SỐ 77 - THÁNG 1 NĂM 2018

THÁNG GIÊNG VỀ MIỀN KÝ ỨC

Năm học lớp mười một, trong phần bình giảng tác phẩm trường thiên Cổ văn, để dẫn chứng cho một trường hợp, cô giáo đề cập đến những niềm vui có tác động rất lớn chúng sẽ xuất hiện một cách không thứ tự tùy theo hoàn cảnh trong cuộc đời mỗi người, chỉ vẻn vẹn gói gọn trong bốn câu thơ ngắn.

Đại hạn phùng cam lộ,
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ,
Kim bảng quải danh thì.

Hồi ấy khi nghe vậy bọn tôi chỉ chú ý đến việc có tên trên bảng vàng là “tuyệt cú mèo” chứ mấy thứ kia thì còn “xa xôi” quá ngoài sức tưởng tượng của mình. Nếu học xong sẽ đến phần “nhập thế” ra đời đi làm mới nghĩ đến chuyện vui kế tiếp khi bước vào yêu, mong mỏi lấy được người mình yêu, kết thúc bằng một đám cưới hạnh phúc, cuộc đời thế là suôn sẻ, hoàn mãn. Nào ai có ngờ ngày này bất đắc dĩ phải lâm vào hoàn cảnh tha hương, đến giờ tóc đã điểm sương mới lại bồi hồi xúc động với nỗi niềm “ngộ cố tri” với những người bạn xa nhau gần nửa thế kỷ.

Nếu không có thế giới ảo nắm trong lòng bàn tay giúp người ta “đi mây về gió” trong chớp mắt, nếu không có những dòng status trên face book tình cờ đọc được, dễ dầu gì hai người bạn tìm ra tung tích khi cả hai kẻ Bắc người Nam gần năm mươi năm chưa một lần gặp lại.

Tôi không phải là tín đồ của facebook nhưng các em của tôi lại là những người ngoan “đạo face “. Hầu như ngày nào chúng cũng lướt qua, thảy lên đó “tất tần tật” thông tin của mấy chị em cho dù sống cách nhau nửa vòng trái đất và xa cách một đại dương mênh mông. Con nhỏ Út nấu nồi bún bò, nồi phở cũng khoe “hàng” làm mấy người chị cứ suýt soa :

… “Ôi thèm quá, con ni xấu tệ ăn một mình còn trêu ngươi tao.”

Bù lại nhỏ em thứ Bảy facebook của nó đầy hình ảnh. Hôm nay ở Huế, mai vô Đà nẵng, bữa kia ghé Bà Nà, Hội An, mốt ở Đà Lạt. Tuần sau thấy hai vợ chồng nắm tay dung dăng dạo Hà Nội. Năm ngoái về dự thượng thọ chín mươi của má, vợ chồng nó cũng chở gia đình tôi rong ruỗi thăm miền Tây sông nước để lấy tay sờ cây số cuối cùng ở cực Nam Mũi Cà Mau.

Ở “xứ lạnh tình nồng” nhưng tin tức về sức khỏe của má bên kia chị em tôi bên này cũng rõ mồn một. Hôm qua nghe má sốt tôi “chỉ thị” bên đó chở má đi Bác sĩ khám cho bà ngay xem bị gì. Ông chồng tôi bực mình càu nhàu :

-  Bà ở bên này chỉ biết “chót chét” cái miệng, bên kia tụi em nó biết thừa chuyện phải làm gì không cần bà ra lệnh.

Tôi ngoan cố cãi :

-  Thì với cương vị là chị lớn nhất tui phải có tiếng nói chứng tỏ lo lắng quan tâm đến má chứ bộ, mặc dù chỉ quan tâm bằng miệng.

Mấy chục năm trước nhớ gia đình ba má và các em nên gọi điện thoại về thăm, chỉ nói vài câu thăm hỏi không hơn năm phút tốn mấy chục dollar. Bây giờ mở internet lên Skype nhìn tận mặt, chị em hai bên xúm lại “tám” chuyện trên trời hàng ngày không tốn một đồng, ngoại trừ tiền thuê bao internet hàng tháng mấy chục.

