SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

 
1Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 24

“Tiếng rít,” Laila nói với Tariq, em ghét tiếng rít đó nhất.”
Tariq gật đầu ra vẽ hiểu.

Về sau Laila nghĩ, không hẳn tiếng rít mà là những giây phút giữa tiếng rít và tiếng nổ. Khoảng thời gian ngắn ngủi và vô tận khi phải lơ lửng chờ đợi. Vô tri. Chờ đợi. Như một bị cáo chờ nghe phán quyết.

Việc này thường xảy ra trong bữa cơm chiều, lúc Laila và ba nó đang ngồi tại bàn ăn. Hai người giật bắn lên khi tiếng rít bắt đầu. Họ ngừng nhai, cái nĩa trong tay lưng chừng bất động, lắng tai nghe. Phản chiếu trong kính cửa sổ tối đen, Laila thấy gương mặt nửa sáng của hai người và hai cái bóng bất động trên tường. Tiếng rít. Rồi tiếng nổ, may quá ở nơi khác, tiếp theo là tiếng thở hắt ra của hai cha con biết mình đã được tha lần này, trong khi ở một nơi khác, giữa tiếng khóc và đám khói mù, người ta cuống cuồng đào bới, lôi ra từ đống đổ nát những gì còn sót lại của một người chị, người anh, người cháu.

Tuy nhiên, mặt trái của việc mình thoát được là sự đau khổ tự hỏi không biết ai đã không thoát được. Sau mỗi tiếng nổ, Laila lại đâm đầu chạy ra đường, miệng thầm đọc kinh, chắc rằng lần này thế nào người ta cũng tìm thấy Tariq chôn vùi dưới gạch vụn, trong khói mù.

Ðêm nằm trên giường, Laila theo dõi những chớp sáng màu trắng phản chiếu trên kính cửa sổ. Nó lắng nghe tiếng súng nổ liên hồi và đếm tiếng đạn pháo kích bay qua làm căn nhà rung chuyển và từng mảng thạch cao trên trần rớt xuống giường nó như mưa. Có những đêm, pháo kích nhiều quá sáng cả một vùng, người ta có thể đọc sách được mà không cần đèn, không thể nào ngủ được. Mà nếu có ngủ được, thì Laila nằm mơ thấy toàn là lửa và chân tay đứt lìa, cùng với tiếng rên siết của những người bị thương.

Sáng ra, cũng chẳng khá hơn. Khi tiếng loa gọi đọc kinh vang lên, các thánh chiến quân Hồi giáo đặt súng xuống, hướng mặt về phía Tây và đọc kinh. Sau đó, họ xếp thảm lại, lên đạn súng và trên núi bắn xuống Kabul, rồi Kabul bắn trả lại, trong lúc Laila và cả thành phố chỉ biết bó tay theo dõi, chẳng khác nào lão già Santiago bất lực nhìn đàn cá mập rỉa con cá quý mình câu được.

Ði đến đâu, Laila cũng gặp người của Massoud. Nó thấy họ đi ruồng khắp đường phố và cứ vài trăm thước lại chặn xe để hạch hỏi. Họ ngồi trên mui xe tăng hút thuốc, đâu đội nón bê rê len cố hữu, cũ kỹ. Từ sau những bao cát chồng lên nhau ở ngã tư đường, họ lén nhìn người qua lại.

Mà bây giờ Laila cũng không còn ra khỏi nhà nhiều nữa. Mà hễ có đi, thì lúc nào cũng có Tariq đi cùng, anh chàng có vẻ khoái nhiệm vụ hào hiệp này.

Một hôm, anh chàng bảo: ”Anh có mua một khẩu súng”. Hai đứa đang ngồi dưới đất bên gốc cây lê trong sân nhà Laila. Anh chàng lấy ra cho Laila xem, nói đây là súng bán tự động, một khẩu Beretta. Laila chỉ thấy đó là một vật đen thui, đầy chết chóc.

“Em chẳng thích,” Laila nói. “Em sợ súng lắm.”

Tariq xoay băng đạn trong tay.

“Người ta tìm thấy ba thi thể trong một căn nhà ở Quận 3 tuần vừa qua,” Tariq  nói. “Em có nghe nói không? Ba chị em. Cả ba đều bị hiếp. Ðều bị cắt cổ. Bị cắn đứt ngón tay để lấy nhẫn. Người ta biết được vì thấy dấu răng.”

