SỐ 86 - THÁNG 4 NĂM 2020

 

CƠM KHÁCH

Cơm khách nội bộ là bữa cơm trưa tại cơ quan giữa cán bự của Bộ, Ban Kiến Thiết với đơn vị Thi Công ký hợp đồng xây cất cơ sở hạ tầng cho công trình mở rộng Nhà Máy do Pháp viện trợ không bồi hoàn.

Khi nào có quan lớn Hà Nội vào Nam làm việc với phái đoàn Pháp mâm cơm khách được di dời ra phố thị, xếp trong Nam chọn nhà hàng bảnh để cán cuốc tập tành học ăn học chơi theo kiểu Tây.

Cuối thập niên 70 Sàigòn có vài khách sạn sống sót sau trận hồng thủy 30 tháng 4, Ban Kiến Thiết chọn Caravelle và Palace có nhà hàng trên sân thượng thực đơn Tây Ta đúng điệu nhà hàng cao cấp.
1
Tôi tháp tùng mấy xếp vì nghiệp vụ (nhiệm vụ) đúng nghĩa đen và kiêm thêm vai tiếp viên khi xếp cán hỏi món ni ăn với bánh mì hay nui (mì ý), nghề tay trái của tôi lúc này thật thú vị.

Kéo ghế an tọa chủ khách mời nhau tự chọn món khai vị từ khay bánh mì cắt lát, hai miếng bơ lạ và bơ mặn, dĩa thịt nguội jambon, saucisse, chai nước chấm Maggie, hủ mù tạc (moutarde), muối tiêu…

Nhân viên phục vụ mang ra bàn mấy lon bia và rượu, xếp cán dùng bia, chuyên gia rót cho tôi 1 ly đỏ rồi tự châm cho mình, cả bàn nâng ly dô một cú rồi chúng ta bắt đầu câu chuyện công trường.

Vừa nói vừa thưởng thức, buổi họp chỉ là cái cớ để cán bộ tiếp cận đặc sản Tây, tôi từng được bố mẹ dẫn đi nhà hàng Continental, Caravelle, Majestic, Chez Albert, tàu Mỹ Cảnh…trước năm 75 nên những thứ này không lạ với tôi.

Thấy tôi nhâm nhi ly đỏ xếp của tôi cũng làm một ly rượu Tây, sau vài ngụm xếp khen ngon, tôi nói, rượu này nhẹ hơn Đế Gò Đen quốc lũi của Ta nhiều.

Phút đầu bỡ ngỡ xếp thử miếng bánh mì bơ, vài lát thịt nguội với rượu đỏ, trét thử mù tạt vào bánh mì xếp gật gù tỏ vẻ ưng ý, tôi bắt chước thử bánh mì moutarde cho biết với người ta, lạ miệng không đến nỗi tệ.

Sau vài lần ăn cơm khách ngoài phố xếp rành sáu món ăn chơi của Tây nên kết dĩa thịt bò Beefsteak với khoai tây chiên (frites, French fries), chuyên gia Tây ăn đủ thứ, thỏ hầm rượu, tôm cua, cá chiên sốt…

Cán Hà Nội cứ theo xếp Sàigòn mà chọn món, ăn uống thả dàn, cơm no rượu lâng lâng cán trong ni hay xếp ngoài nớ mạnh ai nấy phát biểu nặc mùi vô sản với men rượu bia đang nhảy đầm tưng bừng.

Tôi ớn nhất mấy câu khẩu hiệu rởm «Tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa CS», thấy tôi cười cười từ tốn trả bài học thuộc lòng, khẩu hiệu cũ xì ông Tây biết tôi đang chán đời với mớ sáo ngữ rỗng tuếch.

Miệng khen chế độ CS mà cán bự, cán trung trung đang hưởng thụ thức ăn của bọn tư sản dẫy mãi vẫn sống nhăn răng mới ác, may là cán chưa xỉn đến độ nói bừa mấy câu tủ «bọn tư sản bóc lột công nhân».

