SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

Chiếc cầu trên sông Seine

Thi Vũ
Tạp ghi

Chiếc cầu một thời đã gãy. Nước trôi mãi thành dòng. Không lối qua. Tiếng Thanh Thúy hát ngân con nước nghìn đời, kéo ta theo từng vạc sóng con. Quá khứ là tiếng gọi. Và mỗi chúng ta đều lỡ mang một danh xưng. Tên ấy suốt đời rền gọi. Người nghe thót đứng tim, nứt ra, đau nhói với quá khứ không đường về. Nhánh lá quằn quại dưới cơn mưa rừng. Mưa và rừng. Tiếng hát gội lên hơi hướm một làn da thơm thoảng sau lớp lụa mỏng trinh mơ hồ.

Tình yêu chỉ là vọng tới. Vọng. Không cầu sang. Vùng biên giới mang mang khó định. Buổi chiều hè xanh ngắt. Nõn mây trắng bâng khuâng tìm góc trời đơn bạc. Nắng hắt xuống gàu sáng cuối trên mặt lặng câm vàng nhờ.

Mê một giọng hát chưa hẳn vì lời hay bài nhạc, mà vì giọng. Giọng là thân xác âm thanh có trăm tay quyến rũ. Tiếng hát ấy không là lời, không là nốt nhạc. Tiếng là hấp lực gọi tình. Vượt xa chăn chiếu, cảm giác, du vào chốn tuyệt vời không định dáng. Tiếng. Đôi cánh chắp thân, kêu ta gấp gáp lên đường. Rời bỏ những căn nhà gạch co rúm lúc chiều xuống, những vuông hộp thở hắt điện vàng le lói não nùng qua vuông cửa. Hang động cơ giới như ngăn hộc an toàn ướp xác. Hãy đi về phía mông lung, về phía thinh không. Vì thị trấn cùng những điều rõ ràng, thực tế, là sợi giây thòng lọng thắt họng người. Đừng sợ hãi thinh không bát ngát. Người sinh từ một cơn mông muội. Đời giàu thêm sau mỗi chuyến đi.

Mưa. Khối người vữa ra, lăn hạt, chảy vội rời rã muôn kiếp. Từng giọt. Cho tới lúc thuần hư không. Nghìn triệu năm mưa như một giải khăn lơ lửng, quây tròn trái đất, biển, rừng. Bụi và cát hết an thân, cởn cơ thành trùng bò lúc nhúc, học bước trên đường sinh vật. Mưa là rơi đang vỡ oà thành bước. Bước rùng mình thét hú giữa thinh không còn nín, cho tới ngày bật tiếng, ra lời, ra giọng líu lo suy tưởng.

Thu đang hái vào giờ này những nụ xuân hẹn hò trên dãy lá thơ xanh ngắt mùa hè. Rồi trao ta một trái tặng vào tay. Con đường vàng óng mong manh sắp ứa. Bước chân thả xuống hỏi tìm chân. Theo một tiếng gọi xa xăm. Tiếng. Tiếng ai, tiếng nói, tiếng hát, tiếng mời, tiếng gọi... vổ chụp tiếng lòng, làm nên sợi chỉ trói chặt những không gian, và đem treo lơ lửng nơi xê dịch thời gian.

Người sẽ là gì ngày câm tịch mọi tiếng dấy lên từ vô thủy? Đến như đá vẫn là khối chuyển động câm lì không ngưng nghỉ, cứ thế tiếng người vung mở không gian và xê dịch thời gian. Tiếng là mẹ đẻ mọi cuộc sinh thành và chiều góc vũ trụ. Phát âm sao cho không gian đầy xuân, thời gian sáng hè, tình ý mọng thu, và ta an thân trầm ẩn nơi mùa đông lót ổ? Hỡi tiếng người.

Dòng nước là thanh âm đặc, lót đường chảy cho không và thời gian. Sông Seine còn là nơi soi bóng những cuộc tình, hay mộng huyễn đã biến vào nghệ thuật.