“Em không muốn nghe chuyện này.”
“Anh không muốn làm em sợ,” Tarid bảo. “Nhưng có điều…anh cảm thấy yên lòng hơn khi mang khẩu súng này.”

Tariq giờ là huyết mạch nối Laila với cuộc sống ngoài đường. Anh nghe được tin tức và truyền lại cho Laila. Chẳng hạn, chính anh là người đã kể cho Laila nghe rằng lực lượng dân vệ đồn trú trên núi đã rèn luyện tài thiện xạ của họ - và đánh cá về tài này của họ - bằng cách bắn bừa bãi xuống đám thường dân dưới núi gồm đàn ông, đàn bà, trẻ em. Tariq kể cho Laila nghe họ pháo vào các xe hơi, nhưng vì một lý do nào đó, họ chừa xe taxi, khiến Laila hiểu vì sao gần đây có phong trào người ta xịt xe hơi mình thành màu vàng.

Tariq giải thích có những biên giới, luôn xê dịch, ngay giữa lòng thành phố Kabul. Qua đó Laila biết được thí dụ con đường này, cho tới cây keo thứ nhì bên trái, thuộc về một lãnh chúa; bốn dãy nhà kế tiếp cho tới tiệm bánh mì bên cạnh tiệm thuốc tây đổ nát là khu vực của một lãnh chúa khác; và nếu Laila băng qua con đường chỗ đó, đi nửa dặm về hướng Tây, sẽ ở trên địa phận của một lãnh chúa khác nữa, và vì thế sẽ trở thành mục tiêu cho đạn bắn sẻ. Những người anh hùng của má Laila giờ đây được gọi như thế đó. Những lãnh chúa. Laila còn nghe có người gọi họ là những xạ thủ nữa. Một số khác vẫn gọi những người này là thánh chiến quân Hồi giáo, tuy nhiên họ nói với vẻ mặt mỉa mai, khó chịu, như thể đó là những chữ thối tha, đáng khinh miệt. Như tiếng chửi.

Tariq ráp băng đạn vô khẩu súng lục.

“Anh có dám không?” Laila hỏi.
“Dám gì?”
“Dám xử dụng cái này. Ðể giết người.”

Tariq nhét khẩu súng vô lưng quần jeans của mình. Rồi nói một câu, vừa đáng yêu vừa đáng sợ.

“Vì em,” anh chàng nói. “Anh sẽ dùng nó để giết người, vì em, Laila.”

Anh chàng nhích lại gần Laila, và bàn tay hai đứa chạm nhau một lần, rồi một lần nữa. Lúc những ngón tay của Tariq dò dẫm đan vào tay của Laila, Laila để yên. Và khi Tariq bất ngờ  cuối người ép môi mình lên môi Laila, Laila cũng để yên. Trong giây phút đó, tất cả những điều má Laila nói về uy tín, về chim sáo, đều vô nghĩa đối với Laila. Còn phi lý nữa là khác.  Giữa lúc người ta cướp bóc và giết nhau, giữa những thứ xấu xa này, thì việc ngồi đây, dưới gốc cây, và hôn Tariq, là một điều vô hại. Một chuyện nhỏ nhặt. Một sự buông thả dễ tha thứ. Bởi thế, Laila để mặc cho Tariq hôn, và khi Tariq xong thì Laila chồm người tới và hôn Tariq, mà tim đập thình thịch, mặt nóng bừng, bụng như có lửa đốt.

Tháng sáu năm đó, năm 1992, xảy ra cuộc giao tranh lớn ở phía Tây thành phố Kabul giữa các lực lượng người Pashtun của lãnh chúa Sayyaf và lực lượng người Hazaras của phe Wahdat. [Lời người dịch: Pashtun là chủng tộc lớn nhất ở A Phú Hãn, nói tiếng A Phú Hãn. Hazaras là chủng tộc nói tiếng Ba Tư/Iran sống ở trung nguyên A Phú Hãn]. Bom đạn pháo kích phá hủy các đường dây điện, nghiền nát nguyên cả dãy tiệm tùng, nhà cửa. Laila nghe nói  lực lượng dân vệ gốc Pashtun đã tấn công những gia đình người Hazaras, đột nhập vào nhà họ và bắn chết cả gia đình, theo kiểu xử tử. Còn dân Hazaras thì trả thù bằng cách bắt cóc các thường dân Pashtun, hãm hiếp con gái Pashtun, bắn phá các khu phố Pashtun, và giết bừa bãi. Ngày nào cũng tìm thấy xác người bị giết chết cột vô thân cây, đôi khi bị đốt cháy không còn nhận ra. Thường thì họ bị bắn vô đầu, bị khoét mắt, bị cắt lưỡi.

