SỐ 79 - THÁNG 7 NĂM 2018

 

 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 18

Một tuần lễ trôi qua, vẫn không có tin của Tariq. Rồi một tuần nữa lại đến và đi.

Ðể giết thời giờ, Laila sửa lại cái cửa lưới mà ba nó vẫn chưa làm. Nó đem hết mấy cuốn sách của ba nó xuống, lau bụi và sắp xếp theo mẫu tự. Nó đi đến đường Con Gà cùng với Hasina, Giti và má của Giti là bà Nila, cũng là thợ may và có thời may chung với người thợ may áo cho má nó. Chính trong tuần lễ đó, Laila chợt hiểu rằng, trong tất cả những nỗi khổ con người phải chịu, không có hình phạt nào nặng hơn là sự chờ đợi.

Lại một tuần nữa trôi qua. Laila thấy mình bị mắc vô một màn lưới ý tưởng khủng khiếp. Tariq sẽ không bao giờ trở về. Ba má Tariq đã dọn nhà đi luôn rồi; chuyến đi Ghazni chỉ là một mưu đánh lừa, một sự dàn dựng của người lớn để tránh cho hai đứa nhỏ khỏi phải đau khổ chia tay.

Một trái mìn đã nổ trúng Tariq lần nữa, như hồi năm 1981 lúc Tariq 5 tuổi, cái lần cuối ba má nó dẫn nó đi Ghazni. Lúc đó Laila vừa mới sinh nhật ba tuổi. Lần đó Tariq đã may mắn, chỉ mất một chân; thật may lắm mới còn sống sót. Những ý tưởng này cứ lảng vảng trong đầu Laila.

Rồi một buổi tối, Laila thấy có ánh đèn mờ nhấp nháy ở cuối đường. Một âm thanh nó không kềm được, tựa như giữa tiếng rít và tiếng hổn hển, thoát ra từ miệng nó. Nó vội vã lôi cái đèn pin dưới gầm giường ra, nhưng đèn không cháy. Laila đập nó thật mạnh vô bàn tay, rồi nguyền rủa mấy cục pin chết tiệt. Nhưng rồi nó chẳng màng. Tariq đã về. Laila ngồi nơi mép giường, choáng váng vì nhẹ nhõm, nhìn ánh đèn vàng chớp tắt thật đẹp.

Hôm sau, trên đường đến nhà Tariq, Laila thấy thằng Khadim với nhóm bạn của nó bên kia đường. Thằng Khadim đang ngồi xổm dưới đất và dùng que gỗ vẽ cái gì đó trên mặt đất. Trông thấy Laila, thằng Khadim bèn bỏ cái que và ngọ ngoạy mấy ngón tay của nó. Nó nói gì đó khiến cho cả bọn cười khúc khích. Laila cúi đầu, đi thật nhanh.

“Mày làm sao vậy?” Laila kêu lên lúc Tariq ra mở cửa. Rồi nó mới chợt nhớ là chú của Tariq là thợ hớt tóc. Tariq đưa tay sờ đầu mới cạo trọc lóc của nó, và mỉm cười nhe hàm răng trắng không đều của nó.

”Ðược không?”
“Giống như mày mới nhập ngũ vậy.”
“Muốn sờ thử không?” Tariq cúi đầu xuống.

Những sợi tóc ngắn và cứng cọ vô lòng bàn tay của Laila khiến nó thích thú. Khác mấy thằng kia, tóc tụi nó che sọ đầu nhọn và những chỗ u khó coi, đầu của Tariq tròn đẹp và không có chỗ u lồi lõm. Lúc Tariq ngẩn đầu lên, Laila thấy gò má và trán Tariq rám nắng.

“Sao đi lâu vậy? Laila hỏi.
“Ông chú bị bịnh. Vô đi. Vô nhà đi.”