Rời Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) đăm chiêu cổ lụy, nhiều du khách hơn người mộ đạo, nhiều nắng ánh hơn ngọn lửa hồng thời mang địa. Rời Boul’Mich (1) ồn tiếng cười nam nữ. Chậm rãi bước dọc theo Quai des Grands Augustins, Quai de Conti, cạnh dòng sông im tiếng, đi về phía Cầu Nghệ Thuật — Pont des Arts — thơ mộng nhất trong những chiếc cầu vắt qua dòng Seine.

Chiếc cầu gãy hàng chục năm ấy vừa chữa xong. Lớp hắc ín bong bay, thớ gỗ mới dội dòn bước chân đi. Loáng nước hắt lên qua khe gỗ hở như rưới mát đôi giày bó. Không thể không nhớ những cây cầu vắt trên những dòng sông quê hương sưa gỗ, mà đôi chân bé ta thót sợ lũ ma-rà chờ đợi mỗi lúc băng qua. Chiếc cầu Đông Ba trên kinh Hàng Bè ở Huế ngày nay còn những thứa gỗ sưa thuở nọ không nhỉ ?

Pont des Arts nối liền hữu và tả ngạn sông Seine. Bên kia là điện Louvre với vườn ngự uyển Tuileries, bên này là Viện Hàn lâm thâm u bặt tiếng. Những ông Hàn lâm bất tử ấy rất kín cổng cao tường, không cho lọt tiếng rì rào nào của họ ra ngoài gió nước. Họ hà tiện từng chữ, họ đãi lọc từng câu, họ là cuốn tự vị đời và khó ai dám định nghĩa khác đi. Chỉ những văn nhân, trí thức thèm khát địa vị, danh xưng, mới nghe dược tiếng họ vi vút quyến rũ tựa tiếng hát loài hải nhân ngư nữ, mỗi khi đi qua Viện.

Với chúng ta, tiếng nước vẫn dịu dàng và thầm thì hơn. Tiếng gió vẫn ý nhị hơn trên hai hàng cây cổ thụ phấp phới lá, bay thành nghìn bướm say mòng khi gió tới.

Bây giờ trên cầu có thêm dãy ghế dựa, những chậu bông đốm sắc. Kẻ nhàn du thong thả ngồi nhìn về hướng Pont du Carroussel đang đỡ cao chỏm tháp Eiffel trên nền trời. Hoặc kiều diễm hơn, quay nhìn mỏm đảo Vert Galant lục tình dưới chân Tân Kiều — Pont Neuf. Mỏm đảo nhọn như lưỡi con sáo. Những cành liễu sa lá, chẳng thua gì rặng liễu ở Hàng Châu. Thua chăng, là ở đây thiếu vắng mớ tóc dài huyền hoặc, với những dải áo tung phong ngát hương. Nhưng ngày nay, nơi Hàng Châu ấy tóc còn dài? áo còn phiêu bay? Ở đây, mầu tóc phụ họa vào nắng, sắc đậm nhạt hỗ hoàng. Ở đây, đường nét thân thể gọi ta đi hoang, chứ không là lụa là tha thướt. Nơi kia là tiên mộng thời thơ ấu. Nơi đây là người mơ thuở khát vọng. Tiên hay người đều là danh gọi cho thế gian không hiu bặt bóng người. Cho dù có tu viện nào thâm nghiêm đến đâu chăng, thì cũng vẫn những nàng tỉên ấy, những người ấy, hóa trang khác đi, để hoàn thành những vai vế cho bản kịch lớn kiếp người. Tất cả đều chạy theo một tiếng gọi. Chẳng ai tránh khỏi. Hạnh phúc cho kẻ nào được tiếng gọi ngoái kêu đích danh.

Trên móm đảo Vert Galant lố nhố những bóng người loang theo mặt sóng. Vài người ngồi đọc sách, bâng quơ mơ mộng. Đôi cặp tình nhân quến nhau giữa giấc hôn nồng. Mặc mây thay, nước chảy. Tình yêu mới là thách thức lớn trước dòng sông. Thời gian và không gian bặt lịm. Chỉ còn họ thôi. Sững đứng giữa vô thì. Địa ngục chỉ mở ra, khi họ rời cái nhập một, sóng đôi bước xuống cơn cháy của đời. Và một đời người đếm được bao nhiêu lần nhập một với vô thì tình ái, và thách thức kia? HÃY CỨ YÊU. Kiếp sau khắc rõ. Mọi trái cấm đều là vị ngọt của đời, muối của đất, hoa của gió. Có nỗi cô đơn lưu lạc và hung hãn nào hơn cơn gió?

