SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

Một Thời Để Nhớ

Newport, Rhode Island .
“No nước mắm, No áo dài”
TANGO 4

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
......
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất quân
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây
......
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
......
Bước đi một bước lại vin áo chàng
......

Newport, Ngày 20-6-1970

Vmtldyth của anh,
Phi cơ rời phi đạo vào 02:00 sáng, em đang du mình trong giấc mộng. Cuộc hành trình dài 24 giờ với 3 trạm nghỉ: Japan, Washington, McGuire Air Force Base. Thật là buồn cười trong cùng một ngày anh dùng 2 buổi điểm tâm 1 buổi ăn trưa. Vì sự khác biệt giờ giấc nên cũng khó mà chợp mắt được. Cứ ngồi thao thức nhớ em. Những lúc trời sáng nhìn xuống lớp mây mịn nghe thèm má em lạ. Suốt từ hôm lên xe bus đến nay “No nước mắm, No áo dài” anh phải dùng toàn thức ăn Mỹ, với anh thì thích, nhưng một số bạn thì không..

Tất cả đều xa lạ và thích thú đưa anh đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Lúc phi cơ bay qua những tiểu bang của Mỹ mình mới thấy sự rộng lớn của nước người. Đáp phi trường McGuire Air force Base, tụi anh phải mất 5 giờ xe bus để đến OCS. Cuộc hành trình xuyên qua 3 tiểu bang, trên những xa lộ thật êm và rộng.

Đến trường được các bạn cũ tiếp đón, nhưng bây giờ họ là đàn anh những thằng khác không bằng lòng. Giờ là khoảng 5 hay 6 giờ sáng ngày 21-6 ở Việt Nam anh nghe thèm ngủ lạ. Mỗi việc làm ở đây phải theo giờ giấc nhứt định. Theo lời các bạn chỉ phải vất vả ở tuần lễ đầu nầy thôi. Mọi sự rời phòng phải xin phép. Điều khổ nhứt của anh là vắng em và vắng cả thuốc Lucky, thỉnh thoảng mới được nhìn khói và nhớ em.

Anh ngừng đây, trìu mến gởi đến em những lời chúc đẹp của tình yêu.
Hôn em
 
OCS, Ngày 30-6-1970

Tuần lễ in processing (tạm gọi: huấn nhục), ở đây họ rèn luyện cho mình trở thành một quân nhân có kỷ luật, tinh thần trách nhiệm , thể xác khỏe để chịu đựng, một SQ có tài năng kỷ thuật hàng hải, tài lãnh đạo chỉ huy. Do đó thời khóa biểu buột mình làm việc liên tục từ 05:30 sáng đến 10:30 tối.

05:30: Loa phát “Hit the line”. Tụi anh chạy ra đứng trước cửa phòng, làm động tác thể dục, sau đó vệ sinh cá nhân, dọn phòng chờ khóa đàn anh đến thanh tra phòng ngủ, quân phục. Chuẩn bị một ngày mới

8:00: sắp hàng đến phòng học
12:00: ăn trưa
13:00: trở vào lớp học
17:00: tan học, cơm chiều. Sau đó đến phòng thể dục chơi những môn thể thao (giờ tự do)
20:00: học tại phòng
22:00 tắm rửa chuẩn bị đi ngủ
22:30: loa phát Tattoo, Tattoo, đóng cửa phòng tắt đèn lớn, lên giường.
22:35: loa phát Taps, Taps tắt luôn đèn nhỏ để ngủ...

... anh là người đầu tiên trong khóa có thơ mà là thơ của người yêu nữa chớ, đọc thơ em những nhọc mệt tan biến.... Kỹ niệm sắp hàng: buổi tối quán Phương nghe nhạc, buổi cơm trưa ở Sài Gòn bốc nắng nóng bỏng như tình yêu của anh những ngày đầu...
 
OCS, Ngày 8-7-1970.

... anh lại nhận được thơ em, cứ mỗi lần có thơ em Ngọc làm khó, anh nhận tất cả để có được thơ em, niềm vui sau một ngày mệt nhọc.....

