SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

CHỖ VỀ

Bãi biển Cửa Đại nắng tràn lên nước xanh cát trắng, gió rạt rào qua hàng dừa ruồng lay tàng lá. Trên khu bãi biển công cọng rải rác những thuyền đánh cá nằm sấp ngửa trên cát, mắt thuyền đỏ đen loang lổ vết sơn, đăm chiêu nhìn đám người vui nhộn nô đùa với sóng nước. Xa xa về phía cửa biển, dãy tàng dù lợp lá dừa sắp lô nhô dọc theo bãi tắm riêng của chuỗi khách sạn sang trọng.

Dưới một quán lều cuối bãi, người đàn ông đứng tuổi ngồi nhâm nhi chai bia lạnh, dõi mắt về khúc đường tiếp giáp bãi biển, lố nhố đám chạy xe ôm đứng ngồi trên những chiếc xe gắn máy câu cơm cũ rích. Suốt buổi sáng, sau khi từ giã vợ được cô em đưa đi thăm Phố Cổ, ông tìm ra Đế Võng thuê bao một ca-nô nhỏ bảo chạy theo tuyến sông ngày trước ông thường dẫn giang đĩnh đi tuần dọc nhánh sông Ô Lâu, Trường Giang. Trời nước vẫn xanh, rừng cây bên bờ vẫn trùng điệp một màu xưa thế mà lòng ông giục tràn kỷ niệm. Nỗi xúc động trở về, ấm áp vòng tay ôm thân tình, tròn kín hết trắc trở chia lìa của bao cảnh đời.

Chừng quá nửa đường sông từ Chợ Được về lại Thuận Tình, cô em vợ gọi cho hay có người vừa đến trường dạy Anh văn của nàng nhắn sẽ cùng vài người lính cũ trong giang đoàn muốn gặp thăm người sĩ quan chỉ huy của họ ở bãi biển Cửa Đại.

Cảm giác hồi hộp xúc động lại tràn ngập lòng ông lúc ca-nô ôm vòng cù lao rẽ vào nhánh sông Đế Võng. Cảnh xưa không còn. Bãi lưới cuối sông hoang sơ hàng dừa xanh lã ngọn năm nào giờ là một phần của khu du lịch “sinh thái” Thuận Tình. Phía cù lao, cánh rừng dừa nước hoang dã đầy nguy hiểm rình rập của thời chiến tranh giờ đây là những mái nhà sàn bằng tre nhấp nhô ẩn hiện giữa lá dừa xanh đong đưa đón làn gió biển thổi về. Ca-nô chạy theo dòng sông uốn lượn như lòng anh cũng nhấp nhô con sóng kỷ niệm vỗ bờ.

Con bé gái bán hàng rong rụt rè đến đứng bên bàn khiến ông sực tỉnh dòng suy nghĩ. Đứa bé kiên nhẫn sắp mấy gói đậu phụng rang trên bàn dù chưa hề được ông khách Việt kiều đụng tay tới.

- Ông Hai ăn giùm. Đậu phụng rang Tam Kỳ ngon lắm. Cháu bảo đảm, ông Hai ăn mà bị đau bụng, cháu nuôi thuốc.

Người đàn ông bật cười nghe câu quảng cáo mời mọc của đứa bé có lẽ chưa quá mười hai tuổi. Con bé chợt ngưng nói, mắt nhìn vói qua vai ông khách.

- Hình như ông Hai có bạn tới kìa.

Ông ngoái nhìn nhóm bạn đi cùng Đức, người lính cũ ông đã gặp hôm trước, đang đẩy một người ngồi trên xe lăn về phía quán. Anh trao cho con bé một nắm tiền.

- Cháu xem chừng này tiền mua được bao nhiêu thì bán.

Cô bé hối hả đếm rồi cuống quít trút hết đậu phụng rang lên bàn, miệng rối rít cảm ơn số tiền lời trên tay nhiều hơn cả tuần vất vả rao mời .

Nhóm lính cũ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Người đàn ông ngăn lại lúc Đức định mở lời giới thiệu ba người đàn ông khắc khổ phong trần vừa quây quần ngồi xuống.

- Khoan đã. Chú mày để tôi thử lại trí nhớ mình xem sao.

Người lính gầy còm ngồi trên xe lăn, ống quần màu xanh nước biển phơ phất rách bươm. Anh móm mém cười, đón chai bia từ tay người chỉ huy ngày trước.

- Ông thầy thế nào cũng nhớ ra mà. Thằng Đức giỏi thiệt! Không hẹn mà hắn gom được cả bốn thằng em đều là thuyền trưởng chuyến tuần tiểu đầu tiên ngày Trung úy Dõng từ Đồng Tháp Mười thuyên chuyển về giang đoàn.

Dõng sửng nhìn những luống hằn cơ cực trên khuôn mặt người còm cõi. Dòng sông Ô Lâu lóe lên trong trí nhớ, hung hãn đoàn tàu phun sóng ầm ầm tiếng cuồng nộ chiến tranh. Làm sao mà quên được mối thân tình chiến hữu, những khuôn mặt đã một thời cùng nhau bước qua trận mạc điêu linh. Dõng thân mật gọi tên từng người lính cũ, ân cần  vỗ vai anh bạn phế binh. Anh nhét vào túi áo mỗi người một bao thư đã chuẩn bị trước.

- Chút chuyện lẻ tẻ này mình làm lẹ cho xong rồi lai rai ngồi tán chuyện đời.

Đức móc bao thư để trên bàn, từ chối.

- Thằng em đã có phần Ông Thầy cho hôm trước rồi.

Anh trải tờ đô-la lên mặt bàn, cười nhìn mọi người.

