SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

Nước hoa, hương thơm của cuộc sống

Vân Kha

Nước hoa là phát minh “thơm ngát” do con người sáng tạo và bgày càng được hoàn thiện nhờ những tiến bộ kỳ diệu của ngành hóa học.

Từ hang ngàn năm trước, con người đã dùng những chất thơm từ thiên nhiên (hoa, quả, lá cây, nhựa cây…) để làm thơm cơ thể.

Ngày nay với kỹ thuật tân tiến, con người đã chiết xuất được tinh dầu thơm từ thực động vật thiên nhiên và đã tổng  hợp đươc tinh dầu thơm nên đã tạo nhiều loại nước hoa phong phú, đa dạng được trình bày trong những chai lọ lịch sự, thanh nhã.

Tiếng Anh gọi nước hoa là “perfume”, tiếng Pháp gọi là “parfum” bắt nguồn từ hai từ La Tinh “per fumus" (per: qua, fumus: khói) có nghĩa là "truyền mùi thơm qua khói" vì thời ấy chất thơm được đốt để cho khói bốc lên, lan tỏa mùi thơm ra xung quanh.

Lịch sử của nước hoa gắn liền với lịch sử văn minh của loài người. Theo các tài liệu cổ, con người đã sử dụng nước hoa từ những nền văn minh đầu tiên ở vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), Ai Cập cổ, trải qua Ba Tư (Persia), Hy Lạp, La Mã, vùng Địa Trung Hải rồi phổ biến ra khắp thế giới.

Một bản văn khắc trên đá khoảng 2.000 năm trước Công nguyên (Tây lịch) viết về Tapputi, một phụ nữ làm nghề điều chế nước hoa. Bà dùng các loại hoa, thảo mộc và dầu để pha chế dầu thơm.

Một bản viết tay trên giấy  cói (papyrus) ghi lại cách sử dụng các loại cỏ thơm và chất đốt thơm đã được tìm thấy trong lăng mộ của vua Ai Cập Pharaoh Khufu (Cheops), người xây dựng kim tự tháp lớn nhất Ai Cập vào năm 2700 trước Công nguyên (Tây lịch).

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc lọ nhỏ có chứa hương     trầm trong ngôi mộ cổ có hơn 3000 năm tuổi của vua Ai Cập Tutankhamem.

Năm 2005, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở đảo Síp (Cyprus), vùng Địa Trung Hải, những chai lọ đựng nước hoa trong một xưởng làm nước hoa có từ 4.000 năm trước.

Ngoài những chất đốt thơm, người Ai Cập cổ điều chế nước hoa ở dạng dầu thơm và sáp thơm. Hoa, lá, vỏ, rễ cây… được ngâm trong dầu hoặc sáp rồi đun sôi cho hương thơm thấm vào dầu, sáp. Sau đó lọc bỏ cặn bã để có dầu thơm, sáp thơm tinh chế.

Người Ai Cập thời ấy dùng nước hoa để cúng tế thần linh và làm thơm cơ thể.

Từ thế kỷ thứ nhất, kỹ thuật chưng cất đã được phát minh. Các tinh dầu thơm được chiết xuất từ hương liệu thiên nhiên đã giúp cho công nghệ nước hoa phát triển nhanh chóng.

Vào thế kỷ 12, đã chưng cất được cồn. Các tinh dầu thơm hòa tan trong cồn tinh luyện để tạo ra nước hoa dạng lỏng thông dụng, phổ biến đến ngày nay.

Cuối thế kỷ 19, các tinh dầu thơm đã được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, giúp cho kỹ nghệ nước hoa đi “đôi hia bảy dặm” trong sản xuất và kinh doanh.
Hiện nay, Châu Âu và Hoa Kỳ là hai thị trường nước hoa lơn nhất thế giới.

