SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

Cao Đông Khánh – “Lửa Ngoài Giới Hạn“ cháy không tạ từ

Đỗ Trường
(Bài viết tặng nhà văn Trần Hoài Thư và Thư Quán Bản Thảo)

Cũng như nhà thơ Trần Trung Đạo, nếu không có biến cố 30-4-1975, và không có những con thuyền lá tre kia, cố lao đi để tìm sự sống thật mong manh trong cái mênh mông của biển cả, giông tố của đất trời, thì chắc chắn chúng ta sẽ không có một nhà thơ dân dã Cao Đông Khánh. Những cơn mưa nguồn, gió bể ấy như nhát dao chém nát hồn ông. Để rồi từ những vết thương không bao giờ thành sẹo ấy, ứa trào ra hồn thơ quằn quại của kiếp tha hương. Thơ Cao Đông Khánh xuất hiện muộn, nhưng đúng vào thời khắc xoay vần đảo điên của đất nước, và con người. Ông là một trong những gương mặt tiểu biểu nhất về ngôn ngữ thi ca Nam Bộ, với chất giọng riêng biệt của mình.

Nhà thơ Cao Đông Khánh tên đầy đủ Cao Đồng Khánh, sinh năm 1941 tại An Phú Đông, Gia Định. Ông từng là người lính Việt Nam Cộng Hòa, năm 1964 bị thương, và mất một con mắt. Giải ngũ, Cao Đông Khánh được du học ở Hoa Kỳ. Sau năm 1975, ông bị bắt tù cải tạo. Ra tù năm 1979, ông vượt biển và định cư tại Hoa kỳ. Cao Đông Khánh bị bệnh, và mất vào ngày 12/12 năm 2000 tại Houston.

Thật ra, ngay từ thuở học trò, và những năm tháng du học Cao Đông Khánh đã đến với thơ, nhưng không để lại dấu ấn. Nó đã gây cho ông chán chường, tưởng rằng sẽ đoạn tuyệt với thi ca. Bởi, lúc đó có lẽ, ông thực sự chưa có giọng thơ, chưa tìm ra con đường riêng cho mình chăng? Do vậy, đánh giá thơ văn Cao Đông Khánh, dường như chỉ có thể dựa vào hai thi phẩm: Lịch sử tình yêu in năm 1981 và Lửa đốt ngoài giới hạn ấn hành năm 1996. Hai thi tập này, được ông viết trong khoảng hai mươi năm, kể từ sau biến cố 1975, cho đến những năm gần cuối đời. Tuy nhiên, hầu như những bài thơ trong tập Lịch sử tình yêu, đều được in lại trong thi tập Lửa ngoài giới hạn. Cho nên, Lửa ngoài giới hạn, như một tuyển tập, được gói gọn trong mười lăm chương là thi tập quan trọng nhất về sự nghiệp sáng tạo, cũng như diễn biến tâm lý, tư tưởng Cao Đông Khánh.

Nếu đọc Cao Đông Khánh một cách hời hợt, thoảng qua, thì ta cứ ngỡ đó là những câu thơ tình hoặc lời tự sự rong chơi bông phèng. Nhưng đọc thật chậm mới (cảm) nghiệm ra hồn thơ ông luôn gắn liền với xã hội, và thân phận con người. Do vậy, bác nào ít có thời gian, hoặc nóng vội không nên đọc thơ Cao Đông Khánh, dù từ ngữ ấy rất dân dã.

Thật vậy, Sàigòn Rồng Bay Phượng Múa là một bức tranh thất ngôn thơ rất lạ, và sinh động về bối cảnh, thực trạng của Sài Gòn, và cả miền Nam sau biến cố 1975. Xua đuổi dân lên rừng, khai hoang làm kinh tế, với sự cấm chợ ngăn sông, đốt, phá hủy văn hóa và khoa học: “Sàigòn mọc cỏ dại trên nóc cao ốc/ rêu mốc ẩm thấp/ trên trí tuệ của thành phố thấm xuống chân tay/ nấu phụ tùng điện tử, thụt ống khói lò rèn/ chế tạo cuốc xẻng đào xới tương lai”. Nó làm cho cuộc sống, đạo đức con người đảo lộn tùng phèo. Và lao ra biển là con đường duy nhất để tìm ra sự sống của con người:

“sàigòn, chợ lớn như mưa chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về xóm chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong

hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm giấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông

sàigòn khánh hội gió trai lơ
khi ấy còn tơ gái núi về
đào kép cải lương say tứ chiếng
ngã tư quốc tế đứng xàng xê…”