- Nhưng ngu sao mà trả lại… Tờ này dư sức bao sân ba bốn chầu nữa. Hay là để thằng em lấy của làng làm ơn ông xã chuyến này. Còn lại mình chia đều, thay phiên làm chủ xị mấy bữa nhậu tới.

Mọi người cười vang, hào hứng cụng ly. Kỳ, người thuyền trưởng cụt chân, nốc cạn ly bia, sảng khoái kể lại kỷ niệm chẳng hề quên lần đi tuần đầu tiên với người sĩ quan tân đáo trẻ tuổi.

- Cả tuần trước đó, nghe ông Hoát quảng cáo giang đoàn sắp có một sĩ quan Tuần thám rất ngầu từ  Đồng Tháp Mười về, tụi này đứa nào cũng muốn biết ông chịu chơi tới cỡ nào. Hôm đó Ông Thầy dẫn tàu về phía Ô Lâu chớ không phải mé Trường Giang như tuyến tuần tiểu thường lệ của các sĩ quan khác làm bọn này lo thầm trong bụng vì nhánh sông này vắng vẻ, không tàu đò qua lại và rất nguy hiểm.
- Ngầu nghiếc gì! Bị thương lủng bụng, sau ba lần hăm chín ngày tái khám không được giải ngũ nên xin thuyên chuyển về gần nhà cưới vợ vậy thôi.

Kỳ nhìn hai bạn ngồi cạnh Đức.

- Long, Hiệp, tụi mày còn nhớ không? Thằng Đức chạy trước, Ông Thầy cầm ống dòm, ôm máy truyền tin ngồi trên mui chiếc tao, hai đứa bây đoạn hậu. Đoàn tàu chạy giữ đúng đội hình, xạ thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến nhìn rất đẹp mắt làm tao thấy khoái quá. Thường thì chỉ ủi bãi, xét tàu đò riết cũng chán.

Hiệp gật đầu cười khoái trá.

- Nhớ lại lúc Ông Thầy xuống tàu lầm lỳ ra lệnh phải lên máy truyền tin một trăm phần trăm và áo giáp nón sắt sẵn sàng, báo hại phải mò xuống hầm tàu kiếm cả buổi mới ra.
- Đoàn tàu chạy ngược sông Ô Lâu khá lâu, tre dọc bờ sông dày kín thăm thẳm làm tui dẫn đầu bắt đầu thấy ơn ớn. Vừa lúc đó Ông Thầy chợt cho lệnh chuẩn bị tác xạ. Bốn chiếc giang đĩnh theo lệnh cùng lúc bẻ lái 90 độ về phía bờ trái, xả hết tốc độ lao thẳng vào bờ sông, các họng súng thi nhau bắn xối xả vào mục tiêu là một bến tắm ẩn hiện dưới vòm tre.

Ngồi nghe câu chuyện kể Dõng chừng như sống lại buổi trưa hè năm đó.

- Lúc quan sát dọc theo bờ sông, trong ống dòm chợt hiện ra một người đàn ông nước da trắng bệu đang ngồi tắm dưới vòm tre rủ sa gần mặt nước. Tin vào trực giác mình, tôi gọi máy về phòng hành quân báo tọa độ, xin lệnh cho đoàn tàu khai hỏa tấn công ngay. Tàu anh Kỳ và Long ủi bãi, tìm kiếm chỉ thấy dấu máu và khẩu súng ngắn K54 quấn trong chiếc áo kaki Nam Định bên bờ nước.

Đức nháy mắt cười, nhìn quanh  thấp giọng.

- Nếu thằng chả còn sống biết đâu hiện giờ là bí thư, bí thiếc gì đó đâu đây.

Câu nói nửa đùa nửa thật như rơi vào nỗi im lặng buồn buồn. Dõng chép miệng.

- Thôi thì cái thời chinh chiến máu me đó đã qua rồi. Chuyện đời biết thế nào là vinh nhục, nhục vinh. Lang bạt, điêu linh, sống còn rồi gặp nhau như thế này là hạnh ngộ lớn lao chẳng dễ gì có được.

Dõng rót bia cho Kỳ, bọt bia trào trắng ràn rụa lên bàn tay đen đủi gầy guộc của người phế binh.

- Tôi nghĩ hoài không ra. Cho đến cuối tháng Ba bảy lăm, tôi nhớ chú mày vẫn nguyên vẹn không thương tích gì. Tai nạn xảy ra lúc nào vậy?

Kỳ ngửa cổ uống cạn ly bia, anh thở dài mắt vẫn ngước nhìn trời không muốn để những người bạn lính thấy giọt nước mắt vừa ứa ra.

Đức đỡ lời, kể chuyện đời bạn không may những năm sau bảy lăm.

- Kỳ là dân Đà Nẵng. Cuối tháng Ba lúc đơn vị tan hàng, anh ở lại với vợ và gia đình không theo tàu di tản vào Vũng Tàu. Hạ sĩ quan không bị tập trung lao động, nhưng ở nhà cũng quá cha cải tạo. Kỳ bị tai nạn phải cưa chân vì đạp lựu đạn trong lúc bị tập trung đi gỡ mìn ở Hòa Cầm, gần phi trường Đà Nẵng.

Người phế binh lắc đầu cay đắng.

- Ông Thầy nghĩ coi. Ai đời đi gỡ mìn mà mỗi người chỉ được phát cho một que sắt và cái xẻng. Mỗi sáng bới gô cơm độn, bi-đông nước, đội chiếc nón cời lên đầu bước ra khỏi nhà. Riết rồi thành thói quen lúc nào không hay. Cái thói quen buồn bã ngoái nhìn căn nhà, vợ con vào mỗi buổi sáng để lỡ lần trở về vào buổi chiều không bao giờ đến. Vậy mà những ngày, những tháng rất lâu sau khi chân bị cưa cụt, nhiều lần thằng em đã tiếc rẻ sao mình không được chết đi vào lúc đó. Thân xác văng lên tan tành, biến vào đất bụi, không còn chi.

