SỐ 80 - THÁNG 10 NĂM 2018

 


Tâm tình giữa Hai Trầu và nhà văn Vũ Thất, tác giả truyện dài “Đời Thuỷ Thủ”

Hai Trầu Lương Thư Trung

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fvuthat.files.wordpress.com%2F2011%2F07%2Fvuthat.jpg%3Fw%3D630&t=1538668218&ymreqid=b1754692-457b-fc8a-1ce9-7f0013018e00&sig=gtxXIA6bfDsIFSYs5thmRg--~C

Hai Trầu (HT):
Chào anh Vũ Thất,
Hôm nay vào Thất Sơn Châu Đốc đọc lại Đường Đến Hoàng Sa, đăng ngày 07 tháng 6 năm 2005,  trích trong Đời Thủy Thủ của anh, xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn, hy vọng anh có thể kể cho nghe một chút về  sự chào đời của quyển sách này, thưa anh! 

Vũ Thất (VT): 
Chào anh Hai Trầu,
Hân hạnh được anh chiếu cố đọc Đường Đến Hoàng Sa và quan tâm về sự chào đời của quyển Đời Thủy Thủ. Đó là một cơ duyên may mắn anh ạ! Sự việc đã được tôi nhắc đến trong bài Hoa Biển Anh Thy. Mời anh đọc trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com). 

HT:
– Theo sự chỉ dẫn của anh, tôi đã tìm đọc Hoa Biển Anh Thy và được biết sự có mặt của Đời Thủy Thủ là do một lời nói khích của ông Thiên Tứ, như anh kể trong bài viết:

“Ngoài Anh Thy, Mặc Thế Nhân và Nguyễn Vũ cũng thỉnh thoảng tặng tôi các bản nhạc và các dĩa hát mang giọng ca Lệ Thu, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền… Tôi cứ áy náy nghĩ đến chuyện phải tặng lại cái gì. Thời may bỗng tới. Buổi chiều đang đọc văn thư, tôi bất ngờ nhận điện thoại từ nhà văn Huỳnh Văn Phú. Chúng tôi mất liên lạc nhau từ sau trung học. Anh đang làm trưởng phòng Tâm lý chiến Bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC đồn trú cách chỗ tôi làm vài khu phố. Anh rủ đi nhậu ở một quán bên lề đường Phạm Ngũ Lão, tình cờ tôi ngồi cạnh nhà xuất bản Thiên Tứ. Ông Thiên Tứ thấy tôi mang hia đội mão hải quân nên trêu chọc: “ Binh chủng nào cũng có truyện viết về binh chủng của họ như Đời Phi Công, Đời Pháo Thủ…, chắc Hải quân có người nhái nên lặn kỹ quá”! Tôi khích lại: “Nếu ông in thì tôi viết.” Ông Thiên Tứ tỉnh queo: “Nếu anh dám viết thì tôi dám in”. “Thật không”? “Sao không thật? Chỉ với một điều kiện: cái tựa phải là Đời Thủy Thủ”.

Tôi thấy cũng dễ… ăn tiền. Cứ dựa vào bốn năm đi tàu từ ngày ra trường, rồi thêm mắm thêm muối là thành truyện dài thỏa mãn điều kiện. Hăng hái, tôi miệt mài viết ba tháng liền nhưng vì ướt át quá nên trở ngại…. phối hợp nghệ thuật. Mãi đến giữa năm 1969 tôi mới có sách để “đáp lễ” các nhạc sĩ của tôi. Khi đọc dòng đề tặng Mến tặng nhạc sĩ Anh Thi, anh gãi đầu xin sửa thành Thy. Vài hôm sau, Anh Thy chê: “ Truyện viết về sĩ quan mà lại lấy cái tựa Đời Thủy Thủ. Tôi bào chữa: “Thì quan đi tàu cũng là…thủy thủ”! “(Trích 
Hoa Biển Anh Thy)

Nhưng nếu không có bốn năm hải hành và nếu không có những ngày đầu vui thú với văn chương, chắc là sẽ không có Đời Thuỷ Thủ. Vậy anh theo binh nghiệp hải quân từ năm nào và anh khởi viết từ năm nào, thưa anh ?