Hôm qua nhỏ Út chạy qua nói với tôi :

-  Chị ơi, bên nhà nói có một chị ở Mỹ về Việt Nam thăm lại cảnh cũ, chị này xa xứ lâu quá vì đi trước năm mất nước giờ mới về lại. Chị lên facebook kể chuyện tìm về nhà cũ hồi xưa ở cư xá, chị có nhắc tên sở làm của ba chị ấy trước kia, em thấy trùng tên sở hồi trước ba mình làm. Tụi em nhẩy vô hỏi thì chị ấy kể một hơi những người ở chung xóm có cả tên hai chị, nhưng tụi em không biết gì hết vì thời gian đó em chưa ra đời. Em ghé thăm má kể cho má nghe những chuyện chị này nói, má gật đầu ừ phải rồi chị ấy nói đúng đó, hồi xưa nhà mình cũng cùng ngụ chung cư xá đó, khi ấy chỉ có chị Hai, chị Ba và anh Tư má còn ẵm trên tay.

Đêm đó tôi vô facebook nhỏ em thì y như rằng đúng là cô bạn “ngày xưa còn bé” của chị em tôi. Trong cư xá chỉ có trẻ con gia đình chị em tôi và gia đình cô bạn này chơi thân nhất vì đều là con gái. Không cần chuyện bãi bể hóa nương dâu, gặp lại những người xưa gợi nhớ khung cảnh ký ức ngày cũ làm tôi bồi hồi rưng rưng nước mắt. Những hình ảnh ba của bạn chụp cách đây sáu mươi năm mà gia đình mang theo và gìn giữ bạn post lên face book với chú thích chỉ dẫn: “…đây là chị em tôi đứng trong đám con nít lố nhố, tôi thấp hơn đứng ngoài bìa cạnh bạn Ngọc Anh phía trước, bà chị tôi ẵm nách thằng em kế đứng sau lưng cạnh chị Xuân chị thứ hai của bạn. Một tấm ảnh khác của thầy Bảo ba của bạn và ba tôi bên chiếc xe hơi đậu trong sân của sở, bây giờ hai ông đã “đi về nơi xa” yên nghỉ, còn lại hai bà mẹ người nào cũng trên chín mươi. Niềm vui cộng với nỗi buồn của quá khứ tôi không biết diễn tả ra sao? Chỉ biết đây chính là xúc động khi “tha hương ngộ cố tri” không thể nói thành lời.

oOo

Lần đầu tiên được ngồi xe đi xa lòng tôi háo hức muốn trông thấy cảnh quan khác lạ, vậy mà bắt đầu lên xe là tôi ngủ gục suốt con đường đến nỗi ba phải đánh thức tôi dậy khi đến nơi! Tôi được dắt tay leo xuống từ chiếc xe đò chất đầy vật dụng trong nhà, nào giường, ghế, bàn, tủ thờ, nồi niêu, xoong chảo, đi khỏi căn nhà quen thuộc đến một nơi xa lạ ở luôn không trở lại mới hiểu nghĩa hai chữ dọn nhà. Hôm qua tôi vẫn còn tay ôm cây cột tròn trước hàng ba xoay mình vòng vòng đánh đu đôi chân và nói với thằng Tý, con Đẹt, thằng Trù con bác Hai Lựu bán cà rem cạnh nhà khoe với tụi nó ngày mai tao dọn nhà lên Saigon. Tụi nó hỏi :

-  “Saigon là cái gì vậy?"

Tôi trả lời :

-  Tao cũng hỏng biết nó có những gì với lại nó ở đâu!
-  Mày hổng biết sao mày dám đi?
-  Má tao nói là nhà tao đi theo ba đang làm việc ở “trển".

Tôi đâu biết mình sẽ không còn gặp lại đám bạn hàng xóm quen thuộc cùng chơi cả ngày với nhau, không còn thấy cảnh hai anh em thằng Tý đang chơi bỗng ngừng lại, chạy vô nhà lấy cái chén vạch quần đái vào đó và mang vào buồng cho má nó uống vì bà mới đẻ. Cũng hết rồi mấy buổi trưa cả đám rủ nhau đến nhà máy nước, dọc theo hàng rào chung quanh hồ chứa nước của quận lỵ hái trái nhãn lồng nhâm nhi vị chua chua của nó, hái gần hết mấy trái nhãn lại rủ nhau ra đám vườn hoang sau dãy nhà đầy cây ô rô gai nhọn bên mương nước, đánh đu tìm mấy trái bình bát chín cây, đứa nào cũng nhảy như con loi choi vì bị đám kiến vàng trên cây cắn.

Đang đứng xớ rớ chưa biết gì, một đám con nít trạc tuổi mon men đến gần nhìn tôi, một đứa nói với cả bọn :

-  Ba tao nói bữa nay nhà thầy Sáu dọn tới.
-  Ê, Mày tên gì vậy nhỏ.

