SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ
Cội tùng của Phật Giáo Việt Nam

Ngô Thụy Chương

Afbeeldingsresultaat voor ht thích quảng độ xã vũ đoài

Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, sinh ngày 21 tháng 11 năm 1928 tại Thái Bình, là Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) từ năm 2008 cho đến nay. Ngài xuất gia đầu Phật năm 14 tuổi. Năm 1954, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ di cư vào Nam và là một trong các nhân vật lãnh đạo uy tín của Phật Giáo Việt Nam.

Sau khi Cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam, Hòa Thượng liên tục bị bắt giam vì những hoạt động bảo vệ chánh pháp, phản đối chính quyền Cộng sản đàn áp tôn giáo. Năm 1981, Hòa Thượng, với tư cách Viện Trưởng Viện Hoá Ðạo, cương quyết không đặt GHPGVNTN trong tổ chức Phật giáo quốc doanh, một tổ chức trá hình của Cộng sản Việt Nam. Hòa Thượng bị bắt vào tháng 2 năm 1982 và đưa về quản thúc mười năm ở xã Vũ Ðoài, tỉnh Thái Bình. Dã man hơn nữa, Cộng sản cũng bắt luôn thân mẫu ngài, một cụ bà hơn 80 tuổi, từ miền Nam phải trở về ở với Ngài nơi xã Vũ Ðoài này. Ở một nơi thiếu thốn trăm bề, Ngài Quảng Ðộ phải một mình chăm sóc mẹ già. Dù cực khổ, Hòa Thượng đã tự hào nói: “Tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi được tự tay chăm sóc mẹ già.“ Gần ba năm sau, tháng 1 năm 1985, vì không chịu nổi giá lạnh và thiếu thốn, thân mẫu ngài qua đời.

Tháng 3 năm 1992, Hòa Thượng tự ý rời nơi quản thúc và trở về chùa cũ Thanh Minh Thiền Viện tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Nơi đây Hòa Thượng tiếp tục công khai đòi hỏi tự do dân chủ và tôn giáo cho Việt Nam.
Tháng 1 năm 1995, Hòa Thượng lại bị chính quyền bắt và bị tuyên án 5 năm tù và 5 năm quản chế với tội “phá hoại chính sách đoàn kết của nhà nước.” Do áp lực của thế giới, tháng 8 năm 1998, Cộng sản Việt Nam phải trả tự do và đưa ngài trở về Thanh Minh Thiền Viện. Hòa Thượng bị quản chế với sự kiểm soát thường trực của công an cho đến ngày nay.  

Năm 1999, mặc dù GHPGVNTN không được chính quyền Cộng sản Việt Nam thừa nhận và cấm hoạt động, GHPGVNTN vẫn tiếp tục phục hoạt và Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ được bầu làm Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo lần nữa.
Khi Hòa Thượng Tăng Thống Thích Huyền Quang viên tịch năm 2008, Hòa Thượng Thích Huyền Quang để lại chúc thư suy cử Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ là vị Tăng Thống thứ 5 của GHPGVNTN, một giáo phẩm cao nhất của Giáo hội.  

Trong trách nhiệm được trao phó, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ không ngưng nghỉ đấu tranh cho tự do, độc lập và ven toàn của đất nước, tranh đầu cho các quyền tự do căn bản của con người và quyền tự do tôn giáo. Tháng 9 năm 2006, Hòa Thượng được trao Giải Nhân Quyền Thorolf Rafto của Na Uy vì đã “dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam”. 

Chứng nhân của tội ác

Ân Xá Quốc Tế vận động Liên Âu đòi CSVN trả tự do cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ
HT Thích Quảng Ðộ tại xã Vũ Ðoài, Thái Bình (Hình SBTN)

Không phải Cộng sản Việt Nam chỉ gây đau thương chết chóc cho đồng bào miền Nam khi họ cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4 năm 1975. Ngay chính những ngày đầu tiên chiếm được miền Bắc, họ đã tàn ác giết chết bao thường dân vô tội. Với chính sách Cải Cách Ruộng Ðất, gần 200.000 người đã bị đấu tố và xử tử.
Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã là chứng nhân của tội ác do người Cộng Sản gây ra. Chính sư phụ của ngài, sư bá và sư tổ đã bị thảm sát do bàn tay của người Cộng sản.

