SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

VÀI SUY NGHĨ VỀ TUYỂN TẬP 2: THƠ VIỆT Ở ĐỨC

Tôi không bất ngờ lắm, khi nhận được tập 2, Thơ Việt Ở Đức, do Sa Huỳnh và Thế Dũng gửi tặng. Bởi, mấy tháng trước dù đang còn lật khật ở Pleiku, Thế Dũng đã dọa, sắp cho ra lò tuyển tập này. Và cũng từ lâu, tôi chỉ đọc và theo dõi, chứ dường như không còn nhiều hứng thú viết về thơ văn của những tác giả đang sống, và làm việc ở Đức nữa. Vì cái tính hịch toẹt của tôi đôi khi làm không vừa lòng nhau. Khen thì không thể, chê càng bỏ bà nữa. (Một sự kẹt cứng của ngòi bút). Biết là vậy, nhưng đã nhận sách từ Thế Dũng, thì không ít thì nhiều, sớm hay muộn kiểu gì cũng phải viết cho gã. Do vậy, tôi đọc, và viết ngay, bằng không, khó mà Ruhe (yên) trong những ngày giáp Tết này.

Có thể nói, đến tập hai này, Thơ Việt Ở Đức đã có sự thay đổi cả hình thức và nội dung chất lượng khá rõ rệt, nhất là khâu tuyển chọn. Tuy nhiên, cuốn sách nào cũng vậy, dù sàng lọc thật kỹ vẫn có những khiếm khuyết cần bàn. Sách dày 531 trang của 72 tác giả đang sống và làm việc ở Đức. Điều đáng mừng, đã xuất hiện một số tác giả mới, với thơ cộng đồng như vậy, có thể nói, viết khá chắc tay. Tuy nhiên, vẫn thiếu vắng những nhà thơ tài năng, gạo cội xuất thân từ miền Nam, hiện đang cư ngụ ở phía Tây nước Đức, điển hình như: Tùy Anh (Nguyễn Hòa) hay Trần Đan Hà…Tôi nghĩ, đây cũng là một trong thiếu sót của Thế Dũng. Nếu anh gửi lời mời riêng đến từng thi sĩ, thì Thơ Việt Ở Đức chắc chắn sẽ giá trị hơn nhiều. Bởi, những thi sĩ này, Thế Dũng đều quen, hoặc chí ít cũng biết tên tuổi của nhau.

Một điều nữa làm tôi hơi buồn, đó là bài thơ Tình Thu của Phúc Nguyễn (Chemnitz) có câu thơ khá hay và đẹp: “Vời vợi nhớ thương câu ca em thả/ Nửa vầng trăng, khuyết một câu thề.“ Nhưng rất tiếc trong bài còn có những câu: “Chia tay em- chia tay mùa thu/ Anh mang theo nồng nàn nỗi nhớ…“ rất giống lời ca khúc Chia Tay Hoàng Hôn của Thuận Yến, phổ thơ Hoài Vũ, kể cả nhịp thơ: “Chia tay em chia tay hoàng hôn/ Em mang theo về tình yêu và nỗi nhớ…“. Sa Huỳnh, nhất là Thế Dũng, các anh giải thích sao về những câu thơ này? Thật ra, trong văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết) có thể có một, vài câu viết trùng với tác phẩm khác, nhưng thơ thì thật khó có thể chấp nhận. Những bài thơ, ca khúc nổi tiếng này của Hoài Vũ và Thuận Yến, tôi nghĩ, anh Sa Huỳnh cũng như anh Thế Dũng đã đọc và nghe nhiều lần rồi.