Một thằng con trai hỏi tôi, nhìn quanh quất tôi không biết trả lời thế nào vì tất cả chúng nó lạ hoắc không phải mấy đứa hàng xóm cũ.

Chợt có tiếng gọi từ đàng xa giải vây cho tôi :

-  Nghiệp, Thành, Tài về ăn cơm.

Cả đám cùng nhau chạy về nhà trong đó có mấy đứa con gái tóc dài loe hoe ngang lưng.

Saigon xuất hiện đầu tiên trong mắt đứa con nít chưa đầy năm tuổi là cái “dinh thự” hai tầng đặt trên nền đá tảng cao ngang đầu tôi xây bằng gạch quét vôi vàng. Nằm cạnh là một cái hẻm rộng chạy dài từ ngoài đường vào, ngăn đôi bên trái một dãy nhà có khoảng sáu bảy căn, vách tường trát xi măng quét vôi cùng màu với cái dinh thự bên kia. Gia đình tôi được cư ngụ trong gian nhà đầu tiên của hẻm trước mặt có cây lêkima cạnh hai cánh cổng sắt sơn xanh, ngăn cách bên trong cư xá và ngoài đường phố.

Trẻ con rất dễ làm thân và nhanh chóng quen nhau, chưa đầy một tuần lễ chị em tôi đã biết vanh vách tên mấy đứa con nít trong cư xá. Cách nhà tôi một căn là nhà thầy Chín có ba đứa con trai, thầy là người Việt có vợ gốc Miên nhưng thích đặt tên Tây cho con. Thằng lớn nhất hơn chị em tôi hai tuổi tên De nước da ngâm đen, đứa em bằng tuổi tôi tên Bôn gầy còm bởi ăn cơm chỉ ngậm và nút chứ không nhai, thằng Út lên hai tên Phẹc Năn khác hẳn hai người anh, mủm mỉm mập mạp hơn. Tội nghiệp thằng De lúc nào cũng một mình hứng hết đòn roi trút giận của ba nó, ít khi tôi dám nhìn khi thấy nó bị ba đánh, thân thể đen nhẻm oằn oại dưới sợi dây thắt lưng da ba nó quất xuống. Tuy vậy gương mặt nó lúc nào cũng có nụ cười chẳng thấy nét buồn nào.

Gia đình kế cận là nhà của Thầy Tư Đê cũng có một đám nhóc, đứa lớn nhất là thằng Nghiệp, kế đến là thằng Thành và Tài. Nhỏ út được vợ chồng thầy cưng như trứng mỏng tên Xuân Lai. Có lẽ nó là đứa con gái cầu tự sau ba thằng giặc chòm. Xích vào bên trong nữa là nhà thầy Bảo có bốn đứa con gái, chị lớn nhất chúng tôi gọi là chế Lài năm đó học trường Trưng Vương, kế tiếp là chị Ngọc Xuân mới học trường tư thục trung học Nguyễn văn Khuê, hai đứa kế chơi thân với chị em tôi là Ngọc Anh và Ngọc Lan. Nhà này cũng có một thằng con trai nhỏ xíu tên Long được ba nó cưng như cục vàng.

Gia đình kế tiếp có một đứa con gái tên Báu, không được má nó cho ra ngoài chơi nên chúng tôi ít thấy. Tận cùng của cư xá được ngăn cách bằng một vách tường thật cao của rạp hát bóng Lê Lợi, nó chạy dọc hết bề ngang tòa nhà làm thành con hẻm nhỏ hơn dẫn đến nhà để xe đạp và xe gắn máy của những thầy, cô nhân viên của Viện. Ngày đêm ai đi vào đây đều nghe tiếng nói của các nhân vật trong phim vang lên từ bên kia bức tường. Trở lại gian nhà cuối của cư xá sát vách rạp hát là phông tên nước nằm cạnh cây mận trồng từ đời nào, lòa xòa bóng lá in trên vũng nước chảy liên tục từ vòi xuống đường mương lộ thiên được kéo dài tận ngoài cổng chính. Cứ cách ba căn nhà là có một vòi nước công cộng, mọi người chứa nước rửa mặt, giặt giũ, vo gạo trước hiên dọc theo cái mương trước sân mỗi nhà.

