SỐ 91 - THÁNG 7 NĂM 2021

Tháng 7 và những ngôi trường cũ

Cao Vị Khanh

Tháng bảy. Tháng của bất chợt mưa đêm và lao chao cánh phượng. Tháng của trường đóng cửa và bàn ghế bỏ trống.

Tháng bảy. Tháng của râm ran tiếng ve đến sốt ruột và của những trang lưu bút viết vội khi đầu óc còn bàng hoàng vì dư âm của khúc nhạc tạm biệt, bây giờ nghe ra ngu ngơ mà hồi đó sao xao xuyến chi lạ. Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau. Bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao... (*)

Không đâu mà bỗng dưng nhớ lại. Những mùa bãi trường tháng bảy... của một thời đã xa và ở một chỗ không còn gần nữa.

Mới cuối tháng sáu, sách vở đã bị bỏ quên sau kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt mới vừa xong. Thầy cô còn lo chấm bài thì học trò không hẹn mà đã bắt đầu lơ là với chuyện học hành. Mà làm sao không lơ là cho được. Học trò còn bận bịu trăm ngàn chuyện khác, còn quan trọng và thiết thực hơn biết mấy cái mớ định lý với luận đề cùng những niên biểu với triều đại xa xôi như mấy cái cố sự mịt mù. Phải rồi ai mà dửng dưng cho được, khi trên trời xanh thì mây trắng cứ đong đưa, nắng thì cứ vàng hoe, ve sầu cứ kêu ra rả và lòng người ta thì chộn rộn như cái nắp vung đậy nồi xào bần ba ngày tết bị chụm lửa quá độ. Người ta đã bị o ép chín tháng trời mệt lả. Toán, lý hoá, văn chương, sử ký, địa lý... toàn là thứ cũ mèm khô hóc trong khi mấy cái món tươi roi rói kia thì cứ bị cấm đoán rầy la. Này mắt em-chưa-quen-đã-nhớ ngoài cửa lớp, này bóng anh-nhẳn-mặt-còn- lạ lấp ló cuối hành lang, này tờ thư làm bộ bỏ quên trong quyển sách mới-mượn- chiều-qua-đã-trả-lại-sáng-nay... - học trò còn mắc mớ với bao nhiêu là bận-bịu- chẳng-ai-xúi-biểu của cái thuở vậy-đó-bỗng-nhiên-mà-họ-lớn...

Tháng bảy là những ngày dài rong chơi, phố gần, chợ xa, vườn rẫy, núi non, sông nước... những góc vắng tụ năm tụ ba chia lén điếu thuốc đầu đời, những tối long nhong đạp xe qua nhà ai mắt cứ liếc ngang liếc dọc, có thấy gì được đâu họa may một cái bóng vô tình mà cũng về hí ha hí hửng chép thơ-nguyên-sa- gặp-một-bữa-anh-mừng-một-bữa...

Tháng bảy. Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết. Đàn chim non hớn hở rủ nhau về. Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê. Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.(**)

Cái mùa bãi trường tháng bảy... cái mùa xuân lộn chỗ đã làm hơn một kẻ luyến lưu... Có người còn coi đó là những kỷ niệm đẹp nhất của một đời người.

Vậy mà rồi mất hết khi người ta phải bỏ đi, một ngày nào đó. Ở chỗ xa, không có phượng đỏ làm sao còn thấy rơi xuống lòng ta những giọt châu. Không có bạn bè làm sao mà yêu dấu. Không có tiếng trống thùng thình làm sao mà bồi hồi. Và nhất là không có ngôi trường cũ nóc dột đã mấy đời, những gốc me gốc còng cỗi đến không còn đếm được tuổi, những xe bánh lọt đậu đỏ ngọt ngây, những rổ cốc rổ ổi chua lét, và những mái tóc và những đôi mắt... thôi đã mờ như trầm tích, lấy gì mưa xuống cho những linh hồn đã khô...

Vậy mà rồi mất hết... Người ta buồn bã bỏ đi. Mười năm. Mười lăm hai mươi năm. Buồn bã sống như loài ốc không hồn, bò lết trên những nhánh đời thất lạc...