Có thể nói, Nguyễn Quốc Hùng (Sonderhausen) là người viết đa năng. Lúc tôi thấy anh quần đùi, áo vắt, nhầy nhầy với cái món thơ rựa mận tự châm, tự trào. Khi thấy anh quần ly áo xếp với phong cách nhẹ nhàng gửi tình yêu và nỗi nhớ về miền ký ức xa xôi nào đó. Lần này, Nguyễn Quốc Hùng đóng góp cho tuyển tập 5 bài. Đã đọc Nguyễn Quốc Hùng khá nhiều, nên tôi nghĩ, đây chưa phải là những bài thơ hay của anh. Tuy nhiên, Hà Nội tình yêu và nỗi nhớ đã đi vào giấc mơ, để anh tan vào Hà Nội, hay Hà Nội đang hóa vào trong anh: “Lang thang phố cho hồn tôi tan chảy/ Mặt hồ Gươm xanh mỗi độ thu về“( Nhớ Thu Hà Nội). Vâng! Những câu thơ hay, và đẹp của Nguyễn Quốc Hùng, tôi thường bắt gặp ở những bài về Hà Nội, nơi mà anh sinh ra và lớn lên. Để rồi, khi trở về, tất cả đều trở nên xa lạ, và đường phố đã thay tên, cho anh một chút bâng khuâng, với những hoài niệm đã xa vời vời. Và một chút bâng khuâng ấy hóa vào trong thơ, tuy nhẹ nhàng thôi cũng đủ làm cho người đọc phải tiếc nuối, nghẹn ngào: “Đường phố cũ năm nào nay đã thay tên/ Cây hoàng lan vẫn tỏa hương thơm ngát“ (Bâng khâng Hà Nội)

Và khác với sự tan chảy của Nguyễn Quốc Hùng, nỗi nhớ quê, nhớ Hà Nội của nhà thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz) cuộn lại, có vẻ cồn cào và mãnh liệt lắm. Vâng, tĩnh và động, cùng tâm trạng, song thủ pháp nghệ thuật sử dụng, bộc lộ tình cảm của hai thi sĩ hoàn toàn khác nhau. Thật vậy, với hai động từ, cuộn và vỗ trong bài Bước Vào Thu, Bùi Nguyệt đã cho người đọc thấy, và đồng cảm với tâm trạng ấy của chị. Bùi Nguyệt là một trong những thi sĩ hàng đầu của cộng đồng người Việt ở Đức. Ngoài tài năng, chị còn chịu khó tìm tòi đổi mới thi pháp sáng tạo, thể hiện. Sáu bài thơ của chị trong tuyển tập này, cũng như mang đến một phần diện mạo thơ người Việt ở Đức vậy. Và những hình tượng ẩn dụ dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:

“ Nơi quê nhà nay đã vào thu
Hương hoa sữa lan đến từng hơi thở
Sóng Tây Hồ cuộn những chiều lộng gió
Cứ chập chờn vỗ vào giấc chiêm bao“
(Bước Vào Thu)

Cùng mạch thơ về mẹ và tình yêu quê hương, Thanh Giang (Berlin) có bài thơ Thân Phận Chim Đa Đa rất hay. Có lẽ, đây là lần đầu tôi đọc thơ của tác giả này. Sáu bài được tuyển chọn của chị đều hay, so với mặt bằng chung của thi tập. Và nếu được phép chọn vương miện cho tập thơ này, thì Cảm Xúc Tìm Về và Thân Phận Chim Đa Đa hai bài thơ của chị, nằm trong số những bài thơ mà tôi nghĩ đến. Có thể nói, Thân Phận Chim Đa Đa không chỉ là một bài thơ hay, mà còn có tính đặc biệt, bởi âm hưởng của dân ca, ca dao Nam Bộ. Nó góp phần làm mới, phong phú và sinh động cho diện mạo Thơ người Việt ở Đức. Dường như, tác giả đã hóa mình vào đa đa, hay mượn tiếng khóc, tiếng kêu than của loài chim ấy, nói về thân phận của những kẻ xa phương cầu thực (nơi xứ người) như chúng tôi. Ngoài từ ngữ sáng và đẹp, ta có thể thấy tài năng nghệ thuật sử dụng láy từ, tạo ra hình ảnh có chiều sâu về khoảng cách, tâm hồn của Thanh Giang. Đây là một trong những bài thơ thất ngôn toàn bích nhất, mà tôi đã được đọc từ các nhà thơ cộng đồng ở Đức:          