Ngày đầu tiên tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc rống và tiếng xì xồ quát mắng nghe không hiểu nói gì. Tò mò mở cửa nhìn ra tôi trông thấy một con nhỏ lai Tây trạc tuổi mình đang ngồi chồm hổm bên sàn nước vừa đánh răng vừa khóc, đứng bên cạnh là người đàn ông đang nhìn nó với nét mặt hầm hừ. Nhiều ngày sau cũng vẫn tình trạng như vậy cho đến một hôm tôi tình cờ nghe hai ông bà ở cạnh nhà mọi người hay gọi tên là thầy Hương quản Lê than với ba tôi; con trai ông bà ly dị vợ đầm bên Tây, về nước mang theo đứa con gái, cả hai quen nếp sống bên ấy về đây cứ cằn nhằn, gây gỗ về việc nhà cửa chật chội, thảo nào tôi toàn nghe hai cha con cãi nhau mỗi sáng toàn bằng tiếng Tây. Thời gian sau cả hai cha con này đều dọn đi nơi khác.

Cũng giống như những gia đình trong cư xá, sáng chiều ba tôi qua sở làm việc, mặt trước của tòa dinh thự tôi thấy tấm bảng thật to treo trước cổng viết “Viện Giảo Nghiệm. Hành chánh và Tư pháp”. Thời Pháp cai trị người ta hay gọi nhà Hình hoặc sở Lục hình. Bất cứ những ai phạm tội ra tòa bị kêu án đều được giải đến đây chụp ảnh, lăn tay để lưu trữ trong hồ sơ. Mặt tiền của sở có bậc tam cấp đi lên, qua dãy hàng rào tường thấp bên trên là những thanh sắt gắn song song, bọn con nít đợi dịp sau khi cơm nước ba má ngủ trưa, trốn ngủ leo lên chuyền tay bước từng bước dài theo hàng rào giống như lũ khỉ. Phố xá giấc trưa thật yên vắng, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xích lô đạp ì ạch lướt qua, hai ba chiếc taxi chạy ngang vội vã.

Ở thành phố, thông thường gia đình nào cũng giống nhau, trong khi đàn ông đi làm, các bà má ở nhà đi chợ nấu nướng và trông nom các con. Thời gian đầu mới dọn về, sợ chúng tôi đi lạc má khóa cửa để hai chị em trong nhà, bà ẵm thằng em đi chợ. Sau quen dần trong khi bà nấu nướng, chị em tôi bồng thằng em kế ra sân nhập bọn với hết thảy đám trẻ trong cư xá cùng nhau chơi đùa. Vỉa hè trước sở nằm ở khoảng giữa đường Nguyễn Trung Trực có hai hàng me râm mát, đối diện khám lớn hồi trước bây giờ là trường Đại học Văn Khoa mới xây theo kiểu tân thời. Cả hai bên đều có khoảng sân lát gạch sạch sẽ và rộng rãi là nơi lý tưởng cho bầy trẻ chúng tôi tụ họp chơi đùa, những buổi trưa chán chê trò chơi hàng ngày nhìn lên trời qua những nhánh lá thấy những chùm me nâu sẫm hấp dẫn quá, đám con nít chúng tôi sau thời gian chứng kiến những nhánh me trổ hoa thành từng cụm kéo dài với nhiều cuống nhỏ chứa một hoa, đài hoa nhỏ li ti rụng đầy đường sau cơn gió, những hoa còn trụ lại sau thời gian lớn bỗng thành những chùm me lúc lỉu trên cây, một đứa reo lên :

-  Tụi mình đi lượm me rụng đi bây ơi.

Cây me thuộc loại thân to, có cây lớn bằng hai ba vòng tay chúng tôi không biết được trồng từ bao giờ, mùa mưa lá xanh mướt, những nhánh lá me non có vị chua bọn tôi rất thích nhưng công kênh nhau mãi chỉ tuốt được vài nhánh vì cành thấp nhất cũng rất cao. Chưa bao giờ chúng tôi với tay hái được ngoại trừ có những công nhân phụ trách mé những nhánh me già hạ chúng xuống, bọn tôi tranh nhau hái những trái me non trước khi người ta dọn sạch. Không biết hàng me trước khu nhà khi chứng kiến bọn con nít hàng ngày chơi đùa dưới bóng râm mát có nhận thấy những cảm tình quyến luyến của chúng đối với khung cảnh êm đềm, thanh bình chung quanh? Có những ngày cả bầy kéo nhau đi vòng vòng qua các ngã đường, thánh địa của những cây me. Từ cư xá chúng tôi đi hết đường Nguyễn Trung Trực qua Gia Long, Nguyễn Du, Công Lý, Pasteur, vòng qua dinh Độc Lập, về tòa Thượng thẩm Saigon, dọc vỉa hè hai bên đường trồng toàn me. Chúng tôi chỉ đủ thời giờ đi chừng đó con đường cũng lượm đầy vạt áo những trái me chín rơi xuống khi có cơn gió thổi qua. Phố xá rất ít người cũng không có trẻ con nào khác nên chẳng có ai tranh nhau lượm me với chúng tôi.