Nó dẫn Laila qua hành lang vô phòng khách. Laila thích mọi thứ trong ngôi nhà này. Cái thảm cũ rích trong phòng khách, cái khăn phủ ghế được may bằng những miếng vải nhỏ chấp nối, sự ngổn ngang bình thường trong cuộc sống của Tariq: mấy cây vải của má nó, những cây kim của bà cắm trong mấy cuộn chỉ, những tờ tạp chí cũ, cái hộp đàn phong cầm trong góc phòng chỉ chờ có người mở ra.

“Ai đó?” tiếng má của Tariq hỏi vọng lên từ dưới bếp.
“Laila,” Tariq trả lời.

Nó kéo ghế cho Laila ngồi. Phòng khách sáng sủa vì có cửa sổ đôi nhìn ra sân. Trên bệ cửa sổ là mấy cái lọ không mà má của Tariq thường dùng để ngâm cà pháo và làm mứt cà rốt.

“Con muốn nói con dâu của ta,” cha của Tariq tuyên bố khi ông bước vô phòng. Ông là thợ mộc, một người đàn ông dáng người rắn chắc, tóc bạc, độ hơn sáu mươi tuổi. Răng cửa bị hở, và đôi mắt hơi nheo của một người sống cuộc đời phần lớn ở ngoài trời. Ông dang rộng hai cánh tay đón Laila và nó được chào đón bởi cái mùi mạt cưa dễ chịu và thân quen của ông. Họ hôn nhau trên má ba lần.

“Ông cứ gọi nó như thế rồi nó sẽ không đến nữa đâu,” má của Tariq bảo lúc bà bước vô phòng. Bà bưng cái mâm trên có cái tô lớn, cái muỗng và bốn cái chén. Bà đặt mâm lên bàn. “Kệ ông già.” Bà đưa tay ôm mặt của Laila. “Gặp cháu, bác vui lắm. Lại đây, ngồi xuống đi cháu. Bác có đem về một ít trái cây ngâm nước đây.”

Cái bàn to, làm bằng thứ gỗ thô màu sáng, và mấy chiếc ghế đều do cha của Tariq tự đóng. Trên bàn trải tấm khăn bằng nhựa màu xanh rêu lấm tấm hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao nhỏ. Vách tường phòng khách hầu như treo đầy hình của Tariq ở mọi lứa tuổi. Trong vài tấm hình chụp xưa nhất, nó còn đủ hai chân.

“Cháu nghe nói em của bác bị bịnh,” Laila nói với cha của Tariq, vừa nhúng muống vô chén nước ngâm nho khô, hột pistache và trái đào.

Ông châm điếu thuốc lá. “Ừ, nhưng bây giờ khỏe rồi, nhờ Trời.”
“Bị đột biến tim. Lần thứ nhì,” má của Tariq bảo, vừa đưa mắt nhìn chồng như muốn cảnh cáo.

Cha của Tariq phì phèo điều thuốc vừa nháy mắt với Laila. Nó bắt gặp mình lại có ý tưởng rằng cha mẹ của Tariq trông giống như ông bà của Tariq vậy. Má của Tariq chẳng đã sanh Tariq lúc bà đã hơn bốn mươi đó sao.

“Ba cháu khỏe không?” má Tariq hỏi.

Từ khi biết bà, lúc nào Laila cũng thấy bà đội tóc giả. Bộ tóc đã trở màu tím lu câm. Ngày hôm ấy, bộ tóc được kéo thấp xuống tận chân mày, và Laila trông thấy cả những sợi tóc bạc hai bên mép tai của bà. Có những hôm bộ tóc nằm cao trên trán. Tuy nhiên đối với Laila, má của Tariq chẳng  bao giờ có vẻ đáng thương trong bộ tóc giả đó. Laila chỉ nhìn thấy một gương mặt bình tĩnh và tự tin, cặp mắt khôn ngoan, cử chỉ dễ mến và từ tốn.

