SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

Bữa Tiệc Cuối Năm

Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Tiêu Đẩu-Nguyễn Bá Trác (1881-1945)

1

Sáng thứ bảy cuối năm trời còn bao nhiêu cơn lạnh như trút hết về thung lủng hoa vàng. Thành phố một màu mây xám đục. Mưa dai dẳng, giăng kín trời, sủng ướt khúc quanh dẫn đến ngôi nhà điểm hẹn, nơi mà tối qua đã có một bữa tiểu yến nhớ đời. Sáng sớm, con đường sáu làn xe trước khách sạn Holiday vắng hoe. Thỉnh thoảng, một chiếc xe hối hả phóng vụt qua -một người đi làm sớm- bắn tung toé nước lên hàng bông giấy, nhớp nhúa mấy luống hoa e dè bên bờ rào còn mang trên người dây đèn và những trang sức mỹ thuật lỉnh kỉnh “Chào Mừng Năm Mới”. Mặc cho giới hữu trách khan cổ kêu gào đừng hoan phí nhiên liệu, cả đêm qua dòng đèn vẫn thức rọi ánh sáng dư thừa vào khoảng không, để nhắc nhở không cần thiết một ngày trọng đại, mà dù muốn hay không ngày đó vẫn đến: Năm Mới! Hai người bạn đi Tiệc Mừng Năm Mới, Hào và Lễ, người đến từ bờ tây, kẻ bến đông, song đôi, co ro trên đường đến điểm hẹn trong cái lạnh ngỡ ngàng của miền đất hứa Silicon, Santa Clara.

Dưới cơn mưa, hai cái bóng, một tròn trịa và một gầy đét, đi như đếm bước theo một khúc nhạc quân hành mệt mỏi sau khi thua trận. Lễ che cây dù, bước chậm chạp như kéo lê cặp chân.

- Mày bị đau chân?
- Ừ.
- Có bao nhiêu chứng bệnh mày định dành hết sao? Tao mới nghe tin mày bị mỗ tim?
- Ừ. Mình già rồi mạy, phải có một lý do   chính đáng để ghi trên giấy “xuất tịch” chớ!

Rồi như biết được chẳng có ai tranh giành con đường phố vắng vẻ vào giờ này, Lễ thoải mái cười lớn tiếng, lớn như cái khổ người của anh ta, kể lể dong dài:

“Thời gian qua mau thiệt hả, Sugar? Mới ngày nào tao và mày còn ở U Minh, giờ lại gặp nhau ở Mỹ. Mau thiệt. Cuộc đời không biết trước đâu mà mò, nghĩ hoài không ra. Tao với mày như có duyên với nhau, Sugar. Gặp nhau trong quân trường, ra trường, nhận đơn vị đầu tiên đến tan hàng, cứ tao đến đâu thì sau đó mày như cũng tìm đến đó. Tao về Thuỷ Bộ tham dự Chiến Dịch Bình Định U Minh được mấy tháng thì mày lù lù xuất hiện ngay lúc chiến trường đang khốc liệt, xác tàu của Giang Đoàn nằm rãi rác phơi dọc trên con Kênh Cán Gáo đục ngàu phù sa. Mày còn nhớ hôm mình đi đổ bộ hai liên đoàn Biệt Động Quân trong Chương Thiện không? Tao cầm cây M79 phóng mấy trái vào bờ không ngờ mắc nhánh cây trên đầu. Đạn nổ, phe ta bị thương. Khi trực thăng vào tải thương, anh BĐQ nhe răng cười với tao, nói một câu nghe thấm thía: “Vậy là ông thầy cho em về ăn Tết rồi, cám ơn nha”. Mẹ, lính tráng khổ thiệt, bất cứ lý do gì để thoát ra khỏi vùng hành quân cũng đều tốt. Mày còn nhớ thời gian mình ở căn cứ Kiên An, khu bến chợ với một hàng hủ tiếu độc nhất? Ngoài việc chờ đến phiên dẫn tàu đi vô Kênh Chín tiếp tế bản doanh sư đoàn ông “Tướng Nón Sắt”, suốt ngày chả có gì để làm. Chiều cơm nước xong, tao với mày tập bắn súng. Bia là mấy con chuột đói chui ra từ ống thoát nước bên bờ con kênh nước lợ. Xong Kiên An.đến Cà Mau, Bình Thủy. Rồi tao đổi ra Hải Đội không lâu thì mày cũng về Cam Ranh lãnh tàu. Thời gian đó thiệt là thần tiên hả, Sugar? Biển xanh um, bãi cát trắng mịn dài ngút mắt. Tao khoái nhất những ngày nghỉ bến. Ban đêm trong cái ánh sáng vàng nhợt nhạt, ngồi trong câu lạc bộ sĩ quan của vợ chồng Trung Uý Hùng, thả hồn theo tiếng bass bập bùng phát ra từ mấy cái loa “bose” quyện trong tiếng rì rào của sóng biển dưới bãi tắm lừ đừ sáng những đợt lân tinh. Thiệt là tĩnh mịch. Nó bình yên vậy mà đất nước lại đang trong chiến tranh đó! Mẹ, tao không thể nào hiểu được!

