SỐ 78 - THÁNG 4 NĂM 2018

 

Trong khi chờ hoa xuyên tuyết…

Cao Vị Khanh
Tản mạn

1

Mọi năm, từ giữa tháng ba trời đã dọ dẫm sang xuân. Ngày đã thôi co rút lại mà  duỗi dài ra theo độ dài của nắng, những tia nắng ấm láu lỉnh thụt ló như đứa bé thích chơi trò cút bắt. Tuyết trắng xóa, im ỉm trên nóc nhà, lặng lờ bên hè phố, hay lầm lỳ nơi bãi bờ từ tháng mười hai năm trước cũng rắp ranh chuyển động, mặt tuyết răn răn như xủi tăm rồi rỉ rả tan ra chảy lon ton xuống mái hiên, chảy rúc rích vào cống rãnh. Vài ba con én nhỏ, trốn chui trốn nhủi đâu đó mà mất biệt từ mấy tháng nay cũng háo hức bay ra, liệng qua liệng lại, chiếp miệng  kêu chíu chít đến sốt ruột. Mấy con sóc nâu to bằng nắm tay người lớn như giựt mình thức giấc, phát chạy lăng quăng trong mấy lùm cây, dòm ngó dáo dác, rồi chun chun cái mũi nhỏ xíu hít lấy hít để chút hương mùa mới, là lạ quen quen. Mọi thứ đều như có cái gì đó chộn rộn trong lòng, chỉ chực chờ cựa dậy.

Vậy đó, rồi một buổi sáng, từ trong một kè đá, một hốc cây, giữa lớp tuyết trắng phau, mịn màng hay lạo xạo, bỗng thấy lu lú một đốm vàng, một đốm trắng hay một đốm gì tim tím, phơn phớt như giọt sương đêm hè và mỏng mảnh như một hơi thở gượng nhẹ. Ngày một ngày hai, giọt sương hay hơi thở mà lộ rõ hình ra đóa hoa sáu cánh, úp vào nhau như một quả chuông nhỏ, lắc lư theo ngọn gió vào xuân còn lành lạnh. Hoa nở ra, chấp chới như một nụ cười nào đó, mơ hồ …

Hoa xuyên tuyết, ngủ yên trong cái búp bụ bẫm suốt mùa đông, thoắt chui ra khỏi mấy tầng đất đá đặc cứng, chòi lên mấy lớp tuyết lạnh tanh để báo tin xuân đã về, nắng đã ấm, ngày sẽ vui…

Vậy mà mùa đông năm nay lại không phải vậy. Cuối tháng ba rồi đầu tháng tư mà bão tuyết vẫn liên miên, hết trận này đến trận khác. Tuyết rơi từ đầu mùa, rơi suốt giữa mùa, sang đến cuối tháng tư, trời vẫn lạnh và tuyết vẫn không ngừng rơi. Rơi hoài rơi hủy. Những lớp tuyết bám rịt vào nhau, tràn bờ cửa sổ, bít cổng chặn ngõ, phủ chật sân trước vườn sau, nghẽn cứng cả lối vào ra quanh quẩn. Tháng tư rồi mà chỉ thấy tuyết chớ không thấy… đất. Và hoa xuyên tuyết, thứ hoa thường đúng hẹn, tháng tư năm nay cũng chẳng thấy nở nổi nụ đầu.

Lật bật rồi lại tháng tư.
Lại cái tháng tư !
Lại nhớ Thanh Nam và Đất Khách.

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng tư
Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa (*)

Thời gian như con chim gõ kiến, cứ lách cha lách chách vậy mà làm rơi rụng hết lớp này đến lớp khác, mớ ngày tháng trơ trơ. Ngày tháng thì lại cứ như cái lớp vỏ cây sần sùi, tróc lớp này thì mọc bồi lại lớp khác, lì lợm đến độ không làm ai để ý.  Lâu lâu giựt mình ngó lại, thấy cây vẫn sừng sững … để ý hơn một chút, cây vẫn sừng sững nhưng ruột thì bắt đầu rỗng hoang… Và chúng ta, trong cái phũ phàng sinh hóa đó !