Ba lại cố gắng thuyết phục má rời khỏi Kabul. “Họ sẽ giải quyết được thôi,” má nói. “Cuộc  giao tranh này chỉ tạm thời. Họ sẽ ngồi lại với nhau và tìm ra phương cách.”

“Fariba à, những người này chỉ biết có chiến tranh,” ba nói. “Họ vừa biết đi thì đã một tay cầm chai sữa, một tay cầm súng rồi.”

“Anh lấy tư cách gì mà nói?” má phản pháo. “Anh có tham gia Thánh chiến không? Anh có dám từ bỏ hết mọi thứ và đánh đổi cả mạng sống của mình hay không? Nếu không nhờ thánh chiến quân thì bây giờ mình vẫn còn là tôi tớ của Liên Xô, anh phải nhớ. Rối bây giờ, anh muốn mẹ con em phản bội họ.”

“Em à, mình không phải là người làm chuyện phản bội.”

“Thì anh đi đi. Dẫn con gái của anh chạy trốn đi. Gởi cho em cái thiệp nhé. Nhưng hòa bình đang đến, và em sẽ là người ở lại đây để chờ ngày đó.”

Ðường phố trở nên mất an ninh quá khiến ba phải làm một điều không thể tưởng tượng: ông bắt Laila nghỉ học. Ông nhận lấy trách nhiệm dạy học cho Laila. Mỗi ngày, sau khi mặt trời lặn, Laila vô phòng làm việc của ba và hai cha con thảo luận về những bài thơ của Hafez và những tác phẩm của nhà thơ A Phú Hãn được yêu chuộng là Ustad Khalilullah Khalili, trong lúc từ vùng ngoại ô phía nam thành phố, phe của đảng trưởng Hekmatyar bắn hỏa tiễn vô phe của chỉ huy trưởng Massoud.

Ba dạy Laila giải các phương trình đại số và vẽ đường biểu diễn. Lúc dạy nó học, ba như biến thành một người khác. Trong đúng vai trò của mình, giữa đống sách vở, trông ba như cao hơn. Giọng nói của ba dường như vang lên từ một nội tâm bình tĩnh và sâu sắc hơn, và ba không còn chớp mắt nhiều. Laila hình dung được ngày xưa ba như thế nào, ba xóa bảng đen bằng những động tác duyên dáng, nhìn đám học trò bằng cái nhìn của người cha chu đáo.

Nhưng thật không dễ gì chú ý vô việc học. Laila cứ bị phân tâm.

“Diện tích của hình khối là gì?” ba sẽ hỏi, và Laila chỉ có thể nghĩ đến đôi môi đầy đặn của Tariq, hơi thở nóng hổi của anh kề bên miệng nó, và hình ảnh của nó phản chiếu trong đôi mắt màu hạt dẻ của anh. Sau cái lần dưới gốc cây đó, Laila đã hôn Tariq thêm hai lần nữa, hôn lâu hơn, đam mê hơn và theo nó nghĩ, ít vụng về hơn. Cả hai lần đó, nó đã bí mật hẹn hò với Tariq trong con hẻm tối lờ mờ, nơi Tariq đứng hút thuốc cái hôm má đãi tiệc buổi trưa. Lần thứ hai, nó đã để cho Tariq sờ ngực nó.

“Laila?”
“Dạ, ba.”
“Hình khối. Diện tích. Ðầu óc con ở đâu vậy?”
“Con xin lỗi ba. Con đang, ừm … Xem nào. Hình khối, hình khối. Một phần ba diện tích đáy nhân chiều cao.”

Ba do dự gật đầu, mắt nhìn nó, và Laila tiếp tục nghĩ đến bàn tay của Tariq vò ngực nó, vuốt ve lưng nó, trong lúc hai đứa say đắm hôn nhau.