VT:
– Tôi vừa đọc bài anh phỏng vấn nhà văn Hoài Ziang Duy trên Da Màu. Giờ thì rõ ràng anh đang phỏng vấn tôi. Đây là việc tôi đã luôn luôn né tránh. Nhưng lần nầy đành chịu thua cái thân tình có chút dây mơ rễ má với anh. Chỉ mong anh đặt câu hỏi không khó.

Thời trung học, tôi có làm thơ đăng lai rai với bút hiệu Cung Hoàng. Năm 61 vào Hải quân, 63 ra trường. Thường gửi đăng thơ và truyện ngắn trên Nguyệt san Lướt Sóng Hải Quân. Đôi khi có gửi bài đến các tạp chí khác khi bạn bè giới thiệu. Nếu không được về làm việc ở Bộ Tư Lênh Hải Quân Phòng Tâm Lý Chiến năm 1967, chắc chắn là tôi không có cơ hội viết 3 truyện dài…

HT:
– Thực tình ra thì tôi chỉ muốn đặt vài câu hỏi để tìm hiểu về một khoảng đời văn nghệ của anh. Ngay như tôi, có vài lần được vài người muốn hỏi mình, tôi cũng rất ngại . Vì như anh biết tôi là một người ham vui với ruộng vườn, giăng câu, giăng lưới, bắt ốc hái rau có gì đáng để nói với các bậc uyên thâm . Nhưng với anh lại khác. Trước nhất anh là một người rất thương con kinh Vĩnh An Hà (Tân Châu), còn tôi lại mê kinh xáng Bốn Tổng (Núi Sập) với những cánh đồng lúa mùa một thời ; dù hai dòng nước có khác, ở hai nơi chốn có khác nhưng lại chung một dòng sông nước ngọt Cửu Long. Thành ra, được tâm sự cùng anh cũng để thấy ấm lòng chút nào ! Lâu quá, anh có về thăm lại kinh Vĩnh An Hà không, thưa anh? Giờ nghe nói, vàm kinh Vĩnh An Hà đã bị lấp một đoạn dài, nhưng có lẽ những nhân tài của Tân Châu ngày trước vẫn còn lưu danh trong sách vở. Anh có thể nào ghi lại vài nhân vật tiếng tăm một thời làm nên cái nền văn học rất đặc thù Tân Châu xưa không anh ?

VT:
– Anh quá khiêm tốn đấy thôi, chớ đọc xong 3 tập truyện của anh: Bến Bờ Còn Lại (2000), Tình Thầy Trò (2005), Lá Thư Từ Kinh Xáng (2005), tôi phục anh quá. Anh không chỉ đọc cả vạn sách báo mà còn “lê bước” khắp miền Tây lẫn miền Đông. Không kể kiến thức quảng bác, nói riêng một phần, anh là cuốn tự điển về miền quê lục tỉnh. Dù rằng anh sinh trưởng ở Long Xuyên, nhưng vì anh có thời “ở rể” tại Tân Châu nên xem như anh nằm trong danh sách nhân tài của Tân Châu!

Trong quyển Lục Châu Học của giáo sư Nguyễn Văn Trung – sách nghiên cứu văn học và con người miền đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nai – phần Phụ Lục liệt kê tiểu sử và sự nghiệp các danh nhân, có ghi đầy đủ tiểu sử và sự nghiệp của nhà văn tiền phong của miền Nam là Nguyễn Chánh Sắt. Ông sinh năm 1869, mất năm 1947, để lại một di sản văn hóa bằng chữ Việt vô cùng phong phú vào thời còn thực dân Tây: 9 quyển tiểu thuyết sáng tác đủ loại, 5 bộ sách dịch mà người miền Nam ai cũng đọc mê say như Tam Quốc Chí, Tống Nhạc Phi….

