SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

ÁO NÀNG VÀNG

Chiếc áo dài màu đầu tiên trong đời má may cho tôi ngoài chiếc áo trắng cố hữu mặc đi học hàng ngày vào năm mười sáu làm bằng tơ tằm, màu vàng đến với tôi một cách ngẫu nhiên không do mình chọn lựa, vì thời ấy tôi vẫn còn ngây thơ lắm nên chưa có cơ hội đọc mấy câu thơ tình của nhà thơ Nguyên Sa để biết “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc.”  Không biết có phải vì màu áo hợp với tôi khiến mình có vẻ xinh hơn trong mắt mọi người. Qua Tết năm ấy tôi bỗng cảm thấy mình lớn hơn khi nghe câu nói bâng quơ từ một người khác phái. “Nếu tôi là thợ dệt tôi chỉ thích dệt áo màu vàng.” Mộng mơ về tình yêu thời mới lớn bắt đầu hình thành và cũng từ khi ấy tôi bắt đầu sưu tầm thơ tình của các nhà thơ mang chép đầy trong vở. Cũng như bao người tôi đã từng nếm trải tình yêu qua những xuyến xao hò hẹn, âm thầm cười khúc khích một mình khi những đọc những lá thư gửi từ một KBC quen thuộc và bồi hồi nhớ nhung chờ đợi những ngày người yêu về phép, tình yêu đến hồi viên mãn để thấy cả hai không thể thiếu nhau và tôi lấy chồng một năm trước ngày mất nước. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ theo vận nước bỗng kết thúc ngắn ngủi quá khiến tôi hụt hẫng! Cứ mỗi đêm đêm hát ru con bằng câu hát ngậm ngùi :

– “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình sầu.”

Người mới gặp lần đầu nếu tinh ý đã phải kêu trời sao nhìn chị thấy buồn quá bởi nét buồn dù chỉ phảng phất, u uất. Cười gượng tôi trả lời giống như một câu trong bài hát :

– “Hỏi trời, trời đành câm nín. Hỏi người, người ‘cũng’ quay lưng. Hỏi mình đời sống quanh đây bây giờ có gì vui! ?”

Mỗi ngày vào đến chỗ làm tôi như cái máy làm hết phần việc thuộc phạm vi bổn phận của một nhân viên không thích thân thiết với một ai. Xong việc khoanh tay đưa mắt nhìn mấy đứa trai gái trong chi đoàn thanh niên cộng sản HCM “rậm rật” hát hò với nhau. Chỉ lớn hơn nhau hai, ba tuổi nhưng tôi có vẻ thuộc về thế giới khác cách biệt rất xa. Tôi tưởng mình mãi thu mình trong vỏ ốc sống đời mượn hồn không ngờ lại thò đầu chỉ vì một đứa con gái nhỏ hơn tôi hai ba tuổi. Ngày đầu mới vào nhận việc nó xưng tên Huyền Trân và được phân công về phòng Kế hoạch, con nhỏ mới ra trường còn tôi cũng là nhân viên phòng này nhưng được đào tạo nghiệp vụ “cấp tốc” một năm vì nhu cầu. Thầy dạy lớp này cũng là những giáo sư từ trường ĐH kinh tế được mời đến, có lần một ông nói toạc :

– “Chương trình học bốn năm nhưng bắt tôi gói gọn một năm, tôi không hiểu các anh chị học hành ‘tiếp thu’ được bao nhiêu.”

Tôi chắc ông đã quên không nhớ rằng chủ trương giáo dục của nhà nước có các lớp đào tạo dành cho cán bộ một năm học lên ba lớp để thi lấy bằng tốt nghiệp lớp 12. Nói gì thì nói miễn ai cũng phải có mặt vào ngày thi để được nhà nước cấp bằng cho xứng đáng với danh xưng cán bộ, cũng là giúp những vị này bớt đi mặc cảm với đám nhân viên dưới quyền. Điểm qua những khuôn mặt trong các phòng ban, ngoài những ông bà cán bộ gốc gác vào từ “Rờ”hay từ “A”(*) giữ chức trưởng, phó phòng, còn lại phần lớn đều là nhân viên tạm tuyển lớn lên trước 75 ở miền Nam được cho đi học khóa nghiệp vụ như tôi. Nhóm này chia làm 2 loại, vài người ù lì ngồi yên một chỗ làm để lãnh lương giống tôi, còn lại là đám lau nhau, lố nhố “ngựa non háu đá” muốn thăng tiến nên cố phấn đấu từ cảm tình đoàn lên đoàn viên chi đoàn thanh niên, chiều nào sau giờ làm cũng tụ tập hát hò sinh hoạt, được dịp xưng hô với nhau là đồng chí “đồng rận” trong các buổi thảo luận, học tập chính trị. Huyền Trân là đứa xinh đẹp nhất, vì có nét đẹp hài hòa trên khuôn mặt, ngay cả cái dáng người dong dỏng vừa tầm khiến không ít thanh niên trong xí nghiệp “dòm ngó” nhưng đa phần biết mình không đủ bản lĩnh, trình độ đành “kính nhi viễn chi”.

