SỐ 80 - THÁNG 10 NĂM 2018

 

Thương Mấy Cho Vừa

Ngược đường Nguyễn Du lần đến nhà thờ Đức Bà dừng chân góc Tự Do tôi phân vân nhìn dòng xe cộ tuôn như thác chảy, ngập ngừng dò từng bước chân cuối cùng tôi mới sang được bên kia đường. Ở đây từng nhóm du khách ngoại quốc người nào cũng cầm trên tay chiếc máy chụp ảnh, tệ nhất là chiếc iphone chĩa ống kính về hướng tháp chuông nhà thờ bấm lia lịa. Bên hông là tòa nhà bưu điện có kiến trúc cổ kính ngày xưa với chiếc đồng hồ tròn trước mặt tiền vẫn “được” giữ lại như cũ. Nghe đâu có một dạo, nhà cầm quyền đẩy mạnh phong trào đổi mới cho hợp trào lưu văn minh đô thị theo vĩ mô, nó được thay bằng tấm bảng đồng hồ điện tử hình chữ nhật chớp tắt những con số chỉ giờ. Tiếc thay việc đổi mới tư duy này bị chết yểu vì mọi người chỉ trích dữ quá, thậm chí có người phê bình rằng “mang cái đồng hồ này quàng vào mặt tiền nhà bưu điện giống như bà đầm già Tây phương muốn thể hiện tinh thần ‘giao lưu’ văn hóa Á đông bằng cách mặc áo dài cổ truyền Việt Nam nhưng ác thay lại không mặc quần”. Sau đấy có ai đó ra chỉ thị sửa sai bằng cách mang cái đồng hồ cũ lắp lại như trước kia. Cũng may nó chưa kịp được di chuyển “chiến lợi phẩm” ra ngoài Bắc như những thứ khác. Người Saigon chính gốc thở phào nhẹ nhõm “hú vía”. ‘Ta vẫn còn đây với miếu đền!’ Câu thơ của một nhà thơ tôi quên mất tên.

Không chọn ngồi quán café đắt tiền trước mái hiên tòa nhà cao tầng nhìn ra ngã ba đường đối diện nhà thờ Đức Bà, tôi cũng theo thời thế bắt chước đám trẻ mới lớn ngồi “cà phê bệt” ở vỉa hè; chỉ cần một miếng giấy bìa làm ghế ngồi “chèm bẹp” duỗi chân với đủ tư thế trước mặt ly nước bằng nhựa đặt trên đất, khiến những ai đi ngang qua nhìn thấy đều có cùng hoài niệm cảm nhận đang trở lại đời sống “một thời rừng rú” sau ngày mất nước. Ngồi trên lề đường dưới gốc cây sao cổ thụ to nhất thả hồn theo những cơn gió chiều chưa sẫm màu, ngắm những chiếc hoa sao hồn nhiên vô tình rập rình bay lượn chung quanh trong không gian như những đàn bướm. Cánh hoa nhỏ nhắn nhẹ nhàng xoay tròn, có hoa chưa cam tâm rơi xuống như chúng bạn mà nương theo gió bay tít lên không trung sang bên kia vỉa hè để rồi rơi xuống vương vào mái tóc mềm, quyện trên tà áo trắng của đám nữ sinh tình cờ đạp xe ngang qua. Bỗng dưng thấy hình ảnh mình ngày xưa dường như thể hiện trước mắt, cũng với chiếc áo dài trắng chậm rãi nắm tay đi bên cạnh người yêu, xòe tay đón bắt những cánh hoa và nhìn nhau cùng cười vui khi trao cho người kia cánh hoa sao nhỏ bé với chút tình ngây thơ.

oOo

Những con đường, ôi những con đường cũ
Chiều phế hưng nằm ngủ dưới thời gian.
- Tạ Tỵ