Anh biết ông sinh ra đời ở đâu không? Ở kinh Vĩnh An Hà, làng Long Phú, quận Tân Châu. Cách nhà ba tôi chưa đầy một cây số. Còn ở quyển Tân Châu Xưa của hai tác giả Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh thì ngoài ông Nguyễn Chánh Sắt, còn ghi nhiều nhân tài khác đủ các bộ môn. Như thơ có thi sĩ Lê Văn Tất, tranh có họa sĩ Lê Trung, cải lương có soạn giả Thái Thụy Phong .… Thành ra trong thâm tâm, tôi rất hãnh diện mình là dân Tân Châu.
Thế hệ sau, tôi chỉ được biết vài nhà thơ như Ngân Vũ (cựu hiệu trưởng trường tiểu học), Mạc Quan Huyền (thầy giáo) và Ngy Do Thái (tức Nguyễn Hải Thệ) mà anh có giới thiệu. Sau 75 thì tôi đọc thấy nhiều nhà văn góp mặt trên trang nhà Tân Châu Xứ Lụa nhưng chưa thấy ai có phẩm chất nổi bậc…..

HT:
– Rất cảm ơn anh Vũ Thất đã khen. Thật ra, người nhà quê có cái dở là họ biết nhiều, cơ cực nhiều, từng trải nhiều và kinh nghiệm trong nghề làm ruộng cũng nhiều nhưng họ không biết ghi chép lại anh à ! Thành ra, qua sáu bảy mươi năm mình biết về đời sống nơi miền quê ấy có những điều rất bình thường nhưng lâu dần rồi nó sẽ trôi qua, và thế hệ chính mình nhiều lúc còn quên vì tuổi đời chồng chất, nói gì thế hệ mới sau này. Nghĩ thế nên tôi mới ngồi lấy giấy viết ra chép lại những năm tháng qua rồi như một thú vui.

Giờ xin trở lại câu trả lời của anh về văn học Tân Châu. Sau 1975, theo tôi, có một người vừa am tường sách vở đời trước, vừa có một văn phong cởi mở mà vô cùng nhân hậu. Đó là Thái Lý. Tuổi trẻ mà như Thái Lý, tôi nghĩ thiệt là quý.

Nhắc những năm anh theo học trường Hải Quân tại Nha Trang 1961-1963, lúc bấy giờ tôi còn học lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên); nhưng sau này tôi có ra Nha Trang và những hàng dương dọc theo bãi cát trắng mịn của bãi biển Nha Trang chắc anh và tôi cùng nhớ tuổi trẻ một thời. Những chiều biển êm, những trưa gió mát và những ngày mưa dông, tất thảy cảnh vật Nha Trang làm đầy nỗi nhớ khi tôi và anh có lúc mình chợt nghĩ về ! Phải thế không thưa anh ?

Thưa anh Vũ Thất, hồi ấy, với ba tác phẩm của anh là Đời Thuỷ Thủ (1969) , Trong Cơn Bão Biển (1970), Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh (1975) do nhà Thiên Tứ xuất bản như vậy mình có tiền bản quyền nhiều không anh? Chắc nhận được tiền bản quyền chắc là vui lắm, phải không anh?

VT:
– Tôi đồng ý với nhận định của anh về cây viết Thái Lý nhưng thấy hãy còn quá sớm. Hơn nữa Thái Lý lại là cháu tôi nên có phần không tiện nêu tên.

Về tiền bản quyền, Tôi còn nhớ là … hạnh phúc lắm nhưng không hạnh phúc bằng khi thấy sách được nằm trình làng ở các nhà sách. Thật khó diễn tả cái cảm giác của ngày xa xưa đó nhưng quả là nó chưa hề có. Chính cái cảm giác đó đã thúc đẩy tôi viết ngay quyển thứ nhì. Quyển này chỉ nửa năm sau là phát hành.

Quyển đầu tiên ông Thiên Tứ trả tôi 15 ngàn, gần bằng tháng lương trung úy của tôi. Trả trước 5 ngàn khi tôi đưa bản thảo. Sách đang in, trả thêm phần còn lại. Lúc đó còn độc thân nên chỉ nhậu vài ngày là hết. Quyển thứ hai, được trả 20 ngàn. Quyển thứ ba tăng lên 25 ngàn. Ông Thiên Tứ hứa sẽ trả tôi từ quyển thứ tư mà tôi đã có cái tựa sẵn là Đời Hạm Trưởng bằng với các tác giả nổi tiếng đương thời là Nguyên Vũ và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi nghe vậy thấy khoái lắm dù ông không nói là bao nhiêu. Thế rồi chưa kip viết thì… mất nước! Qua Mỹ, tôi vẫn khao khát muốn viết quyển này nhưng cuộc sống mới lại sinh ra nhiều việc khác cần làm hơn.