Biến cố 30-4-1975, rồi năm tháng tù đày và hải tặc nơi địa ngục trần gian của những ngày vượt biển trốn chạy, đã làm Cao Đông Khánh bị ám ảnh, thần kinh luôn bị kích động cao độ. Khi tâm trạng, thần kinh bị kích động như vậy, thì dường như hồn ông đã thoát, tách rời khỏi thế giới hiện hữu xung quanh. Và để giảm bớt hoảng loạn, nỗi đau đó, chỉ có rượu và thơ mới có thể giải phẫu căn bệnh tâm lý đó. Sự chấn động tâm lý này, ít nhiều ta bắt gặp ở những nhà văn xuất thân từ người lính, tù nhân, như: Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn hay người lính phía Bắc: Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ…Do vậy, từ ngữ, hình ảnh thơ Cao Đông Khánh dường như không theo một qui tắc, hoặc được cho là cấm kỵ trong thơ văn, từ trước đến nay. Nếu ta đã bắt gặp những khẩu ngữ hiện thực chua cay trong thơ của Nguyễn Bắc Sơn: “ Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…” thì đọc Cao Đông Khánh những từ ngữ trong cơn ám ảnh lên đồng ấy còn táo bạo, kỵ húy hơn gấp nhiều lần. Âu đó cũng là một nét đặc trưng riêng biệt thơ Cao Đông Khánh. Và Hạt Kim Cương Di Tản là một trong những bài thơ điển hình như vậy của ông:

“một người ngồi hát trong trại tỵ nạn
những vết muỗi đỏ trên thân thể nàng
những chỗ rối rắm những chỗ chí rận
giấu trong chỗ kín một hạt kim cương
một hạt kim cương lọt vô tử cung
những cuộc bạo dâm đứt giây trí nhớ
cây lá một ngày trổ trái héo hon
đứa trẻ sơ sinh dính đầy cát bụi.”

Có thể nói, nếu không phải là nạn nhân, một chứng nhân sống thì Cao Đông Khánh không thể viết ra những câu thơ xé ruột bầm gan đến vậy. Đã đọc rất nhiều thơ, văn cùng chung đề tài, nhưng chưa có bài thơ nào làm tôi xúc động bằng: Mẩu đối thoại ở Hoa Thịnh Đốn của Cao Đông Khánh. Nghịch lý hiện thực đắng cay ấy, để em: “Khuôn mặt đóng rêu trên đường nước mắt chảy/ Em sống ngoại ô của chỗ văn minh”. Nỗi đau ấy, chẳng phải riêng em, mà nó là thân phận chung của cả một dân tộc đang bị đọa đày vậy. Bài thơ như một bản cáo trạng của Cao Đông Khánh, khi ông vừa từ cõi tử thần đặt chân tới Hoa Kỳ:

“… em nói, chồng em chết tù cải tạo
những đứa con ngọc ngà chết ở biển đông
còn đứa trẻ khôi ngô này, sinh ở trại tị nạn
cha nó đang làm hải tặc Thái lan…”

Nếu không có nỗi đau đầu đời, cùng những biến động đảo điên của xã hội và con người, thì có lẽ Cao Đông Khánh chỉ dừng lại với cái nghiệp vẽ của mình. Bởi lẽ đó, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhà văn Trần Hoài Thư, khi chiến tranh đã cướp đi một con mắt, cái cửa sổ linh hồn ấy khép lại, thì nó mở ra trong thơ Cao Đông Khánh với những gì đắng cay và thiết tha nhất. Nỗi yêu thương, sự cảm thông này càng đậm sâu, sau những ngày tháng 4/1975. Sự đắng cay, và cảm thông ấy, ta có thể thấy rất rõ qua bài: Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ. Có thể nói, đây là bài có lời thơ đẹp nhất, mà tôi được đọc trong thời gian gần đây. Cái sự cảm thông mang một chút dằn vặt, bất lực của Cao Đông Khánh trước số phận hẩm hưu và cay đắng của em, làm cho người đọc cay cay nơi khóe mắt:

“em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
vạt áo sau lưng khép hở Saigon

em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ
để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi
như gái tỉnh lẻ thất thân nơi thị trấn
lỡ một lần lỡ thêm nữa chẳng sao…”

Dường như, khi tâm trạng hưng phấn, kích động, Cao Đông Khánh tìm đến cây viết. Nỗi ám ảnh ấy vuột ra như dòng chảy tự nhiên vậy. Nên đọc Cao Đông Khánh, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh tâm trạng của nhà thơ, thì quả thật từ ngữ trong thơ rất khó hiểu, có khi vô nghĩa. Và đoạn trích dưới đây trong bài Sàigòn Rồng Bay Phượng Múa sẽ là một minh chứng. Ba câu thơ đầu, với những khẩu ngữ rất dân dã, mang đặc tính Nam Bộ. Nó cho ta thấy, không chỉ tên phố, tên người đã bị thay tên đổi họ, mà cả thành phố này cũng đã bị đổi chủ, sang tên. Sự quên tên, lạc phố ấy chỉ là cái cớ để người thi sĩ bộc lộ cái sự cô đơn, lạc lõng của mình. Và chẳng có nỗi đau nào hơn thế nữa, khi con người phải lưu lạc chính trên quê hương mình. Ba câu thơ cuối có những hình ảnh khá trừu tượng, nếu tách rời sẽ vô nghĩa, nhưng nằm trong tổng thể đoạn thơ, và bài thơ thì rất hay. Dường như, nó cho người đọc tìm lại, liên tưởng đến một chút hương xưa trong khung cảnh, và tâm trạng nặng nề của thi nhân vậy:

“Sàigòn Phú Nhuận nhớ không nổi
có ngả nào qua khám Chí Hoà
hỏi thăm quên mất tên thằng bạn
như lá trên rừng đang chuyển mưa
trận mây đồng phục nặng như thép
ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi”

Tuy nhiên, khi đi sâu vào đọc Cao Đông Khánh đã cho tôi nhiều điều ngạc nhiên khác. Những thể thơ lục bát, thất ngôn, bát ngôn, hoặc thơ không vần của ông lại rất chu chỉnh, và giàu hình ảnh. Sự tìm tòi hoán đổi, hoặc tạo ra những từ mang nghĩa mới, tính chất khác bằng cách ghép các danh, tính từ…là tài năng nghệ thuật sáng tạo của nhà thơ Cao Đông Khánh. Thật vậy, để miêu tả đoạn trường thống khổ của người thiếu phụ, cùng với sự cảm thông của mình, trong bài Mẩu đối thoại ở Hoa Thịnh Đốn, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật ghép danh từ (khuôn mặt) với tính từ (đóng rêu- mọc rêu) làm cho câu thơ mang hình ảnh so sánh ẩn dụ hay một cách lạ lùng: “Khuôn mặt đóng rêu trên đường nước mắt chảy/ Em sống ngoại ô của chỗ văn minh”.

Đến với lục bát, ta có thể thấy Cao Đông Khánh dụng công làm mới bằng nghệ thuật vắt dòng, ngắt nhịp. Ông viết lục bát không nhiều, nhưng từ ngữ trau chuốt, mượt mà khác hẳn với sự gân guốc ở thể thơ khác. Đoạn trích trong bài thơ Tự Tình dưới đây, không chỉ cho ta thấy được sự ám ảnh của những ngày vượt biển trốn chạy tang thương ấy trong linh hồn Cao Đông Khánh, mà còn thấy được tài năng làm mới, cũng như hình tượng nghệ thuật thơ lục bát của ông:

“Tôi trồng giữa biển cây đa
Để em dựng miếu cất nhà nghỉ chân
Tôi còn hát nhạc Trịnh Công
Sơn, cung ngôn ngữ con khuông bổng trầm”

Thơ (văn xuôi) không vần xuất hiện ở Việt Nam đã non một thế kỷ. Từ Phan Khôi, Tương Phố cho đến nay, dường như chưa có nhà thơ nào thành công ở thể loại này. Cao Đông Khánh viết khá nhiều thơ không vần. Có lẽ, cái đặc tính khoáng đạt, mãnh liệt của thơ hợp với tâm trạng ông chăng? Tuy không thể nói là thành công, nhưng thơ không vần của Cao Đông Khánh có nhiều bài, đoạn khá tinh tế, với lối so sánh ẩn dụ độc đáo. Thành thật mà nói, nếu đặt những đoạn thơ văn xuôi này bên cạnh những bài thơ khác của Cao Đông Khánh, có lẽ không ai nghĩ, cùng một người viết ra:

“Hắn nhìn thấy ở đôi mắt nàng. Đôi mắt bốn mùa mưa gió ôn hòa cho hoa quả bình yên trên cây cao bóng mát lộng dưới một dòng sông yểu điệu bắt nguồn tự giây phút khởi sự như một bài thơ hay một nét phác họa về những mộng mị dài lâu…(Và)… Em xinh đẹp như sự im lặng. Im lặng chỉ có đôi mắt em. Im lặng chỉ có đôi môi em. Im lặng chỉ có ánh nồng của tóc. Im lặng chỉ có thân thể em trong chỗ không có phong cảnh. Và đen và màu sắc. Hợp lại thành câu hát một đời người trên nền tảng của em xinh đẹp như sự im lặng ánh sáng tạo được để em cầm đuốc bước ra làm lực sĩ nhan sắc." ( Lửa đốt ngoài giới hạn, trang 281-284)