Những chiếc hoa mong manh, phù du kia trả về cho gió ý nghĩa tối hậu, tựa trái tim bồi hồi đập nhịp thành bước chân mùa bình thản. Phải không lá ? Phải không má ? Phải không môi ? Phải không lời và tiếng ? Phải không em ?

Những người hôn nhau trên sông Seine, nơi mỏm đảo Vert Galant. Những người bỏ đất đai, quê hương, nhà cửa, việc làm, thoát theo mấy tuần nghỉ lễ, tới Paris. Thì đây là chốn thơ mộng tuyệt vời để sống lại những cuộc tình. Nếp đi chậm cùng nhịp thở thong dong. Hồn tỏa mùi man dại thương nhớ. Người bổng bồng sức yêu đương. Hãy ghé một lần trên Pont des Arts, chiếc cầu Nghệ Thuật, cắm xuống miệt đời nhọc nhằn hay cay đắng một lá cờ khởi nghĩa cho Tình Yêu. Hãy chậm rãi, từ tốn, thong thả yêu nhau. Đừng vội và nóng. Bỏ ngoài tai hai dòng phồn tạp xe hơi inh ỏi đôi bờ. Những chiếc xe chạy rất nhanh tuy không có chốn về, vì thiếu một tình theo. Gạt phăng những sáo ngữ, khẩu lệnh, mật hiệu, hô hoán vang lên từ bao canh bạc. Kể cả những sòng bài cách mạng.

Ở đây, sông nước theo giờ gói bọc hồn ta, đưa về những thế giới rập rình tinh cầu sáng thế hay mộng mị. Lúc tinh mơ, sương phủ màu thu quạnh đất trích. Trưa xanh sắc nước. Chiều hồng lam mắt gọi. Vào đêm, điện đường nơi Tân Kiều Pont Neuf thả xuống muôn chiếc lồng đèn quay trên mặt sóng. Thỉnh thoảng, một hai chiếc du thuyền Bateau Mouche chở du khách chơi sông, lướt nhẹ êm, và chiếu pha sáng chói hai bờ. Lá cây bỗng lục mướt trong veo. Mặt tường điện Louvre, Hàn lâm viện, nhà cửa dọc bờ chợt nở ra từ hồn đá gạch một nụ cười đầu chào khách phương xa. Bao đời rồi, những nét kiến trúc ấy không hề nhăn nhiu già đi cùng thế kỷ, mà cười hoài, cười hoài cùng mưa nắng.

Khi lẳng lơ, khi tế nhị, khi réo gọi vào cuộc hú tim tình ái... Cho tới khi ta già còm, qụy xuống, mệt mỏi hay hân hoan lịm vào giấc nghỉ nghìn năm. Nhưng thành phố ấy, con sông ấy, chiếc cầu ấy vẫn phơi phới mở ra những nụ cười thanh xuân đón mời ân ái bao thế hệ kế tiếp. Tưởng chừng như hết lớp này đến lớp khác thay nhau, già đi, ngã xuống lìa đời, nụ cười kia sẽ lay lắc phôi pha. Nhưng không. Nụ cười ấy chưa hề tàn. Người có thay nhau nhưng bất tử, vì hình bóng và nụ cười vẫn dịu dàng nở mãi trên dòng tâm thức không thay.

Người là hạt nước trên sông.

Và dòng sông cứ chảy xiết. Làm sao đừng hư hao ta.

Có thể người khác hạt nước chút đỉnh. Do người có lực chảy ngược một dòng sông. Người có thể lên cầu ngồi. Và thong dong đi từ bờ nọ tới bờ kia trong cái đáo bỉ ngạn không thể nghĩ bàn.

Paris, 6-9-1984
Thi Vũ

(Trích Gọi Thầm Giữa Paris, Thi Vũ, NXB Quê Mẹ, 1986)


(1) Boulevard Saint Michel, đại lộ giữa xóm La tinh ở Paris quận 5.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018