Từ vài năm nay, tháng bảy ở Mỹ châu, ở Âu châu, ở một thành phố xa lắc tuốt bên Úc, ở một thị trấn lưng chừng đâu đây, bỗng nghe một ngày họp mặt, một buổi gặp gỡ của những người tưởng đâu đã biệt tích, ngờ đâu đã trầm luân... Rồi bỗng trở về, bàng hoàng như từ cõi trăm năm... Họ gặp lại nhau, đuôi mắt đã đầy dấu chân chim, đầu tóc đã bào hao sương tuyết... Họ níu tay, vỗ vai, cười ha hả hay khóc sụt sùi. Họ ôm chầm lấy nhau, ngỡ ngàng ngó lại quá khứ mình, rưng rưng thấy lại tuổi trẻ mình... cái quá khứ cái tuổi trẻ đã chìm khuất theo quê hương biết bao nhiêu thương nhớ mà cũng biết bao nhiêu ruồng rẫy. Họ cười nói, chuyện trò, uống chung nhau ly rượu, ăn ké nửa miếng bánh như thuở còn sẻ nhau góc tư góc tám những sợi-tóc-cứ-vương-vướng-chân-người.

Em kể cùng ta những dặm đường. Những hồi ly biệt, nỗi tang thương. Những sông suối cạn, cồn quạnh quẽ. Những núi tang thương, biển đoạn trường.

Chép lại một đoạn đã viết về một lần họp mặt đó.

“ ...Vậy đó, mỗi người đều có một ngôi trường cũ tưởng khi vội vã ra đi đã bỏ sót lại. Tưởng đâu người ta đã cướp mất luôn cái nơi chốn thân yêu sau khi đã đuổi mình đi tan tác. Nhưng không, ngôi trường cũ của em đã không bị cướp mất mà còn được nhân lên mấy lần nhiều hơn nữa. Bởi vì cái xác trường thì còn kẹt lại đó, chớ cái hồn trường thì đã theo em và bạn bè đi lưu lạc tứ phương. Bằng chứng là lâu lâu lại nghe tin buổi hợp mặt học trò trường Nguyễn Trung Trực ở chổ này, mai mốt lại nghe hợp mặt ở chổ khác. Hóa ra cái trường Nguyễn Trung Trực đâu còn ở tận cái thị xả xa xôi đó nữa. Nó ở ngay đây, kề bên em đó. Nó ở giữa phố phường đông đúc vùng vịnh biển phía tây nước Mỹ, nó cũng ở tại vùng đồi núi cheo leo phía đông. Nó nằm trên vùng cực bắc lạnh lẽo mà nó cũng có giữa đồng cỏ miền trung tây mênh mông. Nó có ở châu Âu mà cũng có tuốt bên châu Úc. Nó đã hóa thân thành muôn vạn tấm lòng rải ra khắp cùng mặt đất. Đến đổi chừng như nơi nào có đôi ba học trò cũ là có trường mới dựng lên, hồn nhiên và thành khẩn. Những người học trò cũ đã chắt chiu mang theo từng mảng vụn để rồi dựng lại thành những ngôi trường mới, những nơi chốn mới để cùng trở lại hành hương. Ở đó em gặp lại đủ hết, thầy cô cũ, bạn bè cũ. Có thể còn thiếu sót một số người. Nhưng có sao đâu em, họ đến trễ đó thôi, vẫn còn chổ để dành riêng cho họ. Ở đó em sẽ thở lại chút hương thời tuổi dại. Em sẽ thấy lại từng mặt người quen, dù sơ hay thân vẫn là cái tình người nồng ấm, cái tình người mà tôi chắc nếu em có bỏ công lặn lội ngàn ngàn cây số để trở về, đứng lại giữa khung lớp cũ em cũng không còn tìm thấy được nữa. Người ta đã thiêu hũy nó lâu rồi. Cái tinh thần tôn sư trọng đạo, cái ý chí của bậc đại nghĩa mà trường mang tên đâu còn chỗ ở đó nữa. Tên tuổi đó bây giờ chỉ là sự ngụy trá chớ còn hồn thiêng cũng đã phưởng phất theo bầy con cháu tha phương. Chính những ngôi trường mới mà đám học trò cũ bằng tinh thần xưa gầy dựng lên ở đâu đây, một hôm nào đó mới là cái nối tiếp liền lạc của nếp văn hóa đã thành truyền thống, mà chúng ta còn hảnh diện mang tên. Tôi vẫn tin rằng, ở nơi chốn cũ, bạn bè và thầy cô, những người đã mang chung cùng em kỷ niệm, dù có lao đao lận đận vẫn gởi lòng sang trong những buổi hợp mặt này. Tôi tin em cũng không quên họ. Em đến để gặp lại những người có mặt. Mà em cũng đến để gặp lại những người vắng mặt nữa. Phải không? Giữa bàn tay siết chặt, trong vòng ôm thân ái ở đây làm gì không có thấp thoáng một dấu vết xa xôi, một lời thăm hỏi ở đây làm gì không có ngậm ngùi một câu nhắn gởi thầm cho người còn ở lại đó. Tôi tin vậy lắm bởi vì chung thủy vẫn là đức tính của người-nguyễn- trung-trực và nghĩa nhân vẫn là bài học thuộc lòng mà chúng ta vì muốn nhớ nên đến nỗi phải bỏ đi. Ở ngôi trường mới đó còn bao nhiêu người em chưa hề thấy mặt nhưng tôi tin rồi em sẽ quen biết dễ dàng. Ở đó mọi cấp lớp đã bị xóa đi, mọi giờ khắc sẽ sắp trùng lại. Mọi người chỉ còn một thời dụng biểu duy nhất. Thực tập cái bài học tình thương bị bỏ dở nửa chừng. Những anh, những chị, những em sẽ không còn là những chủng tử lạc loài. Chúng ta đã có cơ may để nhập lại làm một. Một tấm lòng duy nhất. Chúng ta may mắn có ngôi trường cũ rộng mênh mông như biển đủ sức hút về hết mọi nhánh sông con. Giữa lượng biển hãi hà có giọt nước nào khác với giọt nước nào đâu, phải không em? Dường như có lần nhà thơ họ Vũ sau khi thấy hết cảnh núi lở sông bồi đã ngậm ngùi than rằng:" Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau". Vâng, đúng rồi em, chúng ta đã mất hết, nước non, tuổi trẻ, danh vọng, tiền tài... Cái chúng ta còn lại chỉ là một tấm lòng son sắt như chút "của tin" mà Thúy Kiều đã giữ suốt mười lăm năm đòi đoạn để trân trọng giao lại cho người tình. Đoạn trường của chúng ta đã hơn hai mươi lăm năm, chúng ta còn gì để lại cho trường cũ nếu không là chút tình nghĩa tặng cho nhau trong cơn thất tán này.
Và cũng chút xíu tình nghĩa đó thôi để mai kia mốt nọ có lỡ bước trên dặm đường lưu lạc vẫn còn biết có một nơi mà gởi gắm lòng về... ”