Bằng hữu qua đây dăm bảy đứa
Đứa nuôi cừu hận đứa phong ba
Đứa nằm yên phận trong êm ấm
Đứa nhục nhằn nuôi kiếp sống thừa (*)

Lâu rồi đọc lại thơ Thanh Nam thấy vậy mà dường như ông là một người hạnh phúc. Trong bước đầu của cuộc sống lưu vong, giữa cái mênh mông của đất trời Bắc Mỹ, dường như giữa hai tợp rượu ngất ngưởng, ông còn thấy quanh ông những « đứa », mà « đứa » nào « đứa » nấy nếu không giống ông hẳn thì cũng không khác ông mấy. Đứa-cừu-hận, đứa-yên-phận, đứa-sống-thừa. Nghĩ mà thương. Thương nhưng không buồn. Kiêu hãnh nữa là khác.. Trong những thái độ sống được kể ra đó, thái độ nào cũng biểu lộ một nhân cách, nhân cách của kẻ sĩ.

Vậy rồi, ông Thanh Nam mất. Thanh Nam mất nhưng thơ của ông còn đây. Chỉ có điều những người mà Thanh Nam gọi một cách thân mật và ruột thịt, gần ba mươi năm sau, những “đứa” đó càng lúc càng hiếm dần chẳng khác những loài bị xếp vào thành phần sắp-bị-diệt-chủng (espèce menacé).  Mà cái số không cừu hận hoặc không còn cừu hận, không yên phận mà đã thức thời, không nhục nhằn mà đổi đời hãnh tiến thì tăng lên quá độ. Cũng y như thuyết tiến hóa của Darwin, cái gì không dùng lâu ngày sẽ bị teo tóp lại rồi có khi biến mất luôn. Tay chân lông lá kể cả lương tri. Chẳng vậy mà 30 năm sau ngày chạy thất điên bát đảo, chạy trối chết, chạy bất kể như mắc một lời thề độc, bỗng nhiên rồi hè nhau quày đầu chạy quay trở lại. Cũng bất kể như khi chạy đi, vội vã, hăm hở, hung hăng, hớt hãi như bỗng thấy bên kia biển lớn hừng lên một vùng Đất Hứa. Chạy như sợ không về kịp một dịp cứu rỗi, hay vuột một lời chúc phúc vậy. Hồi trước xô đẩy nhau mà chạy xuống thuyền, bây giờ xô đẩy nhau mà leo lên cầu thang máy bay… bay về chính cái nơi… cái nơi mười mươi năm trước hẳn đã có lúc hậm hực… “phải chi có cánh cũng bay phứt đi cho rồi”

Giai thoại kể rằng, sau năm 75, có một lần nào đó… ông Bùi Giáng vác một tảng đá thiệt to đi lang thang qua phố. Thấy lạ, có người theo hỏi, ông trả lời (mà không cười!) rằng nếu bỏ tảng đá xuống, tôi sẽ bay đi khỏi đất nước này đấy (sic)

Câu nói của một thi sĩ mà thi ca vốn đầy ẩn ngữ lại rõ ràng như không thể rõ ràng hơn nữa về tình trạng tuyệt vọng của một nơi chốn mà cách ăn ở không còn là cách ăn ở của… con người. Bởi vậy mà người ta bỏ đi. Trốn chui trốn nhủi mà bỏ đi. Bò lê bò lết bò càng mà bỏ đi. Dắt díu nhau mà bỏ đi. Lường gạt nhau mà bỏ đi. Mọi kiểu mọi cách. Cách nào cũng bỏ đi cho được. Kề cả tù đày, sóng to, biển dữ, cướp biển, mìn bẩy, hầm chông, đồn bót, quốc doanh, biên phòng, bê hai bê tư… gì gì cũng mặc, bỏ đi như chỉ còn cách bỏ đi là phương thế cứu rỗi độc nhất và sau cùng.

Hơn nửa triệu người bỏ đi rồi bỏ mạng đâu đó trên sóng nước mênh mông của biển cả hay vùi xác đâu đó trên những lối mòn hiểm hóc của rừng già.

Số còn lại, tới bờ tới bến, hú hồn hú vía như… chết đi sống lại!!!

Ở đậu đâu đó trên xứ người, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… Người làm thầy, người làm tớ, mà thầy hay tớ gì cũng chỉ là lớp vỏ mỏng phủ khoác bên ngoài để che đỡ cho cái hồn tính VN mang theo, tránh khỏi cảnh bị giày xéo như hồi ở cố quốc. Nếu không vậy thì sao lại bỏ đi. Nếu không vậy thì hóa ra cái chuyện tranh sống tranh chết bỏ đi đó chẳng qua chỉ vì ba miếng thịt thừa cơm cặn ở xứ người hay sao ?

