SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

KÝ ỨC LÀNG QUÊ

Tôi sinh ra tại làng An Hòa hay còn gọi tên theo ngọn núi ngay vùng đó là Núi Trầu. Đó là một làng nhỏ bé nằm ven bờ Kinh Sáng. Kinh này là một con sông đào rộng, dài, một đầu nối liền ra tới Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Còn đầu kia chạy dài bao bọc phía cạnh bên trong của một mảnh đất tân bồi hình tam giác rộng lớn dọc theo bờ biển và đổ vào Đông Hồ - một hồ bán nguyệt lớn do biển Vịnh Thái Lan ăn sâu vào đất liền tạo thành hình tròn vòng cung. Bờ hồ phía tây là quận lỵ Hà Tiên, thông thương và nối liền với đất Campuchia. Phía tây bắc có kinh đào Vĩnh Tế, giáp ranh giới Campochia, nối với sông Châu Đốc mà mỗi năm vào mùa mưa nhiều, nước sông đổ ra cửa biển Hà Tiên mang theo hàng tấn cá linh từ Châu Đốc. Cá còn sống thoi thóp, nổi lơ ngơ, lờ đờ trên mặt nước lợ ở cửa biển, rồi trấp vào ven bờ biển dọc theo những bãi cát hay ghềnh đá của doi Pháo Đài - một đồi nhỏ de ra biển và xưa là đồn binh Pháp, sau là trại quân đội của VN Công Hòa. Bờ hồ phía đông là núi Tô Châu. Phía nam của Đông Hồ là cửa mở cho nước luân lưu ra vào từ biển Hà Tiên.

Tô Châu với những ngọn núi đất cao thấp vừa nghiêng soi bóng lung linh xuống Đông Hồ vừa nhấp nhô hùng vĩ vươn mình trong ánh sáng bàng bạc và lấp lánh của sóng nước vịnh Thái Lan vào những đêm trăng rằm. Tô Châu mơ màng nằm kề bên Đông Hồ thơ mộng - một thời đã là nguồn thi hứng cho nhà thơ Đông Hồ - được nối tiếp chạy dọc theo bờ biển cho tới Ba Hòn, rồi Kiên Lương. Đó là phía mặt bao vòng ngoài của Núi Trầu. Từ đây nếu cứ tiếp tục đi khoảng 60 hay 70 km nữa thì sẽ tới Rạch Giá.

Tô Châu nằm bên đây bờ của cửa biển hẹp nối Đông Hồ với biển vịnh Thái Lan và qua một chuyến đò ngang hay phà thì sẽ bước lên mép bờ bên kia của Đông Hồ, là đất Hà Tiên - nơi tôi đã lớn lên từ tấm bé cho đến ngày đi học xa nhà. Tức là từ Hà Tiên đi Rạch Giá có hai lộ trình, một đường bộ trên đất liền và một thủy lộ là con Kinh Sáng này. Những năm chiến tranh sôi động, đường bộ liên tỉnh thường bị đặt mìn, đắp mô hay phá hủy thì đường tàu sông nối Rạch Giá - Hà Tiên đi ngang qua Núi Trầu trên con kinh này là phương tiện giao thông tiện dụng hơn cả.

An Hòa là một làng tân lập nằm kẹp giữa hai lộ trình bộ và thủy này. Khoảng gần cuối thập niên 20, một vị linh mục người Pháp đã chọn nơi này để định cư cho một số gia đình đã bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả ông bà ở miền Bắc mà theo ông vào Nam lập nghiệp. Từ ngã ba Kiên Lương muốn vào làng An Hòa phải qua một con đò nhỏ. Vì con Kinh Sáng từ Rạch Giá chảy đến đây thì chia hai nhánh. Một nhánh chạy dọc theo làng An Hòa rồi đổ thẳng lên Đông Hồ tới cửa biển Hà Tiên. Còn nhánh thứ hai chạy ra cửa biển Ba Hòn, cắt lìa An Hòa với đường bộ dẫn tới Hà Tiên. Nếu nhìn toàn diện từ trên cao xuống thì An Hòa, như một cù lao đất phèn, nằm giữa những nhánh kinh đào hay thiên nhiên. Và bao quanh bởi một bên là những cánh rừng tràm chạy ngút ngàn vào tới con kinh Tám Ngàn gần giáp ranh những con sông nước ngọt thuộc Long Xuyên, Châu Đốc. Bên kia cù lao này là đất liền mở rộng và chạy ra gần tới bờ biển thì được nối tiếp với rừng sác.  Rừng này gồm những thực vật có khả năng giữ đất như đước, bần, mấm, dừa nước mọc trong nước mặn với rễ dầy đặc bám chặt vào mặt nước sâm sấp đầy mùn lầy để tạo nên những vùng đất tân bồi trong tương lai. Lác đác trong những cánh rừng tràm có khi là đồng cỏ tranh, lau, lách, sậy, hoặc trũng mọc đầy cói, lác, đưng hay bàng…Tất cả thực vật này đều được tận dụng để tạo những món đồ thủ công cần thiết cho đời sống thực tại. Như cói, lác để dệt chiếu, đan nón, túi sách nhỏ. Bàng dùng đan đệm, nóp ngủ, cà ròn chứa đồ, nón đội che nắng mưa.v.v... Đưng và lá dừa nước để dừng vách, lợp mái nhà vào thuở ấy. Thời gian lâu sau này khi đất nhả phèn phần nào thì dân cư ở đây bắt đầu canh tác lúa gạo, nhưng năng xuất rất thấp kém. Ngoài ra rất ít khi  trồng trọt được cây ăn trái, hoa màu khác. Bản năng sinh tồn đã giúp họ xoay sở với nhiều nghề, nhiều công việc khác nhau phù hợp với tài nguyên thiên nhiên và tùy thuộc vào điều kiện địa lý, địa chất để sống còn.

Ngôi làng bé nhỏ này đây, tuy gọi là An Hòa, nhưng vẫn phải trải qua biết bao dâu bể, thăng trầm, bất an, bất ổn… cùng với giòng đời chảy xuôi. Kẻ thắng. Người thua. Kẻ còn. Người mất. Kẻ ở. Người đi. Làng nay chỉ còn một số ít những người cố cựu cùng với những đổi thay theo thời gian. Đã có một số người di cư lập nghiệp trốn ra khắp các nước trên thế giới. Thế hệ đầu tiên bậc ông bà đã qui tiên từ lâu. Thế hệ thứ hai đời bố mẹ tôi cũng chỉ vài người còn sống sót. Đa số họ cùng các con như chúng tôi là thế hệ thứ ba thì hầu hết đã lưu lạc bốn phương trời. Chỉ còn lại số dân cư là đời thứ ba cố bám trụ vì yêu quê hương, mồ mả ông bà hoặc vì không đủ phương tiện để trốn đi mà thôi. Phần đông người sống ở đây ngày nay môt phần là thế hệ thứ tư, một phần là đồng bào miền Bắc vào lập nghiệp sau năm 75.

Ngọn Núi Trầu nay đã bị san bằng thành bình địa. Mọi vết tích xưa hầu như đã bị xóa nhòa! Có còn chăng chỉ là tấm tình bằng hữu, những gương sống sáng ngời của bố tôi và những người bạn nối khố của ông thời binh đao lửa khói. Và một quê hương thuở ấu thơ trong trí nhớ của tôi mà thôi.