Phân loại nước hoa và cách sử dụng

Nước hoa gồm có 4 loại chính dựa theo nồng độ tinh dầu thơm:

  • Parfum (Extrait de parfum, pure perfume, perfume extract): Có nồng độ tinh dầu cao từ 20-40%, đây là loại nước hoa đắt tiền với mùi hương nồng nàn và bền lâu. Thời gian lưu hương (giữ mùi) khoảng 6-8 giờ.
  • Eau De Parfume (EDP): với nồng độ tinh dầu từ 12-20%. Loại nước hoa dành cho phái nữ, với mùi hương khá nồng nàn, là dạng nước hoa phổ biến hiện nay. Thời gian lưu hương khoảng 4-5 giờ.
  • Eau De Toilette (EDT): có từ 7-12% tinh dầu. Loại nước hoa phổ biến nhất, với giá cả phải chăng, mùi nhẹ nhàng, khá bền và được dùng cho cả nam và nữ. Thời gian lưu hương khoảng 2-3 giờ. (Toilette là từ tiếng Pháp có nghĩa là tắm rửa, trang phục, trang sức, làm đẹp).
  • Eau De Cologne (EDC): chỉ có 4-6% tinh dầu, có xuất xứ từ thành phố Cologne của Đức, sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Mùi nhẹ, thích hợp với nam giới hoặc nữ giới nào chuộng mùi hương nhẹ, thoang thoảng.

Còn có những loại nước hoa tên splash, mist, aftershave…với nồng độ tinh dầu thấp khoảng 1-3% pha với cồn và nước, giữ mùi khoảng 1 giờ, được dùng phổ biến nhờ mùi hương nhẹ, giá phải chăng, thích hợp với sinh hoạt hàng ngày.

Eau fraiche (nước mát) là loại nước hoa khá phổ biến ở châu Âu, có hãng Hermes còn đặt tên là “eau très fraiche” (nước rất mát), nghe thật kêu. Ban đầu có nghĩa là nước hoa nhẹ hơn eau de cologne, nồng độ tinh dầu khoảng dưới 3% nhưng sau này có dạng eau de toilette, eau de parfum nên bây giờ eau fraiche chỉ có nghĩa là nước hoa dùng những mùi thơm tạo cảm giác mát thích  hợp cho mùa hè.

 

Cách sử dụng :

- Nên dùng Eau de Cologne, Eau de toilette vào ban ngày để có mùi thơm nhè nhẹ, dễ chịu. Có thể dùng vào ban đêm tùy theo ý thích của bạn.
- Chỉ nên dùng Parfum và Eau de parfum vào buổi tối khi đi dự tiệc, dạ hội để có mùi thơm nồng nàn, quyến rũ.
- Nước hoa thường chứa tinh dầu cam, chanh, bergamote… là những chất làm sạm da khi gặp ánh nắng. Vì vậy chỉ nên bôi nước hoa vào những vùng được quần áo che chở hoặc không bị chiếu nắng như ngực, lưng, gáy, sau tai, dưới cằm..

Thành phần của nước hoa

Thành phần của nước hoa gồm nhiều tinh dầu thơm thiên nhiên và tổng hợp hòa tan trong dung dịch cồn tinh chế. Còn có những chất tạo màu cho nước hoa và chất “định hương” (fixative) giúp cho nước hoa giữ mùi lâu trên cơ thể. Tinh dầu từ gỗ, nhựa cây và động vật thường có tác dụng định hương.

Tinh dầu thơm thiên nhiên từ thực vật
Chiếm đa số nhất là tinh dầu chiết xuất từ các loại hoa.

  • Hoa: Có hơn 1.000 loại hoa đã được chiết xuất tinh dầu: Hoa hồng, hoa lài, hoa huệ, hoa mimosa, hoa lan, hoa mộc lan (magnolia), hoa lan Nam Phi (freesia), hoa ngọc lan (ylang ylang), hoa cẩm chướng, hoa sứ, hoa mộc (osmanthus), hoa cam, hoa dành dành (gardenia), hoa ngải tiên (ginger lily)…
  • Lá, vỏ, củ, rễ cây: Lá violet, hương thảo (rosemary), oải hương (lavender), hoắc hương (patchouli). Cỏ quế, cascarilla (Trung Mỹ). Củ gừng, rễ cây diên vĩ (iris), rễ cỏ vetiver, gừng.
  • Trái cây (quả), hạt: Trái táo, lê, đào, dâu, mận, mơ…Dùng nhiều nhất là vỏ cam, chanh, quit, bergamot (một loại cam Châu Âu). Hạt ngò (coriander), hạt hạnh nhân, hạt đậu tonka (Trung và Nam Mỹ), hạt bạch đậu khấu (cardamom).
  • Nhựa cây, gỗ: nhựa thông, nhựa frankin, nhựa cánh kiến trắng (benzoin), nhựa myrrh, nhựa thơm Peru, hổ phách (nhựa thông hóa thạch).Gỗ đàn hương (sandalwood), trầm hương, tuyết tùng (cedawood).

