SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

Một Nơi Nào Cho Cánh Chim Thiên Di

(Thư gửi bạn miền xa)

 

1.Mưa Đầu Mùa

Bạn thân,

Cuối cùng mưa cũng rơi xuống miền đất sa mạc khô cằn của miền Nam Cali. Tiếng mưa rơi trên mái ngói hoà lẫn vào những cảm nghĩ buồn vui khi tôi ngồi viết những dòng tâm tình gửi bạn miền xa.

Mưa và gió lạnh cũng nhắc nhở những kỷ niệm của những ngày tháng cũ tại thành phố Đà Lạt mù sương. Bố mẹ chúng tôi nghèo và thời thế đổi thay nên 7 anh chị em chúng tôi mỗi người đều có một số phận riêng. Kém may mắn nhất là cô Út, “người duy nhất trong nhà không có tuổi trẻ, kể cả cái tuổi trẻ xã hội chủ nghĩa điên cuồng. Năm 1975, lúc vừa 16 tuổi, mọi ước mơ trở thành hoang tưởng. Tuổi thiếu nữ thần tiên chả có gì ngoài quần đen áo bà ba nhem nhuốc, tay xách cặp, tay vác cuốc đến trường. Học xong trung học, đứa dốt nhất lớp cũng được vào cao đẳng sư phạm, trong khi em thì ngồi vêu vao chờ ngày vào thanh niên xung phong (vì lý lịch Ngụy của các anh). May sao chui vào được cái trường không ai muốn vào, học nấu cơm tập thế với những cái chảo khổng lồ, xới cơm lên bằng xẻng xúc đất.” Đời còn có gì vui!

Vì cái tuổi trẻ lầm than của Út đó nên anh em chúng tôi đã cố gắng lo cho em trở lại sân trường đại học khi em đến đất nước này vào năm 1992, và em đã không phụ lòng mong mỏi của chúng tôi. Chỉ trong vòng 5 năm em đã xong “Master in Computer Science” tại SJ State University, được một hãng high-tech trong vùng Bay Valley tuyển dụng, và vẫn còn làm việc cho hãng ấy cho đến ngày hôm nay. Các con của Út cũng thành đạt, có đứa còn vượt xa bố mẹ trên con đường sự nghiệp. “Tiền hung hậu kiết” như các cụ mình ngày xưa thường nói đó bạn thân!

Đầu năm (Tây) “vui như Tết” nhưng cũng có những chuyện buồn phiền. Một nhà văn bạn ta bây giờ hầu như ít ra khỏi nhà, không lái được xe vì một mắt đã loà, không những thế ngồi trên ghế cũng phải có người đỡ mới đứng dậy được một cách vững vàng. Mấy “niên trưởng” khoá đàn anh, chỉ nhập ngũ trước chúng mình có một năm, bây giờ chiếm mấy phòng cạnh nhau trong … nhà thương, bạn bè vào thăm nắm chặt bàn tay mà nói không ra lời.


Bạn thân,

Đoạn này viết cho C.. Bạn và tôi nên cám ơn trời vì chúng mình vẫn còn sức khoẻ để tung tăng góc biển chân trời. Bonus đó bạn thân. Bạn vẫn “cuồng Trump” như ngày nào nhưng chúng mình không còn bàn cãi như xưa. Một người đàn bà có tiếng trong cộng đồng, và tài sắc vẹn toàn, nhưng chỉ vì “khẩu nghiệp” mà cuộc đời long đong. Tôi sợ lắm. Chúng mình không cần tranh luận những vấn đề ngoài tầm tay. Thực ra thì dù không bỏ phiếu cho Trump, tôi vẫn đồng ý với vài mục tiêu ông ấy theo đuổi tuy rằng không đồng ý được với cách thức ông ấy thi hành, nhất là vấn đề di dân. Xin bạn hãy coi đây như là những lời tâm tình chứ không phải là tranh cãi hơn thua.

Nhiều đứa trẻ được bố mẹ chúng mang tới đất nước này, dù bất hợp pháp, nhưng đã lớn nên ở đây, chỉ biết có một quê hương là nước Mỹ. Nếu bây giờ họ là người lương thiện và nhất là đang đóng góp cho xã hội, thì họ đáng được hưởng quyền công dân chứ không nên bị trục xuất khỏi một nơi mà hơn 200 năm trước mọi người từ Âu Châu cũng đến nơi đây bằng cách này. Đòi hỏi quốc hội cung cấp 18 tỉ US dollars để xây tường biên giới mới hợp thức hoá những người trẻ được mênh danh là Dreamers mà đa số đều cho là hợp lý, thì không khác gì blackmail (hăm dọa để làm tiền)!