Mình đi bỏ lại Market Time, bỏ căn cứ đó thiệt uổng. Nhớ thằng Quý chớ? Quý Bùi roomate của mày, nó là tay bơi nhái bảnh nhất bán đảo, không thua tụi “Người Nhái” chút nào hết. Mày có biết nó bị đến mấy năm tù cãi tạo tận ngoài Bắc chỉ vì đi lính miền Nam. Tụi Việt Cộng đày nó như một con chó. Khổ và đói còn bị hành hạ tinh thần, nó sụm xuống thê thảm. To và mạnh như nó mà ngày được thả ra nó không hơn cái thây ma. Nếu là tao hay mày chắc chỉ còn cái xác khô mang về. Tan hàng, tao qua đây đi học. Tao lấy Journalism tại khoái phiêu lưu, định xuống vùng Nam Mỹ chơi cho biết. Làm báo vài tháng ở dưới đó, thấy ràng buộc quá, tao trở về lại Mỹ. May sao tao có cái nghề programming, nhờ nó tao lết hết Coca Cola đến Kodak. Giờ nhiều chỗ vẫn gọi nhưng tao mệt rồi chỉ muốn rong chơi. Tao bây giờ tà tà, có dịp là tao đi du lịch chụp hình. Đẹp lắm, Sugar! Âu châu, nhất là Đông âu, nhiều chỗ không chê được. Vợ chồng mày ở Nice mấy năm trời thì biết rồi. Sau tiệc tất niên này, tao về rồi đi nữa. Tao sẽ gởi mày mấy cái CD hình như đã hứa”...

Đi bên cạnh, Hào chỉ ầm ừ lắng nghe. Câu chuyện riêng tư của hôm nay cũng lặng lẽ như hôm xưa, xuôi dòng theo chập chờn phù sa sông Cái Lớn trong đêm di hành cuối năm cùng Lễ. Hai chiếc tiểu đỉnh đen như hai con tàu ma âm thầm trôi. Hào vừa tân đáo đơn vị, màu vàng của chiếc lon “chưa cắt chỉ” (Chuẩn uý) trên vai còn long lanh, bữa ăn chiều còn nguyên mùi vị cơm lính chưa trôi, đã vội vã hành lý xuống tàu công tác. Làm sao quên được ly cà phê bít tất đắng nghét, quán cà phê mái tranh xiêu bên bờ kênh của một quận lỵ có tên gọi đẹp như trong thơ: Dương Liễu, bến giang đầu ngõ vào Chương Thiện. Thằng Lợi 58 Tuần Thám đã chết tại ngã quẹo này, Giang Đoàn 58 bị trúng phục kích, chiếc PBR của nó lãnh nguyên một trái B40, nổ tung như pháo Tết. Hôm đó là đêm Ba Mươi.