… Có thể gọi tôi là “người Saigon” theo như danh xưng của một status người ta viết trên facebook. Tôi nói thế vì vào những năm tháng bắt đầu hiểu biết cảnh vật chung quanh là gia đình tôi đã sống ở Saigon, mà lại ngay trung tâm đô thành vì ba tôi làm việc nơi này. Thời ấy, những dinh thự nhà nước đa số tập trung nằm gần Dinh Độc Lập. Những cây me, con đường, góc phố chung quanh ở đây đều in dấu chân tôi. Thuộc làu quang cảnh những con đường tôi đi qua, nhớ tên từng bảng hiệu ngay từ khi biết đọc, biết viết. Đường Công Lý có Tòa Thượng Thẩm. Đường Gia Long có nhiều văn phòng luật sư, đối diện là những cửa tiệm chuyên bán áo len của những người Hà Nội di cư vào miền Nam năm 1954. Đường Lê Thánh Tôn dẫn đến chợ mới Saigon với những tiệm bán tơ lụa của mấy anh Bảy Chà người Ấn, kế tiếp đối diện cửa Bắc chợ, góc Thủ Khoa Huân là dãy tiệm chuyên bán nữ trang vàng bạc sáng chóe ánh đèn. Đường Nguyễn Trung Trực dẫn ra Lê Lợi ngang Tạ Thu Thâu có nhà hàng Thanh Thế, tiệm bánh mì Bonard tôi hay đi mua vào sáng sớm mang về cho má làm bữa điểm tâm. Những buổi trưa trốn ngủ đi cùng lũ trẻ trong cư xá lượm me tận góc đường trước nhà thờ Đức Bà, trong khi những đứa khác tranh nhau nhặt me rơi khi cơn gió thổi qua, chỉ một mình tôi hóng đôi mắt say mê nhìn đám hoa sao bay tung tóe trên bầu trời, chạy theo bụm tay hứng từng cánh hoa biến vạt áo không chỉ còn đơn thuần ôm ấp những trái me khô.

Những chiều cuối tuần được ba má dẫn đi chơi mát ở “bến tàu”, xem người ta chơi “gôn” thích thú nhìn trái banh nhỏ được lùa vào chiếc đường mương và xuất hiện ở một cái rãnh khác. Những ông Tây, bà Đầm vào ra trên chiếc cầu nhỏ nối liền bờ với nhà hàng nổi Mỹ Cảnh. Nằm kế cận cột cờ Thủ Ngữ là bến thuyền nơi xuất phát những chiếc “ca nô” kéo theo một người chơi trượt nước chạy dọc theo sông. Ở đây chiếc cầu tuột đầu tiên tôi nhớ mãi lần đầu một mình dám leo lên và buông tay rơi vèo xuống với tiếng cổ võ của ba má tôi.

Chơi chán tôi lại đứng cạnh hàng rào say mê nhìn những chiến hạm thả neo tít đầu đàng kia. Vài lần may mắn tôi được chứng kiến một chiếc đang chạy trên sông, dài theo mạn tàu là hàng dọc binh sĩ đứng dàn chào với những bộ quần áo trắng tinh. Hồi ấy có người hỏi tôi lớn lên thích gì tôi đã trả lời :

“Con thích làm lính thủy”.
 “Không ai cho con gái làm lính thủy”.
“Vậy mai mốt lấy chồng con sẽ lấy lính thủy”.

Lời nói chưa biết suy nghĩ của một đứa trẻ lúc bấy giờ dường như thành một định mệnh về đường tình duyên, yêu đương của nó sau này.

 … Quen thuộc và thích nhất những chiều tôi được đi chơi vườn Tao Đàn tôi hay gọi là vườn “Bồ Rô”. Đứng cạnh hàng rào nhìn về phía sân cỏ của Hội kỵ mã, chị em tôi thích thú nhìn những con ngựa trên có những người cỡi hầu hết là da trắng, thỉnh thoảng có mấy đứa Tây con ngồi trên mình những con ngựa con đi chầm chậm theo mẹ, vòng quanh sân.