“Khắp bể cùng trời kiếp du ca
Lắng động hoàng hôn sóng nhạt nhòa
Tia nắng chiều lắng sâu đáy nước
Mang bóng hình ai xa rất xa

Đã lỡ mang kiếp sống đa đa
Ba chìm bảy nổi một đời hoa
Thu tàn lá rụng không bờ bến
Mơ những chiều buông nắng sông xưa…“

Tôi khuyên, bác nào thần kinh yếu không nên đọc Thymianka Thảo Nguyên, bởi dễ bị ám ảnh, mộng mị, kể cả thơ tình. Thật vậy, đi sâu vào đọc Thymianka Thảo Nguyên, ta có thể thấy, thiên nhiên là đối tượng chính trong thơ của chị. Hay nói một cách chính xác hơn, nhà thơ đã mượn cảnh vật, tĩnh vật để miêu tả, bộc lộ tâm trạng cũng như gửi tâm sự của mình vào đó. Và thơ chị nặng về phần trí, bố cục chặt chẽ, giàu trí tưởng tượng và liên tưởng. Bảy bài trong tuyển tập, chưa phải là những bài thơ hay nhất của chị. Thymianka Thảo Nguyên có bản thảo thơ rất hay cách nay mấy năm tôi đã được đọc. Không hiểu sao đến nay, chưa thấy chị cho xuất bản ra lò.

Nếu ta đọc Nhớ Một Người Khi Nắm Tay Em của Võ Thiên Nga (Dresden, một cây văn xuôi) có thể thấy, tình yêu trong thơ chị có một chút gì đó yếu mềm, mang tính vị tha, thì trong cùng tâm trạng, hoàn cảnh ấy, Thymianka Thảo Nguyên dứt khoát, mạnh mẽ hơn, dù có đớn đau. Thật vậy, nếu thơ Võ Thiên Nga nặng về Cảm, thì thơ Thymianka Thảo Nguyên  nghiêng về phần Trí. Tuy khác nhau như vậy, song với tôi hai bài thơ này nằm trong số những bài thơ tình hay nhất trong thi tập 2, Thơ Việt Ở Đức. Ta hãy đọc hai đọan trích của hai nhà thơ này dưới đây, để so sánh và thấy rõ điều đó:

“Có bao giờ khi nắm tay em
Mà lòng anh nhớ về người khác
Ừ thì có sao đâu
Bình thường thôi chẳng có gì khác lạ
Sao anh phải giả vờ ngó vào mắt em sâu
Đường đời quá dài…mà em thì sợ đớn đau
Nên vẫn muốn… ừ thì anh cứ dối
Miễn là đêm về đừng để em phải đợi
Em sợ đêm dài…
Em sợ tiếng dế kêu!“
(Nhớ Một Người Khi Nắm Tay Em - Võ Thiên Nga)

“Biết là xa nhau trái tim ta sẽ đau
Đau như tự tay cầm dao khứa lên tay mình nhiều vết cứa
Mà sao ta không thể đi bên nhau được nữa
Rã một trời xanh…
Mình xa nhau thật rồi phải không anh
Người yêu hôm nay sẽ trở thành người yêu cũ
Xóa một tên trong đời đâu chỉ xóa đi nỗi nhớ
Đã hằn sâu…
  (Buông- Thymianka Thảo Nguyên  )

Mấy tháng trước, vô tình tôi gặp Hoàng Long (Leipzig) trong một bữa nhậu tân gia của người bạn. Lúc người đã biêng biêng, Hoàng Long đọc cho tôi nghe mấy bài thơ, dường như ở thể ngũ ngôn vừa viết, nghe đã lắm. Do vậy, nhận được tuyển tập 2, Thơ Việt Ở Đức, tôi mở tìm gã để đọc ngay. Đọc mấy bài trong đó có những câu “Thiếu mùi Tết đến, thiếu mùa xuân/ Thiếu cả quê hương, nồi bánh chưng“ (Nỗi niềm Tết xa xứ). Sao lại hịch toẹt đặt cái nồi bánh chưng vào câu thơ thế này? Một sự hẫng hụt của thơ, hay hẫng hụt tâm hồn? Thơ đọc đâu phải chỉ để hiểu, mà còn phải ngẫm. Qủa thực tôi lẩm bẩm, trách Hoàng Long như vậy, rồi định lật trang. Nhưng mắt lại vướng vào bài Chỉ Một Ngày Vắng Em ở mặt sau. Đọc thấy khá hay, và khác quá. Bởi lời thơ đẹp và nhẹ nhàng trong cái tâm trạng trống vắng, hoài mong của tình yêu. Nếu bịt tên tác giả đi, tôi không nghĩ, Chỉ Một Ngày Vắng Em và những bài thơ trên cùng chung một tác giả. Thì ra, gã Hoàng Long có sở trường về ngũ ngôn thơ:   

