà Lisa. Bà nuốt vội con hàu tươi trong miệng, rồi chụp lấy ly rượu trắng ực một ngụm lớn cho trôi qua cuống cổ, nói: “Cố có nghe rõ không đây. Cháu chỉ là cây tăm, không phải cây tre. Tướng cháu làm sao mà vào lính?” Cả bàn tiệc, như không lường được lời nói nặng ngàn cân, lập tức cười ồ thích thú như thể vừa được ăn vừa được xem giải trí thay vì nghe một người rống cổ the thé qua chiếc máy karaoke. Trong lúc mọi người coi nhẹ lời phát biểu của Aurore, chỉ có mỗi một người cho đó là một phán quyết nghiêm túc: Aurore. Dĩ nhiên!

Phóng lao thì phải theo lao. Để phát triển thể chất nhằm bảo đảm vững chắc hoài bảo của mình, cả mùa hè năm rồi con bé đã nhất quyết hạ thủ công phu tập dượt những món trong bộ môn điền kinh, kể cả leo núi. Năm giờ sáng khi nhóm người lao công mới bắt đầu công việc dội nước làm sạch sẽ con đường Meyerbeer, nó đã lúp xúp chạy. Cặp đùi chim hồng hạc mỏng manh phóng vùn vụt trên hè phố chen lấn với đám du khách, những người lắm bạc nhiều tiền lúc nào và bất cứ nơi đâu cũng nghĩ mình luôn phải được tiếp đón nồng hậu và ưu tiên vì bề dày nổi cộm của cái túi. Sáu giờ sáng gió biển lùa vào từ hướng khách sạn Negresco chưa kịp nguội thành phố, những cô “mannequin”, người mẫu bên kia cửa kính các gian hàng thời trang còn chưa được diện những bộ đồ hàng hiệu độc quyền mới xuất hãng, Aurore đã bắt đầu chạy. Aurore chạy xuống phố cảng từ căn gác 15bis, ngõ hẻm vừa khai trương một tiệm ăn tên Maison Blue của một cặp vợ chồng người Ý, vòng thẳng ra đại lộ Promenade des  Anglais, nơi hãy còn chứng tích của thù hận trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Phá Ngục Bastille vừa qua. Chạy cho đến lúc mặt trời ló lên từ bến tàu bên kia Phố Cổ đâm thẳng vào cặp mắt kiếng to tròng nó mới vòng lại bãi biển trở về nhà; không quên tấp vào một tiệm bánh trên đường lấy một cây bánh mì ốm tong và chút phô ma cho bữa ăn sáng. Chương trình cải tiến cơ bắp được Aurore tự vạch ra và theo sát một cách hoàn hảo, không ngưng nghỉ. Theo người xưa, một lời đã nói ra trăm ngựa không theo kịp, nhưng Aurore thì đã bắt gặp phần đầu của giấc mơ và quyết đi theo lựa chọn của riêng mình. Tiếc thay, lựa chọn nào cũng có hy sinh đi kèm. Ngày ông phát thơ mang giấy gọi nhập ngũ trên có đóng dấu Bộ Quốc Phòng đến nhà, những người hiện diện trong bữa tiệc hôm nọ  không có mặt để bị sững sốt, chỉ người trong gia đình là như cùng thất kinh vì một tiếng sấm sét nổ giữa trưa hè.

Những ngày tháng ngập tràn âu lo theo sau đó đã biến mọi người thành ít nói. Im lặng ác nghiệt dần dần phủ trùm cả căn gác, cái nôi hạnh phúc của bốn thế hệ trong mấy chục năm qua. Thế nhưng đường đời thì cũng phải bắt đầu một nơi nào đó. Chẳng phải những con chim con rồi cũng lần lượt rời tổ khi biết bay sao?