Ông bà tôi theo đoàn người từ Bắc xuôi Nam, vào định cư tại cái làng An Hòa như trên giấy tờ hành chánh, còn trên thực tế mọi người đều gọi tắt là Núi Trầu. Xưa làm nghề nông, giờ vào đây họ vẫn tiếp tục nghề nông. Nhưng vì người mang họ vào là một vị linh mục có lẽ thiếu kinh nghiệm về đất đai, canh tác hoặc vì không còn sự lựa chọn nào khác hơn nên ngài đã quyết định cho đoàn người tha hương cầu thực này định cư tại đây. Đó là một xẻo đất cằn cõi, toàn đất sét nặng pha phèn chua còn nổi váng trên mặt và nằm cạnh con kinh nước lợ cùng hệ thống kinh đào ngang dọc từ thời Pháp thuộc. Như vậy nguồn nước uống hay canh tác đều nhờ vào trời mưa hay nước uống chở từ vùng lân cận có nước ngọt như Rạch Giá, Long Xuyên về vào những năm khô hạn lâu dài.

Những năm mới bắt đầu, đoàn người di cư sớm này phải đương đầu với thực tế gian truân vô cùng tận. Họ khai phá mảnh đất hoang vu đầy chướng ngại, khó khăn, nhiều đầm lầy, đất phèn hay đất sét để lập nghiệp. Họ vật lôn với điều kiện khí hậu, đất đai, với rừng hoang vu, đầm sình lầy lội, với cá sấu, rắn rết, muỗi mòng…Giữa đồng bằng tân bồi này, mức nước biển rút ra xa để lại những ngọn núi đá vôi non với nhiều hang động cùng ngút ngàn rừng tràm, rừng đước và dừa nước. Đất xấu, nghèo nàn, phèn chua cỏ cháy nên rất khó khăn trong việc trồng trọt. Cư dân phải trồng luân mùa từng giai đoạn chờ đất xả bớt phèn như khóm, thơm, dứa nhiều năm. Bù lại những điều kiện nghiệt ngã của đất đai thì rừng tràm mênh mông, bưng thấp sâm sấp nước với đồng cỏ bàng, đưng, năng, lau, lách, xậy... cọng thêm vô số kinh rạch đã là nguồn cung cấp mật ong, cá tôm không bao giờ cạn. Thuở ấy, ông bà tôi thường nhắc, cá tôm đầy đồng, bắt về tha hồ ăn tươi, làm khô, làm mắm tràn trề, vô tận. Lâu dần, họ biết khai thác núi đá vôi, lập nên những lò đốt bằng củi để nung đá và sản xuất vôi bán đi khắp nơi. Tạo dựng lò than đốt  từ cây tràm, đước...để cung cấp than cho vùng lân cận hay thành thị. Vì đất sét gần như ở khắp nơi nên họ dùng làm gạch ngói từ những lò gạch nung. Cho nên cuộc sống của họ tuy nghèo nàn, gian khổ, nhưng không bao giờ bị tai ương trầm trọng đến độ thiếu ăn, đói rét như khi còn ở ngoài Bắc. Họ chưa quên được cái kinh nghiệm những năm thất mùa, đói kém ngày họ còn ở ngoài đó. Chính vì vậy nên dù đất đai không đủ màu mỡ để chiêu đãi họ như những nơi người xưa đi khai phá tiên phuông trước họ, nhưng họ biết chịu khó cần cù, lao lực, tận dụng mọi tài nguyên có sẵn và luôn tiện tặn, chắt mót. Làm hôm nay, biết dự bị cho ngày mai, ngày mốt... Và rồi nhiều năm sau cuộc sống của họ cũng tạm ổn. Cũng đủ để cột chân họ lâu dài, mọc rễ, mọc nhánh vài ba thế hệ vào mảnh đất có tên gọi là An Hòa, Núi Trầu. Hay còn được gọi là vùng “Đất Hứa” để đánh dấu nơi dừng chân cuối cùng của đoàn người Công Giáo sống lâu đời ở miền Bắc vùng Thái Bình, Nam Định di cư vào tận cùng cuối mõm đất của miền nam Việt Nam mà tôi thường đùa “đất bạc như vôi” này cho đến năm biến cố 1975. 

Ngày chân ướt chân ráo mới dừng bước tại làng An Hòa, dường như theo thói quen “nhất cận thị, nhị cận giang” nên đa số người di cư đều chọn nơi cất nhà và dành đất đai dọc theo hai bên bờ sông Kinh Sáng. Họ ở lưa thưa từ ngã ba Kiên Lương kéo lên đến Cờ Trắng. Đến đây thì gặp một xóm nhỏ người cố cựu lâu đời nên họ dừng lại. Một nhà thờ công giáo được cất lên gần xóm Cờ Trắng và cách đầu Núi Trầu khoảng 2 cây số. Sau nhà thờ là nghĩa trang đất thánh rộng, trũng, cỏ mọc cao, lác đác những dãy tràm còn sót lại bao bọc phía ngoài xa, sâm sấp nước và sình lầy lội vào mùa mưa. Một nghĩa trang ở giữa rừng tràm, trông rất là thê lương, ảm đạm. Giữa đường từ đầu núi đến nhà thờ là khu chợ nhỏ, lưu thưa một ít người buôn bán và chỉ nhóm họp vào ngày Chủ Nhật. Ở đây có vài tiệm chạp phô, thuốc bắc.v.v… Những ngày thường người dân gánh gồng, đội, bưng những thúng hàng như cá, tôm, thịt, rau, hoa quả hay mọi thứ có được đi rao bán từng nhà.

Ông bà nội tôi, không biết do ngẫu nhiên, hay vì rành rẽ môn phong thủy, thổ nhưỡng mà lựa chọn và làm chủ ngay dưới chân ngọn núi đá vôi phía mặt quay ra hướng biển. Do đó mặt núi này quanh năm hứng mưa và gió biển thổi vào nên dưới chân núi toàn là đất sốp thật phì nhiêu, do bởi đá vôi lâu ngày bị thoái rữa tạo nên một vùng chân núi rộng, đất nạc màu mỡ, nhiều vôi hơn các nơi đầy đất sét, phèn chua khác. Đây là nơi duy nhất đã được vôi khử bớt nồng độ acid trong đất. Nhờ đất tốt và mưa gió thuận tiện nên từ đó ông bà tôi sống bằng nghề trồng trọt cộng thêm vài mươi mẫu ruộng trong đồng xa mà bác tôi cấy lúa mùa nên cuộc sống cũng đắp đỗi qua ngày.

Núi Trầu là một ngọn núi đá vôi non với sườn núi có vách đá xanh đứng sững, thẳng tấp, đỉnh núi lởm chởm bởi những mũi đá mỏng, sắc bén và nhọn hoắc chĩa lên trời như những hàng rào chông thiên nhiên vậy. Núi chạy dài khoảng 3 cây số và thẳng góc với giòng sông đào Kinh Sáng. Đất ông bà tôi dọc theo khoảng giữa của dãy núi và kéo dài chừng 2 cây số. Cuối núi có vài gia đình di cư chiếm ngụ cất nhà nhưng họ không chiếm đất nhiều. Đi xa hơn vào đầu trong cùng của núi là một xóm Miên đã có sẵn trước từ lâu đời. Còn đầu núi ngoài, gần đường làng ở bờ sông thì bố mẹ tôi chiếm một khuỷnh đất dốc thoai thoải lẫn lộn với nhiều đá to nhỏ do một phần vạt núi bị thoái hóa nhanh hơn nên đã để lại một khoảng lõm hở trên đỉnh núi. Dốc này – hay dồ đá – đã tách một mõm núi nhỏ và thấp ở chót cùng của đầu núi ngoài rời ra khỏi dãy núi dài còn nguyên vẹn. Phía dưới mõm núi rời này có bề dày hẹp và vì nước biển đục khoét lâu đời trước khi rút ra xa nên đã để lại một hang ngắn xuyên lòng núi nhỏ gọi là Hang Sáng. Trong hang sáng trưng và có thể nhìn thấu sang mặt sau của núi. Sau bổn đạo dựng tượng đài Đức Mẹ Fatima ngay mõm núi rời này. Đây là vết tích của ngọn Núi Trầu duy nhất còn giữ lại được cho đến bây giờ sau bao nhiêu tàn phá, đổi thay của con người, của thời gian.

