SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Phần Ba
Chương 27

Mariam

“Em biết tôi là ai không?”Ðôi mắt con nhỏ rung động.
“Em có biết chuyện gì đã xảy ra không?”
Miệng con nhỏ mấp mấy. Con nhỏ nhắm mắt lại. Nuốt xuống. Bàn tay đưa lên sờ má trái. Môi  mấp máy điều gì.
Mariam cúi xuống gần hơn.
“Tai này,” con nhỏ thều thào. “Tôi không nghe được.”

Tuần lễ đầu, con nhỏ chỉ ngủ, nhờ mấy viên thuốc màu hồng Rasheed mua ở bệnh viện. Trong giấc ngủ, con nhỏ nói thì thầm. Có đôi khi nó nói chẳng có đầu đuôi, nó hét lên, nó kêu tên những người Mariam không hề biết. Trong giấc ngủ nó khóc, rồi vùng vẫy, đá tung chăn, khiến Mariam phải giữ nó  lại. Ðôi khi nó ụa dữ dội rồi ói thốc, ói tháo tất cả đồ ăn Mariam đã đút cho nó.

Những khi con nhỏ nằm yên, dưới tấm chăn chỉ còn thấy đôi mắt ủ rũ nhìn trừng trừng, và những câu ngắn thều thào trả lời những câu hỏi của Mariam và Rasheed. Có những hôm con nhỏ như đứa con nít, quay đầu tránh né khi Mariam, rồi Rasheed cố đút nó ăn. Hễ thấy Mariam cầm cái muỗng đi tới là người nó cứng lên. Tuy nhiên nó mau mệt, và cuối cùng phải chịu thuần phục sự nài ép dai dẳng của Mariam và Rasheed. Sau mỗi lần đầu hàng, nó khóc thật lâu.

Rasheed biểu Mariam bôi dầu kháng sinh lên các vết cắt trên mặt và cổ con nhỏ, và trên các vết thương sâu đã được khâu lại trên vai, trên hai cánh tay và phần dưới hai chân của nó. Mariam băng bó các vết thương này bằng băng mà nàng giặt và tái xử dụng. Nàng giữ tóc con nhỏ ra phía sau để  khỏi lòa xòa trên mặt mổi khi nó ói.

“Nó ở đây bao lâu?” Mariam hỏi Rasheed.
“Tới khi nào nó khỏe. Nhìn kìa. Nó đi đâu có nổi. Tội nghiệp.”

Chính Rasheed là người đã tìm thấy con nhỏ, là người đã đào bới đống gạch đá đổ nát để đem nó ra.

“Cũng may tôi có mặt ở nhà,” y nói với con nhỏ. Y ngồi trên chiếc ghế xếp đặt bên cạnh giường của Mariam, nơi con nhỏ đang nằm.

“May cho em đó. Chính tay tôi bới em ra. Có một miếng sắt vụn, bự cỡ này nè –”  Nói tới đây, y dang ngón cái và ngón trỏ ra ít nhất gấp đôi kích thước thực sự, theo sự đánh giá của Mariam, cho con nhỏ thấy. “Bự cỡ này. Cấm đúng vô vai em. Ðâm lút vô. Tưởng phải dùng kìm mới lấy ra được. Nhưng em đỡ rồi. Chẳng bao lâu nữa, em sẽ phục hồi lại như xưa.”

Chính Rasheed đã cứu được một ít sách của Hakim.
“Phần lớn đã ra tro. Còn lại bị người ta lấy mất hết rồi.”

Y phụ Mariam theo dõi con nhỏ trong tuần lễ đầu đó. Có hôm, y đi làm về mang theo cái chăn và gối mới. Hôm khác, một lọ thuốc.
“Thuốc bổ,” y bảo.

Chính Rasheed là người báo cho Laila biết tin nhà của Tariq đang bị chiếm đóng.
“Quà tặng,” y nói. “Của một trong những người chỉ huy của nhóm Sayyaf cho ba tên thuộc hạ của hắn. Một món quà. Ha!”