Trong trí nhớ của Hào, Lễ cao, lớn nhưng không to. Cho dù Lễ gốc gác ở Cầu Đá, Nha Trang, anh chỉ thật sự biết và thân với Lễ khi cả hai cùng xuất hiện trong buổi lễ mãn khoá Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân tại quân trường OCS New Port, tiểu bang Rhode Island năm 1970. Sau sự kiện cộng sản đánh chiếm Miền Nam năm 1975, hai người bạn lần đầu tiên gặp nhau tại Houston, Texas. Hôm ấy Hào đã suýt không nhận ra Lễ. Thiếu vắng bộ quân phục thân quen đã làm mất đi người bạn khó quên của mình. Lễ trông rất lạ. Và, những người bạn cùng khoá đang vây quanh cũng rất lạ không kém, cho dù nhiều người đang khoác lên những bộ tiểu lễ, đại lễ quen mắt với đầy đủ những cấp bật sáng chói. Từ sau đó, cứ mỗi hai năm, mỗi lần gặp lại, những kích cỡ dùng đo đạt một con người nơi Lễ đều tăng. Anh nặng hơn, vòng bụng to hơn, và khuôn mặt bự hơn. Một điều đáng mừng là cái tánh khí vui nhộn, ồn ào ở Nơi anh vẫn không đổi thay.

- Đây rồi, Sugar!
- Quên mất! Ăn ở nhà nó tối qua mà tao cứ lộn với cái “mobile home” mấy năm trước.
- Bậy! Nó “traded in” cái nhà cũ lâu rồi. Nó bây giờ bảnh lắm mạy.

Điểm hẹn là nhà của vợ chồng Sang-Thu. Theo bản đồ của Google Maps, ngôi nhà và Khách Sạn  Holiday, nơi Hào và Lễ tạm trú, đâu lưng nhau. Đêm qua khi hai người từ nhà Sang trở về lại quán trọ, họ đã không thể nào mường tượng ra khoảng cách nó lại ngắn đến vậy. Thật đúng là “Gần nhà xa ngỏ”. Sân sau ngôi nhà này, trong cái ánh sáng khan hiếm của một ngày đông tàn, hiện ra rõ ràng nó chỉ cách khách sạn một bức tường, một hàng rào thấp bên một cây quít đặc trái. Đúng như lời của Sang khi mời bông đùa với Lễ trong bữa ăn tối qua: “Mày không uống được thì cứ ăn. Nếu ăn mà  say, bọn tao sẽ khiêng mày liệng qua hàng rào. Từ đây, mày chỉ cần lăn tròn cũng đến được cửa phòng khách sạn.”

Hào rón rén đi về phía cánh cổng bên cạnh nhà chứa xe, nhìn ra vườn sau. Mấy chậu bông bỏ hoang nằm ngổn ngang, có lẽ vợ chồng Sang chờ “tái phối trí” khi giọt nắng đầu mùa kéo về. Anh thận trọng tiến đến bên cây quít trái vàng nặng trĩu như đang bị nhận chìm hẳn trong cái bóng râm của toà khách sạn cao ngất trời. “Gần thiệt Lễ ơi”, Hào chắc lưỡi, kinh ngạc: “Đứng đây có thể nghe được tiếng mày ngáy từ căn phòng số 331”. Lễ cười khúc khích. “Để tao chụp cho mày tấm hình với cây quít làm kỷ niệm”. Theo thói quen của một nhiếp ảnh nhà nghề, Lễ nhanh nhẹn đưa máy hình, nhắm, bấm. Xong, cả hai tiến đến cửa chính.

Không đợi tiếng đập cửa, bước chân của hai người khách đã đánh thức hai con “Đen", “Trắng". Lập tức từ bên trong nhà vọng ra tiếng chó sủa lảnh lót phá tan cái không khí tịch lặng của buổi sáng. Có tiếng lách cách nơi ổ khoá. Cửa hé mở. Một giọng nói ồ ề, quen thuộc:

- Good morning, Lễ! Mẹ, sớm vậy?
- Tuấn, nhớ là mày text tụi tao, bảo qua ngay, nghe!
- Cà phê chưa? Bộ đêm qua ngủ không ngon à?
- Tao thì OK. mày hỏi Sugar đi. Banh mắt đã thấy nó chơi với cái phone rồi.
- Chắc là hai thằng mày chưa ăn sáng?
- Tụi tao quyết định hy sinh phần ăn “chùa” của khách sạn, qua đây ăn bún bò.