Vườn Tao Đàn còn được gọi là vườn ông Thượng sau này lớn lên tôi mới biết. Ở đây những cây sao dầu cổ thụ cao chớn chở trồng dọc theo hai bên đường, cây cảnh trong vườn được cắt tỉa theo hình dáng những con vật rất đẹp. Hồ nước cạn nằm dọc đường đi trải sỏi trong veo nhìn thấy cả đàn cá bảy màu nhỏ xíu tung tăng bơi lội. Mỗi cây cảnh đều có treo tấm bảng ghi tên chủng loại cho người vãn cảnh được biết. Ai đi chơi mát cũng đều ăn mặc đơn giản lịch sự, sạch sẽ kể cả đứa trẻ con. Ai cũng tự động tuân thủ theo luật lệ không cần nhắc nhở phải sống có “văn hóa” là không bẻ hoa hoặc cây cảnh.

Đi chơi ghé thăm nhà ông Ngoại gần chợ Vườn chuối trở về trời đã xẫm tối. Lần nào ba má cũng ghé chiếc xe bán chè đậu đỏ, đậu xanh bánh lọt của ông Tàu ở ngã sáu Saigon cho chúng tôi thưởng thức. 

Đời sống thanh bình êm ả của xã hội ngập tràn tuổi thơ cho đến khi tôi ngấp nghé dậy thì. Bước chân vào trung học áo trắng tung tăng với chiếc xe đạp tôi chạy vòng vòng xa hơn, qua những hàng sao cổ thụ đường Hồng thập Tự, đường Cường Để, Duy Tân. Hàng me già Nguyễn Du, Công Lý, Pasteur, đoạn cuối con đường vẫn là một mình tôi dừng xe nhìn đám hoa sao khiêu vũ trên bầu trời quanh nhà thờ Đức Bà. Qua Tết chưa đến hè nhưng hoa đã rơi đầy trên đường, ngồi xổm tỉ mẩn lượm đầy một cặp táp tôi hí hửng mang về nhà.

Chiều nay trời lộng gió, tôi leo lên sân thượng trên tầng lầu ba nhìn chung quanh. Căn nhà này của dì tôi đang cho Mỹ thuê, bà mướn một người giúp việc đã đứng tuổi trông nom việc quét dọn lau chùi và đóng mở cửa cho những người thuê nhà ra vào. Dì nhờ đứa em trai kế tôi hàng ngày ở trông nhà cùng với bà này. Một thời gian sau bà giúp việc xin với Dì về nhà mỗi chiều thứ bảy thăm chồng đến hôm sau mới về, vậy là Dì lại nhờ tôi mang tập sách quần áo đến ở phụ với thằng em cho có bầu bạn hàng tuần.

Căn nhà yên tĩnh, cả một tầng dưới chỉ có hai chị em tôi ra vào. Buổi tối đứa em trai hay lên sân thượng trò chuyện với anh chàng người Mỹ đi lính Hải quân thuê gian phòng nhỏ phía sau ở lầu 2. Gian phòng đôi phía trước là hai vợ chồng Mỹ Việt hơi đứng tuổi thuê. Lầu ba là ông Mỹ già đạo mạo như một học giả sống một mình. Cả hai người, ông già và chàng thanh niên hàng ngày đều có bồi phòng đến dọn dẹp giặt giũ.

Dì tôi lấy chồng Việt gốc Hoa chuyên về xuất nhập cảng. Tầng trệt phía trước có một số thùng hàng đặt dọc hai bên vách, chiếc bàn làm việc nho nhỏ trên đặt cái điện thoại hướng về phía cửa. Giữa vách tường ngăn gian phía sau là chiếc bàn ăn rộng thênh thang, ngồi ở đây học chán tôi lại rúc vào phòng nằm đọc sách báo.

Năm nay tôi chuẩn bị thi Tú Tài 1 bận rộn với bài vở nhưng vẫn không đánh mất thói quen hay ngồi một mình mơ mộng, tay cầm bút vạch trên giấy những nét dọc vô tình thành ba bốn hàng, loại trừ từng hai đôi theo hàng ngang và đếm số vạch thừa còn lại trên các hàng, mang số này so lại danh mục viết sẵn những lời giải đoán về những gì có thể sẽ gặp vào ngày hôm sau, trong đó chín phần mười các câu trả lời đều thiên về tình cảm làm đẹp lòng người. Cũng chỉ là một thủ thuật bói toán vu vơ giống như trò bói hoa, tất cả đều mang lại giây phút vui vẻ cho tâm hồn lãng mạn của các cô gái mới lớn như tôi. Vậy mà khi mấy nhỏ bạn trong lớp rủ tôi gia nhập thi văn đoàn của bọn nó là một trong số đang mọc lên như nấm sau mưa, tôi giơ hai tay :

- Thôi cho xin vụ này, mình đâu phải nhà văn, nhà thơ mình “mắc cỡ” lỗ mũi lắm.