Kỳ rót tràn cho mình ly nước đắng. Anh mỉm cười.

- May nhờ có gia đình, vợ con đùm bọc thương yêu nhau. Đời người rồi cũng qua khi mình không suy nghĩ gì thêm. Kỳ chỉ tay về phía hai người bạn ngồi đối diện…  Trong đám chỉ có thằng Long, thằng Hiệp tử vi chấm “thân cư thê” nên sống nhàn.
- Nhàn theo nghĩa nào? Không có chi làm hay không làm được chi?

Hiệp vỗ vai Long.

- Theo kiểu chủ nghĩa “xả hơi”. Bó tay. Không làm chi được. Ông Thầy biết không? Hai thằng em, đứa Đà Nẵng, đứa Vĩnh Điện, hơn hai chục năm ni đều làm chung một nghề là chở vợ đi buôn. Sáng chở vợ ra chợ, phụ dọn hàng, chiều dọn vô. Giữa ngày thì canh me mấy thằng công an kinh tế. Phải thấm nhuần triết lý “bó tay” thì mới an thân sống được qua ngày.
- Thằng Long mới đúng là thân-cư-thê thứ thiệt. Dân Mỹ Tho, sau bảy lăm ẩn cư quê vợ ở Đà Nẵng không về Nam.

Đức châm bia cho Dõng… Ông Thầy có biết ông Khiết? Hình như đã thuyên chuyển đi hạm đội tuần dương trước khi Ông Thầy về giang đoàn. Thằng Long là em họ của ông Khiết.

- Vậy sao!? Khiết, người hùng trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Cộng đó mà. Tôi có gặp ở Sài Gòn lúc nằm chờ phương tiện ra Hội An. Anh chàng lúc đó đeo lon đặc cách mới toanh. Sau bảy lăm Khiết không đi Mỹ, cũng không đi HO, không biết bây giờ ở đâu.
- Ảnh về dưới quê, sống ở Bến Tre đã nhiều năm nay. Đời người có những bước ngoặc, ngã rẻ thiệt khó mà ngờ.

Long trầm ngâm nhìn ly bia sóng sánh màu hổ phách, nghĩ tới người anh họ đã lâu rồi không gặp.

Binh nghiệp thăng tiến, Khiết cưới vợ đẹp, sống những ngày hạnh phúc mỗi khi chiến hạm về nghĩ bến Sài Gòn. Chưa bao lâu sau thì miền Nam sụp đổ. Khiết bị đi cải tạo tận ngoài Bắc. Thân phụ Khiết đã đùm gói tiền vàng ra Bắc, ông thành công trong việc hối lộ cho Khiết được nhanh chóng chuyển vào trại ở miền Nam chờ ngày thả.

Người vợ trẻ quen với nhàn hạ nuông chìu, sống một mình ở Sài Gòn giữa những ngày bao cấp đầy khó khăn, lung lạc. Cuộc sống trên trước dễ thở, không phải đi công tác thủy lợi, lao động xã hội chủ nghĩa đã có cái giá riêng phải trả. Chuyện vợ Khiết đi lại luyến ái với người trưởng công an phường là một bí mật công khai mà chòm xóm chẳng ai muốn tìm hiểu. Sự dễ dàng trong cuộc sống đã phân bua giúp nàng cúi đầu đi tới. Vợ Khiết chưa hề tìm thăm chồng thời gian Khiết cải tạo ở miền Bắc, nhưng gã công an đã chu đáo thu xếp để nàng một lần thăm riêng chồng qua đêm ở trại cải tạo khi về Nam. Bảy tháng sau vợ Khiết sinh con gái đầu lòng.

Một ngày cuối năm sau gần ba năm tù, Khiết được ra trại trở về. Tủi hổ, đắng cay anh rưng nước mắt xót xa nhìn đứa bé gái trên tay vợ. Nhà đó, vợ đó, con chính thức trên giấy tờ đó, thế mà chàng đã mất tất cả. Khiết bỏ nhà, bỏ Sài Gòn về dưới quê ở Mỹ Tho sống cuộc đời thầm lặng.

Nghe câu chuyện buồn, ai nấy đều lắc đầu thở dài. Đức chép miệng.

- Ông thầy này đúng là đại đồ đệ của triết lý “bó tay”. Nghe rầu quá. Ông Thầy kể chuyện bên Mỹ nghe, chắc vui hơn. Ông trưởng, ông phó, ông Hoát, ông Đức… mấy ông thầy đó bây giờ ra sao?

Mọi người chăm chú lắng nghe Dõng kể chuyện vui, chuyện buồn của những sĩ quan giang đoàn ngày trước.

- Cuộc sống bên Mỹ có thể nói là an cư nên chuyện bất trắc ít xảy đến hơn. Ít ra là không phải lo toan nhiều về đời sống vật chất. Nhưng hạnh phúc, khổ đau thì ở đâu cũng vậy khi nói về cuộc đời, phần số nơi mỗi con người. Hai ông xếp lớn, đời tình duyên cũng lận đận không thua gì Khiết.

Long gõ muỗng lên ly bia cạn, xuống xề cải lương câu hát của Lam Phương “Anh đã lầm đưa em sang đây…”

- Hoát hy sinh đời cha lấy đời con, cưới cô vợ Mỹ cao ráo. Vợ chồng sống hạnh phúc, có cô con gái rượu dáng dấp giống bố như khuôn đúc.
- Có phải ý Ông Thầy là nòng dài ngắn không tính, đã là đạn mã tử thì không thể nào cao hơn đạn thường được.

Hiệp châm câu nói đùa khiến cả bàn thấm ý cười ầm.

