SỐ 76 - THÁNG 10 NĂM 2017

 

A Thousand Splendid Suns 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

 Chương 15

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1978, năm Mariam 19 tuổi, một người đàn ông tên Mir Akhar Khyber bị ám sát. Hai ngày sau đó, ở Kabul xảy ra một cuộc biểu tình lớn. Mọi người trong xóm kéo ra đường bán tán về chuyện đó. Nhìn qua cửa sổ, Mariam thấy mấy người hàng xóm lộn xộn qua lại, trò chuyện sôi nổi với nhau, tai áp sát vô cái ra-dô. Nàng nhìn thấy bà Fariba đứng tựa lưng vô tường nhà bà, nói chuyện với một người đàn bà mới đến ở xóm này. Bà Fariba mỉm miệng cười, tay áp lên cái bụng bầu đã to của mình. Người đàn bà kia, mà Mariam quên mất tên, trông có vẻ lớn tuổi hơn bà Fariba, có mái tóc màu tim tím kỳ cục. Bà ta nắm tay một đứa bé trai. Mariam biết tên thằng bé là Tariq vì có lần nàng đã nghe bà này gọi tên thằng bé như thế.

Mariam và Rasheed không nhập bọn với những người hàng xóm mà ở trong nhà theo dõi tin tức trên ra-dô, trong lúc đó hàng chục ngàn người đổ xô ra đường phố và diễn hành khắp cả khu vực hành chánh của chính quyền Kabul. Rasheed nói Mir Akbar Khyber là một người cộng sản nổi tiếng, và phe ủng hộ ông đổ lỗi cho chính phủ của tổng thống Daoud Khan đã ám sát ông. Khi nói điều đó, Rasheed không nhìn thẳng mặt nàng. Lúc này anh không còn nhìn nàng nữa, cho nên Mariam không biết chắc có phải anh nói chuyện với nàng hay không.

“Người cộng sản là người gì?” nàng hỏi.

Rasheed khịt mũi và nhướng cả hai chân mày. “Cô không biết người cộng sản là gì à? Một điều đơn giản như vậy. Ai cũng biết. Kiến thức phổ thông mà cũng không… Hừ. Không biết sao tôi còn ngạc nhiên.” Rồi anh ta tréo hai chân lên bàn và lẩm bẩm rằng đó là một người tin chủ nghiã Karl Marx.

“Chủ nghiã Karl Marx là gì?”

Rasheed thở dài. Trên ra-dô, một giọng nữ đang nói rằng Taraki, thủ lãnh của nhánh Khalq thuộc đảng PDPA tức đảng Cộng sản A Phú Hãn, hiện đang xuống đường đi tuyên truyền để khích động đám biểu tình.

“Em muốn nói là, những người đó họ muốn gì?” Mariam nói. “Những người cộng sản đó, họ tin gì?”

Rasheed cười to và lắc đầu, nhưng dường như có gì không chắc chắn trong cách anh ta khoanh tay, hai mắt láo liên.

“Cô thật chẳng biết gì cả. Như một đứa con nít vậy. Bộ óc của cô trống trơn. Chẳng có tí gì trong đó.”
“Em hỏi là bởi vì – “
“Im đi.”

Và Mariam im.

Thật không phải dễ cho Mariam khi phải chấp nhận cách Rasheed nói chuyện với nàng như thế, phải chịu đựng sự khinh miệt của anh đối với nàng, sự nhạo báng và những lời miệt thị của anh, cách anh ta chẳng đếm xỉa gì đến nàng, coi nàng chẳng hơn gì con mèo ở trong nhà. Tuy nhiên sau bốn năm chung sống, Mariam đã biết rõ khi người đàn bà đã sợ, họ có thể chịu đựng rất nhiều. Và nàng đã sợ. Nàng sống trong sự sợ hãi vì tính khí của chồng luôn thay đổi một cách nhanh chóng và bất ngờ, vì anh luôn cố ý đưa ngay cả những trao đổi bình thường giữa hai người đến chỗ đối nghịch, mà lúc đó đôi khi anh sẽ giải quyết bằng đấm đá, tát tai và sau đó họa hoặn lắm anh mới có vài lời xin lỗi vô nghĩa.