Đồng ý với ông Trump là chúng ta cần ngăn chặn những thành phần bất hảo vào nước Mỹ tuy nhiên điều lệ thanh lọc cần được tu chính theo một tiêu chuẩn mới, và phải được thi hành đúng đắn chứ không thể bằng một quyết định vội vàng, “tạm thời” ngăn cản tất cả công dân của một nước nào đó, tạo ra những xáo trộn khiến nhân viên công quyền không kịp trở tay.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng bức tường biên giới khó ngăn cản được làn sóng di dân nghèo khó, muốn thoát khỏi một nơi bất an để tìm một nơi làm lại cuộc đời. Giá mà chính phủ Mỹ đem 18 tỉ để giúp các nước láng giềng diệt trừ những tổ chức tội phạm (thí dụ như các drug cartels) và phát triển kinh tế thì có lẽ làn sóng di dân sẽ giảm bớt đáng kể. Không ai muốn rời bỏ quê hương mình nếu được ấm no hạnh phúc và mạng sống không bị đe dọa bởi đám côn đồ cướp của giết người. Quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc là những điều khoản căn bản trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng cũng cần được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt quốc gia.

Khi ra tranh cử ông Trump đã gọi những người di dân Mexican là những kẻ xấu xa, (“They're bringing drugs. They're bringing crime. They're rapists. And some, I assume, are good people.”). Trong nhiều năm sống tại đất nước này tôi đã gặp nhiều người Mexican hiền lành hơn là hung dữ. Người làm vườn hiện tại giúp tôi dọn dẹp cây cỏ hai tuần một lần lúc nào cũng lễ phép, cần cù và khả ái, mặc dù chỉ kiếm được đồng lương tối thiểu mà không một ông Mỹ trắng hay một bà Mỹ đen nào muốn làm. Xin hãy mở rộng vòng tay.

Bạn thân,

Đầu năm hoài cảm, viết lăng nhăng đủ thứ chuyện, mong bạn “tha Tào”. Khi gặp nhau tôi sẽ mời bạn một ly, “bottom up”, để tạ tình nếu chẳng may tôi làm bạn không vui.

Jan. 9, 2018

 

2. Một Nơi Nào Cho Cánh Chim Thiên Di

Bạn thân,

Thấm thoát thế mà đã mười năm từ ngày tôi rời Thung Lũng Hoa Vàng về nơi hoang dã này. Carlsbad bây giờ không còn là nơi vắng vẻ như ngày tôi mới tới. Các ngọn đồi xanh lá cây rừng xung quanh La Costa Ridge đã lác đác những subdisivions với những căn nhà mái ngói ẩn hiện trong sương mù lúc ban mai. Buổi chiều mây vương đỉnh núi, phản chiếu ánh hoàng hôn tím khi mặt trời khuất núi chìm vào lòng biển khơi. Tháng ngày thật bình yên nhưng không biết là tôi sẽ còn ở mãi nơi này hay là lại thêm một lần như cánh chim biển tìm về một nơi nào đó xa xôi.

Nếu phải rời đi nơi khác một phần là vì tử vi của tôi có số “thiên di”, một phần khác là tại vì ... luật thuế mới của ông Trump đó bạn thân.

Nơi chúng tôi ở là vùng đất mới, chính quyền địa phương phải bán công khố phiếu (bond) để lấy tiền làm đường, xây cầu cống, etc… Nợ này cư dân phải trả như một thứ thuế phụ trội. Trước đây chính phủ liên bang cho phép khấu trừ tất cả các thứ thuế trả cho tiểu bang và địa phương (SALT=State And Local Tax) trước khi tính thuế liên bang. Cư dân ở những vùng đắt đỏ, giá nhà cao, lợi tức lớn, có thể khấu trừ hàng chục ngàn dollars. Tuy nhiên theo luật mới SALT bây giờ bị giới hạn ở mức $10K nên trong năm 2018 đa số cư dân ở những vùng như San Francisco, Silicon Valley, San Diego sẽ bị tăng thuế chứ không được bớt như ông Trump hồ hởi tuyên bố.

Đó là lý do nhiều cư dân California nghĩ tới chuyện di chuyển tới một nơi giá nhà và thuế thổ trạch thấp hơn, nếu không bị ràng buộc vì công ăn việc làm! Vài tiểu bang còn không có cả thuế lợi tức, có thể là nơi lý tưởng cho những người làm việc trong nghành điện toán của những công ty kỹ thuật cao tại Silicon Valley nhưng được phép telecommute, ngồi làm việc tại nhà.

