SỐ 80 - THÁNG 10 NĂM 2018

 

 Hòa Lan - bạn cũ và Chương

Ngô Thụy Chương

Sau ngày đứt neo 30 tháng 4, 1975, các anh em OCS chúng tôi tan tác lưu lạc bốn phương. Mỹ quốc là vùng đất đón nhận nhiều bạn hữu OCS của Chương nhất. Tại Âu châu, anh em Hải quân cũng có mặt, nhưng không nhiều. Lác đác người ở Pháp, Ðức, Bỉ, kẻ lưu thân nơi Anh quốc, Ðan Mạch ... Tại đất nước Hòa Lan nhỏ bé, ngoài Chương còn có Phạm Trường Thọ, cũng U5.

Nước Hòa Lan rất nhỏ, diện tích toàn nước xấp xỉ 40.000 km2, so với nước Việt Nam, Hòa Lan chỉ bằng 1/9. Ðất nhỏ, dân số chỉ 17 triệu người, nhưng Hòa Lan là giống dân có chiều cao nhất thế giới. Trung bình người Hòa Lan cao 1m85, dân Mít ta khi nói chuyện với họ thường phải “ngẩng cao đầu”.

Mặc dù là quốc gia nhỏ bé nhưng Hòa Lan nổi tiếng thế giới về nhiều khía cạnh. Phần lớn diện tích đất đai nằm thấp hơn mực nước biển nên Hòa Lan, còn gọi là Ðất Thấp, có hệ thống cũng như kỹ thuật đê điều và đất bồi hùng hậu. Hội họa nổi tiếng nhờ các tài danh đi vào lịch sử như Rembrandt, Van Gogh, Vermeer. Bia Heineken ngon nhất nhì thế giới, dân nhậu đều biết tiếng. Phô-mai Gouda, du khách khi ghé Hòa Lan thế nào cũng mua về thưởng thức và làm quà. Và dĩ nhiên Amsterdam, thành phố với nét đặc thù “văn hoá” có một không hai, với “khu màu hồng”, “khu đèn đỏ” và các nàng kiều nữ hành nghề hợp pháp sau khung cửa kính kéo màn ấm cúng.

Ðất lành, chim đậu, khách viếng thăm. Nguyễn Ngọc Lễ là người bạn OCS đầu tiên từ Mỹ quốc ghé thăm Chương nơi miền Ðất Thấp. Từ Georgia, Lễ điện thoại nói:

“Chương, tao sắp đi chơi Âu châu, tao muốn ghé thăm mày vài ba ngày có được không?”
“Ðược chứ, mày đến bất cứ lúc nào tao cũng sẵn sàng đón tiếp.”

Có niềm vui mừng nào hơn khi nghe tin bạn cũ từ phương xa đến thăm. Chương báo ngay tin vui này cho Phạm Ngọc Thọ. Ngày Lễ đến phi trường Amsterdam, Chương lái xe đến đón đưa về nhà, và từ đó những ngày vui bắt đầu.

Lễ, Thọ và Chương đã có dịp cùng nhau lang thang trên hè phố Amsterdam, đi bộ dọc theo những con rạch ngoằn ngoèo chằng chịt, ngang qua những ngôi nhà cổ nhỏ hẹp nhưng dễ thương, và cùng ngồi trên thuyền lướt quanh Amsterdam.

Lễ đã có dịp thưởng thức tận mắt khu đặc thù “văn hóa” là  khu “đèn đỏ”, nơi các nàng kiều nữ hở hang, khiêu gợi, đứng ngồi sau khung cửa kính, dưới ánh đèn màu, mời mọc, đón chào. Không thể quên được hình ảnh ba OC Lễ, Thọ, Chương cùng ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng ngay giữa trung tâm thành phố Amsterdam, ngắm tài tử giai nhân dập dìu. Thiếu nữ Hòa Lan nổi tiếng tự do và phóng khoáng với nét đẹp đa tình. Chẳng thế Hòa Lan là nước thường xuyên cung cấp người mẫu thượng thặng cho danh sách top 10 thế giới, cũng như một Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) và nữ tài tử điện ảnh duyên dáng Audrey Hepburn (mẹ là người Hòa Lan).

Lễ cũng có dịp đi thăm cối xay gió tại một vùng phía bắc Hòa Lan. Cối xay gió có mặt trên đất nước này từ thế kỷ thứ 8. Người Hòa Lan sáng tạo, họ biết dùng sức gió làm quay  những cánh quạt lớn để xay lúa, xay bột, nhưng quan trọng hơn cả, để làm khô những vùng đầm lầy, sông rạch tạo thành những vùng đất mới trù phú để sinh sống. Ngày nay cối xay gió là một đặc trưng của phong cảnh Hòa Lan và là biểu tượng của cuộc đấu tranh của dân tộc Hòa Lan với nước, với sông và với biển.