Trong vòng bốn năm kể từ cái ngày ở nhà tắm tập thể đó, đã có thêm sáu chu kỳ hy vọng để rồi thất vọng, và nỗi mất mát, nỗi suy sụp tinh thần, mỗi chuyến đi bác sĩ càng nghiền nát Mariam hơn nữa. Cứ mỗi lần thất vọng, Rasheed càng trở nên xa cách và căm ghét nàng.

Bây giờ nàng làm gì cũng không vừa ý anh. Nàng lau chùi nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ quần áo sạch sẽ cho anh, nấu những món ăn anh thích. Thậm chí có một lần, thật tai hại, nàng còn mua mỹ phẩm về trang điểm mặt mũi, tưởng sẽ làm anh vui. Nhưng khi anh về, anh chỉ nhìn nàng một cái rồi nhăn mặt với vẻ ghê tởm khiến nàng chạy bổ vô nhà tắm để rửa sạch tất cả, những giọt nước mắt xấu hổ pha lẫn với nước xà bông, phấn hồng và mascara.

Giờ thì Mariam rất sợ khi nghe tiếng Rasheed về nhà vào buổi tối. Tiếng chìa khóa lách cách, tiếng cót két của cánh cửa – là những âm thanh làm tim nàng đập loạn lên. Nằm trên giường, nàng lắng nghe tiếng giầy của anh, rồi tiếng lê chân trần sau khi anh đã cởi giầy. Nàng ghi nhận bằng tai tất cả những gì anh làm: kéo lê ghế trên sàn nhà, tiếng rên rỉ của chiếc ghế mây khi anh ngồi xuống, tiếng muỗng chạm vô dĩa, tiếng lật trang báo, tiếng húp nước. Và trong khi tim nàng đập dồn, trí nàng tự hỏi không biết đêm nay anh sẽ viện lý do gì để kiếm chuyện với nàng đây. Luôn luôn có một lý do gì đó, một việc nhỏ nhặt nào đó để anh điên tức lên, mặc cho nàng có làm tất cả để vừa lòng anh, mặc cho nàng có thuần phục hoàn toàn những nhu cầu và đòi hỏi của anh, cũng chưa đủ. Nàng không thể trả lại cho anh đứa con trai của anh. Trong cái việc quan trọng nhất đó, nàng đã làm anh thất vọng - bảy lần thất vọng – và bây giờ nàng chỉ còn là một gánh nặng mà thôi. Nàng biết điều này qua cái cách anh nhìn nàng, nếu anh có nhìn. Rõ ràng nàng là một gánh nặng cho anh.

“Chuyện gì sẽ xẩy ra?” nàng hỏi.

Rasheed liếc xéo nàng một cái dài và phát ra một âm thanh như giữa tiếng thở dài và tiếng rên. Anh ta bỏ chân xuống khỏi bàn, tắt ra-dô rồi xách nó theo đi lên lầu, vô phòng, đóng cửa lại.

Ngày 27 tháng tư, câu hỏi của Mariam đã được trả lời bằng những tiếng nổ lách tách và những gầm rú dữ dội. Nàng chạy xuống phòng khách và thấy Rasheed đã đứng bên cửa sổ, chỉ mặc áo  lót, tóc rối bù, lòng bàn tay áp vô kính. Mariam tiến đến đứng bên anh. Trên không, nàng có thể nhìn thấy những chiếc máy bay quân sự lướt qua, tiến về hướng Bắc và hướng Ðông. Tiếng động cơ gầm thét làm nàng điếc tai. Xa xa, những tiếng nổ lớn và từng cuộn khói đột ngột bốc  lên.

“Chuyện gì xẩy ra vậy Rasheed?” nàng hỏi. “Chuyện gì vậy?”
“Có Trời biết,” anh lẩm bẩm. Anh thử mở ra-dô nhưng chỉ bị nhiễu sóng.
“Mình làm sao bây giờ?”

Rasheed sốt ruột nói, “Mình chờ”.

Một lúc lâu sau, Rasheed vẫn tiếp tục mở thử ra-dô, trong khi dưới bếp Mariam nấu cơm với nước sốt rau dền. Nàng nhớ lại đã có thời gian nàng rất thích, thậm chí mong đợi, được nấu cơm cho Rasheed ăn. Bây giờ thì nấu nướng đã trở thành một việc nàng làm trong nổi lo sợ lớn. Món thịt hầm lúc nào cũng bị chê là quá mặn hay quá nhạt. Cơm thì quá nhão hay quá khô, bánh mì thì quá mềm hay quá dòn. Rasheed luôn luôn tìm điều gì đó để chê và mỗi lần như thế, Mariam lại buồn rũ rượi và cảm thấy mất tự tin.