Mãi sau này, khi tôi rời khỏi nơi đây đã lâu, thì ở Kiên Lương được dựng lên một nhà máy xi măng lớn hoạt động mạnh và sản xuất nhiều nhưng chỉ giới hạn cung cấp trong nước. Đây là chi nhánh phụ của hãng xi măng Hà Tiên và đá được xay nhỏ ở đây hợp với đất sét rồi dùng xà lan lớn vận chuyển theo đường sông Kinh Sáng về nhà máy xi măng chánh ở Thủ Đức. Đá để xay si măng được lấy từ những núi ở quanh vùng Ba Hòn gần đó, ngoại trừ Núi Trầu, vì quanh núi có nhiều người ở và được canh tác quanh năm.  Dân làm đá dưới chân Núi Trầu chỉ dùng sức người lấy đá bằng tay chân với số lượng ít ỏi chỉ đủ cung cấp cho dịch vụ tư nhân lẻ tẻ mà thôi. Sau năm 1975, vì số sản xuất bị gia tăng gấp bội nên họ khai thác đá tối đa ở khắp nơi bằng máy móc và chất nổ mạnh. Thế nên chẳng bao lâu sau Núi Trầu cũng theo số phận như những ngọn núi nhỏ là bị san bằng, phẳng lì ngang với mặt đất ruộng. Nhà dân ở quanh núi bị đuổi đi nơi khác, kể cả ngôi nhà và khu vườn rộng lớn do ông bà tôi tạo dựng, sau để lại cho bác tôi cũng chịu chung số phận. Vết tích của dãy Núi Trầu nay chỉ còn lại mõm núi nhỏ - nơi đã dựng tượng đài Đức Mẹ không bị phá hủy mà thôi.


Mõm đá Núi Trầu còn lưu lại.

Bố mẹ tôi cất một ngôi nhà tranh vách đất nhỏ ngay dưới chân ở đầu núi, sát bờ mương và cách nhà ông bà tôi độ một cây số làm nơi trú ngụ sau khi đã dời khoảng trên 10 chỗ ở khác nhau, vì nhu cầu an ninh và sinh kế. Đây chính là nơi chốn tôi bắt đầu có trí nhớ về làng mạc, quê hương. Nơi tôi bắt đầu tích tụ trong môt thời gian ngắn ngủi nhiều điều hiểu biết nhất về những khó khăn của cuộc sống, của thiên nhiên, về những giây phút kinh hoàng, khiếp đảm gây ra bởi những trận nhảy dù bố ráp của Tây, về thời Việt Minh sôi động, về sự khó khăn, nghiêm ngặt và hãi hùng vào giai đoạn quân đội Hòa Hảo chiếm đóng...Nơi này cũng đã hứng chịu và chiến đấu sống còn với bao nhiêu thảm họa của một đất nước chiến tranh đã xảy ra qua nhiều chế độ cai trị, nhiều thời đại khác nhau.

Trước đó núi chưa có tên hay tên gì cũng không từng nghe ai nhắc đến. Sau này ông bà tôi trồng thật nhiều trầu cung cấp cho cả những vùng xa xôi, nên từ đó người ta gọi là Núi Trầu để phân biệt với núi Còm, núi Cọp, núi Ba Hòn. v.v... Vì nhiều đá vôi rữa đã khử hết phèn chua nên bao quanh vườn trầu ông bà tôi trồng cau, một ít cây ăn trái như dừa, mãn cầu, chuối, soài..., mọi loại hoa màu thông dụng như rau, đậu, cải cũng như mía, khoai môn, khoai mì, sắn, củ từ, củ chóc... đủ cung cấp cho làng xóm. Còn nhiều nữa nên tôi nhớ vườn của ông bà tôi không thiếu một thức gì, kể cả những loại rau họ đem hạt giống từ Bắc vào như thì là, kinh giới, rau đay.

Dọc theo núi là một con mương đào nhỏ, dài, tiện lợi cho việc vận chuyển ra Kinh Sáng, đầu kinh ở cuối núi nhập với sông Ba Hòn rồi đổ ra biển, khúc này nhỏ hẹp, nông, tàu bè không thông thương được. Bác tôi cũng như những người khai thác đá khác, họ đã tận dụng cái mương này để chở đá sau khi được bắn vỡ ra từ sườn núi thẳng tắp, đập nhỏ xuống thành nhiều cở, rồi dùng xuồng con chở ra bờ Kinh Sáng cho người tiêu thụ đốt vôi hay bỏ lên ghe lớn chở đi nơi khác. Đường bộ duy nhất để đi từ đầu đến cuối núi là con đê đắp cao hơn mặt ruộng. Đê thuần bằng đất sét dẻo, trơn trợt vào mùa mưa và ngăn chia cánh đồng lúa nếp gần nhà ông bà của bác tôi với cánh đồng cỏ tranh mênh mông chạy xa ra tới ngã ba Kiên Lương phía ngoài của dãy núi. Nơi cánh đồng tranh này, những ngày còn bé tôi và chị Nguyệt hay đi lang thang chui dưới cỏ ra tận xa để tìm củ năng, rễ cỏ tranh hay tìm kiếm heo nhà nuôi chạy rông về. Đôi khi nghe tiếng máy bay đầm già bất ngờ, chạy về nhà không kịp, hai chị em mải mốt tìm những lỗ hang hổng bị heo chui vào nằm lên đằm nhẵn bên dưới, cỏ cao hai bên bung ra và bít bùng trên đầu tạo thành một vòm kín để trốn máy bay. Chị tôi vẫn thường nhắc lại chuyện này với niềm tự hào không biết sao chị còn bé mà lại thông minh, lanh lợi đến thế. Tôi thường kết luận về mọi thứ chị ứng phó hữu hiệu thuở ấy là “trong cái khó nó ló cái khôn” hay những chuyện quan trọng chị thành công vào dạo ấy là “thời thế tạo anh hùng”. Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn và an tâm hơn vì luôn có chị bên cạnh che chở trong lúc bố mẹ phải mải lo sinh kế.