 

2

Mà nếu đã vậy thì sao bây giờ lại kéo về, về lại cái nơi đã bỏ đi vì bất cứ nguyên do nào thì đến nay những nguyên do đó vẫn còn đó, y nguyên, thậm chí còn trở thành một thứ lề thói, nếp sống, như một nết «văn hóa» đặc thù.

Thử đọc lại đôi dòng trong một bài viết gần đây của ông Hà Sĩ Phu có tựa đề là “Tổ quốc trước cơn liệt-khùng nhân cách”:

“ Sự liệt thường được hiểu là dịu đi, xỉu đi… nhưng sự liệt này lại kèm theo một hội chứng hung hăng đầy dẫy bạo lực: chưa bao giờ người Việt lại xài vũ lực với nhau hăng như bây giờ. Hành hạ, tra tấn, chém giết nhau như cơm bữa. Những cuộc “đấu tranh không khoan nhượng, một mất một còn” này, những cuộc “phê bình bằng vũ khí” này lại không phải là đấu tranh giai cấp như  Mác-Lê mô tả, mà toàn là trận chiến trong gia đình, trong nhà mẫu giáo, giữa bạn bè, thầy trò, giữa công an với dân… trong hàng ngũ cách mạng với nhau cả. Cô giữ trẻ cấm trẻ khóc bằng cách bịt miệng cho đến… chết, công an bịt miệng bị cáo giữa tòa án nghiêm trang, trò nện thầy ngay trên bục giảng, cô giáo bắt học trò liếm ghế của mình, bà là mẹ liệt sĩ mà bị cháu đánh gãy xương nên  cũng thành “liệt”… sĩ luôn, nhà trường giao học sinh cho công an dùng vũ lực dạy giúp, công an tống súng lục vào miệng học sinh để hỏi cung, công an tạt tai khách qua đường hoặc đánh cho lên bờ xuống ruộng chỉ vì quên không đội mũ hoặc đi ngược chiều …”

Có lẽ sau hết mọi bất thường vẫn được mô tả về những dinh thự được sơn phết lại diêm dúa, những miếu đình được tu bổ lếu láo, những cầu cống được bắt qua sông chưa tới bờ đã sụp, những lễ hội rình rang ngớ ngẩn, những vụ án PMU 18… những nghị quyết chống tham nhũng bằng cách may bít miệng túi áo công an cán bộ (sic), những vụ cướp đất cướp nhà đưa đến dân-oan-khiếu-kiện, những… và những … không chừng cái điều mà ông Hà Sĩ Phu vừa nói ở trên mới là những vấn nạn căn bản, tận cùng. Bởi vì hơn gì hết, sức mạnh của một dân tộc chẳng những cậy vào tiềm năng kinh tế, quốc phòng… mà còn cậy vào chính những giá trị tinh thần của dân tộc đó. Không còn thứ nhân-hòa đó thì làm gì còn thứ hội-nghị-Diên-Hồng vang vang lời thề sát đát! Qua sự miêu tả của ông Hà Sĩ Phu về những đối đãi giữa người và người, sau ba mươi năm tranh sống trong sự lừa dối, láo khoét, xảo quyệt và độc ác của một chế độ bất cận nhân tình, cái còn lại là gì trong sự liên đới giữa người và người, nếu không là những móng vuốt của bầy thú dữ !

Con người mà hành xử đến cạn tàu ráo máng như  vậy là do đâu nếu không phải là như ông Khổng Tử đã giải thích từ mấy ngàn năm trước. Thượng bất chánh, hạ tắc loạn !

Bài viết của ông Hà Sĩ Phu nhằm một mục đích khác nên chỉ đề cập đến cái mặt nổi đình nổi đám nhất của giới ít nhiều thân cận với chính quyền. Nhưng chính điều đó lại làm người ta nhớ tới tình cảnh của đa-số-thầm-lặng khác, không đảng tịch cũng chẳng vây cánh, không chức vụ cũng chẳng bè phái, những người dân thường sống bên ngoài cái hệ thống bao-che-kín-mít đó, giữa cái thế giới hung bạo ráo cạn nhân tình như vậy, thử hỏi  nếu còn chút thiện tâm rồi sống ra sao? Hay là nên hỏi họ đang chết ra sao! Rõ ràng, họ đang chết đó thôi.