Trưa nay họp tiểu đoàn vẫn những diễn viên cũ ngày nào, vẫn những lời tình cảm nhưng đầy đe dọa để loan tin 03 SVSQ (K.1) bị loại vì lý do kỷ luật...

Chỉ vì trễ đôi phút điểm danh cuối tuần, trong khi còn độ mươi ngày nữa là tốt nghiệp SQHQ , một đòn thù sát thủ và tiểu nhân để thị oai (vì nghe đâu có SQ cán bộ Mỹ can thiệp nhưng không được). Khóa 1 đã ra trường với niềm vui không trọn vẹn.

OCS, Ngày 12-7-1970.

... Ngày Chúa nhựt nằm co rút trong phòng những điếu thuốc cay nồng, vòng khói tròn lớn dần lượn mình tan loãng.....

Ở đây buổi sáng sương mù, nhưng mù sương không là bức màn che hình ảnh em trong anh. Em tôi đó không phấn son vẫn đài cát, tóc dài bay trong nắng Sài gòn.

Hôm nay em đi làm mặc áo dài màu gì, có phải màu tím nhớ thương như em đã nói trong điện thoại lần anh về quê thăm Ba Má, hay áo có nhiều vệt màu vui mắt anh vẫn trêu là “áo mới của em”, chiếc áo xanh có lẽ buồn nhiều vì nó cũng nhớ màu trắng hoa biển của bộ tiểu lễ. Mưa Sài Gòn có làm ướt tóc em tôi. Mái tóc tôi vẫn thèm hội ngộ, để nhìn nó nằm xoải mình trên vòng lưng thon nhỏ lụa là, chân em ngọc ngà cuồng si.
 
OCS, Ngày 15-7-1970

… Hai hôm rồi không có thư ...
... Nghe nhạc, đọc tiểu thuyết ...
…..

OCS,Ngày 16-7-1970,

Đã 4 ngày không một lá thơ nào: Ba Má, Chị Hai và Em ...

... Sân cỏ xanh phẳng lì trống vắng nằm phơi mình dưới những sợi mưa có phải nó đang vun bón chồi non đó không em?

Chiếc xe bus xám xịt ngừng trước cổng đưa tụi anh đến chỗ thực tập cứu tàu.Từng hạt mưa rắt nhẹ lạnh cóng bờ môi. 

Sau khi thay xong quần áo, anh bước đi trong đôi giày cao su cổ cao rộng thùng thình. Sau lời giảng của Huấn luyện viên, tụi anh bắt tay vào cuộc thưc tập. Bất chợt những âm thanh vang rền: tiếng phi cơ đến, tiếng bơm rơi, ồn ào phát ra từ magneto phone, tụi anh nằm sát xuống sàn tàu những vũng nước đọng làm mát da, nhìn nhau cười khúc khích...

Torpedo (ngư lôi) port-side (tả hạm) đồng loạt đứng dậy chạy sang Starboard side (hữu hạm)

Đùng!!! nước vô tàu tất cả chia nhau nhiệm sở mình. Anh trong toán bơm nước, khi được lịnh mang bơm xuống hầm tàu, nước đã lên tận đầu gối, từng vòi nước bắn tạt vào người vừa lạnh vừa đau 1, 2, ...rồi 5,6 lỗ thủng, gấp rút, xông xáo giữa những âm thanh hỗn tạp. Bịt xong lỗ thủng huấn luyện viên cho biết tàu đã nghiêng 3 độ so với SV/VN là tệ nhưng với SV Mỹ là good (vì họ để tàu nghiêng 5-6 độ)

Một buổi thực tập đầy hứng thú... 
 
OCS, Ngày 18-7-1970,

......
30 ngày xa em, đóng mình trong phòng qua khung cửa mây vẫn bay, sân trường cỏ vẫn xanh, cây cầu Newport vẫn vươn mình ngạo nghễ.