Có lần cán hỏi anh phục vụ khách sạn có hột vịt lộn không, anh nói người ngoại quốc sợ thứ này lắm, cán tiu nghỉu nâng ly bia mắt nhìn xa xăm, may mà xếp chưa hỏi thịt cầy.

Vậy mà thầy Tây tò mò hỏi tôi :

- Anh phục vụ nói chi mà cán ủ dột rứa ?
- Thì cán bộ đòi thứ đặc sản của dân bản địa ý mà.

Nói như rứa mà thầy cũng chưa hết tò mò, tiếp tục thắc mắc :

- Món chi mà chỉ dành riêng cho quý vị, chúng tôi không thể ăn ?
- Món độc…lạ rất VN, khó ăn lắm.

Tôi vòng vò như rứa mà thầy vẫn chưa hài lòng, hạ giọng :

- Bà nói thử xem món đó lạ ra sao.
- Ông biết trứng vịt chứ ?
- Rồi sao, trứng sẽ nở ra vịt con, có gì lạ ?
- Lạ ở chỗ trứng sắp nở được luộc chính để thưởng thức với rau râm muối tiêu, ông muốn thử không ?

Thầy trợn mắt, lắc đầu le lưỡi :

- Trong trứng có con vịt nhỏ ?

2Tôi gật đầu, cười thầm, cho bỏ cái tật tò mò quá trớn, từ đó thầy hiểu khi nào tôi không dịch mấy mẫu đối thoại giữa cán cuốc có nghĩa là chuyện riêng tư lạ lẫm không liên quan đến công trình thầy đang giám sát.

Luật của công an TP HCM, công dân VN không có quyền nói chuyện riêng với người nước ngoài (ngoại quốc), phiên dịch (thông dịch) mỗi lần làm việc với chuyên gia phải có người thứ ba đứng đó «nhòm ngó» như dịch cho chuyên gia trao đổi với xếp cán, với KS làm việc tại công trường …

Ai cả gan nói chuyện tay đôi với Tây liệu hồn CA trong nhà máy kêu lên hạch tội như chơi, vì vậy cuối tuần đám thông dịch chúng tôi đi phố né khách sạn Palace (bị đổi tên Hữu Nghị) nơi mấy thầy Tây cư trú nếu không muốn bị CA thành phố mời lên làm việc cho biết đời dân ngụy.

Cơm khách ở Caravelle hay Palace không có công an vì toàn xếp bự trong Nam tái ngộ lãnh đạo ngoài Bắc tỳ tỳ tâm tình chuyện đảng điếc của họ.

Thầy Tây chả biết làm răng bèn hỏi tôi tung tích nhà hàng, tôi đùa :

- Tàn dư chế độ thực dân của mấy ông đó, bị CS lên án nhưng cán nào cũng thích vào đây hưởng đời.

Thầy nói :

- Thật thế à ?
- Không thật là gì, cán được vào đây là một biệt lệ vì ở đây chỉ dành cho cán cộng và khách ngoại quốc,  sau nhiều năm ở rừng Trường Sơn ăn măng và chơi với khỉ, bây giờ cán mới ăn chơi đúng điệu tư bản đấy.

Thầy Tây cười sặc sụa :

- Bà dám mỉa mai xếp mà không sợ bị đuổi ?
- Tôi tin ông không nỡ tố cáo công an tôi nhạo báng CS.

Thầy gật đầu, cụng ly với tôi, cán bự đang vui vẻ nâng ly với nhau dù chuyện của họ không giống chuyện phiếm của tôi nhưng không khí rất thoải mái vì cán và chuyên gia đến đây ăn thiệt làm chơi.

Chuyện công trình bàn lấy lệ vì hợp đồng kinh tế được ký từ lâu, cán Hà Nội vào đây đi «tư tác» mua sắm những thứ ngoài kia chưa có nên không khí bốc men bia, rượu Tây thật thoải mái.