Từ cái buổi sáng khi ông Henry đột ngột bỏ lại chiếc cần câu cá, đơn độc, thong dong ra đi vĩnh viễn về miền tịch lặng dưới bóng những cây olive cằn cỗi trong nghĩa trang thành phố, căn nhà chỉ còn ba người đàn bà và một con bé. Bây giờ nhân số trong sổ bộ gia đình này lại sắp bớt đi một miệng ăn, một thất bại khó tha thứ cho lời hứa mà những người trong gia đình này đã gần như thề thốt rằng sẽ giữ mãi không phân ly cho dù dưới bất cứ lý do gì. Họ đã thành công trong việc duy trì hình ảnh và di vật của người ra đi: chiếc cần câu cá; tấm ảnh ông Henry cười mãn nguyện do một nhà báo địa phương chụp khi ông bắt được một con cá to quá khổ; chiếc ghế nhún ông ngồi xem những trận bóng tròn giải Âu Châu; chai rượu thoa bóp ngâm theo một toa thuốc bí truyền (chắc chắn không phải loại trường sanh bất tử). Tất cả vẫn còn đó, nhưng con bé mà ông Cố thường cõng trên vai mỗi khi nũng nịu sẽ rồi đây vắng nhà và trên chiếc cầu thang có lối đi hẹp, xoắn ốc, sẽ không còn nghe được tiếng bước chân đi nhanh nhẹn dập dồn.

Sylvie, mẹ của Aurore, lặng lẽ xếp lại những bộ quần áo cho vào ngăn kéo. Hơn cả tuần nay cô ta đã bỏ khá nhiều thì giờ đi mua sắm --cái thú tiêu dao khá tốn kém nhưng khó chối từ của Sylvie--những vật dụng cần thiết cho đứa con gái độc nhất kết quả của một cuộc tình ngắn ngủn thời cắp sách. Cho dù giờ đây thuyền đã thay bến đổ, có Nicolas tiếp hơi, nhưng trước cái cảm giác đứa con thân yêu sắp rời tổ ấm, cô chỉ còn đủ nghị lực để gom góp những kỷ niệm gợi nhớ vào cái túi hành trang lẫn lộn trong đó có mấy bao mì gói, vị bò cay của Đại Hàn, cho con bé mang theo ngày lên đường nhập ngũ. Còn Chị Lucie, bà ngoại của Aurore, dù tuổi vừa qua sáu mươi, mình không chiếc bóng, nhưng dáng dấp anh sĩ quan áo trắng hào hoa phong nhã của thời mới biết yêu vẫn thấp thoáng khi ẩn lúc hiện trong cái đầu dày đặc những món ăn cần thay đổi trên thực đơn nhà hàng gia đình mỗi thứ Hai. Có lẽ vì vậy mà chị trở thành hồ đồ mỗi khi nghĩ đến nguyên nhân nào đã thúc đẩy Aurore muốn vào quân ngũ. Chị nghĩ nhiều đến nhân quả. Niệm gì thì được nấy! Nhiều lúc Chị nhìn con bé một cách ái ngại và hình như qua nó chị thấy rõ cái karrma của cuộc đời chị, một quá khứ vẫn còn dằn vặt dai dẳng trong tâm tư.

Riêng bà cố Lisa thì trong đêm nước mắt cứ âm thầm chảy ròng. Cái máy trợ tim nhỏ bằng hai ngón tay nằm sâu dưới lớp bì già bất chợt xài qúa nhiều năng lượng để điều hoà nhịp cảm xúc. Bất chấp lời khuyên của bác sĩ, bà uống nguyên một viên thuốc an thần để giữ lòng bình thản. Bà đã nhiều lần kềm lòng tự chế, không để cảm xúc nổi loạn, tiễn đứa cháu tội nghiệp đã bao năm bà bảo bọc chở che, từ lúc còn bé đỏ hoe đến đầy đủ lông cánh. Tuổi tác và cái máy điều tim bên dưới làn da đã không cho bà vượt trăm dặm đường chỉ để cảnh đưa tiễn xúc động tái diễn.

Và những điều đó giải thích vì sao hôm nay Aurore và những người thân cận nhất trong đời con bé đã có mặt tại cái thị trấn dân số không hơn 150 ngàn  buồn hiu tẻ lạnh này...