Mà thôi, chuyện thuế má chán phèo, thế nào bạn cũng sẽ than: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Ai chẳng biết “Chết” và “Thuế” là hai điều không thể tránh khỏi trên cái cõi đời ô trọc này, và kiếm được tiền thì đóng thuế, đâu có chết thằng Tây say nào! Tuy nhiên vừa mới làm xong thuế má năm nay, nghĩ tới chuyện sang năm người ta sẽ được bớt còn mình sẽ phải đóng thêm ít nhiều nên than với bạn một chút cho đỡ buồn vậy thôi.

Bạn thân,

Tôi nghĩ tới chuyện di chuyển tới một chỗ khác để bớt gánh nặng tài chính, thế nhưng tôi vẫn chưa định được nơi đó là nơi nào. Tôi có tuổi thơ êm đềm tại Hà Nội, và một thời hoa niên thơ mộng với núi rừng cao nguyên Lâm Viên. Tôi cũng đã từng có một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, và mặc dù đời lang bạt nay đây mai đó nhưng thành phố mưa nắng hai mùa đó là tổ ấm của những ngày tháng yên vui với một tình yêu thiết tha. Tôi muốn trở về chốn cũ sống những tháng năm vàng còn lại của cuộc đời để đi lại những con đường thân quen, thế nhưng bạn biết là những nơi đó bây giờ đã đổi thay, không còn dấu chân xưa nên có trở về cũng sẽ lạc lõng, ít ra là lúc này.

Thôi thì hãy cứ nhận nơi này làm quê hương vì dù sao tôi cũng đã gắn bó với đất nước này quá nửa đời người, ở đây cho đến khi nào Mr. Trump đánh văng được Tàu khựa ra khỏi biển Đông rồi sẽ tính sau. Chắc là bạn sẽ mỉm cười: “Oh yeah? You wish!” Chỉ là ước mơ thôi, thế nhưng không có ước mơ đời sẽ rất buồn.

Cuối tuần này tôi lại lênh đênh góc biến chân trời để tìm quên cho tới cuối tháng May mới trở về nhưng rất tiếc là bạn phải hủy bỏ chuyến đi chung vì lý do sức khoẻ. Cũng biết thêm là lúc này bạn rất buồn vì ngày 30 tháng Tư sắp đến. Nỗi đau còn dài, phải thế không bạn thân?
Mong bạn hãy bảo trọng, và hẹn một ngày gặp lại để chúng mình cạn chén, khóc cười với chuyện của một thời theo con nước nổi trôi.

April 15, 2018

 

3. Góc Biển Chân Trời

Bạn thân,

Hơn tháng nay tôi vắng bóng, không phải vì tôi quên bạn mà vì tôi “dại dột” vượt Pacific Ocean bằng con đường cực bắc nên bị sóng gió đại dương hành hạ tơi bời, bây giờ mới hồi tỉnh để tiếp tục tâm tình với bạn miền xa.

Con tàu Golden Princess cũng không hẳn là nhỏ bé, gần ba ngàn du khách, từ Japan qua Alaska với tốc độ tối đa (22 hải lý/giờ) cũng mất hết 7 ngày. Biển tên là “Thái Bình” nhưng những ngày đó chẳng thái bình chút nào, gió có lúc lên tới 60 dậm/giờ và sóng cao vài thước đập vào thành tàu, tiếng động nghe như ai đó đánh trống bên tai. Con tàu lắc lư khiến bạn tôi ở trên cao, từng 12, chịu không thấu, ban đêm phải xuống quán cà phê ở lầu 5 tìm chiếc ghế bành, ngủ vật vờ qua đêm. Hành khách than phiền quá nhiều nên cuối cùng thuyền trưởng cho giảm tốc độ xuống còn 13 hải lý/giờ, du thuyền mới bớt vặn vẹo “kêu gào”, và hành khách mới có được một ngày yên ả trước khi tàu tới Alaska.

Golden Princess khởi hành từ Singapore nhưng chúng tôi chỉ lên tàu tại Japan, sau vài ngày thăm viếng đất nước của con cháu của Thái Dương Thần Nữ. Những lần trước tới đây chúng tôi đều theo đoàn du lịch, “cưỡi ngựa xem hoa” nên cũng chẳng biết gì nhiều về nước Nhật, lần này tự lang thang thăm viếng Tokyo tôi mới nhận thấy là mình đã may mắn được tị nạn tại nước Mỹ chứ không phải vất vưởng nửa đời người tại Đông Kinh. Ngay từ sáng sớm, và nhất là vào giờ tan sở, những đoàn người lầm lì trong complet đen, giống như một bầy quạ, ào ra từ những train stations, đi như chạy, cuốn theo những du khách đi phất phơ ngắm phố phường như chúng tôi. Ai cũng cắm cúi, và hình như chẳng ai để ý đến gì đang xảy ra xung quanh.