Sư phụ ngài, Hòa Thượng Thích Ðức Hải, trụ trì chùa Linh Quang, tỉnh Hà Ðông, đã bị Cộng sản Việt Nam giết chết ngày 19 tháng 8 năm 1945 (ngày Việt Minh cướp chính quyền) trên bãi cỏ trước đình làng Bặt, tỉnh Hà Ðông. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ kể như sau:

Hồi đó tôi 18 tuổi, khi tôi nhìn sư phụ tôi, hai tay bị trói bằng giây kẽm quặt về phía sau, cổ đeo hai tấm biển viết mấy chữ “Việt gian bán nước”, một tấm trước ngực, một tấm sau lưng, đứng giữa sân đình làng Bặt, hai bên một đoàn người tay cầm gậy gộc giáo mác, cư liêm bồ cào đứng canh gác. Một nhóm người được mệnh danh là quan tòa của Tòa án nhân dân đứng trên thềm đình để xử án. Họ bắt sư phụ tôi qùy xuống sân đình và cúi đầu để nghe tòa luận tội. Nhưng sư phụ tôi không chịu làm thế. Một người từ trên thềm đình bước xuống đứng trước mặt sư phụ tôi, nói:

“Mày là thằng Việt gian bán nước mà còn ngoan cố à?”.

Nói xong, họ đấm vào quai hàm thầy tôi mấy cái, một dòng máu từ trong miệng sư phụ tôi ứa ra, chảy theo cằm nhỏ xuống thấm đỏ tấm biển “Việt gian bán nước” ở trước ngực. Lập tức họ tuyên án tử hình rồi đưa sư phụ tôi ra bãi cỏ trước đình, máu từ miệng sư phụ tôi tiếp tục chảy ra, thấm vạt áo dài, nhỏ xuống sân đình. Khi đến bãi cỏ, họ vật sư phụ tôi nằm nghiêng xuống rồi một người bắn vào màng tai sư phụ ba phát súng lục, lại một dòng máu đỏ tươi vun lên thẳng tắp và sư phụ tôi chết liền tại chỗ.”

Sư bá của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ là Hòa Thượng Thích Trí Hải, trụ trì chùa Pháp Vân, tỉnh Ninh Bình, cũng bị Cộng sản bắt vào năm 1946 và bị xử chết vì tội là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng.

Sư tổ là Hòa Thượng Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Trà Lũ Trung, tỉnh Nam Ðịnh, năm 1954, Cộng sản vào chùa lên án Sư tổ dùng tôn giáo ru ngủ nhân dân sẽ bị đưa ra đấu tố. Sư tổ Thích Thanh Quyết quyết không để bị bắt đã tự thắt cổ quyên sinh.

Chứng kiến hình ảnh sư phụ hai tay bị trói nằm chết trên bải cỏ cùng sự thảm sát Sư tổ và Sư bá, ngay từ giây phút đó Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã khẳng định một điều là Cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài vì sự tàn ác của họ không phù hợp với đạo lý dân tộc.

Dũng khí của nhà Phật

Sau 30 tháng 4-1975, Việt cộng đàn áp quy mô Phật giáo, họ cưỡng chiếm các cơ sở tôn giáo, bắt bớ giam cầm hàng nghìn tăng ni, Phật tử thuộc GHPGVNTN. Cao điểm của Cộng sản Việt Nam là cấm GHPGVNTN hoạt động và thành lập một giáo hội Phật giáo quốc doanh  với tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bất kể sự khủng bố, đàn áp của cộng sản VN, các bậc trưởng lão của GHPGVNTN vẫn ngang nhiên hoạt động và liên tục bày tỏ quan điểm của Giáo hội về xã hội cũng như tôn giáo.