Lễ đã có những bữa ăn gia đình với vợ chồng Chương & Trúc, cũng như được thưởng thức những món đặc sản của miền Ðất Thấp. Lễ thích nhất một món “fastfood” cá chiên, ngoài dòn, trong mềm và tươi. Khi vợ chồng Chương & Trúc đưa Lễ ra phi trường để tiếp tục chuyến Âu du, Lễ nói: “Chương, mày ghé tiệm cá mua cho tao mấy miếng cá chiên tao ăn lần chót trước khi lên máy bay. Cá chiên ở đây sao ngon quá chừng!”.

Khi Lễ qua Hòa Lan đã tặng Chương&Trúc mỗi người một chiếc nón kết Hải quân của Ðại hội OCS Houston. Năm nay Chương & Trúc lại nhận được món quà tình nghĩa của Lễ từ Atlanta: hai áo polo Ðại Hội OCS Atlanta 2018. Những món quà này được lưu giữ trang trọng, nó ghi dấu tình bạn, tình chiến hữu với nhiều kỷ niệm đẹp. 

Người bạn OCS thứ hai ghé thăm Chương là Nguyễn Công Liêm; Liêm hiện sinh sống cùng gia đình tại San José, Mỹ quốc. Trước ngày tan hàng, Chương làm việc tại Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Tiếp Vận, còn Liêm tại Trung Tâm Ðiện Toán. Cả hai cơ sở này đều nằm trong Hải Quân Công Xưởng nên thỉnh thoảng Chương hay la cà đến chỗ Liêm làm việc.

Trong một chuyến đi cruise vùng Bắc Âu, vợ chồng Liêm ghé Hòa Lan đôi ngày; chuyến đi này có cả vợ chồng Phạm Gia Tường. Liêm đã liên lạc với Chương và cho biết ngày giờ đến Amsterdam. Lúc nhóm bạn vừa tới khách sạn, Chương đã có mặt để sau đó chở vợ chồng Liêm và vợ chồng Tường về nhà chơi. Cuộc vui thật huyên náo, các nàng tíu tít hỏi chuyện nhau và vui vẻ kể bao chuyện đường xa. Ba đứa, Liêm, Tường, Chương khề khà chai Heineken nhắc chuyện “đời xưa”.

Ngày hôm sau, vợ chồng Chương & Trúc đưa vợ chồng Liêm đi coi cuộc triển lãm quốc tế Floriade tại thành phố Venlo, phía đông nam Hòa Lan. Ðây là cuộc triển lãm quốc tế về trồng trọt lớn nhất thế giới và chỉ được tổ chức mười năm một lần tại Hòa Lan. Vợ chồng Liêm qua đây đúng vào dịp Hòa Lan tổ chức triển lãm lần thứ 6.
Mọi người có dịp ngắm nhiều loại hoa, được thấy hàng ngàn cây kiểng đủ loại của hàng chục quốc gia từ khắp châu Âu, châu Á, châu Phi, cả Bắc Hàn cũng hiện diện.

Hai bà vợ mới gặp nhau lần đầu nhưng thân thiết như hai cô bạn cũ, líu lo chuyện trò một cách tự nhiên và thân tình. Hai nàng tíu tít xem hoa, ngắm cảnh. Hai chàng làm chân phó nhòm, lững thững theo sau.

Nàng này: “Anh ơi, chỗ này hoa đẹp quá, chụp cho tụi em đi.”

Nàng kia: “Chỗ này chụp chắc đẹp lắm anh hả?” Chỗ nào hai nàng cũng thấy đẹp.

Vợ chồng Tường ngày hôm đó không đi cùng vì đi theo toán thăm vườn hoa Keukenhof. Keukenhof là vườn hoa nổi tiếng nhất Hòa Lan, hàng năm thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới. Ðây là khu vườn thiên nhiên rộng sáu ngàn mét vuông và hàng năm trồng trên sáu triệu củ hoa đủ loại, từ tulips muôn màu đến anh đào, phong lan, thủy tiên và thật nhiều loại hoa mùa xuân khác. Hoa nở rộ từ cuối tháng ba đến cuối tháng năm, biến cả khu vườn thành tấm thảm khổng lồ màu sắc rực rỡ đến tận chân trời.

Người bạn thứ ba từ Houston, Mỹ quốc ghé thăm là Trần Ðức Thịnh. Thịnh và Chương quen nhau ngay từ ngày đầu nhập trại Bạch Ðằng 2, cả hai có rất nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ. Thịnh qua thăm mang theo món quà tình nghĩa của bạn hiền Tạ Quốc Quang gởi tặng: nón kết Hải quân và áo polo của Ðại Hội Trần Hưng Ðạo tại Montréal.