OCS, Ngày 21-7-1970,

Vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn bước nhịp đều đi học. 
Left, Right, Left, give me your Left (trái tim em đó)
 
OCS, Ngày 27-7-1970

Vmtldyth của anh,

Nhận được quà và thơ em từ Quế, cám ơn em ...

Em yêu, 6 tháng có lâu để nhớ, không đủ để thay đổi em vẫn rực rỡ như ngày đầu ...

… Hôm qua lần đầu anh được đi bờ ngoài base. Sau khi dạo khu phố chính Newport, thành phố nhỏ “đi dăm phút trở về lối cũ”, chui vào tiệm Tàu thú vui của SV/HQ trong lần đi bờ đầu tiên. Anh và hai thằng bạn rủ nhau đi Providence (thủ đô Rhode Island). Một giờ xe bus xuyên qua những ngôi nhà khang trang nằm chơ vơ dọc theo biển, một ước mơ thơ mộng tương lai chợt đến. Đặt chân xuống thành phố giữa những gương mặt xa lạ nghe mình lạc lõng, 3 thằng lang thang qua khu phố thưa người, người Mỹ cuối tuần họ thường đi ra ngoại ô hay vào quán rượu, không như Sài Gòn tấp nập người. Công viên thì đầy những người già cô đơn lim dim ngồi hong nắng, có lẽ đang quay về quá khứ hào quang. Về khuya phố càng vắng người gần như chỉ còn 3 thằng lang thang chán lắm, đành quay về phòng ngủ giấc dài đến sáng, lại đi rong, dán mủi vào các tủ kiếng để ngắm hàng, vì các tiệm buôn đã đóng cửa từ 4 giờ chiều thứ bảy. Hàng rất đẹp và lạ 3 thằng cứ say sưa ngắm và trầm trồ. 11 giờ trưa lại chui vào tiệm cơm Tàu: giá xào tôm, cơm trắng... hai cô hầu bàn tóc xõa bờ vai, màu da trắng mịn Á đông... nét đẹp Quê hương. Trở về trường sau một ngày rong chơi mệt mỏi....

Tuần qua anh dự một cuộc thực tập chữa lửa, khá vui hào hứng như buổi thực tập cứu tàu, nhưng có điều rất nóng trong bộ đồ cao su thùng thình bít hơi, dưới ánh nắng mùa hè gay gắt không kém Sài Gòn. Nhứt là lúc cầm vòi nước xông vào đám cháy rát cả mặt nhưng vẩn hăng say tiến vì tánh hiếu kỳ và hấp dẫn. Chương trình học thực tập tụi anh rất thích, giờ anh đang nôn nao mong ngày thực tập lái tàu...
 
OCS, Ngày 02-08-70

....
Newport tuần nầy có trưng bày tranh ở công viên thành phố, các nam nử họa sĩ ăn mặc hippy hoa màu sặc sỡ, tóc dài hình như không tắm gội, không quen với mắt anh...

OCS, Ngày 03-08-70

... Nhận thơ em chỉ 1 trang giấy mỏng...
... Anh cũng nhận 3 thơ của Ba Má cùng một lúc...

OCS, Ngày 17-08-70

... Anh đọc xong cuốn tiểu thuyết em đã nhờ Quế mang tặng anh, cám ơn em...

... Anh dự một tour tập thể do trường tổ chức, viếng thăm một chiếc hạm. Những tour tập thể không thoải mái mình phải gò bó trong kỷ luật và anh phải hủy bỏ buổi hẹn với người bạn Mỹ ở Boston …

OCS, Ngày 21-08-70

... Ngày 28/8 đợt VI sẽ sang, anh bị chỉ định làm M.P.I. (tức là hướng dẩn khóa sau trong tuần lể đầu) không thích nhưng vẫn nhận để kiếm điểm quân sự, điểm nầy cũng ảnh hưởng đến xếp hạng ra trường....

... Thư của Điệp làm tụi anh xôn xao, sự kỳ thị của Bộ Tư Lịnh đối xử với SQ tốt nghiệp OCS, mộng hải hồ tan trong Điệp....