Có lần một KS trẻ du học Liên Xô cùng phòng kỹ thuật với tôi tháp tùng phái đoàn, thường ngày KS không được giao du với Tây, bữa nay hắn tranh thủ nói chuyện với chuyên gia trong lúc chờ đoàn Hà Nội.

Tôi vừa đứng lên đến quầy rượu bên cạnh lấy thêm bánh mì, ông kẹ KS nhào vào ghế của tôi cạnh thầy Tây líu lo «giao lưu» cái chi trời biết, nhìn mặt thầy Tây ngớ ra tôi hiểu «ngôn ngữ bất đồng», mạnh ai nấy giữ hồn mình.

Bị mất ghế tôi sung sướng trốn việc đứng ỳ tại chỗ tán dóc với nhân viên quầy rượu đến lúc khách Hà Nội vào tôi không hề hay biết trong lúc ông kẹ KS tíu tít với ông Tây làm cán Hà Nội tưởng hắn là thông dịch.

Cán bự tằng hắng lên tiếng bằng một «đít cua» (diễn văn) ngắn, KS đỏ mặt đứng lên quay quắt tìm tôi, tôi nín cười đứng tại chỗ không nhúc nhích.

Thầy Tây quay sang tôi, nói :

- Mời bà đến đây làm việc.

Cán Hà Nội trố mắt nhìn tôi nói :

- Thì ra đồng chí là thông dịch, thảo nào !

Cán ngưng ngang xương, tôi đỡ đạn hộ kỹ sãi Liên Xô :

- Tôi hay KS đều nói được tiếng Pháp, tại anh ấy ngại đấy thôi.

Từ đó mỗi lần đi dùng cơm khách ngoài khách sạn thầy Tây hay đùa như ri :

- Bà cứ đi ta bà ở quầy rượu tùy thích nhưng chớ quên nhiệm vụ.

Giời ạ không biết thầy Tây học ở đâu khẩu hiệu của đảng «Vui Xuân chớ Quên Nhiệm vụ», câu thần chú chúc Tết hay mừng đám cưới đôi uyên ương chỉ có độc nhất thời bình của xứ VN cộng sản.

Chán đời nhất khi cán bự Hà Nội sau khi trao đổi ba điều bốn chuyện diễn tiến công trình cho có lệ không quên ca ngợi đàn anh Liên Xô, Trung Cộng, Đông Đức… chế độ CS ưu việt nhất hành tinh.

Thầy Tây nghe lấy lệ chứ không lạ thế giới CS, tôi dịch muốn mắc dịch loại ngôn ngữ nặc mùi hoang tưởng của bọn quan chức tham lam miệng hô hào vô sản tay gom tài sản quốc gia làm giàu cho riêng họ.

Không ưa, không thích vixi (việt cộng) dù phải chung sống làm việc với họ hơn mười năm tôi vẫn có kỷ niệm đẹp với đồng nghiệp trẻ từ Bắc vô Nam kiếm sống có lòng tự trọng sống tử tế thật thà, họ ngầm mến mộ chế độ VNCH nên rất thân thiện với tôi.

Nghề thông dịch đầu đời tôi ngỡ sẽ là cái nghiệp cho đến cuối đời, nào ngờ một biến cố lớn không thua năm 75 đã đưa tôi thoát khỏi chế độ CS, giống như tiệc cơm khách tại khách sạn Caravelle hay Palace đến rồi đi và chấm dứt khi công trình viện trợ của Pháp hoàn tất.

Tháng tư lại về với bao kỷ niệm cười ra nước mắt dạo xếp cán cuốc của tôi tiếp xúc thế giới văn minh trông họ ngọng nghịu đến tội nghiệp, không khác mấy lãnh đạo CSVN bây giờ «hồ hởi, phấn khởi» tuyên bố tuyên mẹ - MAZE IN VN. 

Avril 2020 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020