SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

Huế Từ Phong Vũ

“Huế Từ Phong Vũ” là tựa đề một bài thơ của Hoàng Xuân Sơn trong tập thơ “Huế  Buồn Chi”.

Tôi mượn lời và ý của bài thơ để dễ dàng đến với Huế, với Đồng Khánh và Quốc Học khi mà tôi đã rời xa nơi chốn thương yêu ấy cũng đã hơn 45 năm. Vậy xin cho tôi được trở lại Huế, làm học sinh của Huế, ngày hai buổi dầm mưa đến trường, áo dài trắng sủng nước, chiếc nón lá phập phồng muốn bay. Rét mướt và ướt át, thế mà sao lại thấy quá vui và ấm áp? Có lẽ vì trên con đường Lê Lợi ấy lũ lượt bầy con gái Đồng Khánh và lũ con trai Quốc Học, rổn rảng nói cười hay e ấp kéo vành nón để che dấu đôi mắt vương tơ khi có một chàng Quốc Học đạp xe qua với ánh nhìn lung linh sương khói.

Nhớ Huế, nhớ trường học là nhớ mùa mưa bão lụt lội. Sung sướng nhất là tin mưa gió nặng nề, Đập Đá ngập nước, học sinh được về sớm… để rồi con đường học trò ấy đón nhận bầy con gái áo trắng tuôn ra từ các cổng trường như những cánh bướm chập chờn tung bay…

“Khi những cành cây gió đổi chiều
Tôi về nghe nặng bước xiêu xiêu
Hỡi ơi mưa gió là phong vũ
Mà suốt đời em tôi đã yêu.”

Hoàng Xuân Sơn gọi Huế dấu yêu một thời Đồng Khánh Quốc Học với tiếng “em” ngọt mềm, với tình yêu và nỗi nhớ khôn nguôi. Ngày xưa tôi yêu tiếng “em” của Vũ Thành trong “Giấc Mơ Hồi Hương” khi nhạc sĩ giã từ Hà Nội. Tiếng gọi “em Hà Nội” đẹp và tình như nỗi bịn rịn của người Hà Nội khi phải rời xa thành phố dấu yêu của trai thanh gái lịch. “Nhìn em mờ trong sương khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời, lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly…”

Hoàng Xuân Sơn đã làm sống lại nhạc tình muôn thưở của một nhạc sĩ tài danh. Cám ơn Hoàng Xuân Sơn đã cho tôi trở về Huế, về với Đồng Khánh Quốc Học trong một cuộc tình lỡ “Tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.”

Cựu học sinh Quốc Học bây giờ đi tở mở khắp nơi. Các bạn cựu học sinh Quốc Học trong nước muốn gom lại những mảnh tình cho Huế, cho Quốc Học thành một khối tình của cái thời mới lớn, lãng mạn và đẹp nhất trong suốt cả cuộc đời để ghi dấu vào một tập san, mở rộng níu kéo bạn bè từ khăp nơi viết về Huế, về Quốc Học với những dấu ái khó quên…

Cô Diệu Trang dặn viết với chủ đề Quốc Học. Thật quá khó cho lũ con gái chúng tôi vào đầu thập niên 60, vì chúng tôi chỉ có một năm học cuối cùng ở đó. Lớp Đệ Nhất Quốc Học là niềm mơ ước của lũ học trò Đệ nhất cấp, của Đệ Tam và Đệ Nhị. Đàn anh, đàn chị mà! Quá oai!

Trước chúng tôi, các lớp đàn chị được học Quốc Học đến 3 năm vì Đồng Khánh chưa có cấp 3 Tú Tài. Sau lớp chúng tôi 3 năm, các cô đồng Khánh đàn em không phải rời Đồng Khánh, không được qua Quốc Học học chung với con trai, vì Đồng Khánh đã trưởng thành, lớn mạnh, có đủ thầy, cô, và học trò cho lớp Đệ Nhất.

Vào Đệ Nhất Quốc Học sau khi đã trầy vi tróc vảy để đậu được cái bằng Tú Tài bán của năm Đệ Nhi Đồng Khánh, chúng tôi đã phải vạch chương trình cho học hành, chăm chỉ.

Phải đọc nhiều sách, tham khảo nhiều bài giảng được các Thầy, Cô nghiên cứu, giảng dạy và in thành sách. Cho nên năm Đệ Nhất Quốc Học, chúng tôi đã bớt vui chơi, hết mộng mơ và khép kín trái tim cho Học, Thi đỗ và tìm đường đi vào Đại Học. Chỉ có đỗ đạt mới tiến thân được thôi! Xin chào buồn năm phút, vì chúng tôi đang vào tuổi 17, 18, 19, tuổi của trái tim mới biết rung động, xúc động và cảm động. Biết yêu, biết thích …

Học Quốc Học có nghĩa là chúng tôi lần đầu tiên học chung với con trai sau sáu năm tu hành trong ngôi trường nữ Đồng Khánh. Áo trắng, tóc dài tung bay như bướm lượn dưới các tàng cây phượng xanh um, đỏ ối, hay khẳng khiu của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Đẹp thật nhưng thiếu tình vì thiếu bóng dáng con trai áo trắng quần xanh, tóc ngắn…