- Đó là ý của chú mày chớ không phải của tôi. Hoát mà nghe được nó xách vợt tennis rượt cho mà chạy có cờ. Còn ông Đức thì nếu dùng sự ghen tương của vợ để làm thước đo tình yêu thì Đức là người rất khổ sở vì “bị” yêu. Bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau, kể chuyện đời xưa như bây giờ tụi mình ngồi lại với nhau, tri kỷ thấm thía.

Năm thầy trò say sưa trò chuyện quên cả buổi chiều sắp hết cho tới khi Kỳ và Long sực nghĩ tới chuyến xe đò mấy chục cây số về lại Đà Nẵng. Đức trả tiền xong trở về bàn, anh ngồi xuống thấp giọng.

- Bà chủ quán vừa lén cho hay tụi công an mặc thường phục ngồi trong quán nãy giờ. Một đứa còn ngồi ở góc quán bên kia, thằng kia chắc đi gọi công an áo vàng tới để hỏi giấy tụi mình.

Kỳ nhìn về phía bãi biển tiếp giáp với đường lớn, gật đầu xác nhận. Dõng vội gọi di động cho Nữ, cô em vợ, báo qua tình hình và dặn hai chị em cứ ra thẳng Phước Trạch nếu anh về trễ. Nhìn nét mặt lo lắng của nhóm bạn lính cũ, anh mỉm cười trấn an họ.

- Bữa nay mình gặp nhau vui quá. Tôi về chuyến này gấp gáp chuyện mồ mả không có thì giờ nhiều. Hi vọng lần tới, mình thu xếp được ngày giờ cùng nhau đi chơi đâu đó thì hay lắm.

Năm công an nón cối, áo vàng bước nhanh vào quán. Bốn người tản ra canh chừng, trong lúc người công an đeo quân hàm sĩ quan tiến gần đến bàn của Dõng.

- Chúng tôi được báo cáo lính ngụy các anh tụ họp kháo chuyện phản động ở đây suốt mấy giờ qua.
- Báo cáo ông nhận được như vậy là không chính xác. Tôi có thông hành, hộ chiếu về Việt Nam để lo việc cải táng mẹ. Công việc xong, có chút thì giờ rãnh nên muốn thăm lại bạn bè cũ đã nhiều năm không gặp. Đây là bãi biển, quán ăn đang mở cửa, tôi muốn ngồi bao lâu thì tùy tôi.

Viên công an gằn giọng.

- Anh không được lý luận ngoan cố. Chúng tôi đưa anh về trụ sở, lãnh đạo sẽ xử lý anh sau.

Họ nhẩn nha xem xét giấy tờ, chứng minh nhân dân của bốn người bạn lính. Dõng thở phào nhẹ lòng lúc thấy họ trả lại giấy tờ cho mỗi người sau khi dọa nạt phải giải tán về nhà. Anh luôn miệng trấn an mỗi người lúc lần lượt bắt tay chào từ giã.

Cả nhóm đứng quanh chiếc xe lăn. Kỳ ốm o, nấn ná với bạn chờ phía ngoài quán cho tới khi gã công an ra chĩa súng xua đuổi mấy lần mới chịu dắt díu nhau đi. Dõng nhìn theo bóng dáng lầm lủi, tội nghiệp của những người lính. Phút giây ngắn ngủi phiền hà anh đang trải qua, họ đã sống như thế cả nửa đời người, canh cánh thường trực.

Căn phòng nhỏ trơ trọi chiếc bàn gỗ và hai cái ghế đẩu. Ngọn đèn ống trên trần nhà chói dội màu sáng trắng đến nhức mắt. Dõng ngước mặt tưởng để tránh nhìn thấy nền xi măng cáu bẩn thì mắt lại chạm phải câu khẩu hiệu nằm dưới tấm chân dung hồng hào, phương phi râu tóc. Đọc mà muốn chửi thề, nó như lời mỉa mai cho người vô cớ bị giam cầm. Tiếng nói cười rổn rảng của gã công an về buổi nhậu sắp tới vọng qua lỗ tò vò trên cánh cửa đóng kín khiến Dõng liên tưởng tới bộ mặt lầm lỳ của anh ta lúc đẩy Dõng vào phòng.

Dõng không ngờ những việc khó khăn, tức tối cho Việt kiều về thăm quê anh chỉ đọc trên báo chí, trên mạng lại thật sự đang xảy đến cho mình. Anh hoang mang không biết mình đang ở đâu. Lúc chiều, mấy tên  công an chìm giả làm người chạy xe ôm không qua cầu Phước Trạch về phía thị xã mà lòng vòng chạy qua ngã khác khiến anh không nhận ra. Trong vòng ba ngày nữa anh và Thục Nhi phải có mặt ở Sài Gòn cho kịp chuyến bay về lại Mỹ. Anh không ngớt lo lắng nghĩ tới những khó khăn chưa lường được.

Tiếng quát nạt của gã công an và giọng nói van nài của của một bé gái khiến Dõng bước đến gần cửa lắng nghe.

- Hết giờ thăm rồi, về nhà đi! Sớn sác đứng đó làm ồn, tao rấn cho một bạt tai sặc máu mũi chừ.

Dõng ngạc nhiên nghe ra giọng nói của con bé bán đậu phụng rang ở bãi biển lúc chiều.

- Chú thông cảm. Hồi nãy ở Cửa Đại, ông Việt kiều đó nhờ tui đi mua nước và đậu phụng rang nhiều lắm. Chú cứ lấy bớt mấy gói nhâm nhi rồi cho tui đưa mấy thứ này tới tay ổng xong đi liền. Thông cảm đi chú.

Nghe tiếng cằn nhằn trả lời của gã công an, Dõng vội vàng quay lại ghế ngồi. Cánh cửa lẹt kẹt hé mở. Con bé bán đậu phụng rang lách mình bước vào.