Mà mấy nhỏ bạn giỏi thiệt, không biết tụi nó thành lập hồi nào có đứa kể với tôi rằng tụi nó làm thơ, viết văn in trên mấy tập giấy mỏng “phát không” cho nhiều người thưởng thức trong cái hội quán cây tre, cây trúc gì gì đó vào buổi tối đi cà phê ra mắt thi văn đoàn.

Học chung lớp chơi chung nhưng tôi thuộc trường phái khác với mấy đứa nó. Tôi là bà cô nhà quê học xong về nhà, sau khi đạp xe long rong qua những con đường có hai hàng cây nhưng vắng người cho thỏa lòng để chuẩn bị cho buổi tối bị cấm cung không được đi đâu. Vào lớp nghe chúng ríu rít kể chuyện đi “nhót” vui quá trời, trao nhau những tấm ảnh chụp đứa nào đứa nấy son phấn, vẽ mắt hai ba mí, đầu tóc đánh rối. Đã vậy còn bật mí :

- Tối hôm qua cuối tuần tao đi ball gặp cô giáo dạy thể thao của trường.

Hèn gì giờ thể thao của cô, dạy đến động tác nhảy gập hai đầu gối, con nhỏ Thu Dung không nhảy được vì đầu gối cứ thẳng đơ. Cô lấy tay khẻ khẻ vào chân nó nói :

- Cái chân này này, nhảy cho dữ vào.

Bọn nó che miệng cười ngặt nghẽo. Giờ ra chơi chúng tụ lại chỗ trống cuối lớp dợt lại điệu nhảy mới để cuối tuần đi “bum”.

Tuổi trẻ rất dễ bị lôi cuốn, tôi cũng thích được theo mốt thời thượng đợt sống mới nhưng không dám lãng mạn kiểu “tràn bờ” của tụi nó, bởi vẫn sợ bị “đập què giò” giống như mấy ông già “Ba tri” hay răn đe con cháu, mặc dù ba tôi không hề đánh mắng rầy rà chị em tôi lần nào.

Hôm qua mang về một mớ hoa sao tôi vẫn chưa có dịp lên sân thượng thả cho chúng bay xuống. Bỗng tôi nảy ra một ý, khi nhớ trong tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ có câu thơ: ‘Ấy ai thả lá doành câu ghẹo người’ truyện tích kể về một cung nữ bên trong ngự câu đề thơ trên lá rồi thả theo dòng nước trôi ra. Có chàng thư sinh tên Vu Hựu bên ngoài tình cờ vớt được, lại họa thơ thả xuống khi dòng nước trôi vào. Nàng cung nữ nhặt được cất đi. Mười năm sau người cung nữ được nhà vua thanh lý cho về đời thường. Tình cờ Vu và cung nữ cùng kết duyên với nhau, một lần cả hai cùng mang chiếc lá ra xem, té ra cả hai đều là người thả lá cho nhau ngày trước.

Lần này với tính nghịch ngợm nên nảy ý tưởng mang những chiếc hoa sao ghi trên hai bên cánh của nó chữ “Lá doành câu” trước khi thả cho chúng bay theo gió.

Buổi chiều lộng gió, đứng trên sân thượng nhìn xuống đất. Hai bên là hai nóc nhà trệt thấp “chủm”. Cơn gió lộng thổi từ trái qua phải, phía bên dưới là gian nhà ông thạc sĩ nhi khoa làm phòng mạch. Nó có hai gian, gian bên ngoài nhỏ xíu giống tấm bảng treo phía trước nhà đơn giản ghi tên và học vị của ông. Ông không ở đây vì một tuần lễ ông có mặt chỉ có ba buổi sáng, bệnh nhân là những đứa bé, có đứa không nhìn thấy mặt khi cha mẹ quấn trong chăn bông mang đến.