Tinh dầu thơm thiên nhiên từ động vật

  • Xạ hương (musk) là tinh dầu thơm được lấy từ túi xạ nằm gần bộ phận sinh dục của loài hươu xạ. Hươu xạ là loài hươu nhỏ, nặng khoảng 12-13 kí , không có sừng. Chỉ có hươu xạ đực trưởng thành mới có túi xạ để lôi cuốn  hươu cái vào mùa giao phối.

Xạ hương vừa là chất thơm vừa có tác dụng như một chất định hương, giúp cho nước hoa giữ mùi được rất lâu. Giá rất cao, đắt hơn vàng. Hiện nay, đã có tinh dầu xạ tổng hợp gọi là “xạ hương trắng (white musk)”.

  • Long diên hương (ambergris, “hương nước bọt của rồng”) là một chất sáp màu xám được tạo ra trong hệ tiêu hóa của cá nhà tang rồi thải ra theo phân, trôi nổi  trên mặt biển hoặc trôi dạt vào bờ.

Long diên hương thường ở dạng tảng, cục với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Khối lượng từ 15 g đến 50 kg. Khi mới được thải ra từ cơ thể cá nhà táng, long diên hương có màu trắng nhạt, mềm và có mùi phân rất nặng. Sau nhiều tháng hay nhiều năm bị ôxi-hóa ở biển khơi, chất này chuyển sang màu xám đậm hay đen và có dạng sáp cứng với hương thơm rất quyến rũ. Có tác dụng tạo hương và định hương. Giá cao, khoảng 2/3 giá vàng, Hiện nay, long diên hương chỉ được sử dụng trong các loại nước hoa đắt tiền, đa số các loại nước hoa khác dùng các tinh dầu tổng hợp để thay thế.

  • Tinh dầu cầy hương (civet musk) do các tuyến xạ quanh hậu môn của cầy hương tiết ra.
  • Tinh dầu hải ly (castoreum): Tinh dầu hải ly (Castoreum) được tiết tại  các túi nhỏ bên trong cơ thể, nằm giữa xương chậu và đuôi của hải ly.

Các túi chứa Castoreum sẽ được phơi khô và cho mùi êm dịu, ngọt ngào. Hiện nay, castoreum đã được tổng hợp trong phòng thí nghiệm thay thế cho castoreum thiên nhiên.

  • Tinh dầu chuột Hyrax (Hyraceum): Tinh dầu từ chất thải bị hóa đá của chuột Hyrax. Đây là một loài động vật có bề ngoài khá giống với chuột lang (guinea pig). Chúng sống theo đàn, mỗi đàn từ 10-80 con. Cả đàn thường thải phân tại cùng một chỗ. Phân sẽ cứng lại như đá dưới ánh nắng. Phân hóa đá chứa tinh dầu thơm. Hyraceum vừa tạo mùi hương vừa là chất giữ màu cho nước hoa.

Tinh dầu thơm tổng hợp

Ngành công nghệ nước hoa đã tiến bộ vượt bậc sau khi tổng hợp được các tinh dầu thơm trong phòng thí nghiệm. Những hương thơm nhân tạo, không có trong thiên nhiên đã đem lại “làn gió mới” cho kỹ nghệ nước hoa. Những hương liệu quý hiếm như xạ hương, long diên hương được thay thế bằng những tinh dầu tổng hợp có mùi hương tương tự nhưng giá rẻ hơn nhiều. Nhiều tinh dầu thiên nhiên cũng được tinh dầu tổng hợp thay thế để nước hoa có giá cả hợp với túi tiền của mọi người. Nhưng tinh dầu thiên nhiên vẫn được ưa chuộng và được sử dụng trong các loại nước hoa nổi tiếng.