HT:
– Nghe anh kể, tôi chỉ mường tượng niềm hạnh phúc của anh với ba tác phẩm được nhà xuất bản ThiênTứ ưu ái như vậy thấy mà mê. Nhưng như tôi có nhắc ở lá thư trước là nhờ những năm hải hành và nhờ thiên phú viết văn nên anh mới viết được ba cuốn sách vào những năm mà văn chương Miền Nam thời ấy không phải ai cũng làm nên tác phẩm một cách dễ dàng . Hồi thời đó, ai có đăng bài trên các tạp chí như Văn, Bách Khoa … là đều được trả tiền nhuận bút và văn của họ hay thiệt. Ngày nay, anh có nghĩ hai chữ “nhà văn” bị dùng hơi nhiều lúc quá dễ dãi chăng? Theo anh, thời kỳ 1960-1975, ở Miền Nam khi gọi ai là văn sĩ, thi sĩthường thường người ta dựa vào những tiêu chuẩn nào thưa anh ?

VT:
– Theo tôi thì thời nào cũng vậy, bất kỳ ai tạo dựng nên một tác phẩm, dù sáng tác do cảm hứng hay do… chỉ đạo, dù chưa được xuất bản, cũng đương nhiên thành nhà văn rồi. Khi tác phẩm phổ biến thì cái danh hiệu đó chỉ được thêm độc giả xác nhận mà thôi. Còn phẩm chất của nhà văn (văn sĩ/thi sĩ) thì tùy mức độ giá trị văn chương của tác phẩm đó.

Nói riêng trường hợp … nhà văn Vũ Thất thì phẩm chất đương sự rất mù mờ, thậm chí lại còn tùy thuộc vào … phẩm chất của người đọc. Sau khi quyển Đời Thủy Thủ ra mắt, đài phát thanh Quân Đội sốt sắng giới thiệu, không khen cũng không chê và trích đọc một đoạn – đoạn Đường Đến Hoàng Sa. Nhà phê bình Uyên Thao viết một bài điểm sách khá dài, chê có, khen có. Nhà văn Viên Linh thì viết một bài Tổng kết văn học năm 1969 đăng trên tờ Khởi Hành, trong đó chê bai rậm rề các tác phẩm viết về lính khiến nhà văn Phan Nhật Nam tạc zăng nổi giận, bày tỏ sự phẫn nộ bằng lời lẽ hết sức mạnh bạo trong phần mở đầu quyển Dọc Đường Số 1 xuất bản mấy tháng sau đó:”Ông ta làm binh nhì bàn giấy nên có thì giờ la cà đến các phòng trà… Thế nên sống như thế thì viết về lính và chiến tranh thế nào được? Vậy nếu viết không được thì để người khác viết, anh lại ra cái điều trịch thượng chê bút ký của Phan Lạc Tiếp và Vũ Thất. Tiên sư cái nhà anh, anh chưa đi được nửa thước nước biển thì làm sao anh hiểu được cái cao cả, cô đơn của người lính thủy- đêm khuya đứng ở boong nhìn xuống một mặt biển chuyển động….”

HT:
Qua lời nhận xét của nhà văn Phan Nhật Nam, tôi nghĩ cũng có lý. Lấy kinh nghiệm bản thân, tôi thấy một người chưa bao giờ làm ruộng, chưa bao giờ giăng lưới, giăng câu làm sao hiểu nổi nỗi lòng của những người làm ruộng, giăng câu, giăng lưới. Người ta chỉ biết gạo ngon,gạo dở, và chỉ biết cá lớn,cá nhỏ nào mấy ai hiểu nổi những lúc đoạn trường, nghèo túng, lo âu, thắt ngặt của họ nơi những cánh đồng quê mùa lung vũng ấy. Thành ra, chưa nói chuyện hay hoặc dở, chỉ nội cái việc anh có tích lũy được những chất liệu quý báu về một đề tài không thôi là tôi cũng đã thấy tác phẩm của anh nó trù phú biết dường nào!