Mới về công ty chưa đầy tháng tôi đã thấy có một anh chàng lò dò đến tìm Huyền Trân vào giờ nghỉ trưa. Lúc đó tình cờ tôi đang ngồi trong văn phòng bảo vệ nghe ông này dạo vài khúc guitar classis. Con nhỏ ra cửa vừa trông thấy anh ta nó nhăn mặt, xua tay từ chối không nhận gói quà một cách dứt khoát và quay lưng đi vào ngay tức khắc. Tội nghiệp anh chàng tiu nghỉu nét mặt so với nét hớn hở ban đầu.

Sáng hôm nay đi trễ bởi phải ghé cửa hàng lương thực nộp sổ gạo cho em tôi “Xắp Hàng Cả Ngày”, người ta đổi chữ S thành X cho phù hợp với Xã Hội Chủ Nghĩa. Phải công nhận người Việt Nam lúc nào cũng vẫn không mất đi tính hài hước, châm biếm cho dù trong bất cứ hoàn cảnh khốn khó, bi thương đến đâu đi nữa. Nó là chất xúc tác khiến người ta mới có thể kéo dài hy vọng để sống cho dù chỉ lắc lay như chiếc lá. Vừa bước qua ngưỡng cửa phòng tôi chạm mặt với tên Thành Đạt từ trong bước ra với vẻ khinh khỉnh cố hữu, không thèm chào hỏi ai. Huyền Trân đang đứng quay lưng trước bàn làm việc của mình hai vai rung rung khóc tức tưởi. Không ngạc nhiên, tôi hỏi với giọng bình thường :

– Chuyện gì vậy, có phải thằng Đạt lại lên mặt “xài xể “em nữa phải không ?
– Hắn mạt sát em … bảo em … Chỉ đẹp mà không có não …hức …hức!!

Con nhỏ cứ nức nở, nấc từng cơn từ cổ họng và nói không ra tiếng. Tôi an ủi :

– Từ từ bớt giận đi em, thằng đó nó chỉ dám ăn hiếp em thôi. Hãy xem lời nói của nó là những lời vô giá trị bởi thốt ra từ cửa miệng của kẻ thiếu nhân cách.

Tôi lật lại bản báo cáo kế hoạch ba tháng đầu năm Trân đang cầm trên tay. Đối chiếu lại các con số, cộng hàng dọc xong tôi kiểm tra lại bằng cách cộng hàng ngang thấy chúng không khớp với nhau. Tôi nói với Trân:

– Chị thấy hai con số chênh nhau, bây giờ mình phải bắt đầu dò xem chúng phát sinh từ chỗ nào khiến kết quả không cân đối, kiên nhẫn làm lại tìm một lát thế nào cũng ra thôi.

Cũng phải mất cả giờ có tôi ngồi rà soát lại giúp, cuối cùng Trân cũng tìm thấy chỗ sai trong các số liệu dày đặc và sửa lại.

Huyền Trân hết sức cảm động cám ơn tôi vì đây là lần đầu tiên tôi phá lệ nhúng mũi vào phần việc của người khác. Chẳng qua là tại tôi ghét tên Đạt ỷ mình là cương vị phó phòng nên lên mặt ra oai với con nhỏ. Với tôi chức vụ này có gì để hãnh diện vì toàn bộ nhân sự trong phòng chỉ có ba người. Trong thời buổi câu châm ngôn “nhất thân nhì thế” lên ngôi, Đạt nhờ có cha là cán bộ tập kết nên được ban giám đốc quàng cho chức này chứ khả năng hắn cũng chỉ cùng lớp với Trân bởi cả hai cùng tốt nghiệp một khóa. Trước khi có hai đứa về toàn bộ công việc cũng chỉ một mình tôi phụ trách vì công ty mới thành lập nhân sự chưa bổ sung kịp, dạo đó tôi hơi bận rộn một chút. Nhờ “sống lâu lên lão làng” nên Đạt chưa dám ra oai với tôi vì dù sao hắn chỉ mới ra trường chưa kinh nghiệm, chỉ có duy nhất bợ đỡ “thượng đội hạ đạp” dựa dẫm gốc gác của cha là giỏi mà thôi.