Đã đủ chưa để nói về một sinh hoạt mới của đám dân lưu lạc. Hai mươi lăm năm đã quá thừa cho một câm nín. Đã đến lúc để nhắc nhở nhau về một nơi chốn đã bỏ đi, hâm nóng lại chén đời đã lạnh, mời nhau húp lại chút cặn thừa rất tình-xưa-nghĩa-cũ. Nhưng mà có gì nồng nàn và chân thành hơn mớ dây mơ rễ má bắt đầu từ ngôi trường cũ đó, lúc mà tuổi đời không quá non để còn khờ khệch mà cũng không quá cằn để đến nỗi chai lì. Bởi vì phải không, chính ở đó mà chúng ta đã lớn lên, học hỏi trong yêu thương và tin tưởng sáng lán nhất. Chính ở đó chúng ta đã có những thầy cô gần gũi và ân cần đã hé mở cho chúng ta dấu dạng của tương lai. Và cũng chính ở đó, chúng ta đã có những người bạn mà chân tình không dễ gì tìm lại được nữa.

Tháng bảy năm nay tôi sẽ đi dự buổi họp mặt thầy cô và học trò cũ của ngôi trường tôi đã dạy. Chắc tôi sẽ gặp lại một số người quen biết cũ. Dù thân hay sơ, có thể họ đã già đi nhiều sau những năm lận đận, có thể họ sẽ tươi tắn hơn nhờ những thành đạt ở đây, tôi không biết tôi sẽ gặp ai, nhưng điều tôi biết chắc là tôi sẽ gặp lại những tấm lòng. Những tấm lòng dù nông sâu khác nhau đều đã được un đúc, nuôi dưỡng bằng chính tinh thần nhân ái vẫn là nền móng của những ngôi trường trung học cũ ở miền Nam trước năm 75. Cái tinh thần nhân ái đã chắp cho họ đôi cánh mỏng, giúp họ bay qua những vòm trời gió bão, và còn giúp họ bay tìm nhau sau cơn hoạn nạn chung.

Chúng ta vẫn còn đó, những niềm tin, phải không ?

Cao vị Khanh


(*) Ngày tạm biệt-Lê Dinh
(**) Thơ Xuân Tâm

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021