Thưa anh, anh có cho biết :”Ông Thiên Tứ hứa sẽ trả tôi bản quyền từ quyển thứ tư mà tôi đã có cái tựa sẵn là Đời Hạm Trưởng bằng với các tác giả nổi tiếng đương thời … Thế rồi chưa kip viết thì… mất nước! Qua Mỹ, tôi vẫn khao khát muốn viết quyển này nhưng cuộc sống lại sinh ra nhiều việc khác cần làm hơn.”
Như vậy thời gian mà anh cần làm những việc lúc mới qua Mỹ, nay cũng đã lâu rồi, vậy anh có còn “khao khát viết quyển này” như trước nữa không anh ?

VT:
– Trước khi trả lời, xin anh cho tôi cà kê một chút. Trong quyển Đời Thủy Thủ, tôi không giới thiệu tý gì về thân thế của nhân vật vai chính là vì muốn dành cho quyển Đời Hạm Trưởng. Năm 71, tôi được chỉ định làm hạm trưởng, là dịp may để trải nghiệm những gì mình dự trù sẽ diễn đạt. Nhưng lúc đó, trớ trêu thay, tôi lại đang viết Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh. Vì bận hành quân liên miên nên cuối năm 73 mới nộp sách cho sở Phối Hợp Nghệ Thuật. Sau đó bắt đầu phát thảo dàn bài Đời Hạm Trưởng. Đến đầu năm 74, biến cố Hoàng Sa khiến tôi thay đổi nội dung truyện này. Thay vì kể tiếp chuyện của nhân vật chính ở Đời Thủy Thủ bây giờ đã lên chỉ huy tàu, tôi sẽ mô tả trận chiến Hoàng Sa với bốn ông hạm trưởng tham dự và một vị chỉ huy hành quân từng là hạm trưởng của nhiều loại chiến ham. Trận chiến Hoàng Sa sẽ được diễn tả lại theo đúng biến cố lịch sử nhưng tình tiết và nhân vật –trong đó có nhân vật của Đời Thủy Thủ– thì hư cấu. Để theo sát biến cố, tôi thu thập các bài viết trên sách báo liên quan đến trận Hoàng Sa. Tiếc là sau tháng 4/75, tôi vô tù cộng sản, hồ sơ bị hỏa thiêu. Mười năm sau qua Mỹ, tôi thu thập lại.  Khi rảnh, đọc tài liệu, nhìn dàn bài, hứng chỗ nào viết chỗ nấy. Tôi đã viết lai rai như vậy suốt 25 năm qua và xem ra còn cần đến 25 năm nữa mới hoàn tất. Nói đùa thôi chớ được anh … hỏi han thế này, lại gặp lúc về hưu, thế nào tôi cũng có hứng viết nhanh hơn. 

HT:
– Rất cảm ơn anh đã chia sẻ về diễn tiến hình thành các tác phẩm của anh và rất mong anh sớm hoàn tất cuốn sách thứ tư này để bạn đọc có dịp được đọc văn của một tác giả thành công ngay từ tác phẩm đầu tay: Đời Thuỷ Thủ.

Theo tôi thấy, trong văn giới thường thường tác phẩm đầu tay đều rất hay và chính đứa con đầu lòng ấy làm nên tên tuổi nhiều tác giả thành danh sau này. Qua tuổi đời từng trải như anh, qua kinh nghiệm viết sách trên bốn  mươi năm và qua gần cả đời đọc sách, anh có thể nào cho biết sự thành công của phần lớn các cuốn sách đầu tay ấy là nhờ vào đâu, thưa anh ?