“Chỉ một ngày vắng em
Mà sầu lên vời vợi
Ngày Đông dài khắc khoải
--
Ngày cũng trở thành đêm
Buông rơi đầy nỗi nhớ …“
(Chỉ một ngày vắng em)

Vẫn mang nỗi nhớ, với những câu hỏi, và biện pháp tu từ so sánh, tác giả Vân Quyên làm cho tôi đang ngồi trong phòng ấm, mà lạnh buốt cả người. Thì ra, cái lạnh của Vân Quyên làm cho người đọc toát ra từ nội tâm. Có thể nói, bài thơ Chiều Nhớ của Vân Quyên chưa phải là bài thơ hay trong thi tập này. Nhưng những hình ảnh ẩn dụ trong thơ khá đẹp, và sinh động. Do vậy, ta có thể thấy, nếu ở tập 1, Hồng Trang (Berlin) với những câu chúc tụng, mang tính hề chèo: “Ngày Tết em chúc mọi nhà/ Tiền vào như nước, tiền ra như rùa/ Làm ăn thắng lớn, không thua/ Hàng bán giá tốt, hàng mua giá mềm..“ thì đến tập 2 lần này, với Vân Quyên (Berlin), Sa Huỳnh đã sàng lọc, tuyển chọn kỹ càng, sâu sắc hơn nhiều lắm:

“Phải chiều nay gió lạnh không anh?
Cánh rèm thưa đưa chòng chành nỗi nhớ
Phải tại xa em…vần thơ dang dở
Hay tại mây kia níu nắng chẳng rời…“

Ở tập 1, Thu Hà (Cottbus) có những bài thơ hay về tình yêu, đầy tính triết lý của cuộc sống và con người. Đến tập 2 này, dường như chị đã chững lại chăng? Có một bạn thơ cộng đồng đã nói với tôi như vậy. Tuy nhiên, với tôi không hẳn thế, bởi những câu thơ tự sự, mang hình ảnh với tính ẩn dụ ấy, như một lần chờ đợi và mất mát trong lòng nhà thơ, trong lòng người đọc vậy: “ Mà phố ạ sao cứ chờ mãi thế/ Ngày nối ngày có trăm người qua lại/ Ngàn vạn lần đổ bước dài trên phố/ Đã một lần dừng lại bước chân ai?... Đừng đếm lá rơi thay thời gian đợi/ Đừng phố ạ chiều nay trời trở gió/ Lỡ chuyến đò người ấy chẳng qua sông. “ (Này phố cũ sao cứ buồn mãi thế.)

Trước đây vài năm, nhân viết về Hữu Thỉnh với sứ mênh đại đoàn kết dân tộc, tôi có đọc Trương Anh Tú (Frankfurt/M). Tôi nhận thấy, những bài ngắn được gọi là thơ tứ tuyệt, dường như Trương Anh Tú muốn đến với những triết lý của cuộc sống, nhưng thực sự vẫn chưa tới, chưa chín. Nhiều câu từ nhạt nhẽo, sên sến, cũ mèm cho ta cảm giác đã đọc nhiều lần ở đâu đó rồi. Tuy nhiên, đến với Thơ Việt Ở Đức lần này Trương Anh Tú được tuyển chọn 5 bài. Có thể nói, Những Mùa Hoa Anh Nói là một trong những bài thơ ngũ ngôn hay nhất trong thi tập này. Cái tính triết lý nhẹ nhàng ẩn đằng sau con chữ đã đạt đến độ chín, khi anh đi tìm cái giá trị chân thực của tự nhiên và con người. Ta hãy đọc đoạn trích tự sự có lời thơ rất đẹp dưới đây chứng minh cho điều đó:

“ Tôi tìm những bông hoa
Nồng nàn từ đồng nội
Hương được hong từ gió
Sắc được hái từ mây
Cả hoa và cả lá
Từ giọt sương vơi đầy,,,
Tôi yêu những loài hoa
Nhựa căng từ lòng đất
Hương được hong từ gió…
Những bông hoa anh nói
Phải tự trồng anh ơi!“

Vẫn mạch thơ về triết lý cuộc sống, Lương Thị Minh Hồng (Berlin) có bài thơ ngũ ngôn: Thu, khá hay. Tác giả đã mượn cái qui luật tuần hoàn của thiên nhiên, con người để nói lên cái khát vọng của mình. Nếu nói: Tức cảnh sinh tình, (nghĩa là ngắm cảnh tạo ra cảm xúc) thì cả bốn khổ thơ dài, Lương Thị Minh Hồng mới chỉ là những câu thơ tả. Nhưng thật kỳ lạ, hai câu cuối cùng bật ra cảm xúc, và ước nguyện: “Thèm một bàn tay ấm/ Dắt nhau qua mùa Đông…“ bài thơ trở nên tròn trịa đến vậy:

“Con đường dài thẳng tắp
Sẽ đưa ta về đâu?
Trời vẫn xanh khát vọng
Tóc ta đã bạc màu

Thu đong đầy kỷ niệm
Của những ngày Hạ, Xuân
Gió Thu thì thầm nhắc
Mùa Đông sắp tới gần…

Thèm một bàn tay ấm
Dắt nhau qua mùa Đông…“

Có điều đặc biệt, đến tuyển tập 2, thơ viết về đề tài thời sự, xã hội đã khởi sắc. Quê hương đất nước đã được các tác giả đặt lên hàng đầu. Từ mối quan tâm đó, dẫn đến chất lượng và hình thức thơ được nâng lên rõ ràng. Dường như, có nhiều nhà thơ viết về đề tài này. Ta có thể thấy, Duy Hảo (Chemnitz) với Uất ức biển ta ơi. Một bài thơ như một tiếng kêu thét căm hờn của những người lính, của những oan hồn, hay của cả một dân tộc trước nỗi đau khi biển đảo mất dần vào tay ngoại bang: “ Hoàng sa đó đã vào tay lũ giặc/ Trường sa kia máu đổ tháng năm dàiBao thân xác nằm phơi lòng biển cảNhững oan hồn thống thiết gọi tên ai“. Có bài thơ của Trương Thị Hoa Lài (Rostock) trước đây đọc tôi đã phải bỏ nửa chừng. Nhưng gần đây, chị viết về mảng xã hội, con người, đọc cho ta cảm giác khác hẳn. Đến với bài thơ Gánh Đời, lời thơ của chị đằm thắm, và sâu lắng hơn. Tuy còn một số câu, từ cũ và chưa lọc kỹ, nhưng tôi nghĩ, Gánh Đời là một trong những bài thơ hay viết về mảng thời sự, xã hội:

“…Mẹ gánh chiều họng cháy đắng khát khô
Chân nứt nẻ lội sông hồ kiếm sống
Dõi mắt về một phương trời vô vọng
Biết bao giờ mới thoát cảnh lầm than??
Tổ quốc mình từng tất đất kêu van
Trên bờ biển thuyền úp giàn bỏ chuyến
Sóng không còn thì thầm ngàn câu chuyện
Đại dương xa đau đáu ngóng cánh buồm!“

Gần đây, viết về thế sự, xã hội phải nói Sa Huỳnh rất chắc tay. Dường như, những biến cố gì xảy ra trên quê hương đất nước, hay nơi đang cư ngụ, anh đều có thơ. Sự đồng cảm ấy, đã cho anh nghị lực viết. Và để anh đứng về lẽ phải, đứng về những người dân thấp cổ bé họng. Khóc nữa đi các quan là bài như vậy của Sa Huỳnh. Có thể nói, đây là bài thơ thế sự hay, xúc động nhất của anh:  