Ba tên thuộc hạ thực ra là những đứa con nít với gương mặt non choẹt rám nắng. Lần nào đi ngang qua, Mariam cũng nhìn thấy chúng mặc quần áo lính, ngồi xổm trước cửa nhà Tariq, chơi bài và hút thuốc, súng dựng vô tường. Tên có tướng người vạm vỡ và thái độ tự mãn, khinh khỉnh là trưởng nhóm. Tên trẻ nhất cũng là người im lặng nhất, có vẻ miễn cưỡng không muốn ra vẻ ngang tàng như đồng bọn. Tên này hay mỉm cười và nghiêng đầu chào mỗi khi Mariam đi ngang qua. Khi làm thế, vẻ ngạo mạn bề ngoài của tên đó biến mất và Mariam bắt gặp một ánh mắt khiêm nhường chưa bị biến chất.

Rồi một hôm, đạn pháo kích trúng ngay căn nhà. Người ta đồn do nhóm thiểu số Hazaras của Wahdat bắn. Mãi lâu sau, hàng xóm còn tìm thấy những mảnh vụn thân thể của ba tên này.

“Ðáng đời,” Rasheed bảo.

Con nhỏ may mắn kinh khủng, Mariam nghĩ, mới thoát chết mà chỉ bị thương nhẹ như thế, trong khi đạn pháo kích phá tan căn nhà. Và như thế, dần dần con nhỏ hồi phục lại. Nó bắt đầu ăn nhiều hơn, bắt đầu tự chải tóc. Nó tự tắm. Nó bắt đầu ăn cơm dưới nhà với Mariam và Rasheed.

Nhưng rồi ký ức không mời cũng trở lại, và con nhỏ có những lúc lặng im nặng nề và thật khó chịu. Nó  co rút lại và suy sụp hoàn toàn. Ánh mắt ngây dại. Những cơn ác mộng và những cơn buồn tuyệt vọng bất ngờ ập đến. Uạ mửa. Và đôi khi hối hận.

“Ðáng lẽ em không có quyền được sống,” một hôm con nhỏ nói. Mariam đang thay ra giường. Con nhỏ ngồi dưới đất đưa mắt nhìn theo dõi, ôm hai đầu gối thâm tím vô ngực.

“Ba em muốn đem mấy cái thùng ra ngoài sân. Sách. Ba nói nặng lắm, nhưng em không nghe. Tại em,  em nôn quá. Ðáng lẽ em phải là người ở trong nhà lúc pháo trúng.”

Mariam giũ mạnh tấm ra giường và trải xuống. Nàng đưa mắt nhìn con nhỏ, những lọn tóc quăn vàng óng ả, cái cổ mảnh mai và đôi mắt màu ngọc thạch, gò má cao và đôi môi đầy đặn của nó. Mariam nhớ đã nhìn thấy con nhỏ ngoài đường lúc nó còn nhỏ lẽo đẽo theo mẹ đến lò nướng, hay được người anh có nhúm lông trong tai cõng trên vai. Bắn bi với thằng nhỏ, con người thợ mộc.

Con nhỏ quay đầu nhìn Mariam như thể chờ đợi nàng tiếp cho chút khôn ngoan, hay nói lời khích lệ nào đó. Nhưng Mariam có gì khôn ngoan để chia xẻ? Khích lệ như thế nào? Mariam nhớ lại cái ngày chôn mẹ nàng, những lời trích dẫn kinh Koran của ông thầy già Mullah Faizullah đã chẳng an ủi được nàng. Ðáng kính thay Người là kẻ có quyền toàn năng, Người là kẻ quyền uy trên mọi vật, Người tạo cái chết và sự sống để thử thách chúng ta. Hay khi Người phán ai có tội. Những ý nghĩ đó chẳng ích lợi gì, Mariam ạ, chỉ hại con thôi. Ðó không phải lỗi tại con. Không phải lỗi tại con.

Nàng biết nói gì để giảm bớt gánh nặng cho con nhỏ? Nhưng Mariam chẳng kịp nói gì. Bởi vì mặt con nhỏ đã nhăn nhúm lại và nó bò ra đất, nói nó sắp ói.

“Khoan đã! chờ đã. Ðể lấy cái nồi. Ðừng ói ra nhà. Tôi mới lau… Ôi Trời ơi.”

Rồi một hôm, chừng một tháng sau vụ nổ giết chết cha mẹ con nhỏ, có người đàn ông đến gõ cửa. Mariam ra mở. Ồng ta trình bày lý do.