“Dạ, khoẻ,” Laila trả lời. “Vẫn làm ở lò bánh mì Silo, và khỏe ạ.”
“Còn má cháu?”
“Bữa khoẻ, bữa không. Vẫn thế thôi ạ.”
“Ừ,” bà trầm ngâm nói, vừa đặt muỗng xuống chén. “Thật là khó, khó vô cùng khi làm mẹ mà phải xa các con trai của mình.”
“Ở lại ăn trưa chứ?” Tariq hỏi.
“Bắt buộc rồi,” má Tariq nói. “Bác đang nấu súp thịt hầm khoai đậu đây.”
“Cháu không dám làm phiền.”
“Phiền gì?” bà nói. “Nhà bác đi có mấy tuần mà cháu trở nên khách sáo như vậy sao?”
“Thôi được, cháu sẽ ở lại,” Laila đỏ mặt, cười nói.
“Vậy nhé.”

Sự thật, Laila rất thích ăn cơm ở nhà Tariq, cũng như nó ghét những bữa cơm ở nhà nó. Ở nhà Tariq, không có cảnh ăn cơm một mình; lúc nào họ cũng ăn với cả gia đình. Laila ưa mấy cái ly uống nước bằng nhựa họ dùng, và phần tư trái chanh luôn luôn nổi lềnh bềnh trong bình nước. Nó ưa cái cách họ bắt đầu bữa ăn với một chén sữa chua lạnh, họ vắt cam chua vô mọi thứ, ngay cả sữa chua, và cả cách họ chọc ghẹo nhau một cách nhẹ nhàng, vô hại.

Trong bữa ăn, câu chuyện tiếp nối không ngừng. Mặc dù Tariq và cha mẹ là người dân tộc Pashtun, khi có mặt Laila, họ nói tiếng Ba Tư để cho nó hiểu, mặc dù Laila cũng hiểu được phần nào tiếng Pashto của họ vì đã được học ở trường. Ba Laila từng nói có sự căng thẳng giữa dân  thiểu số Tajik của họ và dân Pashtun của Tariq, là dân tộc lớn nhất ở A Phú Hãn. Ba nó nói, người Tajik lúc nào cũng cảm thấy bị họ coi thường. Những vị vua Pashtun đã cai trị đất nước này gần 250 năm đó Laila, còn người Tajik chỉ có chín tháng hồi năm 1929.

Còn ba, ba có cảm thấy bị xem thường không? Laila hỏi.

Ba nó kéo vạt áo chùi cặp kính. Theo ba, điều đó tầm bậy - và rất nguy hiểm nữa – khi nói tôi là người Tajik, anh là người Pashtun, còn anh kia là người Hazara, và chị kia là người Uzbek. Chúng ta đều là người A Phú Hãn cả, chỉ nên biết như vậy. Tuy nhiên khi một nhóm cai trị những nhóm khác quá lâu… thì sẽ có sự khinh thường, có sự ganh đua. Hiện giờ cũng có, trước giờ vẫn có.

Có thể, nhưng Laila chưa bao giờ cảm nhận điều đó trong nhà Tariq, nơi mà những vấn đề đó  thậm chí chưa từng xẩy ra. Những lúc ở chơi bên nhà Tariq, Laila luôn có cảm giác tự nhiên, dễ dàng, không hề cảm thấy rắc rối bởi những dị biệt về bộ tộc hay ngôn ngữ, hay bởi những ác cảm ganh ghét cá nhân làm ô nhiễm không khí như ở nhà nó.

“Chơi bài không?” Tariq hỏi.
“Ừ, lên lầu chơi đi,” má của Tariq bảo, vừa khó chịu quơ tay xua khói thuốc của cha Tariq. “Bác làm cho xong món súp.”

Trong phòng Tariq, hai đứa nằm xấp giữa phòng và thay phiên nhau chia bài. Một chân quơ trên không, Tariq kể cho nó nghe về chuyến đi của mình. Mấy cây đào nhỏ nó phụ chú nó trồng. Con rắn nó bắt được ngoài vườn.