Nhà tôi nằm sát chân núi, muốn ra đến con đê chánh này để đi tới những nơi khác thì phải qua môt cái cầu khỉ bằng tre bắt ngang con mương đào bằng ba khúc tre tròn lớn cở cổ chân trẻ con nối nhau. Đoạn giữa bằng ngang và cao hơn hai đoạn ngắn dốc ở hai đầu. Rất may là có thanh tre be bé cũng chia ra 3 đoạn làm tay vịn. Cầu nhún nhảy và run rẩy mỗi khi đi qua. Có khi tôi chơi lý lắc, leo lên cầu rồi đong đưa như con chàng bén. Lúc ấy tôi chỉ 3, 4 tuổi và ốm tong teo nên vẫn an toàn, vô sự. Sau này khi thêm tuổi, bắt đầu biết nhận xét, tôi cứ thắc mắc không biết tại sao bố tôi không dùng thân cau hay thân dừa để làm cầu qua mương như những cây cầu bắt ngang rạch nước trong vườn bà nội tôi để đi cho dễ dàng. Rồi một hôm thấy xuồng chở đá hay lúa gạo chui ngang cầu, tôi vỡ lẽ, thì ra tre làm cầu cao, nhẹ và dỡ lên dễ dàng hơn khi cần. Thế rồi qua cầu, đi hết con đê nhỏ đắp bằng đất sét dài độ 300 mét thẳng góc với con đê chánh thì mới đi tiếp được. Hai bên lề những con đê này mọc nhiều cỏ xen lẫn với những cây Mua có hoa màu tím rất đẹp, chị em tôi thường hái những trái mua tím chín đen và rất ngọt để ăn. Ăn xong đứa nào cũng bị miệng lưỡi đen thui, tím ngắt.

Lúc tôi mới 4, 5 tuổi thì cầu khỉ không khó khăn với tôi, nhưng tôi rất sợ những con đê nhỏ này vào mùa mưa. Nó vô cùng trơn trơt, nhớp nhúa, hai bên bờ đê cỏ mọc cao và rậm rạp làm cho tôi luôn hồi hôp sợ rắn rết, sợ té chạm đất quần áo lấm bê bết bùn. Rất ít khi tôi không bị trợt té mặc dù đã đi chân trần, không guốc dép và mấy ngón chân đã bấu chặt vào nền đất. Đầu con đê này cũng là nỗi kinh hoàng của chị em tôi ngày bé thơ.  Vì lời đồn đãi, hù dọa của người lớn, chị em rất sợ ma khi đi ngang qua. Nơi này là chỗ chùm mả chôn năm người chết ngay đầu con đê tiếp cận với đườmg mòn dọc theo Kinh Sáng - khu tập trung tất cả người trong làng và các dịch vụ buôn bán nhỏ. Họ bị bắn chết và bỏ nằm phơi xác tại chỗ này đến mấy ngày do tội chống Pháp. Họ là những người trong tổ chức chống Pháp ở thành về làng xa xôi hẻo lánh này để ẩn dật, lẫn trốn. Không hiễu sao Tây truy tầm ra và vào tận Núi Trầu tìm bắt rồi xử bắn chết tức khắc. Dân làng đã lén chôn cất họ tại nơi họ bị bắn vào ban đêm sau khi Tây rút ra khỏi. Mỗi chiếc mả đều có bia khắc tên họ, ngày chết nhưng theo thói quen người ta chỉ gọi tắt là mả năm ông. Lúc có dịp phải đi ngang qua, tôi thường nín thở, đi thật nhanh nhưng vẫn không quên ngoái cổ nhìn lại chòm mả. Tôi sợ từng tiếng sột soạt nhỏ, từng sự xuất hiện bất ngờ của những con kỳ nhông đầy màu sắc rực rỡ đang ngóc cao đầu trên mấy bia mộ. Óc tưởng tượng của tôi làm việc thật nhanh chóng và dồi dào, cứ ngỡ đó là hồn ma như những lời đồn, hoặc sẽ có con ma hiện nguyên hình lên ngay sau đó. Thế là tôi co giò chạy miết mà tim đập loạn xạ, muốn đứt thở.

Gần cuối núi có nhà bác Phúc, bác này có nghề cạo gió, bắt gân, cắt lể nên được dân làng mời đi chữa trị khi hữu sự bất kể ban ngày hay đêm hôm khuya khoắt. Mỗi lần bác đi ngang chùm mả vào ban đêm mọi người đều nghe bác hát hò, la hét hay gọi réo tên người này người nọ vang dội cả núi. Ai cũng biết tại bác nhát gan nên làm ồn ào lớn tiếng để tự trấn an mình. Tôi còn nhớ mỗi sáng Chủ nhật, cũng trên con đê này, các ông bà nhà ở cuối núi thường quấn áo dài lên cổ hầu đề phòng khi bị trợt té. Họ vừa đi vừa nói chuyện huyên thuyên cho đến gần nhà thờ mới mặc áo dài vô. Đi nhà thờ vào mùa mưa là cực hình đối với tôi. Đường trơn trợt, ướt sũng, quần sắn cao tới đầu gối, có khi mất cả giờ mới đến nơi. Rồi xuống cầu dưới bến sông rửa chân sạch sẽ xong mới đi vào trong nhà thờ.

Phía trong bờ đê, dọc phía trước nhà nội và nhà tôi là ruộng lúa nếp của bác Ba Khiêm. Đầu mùa lúc nếp sắp già là lúc thường được thưởng thức món cốm dẹp tuyệt ngon và khó quên. Mỗi khi có dịp ở nhà, bố tôi hay đi câu rê cá lóc trên những thửa ruộng này. Tôi luôn được theo bố để sách túi đựng mồi nhái sống và đựng cá mắc câu cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho gia đình.

Cách nhà tôi chừng 200 mét về hướng nhà nội có một cái hang sâu thông suốt từ núi bên đây sang mặt núi bên kia. Nên khi muốn ra phía sau núi chỉ cần chui qua hang mà không phải đi vòng dài hết chân núi. Đây là Hang Tối. Hang dài khoảng 500 m theo bề dầy giữa núi. Trước miệng hang bùng binh mở rộng, có  một giếng nước ngọt sâu và có nước quanh năm nhờ một mạch nước ngầm dưới đáy. Nóc giếng cao bọng thành vòm và nhiều ngóc ngách nhỏ làm nơi trú ngụ lý tưởng của một bày dơi sinh sôi nảy nở thành đàn đông đảo mà chất phế thải của nó đủ để bác tôi làm phân bón bốn mùa. Giếng cũng cung cấp nước ngọt cho dân làng gần đó quanh năm, nhất là khi bị hạn hán. Ăn uống tắm rửa cũng bằng nước này mà không ai ý thức được rằng chất độc từ phân dơi có thể hại sức khỏe. Có lẽ cuộc sống cơ cực, bần cùng, thiếu thốn đã rèn luyện cơ thể con người chống chõi với bịnh tật, chịu đựng cũng như thích ứng với bao khó khăn, trở ngại phần nào. Hang Tối xuyên lòng núi, bên trong có rất nhiều hang dọc và dài tủa ra hai bên núi như xương cá. Vách hang dưới thấp gần sát mực nước ở đáy là thềm đá lõm vô hình cánh cung. Bờ đá hõm cong dưới thấp de ra thành rãnh dọc hai bên hông tạo nên lối mòn đủ để đặt bàn chân lên đi qua hang được mà không phải lội nước. Tuy vậy phải cúi khum người xuống để tránh va đầu vào những vách đá thấp hay thạch nhủ trên nóc hang, hoặc nhảy ngang những rãnh nức của hang xương cá dọc theo núi. Rãnh nước ở đáy hang là những con rạch nhỏ nông sâu tùy khúc mà mực nước thông nhau và luân lưu cao thấp theo hai mùa nắng mưa. Trong hang luôn lạnh ngắt và tối đen như mực vì không có chỗ thông lên đến đỉnh núi. Muốn đi xuyên hang luôn cần ngọn đuốc soi sáng để dẫn đường. Lúc nhỏ tôi và anh Tấn, con bác Ba Khiêm rất quen từng bước bên trong nên nhiều khi đi sang bên kia núi không cần đuốc. Phía sau núi đất khô cằn và thiếu nước mưa quanh năm nên cây cối rất còi cọt, vàng úa chứ không tươi tốt như mặt núi phía trước. Bên ngoài núi phía này là đồng cỏ ngút ngàn, quanh năm khô cháy. Nhà bác Tư Bồng sinh sống ngay dưới chân núi phía sau này. Bác khai thác đá và làm lò vôi. Sau 75 gia đình bác cũng bỏ làng sang cả bên Mỹ.