Trở về mặt đứa nào cũng đỏ gay vì bêu đầu dưới nắng, ghé xuống trước bậc thềm của trường Đại học Văn khoa, bọn con trai thằng Nghiệp, Thành, Tài nằm lăn trên bậc tam cấp nói :

-  Mát quá tụi bây ơi, nằm xuống hết đi.

Trường Văn Khoa là kiến trúc mới nên nền nhà tráng bằng đá rửa láng mịn không giống như sở của ba chúng tôi bên kia đường lát toàn gạch Tàu đỏ au, trông cũ kỹ hơn. Mấy đứa con gái lắc đầu quầy quậy, tôi nói :

-  Má tao nói con gái không được nằm nghiêng ngửa ngoài đường.

Thằng Nghiệp lớn nhất cãi :

-  Tụi bây là con nít đâu phải con gái, sợ gì.

Con Ngọc Anh chu mỏ xì một tiếng, lý sự :

-  Nhỏ như con Xuân Lai em mầy mới là con nít, còn tụi tao lớn rồi. Tụi tao hè này học hết lớp năm trường Tôn Thọ Tường là trường con gái, vậy tụi tao có phải là con gái không ?
-  Cãi nhau hoài tao ăn hết me của tụi mày bây giờ.

Thằng Thành giảng hòa, kéo cả đám về thực tế chú ý đến đống me trước mặt. Trái me hình giống hệt trái đậu bơ tí má hay xào ăn cơm, có màu nâu, vỏ cứng bên trong chứa cùi thịt và hạt. Me dốt thịt còn xanh mềm ăn vào hơi chua, me chín hẳn màu nâu ăn ngọt hơn, hạt màu nâu đậm, bọn tôi hay gom lại để dành chơi búng hột me. Người lớn cũng hay đem rang lên, đập vỏ nấu thật mềm với nếp làm chè hột me ăn rất ngon.

Năm đầu tiên gia đình tôi sống ở thành phố là năm tổng tuyển cử bầu tổng thống, qua năm sau chúng tôi được chứng kiến lễ Quốc Khánh ngày 26/10 đầu tiên của miền Nam. Tất cả công sở đều được giăng đèn, kết hoa, treo cờ và ảnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Buổi tối ba má dẫn chúng tôi xuôi theo dòng người đổ về đường Lê Lợi đứng xem “cộ đèn” là những chiếc xe gắn đầy hoa lá đèn đuốc sáng trưng, người ta mặc y phục diêm dúa đủ màu sắc đứng ngồi trên đó hòa cùng tiếng đàn hát vẫy tay chào hai bên. Ấn tượng làm chúng tôi thích thú nhất là một bầy voi bốn năm con, đi đầu là con lớn nhất trên lưng mang cái giỏ có hai người cởi trần, đóng khố ngồi sau lưng ông nài cầm cây chĩa cưỡi trên đầu voi. Dưới đất là mấy con voi khác nhỏ hơn, mỗi con đều được một người Thượng da đen bóng dẫn đi, có một con voi con nhỏ xíu cũng lúp xúp đi theo đàn. Bỗng nhiên người ta cười ồ lên khi thấy một ông Thượng gấp rút chạy theo bầy voi, gió thổi chiếc khố đóng phía sau là một mảnh vải bay phất phơ lộ cái mông đen thui với bắp chân gân guốc. Khi chiếc xe hoa cuối cùng đi qua mọi người đều trở về nhà, bấy giờ cả xóm lại rủ nhau ôm chiếu qua nền đất khu khám lớn cũ bên kia đường cho lũ trẻ ngồi, nằm xem pháo bông bắn trên bầu trời, gió thổi hiu hiu tôi ngủ quên lúc nào không hay.