Phòng này là nơi Laila và Tariq làm bài tập, nơi hai đứa xây tháp bằng những lá bài và chơi đùa vẽ chân dung của nhau. Nếu trời mưa thì hai đứa đứng tựa cửa sổ, uống nước cam Fanta nóng có hơi, nhìn những giọt mưa to dần, chảy trên kính.

“Nghe đây này,” Laila nói. “Cái gì đi vòng quanh thế giới nhưng lại đứng trong góc?”
“Khoan đã.” Tariq đẩy người lên và xoay cái chân giả của nó lại. Nó nằm nghiêng người, tựa lên khuỷu tay, mặt nhăn nhó.
“Ðưa cái gối đó đây.” Nó đặt cái gối dưới chân nó. “Vầy, đỡ rồi.”

Laila nhớ lại lần đầu Tariq cho nó coi cái chân cụt. Năm đó Laila sáu tuổi. Nó lấy ngón tay chọc vô chỗ da căng bóng lưỡng ngay dưới đầu gối trái của Tariq. Ngón tay nó đã chạm phải những cục u nhỏ và cứng ở chỗ đó, và Tariq đã nói cho nó biết đó là những miểng xương mọc ra sau khi cưa chân. Nó đã hỏi Tariq phần chân cụt còn lại có đau không, và Tariq bảo đau lúc cuối ngày, khi chỗ đó sưng lên và không còn vừa với cái chân giả nữa, như ngón tay không còn vừa với cái đê vậy. Ðôi khi cái chân cụt cũng bị cọ xát, nhất là khi trời nóng, khiến cho đỏ và phòng da, tuy nhiên má nó có kem bôi khá tốt. Cho nên cũng không quá tệ.

Laila đã bật khóc. Sao mày lại khóc? Tariq đã đeo cái chân cụt vô. Mày biểu tao cho mày coi mà, đồ con gái mít ướt! Tao mà biết mày khóc thì tao đã chẳng cho mày coi.

“Con tem,” Tariq nói.
“Cái gì?”
“Câu đố. Câu trả lời là con tem. Ăn trưa xong, mình đi sở thú chơi.”
“Mày biết câu đố này rồi, phải không?”
“Hoàn toàn không.”
“Mày ăn gian.”
“Còn mày, ganh tị.”
“Ganh tị cái gì?”
“Sự thông minh nam giới của tao.”
“Sự thông minh nam giới của mày? Chắc không? Vậy chứ ai luôn luôn thắng cờ tướng, mày nói coi?”
“Tao cho mày thắng.” Tariq cười. Cả hai đứa đều biết không phải vậy.
“Và ai rớt toán hả? Mày đến nhờ ai giúp mày làm bài tập toán chứ hả, mặc dù mày học trên một lớp?”
“Tao còn học trên hai lớp nữa kìa, nếu môn toán không làm tao chán.”
“Vậy chắc mày cũng chán luôn môn địa lý.”
“Sao mày biết? Thôi im đi. Vậy mình có đi sở thú hay không?”

Laila mỉm cười. “Thì đi.”
“Tốt.”
“Tao nhớ mày.”

Im lặng. Rồi nửa cười nửa nhăn nhó, Tariq quay lại nhìn Laila với vẻ khó chịu. “Mày sao vậy?”

Laila tự hỏi đã bao nhiêu lần nó, nhỏ Hasina và nhỏ Giti đã nói với nhau cũng ba chữ này, nói không chút do dự, chỉ sau hai ba ngày không gặp nhau? Hasina ơi, tao nhớ mày. Ồ, tao cũng nhớ mày. Qua cái nhăn mặt của Tariq, Laila hiểu được thêm một điều rằng con trai khác với con gái ở điểm này. Chúng không muốn phô trương tình bạn, chúng không có nhu cầu thôi thúc phải nói những chuyện như thế với nhau. Laila tưỏng tượng các anh nó chắc cũng vậy thôi. Laila vỡ lẽ ra là bọn con trai nghĩ về tình bạn cũng giống như chúng nghĩ về ánh mặt trời: đương nhiên có, không thắc mắc, cứ hưởng những tia nắng đẹp nhưng đừng nhìn thẳng vô đó.