- Ông Hai uống đỡ chai nước. Đậu phụng rang còn trên bàn nhậu lúc chiều, cháu có đem theo đây. Con bé lấm lét ngó về phía cửa, suỵt nhỏ giọng…Ông Hai có cần nhắn người nhà thì cho cháu biết.

Con bé thông minh, lắng nghe lẩm nhẩm số điện thoại của Nữ. Nó ghé sát tai Dõng thì thào.

- Ông Hai khỏi lo. Cháu sẽ gọi cô Nữ ngay.

Đêm mất ngủ chờ sáng dài lê thê. Trong căn phòng tạm giam tăm tối kín bưng, đêm vật vờ theo tiếng muỗi vo ve lẩn quẩn bên tai. Hết đếm bước tới lui giữa hai vách tường, Dõng lại loay hoay xoay trở ngồi chán lại nằm trên chiếc ghế lỏng chỏng hay mặt bàn thô cứng. Mắt nặng ríu theo cơn buồn ngủ nhưng đầu óc vẫn ráo hoảnh chuyện lo nghĩ không rứt ra được. Lúc đầu đêm, Thục Nhi theo em gái mang thức ăn đến cho anh. Nàng phải năn nỉ cả hồi lâu mới được phép gặp chồng. Nữ trấn an anh chị, hứa tìm lo mọi cách để anh được thả ra ngay ngày hôm sau. Dõng nhớ tới ánh mắt rưng rưng Thục Nhi nhìn theo lúc chồng bị đẩy vào phòng, trong lòng trào dâng nỗi lo sợ chia lìa anh không hề nghĩ tới bao giờ. Từ rất lâu, suốt hơn ba mươi năm an cư trên quê hương mới, vợ chồng chưa hề xa nhau một ngày thế mà chỉ sau hơn một tuần trở về thăm quê họ lại bị ném vào cảnh bất trắc.

Dõng thiếp đi một lúc nào đó, tỉnh ra anh chợt thấy mình đang nằm co quắp trên bàn. Căn phòng tạm giam hiện lờ mờ trong ánh sáng đầu ngày. Dõng cảm thấy khát khô cổ họng. Anh quơ chai nước, uống một hơi dài rồi dội phần nước còn lại lên mặt bơ phờ mất ngủ.

Chờ đợi suốt buổi sáng, đến gần trưa Dõng mừng rỡ lắng nghe tiếng Thục Nhi và cô em vợ thỉnh thoảng xen vào cuộc trao đổi tiếp xúc giữa một người có lẽ là công an khu vực nơi Nữ có hộ khẩu và người sĩ quan công an đã bắt anh chiều hôm trước.

Cánh cửa sực mở, viên sĩ quan công an hất hàm ra hiệu cho Dõng.

- Lãnh đạo quyết định cho anh ra về. Đồng chí công an khu vực nơi anh tạm trú sẽ quản lý chặt chẽ cho tới ngày anh rời khỏi Hội An.

Họ theo nhau bước nhanh qua cổng đồn công an. Thục Nhi cầm tay chồng, miệng cười mà mắt còn dấu lệ.

- Em lo muốn chết từ hôm qua tới chừ. Mặt mày bơ phờ rứa chắc tối qua anh không ngủ được.
- Chị Hai cũng chẳng chi hơn, cứ lăn trở suốt đêm. Nữ cười… Chị nếm chút mùi cho biết cảnh sống của vợ mấy ông HO đã trải qua như thế nào, chẳng phải một đêm mà nhiều tháng, nhiều năm.

Nữ cười nhìn người công an khu vực là học trò cũ của nàng.

- “Đồng chí” công an muốn cô chở về Xuyên Thọ hay còn có việc ở đây?

Người thanh niên lắc đầu từ chối.

- Em còn phải gặp lãnh đạo phòng công an thị xã. Ổng biểu sau khi ghé đồn công an Cẩm Châu lãnh người xong thì ghé báo cáo cho ổng hay. Anh ta quay nhìn vợ chồng Dõng tươi cười…Chú Hai và Cô cứ yên tâm ở chơi thăm gia đình cho tới ngày đi. Đừng phản động hơn cô giáo cũ của em là được rồi.

Mọi người cùng cười theo câu nói đùa. Nữ nhìn theo người công an trẻ vừa khuất dạng sau ngã rẽ.

- Tay thượng úy trưởng đồn công an có vẻ không vui vì mất cái mối Việt kiều. Anh ta chần chừ mãi cho tới khi gọi kiểm chứng đành phải nhả mồi. Nữ nhìn ông anh rể châm chọc… Mấy ôn ngày trước đánh giặc như rứa, thua cũng đáng tội. Nghe nói ông phó công an thị xã thời trước bảy lăm mới mười mấy tuổi đầu đã nằm vùng trong giang đoàn của anh.

Chị Thục Nhi vui vì chồng được bình an, tiếp lời.

- Còn thời giờ mô mà đánh giặc. Một ôn ăn rồi lo đi mua dép Nhật, mấy ôn khác thì sáng mô cũng ra bệnh viện Hội An xếp hàng chờ mấy cô y tá đẹp như hoa thử máu, sau đó lại quây quần ngoài quán cà-phê của ba chị em nhà họ Sử cho hết ngày.
- Ông Xuân này, từ sau ngày đổi mới, lên như diều gặp gió. Tuy là phó phòng công an nhưng lại đặc trách vùng khách sạn mới dọc theo Cửa Đại, tha hồ hoạnh họe làm giàu. Ông ta cũng thuộc loại có chí, theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Trình độ chỉ biết đọc biết viết khi gia nhập công an, sau đó đi học tại chức một năm nhảy ba bốn lớp, chỉ vài năm sau là tốt nghiệp phổ thông. Gần đây nghe đồn đang ngấm nghé học đại học tại chức, biết đâu ông ta đã có bằng cử nhân Luật làm bùa hộ mạng thăng quan tiến chức.