Trong nhà hình như vẫn chưa sẵn sàng cho một ngày mới. Dây đèn trên cây Noel thản nhiên lấp lánh, có lẽ chủ nhà đã quá chén quên tắt đêm qua. Trên chiếc bàn bầu dục bằng gỗ sồi màu nâu bóng, hai tách cà phê cạn phân nửa và một bình trà bốc khói. Tĩnh mịch. Yên ắng. Sang đang loay hoay trong bếp. Tuấn “Bắt nắng”, nhà thơ của “Lặng lẽ”, đang lặng lẽ ngụm từng giọt đắng cà phê, trong bộ dáng như đang sắp xếp những con chữ trong một câu thơ sáu tám. Thả người xuống chiếc ghế đối diện Tuấn, Lễ lớn tiếng, hướng về bếp:

- Good morning, Sang!
- Morning hai thằng mày, cà phê?
- Dĩ nhiên!
- Cả hai?
- Ừ.

Sang rót cà phê mời hai người bạn mới đến. Mùi hột rang bơ Colombia thơm ngất.

- Tối qua nghe nói bọn nó quậy ở quán vợ chồng Thắng-Nga. Ăn sáng xong mình sẽ bàn đến chuyện đi đâu chơi  trước khi đến nhà hàng cho Tiệc Tất Niên. Hay là ưu tiên cho thằng Hào, mày từ xa đến.
- Tao đi đâu cũng được. Mày là thổ địa biết đường xá, cứ tự nhiên dẫn. Tô bún bò của tao đâu?
- Từ từ! Nồi nước đang nóng. Chờ đông đủ mọi người.
- Ai nữa?
- Ngọ-Hương. Ngọ của “Anh còn nợ em”.

Rồi như muốn khoe bạn bè tài gia chánh bếp núc của mình, Sang làm điệu, mang găng tay, mở nắp nồi súp. Tức thì, mùi sả, mùi mắm ruốt, mùi ớ cay nồng xông lên ngào ngạc thơm phức, tràn ngập cả gian phòng, len lõi qua mấy cánh cửa khép làm hoang mang cả Thu và Phượng từ trong phòng. Ngay lập tức, một mệnh lệnh nhẹ nhàng, trong trẻo vọng ra: “Anh ơi, xuống lửa và đậy nắp nồi lại giùm em”.

Khỏi cần xác minh cũng biết nồi bún bò mời mọc kia không phải là tác phẩm của Sang. Vợ hắn, Thu đã cẩn thận sửa soạn món này để đãi khách từ ngày hôm qua. Và như những chuyện to tác của các đấng ông chồng làm trong việc tề gia lúc từ quan lui về hưu trí, Sang chỉ canh lửa, giữ cho nồi súp không cạn. Thật là vô tích sự! Điều đáng chỉ trích hơn là trong khi Sang làm theo lời vợ, tay trái hắn mở nắp vung,nhưng tay phải vẫn khư khư rất điệu nghệ, như phong cách của những đệ tử lưu linh, một ly rượu đỏ sóng sánh mà hắn thi vị hoá: “hồ trường”.  “Không, không, tao mót đầy ly từ mấy chai hồ trường của hôm qua”, Sang to tiếng chống chế. Lời hắn nói nhắc nhở đến buổi tiệc đêm qua...

Buổi ăn tối qua không nằm trong chương trình vì lẽ ra chiều đó cả bọn phải có mặt tại nhà hàng của Thắng “đầu bò” trong cái gọi là tiệc họp mặt, một thứ tiểu yến trước khi đại tiệc. Nhưng từ sáng sớm phải cùng Liêm và Lễ đi đón Hào tại phi trường, Sang-chủ-nhà đã, một cách cố ý, chậm mất giờ xuất phác. Đã trễ mà đồ ăn của Tuấn Phượng mang theo lại thơm và ngon đầy đủ chất lượng, hương vị nồng nàn chất đầy sau chiếc Lexus mới toanh mời gọi, nên cả đám bị “phê”, ở nhà, ăn tại gia. Được thể, Sang-chủ-nhà bèn “Nhân sự tùng sự”, đãi bạn bằng thực phẩm chùa; ngay cả hai chai rượu đỏ cũng quá giang vợ chồng Tuấn trong lẫn lộn với mấy cái áo dài dạ hội của nữ chủ nhân. Dĩ nhiên người vui vẻ và phát ngôn nhiều nhất trong buổi tiểu yến bỏ túi này không ai khác hơn là Sang-chủ-nhà. Rượu dễ bốc hơi. Sau cú nâng ly mừng tái ngộ, Sang nhân danh gia chủ, đứng lên, -mặt trời đêm đã lên đỏ đôi gò má- mời một cách trịnh trọng:

- Mừng gặp ba thằng mày. Dô! Lễ, mày không uống rượu thì dùng nước cụng ly, mạy.
- OK., nước nào cũng là nước. Dô!

Sang ngồi kế bên Lễ, một tay ăn ngoại hạng. và người đớp chát, bắt bẻ anh ta không thương tiếc. “Món này người Tây gọi là escargo”, chỉ tay vào dĩa ốc hương, Sang quay qua Lễ, lè nhè. “Chỉ có những người được trân trọng như Sang…” Chưa dứt câu, Sang đã bị Lễ dũa một cách thảm thiết. “Nữa, nữa, mày tính văn chương nữa hả? Cái thằng này! Ở đây chỉ có một người được quyền nói văn thơ đó là tonton Tuấn. Hỏi thằng Hào thì biết”.

-Còn mày thì chỉ có ăn thôi.
- Đúng. Tao không có thẩm quyền để bàn về văn thơ, nhưng ăn thì khó có ai qua mặt.

Chiếc bàn dù đã được ráp thêm vẫn không đủ chỗ. Ngoài những món ăn truyền thống của ngày Tết, còn có lu bù món, đặc biệt là các món nhậu; như thịt bò nướng gói với lá cải và ốc hương mà “anh Tuấn rất thích” Phượng đã mang theo từ Nam Cali.

Ngoại trừ Lễ ung dung phá mồi, Sang, Tuấn và Hào nhiệt tình và hứng thú nâng ly, cạn chén. Sau vài tuần đưa đẩy, “dô, dô”,  ba chai “hồ trường” mỹ tữu ngã lăn quay dưới đất. Lúc bấy giờ, Sang mang ra một cây đàn guitar thùng. Chương trình ca nhạc giúp vui! Không ai yêu cầu, thỉnh mời, hắn tự tin so dây lên giọng. Ngay lập tức, Thu nhanh chóng gom số dĩa chén dư thừa mang đi vào nhà bếp. Người thứ hai rời bàn tiệc là Phượng, sau khi nở một nụ cười nửa môi, bí hiểm ra cái điều “Rồi! cho em xin hai chữ bình-an”. Cả hai như tia chớp biến dạng vào trong như thể hai nàng đã kinh nghiệm qua những cuộc trấn áp quen thuộc khó tránh khỏi. Sang bắt đầu hát. Hát rất mùi: mùi rượu! Giọng khàn đục chất cồn. Ở nhiều đoạn lời hát và tiếng đàn như giận nhau. Phải công bằng mà nói Sang không thể nào là một ca sĩ nổi tiếng được. Anh ta không thuộc bài. Hát nhưng hồn thì lãng đãng phiêu phiêu, cặp mắt cá đỏ lồi ra dưới gọng kính to bảng cứ trừng trừng vào chỗ hư không như một người đang lên đồng nhập cốt. Nếu có một lời khuyên cho tương lai, câu nói chính xác nhất vẫn là anh ta nên dập tắt ngay cái giấc mơ trở thành ca sĩ đang nhen nhúm trong đầu, nếu cứ còn lãi nhãi “Làm sao, làm sao giết được người trong mộng”. Giết người không những phạm giới luật, uống rượu còn nguy hại bản thân. Uống đến quá chén, say mèm, bí tỉ, lè nhè lại còn nảy ý sát sanh, chắc chắn là “Thiên địa bất dung”, “Tác ý thị nghiệp”.