VT:
– Thưa anh, câu hỏi này… khó trả lời vì mỗi nhà văn đều có tài năng riêng, kinh nghiệm riêng, kiến thức riêng, động lực thúc đẩy riêng… Tôi chỉ có thể nói về … đứa con đầu lòng của tôi mà thôi. Như anh biết, được lời hứa của nhà xuất bản Thiên Tứ, tôi xông xáo viết ngay, nhớ gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy, hoàn toàn chưa được trang bị một tý gì về nghệ thuật tiểu thuyết, nghệ thuật viết hồi ký. Chừng đọc bài phê bình của nhà văn Uyên Thao, mới tự trách mình quá liều. Ông Uyên Thao bảo tôi viết không đều tay, có đoạn chê tôi viết như văn học trò, có đoạn khen viết rất được. Cuối cùng ông bày tỏ tin tưởng ngòi bút của tôi nếu chịu khó tôi luyện sẽ thành công. Thế là tôi hăng hái ra Khai Trí thu tóm hết các sách dạy viết văn. Tôi nhớ là đã …tôi luyện nhiều lần bộ Luyện Văn của Nguyễn Hiến Lê và quyển Viết và Đọc Tiểu Thuyết của Nhất Linh. Sau khi qua Mỹ, đọc thêm các sách bàn về văn học hiện đại và hậu hiện đại, các sách best sellers của các tác giả ở hải ngoại, kể cả  các tác giả gốc Việt, tôi đâm ra… sợ viết. Bởi vì nội dung của những quyển này cũng đều chứa đựng những kiến thức thâm sâu, ý tưởng hiện đại và được diễn đạt bằng một văn phong mới lạ, cá biệt…. Càng đọc thì càng muốn đọc thêm và lại càng e ngại cầm bút. Nói như vậy để trả lời câu hỏi của anh là quyển Đời Thủy Thủ của tôi trước đây sở dĩ được độc giả … vui vẻ tiếp nhận hẳn nhờ nó là quyển sách duy nhất đề cập đến hoạt động và đời sống của Hải Quân miền Nam lúc đó (1969). Thời gian ngắn sau, có thêm hai nhà văn Hải quân lần lượt cho ra mắt tác phẩm đầu tay của mình: Phan Lạc Tiếp với bút ký Bờ Sông Lá Mục và Võ Hà Anh với tập truyện Dễ Thương. 

HT:
– Còn Chiều Trên Kinh Vĩnh Tế trên trang Thatsonchaudoc.com (tháng 15-4-2005), anh viết vào năm nào và có bao nhiêu phần trăm là thật và bao nhiêu phần trăm là thêm mắm dặm muối, thưa anh ?

VT:
– Tương tự như Đường Đến Hoàng Sa trích từ Đời Thủy ThủChiều Trên Kinh Vĩnh Tế trích từ quyển truyện dài Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh. Sau nhân vật chánh của Đời Thủy Thủ là một Thiếu úy xưng Tôi, để luyện ngòi bút, tôi cho nhân vật chánh của quyển Trong Cơn Bão Biển là một nữ sinh viên, cũng dùng ngôi thứ nhất kể chuyện. Đến quyển Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh, tôi đóng vai quan sát viên và thuật lại đời sống của một thủy thủ đoàn bốn người trên một giang đỉnh hoạt động tuần tiễu, phục kích và yểm trợ hành quân trong sông.  Cả ba truyện đều dựa vào những sự việc có thật. Còn tình tiết, thì như tôi đã trình bày, cả ba đều được chế thêm ít mắm, dặm thêm ít muối, cho khỏi…một ngày như mọi ngày! Trên thực tế, cả 3 quyển truyện đều không ghi thể loại…. 

Nhân nhắc đến các quyển sách trên, xin kể vài sự việc có liên quan sau khi tôi qua Mỹ. Ngay ngày đầu gặp lại nhau sau gần 10 năm xa cách, bà xã tôi khoe rằng quyển Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh được nhà xuất bản Xuân Thu cho in lại và đang bày bán ở các hiệu sách. Bà xã tôi có mua một quyển. Tôi dựa vào địa chỉ của nhà xuất bản ghi trịnh trọng ở trang đầu viết thơ than thở là mới vượt biên qua Mỹ, xin giúp đỡ tiền bản quyền. Chờ ba tháng không thấy trả lời mà thư cũng không bị trả lại, tôi viết lá thư thứ hai. Cũng vậy, sau ba tháng, tôi lại viết lá thư thứ ba. Đến nay đã 25 năm rồi mà vẫn chưa thấy hồi âm.

Còn quyển Đời Thủy Thủ, nhân dịp về VN khoảng 15 năm trước, nhà văn Hà Kỳ Lam mua được ở chợ trời Sài Gòn mang “về” tặng tôi với lời khuyến khích tôi tái bản. Nhà văn Trần Hoài Thư cũng khuyến khích bằng cách giúp copy quyển Trong Cơn Bão Biển được lưu giữ trong thư viện đại học Cornell và Thư Ấn Quán hứa giúp in ấn, phát hành. Phần việc của tôi là đọc lại, tu chính và đánh máy mà đến nay … chưa đi đến đâu!