Dõng cười theo câu bông đùa của chị em Nhi mà trong đầu mãi trầm ngâm nghĩ tới điều Nữ nói về người đã ra lệnh thả tự do cho anh. Trong trí nhớ lảng vảng hiện về hình ảnh thằng Xu ít nói, suốt ngày cắm cúi làm việc. Thằng nhỏ gánh nước ngọt, giặc áo quần kiêm nấu nướng cho nhóm sĩ quan độc thân trong nhà bếp sĩ quan. Thương tình thằng Xu mồ côi cha, mẹ thì đau yếu, các sĩ quan giang đĩnh mướn về trả lương khá hậu, có khi còn nhường cho luôn các phần thực phẩm tiếp liệu hàng tháng.

Những ngày cuối tháng Ba năm 75 hỗn loạn chẳng ai có thì giờ để ý tới thằng Xu đã bỏ đi tự lúc nào. Sau đó có lẽ chẳng còn có ai nhớ tới thằng Xu trong cảnh đời tan tác sinh ly của chính mình. Cũng thế, chuyện bí mật giữa trung úy Dõng và thằng Xu tưởng đã trôi tuốt chìm sâu theo bao cơ man dòng đời. Chỉ là chút tình giữa người với người trong chiến tranh, tưởng quên thế mà bất chợt hình dung, nhớ lại.

Trong một cuộc hành quân phối hợp lục soát mật khu Cẩm Thanh, duyên đoàn bạn đóng chung căn cứ với Dõng bắt giữ vài người bị tình nghi là cán binh, du kích. Một buổi tối đi ngang qua phòng giam, Dõng tình cờ bắt gặp thằng Xu đang lén lút tiếp tế cho tù nhân. Bị bắt quả tang, thằng Xu khóc lóc khai một trong những người bị tình nghi là cha ruột của hắn. Ông ta là du kích giao liên trên đường công tác từ Chợ Được về Điện Ngọc đã bị quốc gia bắt trong lúc dừng chân ở mật khu Cẩm Thanh. Thương thằng bé chất phác siêng năng và có hiếu với mẹ, Dõng không nói cho ai hay và đứng ra xin thả tự do cho người cha.

- Có lẽ anh biết ông công an Xuân này là ai rồi. Ngày trước ở giang đoàn, tụi anh có hùn mướn một thằng nhỏ bên làng Thuận Tình lo việc bếp núc. Nó tên là thằng Xu.

Dõng đắn đo.

- Mà nếu đúng là vậy thì chẳng lẽ…

Nữ nhìn người anh rể, lắc đầu cười.

- Nếu với lợi, chẵn với lẻ chi nữa anh Hai!? Thằng Xu của anh coi rứa mà cũng còn chút máu tiểu tư sản, lại học tại chức có thêm chút chữ nghĩa nên đổi tên từ Xu thành Xuân nghe cho có chút văn chương. Ở bên thắng cuộc, thằng Xu chỉ muốn “biểu dương lực lượng” cho anh biết hắn muốn bắt ai thì bắt thả ai thì thả, vậy thôi!

Có tiếng điện thoại ren. Nữ trả lời, gật đầu lắng nghe.

- Cơ hội để xem lại nếu với lợi của anh đây, anh Hai. Công an khu vực vừa gọi báo cho hay, ông phó phòng công an thị xã mời anh ba giờ chiều nay đến khách sạn mới nhất vừa xây xong trên căn cứ cũ của giang đoàn. Em đưa anh qua bên bển gặp người ta rồi ngồi canh chừng “bảo vệ” anh luôn thể. Nữ cười…Thiệt ra thì em có buổi họp với đoàn doanh nhân Nhật Bản, hy vọng sẽ ký được hợp đồng làm thông dịch cho họ.

Tuy đã ngờ ngợ và được cô em vợ dự báo trước, Dõng vẫn ngạc nhiên lúc bước vào phòng khách lớn của tòa khách sạn đã thấy “thằng Xu” đang ngồi chờ. Người sĩ quan công an mang lon thiếu tá ra vẻ niềm nở đứng dậy bắt tay chào hỏi.

- Anh còn nhớ tôi không?

Dõng nhìn bảng tên trên nắp áo người công an.

- Xu thì tôi nhớ còn Xuân, phó phòng công an thị xã, một tay bắt nhốt tôi đêm qua một tay thả tôi ra sáng nay thì đây là lần gặp đầu tiên.

Thằng Xu đốt thuốc, phả hơi khói dài rồi nhìn Dõng cười cợt.

- Là một thôi. Còn chuyện bắt thả, anh muốn hiểu thế nào thì nó là thế ấy. Tôi chỉ muốn tạo điều kiện thăm chào một người quen cũ thôi.

Người sĩ quan công an chỉ tay ra khoảng sân vườn thiết trí sang trọng, nơi Nữ đang ngồi họp với một nhóm thương nhân Nhật.

- Chắc anh còn nhớ cái lô-cốt đúc bê-tông các anh thường ngồi hát nhạc vàng trên nóc? Cái lô-cốt Mỹ xây ngày trước ở ngay nơi cô Nữ đang ngồi. Còn chính chỗ này đây trước ngày giải phóng là cái xó bếp của thằng Xu, bây giờ là tôi đang ngồi với anh. Chúng tôi đánh giá cao những người như cô Nữ, cùng lúc đề phòng cảnh giác họ. Còn với các anh, những kẻ vẫn còn ngủ mơ trên dĩ vãng, cần được nhắc nhở ai là người chiến thắng.