Chuyện kể về một người làm thơ từ thời trẻ, suốt mấy chục năm sau này thơ là những giọt máu riêng tây chảy ra từ một thương tích chung của lịch sử. Điều quan trọng nhất là thơ của anh rất… thơ. Hết mười người đọc đã có chín người rưỡi khen hay (còn lại nửa người có-vấn-đề là vì… mù chữ!). Cuối đời còn ít thơ, bạn bè thương thích muốn đem in lại làm kỷ niệm. Ờ thì theo thủ tục, bạn bè làm tày khôn ôm thơ đi xin giấy phép. Phép cho in với điều kiện sửa câu này vài chữ, trang kia vài câu… Ngặt hơn nữa bài thơ này phải viết lời trần tình, bài thơ kia phải viết lời minh định, bài thơ nọ phải viết lời chú thích… rằng-thì-là... Làm như máu cũng có máu đỏ máu xanh, ba mươi năm sau cũng không nên để máu xanh lộn máu đỏ. Làm như trong thơ cũng đầy ranh giới, thứ ranh giới dính be bét máu anh em.

Thơ không đọc thì thôi, thơ có đâu đem ba cái chuyện tầm phào vào bắt bẻ !

Tội nghiệp người làm thơ trong thời buổi sát nhân, thấy đứa con tinh thần của mình bị người ta đòi bẻ tay bẻ chân vặn đầu vặn cổ,  thậm chí còn muốn gán thêm cho nó một chục ông cha nuôi vừa dốt vừa ngốc nên lặng lẽ gọi bạn… xin thôi. Thôi!... để ít nữa còn giữ được liêm sỉ với chính mình.

Họ không “đã chết” và “đang chết” đó chớ là gì !

 3

 

Nhắc lại chuyện thơ thẩn chẳng qua chỉ như thêm chút muối vào cái biển mặn đã quá mênh mông của oan ức. Chớ nợ văn chương thì có thấm vào đâu với triệu thứ nợ đời còn mãi trầm luân người ở cái chỗ Soljenitsyn đã gọi là tầng-đầu-địa-ngục. 

Từ đó cái việc người tị nạn ở nước ngoài kéo nhau về chơi, thơ thới như đi chợ phiên quả là một điều đáng hổ thẹn hơn bất cứ một điều vô ý thức nào khác. Lý giải bằng cách nào đi nữa, thì chuyện đi về qua lại trong lúc này vẫn phải coi là một thái độ mặc nhiên chấp nhận sự thắng thế của cái Ác trong lòng một xả hội vốn dĩ đã có thời rất hiền hòa. Dù muốn dù không, cũng phải nhận rằng, nếu trước đây thế giới đã ca tụng mỗi cuộc vượt biên là một cuộc bỏ phiếu bằng chân cho lý tưởng tự do thì mỗi bước trở về bây giờ sẽ không còn lời giải thích nào khác hơn là một bước giày xéo lên lương tâm của chính mình và của nhân loại bằng chính đôi chân đã có hồi giúp cho người ta đứng thẳng lên như … CON NGƯỜI !

Vậy thì vui nỗi gì mà về !

Vâng vui nỗi gì mà về !
Về để đi nhởn nhơ dạo phố dạo phường mà có thấy ở đằng sau những phố phường ra vẻ nhởn nhơ đó là hằng hằng bao nhiêu uất ức của những người còn cố sống lương thiện ở đó nên phải khuất mày khuất mặt.

Về để giẫm lên những tấm đan tâm còn bị vùi dập giữa một xả hội bất nhân như mớ hoa xuyên tuyết còn bị chôn vùi dưới mấy tầng tuyết kín bưng.

Mùa cứ đổ tuyết thêm, làm sao cho hoa xuyên tuyết trồi lên mà báo được tin xuân !

 Cao Vị Khanh
-----------------------------------------
(*) thơ Thanh Nam

 

Viết thêm

Từ khi viết bài, kể cũng đã vài ba năm trôi qua. Thời gian trôi qua đã không làm nhạt bớt chút nào cái vẻ  tối mò trong bức tranh chính trị và xã hội ở bên đó. Mà ngược lại càng lúc càng tối mịt.

Còn ở cái chỗ ngoài này, thì cũng vẫn y vậy. Y như sáng hôm nay, trời đã sang xuân được mấy bữa, mà tuyết vẫn ... rơi. Rơi hoài.

Cao Vị Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018