... Bơ, sữa Mỹ làm anh cân nặng 130 pound (khoảng 59.0 kg)...

OCS, Ngày 05-09-70

Em yêu, hiện anh đang tại thủ đô Mỹ, sau gần 10 giờ xe bus đến nơi đã 10 giờ đêm, tìm được chỗ nghỉ ngơi xong, anh thả bộ xuống khu Chinatown để ăn cơm tàu (một thứ khoái của ngày cuối tuần)

Đơn xin đi từ chiều thứ sáu nhưng bị bác và chỉ cho đi vào 1 giờ trưa thứ Bảy vì phải trả xong nợ diễn hành và thể thao.

Anh có rủ một số bạn đi cùng, thằng thì ngại tốn tiền, thằng thì ngại đường xa đành đi một mình. Trước sự liều lĩnh tụi bạn lắc đầu kể cả cô bán hàng ở exchange (người anh nhờ mua vé xe bus) khi trao vé bus kèm theo lời chúc “Good luck”

Anh nghĩ mình khó cơ hội trở lại đây lần thứ 2, đến Mỹ mà không biết Washington D.C. như người ngoại quốc đến Việt Nam mà không biết Sài Gòn

Xe rời Newport xuyên qua những khu kỹ nghệ thênh thang, thành phố những tòa building cao ngất, chui vào đường hầm sâu hun hút, băng qua những cây cầu dài dằng dặc. Tiếc nuối to lớn là không có em đi cùng. Giấc mơ nầy biết đến bao giờ anh mới thực hiện được....

... Nhìn cảnh trù phú, thanh bình mà thương cho quê hương mình cứ tàn héo theo chiến tranh. Một căn nhà nhỏ nằm chơ vơ giữa vùng cỏ xanh vây phủ với nắng hồng dịu mát ước mơ cuồng dậy trong lòng....
 
Ngày 09-09-1970

… Điện Capitol như chiếc nón tròn trắng vươn mình, hàng trăm nấc thang dẫn vào phòng rộng thênh thang trưng bày những tượng cẩm thạch, tranh lịch sử...Mount Vernon ngôi nhà của Tổng thống Washington cổ kính thơ mộng, Nghĩa trang chiến sĩ trên ngọn đồi, đền thờ Abraham Lincoln ... Chỉ tiếc là anh có quá ít thời gian để thưởng ngoạn và hiểu biết tận tường.

Một sự liều lĩnh không ngờ êm đẹp.
 
Ngày 13-09-1970

... Em yêu, kỷ niệm là hành trang của những ngày trống vắng. Từ lần đầu gặp em, những buổi trưa ngút nắng trên đường phố Sài Gòn, buổi ăn tối tình nhân. Tấm hình đầu tiên em đã trao với những dòng thương yêu viết vội trong anh đèn mờ quán Phương, love is blue bản nhạc đương thời. Hôm sau tàu rời bến, chuyến công tác thứ 2 của những ngày chập chững là lính biển. Ngày lên đường thụ huấn (Newport) cô bé “áo dài mới” chói sáng giữa đám đông.

Ngày 21-09-1970

... Thời tiết bắt đầu lạnh, hôm nay ngày đầu tiên tụi anh mặc working blue, đẹp nhưng hơi phiền phải mất thêm mươi phút để chậm lông trên quân phục chuẩn bị cho thanh tra trước khi đi học.

Thời khóa biểu cũng thay đổi phải ngồi vào bàn học 1 giờ sớm hơn 7:00 giờ tối thay vì 8:00...
 