HT:
– Qua bài Hoa Biển Anh Thy, được biết Anh Thy mượn cái tựa bài thơ Hoa Biển của anh đặt tựa cho bản nhạc của Anh Thy, vậy nguyên văn bài thơ Hoa Biển của anh có giống lời trong bản nhạc Hoa Biển của Anh Thy không thưa anh? Và nếu có thể được, xin anh chép lại nguyên văn bài thơ ấy luôn thể.
Ngoài ra, được biết từ lúc nhỏ anh lớn lên ở Tân Châu bên bờ con kinh Vĩnh An Hà. Có thể nào xin anh vui lòng kể cho nghe những ngày thơ ấu ấy và những kỷ niệm về một con kinh có một thời cá tôm đặc nước mà nay bị cạn dần chăng ? 

VT:
– Thưa anh, nội dung bài thơ và nội dung bài ca hoàn toàn đối nghịch. Lời bài thơ thì toàn đắng cay phiền trách, lời bài ca thì đầy thương yêu, dỗi hờn. Hồi còn đi học, tôi chọn ban toán nhưng lại thích làm thơ học trò. Khi vào hải nghiệp, tôi làm thơ yêu biển. Khoảng 3, 4 chục bài thơ được chép thành một tập lấy tên Người Yêu Thủy Thủ và chỉ để những… người yêu thủy thủ đọc chơi thôi. Sau “giải phóng” tập thơ cùng hàng trăm quyển sách khác cũng bị giải phóng. Những bài thơ đó cách đây trên dưới 40 năm, xưa vốn đã có chất… tiền chiến, giờ càng cổ lỗ sĩ. Nhưng anh đã yêu cầu thì tôi cũng ráng nhớ lại và không nhớ hết:

HOA BIỂN

Em ơi! Sóng nước cuồng say mộng
Mang dáng em về ngập biển trăng
Chợt thấy đời anh là chiến hạm
Đêm buồn lặng lẽ với sao băng
Ngọn hải đăng nào lây lất xa,
Chìm cô đơn cuối dãy Ngân Hà
Hải trình ai vẻ đường thương nhớ
Em nhớ đâu mà anh thiết tha!
Còn có gì nên nói nữa không?
Biển xanh, bọt trắng với mây hồng,
Hải âu, hoang đảo bao lần kể
Chả lẽ bây giờ nói… ước mong!
Áo trắng em may hoa bọt biển,
Còn đêm nay nửa, sáng xong rồi
Áo trắng anh mang cho trọn kiếp
Còn em một buổi để rồi thôi!
Rồi thôi hồ hải dài năm tháng
Chiến hạm về đâu, chẳng đổi đường
Ngọn hải đăng nào nay đã tắt
Trăng buồn như nhuốm chút tang thương!
Hoa biển vương đầy thân chiến hạm,
Người yêu thủy thủ đã xa rồi
Nghe như cay xót lời chung thủy
Ai chết đâu mà sao đổi ngôi!

Nhân ráng nhớ lại bài thơ này, tôi lan man tới một bài khác. Bài Mưa Biển. Bài này được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân phổ thành nhạc và ca sĩ Lệ Thu hát. Bài ca được phát thanh trên đài Sài Gòn một thời gian ngắn rồi … im luôn. Còn nhớ mấy câu: “Sài Gòn chiều nay trời mưa không em. Tàu anh chiều mưa tương tư đang tìm. Những phút giây này em chờ ai nhỉ. Anh đứng trên tàu nhìn mưa buồn thêm. Sài Gòn chiều nay trời mưa không em. Về đâu về đâu dăm ba con thuyền. Mưa biển nghiêng nghiêng xui thuyền thương gió. Anh thương mưa chiều hay anh thương em.”