Chương lại liên lạc Thọ để cùng gặp gỡ vợ chồng Thịnh tại Amsterdam, cũng đi qua những  “đường xưa lối cũ” để vợ chồng bạn ngắm cảnh, xem hoa. Lại bữa ăn vui vẻ, thân tình của vợ chồng Chương & Trúc với vợ chồng Thịnh và vợ chồng Thọ. Ðám đực rựa không quên nhâm nhi vài chai Heineken để cùng nhắc lại những kỷ niệm nơi quân trường.  

Thịnh và Chương có dịp ngồi với nhau trong quán ăn, bên ly cà phê thơm phứt, bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm xưa của thời trai trẻ ngang tàng, bay bướm và mơ mộng.

Lần gặp gỡ Trần Minh Quang (Quang gà con) cũng rất đặc biệt. Quang và gia đình sống ở Ðức quốc, một quốc gia sát cạnh Hòa Lan. Một lần Quang gửi điện thư thông báo sắp qua Hòa Lan chơi nên muốn gặp Chương. Quang biết Hòa Lan có một ngôi chùa mới xây là chùa Vạn Hạnh, Quang lại biết vị thầy trụ trì ngôi chùa đó. Quang ngỏ ý muốn gặp Chương tại  chùa Vạn Hạnh này. Cùng đi với vợ chồng Quang qua Hòa Lan có vợ chồng Diệp Năng Hải. Hải là dân HQ Nha Trang, cùng quân chủng nên mới gặp đã thân. Chúng tôi đã có dịp nhắc nhau những kỷ niệm cũ và cùng chụp chung những bức hình kỷ niệm bên Tượng Ðài Thuyền Nhân, trong khuôn viên chùa Vạn Hạnh. Ðứng bên tượng đài, chúng tôi bùi ngùi nhớ đến những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến, nhớ đến bạn hữu đã bỏ mình trong trại cải tạo và bao anh em đã vĩnh viễn vùi thây dưới đáy biển trên đường đi tìm tự do.

Các bạn Chương đa số cư ngụ tại Mỹ quốc, nơi việc tổ chức gặp gỡ anh em khá dễ dàng, hai năm một lần, hội tụ nhau qua Ðại Hội OCS Trần Hưng Ðạo. Những đại hội này tạo thêm tình thân bền chặt giữa anh em chiến hữu. Tại Âu châu, anh em Hải Quân cũng có những liên hệ với nhau qua việc tổ chức Hè Hải Quân tại Ðức, Bỉ v.v... Năm 2017, Hòa Lan vinh dự đứng ra tổ chức Hè 2017. Trên 40 thân hữu và gia đình đã tham dự Hè Hải Quân 2017 này. Ngoài những Hải Quân Nha Trang, còn có những Hải Quân OCS như Trần Minh Quang, Võ Thành Nghiệp, Nguyễn Văn Cư, Phạm Trường Thọ, Trần Minh Châu và Ngô Thụy Chương tham dự.

Trong khu vườn rộng lớn nơi nhà của chiến hữu Hải quân Hằng Minh Thắng tại Zwolle, những lời chào vui vẻ, những tiếng cười rộn ràng, những giọng nói oang oang nhắc lại bao kỷ niệm của đời hải hồ. Trong căn bếp rộng rãi, các nàng xúm nhau, mỗi người mỗi việc, chuẩn bị bữa ăn tối hội ngộ. Câu chuyện nổ như pháo rang, rồi thưởng thức văn nghệ cây nhà lá vườn với những tiếng đàn điêu luyện, những giọng hát truyền cảm, những bước chân lả lướt nhịp nhàng, đã tạo lại bầu không khí vui nhộn, trẻ trung ngày nào. Trong những ngày vui ấy “Quang gà con” trẻ lại như xưa, với đàn ghi-ta trong tay, hát muốn bể lồng ngực Let’s Twist Again, bài hát “tủ” một thời trai trẻ. Rồi đến lượt vợ chồng Nguyễn Văn Cư, cặp song ca đầy nghệ sĩ tính luôn sẵn sàng đóng góp trong mọi chương trình văn nghệ. Và chàng Hải quân Hằng Minh Thắng, lả lướt trong bộ đại lễ trắng, hát thật bay bướm và nhảy “giựt” như điên những bản nhạc bất tử ca tụng đời hải hồ: “Tình ca người đi biển”, “Anh là lính đa tình”. Rồi chị Hồng, vợ OC Võ Thành Nghiệp, một hoạt náo viên xuất sắc, vui vẻ và cởi mở; tất cả đã tạo nên bầu không khí vui tươi, thân mật và thoải mái. Một kỷ niệm không thể nào quên.