Cũng trong tháng Sáu đó, một hôm nhỏ Giti tan trường về, đi với hai đứa bạn cùng lớp, chỉ còn cách nhà ba dãy phố, thì bị trúng đạn pháo kích lạc. Laila nghe kể, trong cái ngày kinh hoàng đó, bà Nila, mẹ của Giti, đã tất tả chạy lên chạy xuống khoảng đường nơi con bà bị giết, để nhặt những mảnh thịt của con mình gói vô áo choàng làm bếp, vừa gào thét như điên dại. Hai tuần sau đó, người ta tìm thấy trên mái nhà bàn chân phải đã bắt đầu phân hủy của Giti, vẫn còn mang vớ trong đôi giầy thể thao màu tím.

Hôm sau, trong buổi đọc kinh cho Giti, Laila ngồi như ngây dại trong căn phòng đầy phụ nữ đang khóc. Ðây là lần đầu tiên một người Laila quen biết, gần gũi và yêu thương, đã chết. Laila không thể nào chấp nhận sự thật là Giti không còn sống. Giti, nhỏ bạn Laila vẫn từng lén lút trao đổi thư trong giờ học, người Laila vẫn sơn móng tay cho, người Laila vẫn nhổ lông cằm dùm. Giti, người sắp lấy anh chàng Sabir, thủ môn. Giti đã chết. Chết rồi. Chết tan xác. Cuối cùng Laila bắt đầu khóc cho bạn mình. Và những giọt nước mắt Laila đã không khóc được trong tang lễ của hai anh nó, giờ đây tuôn tràn.

 

Chương 25

Laila không cử động được, như thể xi măng đã đóng cứng trong mỗi khớp xương của nó. Hai đứa đang trò chuyện, nhưng Laila cảm thấy như nó không có mặt ở đó, như nó chỉ nghe lén chuyện của ai khác. Nghe Tariq nói, Laila thấy như cuộc đời mình là một sợi dây thừng mục nát đang tan rã dần, sắp đứt.

Ðó là một buổi chiều oi bức tháng Tám 1992, hai đứa đang ngồi trong phòng khách nhà Laila. Suốt ngày hôm đó, má Laila bị đau bụng, và ba nó vừa đưa má đi bác sĩ, mặc dù đạn pháo kích của phe Hekmatyar đang bắn vô thành phố từ phía Nam. Và bây giờ Tariq đang ngồi đây, bên cạnh Laila trên chiếc ghế dài, mắt nhìn xuống đất, hai tay kẹp giữa đầu gối.

Nói sẽ ra đi. Không phải khỏi khu xóm này. Không phải khỏi Kabul. Mà rời khỏi nước A Phú Hãn.
Sẽ ra đi. Laila hoàn toàn bất ngờ.

“Ði đâu? Anh sẽ đi đâu?”                       
“Trước tiên Pakistan. Peshawar. Sau đó chưa biết. Có thể Ấn độ. Iran.”
“Bao lâu?”
“Không biết.”
“Em muốn nói, anh biết chuyện này bao lâu rồi?”
“Mới vài ngày thôi. Anh định sẽ nói cho em biết, anh thề mà, Laila, nhưng anh không có can đảm. Vì anh biết em sẽ buồn.”
“Chừng nào?”
“Ngày mai.”
“Ngày mai?”
“Laila, nhìn anh nè.”
“Ngày mai.”
“Vì ba anh. Bệnh tim của ông không còn chịu nổi những sự đánh nhau và giết chóc này.”

Laila đưa hai tay ôm mặt, cái bong bóng sợ hãi căng đầy ngực nó.

Nó nghĩ, chính ra mình phải biết trước chuyện này chứ. Hầu như tất cả những người nó quen biết đã khăn gói đi hết rồi. Tất cả những khuôn mặt quen thuộc đã rời khỏi khu phố, và giờ đây, chỉ bốn tháng sau khi giao tranh bùng nổ giữa các phe phái thánh chiến quân, Laila gần như không còn gặp ai quen ngoài đường nữa cả. Gia đình của nhỏ Hasina đã đi hồi tháng Năm, tìm đường đến Teheran. Cùng tháng đó, Wajma và cả dòng họ đã đi Islamabad. Cha mẹ và anh em của nhỏ Giti  đã ra đi hồi tháng Sáu, không lâu sau ngày Giti bị giết. Laila không biết họ đi đâu – nghe nói họ trên đường đến Mashad, ở Iran. Nhà của những người bỏ đi, sau vài ngày bỏ trống, đã bị lực lượng dân vệ chiếm hoặc người lạ dọn vô ở.