Giữa khung cảnh thanh bình yên ả của đất nước, tuổi thơ lũ chúng tôi trải dài những ngày êm đềm. Con gái học tiểu học ở trường Tôn Thọ Tường đối diện rạp hát Đại Nam bên cạnh trường con trai tên Trương Minh Ký trên đường Trần Hưng Đạo. Tan trường ra về cùng đường, nhiều lần không đi theo con đường thông thường, thằng Nghiệp lớn nhất rủ cả đám đi theo nó, qua đường Phạm Ngũ Lão vào trong khu đường sắt ga xe lửa, đi dọc theo đường ray chui vào hầm, ngang phòng y tế sực nước mùi thuốc men, leo lên mấy bậc thang ra cổng bên là bãi đậu xe cạnh nhà hàng Hòa Bình. Băng ngang đường Lê Lai chúng tôi đi dọc theo con phố Phan Chu Trinh về đường Lê Thánh Tôn, đặc biệt có tiệm vàng Nguyễn Thế Tài nổi bật với hai con cọp bằng xi măng ngồi trước cửa, khu này có nhiều tiệm bán vàng đa số của người Bắc di cư, qua khỏi rạp hát Lê Lợi là những cửa hàng bán vải của mấy ông Chà Và mập ú, bụng quấn xà rông đứng trên bậc thềm gương đôi mắt trắng dã nhìn lũ trẻ rồng rắn đi qua.

Mùa Thu không đứa nào vội về, cứ đứng nán lại trước cửa tiệm bán vàng giờ thành cửa hiệu bánh Trung Thu treo đầy lồng đèn dán giấy bóng kiến đủ màu, có cửa tiệm bày nguyên cái bàn phía trước cửa để thợ làm bánh dẻo cho khách mua xem. Tối thứ bảy, ngày mai nghỉ học cả bầy con nít trong cư xá rủ nhau bồng bế, dắt mấy đứa em nhỏ đi vòng vòng xem lồng đèn trung thu. Khi trở về ngang qua những tiệm vải cửa đóng im ỉm chỉ còn đèn chiếu sáng trên bảng hiệu. Mấy thằng con trai lại trổ tài bắn thằn lằn rớt xuống để ngắt đuôi, hù dọa bầy con gái khiến cả đám sợ chết khiếp hét toáng lên bỏ chạy về nhà.

Miếng đất bên Khám lớn cũ còn để trống, chính phủ bèn xây dựng gian hàng triển lãm. Năm đầu lập lại hòa bình, mục tiêu nhà nước chú trọng khuyến khích phát triển thương mại bằng cách đẩy mạnh sản xuất hàng nội hóa. Khu hội chợ lại một phen thu hút bầy con nít bên khu cư xá, đêm nào cũng vậy, cơm nước vừa xong là chúng tôi rủ nhau qua xem triển lãm, gian hàng kem Hynos với biểu tượng anh Chà Và da đen có nụ cười khoe hàm răng trắng tinh. Hãng nước hoa Rheina với vòng quay treo những chai dầu thơm khổng lồ xoay tròn lên xuống. Công ty nước suối Vĩnh Hảo lại dựng biểu tương hai chai nước suối, một đứng thẳng, một nằm ngang trên cái hồ, tuôn nước như suối liên tục không ngừng. Rất nhiều gian hàng quảng cáo sản phẩm trong khu hội chợ triển lãm, đèn màu xanh đỏ chớp tắt, ca hát ỏm tỏi quyến rũ mọi người. 

Mô hình nhà tiền chế ở vùng nông thôn, phát triển nông nghiệp với các loại lúa giống, các khu trù mật điển hình là Vị Thanh và Hỏa Lựu ở miền Tây giúp nâng cao đời sống nông dân, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu với cảnh bùn lầy nước đọng. Chính phủ lập ra Quốc gia nông tín cuộc cho nông dân vay tiền để không bị chủ điền o ép. Song song chính phủ cũng lập ra những khu Dinh điền vùng cao nguyên để dân chúng khẩn hoang với máy móc trợ giúp. Thật ra lúc ấy bọn tôi là những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, biết được những chuyện này nhờ tối tối ngồi bệt dưới đất xem đi xem lại những cuốn phim do “Trung tâm Quốc gia Điện Ảnh” trình bày đến thuộc làu làu.

Cuộc vui nào cũng phải đến hồi kết thúc, gần đến ngày bế mạc, người xem lưa thưa nhưng niềm vui của bọn trẻ trong cư xá chưa kết thúc. Vì là vùng đất rộng nên vẫn còn một ít cỏ hoang mọc một bên, ánh đèn thu hút những con dế tìm đến. Cả bọn thi nhau lùng sục bắt sạch những con dế tội nghiệp. Dế lớn, dế bé, dế mén đều không thoát khỏi tay lũ trẻ. May mắn lắm mấy thằng con trai bắt được hai, ba con dế than, dế lửa nhờ nghe tiếng gáy nên chúng vạch đất, đào cỏ bắt được. Bọn con gái toàn bắt những con dế mọi, dế thầy chùa nhảy loi choi theo ánh đèn sáng. Đứa nào cũng ôm khư khư mấy cái lon, hộp đựng dế là chiến tích suốt buổi tối để sáng ra nhìn thấy chúng nằm thẳng chân chết sạch sành sanh.