“Có người đàn ông đến tìm em,” Mariam bảo.

Con nhỏ nhấc đầu lên khỏi gối nằm.

“Ông ta nói tên là Abdul Sharif.”
“Em không quen ai tên Abdul Sharif.”
“Ông ta đến, hỏi tên em. Em phải xuống nhà để nói chuyện với ông ta.”

Chương 28

Laila

Laila ngồi đối diện với Abdul Sharif, một gã đàn ông gầy, đầu nhỏ, mũi to lồi đầy thẹo rỗ cũng như hai gò má. Mái tóc nâu ngắn của gã lỏm chỏm như kim trên gối găm kim.

“Cô thứ lỗi cho tôi,” gã nói, vừa chỉnh lại cổ áo và đưa khăn tay lên chậm trán. “Tôi đã bình phục hẳn đâu. Còn phải uống thuốc năm ngày nữa, thuốc gì nhỉ … trụ sinh.”

Laila sửa thế ngồi sao cho tai phải của nó, cái tai tốt, gần gã nhất. “Bác có phải là bạn của ba má cháu không?”

“Không, không,” Abdul Sharif vội vàng nói. “Xin lỗi.” Gã dơ một ngón tay lên, nhấp một ngụm nước lớn từ cái ly Mariam đặt trước mặt gã.

“Có lẽ tôi phải kể từ đầu.” Gã thấm thấm môi, rồi lại chậm trán. Tôi là thương gia. Tôi có mấy tiệm bán quần áo, phần lớn quần áo đàn ông. Áo choàng, nón, áo dài, đồ vét, cà vạt – gì cũng có. Hai tiệm ở Kabul này, khu Taimani và khu Shar-e-Nau, mà tôi mới bán. Hai tiệm ở Peshawar bên Pakistan. Kho hàng của tôi cũng ở bên đó. Vì vậy, tôi đi lại rất nhiều. Mà trong thời kỳ này” – gã lắc đầu và cười một cách mệt mỏi – “phải nói là cả một sự mạo hiểm.”

“Gần đây tôi có việc phải đến Peshawar, để lấy đơn đặt hàng, kiểm hàng tồn kho, đại loại mấy việc đó. Và cũng để thăm gia đình. Chúng tôi có ba đứa con gái. Tôi cho vợ tôi với ba đứa con qua Peshawar sống, sau khi quân Thánh chiến bắt đầu xâu xé nhau. Tôi không muốn tên của vợ con tôi được ghi thêm vô danh sách những người chết. Cả tên tôi nữa, nói thật. Chẳng bao lâu nữa, nều trời thương, tôi cũng sẽ qua đó sống với gia đình tôi.”

“Tóm lại, đáng lẽ tôi phải trở lại Kabul vào ngày thứ tư cách đây hai tuần. Nhưng may mắn thay, tôi bị bệnh. Tôi không muốn nói dài dòng làm phiền cô, chỉ cần nói là mỗi khi tôi phải làm việc cá nhân ấy, cái việc đơn giản trong hai việc đó, thì cảm thấy như qua miểng kiếng vậy. Thật chẳng cầu cho ai bị như vậy. Nadia, vợ tôi, Allah che chở cho cô ấy, khẩn cầu tôi đi bác sĩ. Nhưng mà tôi  nghĩ mình có thể tự trị bằng thuốc aspirin và uống thật nhiều nước. Nadia khẩn khoản, còn tôi nói không, cứ thế dằng co qua lại. Người ta thường nói một con lừa cứng đầu cần một người lái cứng cổ. Lần này thì con lừa thắng. Tức là tôi thắng.”

Gã uống hết phần nước còn lại và đưa cái ly về phía Mariam. “Cảm phiền cô.”
Mariam cầm lấy ly đi rót nước.

“Chẳng cần phải nói, đáng lẽ tôi phải nghe lời vợ tôi. Cô ấy lúc nào cũng là người khôn ngoan hơn, lạy Trời ban cho cô ấy cuộc sống lâu dài. Bởi khi tôi tới bệnh viện thì lúc đó tôi đã sốt rất cao và run như cây trước gió. Tôi không còn đứng nổi. Bác sĩ nói tôi bị nhiễm trùng huyết. Bà ta nói chỉ hai, ba ngày nữa thôi là tôi đã biến vợ tôi thành quả phụ.

