SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

http://www.gio-o.com/ThiVu/vovanai-danlambao.jpg

Quê Hương là Người

Thi Vũ

Trên tạp chí Quê Mẹ cuối thập niên 79 đầu thập niên 80, tôi viết bài xã luận “Quê hương là Người” làm ngạc nhiên hay thắc mắc một số độc giả. Thời đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận người mới là quê hương thực. Từ nhỏ, quê hương ám ảnh tôi qua bụi tre, ao làng, sông nước, tiếng chuông chùa… nơi chôn nhau cắt rốn. Thử hỏi nếu không có cuốn Quốc văn giáo khoa thư thời tiểu học đăng bài quê hương là nơi đẹp hơn cả, chắc gì những hình ảnh lùa vào mắt mỗi sáng ta mở mi cho nắng rót từng lần ấn tượng in nên cảnh thực. Một cảnh thực chập chùng ảo giác. Ta có sẽ thốt lên “quê hương là nơi đẹp hơn cả” chăng trước những cảnh, những hình hiện quanh thế giới chập chùng lưu luyến ?

Khổ nạn do chế độ ngoại lai mang lại trên quê hương kia xua đuổi con người tan tác chín phương trời, vào những ô kín ghetto trại tập trung cải tạo, vùng kinh tế mới, hay tự phát vượt biên vượt biển tới chốn lạ xa đìu hiu. Nỗi bất lực tự thân đối với mẹ cha, xóm giềng, bằng hữu. Ta làm chi cho tồn tại một quê hương huyễn ước đáy tim ? Nỗi khổ điêu linh kia giáng xuống theo năm tháng bào mòn thân xác người thân. Từng bóng ma không tìm ra nghĩa địa, tan nhanh như khói sóng, thớt sương. Có về lại nơi quê hương đó, quê hương còn chăng khi người vắng ?

Ngày tôi xướng xuất Tàu Đảo Áng Sáng đi vớt người ngoài Biển Đông cuối năm 1978, vốn chỉ là phản ứng phải làm từ tâm ảnh dội kêu. Ai ngờ hiện lên trong tôi niềm chấn động trước hình hài Con người thế giới. Những non nước xa xôi đến lạ lùng như Pháp, như Châu Âu, Châu Mỹ bỗng lồ lộ thân thể của lương tri — lương tri nhân loại. Con người khắn khít, con người hợp đoàn. Tôi chợt hiểu, con người mới là quê hương giữa chênh vênh vũ trụ. Tuỳ người, nhờ người, ta dựng nên mái ấm êm đềm — Home trong tiếng Anh hay Mỹ. Êm đềm lâu thành quê hương ? Như Bùi Giáng cảm nhận Hỏi rằng người ở quê đâu / Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà. Quê của nhà, tức người. Trong những ngày tháng ấy, lắm khi tôi tự hỏi nếu có quốc gia nào lâm cảnh tăm tối Việt Nam 75, nước Việt có sẽ giang vòng tay rộng đón người lâm nạn như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Châu Âu, Châu Úc đón tiếp Người Vượt Biển cuối thập niên 70 sang gần hai thập niên sau? Không so sánh khôi hài đâu. Câu hỏi trọng thị cho riêng tôi, liên hệ tới văn hoá và đạo đức một giống dân. Sống, chịu đựng, chứng kiến, từ lâu tôi không còn dám tung hê câu nói đầu lưỡi đa số người cùng xứ “Bốn Nghìn Năm Văn hiến”.

Kiến văn hẹp hòi, đôi mắt khép chặt giữa vòng vây tự mãn, tự hào hão, khiến đa số người Việt dễ thành kẻ thiển cận, ác độc. Văn hiến ở đâu nơi chuỗi ngày phân tranh, chia xé, chửi bới, lăng nhục nhau ? Không như người Nhật tôn vinh nhân tài, sĩ phu nước họ là bảo vật quốc gia.

Từ nhỏ, nhà văn Nguyễn Tuân đã lôi tôi theo những chuyến hải trình. Phải chăng lời đề từ Paul Morand đầu trang Mất quê hương của Nguyễn, người mơ ước khi chết, người ta lột da mình làm chiếc va-li để có thể chu du vô cùng tận ? Không là chiếc va-li dứt đường bị bà nhà Nguyễn Tuân dội nước rửa sạch mọi nhãn hiệu khách sạn năm châu dán lên theo bước chân giang hồ mỗi lần Tuân ghé bến.

Bây giờ đã xa cách muôn trùng chốn cũ, tôi thường nhắm mắt tự hỏi quê hương là gì, quê hương sót gì nơi đáy tim, trong đầu, nơi võng mạc?

Tháng 10 năm 1986 đang đi thuyết trình tại Úc, được người bạn ký giả Dennis Warner giới thiệu, ông Lý Quang Diệu mời tôi tới Singapore nói chuyện về tình hình Việt Nam tại Singapore Institute of International Affairs.Singapore gây ngạc nhiên tôi là khối nhân sự chính phủ. Họ trẻ trung và học thức cao viễn. Khi đi thăm một số Bộ trong chính phủ, thoạt đầu tôi cứ nghĩ một chú thư ký Bộ nào đó tiếp mình, chứ không là ông Bộ trưởng. Sau mới biết chính sách dụng người thông minh của ông Lý Quang Diệu. Những người trẻ trung ấy đều tốt nghiệp ở những đại học nổi danh bên Anh quốc hay Hoa Kỳ. Lảng vảng trong tôi vẫn còn hình bóng những Thủ tướng, Bộ trưởng, Tổng trấn Việt Nam ăn mặc tươm tất com-lê trắng, thắng cà vạt đen, ngồi xe Citroen traction đen rà sát mặt đất.