Hang Tối là cả môt kho tàng bí ẩn để tôi và anh họ Tấn dò dẫm, thám hiểm các ngõ ngách, tìm kiếm hang nhánh mới và luôn nghi ngờ có người trốn sống trong đó. Hang Tối cũng là nơi trú ẩn, bảo vệ an toàn cho mấy mẹ con tôi trong giai đoạn giặc giã, bất ổn vì bom đạn của Tây, trốn lánh lính Tây nhẩy dù xuống hoặc bố ráp bất ngờ. Chung quanh cửa hang và sau vườn nhà tôi có rất nhiều vỏ sò ốc, đá cuội, sỏi đẹp xinh sắn đủ màu, đủ loại. Chị em tôi hay lượm về chơi chán rồi bỏ chứ không biết giá trị của nó như bây giờ. Vườn sau nhà là dồ núi đất lẫn với đá. Tôi và chị Nguyệt cũng hay đi xục xạo quanh vườn, trong khúm cây, bụi cỏ rậm rạp vào lúc nhá nhem tối để chị Nguyệt bắt chim con đem về nuôi. Lý do là chị rất thích nuôi chim, nhưng không giữ được lâu, chỉ vài hôm là bị mèo ăn thịt. Có một hôm hai chị em leo lên dốc núi cao tìm hái trái cây rừng như cà chua trái nhỏ xíu, ổi hoang, trái cây, bỗng gặp một bày khỉ lối 20 con đu đưa trên cây. Thấy chúng chí chóe tôi cũng chọc nhại chí chóe lại, không ngờ bày khỉ nhảy xuống đất và rượt chúng tôi. Chị em tôi chạy trối chết, chị Nguyệt chạy nhanh hơn, còn tôi sợ quá quýnh quáng vấp phải hòn đá to, bể cằm máu chảy thành dòng. Bây giờ vẫn còn mang thẹo.

Vào năm tôi lên 4 tuổi, tức năm Thìn 1952, có thêm biến cố được ghi nhớ là nguyên vùng Núi Trầu và lân cận bị ngập lụt lên đến  cả thước nước. Nguyên nhân do mưa dầm kéo dài lâu và nước sông Cửu Long miệt Long Xuyên, Châu Đốc đổ xuống nhiều rồi không thoát ra biển kịp. Người lớn khi ấy bận rộn lo sao cho đủ thức ăn qua ngày, lo làm sàn bằng ván cao nửa lừng nhà để chạy mực nước, lo chống chõi với mưa to gió lớn sao cho nhà cửa đứng vững. Riêng mấy đứa trẻ như tôi được vọc chơi thật thoải mái. Từ mép ván ngay hàng ba trước nhà tôi có thể thòng hai chân xuống đùa nghịch trong nước, hay thò tay mò mẫm cố bắt mấy con cá lìm kìm nổi lên mặt. Không nhớ làm thế nào mà tôi rơi tòm xuống nước. Tôi loi ngoi, quơ quào, uống một bụng nước và còn nhớ cảm giác lúc ấy thật ngẹt thở và rất sợ vì biết mình sắp bị chết. Rất may thời gian này có cậu Thới đến ở nhà tôi để đi học, cậu ngồi câu cá kế bên, thấy sao bong bóng nước tim hơi lên nhiều quá, cậu ngó sang chỗ tôi ngồi không thấy đâu, cậu vội nhảy xuống nước mò tìm và vớt tôi lên. Kể từ lần chết đuối hụt đó tôi không bao giờ dám xuống nước học bơi nữa. Vì vậy suốt đời tôi chưa hề biết bơi lội ra sao.

Thuở ấy gia đình tôi mới có 3 chị em gái: chị Nguyệt lớn nhất, chị Huê kế, đến tôi vừa lên 4, 5 tuổi, rồi tới Tân còn rất bé. Chị em tôi cách đều hai năm một. Ba năm sau mẹ tôi mới sinh được em trai Tân, đó là niềm an ủi lớn nhất cho bố tôi vì ông luôn mong mỏi một cậu con trai. Mẹ tôi kể, khi sinh tôi, bố tôi nghe tin vừa về đến nhà nhìn thấy tôi lại là con gái nữa, ông thất vọng não nề và bỏ đi ngay. Bạn bè cười chế nhạo ông và nói đùa bố tôi chỉ sản suất toàn Thị Mẹt. Thật ra bố tôi rất bận bịu. Ông cũng như bao người bạn cùng thời với ông thuở đó, rất căm thù Tây nên họ đều tham gia phong trào Việt Minh kháng chiến chống Pháp với lòng nhiệt thành và chí khí hào hùng. Bố tôi thuở nhỏ được vị linh mục người Pháp gửi lên Nam Vang cho theo học trong một đại chủng viện công giáo để trở thành người chăn chiên nối tiếp tương lai. Sau vài năm ông bất mãn, xuất khỏi dòng tu và trở về tiếp tục học với vị linh mục này trong nhiều năm nữa nên ông có được vốn kiến thức ta và tây tương đối khá. Nhờ vậy sau này ông được bổ làm thầy giáo. Khi vào kháng chiến, lúc đó phong trào đang phát triễn mạnh và có rất nhiều thanh niên, nhà trí thức ở thành thị đi theo, bố tôi được chọn làm bí thư cho ông tỉnh ủy Long-Châu-Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà tiên) Trần văn Giàu. Những năm tháng này tôi rất ít khi được gặp bố. Thỉnh thoảng trên đường công tác, ông ghé thăm nhà vài tiếng đồng hồ rồi lại đi. Tôi nhớ mỗi khi bố về, ông mặc một chiếc áo sơ mi màu ngà ngà tay dài bỏ vào quần kaki xanh đen, mang chiếc cặp táp da màu nâu đậm thật nặng. Ông được chở bằng một chiếc xuồng con do một thanh niên trẻ ngồi phía sau bơi và cập ngay bến mương trước nhà tôi. Dưới mắt đứa trẻ nhỏ như tôi, ông trông thật oai phong. Rồi ông đi biệt có khi vài tháng dài.