“Chọc mày thôi.” Laila nói.
Tariq lườm nó một cái dài sọc. “Chọc hay quá.”

Nhưng Laila thấy hình như cái nhăn mặt của Tariq đã dịu bớt. Và hình như đôi má rám nắng của Tariq cũng đang đỏ lên.

Laila nào có muốn kể cho Tariq biết. Thật ra nó đã định bụng không nói cho Tariq nghe. Sẽ có người bị thiệt, bởi vì Tariq sẽ không bỏ qua đâu. Nhưng khi hai đứa trên đường đi tới trạm xe buýt thì nó lại nhìn thấy thằng Khadim đang đứng dựa tường. Mấy thằng bạn nó đứng chung quanh, hai ngón tay cái của nó thọt vô khoen dây nịt. Nó nhe răng cười với Laila với vẻ thách thức.

Cho nên Laila bèn kể cho Tariq nghe. Câu chuyện buột khỏi miệng nó mà nó không cản được.

“Nó làm gì?”

Laila kể lần nữa.
Tariq chỉ tay về phía Khadim. “Nó hả? Thằng này hả? Chắc không?”

“Chắc.”

Tariq nghiến răng, lẩm bẩm gì đó bằng tiếng Pashto Laila không nghe được. “Chờ đây,” Tariq bảo, bây giờ bằng tiếng Ba Tư.

“Ðừng, Tariq.”

Tariq đã băng qua đường.

Khadim nhìn thấy Tariq trước. Nụ cười của Khadim tắt dần, nó đầy người khỏi tường. Nó bỏ tay khỏi khoen dây nịt và đúng thẳng người lên, ra vẻ đe dọa, mấy thằng kia nhìn theo hướng mắt đăm đăm của nó.

Laila nghĩ phải chi mình đừng nói. Chuyện gì sẽ xẩy ra khi tụi kia hùa với nhau? Tụi nó có mấy đứa - mười? mười một? mười hai? Nếu tụi nó đánh Tariq thì sao?

Lúc đó thì Tariq đã đến và dừng lại cách Khadim và đồng bọn chỉ vài thước. Một thoáng đắn đo, Laila nghĩ có lẽ Tariq đã đổi ý, và lúc Tariq cúi người xuống, Laila tưỏng Tariq sẽ giả vờ bị sút dây giầy và quay trở lại. Nhưng rồi hai bàn tay của Tariq bắt đầu hoạt động và Laila chợt hiểu.

Bọn kia cũng đã hiểu khi thấy Tariq đứng thẳng người trên một chân. Rồi khi Tariq bắt đầu nhảy lò cò về phía Khadim, để sau đó chạy nhào tới, cái chân giả nó tháo ra dơ cao quá vai như một thanh kiếm.

Mấy thằng vội vàng tránh hết qua một bên, mở đưòng cho Tariq lao thẳng tới Khadim. Rồi bụi mù trời, kèm theo những cú đấm đá và những tiếng kêu đau đớn.

Thằng Khadim không bao giờ còn dám quấy rầy Laila nữa. 

Tối hôm đó, như mọi khi, Laila chỉ dọn bàn cho hai người. Má nó nói không đói. Nếu có hôm nào bà đói thì má nó nhất định đòi đem dĩa cơm của mình vô phòng, trước khi ba nó về tới nhà. Tới lúc Laila với ba nó ngồi vô bàn ăn thì má nó thường đã ngủ hoặc nằm thao thức trên giường.

Ba nó bước ra khỏi phòng tắm, mái tóc trắng vì dính bột lúc ông về đến nhà, giờ đã gội sạch và chải ra phía sau.