Lúc nàng mang dĩa cơm đến cho anh, trên ra-dô đang chơi bài quốc ca.

“Em nấu món rau đậu xốt cà chua,” nàng nói.
“Ðể xuống đó và im mồm đi.”

Khi tiếng nhạc dứt, một giọng đàn ông cất lên.

Ông ta tự giới thiệu là đại tá không quân Abdul Qader. Ông báo cáo rằng sớm ngày hôm đó,  sư đoàn 4 thiết giáp đã nổi lên chiếm giữ phi trường và các nút giao thông trọng yếu trong thành phố. Ðài phát thanh Kabul, các bộ Thông Tin và Nội Vụ, và trụ sở bộ Ngoại Giao cũng đã bị chiếm. Ȏng hãnh diện tuyên bố hiện giờ nhân dân đang làm chủ thủ đô Kabul. Máy bay Mig đã nổi loạn tấn công dinh Tổng Thống. Xe tăng đã đột nhập các cơ sở, và một trận chiến khốc liệt đang tiếp diễn nơi đây. Bằng một giọng trấn an, Abdul Qader nói tất cả lực lượng trung thành với tổng thống Daoud đã bị đánh bại.

Mãi nhiều ngày sau, khi những người cộng sản đã thủ tiêu không xét xử tất cả những người có liên hệ với chế độ của Daoud Khan, khi những tin đồn bắt đầu loan truyền khắp Kabul về những vụ khoét mắt và tra điện bộ phận sinh dục trong nhà tù Pol-e-Charkhi, lúc đó Mariam mới biết được cuộc tàn sát xảy ra trong dinh Tổng Thống. Daoud Khan đã bị giết, nhưng chỉ sau khi quân phiến loạn cộng sản đã giết chết trên dưới hai mươi người trong gia đình ông, kể cả đàn bà và cháu nội ngoại của ông. Cũng có người nói ông đã tự sát, có người nói ông bị bắn hạ trong lúc giao chiến. Cũng có tin đồn chúng bắt ông phải chứng kiến cảnh thảm sát gia đình ông, rồi sau đó chúng mới bắn ông.

Rasheed vặn ra-dô lớn lên và chồm người tới gần để nghe.

“Hội đồng cách mạng lực lượng vũ trang đã được thành lập, và nước của chúng ta từ nay sẽ gọi là Cộng Hòa Dân Chủ A Phú Hãn,” Abdul Qader nói. “Thời đại của giai cấp quý tộc, của chế độ gia đình trị và bất công đã qua rồi, hỡi các đồng chí. Chúng ta đã kết thúc những thập kỷ của độc tài chuyên chế. Quyền lực bây giờ nằm trong tay quần chúng và những người yêu chuộng tự do. Một kỷ nguyên mới huy hoàng trong lịch sử đất nước chúng ta đang bắt đầu. Một A Phú Hãn mới  đã được khai sinh. Chúng tôi xin cam đoan các đồng chí không có gì phải sợ. Chế độ mới sẽ tôn trọng tuyệt đối các nguyên tắc cả Hồi giáo lẫn dân chủ. Ðây là lúc chúng ta phải hân hoan ăn mừng.” 

Rasheed tắt ra-dô.

“Như vậy là tốt hay xấu?” Mariam hỏi.
“Nghe thì có vẻ xấu cho người giàu,” Rasheed bảo.
“Có thể không quá tệ cho mình.”

Mariam nghĩ lan man đến ông Jalil. Nàng tự hỏi không biết cộng sản rồi đây có tìm bắt ông hay không. Họ có bỏ tù ông không? Có bắt mấy người con trai của ông? Họ có cướp doanh nghiệp và tài sản của ông hay không?

“Cơm nóng không?” Rasheed hỏi, mắt nhìn dĩa cơm.
“Em mới xới trong nồi ra.”

Anh ta làu bàu, bảo nàng đưa một dĩa.