Ngày 23, 27, 30, 1, 4-10-1970

Giở lịch đánh dấu một ngày đã qua.
Vui cùng bạn, vẩn vơ, mơ mộng... viết cho người tình

Ngày 18-10-1970

… Em yêu, sáng nay đang chuẩn bị cho buổi đi bờ cuối tuần, anh đang ngạc nhiên những sợi mưa trắng khác thường bay bay ngoài khung kính. Chợt tiếng bạn reo vang “Tuyết rơi, tuyết rơi”. Anh thay đồ thật nhanh, chạy ra ngoài để nhìn hiện tượng thời tiết đầu tiên trong đời, anh vẫn ước mơ ngay từ khi đặt chân lên vùng đất lạnh nầy. Mặc dù trước đó vài phút anh gần như ngâm mình trong thùng nước đá với cái quần ngắn em đã may để chạy một vòng cross country độ 2 km cho buổi sport cuối tuần. Anh nghe mình vui vui với những bông tuyết trắng mịn bay nhè nhẹ bám vào bộ service dress blue (bộ quân phục anh mặc hôm rời SG)...
 
Ngày 23-10-1970

Vmtldyth,
Buổi thực tập YP (Yard Patrol) thứ nhì lại bị hủy bỏ vì lý do thời tiết. Suốt từ sáng thức dậy vùng trời OCS bao phủ mưa và sương mù. Chuyến bus đưa tụi anh đến cầu tàu, những chiếc YP, những thuyền cây be bé xinh xinh đậu sát vào nhau, ở đó tụi anh sẽ bắt đầu cho những bước chân chập chững cho cuộc đời hải nghiệp, những gì của 16 tuần lý thuyết sẽ mang áp dụng. Chiếc la bàn định hướng nằm chơ vơ trên weather deck như thách thức cùng gió sương, vui với biển cả mây trời. Phòng Pilot house khung kính mờ sương, những chiếc đồng hồ tròn mặt với những số chi tiết: vòng quay của máy, độ lệch tay lái... nằm gọn gàng chào đón rong biển đang tập tễng trôi vào đại dương mà mai nầy gió bão, muối mặn trui rèn trưởng thành. Tin buổi thực tập bị hủy bỏ, quay về trong nuối tiếc: “Mặt 5, Mặt 10, lái thẳng... Hai máy tiến 3, ...”  Những lời giảng khẩu lệnh vận chuyễn vẫn còn văng vẳng. Ngồi trong xe bus hình ảnh con tàu nhấp nhô giữa bọt sóng một sức quyến rũ.

Buổi thực tập YP được thay bằng buổi thưc tập BZ, tụi anh lần lượt chui vào căn phòng nhờ tối, cũng tay lái, la bàn, radar, và những đồng hồ tròn... nhưng khá buồn cười là lái tàu trong phòng, biển là màn ảnh lớn, con tàu là những đốm sáng nhỏ, không sóng to gió lớn một bình yên nhàm chán vì đây là lần thực tập thứ tư.

... 6/11 anh sẽ lên đường sang California, bờ biển phía Tây cùa nước Mỹ, thu ngắn khoảng đường xa nhau, thu ngắn những ngày dài nhớ thương. Nhận thư nầy nếu em thấy quá trễ để hồi âm, em thư về địa chỉ mới

Huynh Binh-Duc
C/O Commanding officer
Naval Inshore Operating Training Center
Vallejo - California 94592
USA
 
Ngày 1-11-1970

... Anh đã chấm dứt chương trình học hôm thứ Tư sau 3 giờ thực tập YP ờ vùng eo biển xanh mát nầy, những cơn gió lạnh rát da, người anh như lúc nào củng vây bọc chung quanh khối nước đá. Lớp áo reefer dầy thụng thịnh, đôi găng da thô kệch, những điếu Lucky tiếp nối vẫn không ấm lòng mình cũng như thịt da.

11 giờ hối hả trở về chuẩn bị hành lý cho chuyến viếng thăm New York sẽ khởi hành lúc 12.30 giờ.

Những rừng cây, sân cỏ vận động trường hai bên đường loang lổ vàng, dấu hiệu của những ngày đầu thu.

Đến nơi đã 5 giờ chiều, mặt trời đi ngủ sớm, thành phố thắp sáng đèn màu, thành phố không ngủ, người cứ chen chân, những cô gái trẻ đẹp với vòng hoa, một cô choàng cho du khách cô kia “nâng khăn sửa túi” (Khóa trước đã cảnh cáo). 