“Họ đưa tôi vô phòng đặc biệt dành riêng cho người bệnh nặng. Ồ, cám ơn.”  Gã nhận ly nước từ tay Mariam rồi lấy trong túi áo khoác ra một viên thuốc to màu trắng. “Thuốc gì mà to thế.”

Lailla nhìn gã nuốt viên thuốc. Nó nhận ra hơi thở của nó đã nhanh lên. Nó cảm thấy hai chân nặng trĩu, như có cột tạ. Nó tự nhủ gã đàn ông chưa kể xong câu chuyện, gã nào đã kể gì đâu. Nhưng một giây nữa thôi, gã sẽ tiếp tục, và phải cố gắng lắm nó mới không đứng dậy bỏ đi, bỏ đi trước khi gã kể những điều mà nó không muốn nghe.

Abdul Sharif đặt cái ly lên bàn.

“Chính tại nơi đó, tôi gặp bạn của cô, Mohammad Tariq Walizai.”

Tim Laila đập dồn dập. Tariq nằm nhà thương? Phòng đặt biệt? Cho người bệnh nặng?

Nó nuốt nước bọt khô. Nhấp nhỏm trên ghế. Nó phải gồng mình để giữ cho đầu óc khỏi phát loạn. Nó chuyển hướng suy nghĩ từ nhà thương và phòng đặc biệt qua việc đã lâu nó không còn nghe ai kêu nguyên cả tên họ của Tariq như thế, kể từ cái ngày hai đứa ghi tên học khóa tiếng Ba tư vào mùa đông cách nay đã lâu. Ngày đó, sau chuông reo, cô giáo thường gọi tên điểm danh và cô xướng tên của Tariq giống y như thế – Mohammad Tariq Walizai. Hồi đó, Laila thấy sao khôi hài và hợm hĩnh.

“Những gì đã xảy ra cho cậu ấy, tôi được nghe một cô y tá kể,”

Abdul Sharif nói tiếp, nắm tay vỗ nhẹ lên ngực như để cho viên thuốc trôi xuống.

“Ở Peshawar lâu ngày, tôi đã trở nên khá thông thạo tiếng Urdu (chú thích: ngôn ngữ chính của Pakistan). Dù sao, tin tức tôi thu thập được là người bạn của cô lúc đó ở trong chiếc xe tải chở đầy người tỵ nạn, hai mươi ba người tất cả, đang trên đường đến Peshawar. Ðến gần biên giới, họ bị kẹt giữa hai làn đạn. Một đạn pháo trúng ngay chiếc xe tải. Chắc có lẽ pháo lạc, mà cũng không thể nào biết được mấy nhóm đó. Chỉ có sáu người sống sót, cả sáu người đều được đưa vô cùng một phòng trong bệnh viện. Ba người đã qua đời trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Hai người còn sống, theo tôi hiểu, và đã xuất viện. Bạn của cô, cậu Walizai, là người chót. Cậu ấy đã ở bệnh viện gần ba tuần lúc tôi nhập viện.”

Như vậy Tariq còn sống. Nhưng bị thương có nặng không? Laila điên cuồng tự hỏi. Có nặng lắm không? Hiển nhiên nặng đủ để phải nằm phòng đặc biệt. Laila nhận ra mình đã bắt đầu đổ mồ hôi, mặt đã nóng bừng. Nó cố nghĩ đến chuyện khác, chuyện gì dễ chịu hơn, tỷ như chuyến đi Bamiyan cùng với ba nó và Tariq để xem các tượng Phật. Nhưng thay vì đó, hình ảnh của cha mẹ Tariq lại hiện lên: má của Tariq bị kẹt trong chiếc xe tải lật úp, trong màn khói bà kêu gào tên Tariq, hai cánh tay và ngực của bà bị bốc cháy, bộ tóc giả cháy tan dính vô da đầu của bà …

Laila phải hớp hơi nhanh liên tiếp.

“Cậu ấy nằm cạnh giường tôi. Không có vách ở giữa, chỉ có tấm màn. Bởi thế tôi nhìn thấy cậu ấy khá rõ.”

Abdul Sharif bỗng nhiên thấy cần mân mê chiếc nhẫn cưới của mình. Lúc này gã nói chậm hơn.