Những buổi nghỉ trưa về sau Trân hay mang cơm qua bàn tôi ăn cùng, dần dần con nhỏ “tâm sự” với tôi về nhiều thứ. Tôi hỏi :

– Em có người yêu chưa? Xinh đẹp như em chắc là có rồi. Hôm nọ ngồi chơi ngoài phòng bảo vệ ở cổng chị thấy có người xin gặp em.
– Anh ta không phải là người yêu của em đâu.
– Ừ, chị thấy em nhăn mặt xua hắn về khi vừa gặp. Hình như anh ta mang đến cho em thứ gì đó.
– Anh ấy học chung một lớp với em, suốt thời gian này hay giúp đỡ em trong cương vị bạn học nên khó từ chối những gì anh ta dành cho em. Trước mắt mọi người ai cũng biết anh ấy yêu em, riêng em thì thấy chỉ là tình cảm bạn bè. Sau ngày ra trường em lại thấy cách anh ấy quan tâm khiến em có cảm tưởng bị làm phiền.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại :

– Làm phiền? Cụ thể là gì ?
– Em đi đâu anh ta cũng đòi đưa đón. Ngày đi làm cũng như ngày nghỉ, em có cảm giác mình đang bị theo dõi, lúc nào cũng kè kè một bên là anh ấy !

Tôi phá lên cười :

– Hay là anh ta muốn “đăng ký quản lý đời em” vĩnh viễn nên sợ không “quản lý” được em mỗi ngày như hồi đi học.

Trân như “ngộ” ra sự việc :

– Chị nói như đúng rồi vậy đó! Thời gian qua hôm nào em nghỉ học là thấy anh ấy có mặt mang bài vở đến gặp viện cớ là giúp em chắc là để biết lý do tại sao em vắng mặt. Khi đó em không dám nghĩ thế vì sợ mình đang phủ nhận lòng tốt của anh ấy.
– Ừ, có thể như em đã có cảm tưởng, theo chị đây là tình một chiều vì nếu hai người yêu nhau lúc nào cũng muốn bên nhau, gặp mặt bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ. Về phía anh ta em thông cảm lý do anh ta sợ mất em và không cho kẻ khác có “thời cơ đột nhập”nếu anh ta vắng mặt.

Câu chuyện bỗng như xoay chiều khi con nhỏ hạ giọng hỏi :

– Chị lúc chị và chồng còn là bồ, gặp nhau hai người làm gì ?

Tôi thoáng đỏ mặt :

– Hỏi làm chi, yêu đi rồi biết, sao tò mò vậy? Bộ chưa yêu ai sao? Đừng có “giả nai” khai thác tâm tư tình cảm tui nhen. Già này không có mắc lừa cô đâu. Cô mà không kinh nghiệm hơn tui là tui đi bằng cái đầu. Thanh niên trong xí nghiệp bâu vào cô như “ruồi”.
– Trời, chị nói quá. Em hỏi để rút kinh nghiệm học tập thôi, thấy vậy mà không phải vậy chị ơi. Nhiều mối tối nằm co chị không nghe sao? vì nhiều nên từ đó đến giờ không biết chọn ai!! Chị nói về em mà chị không nhớ mình, chắc ngày xưa lúc chưa lấy chồng chắc chị nhiều người theo đuổi lắm hở?.
– Chị không xinh đẹp như em để có nhiều “vệ tinh” vây quanh đâu, bởi vậy mới quen một mình chồng chị là gật đầu khi anh đòi cưới không dám chê ỏng chê eo sợ bị ế.
– Chị lại nói quá về mình nữa rồi, chồng con rồi mà có người còn để ý kìa, ế đâu mà than thở.
– Đừng có xạo nha nhỏ, ai đâu.

Nó đáp cụt lủn một chữ :

– Sanh

Tôi cứng miệng xì một tiếng :

– Cha đó hả! Đàn ông gì nhìn như “lại cái”, lúc nào đầu tóc cũng láng mướt cho ruồi làm sân patin. Đàn ông gì cái lược luôn luôn giắt sau túi quần, nhìn thấy hắn ta là thấy tay rút lược vuốt vuốt mái tóc khiến mình phải quay nhìn chỗ khác sợ bị ói !