Có lẽ vì đất đai chật hẹp, nhà cửa nhỏ bé, nên người Nhật ít nấu ăn tại nhà. Tầng hầm (basement) của những khu thương mại đầy những nhà hàng bé nhỏ với vài ba bàn lúc nào cũng đông khách ăn uống một cách vội vàng, Mọi người phải xếp hàng ngoài cửa, cứ thấy có chỗ trống là ngồi vào chứ chẳng hề quen biết nhau. Chung bàn nhưng họ không hề chuyện trò, như thể là ăn để mà sống chứ không phải để thường thức những gì thượng đế dành cho con người. Nước Nhật thật huy hoàng và người Nhật thật đáng phục nhưng đời sống quá stressful, nhất là đối với giới trẻ làm việc trong các cao ốc của thành phố. Tôi nghĩ thầm nếu kiếp sau không được làm cây thông đứng giữa trời mà reo thì xin cho tôi lại được làm người Việt Nam.

Alaska biển êm đềm vì tàu hải hành trong inner passage, giữa các đảo xanh phủ tuyết trắng đẹp như tranh vẽ. Không khí thật trong lành, nhưng quá lạnh nên chúng tôi cũng ít lên bờ phiêu lưu, chỉ quanh quẩn trong tại mấy phố chính mỗi lần tàu ghé bến, hoặc nấp trong phòng, qua cửa kính quan sát những tảng băng trôi trên biển. Sau biến cố tháng Tư năm 1975 Alaska đã có một thời là đất hứa cho người Việt tha hương tìm đến kiếm sống bằng nghề đánh bắt cua, đánh cá, nhưng hình như không chịu được khí hậu mùa đông khắc nghiệt nên bây giờ họ đã tìm về những vùng đất ấm như California, Texas, etc…

Tôi đi vì nhớ đường biển xưa. Tới vùng biển nào tôi cũng nghĩ thầm: “Chỗ này sao giống vịnh Cam Ranh … đảo này chẳng khác gì Cù Lao Chàm …”. Hơn mười năm hải vụ xuôi ngược bến bờ VN những địa danh đó đã in sâu vào tâm khảm, dù sóng gió, dù nhọc nhằn, và dù chỉ là một bãi san hô cũng vẫn là một mảnh đất của quê hương cho tôi thiết tha. Hoàng Sa và Trường Sa đã mất, mới đây lại nghe tin là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành những đặc khu kinh tế, “người lạ” sẽ được phép thuê đất tới 99 năm với quyền tài phán, tôi đã thật nghẹn ngào vì đất nước đang mất dần về tay ngoại bang. Quê hương tôi đâu, và có còn một chỗ nào cho tôi trở về, dù chỉ là để thăm viếng cho nguôi niềm nhớ thương?

Bạn thân,

Tôi đi đã khá nhiều nơi nhưng có lẽ cũng đã gần tới ngày “dừng bước giang hồ” vì như trong thư trước gửi bạn, tôi đang nghĩ tới chuyện “thiên di” mặc dù chưa biết là sẽ tìm về nơi nào để sống cho đến lúc cuối đời. Hơn thế nữa “bạn ta” lúc này cũng đã khá mòn mỏi, sợ rằng ít lâu nữa sẽ chẳng còn ai để củng ngao du. Cá Sơn Q. đã phải hủy bỏ chuyến đi vừa qua vì tình trạng sức khoẻ. Mã Xa B. cũng bắt đầu thấy “mã thể bất an”, chắc là sau chuyến Dubai/Ấn Độ đầu năm tới cũng sẽ chỉ ở nhà làm bạn với keyboard, du lịch ảo mà thôi!

Thú thật với bạn là sống ở đất nước này gần 50 năm nhưng tôi cũng chưa biết hết các danh lam thắng cảnh của nước Mỹ. Nếu không thể ngồi máy bay hơn 10 tiếng đồng hồ để tới những nơi xa xôi, hoặc đã bắt đầu e ngại sóng gió đại dương, chúng mình vẫn còn có thể lái xe tìm đến những nơi yên bình để hoà mình với thiên nhiên cho tâm hồn thảnh thơi, hoặc là để nhớ về một nơi xa, rất xa …

Mùa hè sắp tới, ngày sẽ dài hơn cùng với những nỗi nhớ thương. Nếu có buồn bạn gọi tôi để chúng mình hàn huyên nghe.

June 5, 2018
Trần Quang Thiệu (Ngụy Xưa)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018