Mẹ tôi lút cút tay xách nách mang, quay quắt làm lụng vất vả để nuôi bày con. Bà xoay sở đủ cách, trồng một vườn đu đủ phía trên dốc đá xen lẫn với dâu nuôi tằm, cất rượu bán… Tôi nhỏ xíu nhưng lanh lợi, dẻo dai hơn nên có bổn phận leo trèo cây đu đủ cao để hái trái mang xuống mà không sợ sức nặng làm ngã đổ nguyên cây. Chị Nguyệt mới lên tám, chín, nhưng đã khôn trước tuổi. Chị tự đa mang nhiều trách nhiệm, gánh vác chuyện khó trong gia đình như một đứa lớn mười mấy tuổi, chăm sóc mấy đứa em, phụ giúp mẹ đủ điều. Chị Nguyệt và tôi gần gũi nhau hơn vì cả hai cùng thích xông xáo, nghịch ngợm, mạo hiểm. Tôi luôn bám dính theo chị đi khắp những nơi mà chị tới. Chị Huê thì quá hiền ngoan, sợ dơ bẩn, chỉ thích ngồi trên chõng và luôn giữ chân tay cho được sạch sẽ. Ba chị em tôi biết dùng bàng đã phơi khô rồi giã dẹp ra và đan cà ròn làm bao đựng thóc lúa gạo hay mọi thứ vào thời ấy, biết đan đệm trải giường hay nóp làm túi ngủ… để mẹ tôi bán cho người đi buôn kiếm miếng ăn qua ngày. Tôi lãnh phần dễ nhất, chỉ đan khúc giữa của những sản phẩm bằng bàng, rồi hai chị lớn lãnh hoàn tất phần khó hơn như giắt bìa, bẻ góc, ráp nối.v.v… Mẹ tôi nuôi tằm và tự kéo tơ thành những cuộn tròn vàng rực, óng ả. Tuy bị bắt buộc phải bán cho tổ chức kinh tài của Việt Minh với giá bèo nhưng bà biết lén cất dấu lên chút ít và mang đi  bán thật xa cho được giá hơn hầu mong có đủ tiền nuôi con. Cuộc sống của gia đình tôi rất chật vật, ăn uống kham khổ, chỉ có mắm cá, mắm ruốc, con ruốc tép khô, canh đu dủ nấu với ruốc, con nhọng, tằm ram… Thỉnh thoảng có nhóm người Miên tìm cách leo lên vách đá đứng sựng, phẳng lì và trơn tuột sau nhà tôi bắt những tổ ong lâu ngày lớn như cái nong. Sau đó họ chia phần cho mẹ tôi một miếng nhỏ chứa đầy ong con, mật và sáp. Để có đủ dinh dưỡng, mẹ bắt chị em tôi ăn cả con ong non và dùng khoai môn luộc chấm mật ong vào mỗi buổi sáng. Chẳng biết có bổ béo gì không nhưng vào giai đoạn khó khăn, thiếu thốn đó, đây là thức ăn hảo hạng và cần thiết cho trẻ con luôn thiếu chất ngọt quanh năm mà chị em tôi được thưởng thức.

Từ khi phong trào Việt Minh lớn mạnh và có phần chuyển hướng khác thì Núi Trầu biến thành khu giải phóng, mọi sịnh hoạt mua bán, đi đứng nằm dưới quyền kiểm soát của họ. Không được xài hàng ngoại, không được xa xỉ, mọi sản phẩm làm ra phải qua tay cán bộ kinh tài, không được bán ra ngoài khu. Bà nội tôi và những cụ già khác được phong làm mẹ chiến sĩ mà bổn phận là phải đóng góp không ngừng để nuôi bộ đội. Mọi người phải ngừa bịnh bằng phương pháp cấy nhau.v..v... Mấy chị em tôi đến nay đứa nào cũng vẫn còn cái thẹo to tướng trên cánh tay vì sự việc này.
Dạo sau này có khoảng 12 người trong bộ đội đóng tại nhà tôi. Mấy chú mặt mũi đều trông trắng trẻo, sáng sủa, có chú mang kính trắng xem tướng thật sang. Họ biết làm nhiều thứ như dùng bột in truyền đơn bằng mực tím với chữ viết tay xiên xiên trông thật đẹp, biết đàn hát hay. Họ thường mài mã tấu dài, sắc bén và sáng choang sau vườn nhà tôi. Họ nấu cơm bằng gạo đỏ gọi là gạo Nam Thái Sơn (?) mà mỗi khi thấy tôi đứng nhìn, họ hay cho tôi một miếng cơm cháy nhỏ ngon ơi ngon à. Nhà tôi vẫn còn được ăn gạo trắng nhưng vì lạ miệng và gạo đỏ rất ngọt cơm nên tôi thích lắm. Thấy tôi nhỏ và cứ quanh quẩn với mấy chú nên được mấy chú dạy cho nhiều bài hát mà bây giờ tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu như “Mẹ ơi! Con ra đi nay còn chinh chiến. Lúc con về là ngày vui chiến thắng…Con ra đi không quên ngày về…” hay “Ò..ó..o…Vác cuốc lên vai… Ta xây nước nam bên Thái Bình Dương…” Tôi không chắc lắm là đúng hay sai, nhưng từ dạo đó đến nay tôi chưa bao giờ nghe lại ai hát gì mà có giọng điệu tương tựa như vậy cả. Những khi hội họp ngoài sau vườn thấy tôi đến gần mấy chú cũng chẳng đuổi tôi đi. Nhờ vậy tôi có thêm những sự hiểu biết về tình hình, về những sinh hoạt của họ mà vẫn dấu kín một mình, vẫn nhớ lâu dài.

Lúc này ban đêm tôi thường giật mình thức giấc vì nghe nhiều âm thanh ồn ào và rì rào. Sáng hỏi mẹ, mẹ bảo mấy chú tập trận ngoài cánh đồng tranh phía trước nhà tôi. Rồi thì phong trào hoạt động mở rộng, rộn ràng và tích cực lên thêm. Thường khi có những buổi mít-tinh hay họp hành nghe giảng giải chính sách vào sáng Chủ Nhật hay ban đêm mà dân làng bị bắt buộc phải tham dự. Vài lần thì dường như luôn bị máy bay Tây thám thính quần thảo trên đầu hay bố ráp nhỏ. Mọi người chạy tán loạn. Thế nhưng những phiên họp vẫn được tiếp tục. Dân làng vẫn bị tham dự với sự lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, sợ hãi.

Máy bay Tây đảo tới thường xuyên hơn. Thét rồi chị em tôi rất thính tai, thoáng nghe tiếng u u còn rất xa là đã dắt díu nhau chạy trốn vào Hang Tối cách nhà khoảng 200 mét để tránh bom. Sáng mẹ tôi dậy thật sớm, bà thổi cơm, vắt thành từng nắm tròn, cứng chắc và kèm thêm gói muối mè nhỏ rồi bỏ vào ruột tượng hay quấn trong khăn rằn cho mỗi chị em tôi cột vào người. Như vậy khi có máy bay hay giặc đến phải chạy trốn xa và lâu thì không bị đói. Chiều đến cơm nắm còn đó thì cắt ra ăn. Hôm sau lại tiếp tục làm như thế nữa. Thời gian này, vào khoảng chạng vạng tối tôi thấy người lớn luôn hồi hộp, lo âu, họ lấm lét sợ hãi chờ đợi những tin tức trong ngày của người đi đường ngang qua tạt vào rỉ tai. Thường thì toàn tin xấu, lúc thì có người bị chặt đầu ở cánh đồng tranh trước nhà tôi, khi thì có kẻ bị trói ké rồi bị giết thả trôi sông vì tội làm Việt gian. Tôi nghe thét rồi hoảng sợ, hoang mang vô cùng vì họ bảo đa số là người địa phương bị giết oan.

Khoảng giữa năm 1953 thì tình hình càng căng thẳng, rùng rợn hơn. Thỉnh thoảng có chú ở nhà tôi ngủ sáng dậy tư nhiên biến mất, có chú giải thích đã về thành rồi. Người lớn rỉ tai bảo họ bị chặt đầu ngoài cánh đồng tranh vì không theo Đảng. Tình trạng  này kéo dài đến cuối năm thì chỉ còn vài chú ở lại và nghe đồn họ chuẩn bị đi tập kết ra Bắc. Hai anh em trai tên Tấn và Tới, con ông bà thợ may Ân ở cuối núi cũng sắp xếp để lại hai vị hôn thê mới đính hôn là cô Kim Hoa và Bạch Tuyết con ông bà Bộ Tú mà lên đường. Môt người bạn thân của bố tôi đã làm chức linh mục cũng bỏ đi. Về sau ông này cũng làm lớn trong quốc hội ngoài bắc.