Một hôm ra phố, tôi ngỡ ngàng thấy cây bàng của tuổi thơ tiểu học ở Huế. Huyết quản lồng lộn thuỷ triều cơn sóng chấn, người nóng ran mối êm ái, bàng hoàng. Tôi lượm những chiếc lá bàng vàng rơi trên lộ, áp vào ngực, tôi lượm những hạt bàng rụng cắn vào thớ thịt quả, cuống họng nhận ra chất ngọt chát. Giây phút ấy, tôi không nghĩ đây là Tân Gia Ba. Tôi vất niềm cố tín lên thân cây bàng hai chữ Việt Nam.

Về tới Á châu mới thấy màu sắc tăng lên nhiều tầng độ. Lá xanh hơn, nắng vàng hơn, trời thắm và nhiều mây. Chất ẩm không khí bịn rịn toàn thân. Rồi những tấn mưa nhanh trút nước tràn trề nhưng cũng vội vả rút về trời.

Đầu năm 1969, tổ chức Fellowship of Reconciliation ở Nyak mời tôi làm chuyến thuyết trình về Việt Nam gần 2 tháng ròng qua mấy chục tiểu bang Hoa Kỳ. Tại cuộc phỏng vấn một đài phát thanh ở New York ký giả chợt hỏi câu bất ngờ : “Hình ảnh gì nước Mỹ đánh động ông ?” Tôi đáp ngay : Sông Hudson. — Sao vậy ? — Vì nhắc tôi nhớ về những con sông trên quê hương Việt.

Đúng vậy. Sông nước Việt chảy xanh huyết quản tôi mỗi ngày từ thuở còn thơ. Dù tôi sinh ở vùng núi Pha Long trên dãy Hoàng Liên sơn dọc biên giới Việt Hoa. Núi, núi choáng ngất hồn làm chồn chân bão tố. Nhưng sông không ngưng chảy những chuỗi thuỷ tinh lung linh, đẩy những bến đợi bước đi. Khi đi người lập lại quân bình.

Nói tới sông Hudson lại nhớ người bạn hoạ sĩ tài ba Nguyễn Quỳnh. Người có tranh được Bảo tàng viện Guggenheim ở Nữu Ước mua.

Những năm đầu đen tối sau 75, tôi ước nguyện in một bản Kiều tuyệt đẹp. Nghĩ rằng mỗi gia đình lưu xứ nên có quyển Truyện Kiều trên tủ sách. Chẳng sao khi chưa lật đọc. Chỉ cần sự hiện diện. Hiện diện sách. Hiện diện hồn linh Kiều như áng ngôn ngữ rặc giống dân không ngừng bước về phương Nam. Phương Nam hồn hậu, khoan hoà theo suy tưởng Khổng Tử. Tôi bắt đầu tìm những Hoạ sĩ quen biết nhờ vẽ tranh Kiều để làm cuộc song thoại với Tập Văn Hoạ Kỷ niệm Nguyễn Du in trên giấy Dó, do Hội Quảng Tri ở Huế xuất bản năm 1942 mà tôi tìm kiếm mãi vẫn chưa ra, kèm những phụ bản tranh của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tôn Thất Đào, Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Lưu Văn Sìn. Nhớ vậy khi đọc lần đầu hồi bé.

Hiển nhiên sách quan trọng cho sự mở trí. Nhưng nhiều khi sách không đọc, chưa đọc trên tủ sách gia đình vẫn ảnh hưởng, tác động đến vô thức ta bằng hồn chữ ba động. Tôi nhờ cậy các hoạ sĩ Lê Phổ, Nguyễn Trung, Phạm Tăng, Thái Tuấn… Nhưng chỉ có Nguyễn Quỳnh đáp ứng qua hai bức tranh tuyệt vời “Kiều trên sông Tiền đường” và “Kiều Tây phương”. Kiều trên sông Tiền đường, nhưng sông chỉ là những loáng sóng lượn lay nơi không gian mũi tên nhỏ trên toàn cảnh tranh lớn khổ 88x1,80 cm, nơi Kiều ngồi bề thế, bình nhiên núi tảng, cây đàn nguyệt kê lên chân và một dãy 15 chiếc bình trống không, trừ chiếc bình thứ 15 búng nổ. Không từ vật thể vất từ ngoài vào, mà là sự bùng vỡ từ nội tâm, từ bên trong huyền hoặc phận người. Nguyễn Quỳnh nói với tôi, để vẽ một góc sông nhỏ bé ấy, anh đã ngồi nhìn, quan sát trong vòng năm giờ đồng hồ con sông Hudson để nắm bắt cái sóng chồm trên sông.

Nhưng những hoạt động quốc tế cho nhân quyền, và đặc biệt thiếu phương tiện, dự án chưa bao giờ thực hiện.

(trích “Sống nơi cõi Người”)

Thi Vũ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018