Phía cuối xóm, lúc đêm lên đèn bằng những đóm lập lòe đỏ vàng, bà Fariba kiệt sức chống tay ngồi dậy. Tóc bà bê bết mồ hôi và vành môi trên rịn ướt. Ðứng bên giường, bà mụ Wajma già theo dõi chồng và con trai của Fariba chuyền tay nhau hài nhi mới sinh. Họ trầm trồ những sợi tóc vàng, đôi má hồng và đôi môi như nụ hồng còn khép, đôi mắt màu ngọc thạch hé mở sau mí mắt còn sưng của em bé. Họ mỉm cười với nhau lúc nghe tiếng nói đầu tiên của em, một tiếng khóc thoạt đầu như tiếng mèo kêu rồi bùng nổ thành tiếng khóc lớn đầy sức sống như tiếng chó tru. Thằng Noor bảo mắt em bé giống như hai viên ngọc. Thằng anh Ahmad, người sùng đạo nhất nhà kê miệng vô tai em hát vài lời kinh rồi thổi vô mặt em ba lần.

“Vậy lấy tên là Laila nhé?” ông Hakim hỏi, tay vừa ru con.
“Ừ, Laila,” bà Fariba nói, miệng nở nụ cười mệt mỏi. “Dạ Kiều. Hay tuyệt.”

Rasheed nắm một miếng cơm, đưa vô miệng, nhai một lần, rồi hai lần, trước khi nhăn mặt nhổ toẹt ra trên tấm khăn trải dưới đất đặt măm cơm.

“Sao vậy?” Mariam hỏi, và thấy ghét cái giọng như xin lỗi của mình. Nàng cảm thấy mạch nhẩy nhanh hơn và da co rúm lại.
“Sao vậy?” anh ta nhái giọng mèo kêu của nàng. “Mày lại làm nữa chứ chuyện gì.”
“Nhưng mà em có nấu thêm năm phút nữa mà.”
“Nói láo không biết ngượng.”
“Em thề mà –”

Anh ta rẩy bỏ những hộp cơm dính trên ngón tay một cách giận giữ và đẩy dĩa cơm ra, khiến  cơm và nước sốt văng tung toé ra khăn. Mariam nhìn theo anh xông ra khỏi phòng khách, rồi đóng xầm cửa lại, ra khỏi nhà.

Mariam quỳ gối trên nền nhà, cố nhặt những hột cơm bỏ vô dĩa nhưng tay nàng run quá, nàng phải chờ cho bớt run. Một nỗi sợ hãi đè nặng lên ngực nàng. Nàng cố hít thở vài hơi sâu. Bất chợt nàng nhìn thấy hình ảnh nhợt nhạt của mình phản chiếu trên cửa sổ phòng khách giờ đã tối, và nàng vội quay mặt đi.

Rồi nàng nghe tiếng cửa mở và Rasheed trở lại phòng khách.

“Ðứng lên,” anh ta nói. “Lại đây. Ðứng lên.”
Anh ta chụp bàn tay nàng, mở ra, và bỏ một nắm đá sỏi vô đó.
“Bỏ vô miệng mày.”
“Cái gì?”
“Bỏ. Vô. Miệng mày.”
“Ngừng đi Rasheed, em – “

Hai bàn tay cứng mạnh của anh ta tay bóp chặt quai hàm của nàng. Anh ta thọc hai ngón tay vô miệng nàng, nạy miệng ra và nhét những viên sỏi lạnh cứng vô. Mariam vùng vẫy, miệng ú ớ chống cự nhưng anh ta cứ cố nhét sỏi vô miệng nàng, vành môi trên của anh cong lên với một nụ cười khinh bỉ.

“Nhai,” anh ta nói.

Mariam cố ú ớ van xin, trong khi miệng đầy cát và sỏi. Những giọt nước mắt ứa ra nơi khóe mắt.

“Nhai!” anh ta gầm lên, một luồng hơi đầy mùi thuốc lá từ miệng anh đập vô mặt nàng.

Mariam phải nhai. Có cái gì đó trong miệng nàng bể ra.

“Tốt,” Rasheed nói, gò má giựt giựt. “Bây giờ thì mày biết cơm của mày ngon dở như thế nào nhé. Bây giờ mày biết mày đã mang lại cho tao cái gì khi tao lấy mày. Ðồ ăn tồi, không có gì khác hơn.”

Rồi anh ta bỏ đi, để lại Mariam một mình nhổ ra những viên sỏi, và máu, và những mảnh vỡ của hai cái răng hàm.                                   

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017