SỐ 90 - THÁNG 4 NĂM 2021

Đi Giữa Lằn Ranh
Trò Chơi Quốc/Cộng

Sau khoảng thời gian bạn Ngô Vương Toại bị lãnh kẹo đồng của phía bên kia, có nhiều biến động xãy ra trong giới sinh viên học sinh:

Lê Khắc Sinh Nhật bị thanh toán ở trường Luật. Trần Văn Chương bị xô té xuống lầu ở đại học Y Khoa. Trong một kỳ trại hội thảo của Liên Minh Thế Giới & Á Châu Chống Cộng tổ chức tại Vũng Tàu (trong đó có sự tham gia của Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng, một tổ chức mới ra đời nhằm đối phó với tình hình sôi động trong cơ chế học đường); hai bạn Đào Trường Phúc/Bùi Hồng Sỹ từ Vũng Tàu trở về trường Văn Khoa có việc cần đã bị người của phía bên kia chặn lại ở góc đường Cường Để/Thống Nhất. Và rồi Bùi Hồng Sỹ đã bị ăn đạn xuyên cần cổ (?!)(*) Phép lạ lại tiếp tục xãy ra: Sỹ cũng không việc gì tới tính mệnh. Những tên tuổi sắc máu như Trầm Khiêm, Lê Hiếu Đằng, Lê Quang Lộc (?), Vũ Quang Hùng, Nguyễn Thị Yến . . . đã là một nỗi lo sợ ám ảnh cho tất cả sinh viên thời bấy giờ. Có thật nhiều cái bất ngờ mà bạn không thể nào lường trước được. Lý lịch từng cá nhân mù mờ. Không thể nào minh định trắng/đen/ vàng/đỏ. Có những người thân, bằng hữu sát cánh một sớm một chiều đã lộ diện là người của phe đối nghịch. Như có khoảng thời gian Ngô Vương Toại, Nguyễn Hữu Doãn (luật sư, chuyên viên xuống đường chống Hiến Chương Vũng Tàu thời Nguyễn Khánh), họa sĩ Tâm (ông bạn dễ mến, vui tính, vừa ngậm thuốc lá vừa cười ha hả được- Tâm nhét điếu thuốc vào khe hở của chiếc răng sún, vừa nói chuyện vừa cười), và tôi thường lui tới căn gác nhỏ của Ali Salé trong cao ốc Eden ăn uống, đàm đạo; mối liên lạc rất đậm đà thân thiết giữa đám bạn nhỏ với nhau. Cũng tại nơi cư ngụ của Ali, Ngô Vương Toại đã làm một kỳ tích là leo lên nóc tòa lãnh sự Ấn độ tháo gỡ cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (trong liên hợp quân sự 4 bên) xuống làm xôn xao dư luận thời bấy giờ.

Ali người Việt gốc Ấn, là một người hoạt bát, phóng khoáng. Chàng ta sở hữu một chiếc xe Mini Austin (giống xe Mini Cooper thời bây giờ) mác Ăng Lê. Ali sẵn sàng cho bạn mượn xe giong chơi đi cua đào bất cứ lúc nào. Ali là một trong những Giám Đốc hãng BGI đặc trách giao tế. Hôn lễ tụi tôi Ali có dự và cho nhân viên chở tới biếu tặng nhiều két la-de 33 loại nhãn xanh đặc biệt để khoản đãi thân nhân bạn bè. Vậy mà sau 75, nghe được tin Ali đã từng hoạt động có lợi cho phía bên kia. Chàng ta đã nối kết một đường dây liên lạc mật thiết với chính quyền cộng sản lúc bấy giờ (Ali đi đi về về Paris/Gàigòn như cơm bữa). Cũng không ai ngờ anh bạn trắng trẻo đẹp trai năng nỗ hoạt động Nguyễn Vạn Hồng/Văn Khoa là sinh viên nằm vùng?! Và còn nhiều tay sát thủ khác nữa nằm trong bóng tối nào ai biết được?

Sau ngần ấy vụ sử dụng bạo lực đưa đến thảm sát của những người nhân danh chủ thuyết này nọ, trong tâm thức sâu xa của bọn trẻ chúng tôi đã có sự chọn lựa rõ ràng: chúng tôi chỉ mong được sống một đời an lành bình thường, trong đó những quyền tự do tối thiểu của con người được tôn trọng; cho dù chính quyền của miền đất lựa chọn sinh sống có tồi tệ đến đâu.