Trong văn học sử Việt Nam, có lẽ không có ai viết nhiều, viết lâu đến hai mươi năm chủ yếu về đề tài vượt biển và thân phận con người, cùng nỗi nhớ nhà, nhớ quê như Cao Đông Khánh. Sự biến đổi tâm lý trong hai mươi năm ấy, in đậm nét trên những trang viết của ông. Tuy nhiên, dù có biến chuyển tâm lý như thế nào đi chăng nữa, thì tư tưởng nhất quán trong Cao Đông Khánh vẫn là: “Bởi tôi không phải/ thằng Mỹ gốc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa/ I love you – thuần chất Việt Nam/ Trả hết ân oán cho bọn mê đồ tình tự “. Chính vì vậy, nỗi đau đớn và nhớ thương luôn thường trực trong lòng người thi sĩ. Dẫu biết rằng, tên đã đổi, chủ đã thay. Đọc Thế giới trong, ngoài, một bài thơ gói trọn nỗi cô đơn khắc khoải đó của Cao Đông Khánh, quả thực không ai không khỏi bùi ngùi xúc động:

“Giáng sinh trắng ngọn đèn nhật ký
Bóng tối mỗi người có chỗ có nơi
Sao một cảnh, ai cũng hoài hương hết
Xứ sở nào mở tiệc giữa không trung…”

Mỗi người một kiểu đế vương thất quốc
Ngồi mỗi góc trời nhớ một cố hương
Khuya tận tụy trên từng giây âm nhạc
Khẩy trong đầu đồng vọng mớ lương tâm”

Cũng từ cái tư tưởng nhất quán ấy, do vậy trong thơ văn cũng như trong cuộc sống Cao Đông Khánh biểu hiện nhân sinh quan một cách rõ ràng. Và cái qui luật vô thường ấy, trước ông đã có nhiều văn nghệ sỹ những tháng ngày cuối đời thường nhắc đến và dự báo một cách chính xác như: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Nho Sa Mạc…Vâng, điều đó có lẽ chỉ những thi sĩ, văn nhân với tâm hồn nhạy cảm mới có được. Và Trăng Trong Vịnh Frisco là một bài thơ như vậy, cũng là bài thơ cuối cùng rất hay (trước khi qua đời) của thi sĩ Cao Đông Khánh. Không chỉ có sự định liệu trước một cách vui vẻ, thanh thản: “Hắn đã đến. Đã ở. Đã đi/ Trống thêm một chỗ trống…” mà thi sĩ Cao Đông Khánh dường như muốn để cho chúng ta, những thế sau ông một lời nguyện cầu đầy nhân bản vậy:

“Hãy tập nói: Yêu
Mọi người: Hãy tập nói
Mọi người thành tiểu thuyết
Mỗi ngày tháng năm mỗi thời sự chung chạ
Ðể dành cho
những hơi thở nồng nàn của cuộc người sấp ngửa”

Thành thật mà nói, tôi chưa đọc thơ văn của ai mà cảm thấy nặng nề và khó khăn như thơ Cao Đông Khánh. Chưa hẳn đã phải là từ ngữ, mà cái nặng nề ấy bởi, thơ ông, tâm hồn ông gắn liền với những bi thương nhất của dân tộc và thân phận con người từ sau tháng 4/1975. Đọc lên cứ thấy chờn chờn, rợn rợn. Và có thể nói, ông là người viết lịch sử thuyền nhân bằng thơ. Thơ Cao Đông Khánh không phải thơ dễ đọc, do vậy rất kén người đọc. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng ông, văn học sử Việt (nhất là mảng thuyền nhân trốn chạy, với chất giọng Nam Bộ) sẽ để lại một khoảng trống không nhỏ.

Cách nay vài tuần, có một nhà văn gửi tặng tôi cuốn Lửa đốt ngoài giới hạn. Đọc thấy từ ngữ, và giọng thơ Cao Đông Khánh rất lạ. Nên tôi tìm đọc tiếp và viết. Có lẽ, bài viết này của tôi chỉ là một phần nhỏ với khía cạnh nào đấy về Cao Đông Khánh. Do vậy, rất cần các nhà nghiên cứu phê bình khai mở thêm.

Và tôi xin mượn bài thơ vẽ chân dung Cao Đông Khánh rất hay của nhà thơ Thế Dũng để kết thúc bài viết này:

“Từ nơi yêu dấu lưu linh
Giang hồ khánh kiệt làm thinh cười trừ
Thơ còn nhậu rất vô tư…
Sử tình mê sảng mấy mùa phù dung

Du nhân trắng mắt chìm xuồng
Ngàn cơn mơ ảo lâm chung bặt lời
Hồ Gươm trăng gió khơi khơi…
Cánh đồng trầm thủy biệt người hào hoa

Nhớ em như thể nhớ nhà
Dù như đã đổi chủ mà…vẫn mong !
Coi như thi họa xuống sông
Mua không văn tự biển ngông trời cuồng

Uống đời đốt tuổi long đong
Lửa ngoài giới hạn cháy không tạ từ…”

Leipzig ngày 19-5-2018
Đỗ Trường

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018