Mọi người đều đã ra đi. Và bây giờ cả Tariq nữa.

“Vả lại má anh cũng không còn trẻ,” anh nói. “Lúc nào ông bà cũng sợ hãi. Laila, hãy nhìn anh.”
“Ðúng ra anh phải nói cho em biết.”
“Em hãy nhìn anh này.”

Tiếng rên thoát ra từ miệng Laila. Rồi một tiếng nấc. Rồi Laila khóc, và khi Tariq đưa ngón tay lau những giọt nước mắt trên má Laila thì nó hất tay anh ra. Laila biết mình ích kỷ và vô lý, nhưng nó giận Tariq bỏ nó. Tariq, người có thể nói là phần nối dài của chính nó, người mà hình bóng luôn tung tăng bên cạnh nó trong mỗi kỷ niệm. Sao Tariq có thể bỏ nó để ra đi? Nó tát Tariq, rồi tát Tariq lần nữa, rồi nó kéo tóc Tariq, và Tariq phải nắm lấy hai cổ tay của nó, nói gì đó nó không nghe rõ. Tariq nói thật nhỏ nhẹ, từ tốn, để rồi cuối cùng hai đứa thấy mình kề môi, áp trán, và một lần nữa Laila nghe hơi thở của Tariq nồng ấm trên môi mình.

Và khi Tariq đột nhiên ôm nó thì Laila cũng đáp lại.

Những ngày và những tuần sau đó, Laila đã như điên dại cố gắng ghi khắc vào trong trí nhớ tất cả những gì đã xảy ra sau đó. Khác nào một người yêu nghệ thuật chạy ra khỏi một viện bảo tàng đang bị lửa thiêu cháy, nó chụp bắt bất cứ thứ gì có thể - một ánh mắt, một lời thì thầm, một tiếng rên - để cứu lấy, để khỏi mất, để lưu giữ. Nhưng thời gian là trận hỏa hoạn vô tình nhất, và cuối cùng Laila chẳng thể cứu được tất cả. Tuy nhiên, Laila còn giữ được cái nhói đau xé thịt đầu đời ở phần dưới thân thể. Vệt nắng nghiêng nghiêng trên tấm thảm. Gót chân của nó chạm vô cái chân lạnh và cứng Tariq vừa vội tháo ra, đặt nằm bên cạnh. Bàn tay nó ôm khuỷu tay của Tariq. Cái bớt của Tariq nhìn ngược, hình cây đàn măng-đô-lin, nằm dưới xương đòn, đang đỏ rực lên. Gương mặt Tariq chập chờn trên mặt nó. Những lọn tóc quăn đen của Tariq đung đưa làm nhột môi và cằm nó. Nỗi sợ hãi bị bắp gặp. Cả hai không tin mình bạo dạn, can đảm đến thế. Cái khoái lạc lạ kỳ, khó tả hòa lẫn với cái đau. Và ánh mắt, vô vàn những ánh mắt của Tariq: của lo sợ, âu yếm, xin lỗi, xấu hổ, nhưng hơn hết, hơn hết cả, của khao khát.

Sau đó cuống quít, hối hả cài nút áo, thắt giây nịt, lùa tay chải tóc. Rồi hai đứa ngồi bên nhau, tận hưởng mùi hương của nhau, mặt đỏ bừng, cả hai đều choáng váng, cả hai đều không nói nên lời trước sự to gan của việc vừa xảy ra. Của việc hai đứa vừa làm.

Laila nhìn thấy ba giọt máu trên tấm thảm, máu của nó, và hình dung cảnh ba má nó lát nữa đây sẽ ngồi trên cái ghế sa-lông này mà không hề biết về tội lỗi nó đã phạm. Và bây giờ, sự xấu hổ đang dâng tràn, cùng với mặt cảm tội lỗi, trong khi đó trên lầu, cái đồng hồ cứ tiếp tục gõ nhịp to  không chịu nổi. Như cái búa nhỏ của ông tòa cứ đập hoài để lên án nó.