“Bạn của cô, cậu ta bị thương nặng - nặng lắm, cô hiểu không. Người cậu ta gắn đầy ống cao su. Lúc đầu –” gã hắng giọng. “Lúc đầu, tôi tưởng cậu ta bị mất cả hai chân, nhưng cô y tá bảo không, chỉ mất chân phải, chân trái là do một chấn thương cũ. Ngoài ra còn có những vết thương nội tạng. Họ đã mổ ba lần rồi. Lấy ra nhiều khúc ruột, còn gì nữa tôi không nhớ hết. Và cậu ta bị phỏng nữa. Khá nặng. Thôi kể bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi chắc cô cũng đã trải qua nhiều điều gây ác mộng rồi, không cần  thêm vô.”

Tariq giờ đã cụt hết chân. Chỉ còn là một thân hình với hai khúc chân cụt còn lại. Không chân. Laila nghĩ mình sắp ngã gục. Bằng một cố gắng vượt bực trong tuyệt vọng, Laila đã tung trí rời khỏi căn phòng này, bay qua cửa sổ, tránh xa người đàn ông này, ra đến ngoài đường, ra khỏi thành phố với những ngôi nhà nóc bằng, chợ, đường hẻm chắn chịt như mê cung nay đã biến thành lâu đài cát.

“Phần lớn thời gian, cậu ấy bị đánh thuốc mê. Ðể khỏi đau, cô hiểu không. Tuy nhiên có những lúc thuốc tan, cậu ấy có những khoảnh khắc tỉnh táo. Ðau nhưng tỉnh táo. Tôi nằm trên giường nói chuyện với cậu ấy. Tôi kể tôi là ai, nhà ở đâu. Tôi nghĩ cậu ấy mừng vì có người nằm bên cạnh.

“Tôi là người nói nhiều nhất. Cũng khó cho cậu ấy. Giọng cậu khàn đặc, mà tôi nghĩ cậu ấy cũng bị đau khi cử động môi. Bởi thế tôi kể cho cậu ấy nghe về mấy đứa con gái của tôi, về ngôi nhà của chúng tôi ở Peshawar và cái hiên mà tôi với em rể tôi cất thêm phía sau nhà. Tôi kể tôi đã bán hết mấy tiệm ở Kabul, và tôi về đó để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Chẳng có bao nhiêu chuyện. Nhưng ít ra cũng làm cho cậu ấy khuây khỏa. Tôi muốn nghĩ thế.

“Có đôi khi cậu ấy cũng nói. Phân nửa, tôi không nghe được, nhưng cũng đủ để hiểu.  Cậu ấy tả nơi cậu đã sống. Cậu ấy nói về người chú ở Ghazni. Và về tài nấu nướng của má cậu, nghề mộc của cha cậu, còn cậu chơi phong cầm.

“Nhưng, phần nhiều là nói về cô đó. Cậu nói cô là – nói thế nào nhỉ - kỷ niệm đầu tiên của cậu ấy. Ðứng rồi. Tôi biết chắc là cậu ấy quý mến cô lắm. Chắc chắn như vậy. Tuy nhiên cậu ấy bảo cậu ấy mừng vì cô không có mặt ở đó. Cậu ấy nói không muốn cô nhìn thấy cậu ấy như thế.”

Laila lại cảm thấy hai bàn chân nặng triũ, neo chặt xuống nền nhà như thể máu bỗng nhiên dồn  hết xuống đó. Tuy nhiên tâm trí nó đã xa dịu vợi, tự do bay bổng, phóng nhanh khỏi Kabul, qua những ngọn đồi lổm chổm, sa mạc chấm phá những bụi sô thơm, qua cả những hẻm núi đá đỏ lởm chởm và vượt cả những ngọn núi phủ tuyết.

“Nghe tôi nói sẽ trở về Kabul, cậu ấy nhờ tôi đi tìm cô. Ðể nói cho cô biết rằng cậu ấy luôn nghĩ đến cô. Rằng cậu ấy nhớ cô. Tôi hứa với cậu ấy rằng tôi sẽ làm. Tôi đã đem lòng quý mến cậu ấy, cô biết không. Tôi biết cậu ấy là một người đàng hoàng.”

Abdul Sharif đưa khăn tay lau trán.