Đến năm 1954, khi cuộc tập kết đã chánh thức bộc phát một thời gian và kết thúc thì một hôm thấy bố tôi trở về. Ông đã lựa chọn con đường riêng của ông, hay ông đã nhận thức được điều gì phải né tránh từ bấy giờ? (Điều này tôi đã linh cảm được bằng vào bao nhiêu diễn biến xảy ra hàng ngày. Sau này tôi càng cảm phục sự sáng suốt, nhạy bén và tinh thần nhân bản, đạo đức của bố tôi hơn. Nhất là suốt trong thời kỳ quốc gia cầm quyền, dù bạn bè thân thích của bố có người bên đây, kẻ bên kia, móc nối với bên ngoài bên trong, hoặc đi hàng hai. Họ vẫn xem nhau như bằng hữu nhưng bố vẫn giữ lập trường trung lập của mình. Lớn lên tôi cũng rất tương đồng với bố về chánh kiến, hay nhận xét về thời cuộc. Thật may cho tôi). Nhưng con đường quay về của bố phải đương đầu với vô vàn nguy hiểm, khó khăn trước mặt. Ông phải lẫn trốn, không xuất đầu lộ diện một thời gian và không ở nhất định một nơi nào, ban đêm ông phải thay đổi chỗ ngủ liên miên. Phải chờ đến năm sau khi chấm dứt cuộc thanh trừng, truy lùng, tìm kiếm người ở lại của đảng thì bố tôi mới được sống yên ổn làm ăn.

Thật không may cho cái làng Núi Trầu nhỏ bé này! Ngay sau khi Việt Minh hay đã chuyển mình thành Đảng Cộng Sản rút ra ngoài Bắc thì quân đội Hòa Hảo vào chiếm đóng. Tuy thời gian họ trấn giữ làng Núi Trầu không lâu, nhưng cũng đủ để lại trong lòng tôi những dấu ấn sâu đậm và lâu dài. Để bảo toàn an nguy, họ rất nghiêm ngặt với những thành phần bị nghi ngờ là bất lợi cho họ. Những ai bị tình nghi sẽ bị tra khảo triệt để. Xéo xéo trước nhà tôi, đối diện với cụm mả năm ông bên đây con đê, dọc trên con đường mòn ngoài Kinh Sáng có môt sân đá banh. Bấy giờ sân chơi này đã trở thành khu hành hình tội phạm. Để việc điều tra hữu hiệu, họ tra khảo, khủng bố bằng cách chôn sống người bị tình nghi gần tới cổ, rồi hăm dọa sẽ chôn hết luôn nếu không khai đủ. Có người bị chôn đến cả vài ngày không cho ăn uống dưới nắng thiêu đốt mùa hè. Mấy bà cụ già tốt bụng đã bất chấp sợ hãi, nguy hiểm, họ lén mang cơm nước uống cho người bị chôn vào ban đêm. Tôi không nghe nói có ai bị giết, nhưng biết có một người đàn bà tên Chi đang mang thai được 7 tháng cũng bị chôn tới cổ vài hôm. Nguyên do vì lính của họ đóng tại nhà bà bỗng dưng bị mất hai khẩu súng. Bà Chi bị chôn cả ngày lẫn đêm, họ  canh giữ không ai dám đến gần. Buổi tối mẹ tôi nấu cơm rồi sai chị Nguyệt mang ra cho bà, cũng may khi thấy chị chỉ là một đứa con nít nên họ cũng lờ đi. Song vẫn không khai thác được gì nên họ mang bà lên, rồi đổ dầu lửa vào quần áo và hăm dọa sẽ thiêu sống bằng một ngọn đuốc nếu bà không chỉ điểm người lấy súng. Chẳng may ngọn lửa gần dầu bùng lên bắt cháy vào quần áo của bà. Họ bỏ đi rồi dân làng xông vào dâp tắt lửa cũng vừa lúc bà này chuyển bụng sinh. Mẹ tôi lại bảo chị Nguyệt lén chạy đi rước bà mụ chuyên đỡ đẻ trong làng tên bà Mụ Đỏ đến giúp bà. Bà mụ này nhờ dân làng cất tạm môt cái chòi lá nhỏ với một chõng tre ở góc sân banh gần chòm mả 5 ông rồi mang bà Chi để nằm trên chõng lót lá chuối. Bà Chi bị quần áo cháy dính sát da thịt nên khi lột quần áo ra da cũng bị lột theo. Nhìn cơ thể da thịt cháy đỏ loét và không khoác được quần áo lên mình đã làm cho bao nhiêu người thương tâm, rơi nước mắt. Cũng vào ngày này người đàn bà đó sinh được một đứa con trai. Mẹ con cùng khỏe, nhưng bà Chi đã phải mang thương tích kéo dài vì thiếu thuốc men và mang những vết thẹo cháy bỏng khắp cơ thể cho đến chết. Chị Nguyệt cũng mới chỉ một nhúm tuổi đầu nhưng tôi phục chị đã sớm thật hữu dụng, thật can đảm.

Từ nhà tôi có thể nhìn cảnh tượng này rõ ràng từng chi tiết, đồng thời cứ nghe kể đi kể lại bởi dân làng chung quanh, đã tích lũy thêm không biết bao nhiêu nỗi hãy hùng, bàng hoàng, run sợ và đau lòng vào trái tim nhỏ bé, vào quãng đời thơ ấu, vào tuổi non dại của tôi. Rất may cũng còn niềm an ủi là dù trải qua bao biến cố, bao thương tâm chồng chất nhưng lòng tôi vẫn không trở thành chai đá, vô cảm, vẫn còn xúc động, xót xa và đau đớn với cái đau chung của mọi người.

Bố tôi bắt đầu xoay sở tính phương kế để nuôi gia đình. Mặc dù vận chuyển, buôn bán rất khó khăn, nhưng bố vẫn thừa lòng can đảm, vẫn quyết tâm đương đầu. Ông sắm ghe nhỏ rồi hùn hạp chở lúa gạo ra Rạch Giá bán. Đường đi khó khăn, phải xin giấy phép và đóng tiền mãi lộ từng chặng. Mỗi nơi mỗi khác và lơ mơ là bị gán vào tội thông tin tức cho địch. Thường thì bị khám xét rất kỹ. Cũng như thời Việt Minh, hàng ngoại, hàng xa xỉ bị cấm mua bán, cấm xài. Bố tôi mua môt cái khăn lông hay cục xà phòng để tắm cũng phải lén lút, dấu diếm. Một lần, sẵn nhà có nhiều đu đủ ngon từ vườn mẹ tôi trồng, bố chở một một ghe đầy đu đủ ra Rạch Giá bán. Lần này bố cho chị Nguyệt đi theo. Bấy giờ chị cũng chỉ lên khoảng 11 tuổi thôi. Hai bố con rong ruổi ngày đêm, về chị kể mãi, thật thương cho bố, bận đi ghe chở năng, phần chèo nước ngược, khi nước chảy siết, không chèo nổi nữa, bố lên bờ, vòng giây vô cổ mà kéo ghe đi từng chút một. Bố tôi nhỏ con, ốm yếu, sức lực kém cõi, nhưng tinh thần và ý chí thì thật mạnh mẽ. Trên những chặng đường này có lần bố gặp phải một chuyện vui đáng nhớ mà sau này bố kể nhiều lần cho con cái nghe. Khi đến một đồn khám xét, sau khi chú lính chẳng tìm thấy điểm nào để bắt chẹt, làm khó được, chú muốn làm tiền nên cứ giữ bố lại, không chịu thả cho đi tiếp. Lúc đó chú cũng ngà ngà say rồi nên cứ lập đi lập lại điệp khúc “tôi giữ anh lại vì tôi mến anh, tôi thương anh, tôi muốn được dĩ vãng với anh”.v..v… Bố tôi hiểu ý nên nhét cho chú ít tiền. Thế là hai bố con được đi tiếp. Bận về chị Nguyệt thích cái khăn lông có bông quá, bố mua cho, cũng bị xét và giữ lại, chị phải giả làm cháu của bố và nhận là khăn của chị mua để đội đầu. Ỉ ôi nài nỉ mãi chú lính mới cho xin lại. Cuộc sống của gia đình tôi cũng tạm ổn qua ngày. Cũng trôi nổi bồng bềnh và hồi hộp theo những chuyến đi buôn của bố.