Rồi Tariq nói, “Em đi với anh nhé.”

Laila thoáng tin điều đó có thể thực hiện được. Nó và Tariq, cùng với cha mẹ Tariq, sẽ cùng nhau ra đi. Thu xếp hành lý, leo lên xe buýt, bỏ lại sau lưng tất cả những bạo lực nơi đây, ra đi để tìm  may mắn, hay rắc rối, và mặc chuyện gì sẽ đến, họ sẽ cùng nhau đối phó. Ðể khỏi phải chịu sự cô lập ảm đạm và cảnh cô đơn chết người đang chờ nó. Nó có thể ra đi. Hai đứa có thể ở bên nhau. Sẽ còn nhiều buổi chiều như thế này nữa.

“Anh muốn cưới em, Laila.”

Từ lúc hai đứa nằm dưới đất, bây giờ Laila mới ngước mặt lên tìm ánh mắt Tariq. Nó dò xét nét mặt của Tariq. Lần này không có vẻ gì đùa cợt trong ánh mắt của Tariq, chỉ có sự tin tưởng, ngây thơ nhưng nhiệt thành chân thật.

“Tariq - “
“Cho anh cưới em đi, Laila. Ngay hôm nay. Mình có thể thành hôn ngay hôm nay.”

Anh bắt đầu nói đủ thứ, nào là đi đến một giáo đường Hồi, tìm một giáo sĩ, một cặp nhân chứng, một buổi lễ cưới nhanh gọn.

Trong lúc đó, Laila nghĩ đến má nó, cố chấp và không nhân nhượng, chẳng khác chi các thánh chiến quân hồi giáo, và bầu không khí chung quanh bà xực nức mùi hận thù và tuyệt vọng. Và nó lại nghĩ đến ba nó, người đã đầu hàng má nó từ lâu, một đối thủ buồn bã và thảm hại của má nó.

Ðôi khi…má cảm thấy má chỉ còn có con thôi, Laila.

Hoàn cảnh của má, sự thật không trốn chạy được của má nó là như thế đó.

“Anh sẽ xin chú Hakim cưới em. Thế nào chú ấy cũng bằng lòng, anh biết chắc mà.”

Tariq nói đúng. Ba Laila sẽ bằng lòng. Nhưng lòng ông sẽ tan nát. Tariq vẫn còn nói, giọng cố nén, sau đó cao lên, hết van xin lại dùng lý lẽ; mặt anh đầy hy vọng, rồi lại xìu xuống.

“Em không đi được.” Laila nói.
“Ðừng nói thế. Anh yêu em.”
“Em xin lỗi.”
“Anh yêu em mà.”

Ðã bao lâu rồi nó chờ đợi được nghe Tariq nói những lời này? Ðã bao nhiêu lần nó mơ thấy những lời này được thốt ra? Giờ đây, những lời nói đó rốt cuộc đã được thốt ra, nhưng trong hoàn cảnh sao trớ trêu.

“Em không bỏ ba em được,” Laila nói. “Ba em chỉ còn có em. Tim của ba em cũng sẽ không chịu nổi.”

Tariq biết điều này. Anh biết Laila cũng như anh, không thể gạt bỏ đi những bổn phận của nàng. Nhưng cả hai vẫn tiếp tục, Tariq khẩn cầu còn Laila từ chối, Tariq đề nghị còn Laila xin lỗi, và những giọt nước mắt của cả hai tiếp tục rơi.

Cuối cùng, Laila phải bắt Tariq ra về.

Ra đến cửa, Laila bắt Tariq phải hứa sẽ ra đi mà không được từ biệt. Rồi nó đóng cửa lại, mặc cho Tariq còn đứng đó. Laila đứng tựa lưng vô cửa, run rẩy vì Tariq đấm thình thịch vô cửa, một tay Laila ôm bụng, kia tay bịt miệng, trong khi bên ngoài, Tariq nói vọng vô, hứa sẽ trở lại, sẽ trở lại để đón nó. Laila đứng đó cho tới khi Tariq mệt mỏi bỏ đi, nó lắng tai theo dõi tiếng chân bước so le của Tariq xa dần, cho tới khi không còn nghe gì nữa, ngoài tiếng súng nổ trên đồi và tiếng tim nó nặng nề đập trong lòng, trong mắt, trong xương của nó.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020