Bây giờ tôi mới thấy thông cảm và hiểu cảm tưởng bị làm phiền của Trân mặc dù tôi chỉ bị phiền con mắt bởi lúc nào ở đâu, giờ làm việc rảnh là tầm mắt tôi đều trông thấy tên này lượn qua lượn lại.

oOo

Buổi trưa sau giờ cơm, như thường lệ hai chúng tôi đóng cửa phòng leo lên bàn nghỉ ngơi. Chưa kịp lim dim mắt, bàn bên kia Trân kêu tôi :

– Chị Kim Âu hôm nay đừng ngủ, đi với em.
– Đi đâu ?
– Tìm chỗ nào yên tịnh ngồi với em.
– Ở đây cũng yên tĩnh lại được nằm không sướng hơn sao đòi đi, ngoài kia trời nắng nóng thấy mồ.

Nhỏ nài nỉ :

– Chút nữa hết giờ nghỉ phải mở cửa phòng có người vào em không thích. Em buồn quá muốn đi lòng vòng cho tâm trạng đỡ một chút.

Tôi im lặng thong thả đi cùng Trân, hết quãng đường ngắn quẹo vào con hẻm cụt nó dẫn tôi vào bên trong sân chùa, ngồi trên bậc thềm nhìn xuống con rạch nằm cạnh bên. Ở đây tĩnh mịch, bóng nắng trở thành râm mát, không gian im ắng thoáng một mùi hương trầm nhè nhẹ, thoát tục khiến người ta buông bỏ hết ưu phiền. Hai chúng tôi cứ thế ngồi yên lặng rất lâu, tôi có thói quen ít khi hỏi ai những vấn đề nếu người ta không tự nói. Cuối cùng Huyền Trân cũng lên tiếng.

– Em có một việc quan trọng phải quyết định nhưng chuyện lại không do em có quyền quyết định.

Tôi trố mắt nhìn Trân :

– Bộ em định chơi chữ đoán ý với chị à, cái gì mà “phải quyết định lại không có quyền quyết định”? Nói gì mà lung tung hại não quá vậy ?

Không trả lời câu hỏi của tôi con nhỏ lại nói mấy câu “trớt quớt “với chuyện nó vừa đề cập.

– Ba em trước “giải phóng” là một nhà báo, hồi ấy ông có mặt trong đám ký giả xuống đường biểu tình “ký giả đi ăn mày”. Sau 75 báo tư nhân đóng cửa, báo trở thành là của nhà nước độc quyền ba em thất nghiệp từ dạo ấy, nhà em bán dần đồ đạc để sống mấy năm nay. Má em đành phải chạy chợ trời nuôi gia đình, em đang học dang dở năm cuối nên không muốn nghỉ nhưng muốn học tiếp em phải về trường tham gia công tác chỉ định theo các đoàn, đội cắm chốt kiểm kê các xí nghiệp, nhà xưởng của tư sản, mại bản gọi là chiến dịch “ít xì, 1, 2”. Hơn một năm em về học tiếp năm nữa mới được cấp bằng tốt nghiệp và được phân công về đây làm công nhân viên.

Tôi ngắt lời :

– Chị nhớ không lầm thì trước đó đâu có trường ĐH Kinh Tế chỉ có ĐH Quản trị Kinh doanh thôi.
– Em từ trường này chuyển qua đó.
– Chị học thì gọi là lớp Kinh tế Kế hoạch. Tại vì xã hội chủ nghĩa làm việc gì cũng phải có kế hoạch ít nhất 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm… đó là kinh tế và cũng có luôn kế hoạch trồng người trăm năm. Em nói tiếp chuyện quyết định và không quyết định của em đi. Nghe như giống câu kinh điển: “to be or not to be” quá.

Con nhỏ vẫn nghiêm chỉnh kể sau lời nói đùa của tôi :

– Ba em không có tham gia cái vụ gọi là “Biệt kích văn nghệ” gì gì đó mà nhà nước nói, nhưng cũng bị bắt nhốt vô Chí Hòa để cải tạo.

Tôi bỗng nhiên nắm chặt tay Trân vỗ nhè nhẹ như đồng cảm, tôi biết Trân không hiểu ý nghĩa cái nắm tay này đâu vì vẫn đều đều kể tiếp.

– “… Đầu năm 78 ba em được thả và ông mất sau đó một tháng. Nhà em đã túng quẫn lại nghèo thêm, thằng em của em lại bị gọi đi nghĩa vụ. Người ta nói nếu chạy tiền thằng em sẽ khỏi đi với lý do có cha cải tạo, không phải thành phần ưu tú được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Mới đây có một ông gốc Tàu lớn hơn em gần hai chục tuổi quen với má em vì bà hay tới lui lấy mối hàng của ổng, nhiều lần em chở má đi lấy hàng nên ổng biết em, hôm kia ổng nói với má muốn em làm vợ ông ấy.