“Một đêm, tôi thức giấc,” gã nói tiếp và lại chăm chú vào chiếc nhẫn cưới, “tôi nghĩ là ban đêm, ở mấy chỗ đó khó biết lắm. Không có cửa sổ. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, chẳng biết. Nhưng tôi tỉnh dậy, và thấy ồn ào nơi giường bên cạnh. Cô phải hiều là người tôi lúc đó đầy thuốc, lúc tỉnh lúc mê, đến độ khó biết được đâu là thực, đâu là mơ. Tôi chỉ nhớ một điều là các bác sĩ bu quanh giường, kêu gọi đủ điều, chuông báo động réo lên, ống chích vung vãi dưới đất.

“Sáng ra, trên giường trống người. Tôi hỏi cô y tá. Cô ta nói cậu ấy đã chiến đấu một cách dũng cảm.”

Laila lờ mờ nhận biết nó đã gật đầu. Nó đã biết trước. Tất nhiên nó đã biết trước. Ngay khi đến ngồi trước mặt gã đàn ông này, nó đã biết vì sao gã đến đây, gã đem tin gì đến.

“Cô biết không, lúc đầu tôi còn không tin là có cô nữa đó,” gã đang nói tiếp. “Tôi tưởng là mọc-phin nói. Có lẽ tôi còn hy vọng là cô không có thật; tôi luôn luôn sợ phải báo hung tin. Nhưng mà tôi đã hứa với cậu ấy. Với lại, như tôi đã nói, tôi đã đem lòng quý mến cậu ấy. Vì vậy mấy bữa trước, tôi có ghé đây. Tôi dọ hỏi về cô, nói chuyện với vài người hàng xóm. Họ chỉ tôi căn nhà này. Họ cũng kể tôi nghe chuyện đã xẩy ra cho ba má cô. Khi nghe đến đó, thú thật, tôi đã quay người bỏ đi. Tôi định sẽ không kể cho cô nghe đâu. Tôi tự nghĩ, thật quá sức chịu đựng của cô. Hay của bất cứ một ai.”

Abdul Sharif đưa bàn tay qua bàn, đặt lên đầu gối của Laila. “Nhưng tôi đã trở lại. Là vì, rốt cuộc, tôi nghĩ cậu ấy cũng muốn cho cô biết. Tôi tin như thế. Tôi rất tiếc. Tôi ước gì…”

Laila không còn nghe gì nữa. Nó nhớ lại cái hôm người đàn ông từ Panjshir đến báo tin cái chết của hai anh Ahmad và Noor. Nó nhớ ba nó mặt trắng bệch, quỵ xuống ghế, còn má nó đưa bàn tay bụm  miệng khi nghe tin. Laila đã nhìn thấy má nó điên lên như thế nào ngày hôm đó, khiến nó đã sợ, tuy nhiên nó đã chằng thật sự cảm thấy buồn. Nó đã không hiểu được nỗi kinh hoàng của sự mất mát má nó đã phải gánh chịu. Giờ đây một người lạ khác đưa tin về một cái chết khác. Giờ đây nó là người ngồi trên chiếc ghế. Có phải đây là hình phạt cho nó đó không, sự trừng phạt dành cho nó bởi nó đã vô tình trước sự đau khổ của chính má nó?

Laila nhớ lại cảnh má nó quỵ xuống, la hét, bức tóc như thế nào. Còn nó, thậm chí còn không làm được như thế. Nó không cử động được. Nó không nhúc nhích được chút nào.

Nó cứ ngồi trên ghế, bàn tay mềm nhũm, mắt trừng trừng nhìn vào khoảng không, để mặc tâm trí bay bổng. Bay mãi cho đến khi tìm thấy nơi ấy, nơi chốn đẹp đẽ và an toàn ấy, nơi các cánh đồng lúa mạch một màu xanh rì, dòng nước chảy trong veo và hàng ngàn hạt bông gòn của cây dương nhảy múa đầy trời; nơi có ba nó ngồi đọc sách dưới gốc cây keo, có Tariq khoanh tay trước ngực nằm đánh giấc trưa, và có nó ngồi ngâm chân trong dòng suối, mơ những giấc mơ đẹp dưới ánh mắt che chở của các thần thánh bằng đá cổ bạc màu thời gian.                     

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020