Dõng nhìn quanh chốn cũ đổi thay, lòng bâng khuâng kỷ niệm dâng trào. Chinh chiến. Nhục vinh. Nhân bản. Tình người. Thằng Xu gầy còm, nước mắt đầm đìa van xin cho cha được thả tự do. Nước mắt cô y tá ràn rụa trong đau đớn tận cùng bên xác người yêu vừa chết theo tàu bị nổ tung vì mìn đặc công trong đầm sông oan nghiệt kiếp người. Dõng lắc đầu, mỉm cười nhìn người sĩ quan công an bệ vệ, hồng hào màu bia rượu.

- Tôi nghe nói anh từng là một chiến sĩ cách mạng xuất sắc, từng nằm sâu trong đất địch lúc vừa mới tuổi mười lăm. Và dĩ nhiên cũng là người chiến thắng như anh đã nhắc nhở nhiều lần. Tôi biết câu trả lời của anh sẽ như thế nào nhưng vẫn muốn hỏi một lần với hy vọng anh sẽ thành thật với lòng mình về những giọt nước mắt đầm đìa trên má thằng Xu ngày hắn quỳ lạy tôi van xin “trung úy nhân đạo thương tình”. Nước mắt thằng Xu thương mẹ, khóc xin cho cha khỏi tù đày hay chỉ là màn kịch của thằng Xu du kích nằm vùng để cứu đồng chí mình.

Viên phó phòng công an đốt điếu thuốc mới, cười lạt.

- Cứu cánh biện minh cho phương tiện đã góp một phần lớn giúp chúng tôi thành người thắng trận trong cuộc chiến tranh ‘chống Mỹ cứu nước’.

Anh ta đứng dậy ngoắc người hầu bàn khép nép lại gần.

- Chú mày phục vụ cho ông khách Việt kiều này cho tốt nghe chưa!.

Dõng khoác tay, lắc đầu từ chối.

Nữ ghé ngồi xuống ghế bên anh Dõng, mắt không rời đám nhân viên khách sạn khúm núm chào ông thiếu tá công an đang rảo bước ra bến tàu.

- Hình như cuộc gặp mặt giữa hai ông lính quốc gia, cộng sản không được vui mấy?
- Thắng bại, nhục vinh, tàn tro quá khứ thì có chi vui. Dõng chép miệng… Có điều lúc nghe ông thiếu tá Xuân mê sảng trong lớp hào quang chống Mỹ cứu nước rồi nhớ ra thằng Xu ba mươi năm trước, anh tự trách mình đã ngờ vực lời cảnh báo của O.

Dõng chăm chú nhìn chiếc ca-nô vừa rời bến.

- Nhưng mà O cũng nên cẩn thận. Chiếc tàu của O xem chừng có phần bề thế hơn ca-nô của ngài phó phòng công an đó!
- Anh đừng lo! Sống sót đối đầu với ma quỷ em đã thành “tinh” lâu rồi. Ngày nào còn làm cho UNESCO, tàu vẫn còn hợp đồng chuyên chở cho cơ quan Liên Hiệp Quốc này. Tới đây em sẽ tìm hợp đồng mới với công ty Nhật Bản. Họ có muốn làm khó dễ thì vuốt mặt cũng phải nể mũi.

Nữ chỉ tay ra phía sân ngoài.

- Mình ra ngồi chỗ lô-cốt cũ nói chuyện đời xưa đi anh. Em bao anh cà-phê uống mừng em vừa ký hợp đồng với công ty Nhật. Họ sắp xây dựng khu khách sạn giải trí chiếm một phần lớn đất cát bờ bên kia cửa biển.

Giữa chiều trôi và sóng biển dạt dào, họ ngồi với nhau lòng tan vào kỷ niệm đời riêng.

Dõng nhắm mắt bồi hồi, lòng mênh mang tiếng sóng. Hình ảnh sướt xát của những thước phim thật cũ, xem từ ngày còn trai trẻ độc thân hiện về trong trí nhớ. Căn phòng nhìn ra biển chiều vắng ngắt, người đàn bà ngồi chìm trong bóng tối, buồn bã nhìn theo bóng người bỏ đi khuất xa theo bờ nước. Cuối cùng chỉ còn lại bóng tối chìm lịm tiếng nấc nghẹn ngào theo sóng xô bờ bàng hoàng nhịp đau miên viễn. Dõng thấy mình cùng những người bạn lính ngật ngà say trên nóc lô cốt. Sóng quyện vào đêm, tiếng đàn tây ban cầm quyện theo tiếng hát của Tiến lãng đãng bay long lanh tiếng nguyệt cầm…Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh.

Nữ nhìn lướt trên đám đông, mắt chạm lên những đợt sóng biển ngoài kia. Cũng đêm và tiếng sóng, cũng nơi này, Nữ nằm nghe thân xác mình thơ trinh treo căng trên tơ đàn. Tiếng sột soạt của lá dừa hong một nắng làm chỗ lót nằm khiến Nữ nín thở, thẹn thùa nhìn anh chị hân hoan chìm vào nhau trong biển sóng. Nữ đã chìm vào giấc mơ dài, từng cơn ước muốn bơ vơ theo bước chân trên đồi cát đẫm sương, váng vất giấc mộng du bước về tuổi mười lăm có hồ như một nỗi tình riêng. Nữ đã sống, quay quắt máy động bên cạnh nhịp đời với niềm an ủi vỗ về của mộng mơ, mong manh mà thật thà, bền chặc nỗi hạnh phúc lang thang vào mỗi đêm xuống mỗi ngày lên. Tình yêu đầu đời đã lay Nữ ra khỏi giấc mộng du dài, sống cho cam cuộc sống lẻ loi mà không cảm thấy cô đơn.