Từ trên cao quan sát trông rõ gian nhà phía sau cách phía trước một khoảng sân khá rộng, có căn gác từ trên đi xuống bằng chiếc cầu thang gỗ đặt bên ngoài. Phía dưới là nơi ở của bà y tá già giúp việc cho vị bác sĩ, vì thỉnh thoảng tôi thấy bà ra vào còn bên trên đóng cửa im ỉm. Vào những buổi chiều lên sân thượng lấy quần áo giặt phơi từ trưa, sau khi cẩn thận gỡ những cái kẹp trên sào kẽm bởi ở đây gió rất mạnh. Tôi từng nghe nói các cô gái để quần áo bay mất hay rơi xuống sông sẽ bị “mắc từng dưới” trở thành người ngơ ngẩn. Tôi tin thế vì thấy một cô hàng xóm sau kỳ thi Tú tài bỗng dưng trở thành thơ thẩn, mơ màng không nói chuyện với ai chỉ cười một mình do một lần về quê để bay chiếc khăn choàng cổ xuống sông lúc qua phà.

Ghi hết chữ vào hai cánh hoa tôi lần lượt tung lên không từng chiếc mỗi khi có cơn gió thổi đến. Cũng giống như khi còn trên cây chúng cũng vui vẻ bay lượn xoay tít khiêu vũ trong gió dường như chào tôi trước khi đáp nhẹ xuống đất.

Trưa cuối tuần đi học về cũng là lúc bà giúp việc đã sửa soạn sẵn để về thăm nhà. Khép hai cánh cửa sắt tôi ngồi sau chiếc bàn trên để cái điện thoại, nhìn xấp thơ để trên bàn do người phát thư đưa đến hàng ngày, tất cả đều là thư của những người mướn nhà vì có con tem nước Mỹ dán trên đó, kèm theo tên bằng tiếng Anh của người nhận. Ít khi tôi để ý đến chúng vì thư của ai người đó tự động lấy, lần này bỗng nhiên tôi táy máy nhấc lên từng lá để xem vì thấy trong chồng thư có một chiếc phong bì nhỏ thó so với những chiếc khác cồng kềnh hơn. Người Mỹ có khác, cái gì cũng to và thô kệch hơn người Việt. Tôi ngạc nhiên khi đọc tên người nhận trên chiếc phong bì nhỏ: “Cô Doành Câu” lại thêm địa chỉ ghi đúng nhà này chứng tỏ không phải thư đi lạc.

Ban đầu tôi tưởng thư ghi nhầm tên, có lẽ là thư của bà vợ Việt nam có chồng Mỹ, phải chăng tên bà là Châu. Buổi tối ngồi bên chiếc bàn ăn to kếch xù một mình học bài đưa mắt nhìn sang tôi lại thấy lá thư nằm lẻ loi. Tò mò tôi nâng lá thư xem lại, góc trái là một cái tên lạ hoắc hàng phía dưới là một con số sau ba chữ: “KBC 3328”. Người gửi chắc phải là một anh lính vì địa chỉ ghi chữ KBC viết tắt của Khu Bưu Chính. Tôi lại hoang mang không lẽ thư của bà giúp việc, bà già hơn năm mươi tuổi, người hơi quê mùa chưa bao giờ thư từ với ai. Ngồi học đến nửa đêm không kềm chế nổi tính tò mò nổi lên trong tôi, cuối cùng tôi mở thư xem thử quên mất áy náy về phép lịch sự.

Lời đầu lá thư làm tôi vỡ òa thắc mắc:

- “Em Doành Câu”. Cho phép anh gọi tên em là Doành Câu như chữ em đã ghi trên cánh hoa sao …

Đọc hết lá thư ngắn tôi bỗng xúc động pha chút bồi hồi. Là thư gửi cho tôi! Ôi trời ơi lá thư của một người chưa quen lại chạm vào tâm hồn vốn sẵn lãng mạn, nhạy cảm của tôi. Anh chàng giới thiệu mình là lính Hải quân.