Tôi nhảy nhổm

– Cái gì, bộ khùng hả Trân, ổng gần bằng tuổi ba Trân đó.
– Là ổng đề nghị với má chứ đâu có nói với em. Nhưng má nói tùy em quyết định vì ổng hứa sẽ dẫn em đi vượt biên bán công khai, mười hai cây vàng một người đó chị. Ổng sẽ để lại gian hàng và tất cả hàng hóa còn lại cho má em tiếp tục buôn bán cũng như lo tiền để em trai em khỏi đi nghĩa vụ, má không ép em chuyện này nhưng má không giấu em mọi việc, tất cả là do em. Có phải là chuyện do em quyết định nhưng lại không do em chủ động được phải không chị! Em đang suy nghĩ nát óc hai hôm nay.

Tôi nói bâng quơ một mình :

– Cũng may là em chưa có người yêu, nói đúng hơn là em chưa yêu ai! Nếu có không những em nát óc mà còn ép tim mình rỉ máu nữa em ơi! Đã vậy có thể khiến một người nữa chết chìm trong “hủ hèm”! Đúng là “to be or not to be” của ông đại văn hào Shakespeare ngắn thật ngắn nhưng với mọi người lại dài những phân vân. Khó thật, chọn lựa hay không ?

Huyền Trân lại hỏi :

– Hồi đi học chị thích màu gì. Em thì mê màu vàng vì thích bài thơ của ông Nguyên Sa này viết “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.” Em tính toán trong tưởng tượng khi nào em lấy chồng sẽ mặc áo màu vàng trong ngày cưới vì người ta nói màu vàng là màu của hoàng hậu. Màu của thanh khiết và nhẹ nhàng sang trọng.
– Cũng không vô lý khi người ta tôn vinh màu vàng là màu của vua chúa. Ngày xưa thứ dân chỉ có hai màu đen và nâu, học trò thêm được màu trắng.

Huyền Trân vắng mặt một tuần lễ không có lý do, nhỏ không nhắn gửi điều gì cho ai kể cả tôi. Chỉ biết ngày thứ bảy của tuần lễ trước ngày Trân xin nghỉ hết phép của năm, nhỏ xin tôi địa chỉ nói sẽ đến nhà mời tham dự đám giỗ ba của nó. Thành Đạt đi ra đi vào trong phòng bức rức cằn nhằn :

– Nghỉ gì mà nghỉ vô tổ chức, vô kỷ luật coi chừng bị phòng tổ chức báo về địa phương cho xem.

Câu nói của Đạt có chút hàm ý lo lắng ngầm, tôi hiểu anh chàng cũng là một trong những vệ tinh xoay chung quanh Trân, nhưng với sự hãnh tiến và tự ái, anh này ghen ngầm nhưng không chấp nhận cảm giác thật trong con người mình nên lúc nào cũng bị dằn vật hóa thành cau có gắt gỏng khi làm việc với Trân.

Thông tin Huyền Trân vượt biên được tiết lộ từ phòng tổ chức khi họ đến xác minh tại trụ sở công an địa phương. Vậy là con nhỏ đã chọn lựa, ai bảo nó mang tên cô công chúa với phận liễu yếu đào tơ đi lấy chồng lại phải “nước non ngàn dặm ra đi” “nghẹn ngào nhìn về cố quốc xa vời”… vì nghe lời cha hy sinh lấy vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai Châu Ô và Châu Rí cho triều đình. Tôi tin nó quyết định như vậy một phần chịu ảnh hưởng của sự kiện lịch sử này trong suy nghĩ. Con nhỏ hy sinh cho gia đình mình vì đa số những người chị lớn trong nhà lúc nào cũng có tư tưởng lo lắng cho cha mẹ em út hơn cả.

Sáu tháng sau tôi nhận được một lá thư từ Hongkong có tên người gửi Trần thị Huyền Trân, trong thư chỉ có vẻn vẹn một bức ảnh chụp Huyền Trân ngồi hai tay tì lên mặt bàn há miệng cắn trái táo cầm trên tay, thoạt nhìn tưởng là sung sướng với vật chất đang có nhưng nét buồn ẩn hiện trong đáy mắt khó ai nhận ra nếu chưa hiểu chuyện. Mặt sau tấm ảnh có một câu duy nhất: “Rất nhớ mẹ và các em”.

Cỏ Biển
30/4/2018


(*)
R = Trung ương cục miền Nam
A = Miền Bắc Việt Nam
“ít xì 1,2” = Ký hiệu X1, X2 chiến dịch đánh tư sản, mại bản, công thương nghiệp miền Nam.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018