Rồi chiến cuộc lan tràn khắp nơi. Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ quyết định quân sự hóa học đường với chương trình Quân Sự Học Đường (QSHĐ): Sinh viên cũng phải vào quân trường thụ huấn quân sự cơ bản như binh lính. Bọn sinh viên còn theo học như chúng tôi phải bận đồng phục kaki, được huấn luyện quân sự sơ khởi tại chỗ, tập đi ắc-ê, tháo ráp vũ khí, và chia nhau canh gác trường ốc hàng đêm. Sau đó thì lên đường vào quân trường thụ huấn như một quân nhân thực thụ. Chương trình QSHĐ kéo dài khoảng một tháng tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Tôi ở chung lán trại với Trần Hữu Thục (tức nhà văn Trần Doãn Nho hiện cư ngụ tại Mass. Hoa Kỳ), với Hàng Văn Bé ( Nhã Nam, hiện hành nghề giáo dục tại Mass.), và cùng với nhiều bạn người Huế như Nhàn, Hải, Cao Quảng Văn .v.v. Học tập thì ít mà giỡn hớt thì nhiều! Đây là một môi trường mới lạ đối với chúng tôi nên tha hồ mà Khám và Phá! Giờ học trong lớp thì ngủ gật. Ra sân bãi thực tập thì rất hào hứng. Chúng tôi được bắn súng từ đạn mã tử tới đạn thật. Nhớ mãi những khẩu lệnh: “bia lên ! thế bắn nằm thủ thế . . .” . Anh nào anh nấy cứ nằm bò ra mà đoành .. .đoành!

Mỗi một cuối tuần bọn tôi được về phép thăm nhà. Mấy cu cậu lính nửa vời lúc nào cũng tìm cách moi địa gia đình, thủ sẵn vài ba choạc. Lúc trở vào quân trường, cứ tà tà xuống câu lạc bộ là có chầu nhậu đóng góp ngay tại chỗ. La-de con cọp (Quân Tiếp Vụ) chai bự rót như suối chảy vào . . . nón sắt. Rồi hột vịt lộn, khô mực, tôm khô củ kiệu chui vào bao tử đều chi (ăn nhậu trả bữa cho những ngày tuân thủ khẩu phần cơm nhà bàn cá-mối-dưa-leo chán ngấy!). Lại hô khẩu lệnh: “Bia lên ! Thế bắn NGỒI thủ thế !”. Kỳ này là bia xịn, không phải bia bằng giấy cạc-tông hay bia . . . đá! Bia lên! Bia lên! Cho đến lúc có thật nhiều mặt trời đỏ gay chui vào mùng hạ hỏa. Có tiếng nhạc văng vẳng ru hời - tôi có người yêu chết trận Pleime . . . rồi thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay . . . - ru nhau vào cơn đồng thiếp. Giờ này nghe nhạc Trịnh hay nhạc Lính thì cũng lặng hồn như nhau!

Thế rồi cũng xong một khóa tập huấn. Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đàng hoàng. Tôi còn ngang xương lãnh thêm một cái bằng Tác Xạ Súng Trường?! Không hiểu giấy tờ trục trặc thế nào, Hoàng Ngọc Tuấn bị chuyển từ QSHĐ sang Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Sau đó chàng đăng lính thứ dữ: Thủy Quân Lục Chiến ngành Viễn Thám cho đến lúc . . . tự giải ngũ.

Hoàng Xuân Sơn

(Cũng Cần Có Nhau, Phóng bút, Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhân Ảnh, 2013)


(*) “Cũng nên ghi lại một số sự kiện nay đã thuộc về lịch sử: chỉ riêng với trường Y Khoa, đã có hai giáo sư bị sát hại [Gs Trần Anh, Cơ Thể học và GS Minh Trí chuyên khoa Tai Mũi Họng], rồi đến sinh viên Y Khoa II Trần Quốc Chương [con của Thẩm Phán Trần Thúc Linh] có một giai đoạn vào bưng, sau trở về học lại thì bị trói tay bịt miệng ném từ lầu ba xuống đất ngay trong vòng thành trường Y Khoa trên đường Hồng Bàng, một cái chết rất thảm khốc. Sinh viên Luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật cũng bị bắn chết. Hai sinh viên khác bên Văn Khoa cũng bị nhóm Biệt Động Thành bắn trọng thương nhưng may mắn sống sót là Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ, hai anh ấy hiện đang sống ở Mỹ.
Rõ ràng có một cái giá phải trả của giới làm báo kể cả làm báo sinh viên trong suốt giai đoạn đó [nói tới sinh hoạt báo chí của Miền Nam 1954- 1975, không thể không nhắc tới sự hy sinh của các nhà báo như Từ Chung ký giả nhật báo Chính Luận [1965], một nạn nhân nổi tiếng khác bị ám sát nhưng thoát chết là nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống [1966]..."
(Ngô Thế Vinh. Nguyệt San Tình Thương 1963 - 1967).
Trích: www.motgoctroi.com

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021