Ngày hôm sau, tất cả kéo nhau đi thăm Giethoorn, được mệnh danh “Venice Hòa Lan”, một ngôi làng nhỏ rất ngoạn mục nên thu hút nhiều du khách. Mọi người lại có dịp ngồi chung trên du thuyền, lướt sóng ra khơi, thưởng thức quang cảnh thiên nhiên hai bên bờ, và thả hồn về dĩ vãng của thời trai trẻ với những ngày bềnh bồng trên sóng nước...

Có lẽ một trong những kỷ niệm vui và đáng nhớ là lần Chương gặp vợ chồng Nguyễn Quang Trúc tại Hòa Lan. Năm 2015, phái đoàn của ca sĩ Nguyệt Ánh và bạn hữu, trong chuyến đi Âu châu hát cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền Việt Nam với chủ đề “We March For Freedom”, đã đến sinh hoạt tại Hòa Lan một ngày. Chương đã gặp Nguyễn QuangTrúc trong ngày hát đấu tranh đó.

Nhìn bạn cùng Nguyệt Ánh và các anh em đứng trên sân khấu hát các bài ca đầy hùng khí, Chương thấy bạn mình vẫn còn là người chiến sĩ miệt mài đấu tranh cho tự do, dân chủ nơi quê nhà. Chương tự hào đã có những người bạn như vậy. Với thời gian ngắn ngủi, chúng tôi đã trao đổi tâm tư trong tình anh em, chiến hữu. Chúng tôi đã cùng nắm tay, đứng trên một sân khấu, cùng hát vang lời thề “không phản bội quê hương”.

Một người bạn OCS phải nhắc đến là Võ Anh Tuấn hay nói khác hơn là văn, thi sĩ Vũ Hoàng Thư. Chương và Tuấn chưa một lần gặp nhau nhưng đã thân thiết nhau qua... internet!

Từ bao lâu nay, vợ chồng Chương Trúc là độc giả trung thành của trang nhà Biển Khơi do Tuấn chủ biên. Những vần thơ, bài văn bi hùng, lưu luyến cố hương của Trần Việt Bắc, Phan Thái Yên, Ngọc Trân, Cỏ Biển, Hồ Thị Mỹ Hạnh, Lê Ngọc Trùng Dương... được đọc đi đọc lại nhiều lần. Những dòng thơ, đoản văn dí dỏm, khi đọc phải mỉm cười của bạn đời Ðường Du Hào. Và này đây trang thơ, dòng chữ tài hoa của Vũ Hoàng Thư (VHT). Văn phong Vũ Hòang Thư trong sáng, sâu sắc và nhẹ nhàng.

Ban đầu là độc giả của Biển Khơi, dần dà vợ chồng Chương đóng góp những du ký, đoản văn cho Biển Khơi. Một lần du ký Bồ Ðào Nha được gửi đến VHT, chỉ hơn một tuần sau vợ chồng Chương nhận được tuyển tập “Bắt nắng” do VHT ưu ái gửi tặng. Trong tuyển tập này có đoản văn tựa đề “Fado - Nỗi nhớ đâm mầm...” ghi lại dấu chân VHT trên thành phố Lisbon và kỷ niệm với tiếng hát fado nỉ non trong một đêm mưa nơi xứ Bồ. Thơ, văn Vũ Hoàng Thư dù viết trong bối cảnh nào vẫn luôn đưa người đọc trở về với quê hương, với biển cả, với những kỷ niệm nhẹ nhàng, ra rích luyến nhớ. Và trang nhà Biển Khơi là đất dụng võ của OCS, là nơi hội tụ văn tài, là vườn hoa muôn sắc, là chỗ tìm về kỷ niệm, là chốn vỡ hòa tình cảm riêng tư. Sự phong phú, bền bỉ của Biển Khơi hẳn là công lớn của VHT.

Các bạn Chương đến thăm rồi ra đi, có người gặp lại sau hơn bốn mươi năm xa cách, có người bặt tin từ lúc chia tay sau ngày ra trường, nhưng khi gặp lại nhau vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn mày mày, tao tao, vui đùa như thời trai trẻ, vẫn đậm đà tình nghĩa anh em, tình chiến hữu. Thời gian có qua nhanh nhưng kỷ niệm xưa vẫn còn đó. Chương vẫn hy vọng, nơi miền Ðất Thấp này, đất nước tạm dung nhưng nay đã là quê hương thứ hai của Chương & Trúc, Chương sẽ còn được đón tiếp các bạn cũ đến thăm nhiều lần và nhiều lần nữa.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018