- Tháng 6 năm 1992, GHPGVNTN đưa yêu sách chín điểm trong đó có việc đòi hỏi GHPGVNTN phải được sinh hoạt bình thường, trả tự do cho các tu sỹ, nhà văn, nhà báo và trả lại các chùa chiền, các cơ sở của GHPGVNTN đã bị nhà nước chiếm đọat.

- Tháng 11 năm 1993, GHPGVNTN ra tuyên cáo “Giải trừ Quốc nạn và Pháp Nạn”, trong đó đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi bầu cử quốc hội dưới sự quan sát của LHQ.

- Tháng 4 năm 2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngày tang thương đất nước, GHPGVNTN gửi văn thư đề nghị nhà nước lấy ngày 30 tháng 4 là ngày “Sám hối và chúc sinh toàn quốc”. Sám hối những sai lầm của đảng và nhà nước Cộng sản đối với dân tộc, tưởng niệm những người đã chết vì chiến tranh, và nhân quyền cho người sống.

- Tháng 8 năm 1994, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã gửi đến Ðỗ Mười, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam bản “Nhận định về những sai lầm tai hại của đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo”. Bản nhận định như một cáo trạng hùng hồn, mạnh mẽ nhất, biểu lộ dũng khí của nhà Phật, dù trong vòng cường tỏa, vẫn ngang nhiên, thẳng thắn nêu lên những sai trái của Cộng sản Việt Nam:

Sai lầm với dân tộc:

- Đưa vận mệnh Việt Nam vào ý thức hệ Cộng sản. Chủ nghĩa Cộng sản đã hủy diệt dân tộc, gây chết chóc đau thương cho trăm ngàn thường dân vô tội.

- Tạo dựng chế độ độc tài độc đảng. Dùng bạo lực để áp chế dân lành, mọi quyền tự do căn bản của con người đều bị chà đạp.

- Khích động căm thù đấu tranh giai cấp bằng cuộc cải cách ruộng đất. Hậu quả lớn nhất và đau thương nhất là hàng trăm ngàn người bị giết chết và tài sản tiêu tan.

- Tại miền Nam Việt Nam, Cộng sản đã phát động đấu tranh giai cấp, đánh tư sản khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người vùi thân dưới đáy biển, hàng vạn người bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp.

- Tù cải tạo, một nết nhơ trong lịch sử Việt Nam. Tù cải tạo chỉ là một đòn thù của Cộng sản Việt Nam đối với thành phần quân cán chính, nhà văn, nhà báo, tu sĩ v.v.. thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Sai lầm với Phật giáo:

- Thành lập Giáo hội công cụ cho nhà nước nhằm mục đích tiêu diệt GHPGVNTN.

- Phá hủy đình chùa là những di sản văn hóa thiêng liệng của tổ tiên.

- Bắt bớ giam cầm tăng ni và Phật tử, những người luôn suy nghĩ và hành động theo tinh thần Bi Trí Dũng của nhà Phật.

Năm nay Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ 90 tuổi, tuổi già sức yếu nhưng Ngài vẫn không ngừng nghỉ tranh đấu cho một nước Việt Nam vẹn toàn, nhân dân an lạc và Giáo hội thăng hoa. Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã trở thành một biểu tượng của sự tranh đấu can trường trong tinh thần bất bạo động. Không hề khiếp nhược trước bạo quyền, Ngài ung dung tuyên bố:

Mẹ tôi, sư phụ tôi, sư bá tôi, sư Tổ tôi đều chết thê thảm, nay đến lượt tôi nếu lại chết thê thảm, thì xin góp thêm một giọt máu nữa vào trang sử đau thương của dân tộc.”


Tài liệu tham khảo:
Nhận định về những sai lầm tai hại của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế & Quê Mẹ xuất bản năm 1995.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018