Cũng có vài ngoại lệ. Vài bạn trai gái đã biết nhìn nhau, rung động rồi yêu nhau. Đó là những cặp tình nhân đẹp nhất đối với chúng tôi hồi đó. Nhìn họ đi bên nhau, áo trắng nàng bay vướng chân chàng, đôi mắt ướt sủng yêu đương. Nhưng tôi nghĩ họ chỉ dám nhìn nhau, đi bên nhau, và đã để cho đôi tay buồn bã buông thỏng hay ôm chặt cặp sách vào người. Chúng tôi nhìn họ lòng cũng rộn ràng ước mơ. Nhưng thôi hãy khép chặt bờ mi, ngậm ngùi thương tiếc một thời đang đẹp sắp đi qua…

Rồi cũng thi đỗ được Tú Tài 2. Đa số các bạn ở lại học Đại Học Huế. Đã có nhiều phân khoa: Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Luật, Y khoa.

Những đôi nhân tình lại tiếp tục bên nhau trong giảng đường. Đại Học Huế lại bắt đầu đón nhận những tình yêu mới, chững chạc hơn, gắn bó hơn, vì các bạn trai gái đã lớn, đã biết trách nhiệm cuộc đời mình. Họ yêu nhau và cùng nhau nhìn về một hướng. Lại học hành, đỗ đạt, ra trường. Nhưng họ vẫn bên nhau, yêu nhau và nhìn đến một tương lai màu hồng cho một ngày mai…

Bây giờ nhìn lại, dù đi xa hay ở lại trong nước, những chuyện tình Đồng Khánh-Quốc Học đã đơm hoa, kết trái. Ở đâu cũng thấy những cặp “ôn mụ” rất Huế, rất Đồng Khánh-Quốc Học, thành vợ thành chồng, sinh sôi nẩy nở với những đứa con ngoan giỏi, rồi đến các cháu…

Dòng đời xuôi chảy, lũ chúng tôi đã vào tuổi 65, 66, 67. Con cái đã thành thân, thành nhân.

Rồi cũng chồng chồng, vợ vợ, con con… để cho tất cả chúng ta bây giờ đang được làm Ôn Mệ, nội và ngoại.

Tôi không có duyên với Đại Học Huế vì tôi đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn. Anh chị em chúng tôi không thể cứ bám vào người mẹ vất vả kiếm sống nuôi con. Không muốn thivào những ngành nghề Trung cấp thì phải ráng tự xoay xở để vào học Đại Học. Nhiều ưu tư và trăn trở đã làm cho tuổi hoa niên của tôi không còn vui đẹp nữa. Và tôi đã chọn con đường vào học Đại Học Saigon vì ở Saigon tôi có việc làm ở nhà xuất bản Trường Thi. Chị họ tôi đã giúp tôi làm việc cho chị và dạy kèm hai đứa con của anh chị. Nhà xuất bản Trường Thi là nơi đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên có điều kiện học hành, đỗ đạt và được tuyển chọn vào ban giáo sư để soạn bài, ra sách cho học sinh trung học.

Sinh viên Huế học hành vui vẻ, hăng say vì có đôi có bạn, có tinh thần học tập. Xứ Huế nhỏ, gọn và đẹp. Đại Học Huế đã gắn liền được bao cặp tình nhân xuất sắc để rồi khi ra trường thành vợ thành chồng, làm việc giỏi, xây dựng tương lai con cái đàng hoàng, sự nghiêp vững vàng và luôn tiến thân. Tôi có một vài đôi bạn vợ chồng đang là…
Học Đại Học Saigon là vô cùng cô đơn, và tôi đã thấm thía cái cô đơn ấy trong mấy năm.

May mà rồi tôi cũng kiếm được một chàng Quốc Học mà lứa của anh ấy hồi đó là học trò trường Khải Định (Quốc Học sau này). Có được một chàng Huế Quốc Học là yên tâm, nhưng Huế với chúng tôi cứ càng ngày càng xa. Chúng tôi làm việc ở Nha Trang, Đà Lạt và Saigon nên ít có dịp trở lại Huế

“Đời đẩy tôi đi những phố câm
Em biết nơi mô tội nghiệp giùm
Ôi chút phong tình thơ ấu cũ
Là bão tan dần đôi cánh chim”

Càng xa Huế tôi lại càng nhớ Huế và nhớ khôn nguôi hai ngôi trường yêu dấu mà Quốc Học là điểm hẹn cuối cùng của một thời tuổi trẻ.

“Tôi nhớ hơn là chim nhớ mây
Nhớ mùa thu, nguyệt xuống heo may
Nhớ ơi, xa quá… ơi là nhớ
Mưa giọt vô tình trong đêm nay.”