Chiều tuần trước về phép ghé qua thăm các bạn cũ đang trọ học. Từ nhà trước bước ra sân sau bỗng nhiên trông thấy cánh hoa sao bay lượn trước mặt, giơ tay bắt lấy lại thấy trên cánh hoa ghi dòng chữ ngộ nghĩnh trên đó, mang vào hỏi thằng bạn ý nghĩa của hai chữ này. Thú thật mình là dân Khoa học nên mù tịt sau khi nghe nó giải thích vì thằng này học năm cuối Văn Khoa. Nó phán thêm một câu :

- Mày là người được chọn trong hội gieo cầu, tại sao nó không đáp trúng ai mà lại rơi trước mặt mày, là duyên tiền định đó con ơi.

… Tôi nhớ lại có những buổi chiều vào học bài trong thư viện chùa Xá lợi, về đến cổng bấm chuông đứng chờ bà Sáu mở cửa, tôi liếc sang phòng mạch nhà bên cạnh thấy có hai ba anh chàng trẻ đang đứng chơi mát trước nhà, trực giác con gái cho tôi biết cặp mắt họ đang nhìn sau lưng mình, cánh cửa sắt vừa hé là tôi lách mình vào ngay tức khắc. Em trai tôi kể nhà bên đó có mấy anh sinh viên đang trọ học muốn làm quen với chị, tôi nghe nhưng không quan tâm vì đang đọc tin tức chiến sự nói về mùa hè đỏ lửa! Bao nhiêu người lính trẻ đang chiến đấu ở tiền tuyến, hy sinh để hậu phương tất cả được bình yên. Trái tim tôi chỉ mở cửa vì ngưỡng mộ cho những ai là lính mà thôi.

 Chuyện tình của tôi cũng giống như những cặp đôi đang yêu nhau. Ngày ấy chưa có hai từ “Yêu xa” ! Đất nước đang trong thời chiến, yêu lính là chấp nhận tất cả, yêu xa hay gần cũng không nghĩa lý gì bởi rằng tâm trạng tôi giống như những câu thơ tình cờ đọc được :

Cây có bóng. Thú có rừng để ở
Tôi có người để nhớ đến tương tư
Gọi tên nhau cho biển hết bồi hồi
Hôn nhau nữa cho đời sau… có sử. (*)

Bạn tôi lấy chồng lính đóng ở căn cứ gần cạnh Saigon, thế nhưng có ở bên nhau hàng ngày đâu! Một tuần lễ chỉ được về nhà đêm thứ bảy để rồi sáng sớm hôm sau trở lại trực chiến, tôi không nghe bạn than thở vì nếu có lịnh cắm trại 100% cũng khỏi được về luôn. Nếu so sánh với những người lính đang ở tiền tuyến hay những chàng thủy thủ theo chiến hạm ra khơi phải vài tháng mới được phép đi bờ hay về lại hậu phương, nó vẫn cho rằng mình may mắn hơn người.

Chúng tôi cũng vậy, luôn trân quý giây phút bên nhau, chỉ có ngọt ngào say đắm và bịn rịn không muốn rời mỗi khi anh trở lại đơn vị. Tháng giêng Phước Long thất thủ, tin chiến sự trở nên sôi động vì nhiều đơn vị phải di tản chiến thuật với những giải pháp được truyền miệng đồn đoán khiến mọi người giống như cánh bèo trôi theo thời cuộc chưa biết về đâu.  Lần cuối gặp nhau tôi nói với anh :

- Nếu đơn vị anh có lệnh di tản, cứ ra đi đừng nghĩ đến em. Mình sẽ liên lạc gặp lại nhau sau.

Vùng 4 chiến thuật là điểm tựa cuối cùng trong suy nghĩ của hai chúng tôi.

Nhưng đâu ngờ “một lần đi là một lần vĩnh biệt!” Câu hát tôi nghe lén trên đài VOA trong những ngày thất vọng cùng cực trong đời sống sau tháng 4/75.

oOo

 Hãy trả lại tôi những dấu chân kỷ niệm,
 Đường học trò nhịp guốc gõ âm vang.
 Có khô héo theo thời gian mòn mỏi,
 Saigon ơi! Thương nhớ mấy cho vừa.