Công sở nằm bên cạnh dãy cư xá là một bí mật đối với bầy trẻ. Không biết từ đâu những lời đồn đoán về bên trong gian “nhà Hình” có rất nhiều “ma”. Có lần tình cờ tôi và mấy đứa được đứng ngoài cửa nhìn vào thấy rất nhiều ngõ ngách, một gian trong đó là những chiếc bàn dài trên bày đầy chai lọ lớn bé với rất nhiều hình thù, tròn, tam giác, cổ cong với những cái phễu bằng thủy tinh ống dài. Tất cả được sắp song song hoặc bày đầy trên kệ. Vài nhân viên mặc áo khoác trắng giống bác sĩ đang lúi húi kẹp một cái ống thủy tinh đun đốt và lắc lắc nó trên ngọn lửa xanh phát ra từ cái chai nhỏ. Huyền thoại không biết từ đâu được thêu dệt loan truyền rằng: “…những ai trực đêm ở nơi này đều bị ma đè, ghê gớm hơn có người đang ngủ bỗng bị hất rơi xuống đất, có người còn nhìn thấy rơi từ trên nóc mùng xuống một cái đầu, cái chân, cái tay ráp lại thành một con ma…? Người ta giải thích sở dĩ có nhiều ma vì xưa kia một quả bom rơi trúng rạp hát ở cuối hẻm làm chết nhiều người …. ?” Tất cả lũ trẻ cứ truyền miệng nhau, xanh lè mắt sợ hãi nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám lập lại chuyện hoặc hỏi ba mình.

Một ngày nọ thắc mắc trong chúng tôi được giải tỏa phần nào khiến cả bọn hết sợ nhờ mấy đứa con gái ông Viện trưởng, chúng cũng trạc tuổi bọn tôi hay đến chỗ ba chúng làm việc chơi. Nhiều lần dẫn chúng tôi vào trong bằng cầu thang bên hông nhà, từ đây theo nhau lên tầng trên, đi qua các phòng, có một lần lên tận sân thượng ngang nóc nhà, ở đây nhìn ra ngọn me ngang tầm chúng tôi. Ông Viện trưởng vừa mới đi tu nghiệp ở Huê Kỳ về nên cho phép chúng tôi lên xem phim chiếu lại thời gian ông ở bên ấy.

Học hết lớp Tư đọc thông viết thạo, tôi giở quyển sách ba tôi mang về do ông Viện trưởng viết về Điều tra Khoa học. Từ khi ấy tôi mới biết công việc của mọi người trong sở, thầy Bảo ba của Ngọc Anh phụ trách mang máy đi chụp và rửa những tấm ảnh, giữ lại dấu vết cần thiết cho việc điều tra. Những nhân viên khác trong phòng thí nghiệm phân chất “tỳ bào” (*) gởi kết quả ghi nhận cho nhà chức trách, vị khác làm công việc phân tích lấy dấu tay so sánh để tìm thủ phạm trong các vụ án. Nhờ vào khoa học có thể xác định các loại máu khác nhau, của nạn nhân hay ai khác, của loài vật hay của người. Mỗi khi xảy ra vụ việc liên quan ba tôi có nhiệm vụ chở toán nhân viên của sở đến hiện trường.

Chúng tôi sống ở cư xá gần mười năm, sau những cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực, tự thiêu dẫn đến xảy ra biến cố đảo chánh Tổng thống hai lần 11/11/ 1960 và 1/11/ 1963 đời sống êm ả của khu phố chúng tôi không còn như trước. Vì tình hình cần thiết phải đáp ứng, Viện Giảo Nghiệm đổi thành Sở và được lệnh dọn đi, ngay cả những gia đình đang sống trong cư xá cũng vậy. Tất cả dành cho Nha cải huấn sau này trực thuộc bộ Chiêu hồi sử dụng. Các gia đình rủ nhau ra Khu vực Hàng Xanh cất nhà, lúc này xa lộ Saigon Biên Hòa mới vừa khánh thành nên vẫn còn hoang vắng. Gia đình Ngọc Anh dọn về cư xá Phú Lâm, nhà tôi lại sang cư ngụ ở Cầu Chữ Y. Hai năm sau chúng tôi thi Đệ Thất GL, chị tôi và Ngọc Anh thi đậu cùng lúc, năm sau mới đến lượt tôi. Thế là chúng tôi lại học cùng trường tuy rằng khác lớp nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Tết Mậu Thân năm 68, tôi đang học đệ ngũ, chị tôi và Ngọc Anh đang học Đệ Tứ lớp buổi sáng thì biến cố kinh hoàng xảy ra cho gia đình bạn.