“Mình ăn gì vậy Laila?”
“Mì nước còn thừa bữa trước.”
“Ðược đấy,” ông nói, vừa gấp cái khăn lau tóc. “Sao, tối nay mình phải học gì vậy con? Cộng phân số hả?”
“Ðúng ra là chuyển phân số ra hỗn số.”
“À. Ðúng rồi.”

Mỗi tối cứ sau bữa cơm, ba lại giúp nó làm bài tập của trường và ông cho nó làm thêm một số bài nữa. Ðây là cách để Laila đi trước các bạn cùng lớp một hay hai bước, không phải bởi vì ông không đồng ý với các bài tập của trường - ngoại trừ những bài tuyên truyền. Trên thực tế, ông nghĩ điều duy nhất người Cộng sản đã làm đúng – hay ít ra cũng có ý định - mỉa mai thay, là trong lãnh vực giáo dục, lãnh vực nghề nghiệp của ông mà ông đã bị đuổi việc. Cụ thể hơn là giáo dục phụ nữ. Chính phủ đã tài trợ các lớp học chống mù chữ cho tất cả phụ nữ. Gần hai phần ba sinh viên của trường Ðại học Kabul ngày nay là phụ nữ, ông bảo, những phụ nữ đang theo học nghành luật, y khoa, kỹ thuật.

Phụ nữ luôn luôn chịu khổ ở đất nước này, Laila ạ, tuy nhiên bây giờ dưới ách cộng sản, có lẽ họ được tự do hơn, và họ được hưởng nhiều quyền hơn từ xưa tới nay, ông nói nho nhỏ. Ba nó luôn phải hạ giọng vì biết má nó không chấp nhận, dù chỉ xa gần nói tốt về người cộng sản. Nhưng thật sự như vậy, ba nói, đây là thời điểm tốt cho phụ nữ ở A Phú Hãn. Và con có thể tận dụng lợi điểm đó, Laila. Ðương nhiên quyền tự do cho phụ nữ - nói tới đây ông lắc đầu buồn bã – cũng là một trong những lý do tiên khởi khiến những người ở bên kia phải cầm vũ khí.

Khi nói “bên kia”, ông không ám chỉ Kabul, là nơi trước giờ vẫn tương đối cởi mở và tiến bộ. Ở Kabul này, phụ nữ giảng dạy ở đại học, điều hành các trường học, làm việc trong các cơ quan chính phủ. Không, ba nó muốn ám chỉ các khu vực bộ tộc, nhất là những vùng nói tiếng Pashto ở phía Nam hay phía Ðông gần biên giới Pakistan, nơi mà người ta rất hiếm thấy phụ nữ đi ngoài đường, có chăng nữa thì phải trùm kín người và đi cùng nam giới. Ông muốn nói đến những vùng mà người ta còn sống theo luật bộ tộc cổ xưa nên đã nổi lên chống lại cộng sản với các sắc lệnh của họ nhằm giải thoát phụ nữ, xóa bỏ hôn nhân cưỡng bức, và nâng tuổi kết hôn tối thiểu của con gái lên 16. Ở những nơi đó, ba nó nói, người ta coi đó là điều xúc phạm đến truyền thống xưa hàng thế kỷ của họ, khi phải theo lệnh của chính phủ - một chính phủ vô thần nữa chứ - cho con gái ra khỏi nhà, đi học và đi làm việc bên cạnh đàn ông.

Chúa cấm chuyện đó! Ba nó thích nói một cách mỉa mai. Rồi ông thở dài và nói, Laila, con gái yêu của cha, kẻ thù duy nhất mà người A Phú Hãn không đánh bại được là chính họ.

Ba nó kéo ghế ngồi xuống bàn, chấm bánh mì vô tô súp của ông. Laila quyết định trong bữa ăn sẽ kể cho ba nó nghe chuyện Tariq xử thằng Khadim, trước khi hai cha con bắt đầu làm bài tập phân số. Nhưng nó không bao giờ có dịp. Bởi vì, ngay lúc đó có tiếng gõ cửa, và đứng bên ngoài là một người lạ mặt đem tin đến.                   

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018