Tối nay New York điểm thêm những nón trắng hòa vào giòng người

Hai đêm lội bộ ròng rã, vội vàng sợ phí thời gian khi về đến trại mệt phờ.

Ngày 04-11-1970

... Em yêu, hiện anh đang trong tuần lể out processing vì thế vấn đề kỷ luật uyển chuyển không phải làm phòng, đánh giầy, nhưng phải tham dự các buổi thuyết trình cho chương trình huấn luyện phòng thủ căn cứ sắp tới ở California, tập dượt cho lễ ra trường....
 
Treasure Island 09-11-70

... Hình ảnh sau cùng của quân trường OCS thật cảm động, cảnh một bà Mẹ Mỹ có con phục vụ ở Việt Nam đến tận cửa xe bus bắt tay giã từ từng đứa một...

... Phi cơ rời phi trường Providence sau 32 phút bay đến phi trường New york, ở đó tụi anh đợi phi cơ thẳng đường đến San Francisco một thành phố lớn ở bờ biển phía Tây. Sau 6 giờ đi trong mây trời, thành phố xa dần trở thành mô hình với những con đường như lằn viết kẻ, núi cao đầy tuyết trắng...

Bay bridge ngất ngưởng, đồ sộ, với 2 nhánh tẻ: một sang khu phố Oakland. Một về Treasure Island một đảo khá nên thơ với hàng dừa lả ngọn chạy dài theo cổng vào đến nhũng dãy nhà ngang dọc, tụi anh sẽ ở đây 7 ngày để học tập lý thuyết từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sau đó là 3 ngày hành quân thực tập với các loại tàu sông ở vùng Slough, các sĩ quan huấn luyện viên mô tả giống như một Căn cứ Hải quân vùng đầm lầy Đồng tháp ở Việt Nam với khẩu phần lương khô của quân đội Mỹ
 
San Jose, Ngày 14-5-2018

Cám ơn em chắt chiu cất giử những lá thơ yêu thương: những ngày tình nhân xa nhau, những ngày phép ngắn vội ngấu nghiến yêu thương, lênh đênh sông biển xa nhau thật lâu: hải hành đêm kình ngư rẽ sóng, kích đêm, sóng vỗ giang đĩnh, gió thoảng trong lặng yên hôn má em mềm, nghe môi khô đắng, mũi thèm hơi thơm.

28 tháng trả nợ nhục nhã nhọc nhằn: là lính bên thua cuộc. Trong ván bài lận, tuổi trẻ đả bị bán bởi nhửng mỹ từ “Tiền đồn” và chủ nghĩa “Lường gạt”
“Cuộc chiến đã chấm dứt, nhưng thân mình còn tù đày
Làm sao anh cho em một Tình yêu như em mong”
 
Newport loanh quanh chưa kịp mỏi đã quay về biển trời xanh mát. Providence thủ phủ Rhode Island cổ kính, hiền hòa. Boston ồn ào bar rượu ..., Washington DC sừng sững di tích, trang nghiêm, cao ngạo, tự hào cường quốc, New York thành phố không ngủ, với những cửa hàng choáng ngợp thời trang... ước mơ được một lần đưa em đến ...

Biển hung hăng, biển hiền hòa, biển huyền diệu đã mang ước mơ thành sự thật, 40 năm lưu lạc xứ người, em sóng bước cùng anh các con yêu tìm lại dấu chân xưa và đành nhận nơi nầy làm quê hương. Sông chảy xiết, biển phong ba con tàu vẫn lặng lẽ chung thủy cùng sông biển.

Việt Nam vẫn còn đó: Sài Gòn của tôi, tuổi trẻ, giảng đường thênh thang, đêm nằm cao ốc làm sinh viên bảo vệ thủ đô. “Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi”.

Học làm lính, làm quan. Ngày tháng tình nhân, yêu thương vợ chồng.

Hậu Giang đục phù sa, lục bình xanh hoa tím, ngược xuôi theo con nước lớn ròng và tôi lớn trong tình thương Ba Má, niềm vui học trò.

BĐ & KA

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018