Nốt hương (fragrance notes)

Khi bôi nước hoa lên cơ thể, chúng ta sẽ cảm nhận mùi hương theo ba giai đoạn: Mùi hương giai đoạn đầu gọi theo thuật ngữ chuyên môn là “nốt hương đầu”, mùi hương giữa gọi là “nốt hương giữa”, mùi hương cuối gọi là “nốt hương nền”.
Các chuyên gia nước hoa, những “thuật sĩ luyện hương”, gọi các mùi hương là “nốt hương” vì quan niệm rằng những mùi hương trong một loại nước hoa giống như những nốt nhạc trong một bản nhạc.
Nốt hương có 3 giai đoạn:

  • Nốt hương đầu (top notes, head notes): Mùi hương  tỏa ra ngay sau khi bôi, tạo mùi thơm quan trọng đầu tiên cho người sử dụng. Chứa những mùi nhẹ, dễ bay hơi như mùi cam, chanh, bergamot. Giữ mùi khoảng 15 phút.
  • Nốt hương giữa (middle notes, heart notes): Là "trái tim" của  nước hoa. Nốt hương này tỏa ra sau khi nốt hương đầu bay hơi, tạo mùi "đặc trưng" cho nước hoa. Giữ mùi khoảng 1 giờ. Thương chứa tinh dầu các loại hoa như hoa hồng, hoa lài…
  • Nốt hương nền (base note): Xuất hiện khoảng 30 phút sau khi bôi. Nốt hương nền kết hợp với nốt hương giữa tạo nên hương thơm chính của nước hoa. lưu mùi rất lâu có thể đến 24 giờ, thường chứa mùi của gỗ, xạ hương, long diên hương và nhựa thơm...

Các nhà sản xuất thường ghi chú những tinh dầu sử dụng trong các nốt hương trên sản phẩm hoặc trong phần quảng cáo trên mạng.
Ví dụ: Nước hoa TENDER ROMANCE của hang Ralph Lauren:
Nốt hương đầu: Cam bergamot, gừng, trái lê.
Nốt hương giữa: Hoa ngải tiên trắng (white ginger lily), hoa mộc lan trắng, hoa lài…
Nốt hương nền: Hương tổng hợp cashmeran, nhựa benzoin, xạ hương.
Nước hoa và sức khỏe

Nhiều hoá chất trong nước hoa có thể gây dị ứng. Nếu bôi hoặc phun nước hoa trên da mà thấy đỏ, ngứa, nổi mề đay hoặc bị hen suyển thì ngưng, không dùng loại nước hoa đó nữa. Trong nước hoa có những tinh dầu như tinh dầu vỏ cam, chanh, bergamot…là những chất quang cảm ứng (photosensible), khi bôi lên da sẽ làm sạm nám da nếu tiếp xúc với ánh nắng. Để tránh sạm da, chỉ nên bôi vào vùng da không bị chiếu nắng như gáy, sau tai, dười cằm hoặc bôi lên tóc.
Những tinh dầu nghi ngờ gây ung thư đã bị Hiệp Hội Hương Thơm Quốc Tế (International Fragrance Association) cấm sử dụng. Nên dùng nước hoa của những hãng uy tín để được an toàn về sức khỏe.