Ra hải ngoại tình cờ đọc những câu thơ này của nhà thơ Tạ Tỵ khiến tôi nhớ thời còn đi học. Cô giáo dạy Văn của tôi là nữ sinh Trưng Vương của Hà Nội xưa nên cô hay đọc bài thơ “Những con đường Hà Nội” hay bài thơ “Năm cửa ô xưa”. Lời thơ thấm vào lòng nhưng lúc ấy tôi chưa biết thế nào là khoắc khoải nhớ về những gì đã mất. Tôi chỉ biết một hình ảnh Hà nội ba mươi sáu phố phường qua lời kể vanh vách, thuộc làu của cô: ‘Hàng Đào, hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Nhuộm, Hàng Chén, Hàng Chiếu, Hàng Than …’. Năm cửa ô ‘Quan Chưởng, Cầu Giấy, Cầu Dền, …’. Phải hơn bốn mươi năm sau, bây giờ tôi mới đồng cảm những nổi nhớ của người Hà Nội giống như cô giáo tôi thời ấy.

“Ngựa tan đàn Chim lẻ bạn kêu van. Chim về góc biển Bóng ra khơi”. chúng tôi đã mất nhau thật rồi, từ khung cảnh quen thuộc đến con người ngay sau ngày tháng ấy. Nhà Dì tôi đã thay ngôi đổi chủ, gia đình tôi cũng dời địa chỉ sang ở nơi khác. Căn nhà ngày xưa anh chở tôi về định ra mắt gia đình, nhưng tôi thoái thác không vào vì tôi quan niệm chỉ đến nhà người yêu sau khi gia đình hai bên gặp nhau, bây giờ đã biến thành trụ sở Phường. Có thể vì vậy chúng tôi không thể tìm thấy nhau mãi cho đến sau này tôi đi vượt biên.

Lần này tôi trở lại Saigon mong tìm những gì đã mất dù chỉ chút hơi hướm quen thuộc. Đi qua những con đường đã lạc mất tên xưa, những giọng nói với từ ngữ cùng phát âm lạ hoắc, thô thiển, chanh chua, hung bạo tranh đoạt ngay cả lối đi lại trên đường. Đâu rồi tính thật thà, hào sảng thân thiện, hiền hòa của người sống từ bờ Nam Bến Hải đến tận mũi Cà Mau trù phú trước kia. Người Saigon xưa đã bỏ đi đâu hết rồi? Ra biển hay bay khắp tứ phương giống như những cánh hoa sao lìa cành theo gió!

oOo

“… Chị thẩn thơ đi tìm, đồng chiều cuống rạ. Chị bảo ‘Đứa nào tìm được lá Diêu Bông, từ nay ta sẽ gọi là chồng’.” Tôi không có hạnh phúc như nhân vật chị của nhà thơ Hoàng Cầm khi chị đã ba con vẫn có người trai trẻ đi tìm Lá Diêu Bông mong được chị gọi là chồng.

 ‘Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá
 Đi đầu non cuối bể.
 Gió quê vi vút gọi.
 Diêu bông hời …. Ới Diêu bông.’

Tôi vẫn một mình sau khi mãi đi tìm chiếc “lá doành câu” trên đất Mỹ ba mươi năm.

- Người ở đâu! Ôi người ở đâu ?
- Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời. (*)

 Nhưng bây giờ nếu gặp lại ắt hẳn sẽ ngỡ ngàng.  Vết hằn thời gian đã xóa đi những hình ảnh đẹp đẽ của thời son trẻ. Thôi đành giữ lại trong tim ký ức những ngày yêu nhau để “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.
Cây hoa sao ở nhà thờ Đức Bà Saigon vẫn đều đặn mỗi năm thả những chùm hoa sao trong gió rơi xuống dòng xe cộ chạy qua như mắc cửi, không ai quan tâm! Chỉ có mình tôi đứng ngẩn ngơ nhìn để nhớ chúng với cõi lòng chùng xuống bởi tâm hiu quạnh.

“… Ơi hỡi! Lá Doành Câu” của tôi.

Cỏ Biển
Mùa Thu 2018


(*) Thơ Du Tử Lê

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018