Cánh cổng sắt nặng nề bây giờ mở rộng. Hai người lính bên trong hai vọng gác nét mặt nghiêm nghị, tay liên tục như những người máy chào thượng cấp trên những chiếc xe quân đội màu xanh lá ô liu vượt qua cánh cổng. Aurore và người thân cũng theo vào sau một thủ tục khám xét vắn tắt. Đằng sau vọng gác mở ra một khuôn viên rộng như một quãng trường vĩ đại, chung quanh là những toà nhà cao ngất ngưỡng với tường vôi vách đá và mái ngói đỏ cổ kính. Chính giữa sân đứng sừng sững, cao vút một trụ cờ to tướng, trên đó bay lất phất lá cờ “Tam tài” ba màu xanh, trắng, đỏ.

Mặt trời đã ló dạng. Tiếng giày đinh nghiến dòn trên lối sỏi theo những bước chân đồng bộ lạnh lùng cứng ngắc của một đội lính đi qua. Những đôi giày chưa đánh đúng độ bóng, những bộ đồ trận còn nếp ủi thẳng băng chưa một lần bò lết. Tất cả hãy còn trẻ, mỏng manh  như những bông phượng trong sân trường. Những đôi mắt nhìn xa xôi, những gương mặt kiên nghị còn bóng dáng học đường và mộng mơ thấp thoáng. Lời ca quân hành vang vọng một góc sân quân trường.

Đám tân bình mới nhập hôm nay lần lượt được gọi tên và chia ra từng nhóm nhỏ. Nhóm của Aurore đi theo một người lính già. Lucie, Nicolas và Sylvie chẳng kịp nói hết lời chia tay. Họ chỉ đủ thì giờ đặt lên má Aurore những nụ hôn giã biệt trìu mến, gởi theo những hứa hẹn thầm thì. Với chiếc túi cồng kềnh trên lưng, Aurore vẫy tay âm thầm chào người thân, rồi lầm lủi bước theo người lính khô khan ít nói về hướng những ngôi nhà có đôi cánh cửa đóng kín im lìm. Nó không hề ngoảnh lại, tuồng như quay lại sẽ làm bịn rịn, chần chừ. Hơn nữa, chẳng phải người đời vẫn thường nói sau lưng là quá khứ và tương lai luôn luôn ở phía trước mặt sao? Nói cho cùng thì thái độ dứt khoát đôi khi lại là một quyết định được dùng để che dấu sự mềm yếu. Có thể con bé đang tận dụng chiêu thức cuối cùng này.

Sáng nay họ đã vượt trăm dặm đường trước khi thành phố cựa mình trở giấc. Lúc đó, những con đường nhộn nhịp không một bóng người đi, cao ốc kín cửa, hàng dừa dọc con đường Promenade des Anglais ủ rủ thất vọng vì ngọn gió mặn từ đại dương chưa về. Chỉ bóng tối và chiếc xe của họ đua với những chiếc xe tải hàng cồng kềnh đen đủi trên con đường cao tốc dài lê thê, trong lúc trên xe, cái im lặng ngàn cân vẫn bủa quanh trước giờ phút đang đếm ngược. Và bây giờ, những điều muốn nói thì đã mất rồi cơ hội bộc lộ.

Tiễn người ngàn dặm cũng đến lúc phải chia tay. Cho đến khi bóng dáng con bé khuất sau hàng cây cuối sân, ba người mới đi ngược trở ra, không ai nói với ai một lời. Cánh cổng sắt nặng nề khép lại sau lưng chia hai cái thế giới mà mới đây tưởng không hiện thực. Sylvie ngã tựa vào người Nicolas, đôi chân bỗng trở nên yếu đuối. Chị Lucie thì lặng lẽ theo sau, không quên nhìn lại cánh cổng sắt bây giờ đã đóng kín. Khoảng cách từ đây đến chiếc xe đột nhiên dài lê thê và đường về thì còn xa trăm dặm. Chị thở dài nghĩ đến Aurore và giấc mơ của con bé. Trong tâm trạng áo não, Chị thầm thì: “Mong cho Aurore sớm tìm ra điều nó mơ ước.”

Một ngọn gió bâng quơ lạc hướng thổi chiếc lá úa cuối cùng trên cây sao già lảo đảo rơi xuống mặt đường. Mặt trời trên cao hăm hở rọi những tia nắng ấm mong đợi xuyên qua hàng cây trơ trụi lá…

Đường Du Hào
Viết từ Nice, Pháp.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017