- Anh Dõng vẫn còn ức thằng Xu răng! ?
- Không có chỗ trống cho thằng Xu chen vô mô O ơi! Anh lắng nghe tiếng sóng vỗ rồi chợt nhớ tới vài kỷ niệm không ăn nhập vào nhau. Chắc là vì tiếng sóng. Anh nghĩ tới cảnh trong một phim rất cũ, hình như Marlon Brando đóng với Maria Schneider. Có lẽ là phim “Bản Tango cuối cùng ở Paris”… Rồi nghĩ tới bè bạn lính ngày xưa say xỉn, đàn hát với nhau ngay chỗ này đây trên nóc lô cốt. Nữ còn nhớ anh Tiến không? Hắn hát hay tuyệt… nhất là nhạc Cung Tiến. Còn em thì răng?
- Em nghĩ về những giấc mộng rất cũ của mình. Có anh trong đó, đó nghe.
- Vậy chắc là mộng về những lần anh dẫn con bé chân voi và đám bạn đi ăn chè Cồn rồi.
- Không phải mô, nhưng coi như vậy đi. Chè thì ngọt, và những giấc mộng của em về anh thì luôn ngọt ngào.

Họ cùng nhìn ra biển sóng.

- Anh thấy em còn treo bức tranh “Trích Nữ” ở nhà. Tuân vẽ phải không?
- Lần cuối cùng em tìm gặp anh Tuân ở Cà Mau. Sống với nhau một tuần trong U Minh, em trở về với bức tranh Trích Nữ  và những cành sen khô héo. Đã hơn mười năm.
- Tuân yêu em thật lòng. Ở nhà Tuân, treo bức Trích Nữ vẽ cô gái trong đầm sen từa tựa như bức em có. Dõng cười… Chỉ khác là cô gái trong bức tranh này không chịu mặc quần.
- Cha già dịch nớ thiệt !
- Không sai! Ngày trước Tuân sống bạt mạng, bạ đâu yêu đó. Hắn đúng là một thứ Trương Vô Kỵ… Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Bất Hối ai cũng yêu tuốt.

Nữ lấy chiếc phin cà phê khỏi ly anh Dõng.

- Rứa thì em là Bất Hối rồi. Chấp hết, bất hối và sống thương đời.
- Tuân vẫn còn yêu em. Anh chàng vẫn tự trách đã bỏ đi chỉ vì chút hiểu lầm. Dõng bật cười…Nhưng mà ai đời đang giữa lúc gay cấn, nàng lại rền rĩ gọi tên người khác, lại là tên ông anh rể thì có oan ông địa không chớ!? May mà anh rể đã di tản lưu vong cả chục năm trước.

Nữ  mắc cỡ đỏ mặt, phân bua với anh rể.

- Cũng tại anh thôi. Thời gian đó, sống lẻ loi buồn lắm, chỉ một mình với kỷ niệm và giấc mơ giữ chút hương cho đời. Một buổi tối đứng trên lan can nhà dì Chức, nhìn một người mẹ trẻ dẫn con nhỏ gánh hàng đêm về nhà. Nhìn mẹ con lúc thúc bên nhau trong đêm vắng, em bổng thôi thúc cảm giác muốn có một đứa con. Không cần lấy chồng, chỉ mẹ với con hôm sớm có nhau. Rồi một lần em nằm mơ có con với anh, sáng ra vui suốt ngày. Giấc mơ ở lại với em lâu lắm, riết rồi thành một phần của cuộc sống như cơn mộng du kéo dài không muốn bị lay kéo, cho tới khi tình cờ gặp anh Tuân. Sau đó chỉ toàn là trắc trở, chia lìa.

Dõng nghĩ tới bạn. Mỗi lần gặp nhau, những đêm cạn, rượu uống ngật ngà say, Tuân  luôn nhắc nhớ, nuối tiếc tới người hắn mãi yêu thương đã nghìn trùng xa cách. Dõng trầm ngâm.

- Anh có nghe Tuân kể lại đêm đầu tiên hai người gặp nhau đã phải bương mình chạy trối chết khỏi bãi vượt biên mới khỏi bị công an bắt. Hai đứa bây thiệt hết biết… Nhưng anh đành phải đồng ý với chị Nhi của em, nhờ gặp em rồi xa em mà Tuân sống đằm lại và biết nghĩ tới người khác. Thục Nhi nói nếu suôn sẻ, hai người sớm chung sống với nhau thì thế nào em cũng khổ vì anh chàng lang bang đó, lúc nào cũng dốc lòng sống cho tình cảm của mình. Vợ Tuân khổ vì nó không ít nhưng cô ấy chịu đựng được nhờ bản tính chất phác, không suy nghĩ nhiều.

Nữ lặng nghe khoảng đời sôi nổi của Tuân. Những nơi chốn, tháng năm nàng chẳng thể nào hình dung nhưng luôn thiết tha trong nỗi nhớ của mình phảng phất bóng người thương.

Nữ ngồi lắng nghe. Anh Dõng đã dứt câu chuyện mà Nữ vẫn còn nghĩ tới Lục Hà, vợ Tuân. Người đàn bà đó đã sống tận hết cho tình yêu của mình. Nữ chợt cười với ý nghĩ vừa thoáng qua. Nàng vắn tắt cho anh Dõng nghe chuyến đi Thới Bình thăm Tuân hơn mười năm trước.

- Có ai thắng được số phần của mình, phải không anh?. Hơn mười năm rồi…Chỉ còn lại những cánh sen khô khốc thời gian… Thôi, mình về…để anh chạy ca-nô về Phố, xem thử hạm trưởng còn nhớ đường hay không?

Dõng đăm chiêu ngoái nhìn vùng doanh trại cũ còn tươi trong tâm tưởng lúc ca-nô ôm vòng cù lao Thuận Tình chạy qua đầm sông. Nữ chợt thấy anh già hẳn đi.

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020