“Khóc nữa đi các quan...
Những ruộng đất, chung cư, biệt phủ
Những sân vườn, phố Mỹ, phố Tây
Không chỗ trọ cho thân người bé nhỏ
Đang trôi đi trên sông chết, biển tàn
Cuốn về phía mặt trời mờ thoi thóp
Những hình nhân sống tạm cõi trăm năm…“


Chưa bao giờ tôi thấy Thế Dũng thẳng thắn và can đảm như thời gian này. Không chỉ có trong thơ, mà trong văn, trong cuộc sống của anh cũng vậy. Có thể nói, anh là (một trong những) linh hồn của tuyển tập 2, Thơ Người Việt Ở Đức này. Bảy bài thơ của anh như bảy mũi tên xuyên thấu đích. Nhưng Trì Hoãn Mãi Cũng Phải Đến Giờ Đối Mặt, tôi nghĩ, là bài thơ hoàn bích nhất của anh. Ngoài tài năng thi pháp, nghệ thuật, ta có thể thấy sự phẫn nộ đã lên đến đỉnh điểm, Thế Dũng điểm mặt chỉ tên rõ ràng những kẻ lưu manh, phản quốc. Đây là một bài thơ có tính thời sự hay nhất, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây:

“ Lặng thinh mãi để bùng cơn thịnh nộ
Mạt tướng nào ra lệnh súng phải câm
Bọn phản quốc chẳng thể nào giấu mặt
Đừng ăn mày ăn nhặt máu nhân dân“

Nối tiếp cái chí khí của Thế Dũng, ta có thể thấy sự can trường, dám hy sinh, dám đi đến tận cùng của Lê Thị Thanh Bình (Dresden). Vâng! Cả cuộc đời chị dường như chỉ đi tìm sự thật, và hướng con người đến cái tính chân thiện. Nghĩa khí, cái tính không khoan nhượng ấy, đã được chị đưa vào cả trong văn thơ của mình: “Thà một lần tôi chết/ Cho dân tộc trường/ Hơn trăm năm sống nhục/ Hại muôn đời cháu con“ (Tôi thề).

Có thể nói, so với tập 1, tuyển tập 2 Thơ Người Việt Ở Đức đã bước tiến dài về mọi mặt. Tuy nhiên, vẫn còn những hạt sạn cần phải loại bỏ khi tuyển chọn, biên tập. Bởi, ngoài những bài thơ kém chất lượng, còn nhiều câu từ tối nghĩa cần bàn tay của biên tập. Ta có thể thấy, Hằng Nguyễn một cây bút khá quen thuộc của cộng đồng, trong bài Hà Thành còn mưa không anh, có câu: “ Gió cuồng phong thổi phần phật bên hiên“. Dường như, khi viết tác giả đã quên mất từ Hán Việt Phong cũng là gió này. Do vậy, câu thơ trên nên bỏ một trong hai từ phong hoặc gió…

Nêu ra một vài hạt sạn như vậy, mong những tập sách tiếp theo, tuyển chọn, biên tập kỹ càng hơn nữa. Xin cảm ơn Anh chị Sa Huỳnh và anh Thế Dũng đã gửi tặng sách cho tôi.   

Và vẫn như tập 1, Thơ Việt Ở Đức tập 2 này, tôi đọc và viết trong một tuần, vào những lúc vắng khách, trên Theke (bia) nơi tôi làm việc. Đọc nhanh, viết vội như vậy, có lẽ còn nhiều tác giả, và những điều chưa thể giãi bày hết, hoặc còn tơ lơ mơ, không đúng. Do vậy, còn cần lắm những cây viết khác bổ sung cho thật đầy đủ. Hy vọng những tập tiếp theo sẽ chất lượng, hoàn hảo hơn, như lời nhà thơ Thế Dũng.

Leipzig ngày 15-1- 2019
Đỗ Trường

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020