Ba tôi về thuật lại: “Khi Việt Cộng tấn công vào khu vực đài Ra Đa Phú Lâm, gia đình thầy Bảo rời nhà theo đoàn người chạy dạt vào thành phố, thầy bị Việt Cộng bắt vì có mang chiếc máy ảnh trên người do quán tính nghề nghiệp, thời đó rất ít người có máy chụp hình ngoại trừ những phóng viên báo chí. Họ nghi ngờ và xét trong người thấy có tờ Sự vụ lệnh chứng nhận thầy là công chức nên đã bắn ông chết ngay tức khắc! Trong hoàn cảnh thảm thương ai cũng bỏ chạy, chỉ còn trơ trọi gia đình toàn đàn bà con gái, cô Bảo và các con cố gắng mang xác thầy trở lại nhà.” Tôi nghe ba kể lại mà lạnh hết tay chân !

Hoàn cảnh gia đình tôi sau đó cũng không khá hơn bao nhiêu. Chỉ vài tháng sau đợt 2 Mậu Thân lại xảy ra, trước đó Ba tôi bị cấm trại không được về nhà, nửa đêm súng nổ gia đình tôi chờ trời sáng bỏ chạy sang được bên kia cầu, chỉ biết ngậm ngùi quay nhìn lại căn nhà đang làm mồi cho thần hỏa. Bỗng dưng tôi nhớ lại thời gian ngắn trước đó, nửa đêm đang ngủ tôi nghe tiếng lao xao nên thức dậy bèn ra balcony sau nhà xem, hàng xóm đang đứng lố nhố nhìn lên trời, trên đó hiện rõ một ngôi sao chỗi có cái đuôi dài sáng rực hơn ngọn đèn đang treo lơ lửng tỏa xuống ánh sáng xuống trần gian. Người mê tín cho rằng sao chỗi xuất hiện ở đâu sẽ có đại loạn hay thảm cảnh xảy ra cho nơi đó! Giờ tôi không muốn tin cũng không được.

Sau biến cố chúng tôi gặp lại Ngọc Anh trong trường, nhìn miếng vải màu đen bạn cài trên áo chị em tôi không dám hỏi thăm hay nhắc lại vì sợ gợi lại nỗi đau thê thảm của bạn. Lần cuối cùng sau một năm chị tôi tình cờ gặp chị em Ngọc Anh ở thương xá Tax đường Nguyễn Huệ, lúc ấy chị đang giúp việc bán hàng cho cửa tiệm của người dì, sau đó chúng tôi bặt tin nhau.

oOo

Facebook Ngọc Anh nói: “… má quyết định mang các con rời Việt Nam rất sớm”. Tôi nghĩ việc ra đi này có lẽ nhờ hai người chị lớn vì tôi biết bà cũng giống như má tôi và bao người phụ nữ bình thường khác chỉ quanh quẩn công việc nội trợ lo cho chồng con. Giống như con chim bị ná thấy cành cây cong cũng sợ, quyết định sáng suốt của bà chỉ muốn tránh lập lại đau thương sẽ xảy ra cho các con. Bà tiên đoán rất đúng chỉ năm năm sau chuyện ấy lại xảy ra, nhưng lần này không chỉ riêng cho một gia đình mà là toàn thể miền Nam cùng hàng triệu dân quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa! Bao cái chết oan khiêng, tang tóc làm sao quên được cho dù đã hơn nửa thế kỷ?.

Mới đây trên một tờ báo Việt Nam được đăng trên internet, nhà cầm quyền đang nhắc lại các chiến tích đã mang lại thắng lợi cách đây năm mươi năm trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân khắp nước, rầm rộ tổ chức múa hát hân hoan chào mừng kỷ niệm! Cố tình quên rằng những ngày này cũng là ngày giỗ của biết bao nạn nhân bị thảm sát ở nhiều nơi, nhất là ở Huế và điển hình là gia đình bạn của tôi. Niềm vui đặt trên nỗi buồn đau của đồng loại liệu rằng có nên tồn tại? Đây có phải là đời sống nhân văn như đã từng rêu rao và tự hãnh diện đang sống giữa nền văn minh nhân loại.

Cỏ Biển
Tháng giêng Mậu Tuất 2018
Nhớ về người bạn thời thơ ấu.



 (*) thuật ngữ dùng trong phòng thí nghiệm nói về máu.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2017