Riêng câu anh hỏi về kỷ niệm với con kinh Vĩnh An Hà khiến tôi nhớ là chưa trả lời câu hỏi khác: Tôi đã có dịp về xứ thăm lại con kinh này chưa? Thưa anh, năm 2005, tôi đã về Tân Châu thăm người chị bị bệnh nặng và đã có dịp nhìn lại con kinh nhiều kỷ niệm thuở ấu thời. Con kinh bắt đầu từ sông Tiền, chảy ngang qua phố chợ Tân Châu, chạy thẳng tắp 17 cây số trổ ra sông Hậu, hướng vào thị xã Châu Đốc. Đất của con kinh được đấp cao hai bên bờ làm thành 2 con lộ. Năm 1983, khi trở về từ ngục tù, cả hai bên lộ đều còn nhiều khoảng trống trông ra ruộng lúa mênh mông. Đến năm 2005 thì cửa nhà san sát. Con kinh đã cạn đi mà vẫn nhận mọi chất thải từ số lượng người tăng lên gấp đôi. Tôi thấy tội nghiệp cho người dân quá đổi. Một năm trước đây, khi nghe tin con kinh đã bị lấp thành bình địa vào sâu đến vài cây số, biến thành kinh không đầu, tôi nghe mà rưng nước mắt. Đến khi đọc bài Tâm Sự Một Dòng Kinh của Thái Lý nước mắt tôi tuôn thành dòng…

Kỷ niệm đẹp nhất với con kinh là cái tên nghề nghiệp của ba tôi. Ông lên Sài Gòn học nghề Đông y 5, 6 năm rồi trở về quê, chọn tên con kinh ngay trước nhà làm tên hành nghề. Ông mở nhà thuốc Võ An Hà và từ đó người dân gọi ông là thầy Sáu Hà. Thời còn tiểu học, sau giờ tan học là lũ chúng tôi túa ra tắm ở đầu con kinh có bãi cát lài trắng mịn. Thời đó mẹ tôi đã mất nên tôi tự do tắm cho đến khi ba tôi coi mạch xong đến chở tôi về bằng xe đạp. Tôi thích ngồi trên đòn xe, tay nắm ghi đông làm bộ lắc qua lắc lại mà khoái chí lắm. Ba tôi mất khi tôi đang ở tù trong rừng Yên Bái. Có lần tắm chung với người anh, anh mượn được chiếc ghe chở tôi ra chỗ sâu rủ nhau lặn xem ai lặn lâu. Đến lượt tôi, tôi giữ đứng yên tận đáy sông cho đến gần đứt hơi mới co chân đạp mạnh vọt lên. Chẳng may đỉnh đầu trúng ngay lườn ghe. Vừa đau vừa quýnh quáng, tôi bị chìm dần. May ông anh nhảy xuống lôi lên kịp.  

HT:
Bài thơ Hoa Biển vừa lãng mạn vừa thiết tha dù có trách móc nhẹ nhàng. Một bài thơ cảm động như thế chắc gì ai ai cũng biết nếu anh không chép lại. Rất cảm ơn anh đã chép lại bài thơ này.

Về con kinh Vĩnh An Hà, nhớ có lần tôi từ Kinh Xáng Bốn Tổng (Long Xuyên) lên thăm quê vợ Tân Châu, khi về , tôi có viết mấy hàng chia sẻ cùng con kinh Vĩnh An Hà khi đọc bài của Thái Lý như anh vừa nhắc . Mỗi lần nhớ con kinh Vĩnh An Hà là tôi nhớ lúc về Tân Châu nhằm tháng nước lên vào tháng 9, tháng 10. Tháng 11 là mùa cá ra sông và dưới dòng kinh cá ôi thôi là cá. Dịp này, xin gởi anh tấm hình chụp vàm kinh Vĩnh An Hà vào mùa nước tháng 9, năm 2005 như một hoài niệm về một vàm kinh nay đã bị lấp bằng.

vàm kinh
Vàm kinh Vĩnh An Hà (Tân Châu- An Giang) (Hình do Hai Trầu chụp vào mùa nước tháng 9-2005)

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ những ngày tuổi trẻ anh đã viết “Đời Thuỷ Thủ” và bài thơ “Hoa Biển”; nếu như không có dịp tâm tình cùng anh thì tôi nghĩ mai này khó có ai biết một cách cặn kẽ về các món quà văn nghệ mà anh đã mang tặng cho đời vào những năm 1969-1975 ấy.

VT:
– Rất cảm ơn anh đã cho tôi có dịp sống lại thời hoa mộng.

ngày 6/12/2010
nguồn: http://damau.org/archives/17433

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018