Liệu pháp hương thơm (aromatherapy)
Là một phương pháp trị liệu hoặc phòng chống bệnh tật bằng tinh dầu thiên nhiên từ thực vật. Có thể giảm đau cho cơ thể, giảm căng thẳng (stress), tạo cảm giác thư thái, dễ chịu cho tinh thần và cơ thể.
Không có bằng chứng là hương liệu pháp có thể ngăn ngừa hoặc chữa trị bệnh tật, nhưng nó có thể giúp cải thiện sức khỏe và tâm lý.
Từ đầu thế kỷ thứ nhất, nhà thực vật học Hy Lạp Dioscorides đã ghi nhận giá trị chữa bệnh của tinh dầu trong bộ sách về thực vật học De Materia Medica. Vào năm 1910, nhà hóa học người Pháp René-Maurice Gattefossé bị phỏng nặng ở tay và ông đã điều trị thành công vết phỏng bằng tinh dầu oải hương (lavender). Vào năm 1937, ông đã xuất bản quyển sách Aromathérapie: Les Huiles Essentielles, Hormones Végétales (Liệu pháp hương thơm: tinh dầu, nội tiết tố thực vật). Một bác sĩ người Pháp Jean Valnet đã dùng tinh dầu làm thuốc sát khuẩn trị vết thương cho binh sĩ trong thế chiến thứ hai. Sau đó, liệu pháp này được phổ biến đến ngày nay.
Có hai cách chính để sử dụng tinh dầu thiên nhiên.

  • Trị liệu tại chỗ (thoa, mát xa):

Tinh dầu sẽ thấm rất tốt qua da. Một số loại có thể gây kích ứng da, vì vậy khi sử dụng nên dùng tinh dầu tinh khiết, không tạp chất.

  • Trị liệu bằng hương thơm (đốt, xông, khuếch tán)

Đốt và xông tinh dầu để hương thơm khuếch tán ra xung quanh. Hít thở mùi thơm đem lại cảm giác dễ chịu, an lành.
Nếu bị cảm, có thể bỏ vài giọt dầu  khuynh diệp vào nồi nước nhỏ để hít thở khi bị cảm. Nồi nước xông của dân gian Việt Nam cũng chính là một liệu pháp mùi hương. Khi hít thở tinh dầu, các triệu chứng của bệnh cảm như nghẹt mũi, sổ mũi, khan tiếng… sẽ giảm đi rất nhiều.
Hiện nay, phương pháp đốt và xông tinh dầu bằng đèn xông (đốt) hương tinh dầu đang phổ biến.

Đèn xông tinh dầu (oil burner)
Đèn xông tinh dầu dùng để khuyếch tán hương thơm tinh dầu vào môi trường xung quanh. Có 2 loại đèn xông là đèn xông dùng nến và đèn xông dùng điện. Hai loại đèn này có cấu tạo giống nhau: gồm 1 đĩa đựng tinh dầu, nước và phần truyền nhiệt giúp đốt nóng, khuyếch tán tinh dầu. 

Cách sử dụng:
  - Đầu tiên hãy rửa sạch và lau khô đĩa đựng nước và tinh dầu, để tránh lẫn với mùi trước đó.
- Cho nước vào 2/3 đĩa, nên cho nước ấm để đỡ mất thời gian đốt.
  - Nhỏ 3 – 5 giọt tinh dầu vào đĩa nước.
  - Nếu dùng đèn nến thì đốt nến lên và cho vào thân đèn. Dùng đèn điện thì bật điện lên để đốt nóng nước và tinh dầu, khi nước nóng và có hương thơm thì có thể điều chỉnh ánh sáng của đèn theo ý muốn.
Đèn xông tinh dầu dùng điện tiện lợi hơn vì không cần thay nến, có thể điều chỉnh độ sáng theo ý muốn, dùng như đèn ngủ nên thường được sử dụng hơn đèn dùng nến.

Một số tinh dầu thông dụng trong liệu pháp hương thơm
Tinh dầu cam, chanh, quít giúp chúng ta vui vẻ, yêu đời hơn.
Tinh dầu bạc hà giúp tỉnh táo hơn và có tác dụng sát khuẩn, làm giảm viêm đau họng.
Tinh dầu oải hương (lavender) và hoa lài thường được dùng để giảm căng thẳng, mệt mỏi.
 Tinh dầu hoa hồng và hoa ngọc lan (ylang-ylang) sẽ giúp bạn cảm thấy nữ tính hơn.
Tinh dầu hương thảo (rosemary) tạo cảm giác hăng hái, quên mệt mỏi.
Liệu pháp hương thơm tuy còn nhiều tranh cãi về tác dụng điều trị nhưng được ghi nhận là có khả năng giúp cơ thể thư giãn, tâm lý hưng phấn, yêu đời và có thể tăng sức đề kháng.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017