2

Nghe Sang hát, Lễ “xì” một tiếng lớn-xì chất hơi kéo ra từ trong chiếc bụng đầy-thay cho lời phẩm bình giọng hát. Chụp lấy chiếc bánh bột lọc cuối cùng-hậu quả của một sự nhường nhịn, lịch sự không đúng chỗ-Lễ lột trần lớp vỏ chuối, thả chiếc bánh vào dĩa nước mắm mà trước đó hắn đã dùng muỗng nghiền vào một trái ớt đỏ tươi. Sau khi chắc chắn chiếc bánh đã tắm ướt nước, anh ta cho cả chiếc bánh gọn lỏn vô miệng nhai một cách ngon lành. “Nghe nó hát tao mệt quá”, Lễ quay qua nhìn Hào, phát biểu: “Ăn còn sướng hơn”. Hào gật gù đồng tình, nâng ly rượu còn chút cồn đỏ cuối cùng lên ngang tầm mắt, nhìn anh ca sĩ nghiệp dư qua lớp lăng kính thuỷ tinh: “Tiếp! Tiếp!”. Sang được thể, ngân nga “Đêm qua chưa mà trời sao lại sáng”. Cũng đúng thôi, đồng hồ đã qua nửa đêm và mặt trời, nếu chưa ló dạng bên ngoài thì cũng đã lên màu trên mấy gương mặt đỏ gay.

Ngồi bên “ca sĩ” Sang nãy giờ, Tuấn cảm thấy ngứa ngáy, đưa tay giựt lấy cây đàn. Không phải để chấm dứt cơn trấn áp mà còn làm cho cuộc tra tấn tăng gấp đôi, Tuấn nghêu ngao “Mưa vẫn mưa bay…”. Lập tức Sang hoà theo “Trên tầng tháp cổ”. Cái chữ “cổ” vừa thấp quá tông, vừa khàn quá “cổ” nghe như “đổ”, trong đổ nát. Lời ca ẩn hiện ngôi Tháp Bà nơi thánh địa tộc Cham ngàn năm vẫn soi mình xuống biển nước xanh lơ, bên cây cầu Xóm Bóng.

Nếu Nha Trang không phải là nơi chôn nhau cắt rún của Sang, Lễ, Tuấn và Hào thì ít ra thời tuổi trẻ của họ cũng đã lăn lốc dưới mấy hàng dương liễu xanh màu tóc, ngắm nhìn ai trong quán patechaude góc đại lộ Duy Tân, mòn gót giày lang thang trên con đường rợp bóng cây mắc mèo ở thành phố biển…, như Tuấn đã thổ lộ trong một bài thơ đã hơn mười tuổi:

...
đêm cuối ở nhatrang
hàng phi lao còn sót lại
vi vút gào bên đại lộ
gởi lại em một mùa xanh
khi tóc cùng màu như liễu
tôi sẽ đi như 32 năm trước
tôi sẽ đi vội vã
như một lần
có thật đã 32 năm?

Vũ Hoàng Thư
Tháng 6, 2007
(trên đường Duy Tân xưa)

Bốn gốc tre già đã một lần qua cơn địa chấn của đất nước, tróc gốc trôi ra biển Đông. Lênh đênh theo cuồn nộ của định mệnh, để rồi cuối cùng họ hội tụ tại nhà Sang đêm cuối năm,mời nhau một chén hồ trường.

Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
“Hồ Trường - Tiêu Đẩu-Nguyễn Bá Trác (1881-1945)”

Trong cái tỉnh say, dưới một tổ ấm có diện tích khiêm nhường trên vách còn những vết nứt hậu quả của một cơn rúng động nhẹ của thiên nhiên vừa qua, tiếng đàn quờ quạng của Tuấn, giọng ca đang đi xuống của Sang, cặp mắt đỏ kè say ngủ của Hào và dĩa bánh bột lọc đầy ...lá đang thất vọng trừng mắt nhìn chằm chặp vào Lễ, bữa tiệc dã chiến cuối năm chấm dứt trong tiếng mưa rào rạt bên ngoài.

“Sáng đến sớm tao đãi bún bò”. Sang sắp xếp: “Xong mình đi San Franc, chiều nhập Tiệc Cuối Năm OCS”.

Trước khi Hào và Lễ xông vào cơn mưa bụi ra về lại khách sạn Holiday Inn, tất cả còn hẹn ngày mai, rồi ngóng về Nam lớn tiếng: Mừng Năm Mới!

Đường Du Hào

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017