Một đêm sắp tàn vào khoảng giữa năm 1955 mẹ tôi nhớ lúc đó gà chưa kịp gáy, ngoài trời còn tối đen, bố lại không có nhà. Bỗng mẹ và chị Nguyệt cùng nghe như có tiếng lạch tạch, đì đùng xa xa và tiếng rắc rắc gần nhà. Mẹ thì thào “Lạ! Không mưa to gió lớn sao chuối bị đổ gãy”. Mẹ nói chưa dứt câu thì nghe liên tiếp từng tràng súng nổ dòn theo sau. Mấy mẹ con không biết chạy đàng nào, bấy giờ chị em tôi đã có cả thảy 5 đứa, đành ngồi cả cụm mà ôm nhau chịu trận. Một lát sau thì tiếng súng ngừng bặt, yên ắng môt hồi thì mẹ nghe có tiếng người rì rào qua vách ngoài hông nhà. Bất đắc dĩ sợ đạn bắn vào trong, mẹ mới hé cửa bằng phên tre và nói với bóng đen mờ mờ bên ngoài:

“Mấy chú ơi, trong này chỉ có mấy mẹ con tôi còn nhỏ thôi, ngoài ra không có ai hết”.

Chẳng biết họ có nghe và tin không, nhưng tiếp tục yên lặng cho đến sáng hẳn. Trời vừa tỏ rõ thì bố xuất hiện bất ngờ. Mọi người ngỡ ngàng rồi mừng rỡ vì hết lo an nguy cho bố. Tự sự được giải thích như sau:
“Mấy ngày hôm trước, lúc bố ở bên ngoài chuẩn bị cho chuyến đi buôn kế thì gặp một người thân tín của ông ngoại tôi gửi đến để bí mật tìm bố rồi dắt về gặp ông ngoai tức khắc tại Rạch Đùng. Đây là vùng cận ven biển, sau khi qua khỏi Hòn Trẹm, Hòn Chông, đi ngoằn ngoèo một đỗi nữa thì thấy ngọn núi đất to lớn và cao hơn. Đó là núi Rạch Đùng, cách Núi Trầu độ chừng 30 km. Nhà ông ngoại chiếm một vùng rộng trên lưng chừng núi này.

Bố tôi không biết ất giáp gì, chỉ biết tin khẩn ông tôi nhắn nên lật đật đi theo mà không kịp ghé nhà hay nhắn tin cho mấy mẹ con tôi. Khi bố tôi đến nơi thì thấy môt đại đội lính Quốc Gia đang chiếm đóng tại đó. Nhóm tham mưu giải thích họ muốn tìm đường để tiến đánh chiếm lại vùng Núi Trầu từ tay quân đội Hòa Hảo một cách an toàn, nên cần người vẽ chi tiết bản đồ địa thế ở đó. Lộ trình tính sẵn của họ là đi thẳng vào rồi bao vây bốn phía từ xa và xiết vòng vây nhỏ lại khi đến gần. Gồm có một cánh quân từ Hà Tiên đổ xuống theo đường Cờ trắng. Cánh khác từ Rạch Đùng tiến vào bao hướng mặt biển. Cánh phía Kiên Giang sẽ chận đường sông và hướng Long Xuyên.v.v... Ông ngoại tôi phản đối, không giúp họ vì bảo như thế sẽ chết rất nhiều. Cuối cùng họ đồng ý cho ông triệu hồi Bố tôi tới. Ý kiến của bố đưa ra là buộc họ chỉ bao vây ba phía và để hở phía kinh rạch bên kia sông, hướng có thể chạy về Long Xuyên. Như vậy sẽ giảm thiểu đổ máu tối đa. Nếu không thỏa thuận phương cách này bố tôi sẽ để họ tìm người khác. Có lẽ vị chỉ huy trưởng là người có lòng nhân hay quan tâm đến sinh mạng vô tội của mọi người nên đồng ý theo đề nghị của bố tôi. Vả lại trên thực tế, tôi nghĩ ai lại không cầu hai chữ bình an cho chính bản thân mình. Và rồi họ tiến hành trận đánh theo ý kiến của bố tôi với vài loạt đạn bắn chỉ thiên. Khoảng dưới 100 người lính Hòa Hảo đóng rải rác dọc theo Kinh Sáng cũng không chống cự mãnh liệt mà rút lui một cách êm thắm về miệt Long Xuyên. Không môt người dân làng bị chết hay bị thương. Tổng kết tình hình là chết hết 2 con chó và một con heo theo dân làng báo cáo lại.”

Bố kể sao mẹ con tôi nghe vậy. Chỉ đồng tình với bố sau này là bố bảo bố rất hãnh diện vì đã giúp cho dân làng cũng như quân đội hai bên không hề bị thiệt mạng. Mãi về sau, ngày bố mất tại Mỹ, một số dân làng Núi Trầu đến đưa đám tang, thậm chí có người từ tiểu bang khác cũng đến tham dự. Lúc đó họ thừa nhận nhờ có bố tôi giúp mà mọi người mới được an toàn trong trận đánh đó, họ trân trọng biết ơn việc bố làm. Bấy giờ mấy chị em tôi càng có thêm sự khẳng định về hành động sáng suốt và can đảm của bố.

Sáng sớm ngày hôm sau khi lực lượng Quốc Gia tái chiếm lại làng Núi Trầu, lúc trời còn chưa sáng tỏ, gia đình tôi thu xếp bồng bế nhau theo cano của quân đội lên Hà Tiên. Tôi bỏ lại sau lưng vùng đất Núi Trầu đồng khô cỏ cháy, nơi đã ấp ủ tôi từ khi ra đời. Bỏ lại sau lưng khung trời mộng ảo của tôi, với nhiều nơi hoang vu, bí ẩn còn chưa kịp khám phá, tận hưởng hết. Bỏ lại tất cả ở nơi này những ngày tháng đã làm cho tâm hồn thơ dại của tôi sớm biết xốn xang, sớm nhuốm đậm những niềm đau thương theo thời cuộc. Tôi đã mang theo cuộc hành trình dài khởi từ khúc sông Kinh Sáng vùng Núi Trầu trên chiếc cano nhỏ bé đến đất Hà tiên với một trái tim bé bỏng đầy thương tích bởi biến cố loạn lạc.

Và còn kéo dài nối tiếp thêm trong suốt những chuyến đi dọc theo đường đời sau này.

Nguyễn Thị Thu
Oct 12, 2021

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021