Tôi nhớ bạn tôi, rất nhiều trong ngôi trường lịch sử này. Đáng lẽ tôi vào Đệ Nhất niên khóa 60-61 với Ấu Lăng, Ngọc Trinh, Ngọc Túy, Nhụ Hương, Hoàng Lan, Minh Túy, … nhưng vì hoàn cảnh tôi đã bỏ dở cơ hội. Năm sau, niên khóa 61-62 tôi mới chính thức vào học Quốc Học. Năm trước tôi phải đi xa, vào Saigon lo vài công việc nhà và chữa bệnh đau đầu.

Niên khóa này tôi đã gặp Bích Diễm, Lê thị Hàn, Phước Định, Quyên, Diệu Anh, và một số bạn cũ Phương Thảo, Bích Đào, Nam Trân, Kim Hương, Minh Nguyệt, Xuyến …

Bạn trai cũng khá đông nhưng tôi chưa thuộc tên hết. Tôi nhớ có Phương, Thuận, Bửu Chánh, Bửu Dũng, Tôn thất Dũng, Anh Tuấn … và một vài chú Điệu đi tu học chung.

Đệ Nhất là năm được học môn Triết đầu tiên. Học Đạo đức với một ông thầy trẻ mà tôi đã quên tên, Siêu Hình với thầy Uyên, và Tâm Lý với cô Diệu Trang.

Cô Diệu Trang là một cô giáo trẻ đẹp và mang vóc dáng của tài tử điện ảnh Liz Taylor qua nụ cười đằm thắm và êm đềm. Cô lớn hơn chúng tôi khoảng 3, 4 tuổi và đó là năm đầu tiên cô dạy học. Chúng tôi cũng rất hân hạnh làm lứa học trò đầu tiên của cô giáo trẻ. Cho nên Cô và trò trông ngang nhau.

Có thể có vài chàng trai trong lớp thích Cô, yêu Cô vì tuổi mới lớn lần đầu biết rung động trước một người đẹp, dịu dàng và trìu mến. Bọn con gái chúng tôi đa số cũng rất thích và yêu mến Cô như chúng tôi cũng đã từng yêu quý một vài cô giáo trẻ lần đầu vào dạy Đồng Khánh với lũ nhóc con Đệ Thất, Lục, Ngũ. Tôi vẫn luôn luôn nhớ cô Thanh Tâm, cô Quế Hương, cô Diên Chi, cô Thu Ba, cô Minh Châu …

Giờ học của cô Diệu Trang rất vui vì Cô là người thầy đầu tiên đưa chúng tôi vào môn Tâm lý học. Môn học này giúp chúng tôi biết nhìn ngắm lại mình với cái tuổi 18 quá đẹp - tuổi của lãng mạn, mộng mơ, tuổi chớm biết yêu, biết buồn, biết nhớ …

Nhưng cái bằng Tú Tài quái ác đã triệt tiêu những rung động, tình cảm đầu đời. Tất cả cho học Thi và Đậu để làm nhịp cầu bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Đôi khi buồn quá vì thấy hồn mình đang thiếu thiếu một cái gì nên tôi thường lẩm nhẩm hát bài “Thơ Ngây” để làm dịu lại những rung động đầu đời vì “lắm buồn nhớ bâng khuâng, lắm yêu đương, lắm tơ vương, nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây.”

Và Quốc Học, Đồng Khánh, Huế là người tình đầu tiên của chúng tôi.

Tôi xa Huế từ năm 19, xa trường, xa bạn, và tưởng là cái xa đó quá dài, quá lớn. Thế mà rồi tôi còn phải xa cả Việt Nam vào năm 1990.

Sau năm 1975, tôi đi dạy trở lại sau thời gian làm việc ở Bộ Xã Hội và làm trình dược viên cho một công ty nhập cảng thuốc Tây.

Tôi lại được gặp cô Diệu Trang cũng đi dạy trở lại sau thời gian làm Hiệu Trưởng ở NhaTrang. Tình cô trò bây giờ chuyển sang tình chị em, vì thầy Hồng Giũ Lưu là bạn của anh tôi và chồng tôi. Thầy Lưu còn là thầy giáo Toán của con gái tôi. Con trai Cô Thầy là bạn cùng lớp với con gái thứ hai của tôi. Một vòng tròn thân ái khép kín tròn trịa – như một chút duyên của trùng trùng duyên khởi – thuyết Duyên Sinh của nhà Phật.

Chừng đó đủ cho tôi được trở về với Quốc Học xưa để kết dây thân ái với Thầy Cô bạn bè cựu học sinh Quốc Học Huế ở Saigon. Được xem đĩa DVD mừng Xuân Mậu Tý của cựu học sinh Quốc Học SG, tôi được nhìn lại những khuôn mặt thân quen của Thầy Cô bạn bè làm lòng tôi chùng lại và nhớ ôi là nhớ …

“Mùa đông cứ Huế chao ôi nhớ
Những đứa con đau thắt nỗi nhà
Hỡi ơi cố lý là quê cũ
Áo trắng qua cầu em có qua.”

Hoàng Hương Thủy
J u n e 2 5 , 2 0 0 8

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017